Cà Mau

Cà Mau có gì?

Đất mũi Cà Mau không chỉ là một biểu tượng mang ý nghĩa linh thiêng về lãnh thổ của Tổ quốc, mà còn có những danh lam thắng cảnh tuyệt đẹp, đó là những hòn đảo hoang sơ ngoài biển khơi, là những cánh rừng tràm xanh tốt đầy bí ẩn… Cà Mau có gì? Sau đây chúng tôi xin giới thiệu đến các bạn những địa điểm du lịch nổi tiếng ở Cà Mau, đó sẽ là những gợi ý hay cho chuyến đi của bạn, nếu như bạn đang dự định có một chuyến hành trình đến Cà Mau thì đừng bỏ qua những địa danh này nhé.

Đất Mũi – Cà Mau

Nằm cách trung tâm thành phố Cà Mau khoảng 110 km, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển từ lâu luôn là địa điểm hấp dẫn thu hút du khách đến tham quan khi đặt chân đến Cà Mau. Đến đây, du khách không chỉ được đắm chìm trong không gian hệ sinh thái rừng ngập mặn phong phú, đa dạng, mà còn được tận tay chạm vào cột mốc tọa độ quốc gia và chiêm ngưỡng biểu tượng của Mũi Cà Mau, nơi cuối trời cực Nam của Tổ quốc.

cà mau có gì?

Đất Mũi – Cà Mau

Trước kia, khách tham quan muốn đến được Đất Mũi chủ yếu phải di chuyển bằng canô, tuy nhiên, từ khi thông xe tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn từ Năm Căn đến Đất Mũi đã tạo điều kiện cho du khách đến đây một cách dễ dàng bằng đường bộ. Tuyến đường dài thẳng tắp nằm giữa những tán rừng U Minh Hạ xanh mướt, sẽ là một trải nghiệm thú vị cho du khách phương xa khi lần đầu đặt chân đến Đất Mũi Cà Mau.

Một trong những điểm đến mà du khách không thể bỏ qua khi du lịch tại Đất Mũi là Công viên văn hóa du lịch Mũi Cà Mau, tọa lạc trong khu dự trữ sinh quyển thế giới Mũi Cà Mau được UNESCO công nhận vào tháng 5/2009. Nơi đây, được đặt dấu mốc tọa độ Quốc gia tại GPS0001 (cây số 0) là một trong bốn điểm cực đánh dấu chủ quyền thiêng liêng của lãnh thổ Việt Nam trên đất liền.

Cực Bắc là cột cờ Lũng Cú (Hà Giang), cực Tây là xã Apa Chải (Mường Nhé, Điện Biên), cực Đông là Mũi Đôi (Vạn Ninh, Khánh Hòa) và cực Nam chính là cột mốc tọa độ Quốc gia GPS0001 (Đất Mũi, Cà Mau).

cà mau có gì?

Đất Mũi – Cà Mau

Hình tượng con tàu tại công viên văn hóa du lịch Mũi Cà Mau cũng là một trong những điểm nhấn thú vị với hình tượng chiếc thuyền căng đầy gió luôn hướng ra biển khơi. Trên cánh buồm với dòng chữ “Mũi Cà Mau”, toạ độ: 8°37’30’ ‘Vĩ độ bắc, 104°43’ Kinh độ đông. Đây là địa điểm quen thuộc mà mỗi du khách đến với Đất Mũi đều không thể bỏ qua để chụp ảnh lưu niệm, ghi lại những khoảnh khắc đánh dấu chuyến hành trình đến với vùng cực Nam của Tổ quốc.

Cột mốc Đường Hồ Chí Minh – điểm cuối Cà Mau Km 2436 là điểm đến du lịch đánh dấu “điểm cuối cùng” trên chuyến hành trình trải dài từ Pác Bó – Cao Bằng (điểm đầu) đến Đất Mũi – Cà Mau (điểm cuối), đi qua 28 tỉnh, thành phố với chiều dài 3.183 km. Với quy mô thích hợp và hình thức giản dị, du khách có thể ghé thăm cột mốc đường Hồ Chí Minh để ghi lại dấu ấn trên chuyến hành trình về thăm Đất Mũi.

Về thăm Đất Mũi Cà Mau nơi được ví là “đất biết nở, rừng biết đi và biến sinh sôi” với dải đất nhô ra biển theo hình mũi thuyền, du khách có thể đắm chìm trong không gian trong xanh của những cánh rừng đước bạt ngàn. Đây cũng là địa điểm duy nhất trên cả nước có thể ngắm mặt trời mọc ở biển Đông và lặn ở bờ biển Tây.

