Kỹ Năng Phái Mạnh

Xóa bỏ ngộ nhận để hiểu hơn về công việc viết lách

Khi đã bắt đầu viết, tôi mới nhận ra rằng người chưa từng viết (và nghĩ mình sẽ viết, cũng như có thể viết) mang theo quá nhiều ngộ nhận về việc viết lách. Có lẽ đã đến lúc để viết về những ngộ nhận, hòng giúp ai đó nhận được điều gì đó và vứt bỏ được điều gì đó thông qua việc đọc bài viết này.

Những bức tranh phong cảnh thường đem đến cho tôi một cảm giác kỳ lạ mỗi khi nhìn vào. Chúng gọi về trong tâm trí những ký ức chưa từng tồn tại, cũng như chưa từng sở hữu.

Sự hoài niệm về một thời xa vắng ta chưa từng trải qua luôn khiến tôi cảm thấy thích thú. Cảm giác sững sờ đến mức quên mất một nhịp thở mỗi khi chứng kiến khung cảnh huy hoàng nào đó đôi lúc khiến tôi cảm thấy bản thân sống hơn một chút và bình yên hơn một chút. Điều kỳ diệu của trải nghiệm này là nó vẫn xảy đến thông qua việc đọc văn chương.

Tôi dành phần lớn tuổi thơ để rong ruổi khắp các ngóc ngách trên thế giới thông qua câu chữ của những tác phẩm kinh điển. Không thể khước từ sự thật là một phần ký ức, hay nhiều thứ hơn là chỉ ký ức mà tôi chưa đủ khả năng để nhận diện, cũng được tạo dựng từ ấy. Có lẽ khát khao một ngày nào đó có thể tự mình viết ra vài ba dòng gợi lên xúc cảm gì đó ở người khác cũng là một phần trong số đó.

Việc đọc nhiều từ sớm giúp tôi tự bỏ đi được nhiều ngộ nhận (và tự mang theo những ngộ nhận khác?), nhưng quả thực người ta cần nhiều trải nghiệm hơn là chỉ đọc, mới mong có thể hoàn toàn rũ bỏ được nhiều ngộ nhận nhất có thể. Như khi bé tôi đã nghĩ rằng ắt hẳn mình sẽ tự do, thoải mái khám phá thế giới và hạnh phúc biết mấy khi trở thành người lớn, nhưng rốt cuộc bây giờ phần ký ức tươi đẹp nhất tôi có lại là thời thơ ấu. Tôi không bị giới hạn quá nhiều trong các lựa chọn khi đã lớn, nhưng vẫn chẳng thể tìm thấy bất kỳ động lực nào để làm chúng, cũng như chẳng nhận được quá nhiều cảm xúc mỗi khi thử. Để rồi bây giờ, chỉ khi quan sát lũ trẻ chơi đùa và thấy cách chúng bất ngờ trước dường như tất cả mọi thứ mới khiến tôi cảm thấy như mình đang được sống lại trong hành tinh cũ kỹ này một lần nữa.

Hay khi đã bắt đầu viết, tôi mới nhận ra rằng người chưa từng viết (và nghĩ mình sẽ viết, cũng như có thể viết) mang theo quá nhiều ngộ nhận về việc viết lách. Có lẽ đã đến lúc để viết về những ngộ nhận, hòng giúp ai đó nhận được điều gì đó và vứt bỏ được điều gì đó thông qua việc đọc bài viết này.

Tất nhiên, tri thức nhận được từ việc đọc có giới hạn, và bạn sẽ chỉ thật sự vỡ lẽ khi tự mình trải nghiệm.

kỹ năng, nghề nghiệp, xóa bỏ ngộ nhận để hiểu hơn về công việc viết lách

“Viết cần cảm xúc”

