Cà Mau

Ăn gì khi đến Cà Mau?

Thưởng thức cảnh đẹp luôn song hành thưởng thức ẩm thực, bởi mỗi vùng miền, mỗi địa phương luôn có bản sắc văn hóa đặc trưng. Chẳng thế mà ẩm thực bốn phương trên dải đất hình chữ S luôn khiến chúng ta bất ngờ vì những món ăn ngon, lạ, thú vị. Do đó, đến với du lịch Cà Mau lần này việc thưởng thức ẩm thực không thể thiểu các món ngon trứ danh. Ăn gì khi đến Cà Mau? Trong bài viết này hãy cùng chúng tôi khám phá các món ăn nổi tiếng của Cà Mau khi ghé thăm vùng đất cực Nam của Tổ Quốc nhé!

Cua Cà Mau

Nói đến món ngon, đặc sản Cà Mau thì phải nói đến con cua, cua Cà Mau ngon, ngọt, chắc thịt nổi tiếng khắp nước mà những con cua nơi khác không thể sánh bằng!

ăn gì khi đến cà mau?

Cua Cà Mau

Cà Mau được thiên nhiên ưu đãi với ba mặt tiếp giáp biển cùng với hệ sinh thái rừng ngập mặn phát triển nên nguồn thủy hải sản vô cùng đa dạng và phong phú và cũng là môi trường lý tưởng, thuận lơi cho con cua phát triển.

Ngày trước, cua biển ở Cà Mau nhiều vô số kể, nhưng hiện nay, cua trong thiên nhiên còn rất ít, phần lớn cua được nuôi kết hợp trong những ao đầm nuôi tôm. Tuy vậy, nguồn thức ăn cho cua vẫn là từ tự nhiên, cua vận động nhiều nên thịt vẫn ngọt và săn chắc.

Để phân biệt, người ta chia con cua ra thành từng loại như sau: cua thịt (gồm cua Y, cua Yếm vuông, cua Xô), cua Gạch và cua Cốm.

  • Cua Y là con cua đực, càng to, yếm dài có hình chữ Y. Tùy vào trọng lượng người ta phân thành nhiều loại cua Y, con cua Y đạt chuẩn phải từ 250g/ 1con trở lên.
  • Cua Yếm vuông là con cua cái đang bắt đầu hình thành gạch, yếm to có hình như hình vuông.
  • Cua Xô là cua thịt, con nhỏ khoảng từ 150g đến 200g/ 1con hoặc là những con cua bị gãy càng loại ra.
  • Cua Gạch là những con cua cái có trứng đã thụ tinh và phát triển thành gạch, nếu cua cái không được giao phối thì sẽ không lên gạch và không được gọi là cua gạch mà gọi là cua cái ốp.
  • Cua Cốm hay còn gọi là cua hai da là những con cua Y, cua Yếm vuông, cua Gạch đang trong thời kỳ chuẩn bị lột vỏ, lớp vỏ cũ bên ngoài nứt nhẹ và dần lột bỏ, trong khi lớp vỏ mới bên trong đang hình thành để phát triển thành con cua lớn hơn.

Cua Cà Mau

Cua biển Cà Mau là loại cua ngon, giàu chất dinh dưỡng, đặc sản có tiếng xưa nay nên đâu đó giương bảng “Cua Cà Mau” nhưng giá lại rẻ bèo thì nên thận trọng, đó không phải là cua chính hiệu “Cua Cà Mau”. Mua những con cua này ăn, chất lượng kém, thịt bỡ lại mang thêm cái bực vào mình!

Những món ngon được chế biến từ cua biển thì vô cùng đa dạng và phong phú, từ những món đơn giản, dễ làm như cua nướng than, cua luộc, cua hấp bia đến những món công phu, cầu kỳ như cua rang me, lẩu cua, miếng cua, bánh canh cua,…

Cua biển là đặc sản, là món ăn ưa thích của người Cà Mau, hầu như người Cà Mau nào cũng đều thích. Ngoài là món ăn ngon, bổ dưỡng, cua Cà Mau còn là món quà quý gởi tặng bạn bè và người thân yêu khắp mọi miền đất nước.

Cua đá rang muối – Cà Mau

Cua đá có thể chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn, nhưng hấp dẫn nhất vẫn là món cua đá rang muối. Khi rang xong, cua đá sẽ chuyển sang màu đỏ, thịt có màu trắng, mềm, hơi dai nhưng thơm và ăn có vị ngọt. Cua đá thường được ăn kèm với rau răm và chấm với muối tiêu chanh.

ăn gì khi đến cà mau?

Cua đá – Cà Mau

Là một loài sinh sống ở môi trường nước mặn, thông thường loài cua đá sống trầm mình dưới ao đầm nuôi tôm, sông rạch và ở các cửa sông ăn thông ra biển. Đây được coi là một trong loại đặc sản có giá trị ở Cà Mau.

Nếu bạn đến Cà Mau và muốn ăn cua biển thì có lẽ bất cứ quán ăn, nhà hàng nào cũng có. Có điều nếu bạn muốn ăn cua đá thì phải đến đúng quán mới được. Tại các quán nghêu, sò, ốc thường chỉ bán cua đá đã qua ướp đá, nhưng các quán hải sản Thằng Bờm, Nhóc Nhách, Xuân Hà… ở Tp. Cà Mau đều có bán cua đá sống và nguyên con.

Khi đến đây, thực khách có thể tự tay lựa chọn những con cua đá to, chắc thịt để nhà bếp chế biến. Cua đá không to như cua biển, hình dáng nhìn hao hao như cua đồng. Vì gọi là cua đá nên càng cua đá cứng như đá, không dễ dàng lấy phần thịt bên trong nếu không có chày để đập hoặc dùng kềm kẹp cho vỡ ra.

Cua đá rang muối – Cà Mau

Cua đá chế biến được nhiều món hấp dẫn và ngon tuyệt như cua đá hấp bia, cua đá luộc hèm, riêu cháo cua đá, bún riêu cua đá… Đặc biệt, cua đá rang muối là món ẩm thực đặc sắc, được nhiều người ưa thích.

Muốn làm món cua đá rang muối ngon, người đầu bếp phải chọn những cua đá tươi, to, chắc, rửa sạch, để cho ráo nước. Kế tiếp cho cua vào chảo rang, trộn đều với muối hột. Đậy hé nắp chảo, để lửa liu riu, khi nào nghe muối hết nổ thì bắc chảo xuống, trộn đều cho muối bám, thấm vào cua. Sau cùng cho một nạm rau răm vào trộn sơ với cua.

Cua đá rang muối làm xong có màu đỏ, thơm lừng, muối dính đều vào các bộ phận của cua. Sau khi dùng kềm tách mai, bỏ vỏ càng sẽ thấy lớp thịt trắng lộ ra. Nếm thấy vị ngọt bùi, thịt chắc dai thơm tự nhiên. Hương vị món ăn thêm ngon hơn nếu có muối tiêu chanh kết hợp. Món càng cua đá rang muối rất hấp dẫn, có mùi vị đặc trưng, ăn một lần chắc chắn bạn sẽ muốn ăn thêm lần nữa!

Các món ăn ngon từ vọp  – Cà Mau

Cà Mau mang hương sắc đậm đà của cả biển và rừng, điều đó đã được in dấu rõ nét trong văn hóa ẩm thực. Ngoài cua, ba khía, ốc len, thì vọp là một đặc sản bạn nhất định phải nếm thử.

Con vọp – Cà Mau

Đối với nhiều người, có lẽ, con vọp vẫn còn khá xa lạ “như chưa hề quen biết” nhưng đối với người Cà Mau thì không ai không biết đến con vọp và con vọp là một trong những loại hải sản ngon, phổ biến ở vùng đất cuối cùng bản đồ Việt Nam. Vọp là loài nhuyễn thể hai mảnh võ, sống ở các vùng bãi bồi ven biển, đặc biệt là trong các khu rừng đước các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.

Trong quá trình bồi đắp, lấn biển thêm rừng ở vùng đất Cà Mau, cây mắm đi trước, cây đước theo sau, dưới những tán rừng đước bạt ngàn, con vọp dấu mình sinh sôi nảy nở. Chính vì thế, trong hai bộ truyện nổi tiếng đất Nam Bộ, Đất rừng phương Nam và Bác Ba Phi, đều có nói đến con vọp ở vùng rừng đước Cà Mau, thậm chí còn tôn nó lên thành một trong 4 đặc sản ngon nhất vùng đất mũi “tôm cua sò vọp”…

ăn gì khi đến cà mau?

