Gia Lai

Gia Lai có gì?

Gia Lai – Mảnh đất cao nguyên sở hữu vô vàn những danh lam thắng cảnh tuyệt đẹp, điểm đến nổi tiếng với nền ẩm thực đa dạng vô cùng hấp dẫn. Mọi người đến với Gia Lai sẽ được thưởng thức những ly cà phê đắng ngon đúng điệu, được khám phá những vùng đất yên bình mang vẻ đẹp hoang sơ của rừng núi, giúp bạn có thể tạo nên hàng ngàn tấm hình sống ảo siêu lung linh. Gia Lai có gì? Hãy cùng chúng tôi khám phá những địa điểm danh lam thắng cảnh đẹp tại Gia Lai trong bài viết sau đây nhé.

Hồ T’Nưng – Gia Lai

Đến với Pleiku, Hồ T’nưng là một trong những điểm đến mà bạn không nên bỏ lỡ. Hồ T’nưng hay Biển Hồ là một hồ nước ngọt nằm ở phía tây bắc thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai, cách trung tâm thành phố khoảng 7 km theo quốc lộ 14. Nơi này nằm trên cao nguyên địa hình bằng phẳng, cao khoảng 500 m so với mực nước biển.

gia lai có gì?

Hồ T’Nưng – Gia Lai

Hồ nước này có vẻ đẹp tự nhiên và thơ mộng nhất do thiên nhiên ban tặng. Được hình thành từ một miệng núi lửa, điều thú vị là cho dù bạn đứng ở bất cứ góc độ nào thì vẫn không thể nhìn ra được thấy bờ của hồ. Nước hồ mênh mông, xanh trong như những khu rừng xanh ngát một vùng.

Chính vì thế mà người ta ví Biển Hồ như đôi mắt của người dân Gia Lai nói chung và của thành phố Pleiku nói riêng. Màu nước trong xanh, phẳng lặng, không ồn ào như những con sóng va đập vào vách đá ở đại dương, nhưng đôi lúc khi có gió lớn thì những cơn sóng lại nhấp nhô trên mặt hồ như sóng biển chỉ là nhẹ nhàng và yên bình hơn giữa thung lũng núi bao quanh. Vào những ngày đẹp trời, nhìn từ xa Biển Hồ mê hoặc bạn với màu xanh bạt ngàn của nước biển và nghe thoảng trong gió là tiếng thông reo vi vu.

gia lai có gì?

Hồ T’Nưng – Gia Lai

Hay thử cảm giác khám phá vẻ đẹp bí ẩn trong đôi mắt Pleiku qua những cánh rừng bằng xe đạp. Trên những con đường nhựa, cũng đôi khi chỉ là những con đường lưng chừng dốc, ngoằn ngoèo. Con đường vào biển Hồ là một con đường đẹp tuyệt vời với những rặng thông ở hai bên. Bạn sẽ bắt gặp bức tranh mang vẻ đẹp mơ màng, huyền ảo vào sáng sớm.

Dù vào thời khắc nào, bình minh hay khi hoàng hôn buông xuống thì khung cảnh Biển Hồ vẫn đẹp. Hiện ra trước mắt bạn một chuyển biến màu rõ nét như khu rừng khộp ở Dak lak, đặc biệt từ màu trong xanh khi ánh mặt trời lên. Lúc lại chuyển mình sang màu vàng đỏ của nắng chiều tà. Đi trên hồ T’nưng bằng thuyền độc mộc, vừa ngắm cảnh vừa nghe người dân nơi đây kể chuyện của vùng đất huyền thoại, bạn sẽ được trải nghiệm cảm giác đầy chất trữ tình và bí ẩn.

Ngoài ra, Biển Hồ còn là vựa cá lớn của Tây Nguyên, gồm đủ loại cá nước ngọt như cá chép, cá trắm, cá trôi, cá đá, cá niềng, cá chày, cá ngựa… đồng thời là hồ nước ngọt quan trọng cấp nước cho thành phố Pleiku. Đây sẽ là điểm đến khiến bạn hài lòng với chuyến hành trình thư giãn.

Núi lửa Chư Đăng Ya – Gia Lai

Núi lửa chư Đăng Ya thuộc địa phận làng Ploi lagri, xã Chư Đăng Ya, huyện Chư Păh, núi cách trung tâm thành phố Pleiku Gia Lai khoảng 30km về hướng đông bắc, cách điểm du lịch Biển Hồ nổi tiếng 20 km.

gia lai có gì?

Núi lửa Chư Đăng Ya – Gia Lai

Chư Đăng Ya theo tiếng đồng bào J’rai có nghĩa là củ gừng dai – một ngọn núi lửa đã ngưng hoạt động hàng triệu năm, miệng núi lửa có hình phễu. Núi lửa Chư Đăng Ya nằm ẩn mình giữa rừng xanh đại ngàn hùng vĩ.

Dấu tích của nham thạch qua hàng triệu năm để lại cho Chư Đăng Ya là một vùng đất đỏ bazan màu mỡ, trù phú. Tạo điều kiện cho người dân bản địa trồng trọt các loại cây như ngô, khoai, bí đỏ, dong riềng … làm nguồn lương thực.