Việc nói rằng cần phải có cảm xúc để bắt đầu viết cũng như bảo rằng đi tập gym cần động lực, làm việc nhà cần niềm cảm hứng và uống nước cần phải khát. Nếu hàm ý theo nghĩa đơn giản, tức cảm xúc như một hệ thống phần thưởng thúc đẩy chúng ta hoạt động, thì phát biểu này quá vô nghĩa. Lẽ hiển nhiên là bạn sẽ trì hoãn việc viết cũng như cách bạn đã trì hoãn việc tập gym. Trên thực tế, một vài dạng đặc thù của viết lách như viết luận văn, trả hẹn deadline với tòa soạn… cũng bị trì hoãn vì không có cảm xúc. Vì lúc ấy chúng ta vẫn đang bận rộn với các hoạt động khác gợi cảm xúc tốt hơn, như xem Netflix hay chơi game. Sự xuất hiện của cảm xúc ở đây chẳng chỉ ra bất kỳ điều gì khác biệt, đủ để cho thấy đặc thù của việc viết là phải cần cảm xúc, vì cảm xúc vốn vẫn luôn xuất hiện ở bất kỳ hoạt động nào khác của con người, cũng như không giữ vai trò quan trọng để đánh giá ý nghĩa của hoạt động ấy.

Nhưng “viết cần cảm xúc” thường được hiểu một cách rất cao siêu, như một thiên tài bật dậy giữa đêm và ngồi liên tục suốt hai ngày để hoàn thành áng văn vô tiền khoáng hậu, hay một khoảnh khắc Chúa ghé vào tai và rót cho tác giả một ý tưởng sâu sắc nào đó. Quan niệm này mạnh mẽ đến mức nó tạo ra hẳn một trường phái cho rằng chỉ khi có cảm xúc mãnh liệt, động lực sáng tác mới rõ ràng và từ đó tác phẩm mới thực sự có giá trị.

Hmm… tôi đồng ý về sự tồn tại của những khoảnh khắc thiên tài, nhưng không đồng ý với việc nó là thứ hiện ra trước, thứ quyết định và tồn tại độc lập với đời sống của tác giả. Chúa không ghé vào tai một học sinh trung học cơ sở rồi giúp anh ta viết nên Chiến tranh và Hòa bình, hay ghé vào tai bác sĩ nào đó giúp anh ấy tìm ra công thức e=mc2. Khi khảo sát những tác giả được các tín đồ “sáng tác vị cảm xúc” ngưỡng mộ và thường đem ra làm ví dụ cho quan điểm của mình, tôi đều thấy rằng họ có số lượng tác phẩm đồ sộ, sự nghiệp viết lách nghiêm túc, cần mẫn. Những tác giả nổi danh nhờ một tác phẩm tiêu biểu cũng chẳng phải cả đời chỉ xuống bút đúng một lần, mà còn sở hữu hồ sơ phong phú khi còn vô danh. Làm thế nào để chắc chắn rằng niềm cảm hứng, góc nhìn sâu sắc và xúc cảm đặc biệt họ có trong một vài khoảnh khắc không đến từ cả quá trình?

Sự huyền bí phía sau sự tồn tại của thứ cảm xúc “điều khiển tác giả và giúp họ hoàn thành nên kiệt tác” đã tạo ra một định kiến phổ biến ở những người chưa từng viết (ý tôi là thực sự viết), rằng viết nhất thiết cần bắt đầu bằng một niềm cảm hứng tuyệt vời. Tôi thấy quan niệm này vốn chỉ là dấu hiệu quá cũ kỹ và quá quen thuộc của đại chúng. Người ta có xu hướng thích các câu chuyện ngủ một giấc và trở nên giàu có, một ngày rơi xuống hang nhặt được bí kíp luyện võ công, bụt hiện lên giúp đỡ khi gặp khó khăn, đang ngủ thì có cú gửi thư tới và nói rằng bạn có phép thuật hay bị nhện cắn rồi có siêu năng lực. Việc phó mặc số phận bản thân cho một thế lực kỳ diệu nào đó phổ biến vì chúng tạo ra cảm giác an toàn cho cảm xúc. Một mặt, nó đem tới hy vọng về một bước ngoặt xoay chuyển tình thế, và vì vậy tình trạng tệ hại hiện tại có tệ hơn một chút cũng không sao – vì cuối cùng bước ngoặt cũng sẽ thay đổi tất cả; mặt khác, nó giúp việc trì hoãn không làm gì trở nên dễ chịu hơn, ai đó có thể tự nhủ “vì tôi chưa viết do tôi chưa có niềm cảm hứng, chứ không phải vì tôi không thể viết”.

