Hàn Quốc

Taekwondo – môn võ truyền thống của người Hàn Quốc

Taekwondo là môn võ thuật truyền thống của Hàn Quốc và là loại hình võ đạo (mudo) thường được tập luyện nhất của nước này. Nó cũng là một trong các môn thể thao phổ biến nhất trên thế giới. Tae có nghĩa là "cước pháp"; Kwon nghĩa là "thủ pháp"; và Do có nghĩa là "Đạo, con đường" (hay "nghệ thuật"). Vì vậy, Taekwondo có nghĩa là "Nghệ thuật đấu võ bằng tay và chân".

Nguồn gốc của môn võ Taekwondo

hàn quốc, văn hóa hàn quốc, taekwondo – môn võ truyền thống của người hàn quốc

Võ thuật ở Hàn Quốc có lịch sử lâu đời bắt đầu từ thời cổ đại. Các nghệ thuật chiến đấu truyền thống của Hàn Quốc, có thể bắt nguồn từ thời kỳ Cao Ly năm 37 trước Công nguyên. Người ta đã phát hiện ra tại di tích của mồ mả hoàng gia Muyongchong và Kakchu-chong xây cất trong khoảng từ năm thứ 3 đến năm 427 nhiều bức tranh vẽ trên tường có cảnh những người đàn ông đang tập luyện. Đây có thể là những tài liệu ban đầu mô tả về các kỹ thuật đối kháng ban đầu có tên là Subakhi.
Các kỹ thuật chiến đấu truyền thống Triều Tiên cũng được tập luyện tại Sil La, một vương quốc được thành lập ở đông nam Triều Tiên vào khoảng 20 năm trước triều đại Cao Câu Ly ở phía Bắc. Tại Kyongju, kinh đô trước đây của Tân La, hình hai vị Kim Cang trừ ma diệt quỷ bảo vệ Phật giáo trong tư thế trụ tấn được khắc trên bức tường trong hang động Sokkuram ở đền Pulkuk-sa. Thời gian này, một tổ chức Hwarangdo gây ảnh hưởng rất lớn và làm phong phú thêm cho nền văn hóa và võ thuật Triều Tiên, được thành lập. Con cháu của giới quý tộc ở Tân La đã được tuyển chọn để học tập huấn luyện trong Hwarangdo như là một tổ chức quân đội, giáo dục và xã hội. Các kỹ thuật chiến đấu của Trung Quốc cũng được du nhập và được đưa vào huấn luyện truyền bá trong Hwarangdo với tên gọi Dang Soo (Đường thủ), Gong Soo (Tống thủ).

Nhiều tài liệu cho thấy tổ chức này không chỉ xem việc tập luyện võ thuật như là phần thiết yếu trong huấn luyện quân đội và tăng cường thể chất mà còn phát triển chúng như là một hoạt động giải trí. Các khám phá nghệ thuật cổ như các bức tranh trên tường ở những ngôi mộ của triều đại Cao Câu Ly, các hình ảnh khắc trên đá ở những đền, chùa được xây dựng trong khoảng thời gian của triều đại Silla và nhiều tài liệu cho thấy các thế tấn, kỹ thuật và hình dáng rất giống với các thế tấn và hình dáng của Taekwondo ngày nay.