Các món ăn ngon từ vọp  – Cà Mau

Loài vọp rừng cứ âm thầm chôn mình dưới vùng đất bãi bồi ngập mặn để sinh sôi, nẩy nở, nên vọp Cà Mau thân to hơn ở các vùng khác, không tanh. Thịt vọp ngọt, dai dai, ăn rất ngon, có thể chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn như: vọp hấp gừng, vọp nướng mỡ hành, vọp xào bồn bồn, vọp nấu cháo, vọp kho sả ớt, vọp nấu canh chua,… Đơn giản và nhanh nhất là luộc vọp chấm nước mắm chua ngọt, nếu cầu kì thêm một tý thì nên luộc vọp với gừng, ăn sẽ đậm đà hơn.

Chọn những con vọp to đều nhau, đem cạo và rửa sạch lớp rong rêu bám ngoài vỏ. Nấu một ít nước, cho vào vài lát gừng giã giập. Chờ nước sôi, thả vọp vào luộc, để vài phút thấy vọp há miệng ra tức là vọp đã chín, lúc đó phải nhắc xuống ngay bởi nếu luộc lâu thịt vọp sẽ teo lại, ăn mất ngon. Không gì thú vị hơn khi vừa gỡ thịt từng con vọp nóng hổi, chấm với nước mắm chua ngọt, mắm cay hoặc muối tiêu chanh tùy theo sở thích của mỗi người, vừa nhấm nháp vài ly bia lạnh. Thịt vọp dai dai, ngọt ngọt hòa quyện với vị chua cay của nước chấm, hơi gừng nồng nàn đã tạo thành một món ăn khoái khẩu.

ăn gì khi đến cà mau?

Vọp nướng mỡ hành  – Cà Mau

Món vọp nướng cũng đơn giản mà hấp dẫn không kém. Chỉ cần lựa chọn những con vọp còn sống, rửa sạch, để ráo nước rồi để lên vỉ nướng trên bếp than hồng. Gia vị cho món vọp nướng gồm muối tiêu chanh thêm bột ngọt, các loại rau cải gồm rau răm, rau thơm, húng lủi… Ai thích thì có thể cho thêm một ít mỡ hành, đậu phộng để làm gia tăng thêm hương vị bùi bùi, béo béo của món ăn dân dã này. Thấy vọp há miệng là vừa chín tới, ăn rất ngọt, để lâu sẽ chín quá, khô nước, thịt dai và ăn không còn ngon, ngọt. Thịt vọp chấm với muối tiêu chanh bạn sẽ thấy vị ngọt của vọp, vị thơm của các loại rau ăn kèm, vị chua cay tiêu chanh và vị mặn của muối, hòa quyện trong đó là mùi hương đặc trưng của than củi của khói bếp lò phảng phất…tất cả đã làm nên những món ăn ngon, đặc sắc mang đậm bản sắc địa phương.

Riêng ở Ngọc Hiển, Năm Căn, vùng rừng đước phủ xanh bạt ngàn, có một cách thưởng thức vọp khá độc đáo và mang đậm dấu ấn thời khẩn hoang là vọp nướng chông. Người ta lựa một khoảnh đất nhỏ cấm chặt miệng những con vọp xuống đất như cấm chông, sau đó phủ một lớp củi đước lên cho thật đều rồi đốt lửa. Củi đước cháy bùng lên tỏa sức nóng xuống đất rồi lụi tàn nhanh. Khi củi tàn, móc những con vọp cháy xém này lên ăn rất ngon. Vì bị cấm chặt trong đất nên vọp không hở miệng, nước trong con vọp gần như giữ nguyên, húp cái nước có vị mặn ngọt này thì quên cả sầu,đã lắm, có khi lại ngẩn ngơ, bồi hồi:

“Vọp rừng mà đem nướng chông
Nhuốm mùi khói đước nhớ mong tìm về…”

Cá thòi lòi – Cà Mau

Đất Mũi Cà Mau, mảnh đất cực Nam của tổ quốc, nơi từng hạt phù sa lấn biển thêm rừng. Nơi đây, không chỉ có rừng ngập mặn, cột mốc tọa độ GPS 0001, nơi duy nhất có thể quan sát mặt trời mọc và mặt trời lặn mà nơi đây còn là nơi sinh sôi nảy nở của cá thòi lòi, con vật kỳ lạ nhất hành tinh.

ăn gì khi đến cà mau?

Cá thòi lòi – Cà Mau

Cá thòi lòi, 1 trong 6 loài vật kỳ lạ nhất hành tinh, có hình dạng và đặc điểm vô cùng kỳ lạ. Mắt cá như hai hòn bi sáng long lanh, lồi hẳn ra phía trên đỉnh đầu, hai vây trước có hệ cơ phát triển đóng vai trò như đôi tay, có thể sống được cả dưới nước lẫn trên cạn.

Điều kỳ lạ ở loài cá này là chúng có thể sống, chạy, nhảy và săn mồi ngay cả ở trên cạn một cách điêu luyện và đặc biệt là khả năng leo cây rất tài tình, không một loài cá nào có thể có được!

Cá thòi lòi nhanh nhẹn, tinh ranh nhưng lại nhút nhát, hễ gặp bóng người là trui vào hang chốn mất. Hang cá thòi lòi sâu lại có nhiều ngách thông nhau nên rất khó săn bắt bằng tay.

Xà di dùng để bẫy cá thòi lòi – Cà Mau

Để bắt cà thòi lòi, người dân Đất Mũi Cà Mau thường thụt hang, cắm câu vào ban ngày hoặc soi đèn vào ban đêm. Cá thòi lòi khi bị soi đèn vào mắt sẽ nằm bắt động nên rất dễ bắt.

Nhưng hiệu quả nhất hiện nay là đặt xà di. Xà di có hai loại, một loại được đan bằng lá dừa nước như hình miệng phễu, một đầu túm lại, hễ cá trui vào là không ra được. Loại thứ hai cũng tương tự loại thứ nhất nhưng thay vì làm bằng lá dừa thì được dùng chỉ gân để đan lại thành lưới. Người ta đặt những chiếc xà di vào miệng hang, chờ khi cá ra ngoài kiếm ăn, sẽ tự động chui vào những chiếc xà di này.

Cá thòi lòi – Cà Mau

Thịt cá thòi lòi săn chắc, mềm và thơm ngon nên được chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn như: kho tiêu, nấu canh chua, nướng muối ớt và làm khô.

Cá thòi lòi kho tiêu là món ăn đậm chất dân dã của người sông nước Cà Mau. Cá bắt về làm sạch rồi ướp với một số gia vị như tiêu xay, nước mắn, muối, đường, bột ngọt, nước màu. Do cá thòi lòi ít chất béo nên khi kho cá cần cho thêm một ít thịt ba rọi (ba chỉ) hoặc nước cốt dừa vào để tăng độ béo và thơm ngon của món cá.

Khi kho, cho thêm một ít nước vào rồi bắc lên bếp, đun với lửa nhỏ liu riu cho đến khi gần cạn nước, cá săn lại, đượm mùi thơm thì cho một ít hành lá xắt nhỏ vào rồi nhắc xuống. Cá thòi lòi được kho trên nồi đất ăn với cơm trắng kèm một ít rau sống thì ngon lắm, ăn sẽ ghiền đấy, sẽ nhớ mãi cái tình ở Đất Mũi cho coi!

Canh chua là món ăn mà hầu như người dân Việt nào cũng khoái cũng thích, ngon mà không ngán, hôm nào nhà có nấu canh chua là hôm ấy dường như ăn cơm sẽ ngon hơn! Cá thòi lòi nấu canh chua cũng là món ngon ăn đã, với đầy đủ hương vị chua, cay, mặn, ngọt.