Đến vùng đất Chư Đăng Ya bạn sẽ cảm nhận sự yên bình trong tâm hồn khác xa sự ồn ào phố thị. Bởi Chư Đăng Ya bao trùm cảnh thiên nhiên hoang sơ, cây cối mịt mùng đậm nét Tây Nguyên. Bao quanh là những cây cổ thụ hàng trăm năm bị sâu đục mà bạn có thể ngồi nghỉ hay giấu mình trong thân cây.

gia lai có gì?

Núi lửa Chư Đăng Ya – Gia Lai

Ít ai biết rằng, nơi Tây Nguyên này, mỗi mùa đi qua sẽ mang những nét đẹp quyến rũ riêng biệt, không hề giống nhau. Cho dù ở thời điểm nào, nơi đây vẫn khiến bạn phải ngỡ ngàng bởi lớp áo khoắc ngoài lạ mắt. Vào mùa mưa, ngọn núi lửa Chư Đăng Ya được bao phủ bởi màu xanh bạt ngàn của những ruộng khoai lang, khoai môn hay cây dong riềng.

Điểm nhấn trên những ngả đường về Chư Đăng Ya là vào mùa khô những khóm hoa dã quỳ bung tỏa sắc vàng trên nền xanh của cây cối. Những cánh hoa vàng tươi vươn mình khoe sắc cùng những tia nắng của mặt trời, hoang dại mà mê hoặc.

Khi những cảnh vật nhân tạo ở phố thị khó mà thỏa lòng khách du lịch cho bằng sự trở về cùng thiên nhiên, thì mỗi khúc quanh trên núi lửa Chư Đăng Ya với cảnh đẹp của núi bạc, cây xanh, vùng trời trở biếc, lại là phần thưởng lớn lao để người ta có thể thả bớt những lo toan gánh nặng cuộc sống vào khoảng không tự nhiên khoáng đạt bất tận. Và cũng chính từ không gian đầy sức sống hoang sơ này, mang lại cho con người thêm sinh lực, để tiếp tục phấn đấu trong dòng đời ồn ào tấp nập, nơi phố xá đông người chật chội, đầy bon chen.

Thời điểm đẹp nhất để đến Pleiku có lẻ tầm tháng 10 tới tháng 2 năm sau, đặc biệt là tháng 11, đây là thời điểm hàng trăm ngàn hoa dã quỳ đua nhau khoe sắc trên khắp các nẻo đường và đồi núi, phủ vàng cả một góc trời.

Thác Phú Cường – Gia Lai

Thác Phú Cường được mệnh danh là ngọn thác đẹp nhất của tỉnh Gia Lai, chảy trên nền nham thạch của một ngọn núi lửa đã ngưng hoạt động. Nằm trong khu vực mỏ đá Phú Cường, thuộc địa phận xã Dun, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai; cách thị trấn Chư Sê khoảng 3 km và cách Tp Pleiku khoảng 45 km về phía đông nam. Từ lâu đã được nhiều người dân địa phương lẫn du khách gần xa chọn làm điểm đến dã ngoại, vui chơi ưa thích, nhất là vào các tháng mùa hè oi ả hay những dịp lễ tết hàng năm.

gia lai có gì?

Thác Phú Cường – Gia Lai

Dòng nước chảy qua nền nham thạch của một ngọn núi lửa đã ngừng hoạt động cách đây hàng triệu năm, rồi đổ xuống ở độ cao gần 50m, trông như một dải lụa trắng nổi bật giữa núi rừng Tây Nguyên xanh mượt… tạo nên vẻ đẹp tự nhiên nổi tiếng cho thác Phú Cường ở Gia Lai.

So với cách đây vài năm, khu vực quanh thác Phú Cường đã khang trang hơn trước nhiều. Con đường nối từ quốc lộ 25 vào thác ngày nào còn bụi đỏ nay đã được trải nhựa, xe chạy êm ru. Ngay lối xuống thác, một hồ nước rộng cũng đã hình thành, làm nơi phục vụ du khách dạo chơi bằng những chiếc thuyền Thiên Nga trên mặt hồ tĩnh lặng.

Điều khiến cho những du khách, nhất là ai “yếu tim” hài lòng hơn khi đến tham quan thác Phú Cường hiện nay chính là hệ thống cầu thang dẫn xuống thác đã được làm mới bằng sắt vững chãi, thay thế cho những bậc đá gập ghềnh với hàng tay vịn bằng gỗ ọp ẹp mà trước đây nhiều người vừa đi vừa thon thót lo sợ…

gia lai có gì?