hàn quốc, văn hóa hàn quốc, taekwondo – môn võ truyền thống của người hàn quốc
Trong thời kỳ Cao Ly (918-1392), võ thuật Triều Tiên, lúc bấy giờ được biết nhiều với tên gọi là Subakhi, được tập luyện không chỉ được xem như là một kỹ năng để tăng cường sức khỏe mà nó còn được khuyến khích tập luyện như một võ thuật có giá trị cao. Có ít nhất là hai tài liệu được ghi chép trong thời gian đó cho thấy rằng Subakhi đã trở nên rất phổ biến đến nỗi nó được đem biểu diễn cho vua xem. Điều này có nghĩa là Subakhi đã được tập luyện như một môn thể thao có tổ chức cho khán giả xem và các chuyên gia cho rằng vào thời gian đó người Hàn Quốc rất thích khía cạnh thi đấu của võ thuật.
Dưới thời nhà Triều Tiên có một quyển sách phát hành về dạy hệ thống các kỹ năng chiến đấu tương tự cách huấn luyện võ thuật ngày nay. Nó đã trở thành phổ biến hơn với công chúng, ngược lại với triều đại Koryo trước đây, võ thuật chỉ độc quyền cho quân đội. Một tài liệu lịch sử viết người dân của tỉnh Chungchong và Cholla đã tụ tập ở một làng tổ chức thi đấu Subakhi. Tài liệu này cho thấy Subakhi đóng một vai trò quan trọng trong hoạt động thể thao quần chúng. Hơn thế nữa, dân chúng muốn tham gia vào quân đội của hoàng gia rất háo hức tập luyện Subakhi bởi vì nó là môn kiểm tra chính trong chương trình tuyển chọn.
Đặc biệt, vua Triều Tiên Chính Tổ (1777-1800) phát hành một bộ sách giáo khoa về phong tục và tập quán Hàn Quốc có tựa đề là Chaemulbo, trong đó nói rằng Subakhi được gọi là Taekkyon, một tên gọi rất tương đồng với tên gọi Taekwondo ngày nay.
Các chuyên gia cho rằng vấn đề quan trọng ở đây không chỉ là tên được thay đổi mà cả kỹ thuật cũng thay đổi một cách đột ngột. Trong giai đoạn lịch sử Subakhi trước đó, kỹ thuật tay được nhấn mạnh. Các tài liệu lịch sử có liên quan đến Taekkyon được xuất bản vào khoảng cuối thế kỷ 19 ghi lại rằng nó là một nghệ thuật được đặt phần lớn trên các kỹ thuật chân. Lúc bấy giờ, Taekkyon thật sự là một môn thi đấu có hệ thống tập trung vào kỹ thuật chân và chiến thuật. Vì vậy thật là rõ ràng trong suốt thời nhà Triều Tiên, Subakhi đã trở thành một môn thể thao quốc gia quan trọng và thu hút sự chú ý của cả hoàng gia lẫn công chúng.
Vào cuối triều đại Chonsun, Subakhi bắt đầu suy tàn vì sự bỏ mặc của hoàng gia cũng như sự ăn sâu của đạo Khổng đề cao giá trị văn chương. Subakhi chỉ tồn tại như một hoạt động giải trí của người dân thường.
Vào cuối thế kỉ 19, quân đội Triều Tiên suy yếu, người Nhật đô hộ đất nước. Sự áp bức của đế quốc Nhật Bản đối với nhân dân Triều Tiên rất hà khắc và việc tập luyện võ thuật được xem nguồn gốc của sự nổi loạn bị cấm đoán. Tuy nhiên, các tổ chức kháng Nhật sử dụng Taekkyon như một phương pháp huấn luyện tinh thần và thể chất. Ngoài ra, các du học sinh Triều Tiên tại Nhật Bản cũng hấp thu được các môn võ mới của Nhật Bản như Karate và Jujitsu. Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến việc hình thành môn võ Taekwondo hiện đại sau này.
hàn quốc, văn hóa hàn quốc, taekwondo – môn võ truyền thống của người hàn quốc