Để nấu canh chua, cá thòi lòi phải là cá còn tươi sống, được làm sạch, để nguyên con, có thể nấu cá với me, trái giác, khế chua và cùng với cá loại rau như bắp chuối, rau muống, đậu bắp, đậu rồng, bạc hà, cà chua,..Tô canh chua cá thòi lòi nóng hổi với đầy đủ hương vị và màu sắc, vừa ăn mồ hôi vừa chảy xuống nườm nượp thì ngon và khỏe biết mấy!

ăn gì khi đến cà mau?

Cá thòi lòi nướng muối ớt – Cà Mau

Nếu là người thích nhâm nhi, lai rai với bạn bè thì món cá thòi lòi nướng muối ớt là món không nên bỏ qua khi đến Đất Mũi. Con cá thòi lòi tươi sống được tẩm muối ớt rồi nướng trên bếp than hồng đỏ rực, cá nướng vàng da bốc lên một mùi thơm phưng phức. Ăn một miếng cá thòi lòi nướng với một ít bánh tráng rau sống, chấm một ít nước mắm me, nhấp một ít men cay, lắng nghe tiếng nước sông vỗ bờ bì bỡm, lâu lâu lại vẳng lên đâu đó tiếng máy chạy tàu trên những khúc sông thì ta thấy dường như đất trời bình yên và thanh thản lắm!

Nếu về miền Đất Mũi, Cà Mau muốn mua những loại khô hải sản đem về, thì ngoài khô cá lóc, cá bổi, cá kèo có tiếng xưa nay thì khô cá thòi lòi cũng là một loại khô ngon, đặc sản của Đất Mũi, có thể làm quà tặng cho mọi người đấy!

Ốc móng tay chúa – Cà Mau

Cà Mau là tỉnh sở hữu vùng biển rộng lớn cùng hệ sinh thái phong phú và đa dạng. Do đó, các ngư dân biển nơi đây luôn có cơ hội để đánh bắt được nguồn hải sản tươi ngon, nhất là ốc móng tay chúa. Loại ốc này không chỉ thơm ngon mà còn mang đến hàm lượng dinh dưỡng cao khi chế biến thành món ăn.

ăn gì khi đến cà mau?

Ốc móng tay chúa – Cà Mau

Loài ốc này có chiều dài cơ thể khoảng 6-10 cm, 2 mảnh vỏ dài, màu vàng nâu giống như những ngón tay. Bên trong vỏ là phần thịt màu trắng được bao bọc bởi lớp màng trong và mịn. Ở Việt Nam hiện nay, ốc móng tay đang được ưa chuộng trong bữa cơm của các gia đình. Đồng thời, ruột ốc còn được tách riêng làm mặt hàng xuất khẩu có giá trị.

Ốc móng tay chúa xuất hiện ở vùng biển Cà Mau lúc nào không rõ, nhưng cách đây gần chục năm, bà con nơi đây phát hiện ra chúng. Ban đầu vì lạ, ít người biết ăn nên giá cả rất thấp. Các vựa tại địa phương phải cất công đi chào hàng nhiều nơi, dần dần thực khách thưởng thức thấy ngon nên lượng tiêu thụ tăng mạnh và giá trị con móng tay chúa được xếp vào hàng đặc sản, giá cả cũng khá cao.

Ốc móng tay chúa – Cà Mau

Ốc móng tay chúa chỉ mới xuất hiện ở một số quán hải tươi sống ở Cà Mau cách đây không lâu, nhưng được nhiều thực khách ưa chuộng bởi thịt ốc ngọt, ăn có cảm giác giòn giòn chứ không dai. Do ốc còn sống nên khi chế biến thịt rất thơm ngọt. Ốc móng tay chúa có kích cỡ khá lớn, khoảng 8 – 14 con/1kg.

Ốc móng tay chúa là loài nhuyễn thể 2 mảnh vỏ, sống ở vùng biển cạn, có giá trị kinh tế cao; là loại thực phẩm bổ dưỡng, có nhiều khoáng chất như canxi, sắt… lại có vị ngon, ngọt nên rất hợp khẩu vị của nhiều thực khách. Ốc móng tay chúa đã trở thành món ăn đặc sản của nhiều nhà hàng, quán ăn ở Cà Mau.

ăn gì khi đến cà mau?

Ốc móng tay chúa nướng mỡ hành – Cà Mau

Ốc móng tay chúa nướng mỡ hành phải là loại ốc còn tươi sống. Trước khi nướng, ốc được rửa sạch và xếp trên bếp than hồng. Chờ đến khi vỏ của ốc được tách ra, thịt chuyển sang màu trắng thì lúc đó thịt đã chín đều. Khi nướng sắp chín, thực khách thêm một ít mỡ hành vào cho ốc được thơm béo hơn. Ốc móng tay chúa nướng mỡ hành phải chấm muối tiêu chanh, ăn kèm theo rau răm, dưa leo, quế… thì không có gì sánh bằng.

Ngoài món nướng mỡ hành, ốc móng tay chúa còn có thể đem hấp gừng, hấp tỏi, xào sa tế, hấp với lá tía tô, nướng chao…

Ở Cà Mau, nếu muốn thưởng thức món ngon này, thực khách có thể tìm đến các quán hải sản tươi sống như: Xuân Hà ở phường 5 hoặc Nhóc Nhách ở phường 1, TP. Cà Mau…

Cá lóc nướng trui – Cà Mau

Nhiều năm gần đây, những sản vật quê – nghèo khó, khiêm nhường và “rẻ như bèo” ngày xưa, giờ đã chễm chệ nằm ở top đầu trong các món đặc sản nói chung ở các nhà hàng nơi đô thị. Và cá lóc nướng trui là một dẫn chứng rõ nhất cho những diễn giải của chúng tôi vừa viết ở trên.

ăn gì khi đến cà mau?

Cá lóc nướng Trui – Cà Mau

Các món nướng ở Cà Mau rất nổi tiếng, bởi nó ngon từ nguyên liệu chế biến và cách nướng theo nhiều kiểu độc đáo, giữ được sự tinh túy, nguyên bản của thực phẩm. Riêng món cá lóc nướng trui là phải nướng bằng rơm thì thịt cá mới thơm và ngon.

Muốn ngon thì nguyên liệu phải là cá lóc đồng và phải là cá của mùa khô, bắt ở ao, đìa. Cá lóc khoảng 400 – 500g, để nguyên vẩy, rửa sạch, dùng một que bằng tre còn tươi xiên từ miệng đến đuôi cá, rồi cắm con cá đã lụi bằng que tre xuống đất theo hướng đầu cá hướng lên trời, đuôi cá hướng xuống đất, sau đó phủ rơm khô cho kín con cá, đốt lên nướng.

Cái giỏi của người có “tay nghề” là phủ lượng rơm vừa đủ, sau khi lửa tàn thì con cá cũng vừa chín tới. Cá nướng chín quá thì sẽ bị khô, mất chất ngọt của thịt, ăn không ngon; chưa đủ độ chín thì cá bị nhão và tanh. Chất rơm nhiều quá thì nướng bị khét; rơm ít mà chất thêm thì khi nướng phần đầu sống, phần đuôi khét ăn không ngon.

Cá lóc nướng Trui – Cà Mau

Sau khi rơm cháy rụi, ta lấy cá ra cạo sạch lớp vẩy đã cháy đen bên ngoài sẽ có được con cá lóc nướng trui vàng tươi. Cá còn nóng, để ra tàu lá chuối rồi dùng đủa ăn rạch một đường trên lưng từ đầu đến đuôi, khi xẻ cá ra khói và mùi thơm bên trong bốc lên tạo nên hương thơm đặc trưng làm cho người ta khó có thể cưỡng lại được. Đối với cá lóc nướng trui, bộ “đồ lòng” của cá là ngon nhất, bởi ruột cá sạch trơn và nhất là vị đắng thanh tao của mật, người được thưởng thức bộ “đồ lòng” phải là người cao tuổi nhất và khách quý nhất trong bữa tiệc.

Cá lóc nướng trui được gói bánh tráng kèm với ít bún hoặc bánh hỏi, rau diếp cá, rau thơm, hẹ sống, dưa leo, chuối chát, khóm và phải chấm với nước mắm me đặc quánh hoặc nước mắm ngon pha với tỏi, chanh, ớt, đường, bột ngọt…Tất cả vị mặn, ngọt, chua, cay và bùi của thịt cá cộng với vị cay nồng của ly rượu đến thì không gì có thể sánh bằng.