Thác Phú Cường – Gia Lai

Qua đoạn này là bạn đã đến bãi đá muôn hình dưới chân thác, một cảm giác sảng khoái như ùa đến, bởi từ trên cao dòng thác tuông đổ ầm ào, tung bụi nước li ti, tỏa hơi mát lạnh khắp không gian… và những tảng đá rộng quanh chân thác Phú Cường hiển nhiên trở thành nơi lý tưởng cho những nhóm bạn tổ chức picnic, vui đùa dưới bóng cây cổ thụ râm mát, thả bộ rễ ngoằn ngoèo quấn quanh triền đá, điểm tô những loài hoa dại mọc xen giữa các kẽ đá ẩm ướt…

Vẻ đẹp thác Phú Cường còn cuốn hút ở chỗ, nhờ lượng hơi nước lớn tỏa ra, cùng những tia nắng vàng chiếu qua khe đá, mà dải cầu vồng huyền ảo thường xuyên xuất hiện. Đến đây, bạn sẽ có dịp thưởng ngoạn vẻ hùng tráng của ngọn thác, tô điểm thêm sắc màu thơ mộng của cầu vồng, và tận hưởng bầu không khí trong lành, mát mẻ.

Ở thác Phú Cường, bạn sẽ dễ dàng tìm thuê voi để cưỡi khám phá non nước núi rừng, thắng cảnh Phú Cường, hay tìm về nơi hạ nguồn của dòng sông Ayun để ngắm loài hoa lạ Nhã My mọc đâu đó bên dòng sông, trong kẽ đá. Chính sự kỳ vĩ, hùng tráng giữa một không gian bạt ngàn màu xanh của đại ngàn, thác Phú Cường luôn là điểm nhấn, làm cho hành trình du lịch Gia Lai nói riêng và chuyến đi thưởng ngoạn vẻ đẹp của Tây nguyên nói chung của du khách khách thêm nhiều khoảnh khắc thật đáng giá.

Thác Lệ Kim – Gia Lai

Lệ Kim là tên một thác nước trên suối Blang-ranh giới giữa xã Ia Tô (xã B14), huyện Ia Grai và xã Ia Dơk (xã B9), huyện Đức Cơ. Cái tên Lệ Kim mới chỉ có từ những năm cuối của thập niên 50 thế kỷ trước, khi chính quyền Sài Gòn đưa những người Kinh từ Quảng Ngãi lên lập dinh điền Lệ Kim. Còn với người Jrai ở địa phương thì từ lâu đời, đồng bào vẫn gọi thác nước này là Ia Grai Glong Blang, có nghĩa là thác nước cao trên suối Blang.

gia lai có gì?

Thác Lệ Kim – Gia Lai

Độ cao cột nước của thác khoảng 30 m. Vì suối Blang không bao giờ cạn, nên thác cũng ầm ầm đổ quanh năm. Từ xa nhìn lại, len lỏi giữa 2 sườn đồi xanh thẫm, con thác như dải lụa trắng vắt qua vai người thiếu nữ núi rừng. Đến gần hơn, bụi nước giăng giăng như mưa bụi mùa xuân mang lại cho du khách cảm giác thật sảng khoái, mát lạnh, ngay cả giữa trưa hè oi ả. Từ bãi cát bồi dưới chân thác, men theo bờ bên phải hoặc bơi qua vùng nước tĩnh lặng khoảng 200 m là ta đã ở ngay dưới chân thác nước. Đồng bào địa phương cho biết: Trước kia, ở góc phía Tây thác có một mái đá khá lớn nhô ra, che chắn, tạo thành một hang rộng khoảng 20 m2. Dưới hang có một mặt đá phẳng lỳ như chiếc bàn cờ tiên và là bàn ăn tuyệt vời cho khách tham quan trong những chuyến dã ngoại.

Từ chân thác Lệ Kim xuôi theo dòng suối chừng 500 m còn có một thác nước khác. Ngọn thác thứ hai này tuy không cao bằng thác Lệ Kim, nhưng cũng không kém phần thi vị.

gia lai có gì?

Thác Lệ Kim – Gia Lai

Người Jrai trong vùng có truyền thuyết giải thích nguồn gốc của 2 thác nước này khá hay: Ngày xưa, có một làng Jrai sống bên dòng suối Blang. Những người đàn ông và đàn bà trong làng luôn tranh cãi bất phân thắng bại, vì bên nào cũng cho rằng mình có sức mạnh hơn. Cuối cùng, hai bên đồng ý mở một cuộc thi: Trên dòng Ia Blang, những người đàn ông ở khúc dưới, những người đàn bà ở khúc trên, hai bên cùng thi nhau đào suối. Trong vòng 1 đêm, bên nào đào được sâu hơn thì bên đó thắng.

Đợi đêm trăng lên, cuộc thi chính thức bắt đầu. Trời gần sáng, trong khi những người đàn ông ở khúc suối bên dưới còn hì hục đào thì đã nghe ở phía trên tiếng thác ầm ầm đổ. Họ vội vã bỏ dở công việc chạy lên coi, khi biết đã thua, họ không quay lại khúc suối của mình đào tiếp nữa. Câu chuyện cũng chỉ là một truyền thuyết như bao sự tích khác, khi người ta muốn giải thích một điều gì đó, nhưng nó đã làm cho cụm thác này thêm cái lung linh, hư ảo.

Trước đây, 2 bên bờ thác Lệ Kim có rất nhiều mai vàng. Mùa xuân về, tiếng chim hót, tiếng thác reo càng làm cho khoảng rừng này thêm nên thơ, hùng vĩ.

