Kỹ Năng

Những kỹ năng mềm quan trọng với mọi ngành nghề

Mỗi ngành nghề khác nhau đòi hỏi nhân sự phải có những kỹ năng chuyên môn khác nhau. Bên cạnh đó có một loại kỹ năng không chỉ cần thiết trong trong công việc mà còn rất quan trọng trong cuộc sống hằng ngày, đó là các kỹ năng mềm. Hãy cùng tìm hiểu 5 kỹ năng mềm mà ai cũng cần rèn giũa trong bài viết này nhé.

Kỹ năng trình bày

Ý tưởng mà bạn nghĩ ra dù hay đến đâu cũng cần được mọi người hiểu một cách toàn diện. Để làm được điều này, trước tiên bạn cần trình bày ý tưởng của mình một cách rõ ràng và mạch lạc. Có như vậy ý tưởng của bạn mới có khả năng thuyết phục được tất cả mọi người. Có 2 bước trình bày một ý tưởng bao gồm:

Bước 1: Sắp xếp tất cả các ý tưởng thành hệ thống Suy nghĩ của chúng ta, đặc biệt là khi có nhiều ý tưởng, thường sẽ rất lộn xộn và rối rắm. Vì thế bạn cần phải sắp xếp chúng theo một hệ thống có trình tự rõ ràng. Với những ý tưởng cần thời gian dài để thực hiện, bạn nên cụ thể hóa chúng ra giấy hoặc phác thảo bằng sơ đồ tư duy (mind map).

Bước 2: Chọn lựa đối tượng người nghe phù hợp Mỗi nhóm đối tượng người nghe có mức độ chú ý khác nhau đối với chủ đề mà bạn nói đến và họ chỉ hiểu rõ nhất những thứ mình thực sự quan tâm. Vì vậy trước tiên hãy xác định bạn muốn trình bày ý tưởng của mình với ai, sau đó truyền đạt chúng thật mạch lạc và gãy gọn để thu hút sự quan tâm của người nghe. Có 4 tiêu chí đánh giá một ý tưởng được trình bày tốt đến đâu bao gồm: có mục đích rõ ràng, ngắn gọn, dễ hiểu và dễ đọc/ dễ nghe.

Kỹ năng tư duy

Có rất nhiều kỹ năng tư duy quan trọng mà mỗi người cần phải rèn luyện, trong đó có thể kể đến như:

Tư duy sáng tạo: là khả năng nhìn thấy một vấn đề, từ đó đưa ra những ý tưởng, giải pháp hữu ích để giải quyết vấn đề một cách tổng thể.

Tư duy phản biện: là khả năng nhìn nhận và đánh giá sự vật, sự việc một cách tổng quát, từ đó biết cách đặt các câu hỏi thích hợp nhằm hiểu đúng bản chất của sự vật, sự việc đó thay vì vội vàng thừa nhận chúng.

Tư duy logic: là chuỗi các hoạt động suy luận, đánh giá một vấn đề cụ thể để đạt được mục tiêu mong muốn. Thực hành tư duy logic giúp chúng ta xác định mối liên hệ giữa các sự vật, sự kiện, từ đó sắp xếp chúng theo thứ tự liên quan để tìm ra giải pháp phù hợp.

Tư duy tích cực: là tâm lý lạc quan dù bạn đang ở trong tình huống xấu nhất. Tư duy này sẽ giúp bạn lấy lại sự bình tĩnh, nhìn nhận vấn đề đang gặp phải một cách thấu đáo, toàn diện, đặc biệt dựa vào mặt sáng của vấn đề để có thêm động lực giải quyết chúng và tiếp tục bước về phía trước.

Kỹ năng tự học

Tự học (self-study) là quá trình tự trau dồi kiến thức không chỉ từ sách vở mà còn từ các trải nghiệm trong cuộc sống. Trí tò mò và óc ưa thích khám phá sẽ giúp bạn có động lực học tập tất cả mọi thứ trong đời sống, dù bạn đang hoạt động ở lĩnh vực nào đi chăng nữa. Thông qua tự học, bạn sẽ liên tục cập nhật những kiến thức, xu hướng, phương pháp làm việc mới… hiệu quả hơn. Đồng thời trong suốt quá trình này, bạn sẽ tự phải tìm tòi, phân tích, nghiên cứu, do đó khả năng giải quyết vấn đề của bạn cũng sẽ được cải thiện một cách rõ rệt. Tự học có liên quan chặt chẽ tới kỹ năng tư duy ở trên. Cụ thể, bạn cần có tư duy định hướng được kiến thức nào là cần thiết với bạn ở thời điểm hiện tại. Từ đó bạn mới có thể đi đúng trọng tâm và kiên trì theo đuổi nó đến cùng.

Kỹ năng quản trị cảm xúc

Quản trị cảm xúc còn được gọi là trí tuệ cảm xúc (EQ – Emotional Quotient). Đây là khả năng nhận diện, kiểm soát và điều hướng cảm xúc theo hướng tích cực, áp dụng cho cả cảm xúc cá nhân lẫn cảm xúc của người khác. Để quản trị cảm xúc của bản thân, đầu tiên bạn cần nhận thức được nó, nghĩa là bạn biết mình đang cảm thấy thế nào (vui vẻ, sợ hãi, tức giận, bối rối hay hoang mang…). Từ sự nhận thức đó, hãy luyện tập EQ bằng cách kiểm soát cảm xúc của mình trong mọi tình huống, đặc biệt là trong những lúc căng thẳng khiến bạn dễ nổi giận. Bạn hãy dùng lý trí của mình để xác định một sự việc nào đó là đúng hay sai, nên hay không nên làm. Điều này sẽ giúp bạn đưa ra được cách xử lý phù hợp với tình hình hiện tại. Ngoài ra, khơi dậy cảm xúc cũng là một kỹ năng cần thiết. Ví dụ nếu bạn đang buồn, hãy nhớ lại một ký ức vui vẻ, tích cực trong quá khứ. Điều này sẽ giúp bạn điều chỉnh cảm xúc của mình nhanh chóng và khá hiệu quả.

Kỹ năng quản lý thời gian

Người ta thường nói thời gian là vô giá vì khi nó đã trôi qua thì không bao giờ lấy lại được. Đó chính là lý do vì sao quản lý thời gian là một kỹ năng cực kỳ quan trọng cả trong công việc lẫn cuộc sống.

Để quản lý thời gian một cách hiệu quả, đầu tiên bạn cần phải khiến cho nó trở nên khan hiếm bằng cách thu hẹp giới hạn thời gian cho những việc bạn cần làm, vừa giúp bạn thử thách bản thân, vừa giúp tiết kiệm nhiều thời gian cho bạn. Đồng thời bạn hãy ưu tiên thực hiện tất cả mọi việc theo thứ tự quan trọng nhất đến ít quan trọng nhất. Cuối cùng bạn đừng quên xem xét, đánh giá và điều chỉnh lại thói quen quản lý thời gian của mình mỗi ngày.

Đăng bởi: Trương Tuấn

ALONGWALKER Singapore: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Philippines: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Indonesia: Saluran untuk mengeksplorasi pengalaman para pemuda global ALONGWALKER Malaysia: Saluran untuk menjelajahi pengalaman global belia ALONGWALKER Japan: 発見・体験、日本旅行に関する記事 ALONGWALKER Thailand: ช่องทางในการสำรวจประสบการณ์ของเยาวชนระดับโลก