Bánh tầm cay – Cà Mau

Ẩm thực Cà Mau không thiếu món ngon trứ danh nhưng bánh tầm cay vẫn có chỗ đứng nhất định. Chỗ đứng ấy chính là hương vị bình dị của gạo nhà quê, chính là nét mộc mạc trong cách bày biện món ăn, bày trí hàng quán đơn sơ mà thực khách không thể tìm được trong hàng loạt đặc sản hay nhà hàng sang trọng khác. Thế mới nói về Cà Mau mà chưa ăn bánh tầm cay coi như chưa biết hương vị miền Tây.

ăn gì khi đến cà mau?

Bánh tầm cay – Cà Mau

Bánh tầm cay Cà Mau hay còn được gọi là bánh tằm cay là món ăn bình dân mà bạn có thể dễ dàng tìm thấy chúng ở các hàng quán vỉa hè hay những gánh hàng rong. Đối tượng khách hàng của món bánh tầm cay Cà Mau này thuộc đủ mọi tầng lớp.

Không chỉ là những người dân lao động cho đến tri thức hay đám học sinh, sinh viên. Thêm nữa bạn có thể thưởng thức món bánh đồng quê đặc trưng ẩm thực Cà Mau này vào buổi sáng, ăn trưa ăn xế hay tối cũng đều ngon. Có lẽ chính vì điều này mà khiến cho món ăn trở nên đặc biệt và hấp dẫn hơn.

Bánh tầm cay – Cà Mau

Sỡ dĩ món ăn này có tên gọi như vậy là bởi sợi bánh có hình dạng to mập và trắng trẻo như những con tằm vậy. Nói là món ăn bình dân thế nhưng để làm được bánh, người thợ phải mất khá nhiều công sức chế biến. Đâu tiên họ cần chọn gạo ngon, ngâm qua đêm rồi sáng sớm đem xay thành bột.

Tiếp đó bột gạo được xay sẽ mang hoà với nước theo tỉ lệ chuẩn rồi đun trên lửa nhỏ riu riu khuấy đều tay. Khi bánh chín thì đến khâu se sợi, lúc này người chế biến sẽ rải một lớp bột khô lót, sau đó sẽ tách ra thành sợi thon dài tròn đầy bằng nửa ngón tay.

Tuy rằng việc làm bánh tầm ngày nay đã có các công cụ máy hỗ trợ, nhưng nếu làm thủ công bằng tay thì bánh sẽ ngon hơn và dai hơn. Sau khâu chế biến sợi bánh, người ta sẽ làm thêm các nguyên liệu khác như xíu mại, thịt nướng, cà ri hay tàu hũ ky để tô thêm hương vị cho món ăn.

Đặc biệt, là hương vị chủ đạo của món ăn này là vị cay, cay nồng cay xé nhưng không lấn át vị béo vi chua ngọt của các thành phần khác. Thế nên, khi ăn không hề thấy ngán mà cứ muốn ăn mãi không ngừng.

Bánh tầm cay – Cà Mau

Với bàn tay điêu luyện và cách chế biến của từng người mà món bánh tầm cay có thể được kết hợp với những loại đồ ăn kèm khác nhau. Nhưng người Cà Mau vẫn thích nhất kiểu bánh tầm cay cà ri gà và xíu mại. Họ nói rằng vị cay nóng của cà ri với vị ngọt béo bùi của xíu mại kết hợp cùng sợi bánh tằm thơm mới thể hiện được đúng cái hồn của ẩm thực miền Tây.

Nếu như bánh tầm cay cà ri gà phải có đầy đủ thành phần: đinh hương, đại hồi, bột nghệ, quế chi, hạt mùi khô và ớt khô; tất cả rang thơm sau đó nghiền thật mịn, thì bánh xíu mại cần loại thịt lợn ngon có cả nạc lẫn mỡ, gia giảm gia vị vừa tay để khi kết hợp với nước sốt cà ri vẫn thấy được vị của xíu mại.

Bánh tầm cay – Cà Mau

Một phần bánh tầm cay Cà Mau sẽ gồm những sợi bánh tầm trắng muốt, béo mẫm được cho vào chiếc đĩa trắng tinh. Nếu khách gọi cà ri gà thì sẽ rưới lớp sốt cà ri sền sệt vàng au tràn mặt bánh và bày thêm thịt gà, mề gà hay huyết gà. Gọi xíu mại sẽ bày hai ba cục xíu mại tròn quay nóng hổi lên trên để khách thưởng thức.

Và không quên gửi kèm đĩa rau sống có giá tươi, húng quế phối hợp tạo nên thẩm mỹ của món ăn đầy màu sắc và chén muối tiêu chanh để ăn kèm. Chỉ nhìn và cảm nhận bằng thị giác thôi đã khiến bao tín đồ ẩm thực phải thấy cồn cào.

Rồi đến khi nếm thử đảm bảo bạn sẽ “mê mẩn” hương vị bánh tầm cay Cà Mau ngay từ lần đầu thưởng thức. Một đĩa bánh tầm cay được mang ra nóng hổi, cắn một miếng xíu mại chấm muối tiêu chanh ngọt lừng vị thịt, béo béo vị mỡ, đậm đà của muối tiêu, và đặc biệt là vị cay của cà rì thấm từ đầu lưỡi tỏa ra khắp khoang miệng, quả thật là tuyệt vời.

Chả trứng mực Đất Mũi – Cà Mau

Ở vùng Đất Mũi, U Minh có một món ngon khá lạ và độc đáo, đó là chả trứng mực, chả được làm từ những trứng mực còn tươi ngon ngay ở trên thuyền, khi những con mực ôm trứng vào độ ngon nhất.

ăn gì khi đến cà mau?

Chả trứng mực Đất Mũi – Cà Mau

Vào khoảng từ tháng 2 đến tháng 5, mực vào mùa sinh sản, những con mực ôm trứng da hồng tím, sáng bóng, mắt đen láy. Lúc này là lúc mực trứng vô cùng ngon, vị ngọt của mực, vị béo của trứng là nguyên liệu giàu chất dinh dưỡng, được chế biến thành nhiều món ăn ngon hấp dẫn như: nướng muối ớt, hấp hành gừng, chiên nước mắm,.. Nhưng riêng đối với người dân vùng Đất Mũi, U Minh, trứng mực còn được chế biến thành một móng ăn ngon và lạ, đó là chả trứng mực.

Vào mùa mực trứng, mỗi chuyến ra khơi, ngư dân Cà Mau thường đem theo trứng vịt, thịt và gan heo để làm chả trứng mực ngay ở trên thuyền. Mực trứng bắt trong đêm muối bằng nước đá, sáng ra xẻ mực phơi khô rồi lấy hai bọc trừng nằm khuất bên trong thân mực. Lúc lấy trứng cũng phải khéo tay, tránh túi mật vỡ làm trứng mực mất màu và có vị đắng.

Trứng mực cho vào cối quết chung với trứng vịt, thịt và gan heo cùng một ít gia vị cho đến khi trứng đều và dính đầu chày, dùng tay thấm dầu nắm từng cục vo tròn rồi ép dẹp, phơi khô. Bánh chả sau khi được phơi nắng cho se mặt thì cất vào kho đá, đem về đất liền.

Chả trứng mực Đất Mũi – Cà Mau

Chả trứng mực nướng hoặc chiên đều ngon, chả trứng mực chiên lên có màu vàng rộm, thơm nức vô cùng hấp dẫn, chả thường được ăn với bánh tráng, rau sống, chấm nước mắm nhĩ hoặc muối tiêu chanh. Cái vị béo bùi của trứng mực ăn cùng với rau sống sẽ tạo nên một cảm giác vô cùng khó quên.

Thường, những miếng chả trứng mực đặc biệt này, người dân quê biển Cà Mau dành đãi khách phương xa. Nó cũng là món quà quý dùng gửi tặng bà con quyến thuộc tha phương kiếm sống, ăn để mà ngậm ngùi thương nhớ quê nhà. Nếu có dịp về xứ biển Cà Mau, bạn nhớ tìm ăn cho được chả trứng mực nhé, vì đó là một món ngon chỉ có ở vùng đất mũi mà thôi.