Sức hấp dẫn của thác Lệ Kim cùng những di tích lịch sử-văn hóa trên trục tỉnh lộ 664 như phà 8, phà 10, bến đò A Sanh trên dòng Pô Kô huyền thoại cùng những công trình thủy điện trên sông Sê San, những rừng cao su ngút mắt… hứa hẹn một tuyến du lịch lý tưởng dành cho bạn.

Hố Trời – Gia Lai

Vành đai phía Đông-Bắc thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai có những dãy núi liên hoàn như núi Ông Bình, núi Ông Nhạc, trong đó có những địa danh nổi tiếng như hang Tối Trời và Hố Trời. Hố Trời đang là điểm đến khám phá mới mẻ và hấp dẫn du khách bốn phương.

gia lai có gì?

Hố Trời – Gia Lai

Theo người dân, Hố Trời là một cụm gồm 14 ghềnh thác, nằm giữa hai hẻm núi có chiều dài 1,5-2 km, được bao bọc bởi núi rừng xanh ngát. Trong hệ thống 14 ghềnh thác có thác số 2 cao gần 70 mét rất hùng vĩ. Với thế dựng đứng nên khi đứng từ trên đỉnh nhìn xuống hoặc từ chân thác ngước lên đều có cảm giác thăm thẳm trời cao, hun hút vực sâu. Có lẽ vì thế mà người dân đặt cho địa danh này là Hố Trời. Hố Trời bắt nguồn từ 2 dòng suối Nước Bon thuộc làng Hòa Bình, xã Tú An và Tà Dinh thuộc thôn An Xuân 2, xã Xuân An, thị xã An Khê chảy xuôi về huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định.

Tương truyền, cách đây gần 300 năm, ba anh em nhà Tây Sơn từng cho quân men theo Hố Trời đi từ Hạ đạo lên Thượng đạo tụ binh, khởi nghĩa, mà điểm tiếp cận đầu tiên là Tây Sơn nhị nay thuộc khu vực xã Cửu An và Xuân An của thị xã An Khê.

Để chinh phục, khám phá Hố Trời, du khách xuất phát từ thôn An Thạch, xã Xuân An, theo lối mòn dưới tán keo, bạch đàn sẽ gặp suối Đá Trải. Từ đây, du khách thong dong thả bộ để đôi chân trần được ngụp lặn dưới dòng nước trong mát, lướt trên thảm cát mịn màng. Men theo dòng suối, du khách ngắm cảnh thiên nhiên hoang sơ, hùng vỹ nhưng đầy thơ mộng, nghe suối chảy róc rách với cảm giác thư thái trong bầu không khí trong lành. Vượt qua những phiến đá trải lộn xộn sẽ đến điểm thác số 1. Tại đây, du khách thỏa thích ngắm mây trời, núi non, chụp hình với ngọn thác tung bọt trắng xóa.

gia lai có gì?

Hố Trời – Gia Lai

Chân thác số 1 cũng là đỉnh thác số 2. Từ đây phóng tầm mắt về hướng Đông có thể nhìn thấy những ngôi nhà lúp xúp, mái tôn hồng nổi bật trong nền xanh cây cối, mây trời của những nhà dân thuộc huyện Vĩnh Thạnh. Bất giác nhìn xuống là hun hút vực sâu, không thấy điểm dừng, cây cối, non nước, mây trời hòa quyện một màu. Và đây cũng là điểm kích thích, thôi thúc du khách chinh phục, khám phá chặng đường phía trước.

Men theo vách núi thẳng đứng, với tư thế chân bấu vách đá, tay bám chắc rễ, thân cây mọc ven để nhích, trượt dần xuống. Mất chừng 15-20 phút trong cảm giác hồi hộp, lo sợ, xen lẫn thích thú mỗi lần vượt qua ải “nguy hiểm”. Xuống tới chân thác, du khách sẽ có cảm giác vỡ òa cảm xúc, bao nhiêu mệt mỏi bỗng chốc tiêu tan.

Tại đây, du khách nghỉ ngơi, thư giãn, ngồi trên những phiên đá to phẳng phịu như trải chiếu, nhâm nháp đồ ăn, thức uống, ngắm phong cảnh thiên nhiên hoang sơ, hùng vỹ, cùng bạn bè selfie…Sau khi nghỉ ngơi lấy lại sức, hành trình tiếp theo là chinh phục 12 điểm thác. Mỗi điểm thác sẽ cho du khách một cảm giác ngất ngây khác nhau, được khám phá, được trải nghiệm và hơn cả là cảm giác chiến thắng.

Nếu muốn chinh phục Hố Trời, du khách nên chuẩn bị thực phẩm, nước uống, đặc biệt nên đi theo đoàn và người có kinh nghiệm leo núi hoặc người địa phương dẫn đường để chuyến du ngoạn an toàn, trọn vẹn.