Tôi đồng ý với trường phái ngược lại, cho rằng sự cần mẫn và nghiêm túc sẽ giúp kiến tạo khoảnh khắc thiên tài, trong khi vẫn đảm bảo mọi thứ phát triển ổn định ngay cả khi may mắn không xuất hiện. Franz Kafka đã dành ra thời gian rỗi vào mỗi ngày (mỗi ngày) để liên tục viết, và không thể bảo rằng ông chỉ là nhà văn làng nhàng. Làng nhàng hơn có thể kể đến Haruki Murakami hay Nora Roberts, cũng tuân theo quan điểm cần mẫn sáng tác để cho ra đời số lượng tác phẩm đồ sộ, và bạn biết đến họ. Haruki chưa từng đạt Nobel văn học, nhưng ít ra chưa năm nào tên của ông không xuất hiện cùng giải thưởng này.

Khi nói về cảm xúc, cảm hứng trong chuyện viết lách, có lẽ bạn chỉ nên để ý đến hai điều: liệu tác giả có thoải mái khi viết và liệu người đọc có được khơi gợi cảm xúc khi đọc hay không.

Còn về cảm xúc để bắt đầu, cá nhân tôi nghĩ rằng việc nghe theo chúng ngay từ đầu hiếm khi đem lại kết quả tốt đẹp, ở bất kỳ lĩnh vực nào chứ không chỉ riêng chuyện viết lách.

kỹ năng, nghề nghiệp, xóa bỏ ngộ nhận để hiểu hơn về công việc viết lách

“Viết phải đầy đủ”

Một trong những thứ sẽ cản trở bất kỳ ai đặt tay xuống bắt đầu viết là sợ rằng mình sẽ không thể viết ra được một bài viết phản ánh sự thật một cách đầy đủ, đúng đắn. Tất nhiên là bạn không thể, nhưng điều này chẳng có ý nghĩa gì vì không ai đặt ra yêu cầu về chuyện phải luôn viết ra mọi thứ đúng đắn và đầy đủ. Bạn không phải là đấng toàn năng, nên hiển nhiên về mặt logic là không thể viết ra bất kỳ điều gì “đầy đủ” (thực sự đầy đủ), và bạn cũng đâu định viết cuốn Kinh Thánh thứ hai?

Vì vậy, đừng để bị phiền nhiễu bởi những kỳ vọng thiếu thực tế, tất cả những gì một tác giả cần làm là khoanh vùng mục đích bài viết và thực hiện nó một cách đúng đắn bên trong vùng ấy. Chẳng hạn để viết một bài viết phi giả tưởng cần đáp ứng yêu cầu kỹ thuật như hệ thống luận điểm luận cứ và dẫn chứng đầy đủ, chi tiết hơn thì các dẫn chứng phải đáp ứng tiêu chuẩn. Chẳng hạn vậy. Hầu như mọi thể loại văn bản đều trên thế giới đều đi kèm những bộ khung quy tắc tối thiểu, từ bài báo cho đến luận văn, người ta thường yêu cầu phóng viên hay nghiên cứu sinh đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật để được công nhận, chứ không bao giờ bắt bẻ rằng nội dung của chúng “chưa đầy đủ và không phản ánh hoàn toàn sự thật”.

Sẽ thật tệ khi bạn dẫn nguồn kém chất lượng, hiểu sai ý của người bạn trích dẫn hay đưa thông tin sai, nhưng chẳng có gì để lăn tăn nếu những gì bạn viết ra vẫn “chưa phản ánh đầy đủ thế giới”. Ai là người quyết định như thế nào là đầy đủ?

Hãy tự xét bằng logic: nếu tồn tại một người có đủ khả năng quyết định “như thế nào là một bài viết đầy đủ”, vậy có nghĩa là họ cũng có đủ khả năng để viết ra một bài viết đầy đủ, nghĩa là sẽ tồn tại một thứ như vậy, và tất yếu nhân loại từ đó trở về sau không cần viết nữa, do chẳng ai đi viết một bài thiếu sót khi đã tồn tại một bài viết đầy đủ, cũng như chẳng ai có thể viết một bài viết “đầy đủ hơn” bài viết “đầy đủ”. Cốc nước đầy là cốc nước đầy, không thể có cốc nước “đầy hơn”. Điều này vô lý về mặt logic lẫn thực tế, do vậy, đừng quá lo lắng.