Sau giải phóng vào ngày 15/8/1945, những người có nguyện vọng khôi phục lại môn võ thuật cổ truyền Triều Tiên bắt đầu dạy trở lại. Bên cạnh đó, các du học sinh Triều Tiên tại Nhật Bản cũng trở về Triều Tiên và mở các võ đường dạy các kỹ thuật họ tổng hợp từ môn võ truyền thống Triều Tiên với các kỹ thuật tân tiến của Nhật Bản. Các võ đường lớn được thành lập như Chung Do Kwan, Moo Duk kwan, Kwon Bop dojang và Song Moo kwan. Hầu hết đều dùng tên gọi Kong So do hay Tae Soo Do cho môn võ tổng hợp của mình.
Tháng 01/1946, Choi Hong Hi, một sĩ quan trẻ, đã xây dựng phong trào tập luyện võ thuật trong đơn vị của mình. 8 năm sau, trên cương vị Thiếu tướng Tư lệnh Sư đoàn 29 Bộ binh, ông đã thành lập võ đường Oh Do Kwan (Ngã Đạo Quán) tại Yong Dae Ri. Tháng 9/1954, Choi cùng các môn đệ của mình đã biểu diễn các kỹ thuật mới do chính ông tổng hợp trước sự chứng kiến của Tổng thống Rhee Syngman vào tháng 9/1954. Buổi biểu diễn đã gây được ấn tượng lớn đối với Rhee và Choi được bổ nhiệm làm huấn luyện viên trưởng của Chung Do Kwan, bấy giờ là võ đường lớn nhất Hàn Quốc. Đầu năm 1955, một ủy ban đặc biệt được thành lập theo chỉ thị của tổng thống bao gồm các nhân sĩ trí thức, giáo sư, sử gia và các chính khách uy tín để đặt tên cho môn võ mới nhằm quảng bá trong đại chúng. Ngày 11/4/1955, ủy ban công bố tên gọi TaeKwonDo cho môn võ thuật dựa trên nền tảng của môn Taekkyon đã được hiện đại hóa. Tên gọi này chính thức được dùng để thay thế cho những tên gọi cũ như Dang Soo, Gong Soo, Taek Kyon, Kwon Bup,… vốn vẫn được lưu hành trong dân gian.
Cuối cùng vào tháng 9/1959, Hội Taekwondo Hàn Quốc được thành lập (trước đó vốn mang tên là Hiệp hội Tae Soo Do Triều Tiên). Vào thập niên 1960, huấn luyện viên Hàn Quốc bắt đầu ra nước ngoài phổ biến Taekwondo. Tháng 10/1963, Taekwondo đã trở thành môn thi đấu chính thức lần đầu tiên tại Đại hội Thể thao Quốc gia. Đây là bước ngoặt trong lịch sử phát triển của môn võ này.
Ngày 22/3/1966, Liên đoàn Taekwondo quốc tế (International Taekwon-Do Federation – ITF) được thành lập với 9 thành viên sáng lập gồm Việt Nam Cộng hòa, Malaysia, Singapore, Tây Đức, Hoa Kỳ, Thổ Nhĩ Kỳ, Ý, Ai Cập và Hàn Quốc.
Năm 1972, Taekwondo chứng kiến cuộc phân ly lớn sau khi Chủ tịch ITF lưu vong sang Canada và dời trụ sở của ITF về đây sau đó chia làm 3 chi phái: Choi Hong Hwa [con trai của Choi Hong Hi], Chang Ung thành viên IOC tại Bắc Hàn,… Tại Hàn Quốc, Hiệp hội Taekwondo Hàn Quốc thành lập Kukkiwon để tiêu chuẩn hóa kỹ thuật và tổ chức. Giải Vô địch Thế giới lần 1 tại Seoul từ ngày 25 đến 27/5/1973 với 19 quốc gia tham dự. Tại cuộc họp được tổ chức bên lề của giải, một tổ chức mới được thành lập với tên gọi là Liên đoàn Taekwondo Thế giới (World TaeKwonDo Federation – WTF), do Tiến sĩ Un Yong Kim làm chủ tịch. Từ đó, giải Vô địch Taekwondo Thế giới được tổ chức 2 năm một lần.
Hiện nay Liên đoàn Taekwondo Thế giới (WTF) có 193 quốc gia thành viên toàn thế giới, với khoảng 50.000.000 người tập luyện. IOC đã công nhận Taekwondo là môn thể thao quốc tế tại đại hội lần thứ 83 năm 1980, Taekwondo được công nhận là môn thi đấu tại Thế vận hội 2000 và 2004.

