Gia Lai

Vì sao người Jrai trữ củi?

Cho đến nay đồng bào Jrai ở Krông Pa  tỉnh Gia Lai vẫn giữ cho mình những nét đẹp truyền thống giàu bản sắc được gìn giữ tự bao đời. Lấy và tích trữ củi là một trong những nét đẹp đáng quý đó.

vì sao người jrai trữ củi?

Người Jrai quan niệm, đàn ông lo việc nương rẫy, săn bắt còn phụ nữ ở nhà chăm sóc việc gia đình, công việc đều được phân công rất cụ thể.

Người phụ nữ Jrai có 3 điều cần phải biết trước khi “bắt” chồng: Nấu cơm, chặt củi và dệt vải. Một cô gái dù hình thức xấu xí nhưng làm khéo léo cả 3 điều trên ắt vẫn “có giá” hơn người con gái xinh đẹp nhưng vụng đoảng những điều căn bản ấy.

vì sao người jrai trữ củi?

Đến buôn Chính Đơn 1 này, hầu như dưới gầm sàn nhà nào, củi cũng chất đầy ăm ắp. Chiêm ngưỡng những ngăn củi ấy cứ ngỡ đó là một công trình nghệ thuật nào đó được chọn lọc, sắp đặt công phu hay là một sự trưng bày nào đó nặng về yếu tố hình thức.

Nhưng không, với phụ nữ Jrai, lấy củi là cả một nghệ thuật và môn nghệ thuật ấy họ phải học và thành thục ngay từ khi vừa mới lớn. Những người phụ nữ Jrai luyện cho mình đôi bàn tay “nhà nghề” trong việc chặt củi. Củi với họ, là cả một hình thức “chấm điểm” và thi đua nào đó giữa các cô gái khi đến tuổi dựng vợ gả chồng.

vì sao người jrai trữ củi?

“Với người Jrai chặt củi phải có những nguyên tắc riêng. Không phải thích dài, ngắn, to, nhỏ sao cũng được. Củi phải chắc, đều thì lấy về đun mới đượm, mới cho được than hồng để nướng đồ ăn và sưởi suốt đêm. Hơn nữa, cứ sắp vậy dưới sàn nhà hết mùa này qua mùa khác, năm này qua năm khác, nếu không được chặt và chẻ gọn ghẽ thì làm sao vững chãi cho được?”

Amí Hoa, chia sẻ.

Lấy củi rừng rồi gùi những gùi củi nặng trĩu từ rừng về tới nhà vốn là chuyện không hề đơn giản và nhẹ nhàng. Nhưng, với người Jrai, công việc ấy là để dành riêng cho những người phụ nữ. Loại củi rừng mà bà con Jrai ở đây thích và lựa chọn nhiều nhất là các loại củi trầm bầu, bằng lăng, đỏ vỏ…

Không chỉ chắc, đẹp, đun đượm và lợi than. “Củi thường được chặt thành khúc đều đặn, dài chừng 50-80 cm. Củi to được chẻ vừa đun. Sắp củi vào gùi hay xếp củi lên sàn cũng là cả một nghệ thuật. Nếu không khi gùi sẽ chỉ chất được rất ít còn chưa kể sẽ khiến cho người gùi cảm thấy nặng nề hơn bởi mất cân bằng”-amí Hoa, cho biết.

vì sao người jrai trữ củi?

Rồi amí Hoa tận tình chỉ cách sắp củi cho vào gùi. Đầu tiên là phải đặt nằm gùi ra sao, lấy thanh củi kê đòn thế nào và rồi xếp củi như thế nào để lợi diện tích và giữ thế cân bằng cho gùi nhất.

Cũng theo amí Hoa thì ở buôn Chính Đơn 1 này, gần như nhà nào cũng vẫn còn giữ nếp lấy củi và tích củi dưới sàn nhà. Trời Krông Pa tháng ba, tháng tư nắng cháy cũng là mùa những người phụ nữ Jrai cực nhọc “vào mùa” lấy củi. Bởi đây là mùa có nhiều củi cũng là thời điểm trước mùa mưa, cần nhiều củi dự trữ. Bước vào làng, chỉ cần nhìn củi dưới gầm sàn nhà là biết những người phụ nữ trong gia đình đó có đảm đang, chịu khó hay không.

Bếp lửa là vật không thể thiếu trong cuộc sống người Jrai. Trong nhà của người Jrai, bếp thường được đặt trang trọng ở giữa nhà. Do tập quán sinh hoạt và sự thích nghi bởi cuộc sống núi rừng, bếp lửa đã không chỉ là nơi nấu nướng, lưu trữ các món ăn mà còn là nguồn sưởi ấm cho con người mỗi khi về đêm. Bởi vậy, nhu cầu củi đốt của người Jrai là rất lớn.

Khi hỏi rằng, liệu sau khi đời sống bà con khấm khá rồi, có tiền mua bếp gas, bếp điện thì bà con mình có còn lên rừng đốn củi nữa không? amí Hoa cười: “Có chứ, bỏ sao được. Ở đây, nhiều nhà sắm được bếp gas, bếp điện cả rồi đấy chứ nhưng bà con vẫn giữ nét sinh hoạt truyền thống của dân tộc mình, quen rồi không bỏ được đâu”.

Bà con Jrai lấy củi là chỉ lấy những cành cây khô, gãy rụng trên rừng chứ không chặt cây rừng còn sống để tàn phá rừng. Krông Pa vốn nhiều vùng rừng, đồi bao quanh các buôn làng nên nét đẹp truyền thống trong sinh hoạt này của bà con nơi đây vẫn còn được lưu giữ phổ biến. Amí Hoa cho biết thêm, vốn là việc nặng nhọc và ngày xưa chỉ dành cho phụ nữ nhưng ngày nay, những quan niệm này đã nhẹ bớt hơn, nam giới cũng hoàn toàn có thể phụ giúp vợ con trong việc lo củi lửa.

Đến những buôn làng xa xôi, nhìn thấy những nét sinh hoạt truyền thống vẫn còn in đậm dưới mỗi nếp nhà, trong mỗi hồn người yêu bản sắc lại thấy yêu thêm những miền quê trong trẻo, thấy con người vùng ấy thật đáng quý biết bao.

Bài Lê Hòa (GLO)

Biên tập Đi Gia Lai.

Đăng bởi: Dương Đỗ

YOLO! Khám phá các huyện ở Gia Lai

ALONGWALKER Singapore: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Philippines: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Indonesia: Saluran untuk mengeksplorasi pengalaman para pemuda global ALONGWALKER Malaysia: Saluran untuk menjelajahi pengalaman global belia ALONGWALKER Japan: 発見・体験、日本旅行に関する記事 ALONGWALKER Thailand: ช่องทางในการสำรวจประสบการณ์ของเยาวชนระดับโลก