Vườn Quốc gia Kon Ka King – Gia Lai

Vườn quốc gia Kon Ka Kinh là điểm du lịch khá tiêu biểu trong hành trình khám phá cảnh quan thiên nhiên và thế giới tự nhiên phong phú đa dạng ở Gia Lai. Với diện tích 41.780 hec ta, vườn quốc gia nằm về phía đông bắc tỉnh Gia Lai, cách thành phố Pleiku khoảng 50km. Đây là điểm du lịch sinh thái lý tưởng, rất thích hợp với các du khách tới đây nghỉ ngơi, an dưỡng và nghiên cứu khoa học.

gia lai có gì?

Vườn Quốc gia Kon Ka King – Gia Lai

Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh có diện tích 41.780ha nằm về phía đông bắc tỉnh Gia Lai, cách thành phố Pleiku khoảng 50km. Đây là điểm du lịch sinh thái lý tưởng, rất thích hợp với các du khách tới đây nghỉ ngơi, an dưỡng và nghiên cứu khoa học.

Điểm nhấn tạo nên sức hấp dẫn cho các khu du lịch sinh thái của Gia Lai phần lớn nhờ vào tài nguyên rừng phong phú và địa hình độc đáo, trong đó, nổi bật nhất phải kể đến Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh-một trong 4 vườn quốc gia Việt Nam được Đông Nam Á công nhận là “Vườn Di sản Asean”. Với tổng diện tích khoảng gần 42.000 ha, Kon Ka Kinh là nơi duy nhất ở Việt Nam có kiểu rừng hỗn giao (khoảng 2.000 ha) bao gồm các loài cây lá rộng và lá kim. Ngoài ra còn có các loài cây quý hiếm như pơ-mu, trắc, chò đãi, kim giao…

gia lai có gì?

Vườn Quốc gia Kon Ka King – Gia Lai

Theo thống kê chưa đầy đủ, trong vùng hiện có trên 652 loài thực vật (trong đó, khoảng 110 loài có thể dùng làm dược liệu), 42 loài thú, 160 loài chim, hơn 51 loài bò sát, ếch nhái và gần 210 loài bướm. Đặc biệt, Vườn Quốc gia còn là nơi cư ngụ của nhiều loài thú quý hiếm, trong đó có nhiều loài nằm trong sách đỏ, đặc biệt là loài voọc chà vá chân xám-một trong những loài linh trưởng đẹp nhất thế giới. Kon Ka Kinh còn sở hữu loài chim độc đáo, được xem là biểu tượng của Vườn Quốc gia phong phú và độc đáo nằm giữa Đông và Tây Trường Sơn, đó là loài khướu Kon Ka Kinh (hay còn gọi là khướu tai hung).

Hiện nay, Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh đã khảo sát được một số tuyến du lịch và bước đầu triển khai đưa vào hoạt động phát triển du lịch sinh thái với các loại hình:

Du lịch sinh thái đường mòn thiên nhiên (sinh cảnh rừng độc đáo, đa dạng): Đi bộ xuyên rừng lên độ cao trên 700m để tham quan những cánh rừng nguyên sinh với các loài thực vật đa dạng về hình dáng, phong phú về màu sắc đặc biệt với những cây cổ thụ hàng nghìn năm tuổi, và cùng thưởng thức khí hậu mát lành, phong cảnh hữu tình của thiên nhiên ban tặng.

Chinh phục đỉnh Kon Ka Kinh: Đỉnh núi Kon Ka Kinh cao 1.748m, chinh phục để ngắm nóc nhà của cao nguyên Pleiku với cảnh núi non hùng vĩ cùng những thác nước lớn và những bãi bằng như cảnh thần tiên thích hợp cho việc cắm trại nghỉ qua đêm, chụp hình lưu niệm sẽ mang đến cảm giác tuyệt vời. Một tour du lịch kéo dài 4 ngày 3 đêm giữa thiên nhiên sẽ rất thú vị cho những người thích khám phá và ưa mạo hiểm. Có nhiều khả năng du khách sẽ gặp được những loài thú lớn trong tự .

Du lịch sinh thái tham quan, quan sát, nghiên cứu động vật hoang dã: Từ trụ sở chính đi bộ vào rừng khoảng một giờ đồng hồ, men theo tuyến giám sát động vật của Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh và yên tĩnh quan sát, du khách sẽ có cơ hội quan sát sinh hoạt của nhiều loài động vật quý hiếm, loài đặc hữu của VQG Kon Ka Kinh như Vooc chà vá chân xám, Vượn, Mang, Sóc bay, …vv. Ngoài ra Trung tâm cứu hộ và phát triển sinh vật là nơi lý tưởng để du khách có thể vừa nghỉ ngơi, ăn uống vừa có thể lại gần, quan sát và chụp hình các loài động vật như hươu, nai, lợn rừng, khỉ…

Du lịch sinh thái nghỉ dưỡng: VQG Kon Ka Kinh thích hợp cho những chuyến đi nghỉ cuối tuần của các gia đình, đây là nơi lý tưởng để nghỉ ngơi thư giãn và hít thở không khí trong lành sau những ngày làm việc mệt mỏi.

