• Review trải nghiệm chi phí Trekking Himalaya

    Review trải nghiệm chi phí Trekking Himalaya

    Gần đây anh/chị/em cũng bắt đầu tìm hiểu về các tour trekking ở nước ngoài nhiều và có nhiều phân vân nên mình chia sẻ kinh nghiệm chuyến đi của mình và quan điểm theo cá nhân để đóng góp chút ít cho mọi người đam mê trải nghiệm tham khảo thôi nhé.

    Trekking Himalaya: trải nghiệm tối đa, chi phí tối ưu.

    Ở đây mình muốn chia sẻ chi phí tối ưu cho trải nghiệm chứ không có phương án cho chi phí tối thiểu vì đi du lịch thì cũng cần thoải mái chút để trải nghiệm được trọn vẹn.

    NÓI VỀ CHI PHÍ TRƯỚC:

    Để so sánh giá Tour từ các nhà Tour Nepal tuỳ thuộc theo những cái bao gồm hay không bao gồm chứ đừng nhìn vào con số họ đưa ra mà đánh giá ngay là đắt hay rẻ nhé. Bạn cần tìm hiểu kỹ các tiêu chí sau:

    * Số ngày đi Tour: ví dụ cung EBC các nhà Tour làm chênh lệch từ 15-18 ngày, có tham quan các điểm khác không hay chỉ leo núi? bạn có thể cắt giảm chương trình tham quan theo ý mình để tiết kiệm. Nhưng không đặt vé may bay quá sát ngày so với cung Trek.

    * Chất lượng (số sao của khách sạn): bạn có thể chọn chất lượng khách sạn ở thành phố theo túi tiền nhưng số ngày ở thành phố khá ít còn lại chủ yếu là ở homestay trên đường leo núi ( giá tương đương nhau) cho nên sẽ không chênh lệch nhiều ở khoản này

    * Số bữa ăn: phần này mang lại sự chênh lệch lớn về chi phí Tour nên mọi người lưu ý nhé.

    – Giá chỉ bao gồm phần ăn sáng nghĩa là bạn sẽ tự túc gọi món cho bữa trưa và bữa tối, bạn nhân lên cho số bữa ăn theo lịch trình của mình là biết số tiền ăn phát sinh. Một bữa ăn đơn giản trên núi từ 150k – 250k VND

    – Giá trọn gói ăn 3 bữa thì có 2 kiểu: đặt món chung cho đoàn hoặc bạn có thể tự chọn trên Menu. 2 cái này cũng khác nhau cả về chất lượng và giá cả nên tuỳ theo quan điểm ăn uống của cá nhân để lựa chọn ăn thoải mái và đủ dinh dưỡng thì sẽ đắt hơn rồi nhưng dù sao Tour có trọn gói cũng không làm bạn phải suy nghĩ tính toán nhiều mỗi lần gọi đồ ăn còn đặt món ăn chung thì bạn phải ăn dù không thích món đó hay dù bạn thấy không đủ. Nhưng cũng lưu ý ăn đủ và đừng gọi dư thừa hoang phí ở một nơi khắc nghiệt và khó khăn trên núi tuyết bạn nhé.

    – Một cái nữa vô cùng quan trọng mà các nhà tour hầu như không nói rõ cho đến khi bạn lên tới trên núi là nước uống. Nước uống hầu hết là nước phải nóng hoặc trà nóng vì thời tiết quá lạnh, nước mang theo trên đường trekking có bao gồm không? nếu không thì bạn phải trả từ 60k – 150k cho khoảng 600 – 1000ml nước bạn uống tuỳ theo độ cao. Nhân tiếp cho số ngày bạn phải uống nhé

    * Tiền Tip cho Tour Guide và Porter: cái này có mức tối thiểu công ty sẽ không ngại trả lời hoặc qui định sẵn luôn nên bạn cũng cần biết trước để chuẩn bị tiền vì nó không bao gồm trong giá Tour, đưa sau khi kết thúc hành trình. Ngoài tiền Tip còn có một loại tiền thưởng áp dụng cho các đỉnh summit tính từ Base Camp trở lên, tuỳ theo độ cao của đỉnh mà tiền thưởng cũng qui định khác nhau. Đối với du lịch quốc tế tiền này là bắt buộc rồi trừ khi bạn không hài lòng về tour Guide hay có sự cố thuộc lỗi của công ty tổ chức.