Các hệ phái

hàn quốc, văn hóa hàn quốc, taekwondo – môn võ truyền thống của người hàn quốc

Taekwondo hiện đại thoát thai từ các hệ phái võ thuật truyền thống của Triều Tiên, vì vậy cũng có rất nhiều hệ phái khác nhau với những hệ thống quyền pháp khác nhau. Tuy nhiên, có 2 hệ phái chính lớn nhất và ở quy mô thế giới:

Hệ phái Chang Hon

Đây là hệ phái lớn đầu tiên của Taekwondo, dựa trên hệ thống kỹ thuật và quyền pháp do Đại võ sư Choi Hong Hi xây dựng từ năm 1954. Hệ phái lấy tên theo tên hiệu của đại sư Choi Hong Hi, người sáng lập hệ phái: Chang Hon (Thương Hiên). Đây cũng là hệ phái nền tảng của Liên đoàn Taekwondo quốc tế, thành lập năm 1966.
Đặc điểm của hệ phái là có nhiều nét tương đồng với quyền pháp Karate, mang nặng tính chiến đấu. Hệ thống quyền pháp có 24 bài quyền (hyeong) và hệ thống đẳng cấp phân thành 10 cấp (Kup) và 9 đẳng (Dan). Võ phục và thể lệ thi đấu gần như tương tự với Karate. Vì vậy, khi thi đấu, các võ sĩ không mang giáp và khi ra đòn phải dừng đòn ở cự ly tối thiểu hoặc chỉ được khẽ chạm vào đối thủ.

Hệ phái Kukkiwon

Đây là hệ phái lớn nhất thế giới, dựa trên hệ thống kỹ thuật và quyền pháp quy định tổ chức kỹ thuật Kukkiwon của Hiệp hội Taekwondo Hàn Quốc, thành lập năm 1973. Đây cũng là hệ phái nền tảng của Liên đoàn Taekwondo thế giới, thành lập cùng năm đó.
Đặc điểm của hệ phái mang tính hiện đại và thể thao nhiều hơn. Các đòn thế nguy hiểm bị cấm dùng trong thi đấu. Hệ thống quyền pháp có 25 bài quyền và hệ thống đẳng cấp: 8 cấp và 10 đẳng. Võ phục dùng loại áo cổ chữ V và thể lệ thi đấu mang nặng tính thể thao. Vì vậy khi thi đấu, các vận động viên bắt buộc mặc giáp và chỉ được phép tấn công vào phần mặc giáp của đối thủ.