Trên thực tế, bất kỳ triết gia vĩ đại nào cũng từng ăn chửi, chưa có ngoại lệ. Bất kỳ tượng đài văn học nào cũng từng bị chê, chưa có ngoại lệ. Một văn bản đầy đủ về thế giới không tồn tại, đó là lý do con người vẫn tiếp tục suy nghĩ, sáng tạo, viết lách và chửi nhau để có thể hiểu hơn về thế giới. Việc bạn viết ra một thứ chưa đầy đủ quá mức hiển nhiên, và điều đó không khiến tác phẩm của bạn vô giá trị.

Cá nhân tôi cho rằng thay vì ảo tưởng nghĩ về một áng văn chính luận xuất sắc nói ra được chân lý và đầy đủ, chỉ cần quan tâm tới hai yêu cầu chính: đáp ứng yêu cầu về mặt kỹ thuật và đáp ứng yêu cầu về mặt đạo đức.

Nghĩa là, luôn phải viết một cách tử tế, hoàn chỉnh và chỉn chu theo đúng kỹ thuật. Một bài báo phải là một bài báo, một luận văn phải là một luận văn và tản văn phải là tản văn. Để được như vậy, cần phải nắm rõ làm thế nào. Bên cạnh đó, dù về mặt lý thuyết bất kỳ ai cũng có quyền viết ra bất kỳ thứ gì, và luôn cần được công nhận khi đã đáp ứng yêu cầu kỹ thuật (ví dụ, một bài báo khoa học là một bài báo khoa học ngay sau khi nó thực hiện đầy đủ yêu cầu của một bài báo khoa học, chứ không phải vì nó viết về cái gì), nhưng các tác giả cũng cần tự xây dựng cho mình một hệ thống đạo đức để có thể viết ra những thứ phù hợp với bản thân và với mọi người.

Xoay quanh hai yếu tố cốt lõi này, bài viết của bạn sẽ có giá trị cao, ngay cả khi nó không đầy đủ (như bao bài viết khác trên đời).

Nhưng tính không đầy đủ về mặt phổ quát này chỉ người ngoại đạo mắc phải, các tác giả khi đã đến thời điểm nào đó hiển nhiên phải tự nhận thức được giới hạn về mặt nhận thức khi ở trong hình hài con người, kéo theo đó tất yếu là giới hạn về giá trị phản ánh hiện thực của các văn bản được tạo ra bởi con người. Nhưng rất có thể họ vẫn phải mắc một lỗi nghiêm trọng khác, là yêu cầu các bài viết phải đầy đủ giống như một cuốn sách, hay thậm chí rất nhiều cuốn sách.

Bài viết tồn tại và sách tồn tại, thay vì chỉ một trong hai, vì chúng thực hiện các nhiệm vụ khác nhau. Bạn không thể trình bày toàn bộ nền móng lý thuyết căn bản về lý thuyết trò chơi, trước khi viết về trò song đề tù nhân, bên trong chỉ một bài viết. Một cuốn sách sẽ làm được việc đó, nhưng một bài viết thì không. Vì vậy, bất kỳ tác giả nào cũng cần phải xác định trước độc giả của mình và giả định là họ đã nắm được các kiến thức căn bản. Như trong một tiết học, thầy giáo lớp 12 sẽ dạy học với giả định rằng học sinh đã nắm được kiến thức ở 11 bậc học trước; các tác giả khi viết bài cũng cần giảm bớt sự lằng nhằng, rối rắm trong bài viết của mình dựa trên giả định rằng độc giả đã ở mức độ hiểu biết nào đó.

Nếu liên tục rơi vào bẫy “phải đầy đủ”, các bài viết bạn tạo ra sẽ ngày càng kén độc giả. Những độc giả đã nắm được kiến thức căn bản sẽ mất kiên nhẫn vì chúng quá dài dòng trước khi đi vào vấn đề chính, trong khi những người chưa biết gì hiển nhiên là chẳng quan tâm. Như khi viết về “từ thiện không thực sự tốt”, để “đầy đủ”, bạn sẽ cần giải thích về khái niệm lòng vị tha hiệu quả, về chủ nghĩa vị lợi, về chủ nghĩa tân tự do. Nhưng nó sẽ lại dẫn tới việc bạn phải tiếp tục cắt nghĩa rõ ràng “lòng vị tha”, “đạo đức”, “triết học”… Nếu không khoanh vùng độc giả, nghĩa là bạn giả định rằng bài viết của mình phục vụ tất cả mọi người, kể cả học sinh tiểu học, lúc này sẽ còn cần giải thích thêm điều gì nữa?