Du lịch sinh thái nhân văn: Nếu du khách là người yêu thích lễ hội, hay bản sắc văn hóa của cộng động, du khách hãy đến vùng đệm Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh với những làng bản của người dân tộc thiểu số Tây Nguyên, Đặc biệt là những nét sinh hoạt văn hóa của người Ba Na hiện vẫn được lưu giữ như thuở sơ khai và những những lễ hội cồng chiêng vang vọng núi rừng.

Nằm trên cao nguyên Pleiku ở vùng núi Trung Trường Sơn, Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh có tính đa dạng sinh học cao đại diện cho hệ sinh thái rừng nhiệt đới và á nhiệt đới điển hình, có những đặc thù sinh học độc đáo của vùng Cảnh quan Trung Trường Sơn, với một số cộng đồng thực vật và động vật nguyên vẹn nhất còn lại ở Việt Nam. Trong đó, đặc biệt quan trọng là gần 2.000 ha rừng hỗn giao cây lá rộng – lá kim, đây là kiểu rừng chỉ thấy ở Kon Ka Kinh trong hệ thống rừng đặc dụng Việt Nam rất thích hợp cho phát triển du lịch sinh thái với những khám phá, trải nghiệm cùng thiên nhiên.

Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng – Gia Lai

Thuộc xã Sơn Lang, huyện K’Bang, Khu BTTN Kon Chư Răng có diện tích 15.500 ha. Nơi đây có hệ sinh thái chuyển tiếp giữa vùng Đông và Tây của dãy Trường Sơn nên hệ thực vật khá phong phú và đa dạng. Trong khu bảo tồn có rất nhiều dòng thác đẹp, đặc biệt là thác 50 hùng vĩ nơi đầu nguồn sông Côn hấp dẫn du khách.

gia lai có gì?

Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng – Gia Lai

Kon Chư Răng được ưu đãi của thiên nhiên về tài nguyên rừng nhiệt đới. Cảnh quan sông suối, thác ghềnh là điều kiện rất thuận lợi cho việc tổ chức loại hình du lịch trekking và du lịch sinh thái. Những người thích mạo hiểm, thăm thú cảnh núi rừng chim muông, cảnh quan sông thác hùng vỹ không thể bỏ qua nơi đây.

Điểm khởi đầu khám phá Kon Chư Răng là doanh trại Kiểm lâm đi ô tô khoảng 6 Km đến một lối rẽ đi bộ khoảng 15 phút sẽ đến dòng Thác 3 tầng tuyệt đẹp, còn một đường tiếp tục đi bằng ô tô đến địa điểm được gọi là Trại Bò (nơi đây có một trảng bằng rộng trên 3ha được bộ đội ta thiết lập để nuôi bò trong thời kỳ chiến tranh) bắt đầu cho cuộc hành trình Trekking tour.

Các vật dụng trên vai cùng nhau rảo bước khoảng 10 phút, một dòng suối rộng khoảng 10m được lót bằng những hòn đá mồ côi không lớn lắm để du khách lội qua. Vượt qua dòng nước ta sẽ cảm nhận được sự trong lành và mát mẻ của thiên nhiên tạo cho bước chân vững vàng hơn để tiếp tục di chuyển về phía trước.

gia lai có gì?

Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng – Gia Lai

Cuộc hành trình vượt núi chinh phục Khu BTTN Kon Chư Răng có độ chênh khoảng 60 độ và đường dốc dài hơn 300m. Chuyến đi đòi hỏi sức dẻo dai, kiên nhẫn và lòng dũng cảm vượt qua chính mình đối với những ai có sức khỏe bình thường. Lên đến đỉnh cao, trước mắt đó là một cánh rừng nguyên sinh vô tận.

Từ đây đoàn khách từ từ rảo bước để chiêm nghiệm cảnh vật do thiên nhiên ban tặng. Khu BTTN Kon Chư Răng có sự đa dạng hệ sinh thái tầm cỡ quốc tế. Những loại cây cổ thụ, phong lan thuộc dòng quí hiếm dành cho những người ham mê nghiên cứu thực vật. Nhiều loài ong bướm, côn trùng, bò sát đặc chủng dành cho những người ham mê động vật.

Theo lối đường mòn trên cánh rừng già dài hơn hai cây số đó là thác 50 vẫn miệt mài chảy, nước trắng xóa quanh năm, hơi nước lan tỏa khắp cả một vùng tạo nên cầu vồng 7 sắc giữa đại ngàn tạo ra một không gian vừa thực, vừa ảo, vừa huyền bí.

Khu BTTN Kon Chư Răng là điểm đến lý tưởng, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan, nghỉ dưỡng, nghiên cứu khoa học, giáo dục về môi trường.

Khu di tích Tây Sơn Thượng Đạo – Gia Lai

Di tích Tây Sơn Thượng đạo ở thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai được cấp bằng Di tích lịch sử- văn hóa cấp quốc gia, gồm 6 cụm với 17 di tích liên quan đến cuộc khởi nghĩa của 3 anh em nhà Tây Sơn, trong đó An Khê Đình, An Khê Trường, An Khê Lũy, Gò Chợ… là trung tâm của quần thể di tích.

gia lai có gì?