Lẩu mắm U Minh – Cà Mau

Mùi mắm nồng, thậm chí khá khó ăn nhưng cũng là một mùi gây nghiện, mà nghiện rồi là khó cai. Nếu nó được chế biến khéo như lẩu mắm U Minh thì chẳng khác gì liều thuốc kích thích khứu giác, vị giác, thị giác, xúc giác. Toàn bộ giác quan sẽ bị gây tê để đi vào con đường khám phá Ẩm thực Cà Mau đặc trưng.

ăn gì khi đến cà mau?

Lẩu mắm U Minh – Cà Mau

Nguyên liệu chính của món lẩu mắm U Minh cũng là mắm sặc và tất nhiên phải là loại mắm sặc ngon đựa lựa chọ kĩ. Mắm được nấu cho đến khi cá rả thịt, lược kỹ xương, nêm nếm bột ngọt, đường cho vừa ăn rồi sau đó cho vào lẩu. Để cho món ăn thêm phần thơm ngon người ta còn bổ sung thêm một ít lá sả bằm mịn, phần gốc sả đập giập cho vào lẩu.

Nước lẩu thường ngon ngọt có vị béo, thơm và sánh bí quyết chính đó là người ta cho vào một ít sữa bò thay đường. Lẩu mắm hạp với nhiều lọai thịt hay cá tùy thích mà người dùng có thể cho thêm vào. Nhưng lẩu mắm U Minh muốn ngon và đúng vị thì nhất định phải được nấu với cá đồng. Ngon nhất là khi nấu với lươn, cá rô mề, cá lóc to hoặc cá trê trắng mới trúng sách.

Ngoài cá ra, để tăng thêm vị ngọt thanh cho lẩu mắm có thể được bổ sung thêm thịt cua đồng, ốc lác, thịt ba rọi,… Nhưng điều thú vị nhất khi ăn món lẩu mắm là được thưởng thức vị thơm ngon của rất, rất nhiều lọai rau đồng, có thể đúng khi nói rằng, không có món ăn nào trên thế giới lại được ăn kèm với nhiều lọai rau như lẩu mắm

ăn gì khi đến cà mau?

Rau dùng để ăn lẩu mắm U Minh – Cà Mau

Và đặc trưng lẩu mắm của xứ U Minh là không thể nào thiếu đọt choại, rau the, nhãn lòng, bông súng, rau trai, tàu bay, rau mác, …tất cả kết hợp như góp phần giúp người ăn sẽ được thưởng thức hương vị: ngọt, bùi, chua, chát, đắng, cay, của nhiều, đa số các loại rau này là rau đồng sẵn có ở vùng đất U Minh.

Ngày nay lẩu mắm đã trở thành món không thể thiếu ở nhiều nhà hàng sang trọng trong cả nước. Về mặt lý thuyết thì nguyên tắc chế biến đều giống nhau, tuy nhiên, mỗi nơi lại có sự khác biệt bởi việc sử dụng các lọai thịt cá khác nhau và dùng rau nào ăn kèm cho hợp với phong thổ của quê hương.

Dù vậy cho dù bạn là người xứ nào, nhưng với bữa tiệc lẩu mắm ở U Minh chắc chắn sẽ là dư vị đậm đà, dung dị và da diết mà bạn sẽ không thể nào quên! Bởi nó gợi lại cho ta những ấn tượng quá khứ và kỷ niệm của lớp lớp tiền nhân đi mở cõi khai hoan vùng đất này.

Chuột đồng – Cà Mau

Đối với người dân thành thị, chuột đồng là món ăn xa lạ, ghê ghê nhưng đối với những người dân quê, chuột đồng là món ăn khoái khẩu, chỉ cần nhắc đến là nước bọt muốn trực trào vì thèm.

ăn gì khi đến cà mau?

Chuột đồng – Cà Mau

Chuột đồng, không phải là chuột “thành phố” sống ở những cống rãnh hôi hám, mà là những con chuột sống trên những cánh đồng, bờ ruộng, thức ăn chủ yếu là lúa, củ quả, mầm cây non.

Vào mùa giặt lúa, đặc biệt là cuối vụ hè thu, chuột đồng sinh sôi phát triển nhiều, con nào cũng to béo, mập mạp, người dân miền Tây nói chung và người dân Cà Mau nói riêng có thêm một nghề mới, đó là nghề săn bắt chuột đồng. Vào những ngày này, trên những cánh đồng, bờ sông nhộn nhịp cảnh bắt chuột, nhiều trẻ nhỏ hiếu kỳ, tò mò đi xem bắt chuột rồi học luôn cách bắt chuột đồng!

Bắt chuột đồng có nhiều cách như đặt bẫy, chạy cù, đâm chĩa, đào hang, người sành nghề, mỗi lần “ra quân” có thể bắt được trên cả chục kí.

Chuột đồng – Cà Mau

Thịt chuột đồng ngọt, thơm ngon được chế biến thành nhiều món ngon, từ những món bình dị dân dã như chuột khìa, chuột nướng, xào xả ớt đến những món cầu kỳ sang trọng ở nhà hàng như chuột ép lá chanh, áp chảo, rang muối, quay lu,…Nhưng có lẽ ngon nhất xưa nay vẫn là chuột nướng hoặc chiên xả ớt!

Con chuột đồng làm sạch để ráo nước rồi ướp với sả ớt bằm nhuyễn, thêm vào một ít gia vị cho hợp khẩu vị rồi đem nướng trên lửa than hồng hoặc chiên với lửa nhỏ riu riu. Thịt chuột chín vàng tươm hòa nguyện mùi sả thơm lừng, chỉ cần ăn một miếng thôi là độ ngon đủ để “lên bờ xuống ruộng”.

Món chuột đồng, có một điều lạ là khi chưa ăn lần nào thì thấy sợ sợ, ghê ghê chẳng dám ăn, chứ ăn một lần rồi thì lại thấy ngon thấy thích, lại muốn tìm ăn thêm lần nữa!

“Chuột đồng nướng sả than hồng

Nghe vương thương nhớ hương đồng rạ rơm”

Với nhiều người, những chiều vác cuốc đào hang, chạy cù bắt chuột đồng, tiếng hò hét cười nói lẫn trong tiếng chó sủa vang vang là một phần ký ức tuổi thơ khó quên, mỗi khi nghĩ đến lại thấy nhớ nao nao!

Con chuột đồng bây giờ đã là đặc sản của miền Tây, nếu có dịp về miền Tây xuôi về Cà Mau, thử một lần thưởng thức món ngon đồng quê này rồi sẽ thích sẽ nhớ sẽ muốn ăn thêm lần nữa đấy.

Tiết canh cua – Cà Mau

Tiết canh cua ăn là lạ, phần thịt cua mềm lẫn với tiết cua, thêm vào đó vị ngọt béo của gạch cua cho ta một hỗn hợp: mằn mặn, ngòn ngọt khiến dễ hình dung đến những lần trên bãi biển ta ăn cua luộc mà miệng và tay còn dính nước biển.

ăn gì khi đến cà mau?

Tiết canh cua – Cà Mau

Tiết canh cua ra đời từ đâu? Ai là đầu bếp đầu tiên chế biến nên món ăn có hương vị rất riêng của miền đất cuối trời này?

Có lão ngư miệt biển kể lại rằng: Xưa kia, trong những chuyến đi biển dài ngày, khi nước uống trên thuyền cạn, không kịp trở về hoặc ghé đảo Hòn Khoai để lấy nước ngọt, người đi biển thường bẻ càng cua, hứng lấy chất dịch bên trong để uống. Vị mằn mặn, ngòn ngọt trong càng cua dễ uống hơn nước biển, lại không tanh.

Sau này, có người khéo chế biến thành món ăn trong hành trình tìm món lạ đã nhớ đến chất dịch này trong cơ thể cua, và món tiết canh cua ra đời từ đó.

Đúng hay sai ta không quan tâm, chỉ biết trên thực đơn miền cuối đất đã có món tiết canh cua cùng với hành trình mở đất trên xứ này.

Cua dùng làm tiết canh nhất thiết phải là cua biển, và nên lựa những con có gạch thì đĩa tiết canh cua mới ngon ngọt và đầy đủ chất bổ khi ăn.