hàn quốc, văn hóa hàn quốc, taekwondo – môn võ truyền thống của người hàn quốc
Taekwondo là một môn võ truyền thống có hệ thống nhất và khoa học nhất của Hàn Quốc. Môn này dạy người ta nhiều điều ngoài những kỹ năng chiến đấu về vật lý. Nó là một nguyên tắc thể hiện những cách thức nâng cao tinh thần và cuộc sống qua việc rèn luyện cơ thể và tâm hồn. Nó cũng là một môn thể thao hiện đại đã có tiếng trên trường quốc tế và nằm trong số những môn thi đấu chính thức của các đại hội Olympic. Từ “Taekwondo” bao gồm 3 phần, mặc dù chỉ là một từ “Tae” có nghĩa là bàn chân, cẳng chân hay bước đi. “Kwon” có nghĩa là nắm đấm để chiến đấu. “Do” có nghĩa là đạo, là con đường để đạt tới một mục tiêu. Cả ba phần này đã gộp thành hai khái niệm quan trọng đằng sau từ “Taekwondo”.
Trước hết, Taekwondo là cách thức sử dụng “Tae” và “Kwon”(bàn chân và nắm tay), hoặc tất cả bộ phận trong cơ thể được chân và nắm đấm thể hiện. Thứ hai là, Taekwondo là con đường để kiểm soát hoặc làm dịu lại các trận chiến đấu và giữ được sự yên bình. Khái niệm này xuất phát từ ý nghĩa của “Tae” và “Kwon”, đặt nắm đấm dưới sự kiểm soát (hay theo nghĩa đen là “bước lên trên nắm đấm”). Do đó, ý nghĩa toàn diện của nó là con đường đúng để sử dụng tất cả các bộ phận trong cơ thể hầu như chấm dứt các cuộc chiến đấu và giúp xây dựng một thế giới tốt hơn và hòa bình hơn.
hàn quốc, văn hóa hàn quốc, taekwondo – môn võ truyền thống của người hàn quốc
Taekwondo dựa trên sự thống nhất giữa các yếu tố hơi thở, sự chuyển động, độ căng của cơ bắp và lý trí. Yếu tố lý trí trong Taekwondo được đặt lên hàng đầu. Lý trí ở đây thể hiện sự tỉnh lại của tinh thần. Lý trí ở đây còn thể hiện ở tư tưởng “tận triệt”. Sự tấn công của kẻ thù không chỉ để phản kháng lại sự tấn công, đây không phải là sự phản kháng có tính chất tình huống, mà là sự phản kháng ở mức triệt để: phản kháng để kẻ thù không thể lấy lại sức mạnh mà phản công, triệt hạ một đối thủ trong khi vẫn có thể có những đối thủ khác. Hơi thở cũng là một yếu tố quan trọng. Trên thực tế, Taekwondo sử dụng nhiều đòn chân. Như vậy, hơi thở góp phần vào làm cho các chuyển động của cơ thể khi ra đòn được uyển chuyển, linh hoạt và nhịp nhàng – một yếu tố để thành công.
Rèn luyện lâu dài, gắn bó với nó, nhiều võ sinh coi Taekwondo như “cuộc sống” thứ hai. Đối với họ, Taekwondo vượt ra khỏi chức năng là môn võ thuật (martial art) hay một môn thể thao (sport game), mà trở thành một cuộc sống với ý nghĩ của nó, bao gồm: những nguyên tắc, nhân sinh quan, thế giới quan, trách nhiệm,…
Nguyên tắc nữa của Taekwondo là yếu tố: dứt điểm. Đây là điểm gặp nhau của quá trình: sức mạnh lý trí, sự đối kháng.
Tuy nhiên, để rèn luyện sự thống nhất của các yếu tố trên còn có hình thức “thiền định”. Ngồi thiền là để tìm đến sự tĩnh tại ở mức độ cao nhất của lý trí. Khi lý trí được tĩnh lại và không bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bên ngoài thì sẽ trở nên vô cùng nhạy bén. Ngồi thiền còn để tăng sức mạnh của lý trí, khi đó sức mạnh cơ bắp sẽ được lý trí bổ sung. Ngoài ra ngồi thiền còn để luyện tập khí công, giúp hơi thở đều đặn. Tuy nhiên, “thiền” không phải là yếu tố đặc trưng của Taekwondo, trên thực tế hầu như các môn võ Đông Á đều mang yếu tố này.
Tinh thần Taekwondo, cũng giống như tinh thần của võ sĩ đạo Nhật Bản, làm cho sức mạnh trong cuộc sống hàng ngày và trong phát triển kinh tế Hàn Quốc. Nếu có dịp du lịch Hàn Quốc, du khách đừng quên khám phá về môn võ truyền thống này của xứ sở Kim Chi nhé!

Đăng bởi: Đào Phạm

ALONGWALKER Singapore: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Philippines: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Indonesia: Saluran untuk mengeksplorasi pengalaman para pemuda global ALONGWALKER Malaysia: Saluran untuk menjelajahi pengalaman global belia ALONGWALKER Japan: 発見・体験、日本旅行に関する記事 ALONGWALKER Thailand: ช่องทางในการสำรวจประสบการณ์ของเยาวชนระดับโลก