Khu di tích Tây Sơn Thượng Đạo – Gia Lai

Nằm cách trung tâm thành phố 90 km theo quốc lộ 19, trải rộng trên địa bàn thị xã An Khê và các huyện K’Bang, Kông Chro. Quần thể di tích gồm sáu di tích liên quan đến cuộc khởi nghĩa của anh hùng áo vải Quang Trung – Nguyễn Huệ: “Hòn đá Ông Nhạc” ở làng Đê Chơgang, xã An Phú; “Sa khổng lồ, Giếng Ông Nhạc”; “Kho bạc Ông Nhạc” ở xã Yang Nam, huyện Kông Chro; “Cánh đồng Cô Hầu”; “Núi Hoàng Đế” ở xã Nghĩa An, huyện K’Bang; “Lũy Ông Nhạc, Gò Chợ, An Khê đình, An Khê trường, Hòn Bình, Hòn Nhược”… nằm trên địa bàn xã An Khê.

Hiện nay trên địa bàn thị xã An Khê vẫn còn dấu tích của những ngôi nhà cổ nằm trong quần thể khu di tích An Lũy, gắn với sự nghiệp xây dựng cơ đồ của anh em nhà Tây Sơn được xây dựng vào năm 1759, cụ thể có nhà các cụ: Bùi Meo thuộc phường An Phú, thị xã An Khê, cụ Huỳnh Ngọc Chương, Nguyễn Chinh….Những ngôi nhà cổ có gian thờ cổ kính tạo nên nét riêng của vùng đất lịch sử. Thị xã An Khê cũng là vùng đất còn lưu giữ được nét văn hóa truyền thống với các lễ hội như biễu diễn trống trận Tây Sơn, biểu diễn võ thuật….và thường được tổ chức vào ngày mồng 4 tháng giêng âm lịch hàng năm tại An Khê Trường.

Đến nay một số di tích đã được đầu tư kinh phí để trùng tu, tôn tạo như khu An Khê Trường, An Khê Đình…Đồng thời cũng cho xây dựng Bảo tàng Tây Sơn Thượng Đạo để lưu giữ, trưng bày các hiện vật liên quan đến phong trào Tây Sơn.

Di tích lịch sử văn hoá nhà lao Pleiku – Gia Lai

Nhà tù Pleiku nằm trên một đồi đất đỏ cao trên đường Yết Kiêu thuộc phường Diên Hồng, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai. Năm 1925, người Pháp đã cho xây dựng nhà tù với mục đích giam giữ tù thường phạm, phần lớn là người dân tộc sinh sống tại Tây Nguyên. Năm 1940, khi phong trào đấu tranh cách mạng bùng nổ mạnh mẽ, nơi này đã trở thành nhà lao giam giữ những chiến sĩ cộng sản, những người yêu nước.

gia lai có gì?

Di tích lịch sử văn hoá nhà lao Pleiku – Gia Lai

Tổng diện tích khu trại giam khoảng 7ha, bao quanh là những bức tường cao 3m kiên cố với các lớp rào bằng thép gai. Ở góc phía Tây Bắc và Tây Nam có 2 bốt gác có binh lính vũ trang túc trực 24/24, phía Đông có đặt lô cốt bảo vệ.

Năm 1967, 20 phòng giam tại nhà tù Pleiku cũng không đủ để nhốt hết hơn 2000 tù nhân, địch đã phải căng lều bạt ở trong trại tù để ở tạm và khẩn trương xây dựng thêm một trại giam khác. Nhà tù Pleiku bao gồm 18 phòng giam và 2 phòng dùng làm chuồng cọp. Mỗi phòng giam chỉ có diện tích 10m2 với 2 ô cửa nhỏ nhưng giam giữ đến 120 người. Thực dân Pháp phân loại người tù theo từng cấp bậc, thương tật, vùng miền để dễ kiểm soát. Ở dãy nhà giam chính gồm 5 phòng: phòng 1 giam tù chính trị là người dân tộc thiểu số, phòng 2 giam quân phạm, phòng 3 giam tù công vụ, phòng 4 giam tù thường phạm, đặc biệt phòng 5 giam tù chính trị nguy hiểm nhất. Phòng số 5 (khu xà lim) chia thành 8 xà lim, mỗi xà lim rộng 1,6m, dài 2m. Trong đó có 2 xà lim chẹt chỉ rộng khoảng 0,5m với một tấm ván gỗ chia thành 2 tầng. Người tù bị nhốt bên trong những phòng này thường xuyên bị ngất xỉu vì thiếu không khí để thở, với đôi chân còng thò ra ngoài cửa, họ bị tra tấn bằng nhiều hình thức dã man, tàn độc.

Tháng 5 – 1972, khi quân ta tấn công vào Kon Tum, địch đã chuyển hết số tù binh ở 2 phòng biệt giam ra nhà tù Phú Quốc. Đến cuối năm 1972, nhà tù Pleiku hoàn toàn bỏ trống, không một bóng người. Sau đó, nhà tù được chính quyền địa phương gìn giữ và đầu tư cải tạo lại làm một địa điểm giáo dục lịch sử cho thế hệ trẻ, giúp thế hệ trẻ thêm tự hào về truyền thống hào hùng của dân tộc.

gia lai có gì?