Để có đủ tiết làm được một đĩa tiết canh cua loại thường, người ta phải cần từ ba đến bốn con cua loại lớn, mỗi con chừng bảy tám trăm gam đến một ký.

Nhưng chưa hết, vì tiết cua không thể hãm được như tiết canh vịt, tiết canh heo… nên người ta phải chuẩn bị trước phần nguyên liệu từ một con cua khác.

Tiết canh cua – Cà Mau

Cua được luộc sơ, khi luộc cho vào một chút rượu đế… để cho thơm thịt cua. Khi cua chín, gỡ lấy từng miếng nạc cua, cho vào đĩa để nguội, rồi trộn với gia vị cho đậm đà; trộn thêm ít ngò gai, tía tô, rau húng xắt nhuyễn và phải có một ít lá quế để giảm bớt vị nồng của cua.

Kế đến mới thực hiện giai đoạn quan trọng nhất là cắt tiết cua. Cua còn sống, rửa thật sạch, sau đó dùng dây buộc thật chặt bốn chiếc ngoe lại thành một chụm. Dùng kéo bén cắt thật ngọt một lượt.

Tiết cua màu trắng từ những chiếc chân chảy thẳng xuống đĩa thịt cua đã được bày biện sẵn, ban đầu thành vòi nhỏ, sau cứ ri rỉ cho đến hết. Xong phần chân bên này lại cắt tiếp phần chân bên kia.

Ở những con cua có gạch thì ta lấy phần gạch ở mu cua cho vào đĩa tiếp theo sau phần lấy tiết cua.

Phần tiết cua luôn có lẫn nước, khi tiết đã đông, phần nước nổi lên mặt, phải khéo léo dùng muỗng hớt ra cho thật khô, rồi mới rắc lên ngò rí, đậu phộng rang giã nhỏ.

Tiết canh cua – Cà Mau

Tiết cua đông lại trông như rau câu. Tiết canh cua ăn là lạ, phần thịt cua mềm lẫn với tiết cua, thêm vào đó vị ngọt béo của gạch cua cho ta một hỗn hợp: mằn mặn, ngòn ngọt khiến dễ hình dung đến những lần trên bãi biển ta ăn cua luộc mà miệng và tay còn dính nước biển.

Tiết canh cua cũng được ăn chung với bánh tráng như các loại tiết canh khác, nhưng phần rau thì ngoài mùi tàu, không thể thiếu rau dấp cá và có khi cũng ăn chung với khế chua, chuối chát cũng rất hợp và ngon. Nếu ðã đến đất Cà Mau vùng đất cuối cùng của đất nước thì không nên bỏ qua món ăn độc đáo và khó quên này.

Gỏi nhộng ong rừng U Minh – Cà Mau

Nếu như tiết canh cua Cà Mau được coi là những món ăn ngon mang hương vị ẩm thực Cà Mau nhưng chỉ dừng ở hàng đặc sản thì gỏi nhộng ong lại được xếp hạng đệ nhất. Sở dĩ món ăn này được gọi như thế bởi sự quý hiếm, hương vị ngon tuyệt vời và cả một quá trình chế biến rất công phu. Chính vì thế đây là món ăn được nhiều thực khách sành ăn tìm ăn khi đến vùng đất Mũi.

ăn gì khi đến cà mau?

Nhộng ong rừng U Minh – Cà Mau

Có thể chúng ta đã từng ăn nhộng tằm, nhưng mấy khi được ăn nhộng ong, đặc biệt là nhộng ong rừng U Minh – loại ong chỉ sinh sống ở rừng cho ra loại mật nổi tiếng gần xa. Vậy nên mỗi lần đi rừng kiếm mật, người thợ may mắn kiếm được tổ sau khi cắt lấy bọng mật chỉ dám lấy thêm một ít nhọng ong non về thưởng thức. Việc làm này nhằm duy trì nòi giống, đảm bảo nguồn mật khai thác.

Ong rừng U Minh hút mật hoa tràm, sống tự nhiên không có sự tác động của con người nên không chỉ mật thơm ngon mà ngay cả nhọng ong cũng béo ngậy hơn bình thường. Vì thế đôi khi chỉ chế biến đơn giản cũng có món ngon. Và cũng phải nói thêm rằng đây là loại thực phẩm bổ dưỡng tốt cho sức khỏe nên còn được dùng để ngâm rượu.

Nấu cháo, chiên, xào kiểu gì nhọng ong cũng ngon nhưng đúng gu nhất thì chỉ có gỏi. Bởi hương vị thuần khiết của nhọng ong được bảo tồn trong suốt quá trình chế biến, không bị mất chất. Ngoài ra, vị của các loại rau, gia vị kết hợp trong món ăn và một số bí quyết càng làm tăng sức hấp dẫn cho món ăn. Nhọng ong là ong non còn ở trong tổ nên phải làm thật nhẹ bằng cách nhúng qua nước sội. Lọc được nhọng rồi để ráo nước và đảo qua với dầu nóng có hành phi thơm, thêm chút nước mắm ngon, tiêu nhỏ, đường cát rồi để riêng. Khi đảo lưu ý đảo sơ, chín quá nhọng mất nước tóp lại ăn không ngon.

ăn gì khi đến cà mau?

Gỏi nhộng ong rừng U Minh – Cà Mau

Loại rau chính trong đặc sản đệ nhất Cà Mau là bắp chuối non bào sợi. Do đó, phải đảm bảo cọng rau không chát, mỏng mịn giòn xốp bằng cách rửa qua nước pha xíu giấm. Thêm một số loại rau thơm khác như húng, ngò và lá hẹ. Và dĩ nhiên không thể thiếu nước mắm chua ngọt trộn gỏi, đậu phộng rang giã nhỏ. Chuẩn bị xong tất cả nguyên liệu, đeo bao tay vào bắt đầu trộn gỏi. Dưới nước mắm vào tô, hai tay trộn đều và trộn thật khẽ chứ không phải bóp như gỏi vịt, gỏi gà. Lấy ra đĩa trình bày không quên rắc đậu phộng trên mặt, vậy là đã có món ngon thưởng thức.

Gỏi là món ăn dễ làm nhưng rất tinh tế, tỉ mỉ. Mọi thứ đều được đo ni đóng giầy trọng lượng để đảm bảo mọi nguyên liệu kết hợp hoàn hảo nhất. Bởi vậy, hương vị gỏi nhộng ong Cà Mau mới được ca tụng “Cà Mau đệ nhất món ngon”, trở thành đặc sản đệ nhất của ẩm thực Cà Mau.

Rùa rang muối – Cà Mau

Vùng sông nước Cà Mau trù phú nên sản vật nhiều vô kể: nào cua, nào tôm, nào ba khía, nào cá, nào rùa, nào mực v.v. Sản vật nào cũng được lòng thực khách và mau chóng trở thành đặc sản ẩm thực Cà Mau. Điển hình như rùa rang muối – một món ăn ngon lạ và rất thanh cảnh.

ăn gì khi đến cà mau?

Đặc sản rùa – Cà Mau

Các món ăn từ thịt rùa được xem là đặc sản của vùng đất mũi Cà Mau. Rùa là một loài động vật hoang dã, rất phong phú về chủng loại, nào là rùa vàng, rùa nắp, rùa quạ, rùa hôi, rùa dém…

Trước đây, rùa sống trong tự nhiên rất nhiều nên người dân Cà Mau đổ xô đi săn bắt và chế biến. Hiện nay, vì có các chính sách để bảo vệ động vật hoang dã và rùa cũng nằm trong danh sách này nên người ta chuyển sang buôn bán rùa nuôi (giống như nuôi tôm, cua, sò huyết hay nghêu).

Rùa có thể làm được rất nhiều món ăn ngon và bổ, nhưng ngon nhất vẫn là món rùa rang muối, vừa dễ làm, dễ tìm gia vị, vừa đúng hương vị và cách ăn dân dã đặc biệt của người xứ Cà Mau.

Trước khi cho rùa vào rang chung với muối, người ta cắt cổ rùa để lấy huyết. Rượu đế trong như mắt mèo hay rượu nếp trắng pha huyết rùa là thức uống người sành ăn không bao giờ bỏ qua. Theo lời của nhiều người, rượu pha huyết rùa rất bổ dưỡng, có tác dụng không kém rượu pha huyết rắn hổ hay rượu ngâm ngọc dương.