Do vậy, vì không thể đầy đủ, hãy “không đầy đủ” một cách thông minh. Bạn luôn cần phải khoanh vùng trước nhóm đối tượng mình sẽ phục vụ. Khi viết về một vấn đề cụ thể (thường “vấn đề cụ thể” sẽ nằm ở tầng phức tạp) giả định rằng đọc giả phải biết các khái niệm căn bản trước khi bắt đầu. Sẽ có bài viết “triết học là gì”, “lòng vị tha là gì”, “đạo đức là gì”. Nhưng bài viết của bạn không cần phải bao gồm những bài viết ấy. Bạn buộc phải viết nó dành cho các độc giả đã đọc qua những bài viết/sách vở về các vấn đề căn bản hơn, để tiếp cận được với vấn đề phức tạp bạn đang khai thác. Ở phía ngược lại, độc giả buộc phải có hiểu biết căn bản trước khi đọc những thứ phức tạp, nếu muốn tiếp thu hiệu quả.

Bạn không thể học triết học thông qua đọc bài viết của chúng tôi, bạn phải đọc rất nhiều sách. Ngược lại, các tác giả cũng đừng nên đặt kỳ vọng có thể dạy triết học (là một phạm trù rộng) cho độc giả chỉ thông qua một vài bài viết.

Điều đáng bực mình là cả người chẳng bao giờ viết lẫn người viết nhiều thường xuyên mắc phải tật xấu này, yêu cầu bài viết của người khác phải “đầy đủ”, mà không khoanh vùng rõ xem liệu đầy đủ ở đây là đầy đủ trong phạm vi nào.

kỹ năng, nghề nghiệp, xóa bỏ ngộ nhận để hiểu hơn về công việc viết lách

Chi bằng đừng viết

Viết là quyền của tất cả mọi người, và suy cho cùng chẳng có bất kỳ nguyên tắc bắt buộc nào áp dụng cho tất cả. Nhưng nghề viết thì có. Nếu bạn chỉ viết cho vui, hiển nhiên là viết thế nào cũng được, thật khó để cấm đoán, cũng như chẳng có bất kỳ cơ sở nào để nói rằng một ai đó nên viết như thế nào thì tốt cho họ và cho người xung quanh. Nhưng khi một người xác định rằng họ sẽ nghiêm túc theo đuổi nghề viết, có thể nói rằng họ sẽ cần nghiêm khắc hơn với chính mình và với việc viết lách.

Lúc này, viết sẽ là hoạt động lặp đi lặp lại và kéo dài, được kỳ vọng sẽ phát triển theo lộ trình cụ thể. Các hoạt động lặp đi lặp lại luôn cần tuân theo nguyên tắc. Ăn uống, làm việc, sống chung với nhau… đều có nguyên tắc và yếu tố văn hóa cốt cũng để chúng ta có thể duy trì chúng trong cả đời ở trạng thái tốt nhất có thể. Sẽ thật tệ khi một người theo đuổi nghề viết nhưng lại không tìm thấy bất kỳ cảm xúc gì mỗi khi đặt tay xuống phím hay cầm bút lên. Tệ hơn nữa là nếu việc đó còn khiến họ cảm thấy khổ sở. Điều tồi tệ của việc cảm thấy khổ sở khi ăn là bạn phải ngừng ăn và sức khỏe giảm sút, hoặc bạn phải cố nuốt từng miếng trong đau khổ để tiếp tục sống. Viết lách, nếu đã là nghề, nhưng lại dẫn người ta tới trạng thái không thể tiếp tục, cũng chẳng thể ngừng lại, sẽ chẳng là gì hơn ngoài một nỗi bất hạnh.

Trên thực tế, nó dễ xảy ra hơn mọi người nghĩ. Nếu kỹ năng viết của bạn không thể phát triển đủ nhanh để bạn có thể: kiếm được nhiều tiền hơn do nhu cầu cuộc sống ngày càng gia tăng, viết hay hơn để được tôn trọng (bởi cả người khác lẫn bản thân), viết hiệu quả hơn để có thêm thời gian tận hưởng cuộc sống, đủ khả năng để bắt đầu viết về các chủ đề sâu hơn và phục vụ nhóm đối tượng độc giả khó tính hơn… Những điều này rất dễ đẩy một tác giả vào bi kịch.