Di tích lịch sử văn hoá nhà lao Pleiku – Gia Lai

Nhà tù Pleiku ngày nay tuy không còn nguyên vẹn nhưng vẫn còn lưu giữ được nhiều hiện vật, dấu vết minh chứng cho tội ác tàn độc của kẻ thù và tinh thần đấu tranh quật cường giữ gìn khí tiết của những người cộng sản yêu nước. Năm 2015, công trình Bia tưởng niệm Trại giam tù binh Pleiku được gấp rút xây dựng trên nền trại giam cũ để tri ân những con người cách mạng đã ngã xuống vì một đất nước được độc lập, tự do.

Nhà tù Pleiku mở cửa các ngày trong tuần cho du khách vào tham quan miễn phí. Tận mắt chứng kiến các loại hình tra tấn tàn độc đã được phục dựng, chắc hẳn trong mỗi chúng ta càng dâng lên niềm tự hào, xúc động, khắc ghi những công lao to lớn mà cha ông đã mang lại cho nền độc lập ngày hôm nay.

Di tích lịch sử văn hoá làng kháng chiến Stor – Gia Lai

“Làng Stơr (hay Stâr cũ) nằm trên đỉnh núi (núi – tiếng BahNar gọi là “Kông”).Trong kháng chiến chống Pháp, làng luôn đi đầu trong mọi phong trào, do vậy nhà văn Nguyên Ngọc đặt tên trong tác phẩm “Đất nước đứng lên” là làng Kông Hoa: Những bông hoa trên đỉnh núi, hoặc đỉnh núi nở ngàn vạn đóa hoa”

gia lai có gì?

Di tích lịch sử văn hoá làng kháng chiến Stor – Gia Lai

Làng kháng chiến Stơr, quê hương Anh hùng Núp nằm trên địa bàn xã Tơ Tung , huyện K’Bang là một trong ba xã được tách ra từ xã Nam, huyện An Khê theo quyết định số 122-HĐBT ngày 29 -10-1983. Xã mang tên Tơ Tung là tên một con suối chạy ngang qua địa bàn, được bắt nguồn từ vùng núi phía Tây đổ vào sông Ba.

Anh hùng Núp cùng dân làng lập làng kháng chiến chống lại thực dân Pháp và đã “bắn Pháp chảy máu” bằng những vũ khí thô sơ như cung tên, hầm chông, bẫy đá. Người đã được Nhà nước phong danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân vì những thành quả trong chiến đấu và lòng dũng cảm, mưu lược trước quân thù. Là con chim đầu đàn của các dân tộc Tây nguyên trong phong trào đoàn kết các dân tộc, kêu gọi người dân Tây nguyên chống quân Pháp xâm lược. Ngày nay, Anh hùng Núp không chỉ được nhiều người biết đến vì những chiến tích đã đạt được mà còn là biểu tượng trong văn học, trong điện ảnh với “Đất nước đứng lên” của nhà văn Nguyên Ngọc.

gia lai có gì?

Anh hùng Núp – Gia Lai

Cuộc đời cách mạng của ông đã trở thành thiên anh hùng ca bất tử, ông là người Tây Nguyên đầu tiên được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân, là người được bạn bè quốc tế mến phục.

Ngày 23-3-1993, làng Stơr đã được Bộ VH-TT cấp bằng Di tích lịch sử văn hóa: Làng Kháng chiến Stơr.

Ngày 19-5-2009, UBND tỉnh đã có Quyết định số 246/QQĐ-UBND phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng khu lưu niệm Anh hùng Núp với diện tích 5,25 ha tại trung tâm làng Sơ Tơr, xã Tơ Tung, huyện Kbang, với 16 hạng mục công trình.

Khi đến với khu di tích làng Stơr, du khách còn được người dân đón chào rất niềm nở với những nụ cười thân thiện, nếu có điều kiện còn có thể được thưởng thức các lễ hội truyền thống của người Bahnar, cảm nhận điệu múa xoang, tiếng Cồng của dân làng và những món ăn dân dã đặc thù của làng.

Gia Lai có gì? Bạn đang muốn tìm một nơi để giải tỏa tâm hồn nhưng chưa biết đi đầu thì hãy đến với Gia Lai – chuyến hành trình tại đây hứa hẹn sẽ mang đến cho bạn nhiều trải nghiệm thú vị. Tạm quên những điểm du lịch nổi tiếng trước đó và thử đặt chân đến đây xem sao nhé.

Đăng bởi: Lê Thành

YOLO! Khám phá các huyện ở Gia Lai

ALONGWALKER Singapore: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Philippines: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Indonesia: Saluran untuk mengeksplorasi pengalaman para pemuda global ALONGWALKER Malaysia: Saluran untuk menjelajahi pengalaman global belia ALONGWALKER Japan: 発見・体験、日本旅行に関する記事 ALONGWALKER Thailand: ช่องทางในการสำรวจประสบการณ์ของเยาวชนระดับโลก