Rùa rang muối – Cà Mau

Đem rùa đã cắt cổ trụng nguyên con vào nước sôi chừng vài phút rồi vớt ra cạo rửa rùa cho sạch nhớt. Cắt cổ rùa hơi khó, không có kinh nghiệm sẽ rất khó cắt thành công. Tuy nhiên, không nhất thiết phải thực hiện công đoạn này.

Nồi để rang rùa thường là nồi đất. Muối dùng để rang rùa nhất thiết phải là muối hột, cứ 1kg rùa cho 1kg muối. Để nguyên con rùa đã làm sạch và muối vào nồi đậy nắp kín, đun to lửa cho muối nổ. Đến khi hết tiếng nổ, ta bắt đầu lấy rùa ra, chẻ vỏ và bỏ bộ lòng. Rùa thường ăn các loại nấm, kể cả nấm độc nên tuyệt đối không được ăn bộ lòng rùa.

Phần thịt rùa, thực khách hãy từ từ xé thịt cho vào dĩa, vậy là bạn có thể thưởng thức món rùa rang muối chấm muối tiêu chanh hoặc muối ớt kèm với rau răm. Thêm vị nồng bằng một vài ly rượu nếp trắng mới cảm nhận hết cái hương vị thơm giòn, ngon ngọt, béo ngậy của thịt rùa, vị cay cay của rau răm, rau húng, vị cay nồng, ngòn ngọt của rượu nếp…, mà thầm khâm phục người Cà Mau thời khai hoang lập ấp đã sáng tạo ra cách tận hưởng sản vật trời cho có một không ai ở vùng đất tận cùng Tổ quốc này.

Cháo cá kèo rau đắng – Cà Mau

Nhắc đến những món đặc sản ở Cà Mau, nhất định không thể nào bỏ qua cháo cá kèo rau đắng. Đây là món ăn bình dị, dân dã đậm chất miền Tây sông nước. Không chỉ sở hữu hương vị thơm ngon và hấp dẫn, món này còn giàu chất dinh dưỡng, thích hợp cho người bệnh ăn để nhanh chóng phục hồi sức khỏe.

ăn gì khi đến cà mau?

Cá kèo – Cà Mau

Cá kèo sống chủ yếu ở khu vực Tây Nam Bộ, tập trung nhiều nhất ở các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang… Vùng nước thích hợp cho chúng sinh sống là các ao hồ nước lợ hoặc được nuôi tại các ruộng muối. Môi trường thích hợp cho chúng sinh sản là các bãi bồi tự nhiên ven biển. Mùa sinh sản của chúng từ khoảng tháng 4 đến tháng 9 hàng năm. Với thân hình trụ, dài, nửa thân trên của cá kèo có 7-8 sọc đen, các sọc này nổi rõ hơn khi dài về phía đuôi.

Để có nồi cháo cá kèo ngon, phải là sự kết hợp tuyệt vời của gạo dẻo thơm (để nấu cháo), của sợi gừng băm nhuyễn, của hành xắt thật nhuyễn, của ngò, của tiêu hột rang xay, của chanh ớt, của tỏi băm nhuyễn phi vàng đều, của nước mắm ngon, nguyên chất, không pha chế. Đặc biệt nhất (phải có) là cá kèo tươi roi rói được ướp nước đá trực tiếp cho chúng “ngắc ngư” để dễ dàng cho chúng vào nồi cháo đang sôi ùng ục lửa. Cũng tùy khẩu vị của từng người, có thể thêm hành tím.

Để thịt cá kèo luôn mềm khi chín tới thì một điều cần biết là không được cắt mõm và đuôi cá kèo trước khi chế biến món ăn vì như thế, khi chín, thịt chúng luôn bị cứng. Các cô gái “nào đó” muốn về xứ Cà Mau làm dâu thì cần “lưu ý” sâu hơn điểm này, không vì muốn con cá kèo đẹp tinh tươm mà đi cắt mõm, cắt đuôi sẽ bị “rớt đài” ngay lần ra mắt đầu tiên liền cho coi!

Đối với cá kèo, có thể pha nước muối loãng, nước cốt chanh, giấm ăn… để ngâm chúng cho hết nhớt; nhưng ngon nhất là vùi chúng trong tro bếp, sau đó rửa lại nhiều lần bằng nước máy cho thật sạch.

ăn gì khi đến cà mau?

Cháo cá kèo rau đắng – Cà Mau

Khi nồi cháo đã bung gạo, nở đều, đủ độ “lềnh” cần thiết thì nêm nếm các loại gia vị vào, để lửa nhỏ, cho ra nồi lẩu. Đến khi mọi người đã yên vị trên bàn ăn, hãy bắt đầu cho cá kèo vào nồi, không quá nhiều, chỉ 3 – 5 phút, cá kèo đã chín. Khi đó, trong mỗi chén đều có sẵn rau má vườn, cọng nhỏ hoặc giá đỗ. Mỗi chén cháo tầm 2 con cá kèo đã chín, nêm đầy đủ rau mùi và cho ít tỏi phi vàng đều vào…

Món cháo cá kèo rau đắng ăn ngon nhất vào những buổi chiều mưa rả rích. Ngồi trong nhà vừa thổi cháo vừa ăn trong bầu không khí se lạnh, đây ắt hẳn sẽ là một trải nghiệm vô cùng tuyệt vời dành cho những ai có dịp du lịch đến Cà Mau.

Bồn bồn – Cà Mau

Từ loài cây mọc hoang dại, người dân đất Mũi đã tinh tế tạo nên món ăn nổi tiếng trứ danh mang lại nguồn thu nhập, đó chính là bồn bồn Cà Mau.

ăn gì khi đến cà mau?

Bồn bồn – Cà Mau

Không chỉ nổi tiếng với những địa danh làm say đắm lòng người, đất mũi Cà Mau còn hấp dẫn lữ khách phương xa với hàng loạt món ăn ngon, trong đó phải kể ngay tới bồn bồn. Dọc quốc lộ 1, hai bên đường nhỏ thuộc khu vực huyện Cái Nước và Năm Căn… những gian hàng nhỏ được bày bán bồn bồn tươi và ngâm chua.

Từ tháng 6 tháng 11 là thời điểm mùa nước lên, khắp các cánh đồng ở đất Mũi phủ xanh cây bồn bồn. Người dân đất Mũi cho biết, bồn bồn là loại thực vật bản địa. Bồn bồn rất dễ trồng, không tốn công sức người chăm sóc chỉ cần tươi nước là cây mọc tươi tốt. Sau khi nhổ về, người ta cắt bỏ lá, dùng dao nhỏ chẻ dọc theo một phần ba thân để tách lấy lõi non. Đó là phần ăn được của cây bồn bồn. Phần bên trong của bồn bồn rất ngon và ngọt.

Bồn bồn – Cà Mau

Hầu hết người dân Cà Mau đều quen công việc chế biến bồn bồn. Từ người già cho đến trẻ nhỏ, ai ai cũng làm được. Sau khi mang bồn bồn về họ giữ lại phần gốc dài khoảng 25 đến 30cm, phần lá dài chặt bỏ. Đem phần gốc thân đó rửa sạch và tách lớp lá bao quanh như kiểu tách lá sả. Kết quả cuối cùng thu được là cọng bồn bồn trắng ngọc ngà. Lấy dây cột lại từng bó bày lên sạp bán cho khách mua về nhúng lẩu, xào tôm, làm gỏi, nấu canh chua, v.v. Độ tươi giòn và ngọt ngọt của cọng bồn bồn làm thay đổi cả cách nhìn của thực khách. Tuy chỉ là cỏ dại nhưng có thể trở thành món ăn ngon hết sảy. Chẳng trách người dân không tiếc dành tặng cho chúng chức danh đặc sản Cà Mau.

ăn gì khi đến cà mau?