    Tóm tắt theo quan điểm cá nhân mình là chọn trọn gói bao gồm tất cả đừng ăn kham khổ nếu đã chọn một thử thách đi đến giới hạn của bản thân, còn nếu bạn là khách mà tự chị trả các khoản phát sinh thì chắc chắn sẽ đắt hơn nhà tour họ mua/ đặt giúp bạn. Môi trường làm du lịch của Nepal phục vụ khách quốc tế đã qua nhiều năm nên họ giữ tiêu chuẩn và không bao giờ để khách cảm thấy tệ nên sẽ không có chuyện treo đầu dê bán thịt chó.

    Các công ty đều có giá cho cá nhân và theo số người một nhóm nên lên kế hoạch rủ rê bạn bè hoặc nhóm khởi hành chung từ Việt Nam sẽ được giảm giá chiết khấu nhiều hơn. Lên kế hoạch càng sớm càng tốt để đông đủ thành viên nhưng một đoàn cũng không nên vượt mức 12 thành viên cho đỡ loãng và có tinh thần đồng đội, cỗ vũ tương trợ nhau được nhiều hơn trong hành trình.

    GIỜ NÓI VỀ CHỌN CHẤT LƯỢNG NHÀ TOUR:

    Thẳng thắn ngay từ đầu là chọn công ty tour có pháp nhân trong lĩnh vực leo núi ở Himalaya chứ đừng chọn Porter hay Sherpa cho rẻ nha. Nói ngắn gọn lý do là tính mạng, an toàn của bản thân có tiền cũng không mua được mà với hành trình dài trên núi tuyết chứ không phải leo 2 hay 3 ngày như ở Tây Bắc nước mình mà còn bao nhiêu phốt xảy ra nữa.

    Nhà tour thì mình chọn theo review bạn bè đã đi, tìm hiểu website, Fanpage và một yếu tố quan trọng hơn nữa là leader tour mình đi sẽ là ai? có kinh nghiệm gì và đã được đánh giá ra sao?

    Mình chọn tour treking chắc hẳn là muốn chinh phục và trải nghiệm thiên nhiên rồi, nhưng lead chuyên nghiệp và có tâm sẽ hướng dẫn thêm cho bạn kỹ năng trong hành trình, chỉ dẫn thêm những kỹ năng cao hơn cho những chinh phục khắc nghiệt hơn về sau. Ngoài ra là không thể thiếu về giới thiệu văn hoá lịch sử bản địa nữa, cũng tốn chi phí và thời gian đi một chuyến mà chỉ biết leo rồi về thì quá thiệt thòi luôn. Chưa nói đến việc bạn lên đỉnh được hay không phụ thuộc và sự chuẩn bị và chăm sóc của leader đó rất nhiều ngoài sự cố gắng vượt qua chính mình của bạn.

    ĐÚC KẾT CHIA SẺ QUAN ĐIỂM CÁ NHÂN:

    Đặt vé máy bay dư ra ít nhất 2 ngày so với ngày nhà tour đưa ra chương trình trek vì bay nội địa và thời tiết xấu thì chờ 1,2 ngày để bay là bình thường.

    Đặt tour trọn gói bao gồm ăn uống thoải mái trong hành trình trekking để đảm bảo dinh dưỡng sức khoẻ lại tiết kiệm chi phí hơn bạn tưởng.

    Chọn Guide uy tín, nhiều kinh nghiệm leo núi và đi theo tour của công ty có pháp nhân tại Nepal.

    Gói bảo hiểm mua tại Việt Nam phải có cứu hộ trực thăng trong trường hợp khẩn cấp.

    Đi mua hàng hay quà lưu niệm cần đi với tour guide để có giá tốt.

    Trang bị đồ dùng trekking, quần áo ấm, giày chuyên dụng đầy đủ từ Việt Nam vì mua giá tốt và đúng chất lượng hơn ở Nepal. Đồ đặc dụng để summit các đỉnh trên 6000 nên chọn nhà tour có cho thuê chứ mua thì nhiều tiền lắm nha.

    Xem thêm bài có từ khoá:

    kinh nghiệm leo núi,

    kỹ năng,

    leo núi