Vì vậy, hoặc là bạn đừng viết, hoặc là bạn phải cẩn thận khi phát triển viết như một kỹ năng chuyên biệt. Người ta chẳng có cả đời để phát triển nhiều kỹ năng (đủ chuyên sâu để kiếm sống được). Một tác giả sẽ cần suy nghĩ để có thể viết, đọc để có thể viết, cảm nhận để có thể viết – ý tôi là suy nghĩ, đọc và cảm nhận để có thể viết, chứ không phải kiểu suy nghĩ, đọc và cảm nhận thông thường. Một người suy nghĩ về mọi thứ nhưng rồi để mọi thứ qua đi, sẽ khác với một người hướng tới việc viết lại những dòng suy nghiệm cá nhân dưới dạng văn bản cụ thể.

Tôi không dám đưa ra bất kỳ công thức chung nào về thiết kế cuộc sống phù hợp với việc viết, có lẽ không tồn tại thứ như vậy, nhưng có một vài kinh nghiệm hoàn toàn cá nhân có thể chia sẻ. Tôi thường xem việc viết là hiển nhiên và cần thiết, nên từ bài viết, dòng trạng thái hay bình luận tất cả đều phải trông như “viết”, và người đọc nó cũng phải cảm thấy như đang “đọc”. Chúng sẽ không giống nhau và không hề khuôn mẫu, máy móc, nhưng đều cần phải gợi được cảm xúc trong quá trình viết, gợi cảm xúc ở người đọc, cũng như tuân thủ các yêu cầu kỹ thuật và có đạo đức. Phải viết nhiều đến mức việc này trở nên thật dễ dàng và luôn gợi cảm xúc ở người đọc, như cách các họa sĩ chỉ cần “quẹt quẹt vài cái” nhưng trông vẫn đẹp trong mắt người xem, hay ca sĩ chỉ cần hát bâng quơ vài câu đã đủ để tạo ra cảm giác thoải mái ở người khác. Chỉ khi “sự viết” của bạn cũng đạt đến mức độ chuyên nghiệp cao như các nghề đặc thù khác, bạn mới có thể tự nhìn nhận bản thân như một tác giả, và được người khác nhìn như một tác giả. Ấy là khi bạn thực sự nghiêm túc với việc viết.

Bên cạnh đó, cuộc sống thực cũng rất quan trọng. Tôi thường dành thời gian nghỉ ngơi sau các bài viết, hơn là tốn thời gian ở giai đoạn trước khi viết. Ngay cả khi cam kết với việc viết và xây dựng cuộc sống xoay quanh nó, bạn cũng cần đảm bảo rằng cuộc sống không được quá mệt mỏi, nhàm chán hay tẻ nhạt. Kỹ năng viết không phải thứ luôn hiện hữu, và niềm cảm hứng về chủ đề nào đó không thể để dành, chúng dễ dàng âm thầm biến mất khi tác giả không để ý và có thể mãi không trở lại. Nghe thì có vẻ “huyền bí”, nhưng chỉ là đôi lúc người ta thay đổi lối sống quá mức và nó ảnh hưởng tới việc viết nhưng không hề hay biết. Sự biến mất của bối cảnh thường kéo theo cả những thứ đi cùng bối cảnh ấy, nhẹ thì ý tưởng biến mất, nặng thì khả năng viết lách cũng không còn.

Với các độc giả, hy vọng bài viết này có thể giúp các bạn hiểu hơn về việc viết lách, biết rằng bài viết thì không giống sách, và bạn luôn có thể chọn đọc cả hai hoặc không đọc gì cả, thay vì yêu cầu các tác giả phải viết đầy đủ như sách vở, hay một vài dòng có thể khai sáng cuộc đời mình.

Theo Monster Box

Đăng bởi: Mỹ Ánh Huỳnh Thị

ALONGWALKER Singapore: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Philippines: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Indonesia: Saluran untuk mengeksplorasi pengalaman para pemuda global ALONGWALKER Malaysia: Saluran untuk menjelajahi pengalaman global belia ALONGWALKER Japan: 発見・体験、日本旅行に関する記事 ALONGWALKER Thailand: ช่องทางในการสำรวจประสบการณ์ของเยาวชนระดับโลก