Bồn bồn muối chua – Cà Mau

Bồn bồn tươi ăn ngon hết sảy còn dưa bồn bồn ăn ngon miễn bàn, nhất là ăn kèm với mắm ruốc Cà Mau hay món ăn tủ của vùng sông nước như thịt kho tàu, cá kho tộ. Đây là món ăn đặc sản ở vùng Cái Nước Cà Mau. Một món dưa muối quen thuộc, cách làm bình thường mà lại cho sắc vị đặc biệt. Người ta lấy cọng bồn bồn non rửa sạch rồi ngâm với hỗn hợp nước vo gạo đã lắng trong hòa muối trắng cùng ít đường theo tỉ lệ nhất định. Nước đun sôi để nguội mới xếp bồn bồn vào hũ đậy nắp cẩn thận, chừng một tuần sau là thành dưa bồn bồn. Khi ấy, dưa vừa trắng nõn vừa giòn sật lại chua thanh và vẫn giữ được vị hậu ngọt đặc trưng của bồn bồn tươi nên ăn càng ngon càng mê. Khách phương xa đặc biệt thích đặc sản này, dù có gấp đến mấy cũng ráng dừng xe lại bên đường để chọn mua mấy hũ bồn bồn mang về ăn dần cho đỡ thèm, làm quà tặng bạn bè.

Bồn bồn ví như sản vật trời ban nhưng qua thời gian, qua bàn tay con người chúng đã trở thành sản phẩm có tên tuổi chính thức được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam chứng nhận nhãn hiệu tập thể “Sản phẩm bồn bồn Cái Nước – Cà Mau”, trở thành một trong những đặc sản nổi bật nhất Cà Mau.

Tôm tít – Cà Mau

Nói đến món ngon, đặc sản Cà Mau người ta thường nghĩ ngay đến tôm và cua, cũng không lạ, bởi vì Cà Mau là vựa tôm lớn nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Tôm Cà Mau có nhiều loại tôm sú, tôm đất, tôm thẻ và cả tôm tít. Về con tôm tít thì cũng là một sinh vật khá độc đáo, mình giống tôm nhưng càng giống bọ ngựa, thịt lại có vị ngon và đặc biệt riêng.

ăn gì khi đến cà mau?

Tôm tít – Cà Mau

Tôm tít có tên tiếng Anh là Mantis shrimp (tôm bọ ngựa) vì chúng giống cả hai, mình giống tôm nhưng cặp càng giống bọ ngựa, cặp càng bọ ngựa là vũ khí lợi hại để tôm tít săn mồi và chiến đâu.

Ở Việt Nam, tôm tít còn biết đến với những cái tên như: Tôm tích, tôm thuyền, bề bề, tôm búa, bàn chải. Chúng sinh sống ở vùng duyên hải, tại những vũng biển giáp cửa sông, nơi có nguồn mùn phù sa màu mỡ, sạch mát, độ mặn vừa phải. Tuy tôm tít được biết đến với khá nhiều tên nhưng lại là loài chung thủy, quan hệ “một vợ một chồng” có khi lên đến 20 năm!

Cà Mau ba mặt giáp biển nên tôm tít được đánh bắt ở những cửa biển lớn bằng ghe cào, đẩy te. Mặc dù có thể tìm gặp tôm tít ở chợ hoặc những quán hải sản ở Cà Mau nhưng để thưởng thức trọn vẹn con tôm tít có thể đến những nơi như Sông Đốc, Đá Bạc, Khai Long, Đất Mũi, Năm Căn vì ngoài ăn con tôm tít còn tươi sống vừa đánh bắt từ biển lên còn được ngắm cảnh rừng biển bao la!

ăn gì khi đến cà mau?

Tôm tít nướng – Cà Mau

Thịt tôm tít có vị ngọt của tôm lại mang vị mặn của biển nên rất được nhiều người ưa thích. Cách chế biến tôm tít đơn giản nhất là luộc chín chấm muối tiêu chanh ăn kèm với rau sống, còn nếu muốn tốn công một chút thì có thể hấp bia, hấp nước dừa, hấp sả, nướng hoặc cháy tỏi.

Riêng ở Cà Mau, tôm tít còn được làm khô, cùng với tôm khô, khô cá lóc, khô cá bổi, khô cá kèo, khô tôm tít là một trong những loại khô ngon có tiếng ở Cà Mau.

Khô tôm tít có thể được phơi nguyên con hoặc nhiều con nhỏ ép lại rồi phơi, lúc ăn chỉ cần nướng sơ qua, mùi khô tôm tít bốc lên thơm nức rất khó cưỡng lại, thịt tôm dai dai, ngòn ngọt lẫn trong một ít vị mặn của biển sẽ khiến ăn một lần là mê tít!

Nếu có dịp du lịch Cà Mau, tham quan hòn Đá Bạc, bãi biển Khai Long, mũi Cà Mau nên một lần thưởng thức tôm tít, mua ít khô về làm quà thì thú vị biết mấy.

Mật ong rừng U Minh – Cà Mau

Nhắc đến rừng U Minh mọi người sẽ nghĩ ngay đến con cá đồng, cây tràm và đặc biệt là mật ong rừng – đặc sản quý nhất của rừng Cà Mau. Thật hiếm ở đâu có thứ mật ong như ở rừng tràm U Minh Hạ, sánh một màu vàng nhẹ óng ả như tơ nắng.

ăn gì khi đến cà mau?

Tổ ong rừng U Minh – Cà Mau

Rừng U Minh Hạ có diện tích khoảng 30.000 ha và theo ước tính, sản lượng mật ong khoảng 1.000 tấn/năm, trong đó, người dân thu hoạch được khoảng vài trăm tấn/năm, chủ yếu là thu hoạch từ nghề gác kèo.

Từ tháng Giêng đến tháng Năm âm lịch hằng năm là khoảng thời gian lý tưởng để gác kèo, vì là mùa hoa tràm nở rộ, đồng thời cũng là thời điểm mùa khô nên chất lượng mật rất tốt. Một tổ ong gác kèo mỗi năm thu hoạch được khoảng 6 lần, mỗi lần từ 3 – 4 lít mật, cá biệt có những tổ ong cho thu hoạch 10 lít mật.

ăn gì khi đến cà mau?

Người thợ lấy mật ong rừng U Minh – Cà Mau

Vì thế, khi hỏi những người đã từng dùng mật ong rừng U Minh nguyên chất, người ta có thể nhận ngay ra sự khác biệt ngay khi nhìn, ngửi, nếm thử lần đầu. Cụ thể, màu óng ánh như màu của nước cam, nếu để lâu thì sắc cam sậm thêm; mùi hoa tràm thơm ngát mang âm hưởng của rừng và vị ngọt thanh của mật hoa chứ không gắt như đường. Tất nhiên, vẫn có một số trường hợp khác biệt về màu sắc và độ sánh trong nhưng yếu tố này chủ yếu xuất phát từ sự thay đổi mùa trong năm, nguồn thức ăn của ong rừng.

ăn gì khi đến cà mau?

Mật ong rừng U Minh – Cà Mau

Mật ong U Minh Hạ được Cục sở hữu trí tuệ – Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận thương hiệu hàng hóa độc quyền. Với trữ lượng lớn và chất lượng cực tốt, lại nằm trong khu dự trữ sinh quyển thế giới, nếu được đầu tư đúng mức và biết tận dụng khai thác tốt lợi thế của mình thì mật ong U Minh Hạ sẽ là một thương hiệu mạnh, góp phần làm giàu cho người dân Cà Mau.

Ăn gì khi đến Cà Mau? Vừa ngon lại đặc sắc, vừa có hương vị đất mũi lại có hương vị quê nhà; ẩm thực Cà Mau thật sự đã chiếm được tình cảm của nhiều du khách trong lần đầu khám phá đất mũi. Sự hấp dẫn từ những điều bình dị sẵn có, vẻ thu hút từ những điều mới lạ, độc đáo; tất cả tạo nên một Cà Mau đẹp đẽ, đầy tình cảm. Chúc hành trình khám phá mảnh đất Cà Mau của bạn thật nhiều niềm vui cũng như có nhiều những trải nghiệm đáng nhớ nhé.

Đăng bởi: Như Ý Nguyễn

YOLO! Khám phá các huyện ở Cà Mau

ALONGWALKER Singapore: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Philippines: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Indonesia: Saluran untuk mengeksplorasi pengalaman para pemuda global ALONGWALKER Malaysia: Saluran untuk menjelajahi pengalaman global belia ALONGWALKER Japan: 発見・体験、日本旅行に関する記事 ALONGWALKER Thailand: ช่องทางในการสำรวจประสบการณ์ของเยาวชนระดับโลก