Từ vọng hải đăng cao 21 m, du khách có thể phóng tầm mắt quan sát biển rộng bao la và đảo Hòn Khoai ẩn hiện từ phía xa. Cảnh rừng và biển hòa quyện vào nhau tạo nên một khung cảnh đẹp, nên thơ hiếm nơi nào có được.

Rừng U Minh Hạ – Cà Mau

Rừng U Minh Hạ – Cà Mau kì bí qua những thước phim về đất rừng phương Nam. Nơi đây không chỉ chứa đựng vẻ đẹp hoang sơ mà còn bởi những đặc sản hấp dẫn lòng người.

cà mau có gì?

Rừng U Minh Hạ – Cà Mau

Nằm trong hệ rừng U Minh rộng lớn, rừng tràm U Minh Hạ nằm xuôi theo dòng sông Trèm Trẹm, cái Tàu và sông Đốc tại tỉnh Cà Mau, tiếp giáp với rừng U Minh Thượng nằm tại tỉnh Kiên Giang. Rừng có tổng diện tích lên tới 35.000ha.

Rừng U Minh có hơn 8.000ha được công nhận là vườn quốc gia U Minh Hạ, là khu dự trữ sinh quyển lớn của khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói chung và miền đất Mũi Cà Mau mênh mang sóng nước nói riêng. Vườn quốc gia U Minh Hạ được chia thành bốn phân khu: bảo tồn hệ sinh thái rừng tràm, khu phục hồi và sử dụng bền vững hệ sinh thái ngập nước, khu hành chính và vùng đệm. Rừng U Minh Hạ là nơi sinh sống của 176 loài thực vật cùng 23 loài thú, 41 loài chim, 36 loài bò sát, 11 loài lưỡng cư, 37 loài cá và nhiều loài quý hiếm khác. Ngoài các phân khu quan trọng của vườn quốc gia, vùng đệm rộng 25.000ha đóng vai trò thiết yếu trong việc đảm bảo sự phục sinh của các loài đặc hữu của rừng U Minh Cà Mau.

Hệ sinh thái rừng tràm U Minh là điểm đến hấp dẫn nhất đối với du khách, có 6 tháng ngập nước và 6 tháng khô hạn. Cây tràm chiếm ưu thế tuyệt đối, được trồng trên thảm đất than bùn. Ngoài ra, nơi đây còn là thánh địa của móp, năn, sậy hay các loài dây leo đa dạng.

cà mau có gì?

Rừng U Minh Hạ – Cà Mau

Nếu có dịp ghé thăm rừng U Minh Hạ gần rừng U Minh Thượng, du khách sẽ được trải nghiệm trên thuyền vỏ lãi, lênh đênh qua các con sông, con rạch. Khi đó, bạn có thể ngắm nhìn một khoảng trời Cà Mau lấp lánh, ẩn hiện giữa tán rừng bạt ngàn, hay len giữa thảm bèo, giữa lau sậy trắng phau, đưa tay vớt nước, đùa nghịch. Hoặc du khách có thể thuê xuồng vào rừng câu cá, cùng người dân tát mương bắt cá ở Cà Mau, bắt lươn, đi hái bồn bồn, sen, súng,…

Thưởng thức đặc sản rừng U Minh Cà Mau ngay tại chỗ chắc chắn sẽ là sức hút khó cưỡng với du khách. Bạn sẽ được theo chân những người thợ vào rừng lấy mật ong, thử một lần ăn ong non chấm mật tươi vừa được cắt xuống. Hoặc ngồi dưới tán cây rừng lai rai cá lóc nướng trui, bồn bồn muối, chuột đồng chiên cùng rượu trái giác cũng rất thú vị.

Đêm buông xuống, ngả lưng trên chiếc võng đung đưa, ngắm trời trăng, tận hưởng làn gió đồng nội trong trẻo, miên man trong dòng xúc cảm về đất rừng phương Nam bạt ngàn. Đối diện với khu du lịch rừng U Minh Hạ là vườn quốc gia U Minh Thượng của tỉnh Kiên Giang, cũng là một trong những điểm du lịch hấp dẫn.

Hòn Đá Bạc – Cà Mau

Hòn Đá Bạc là cụm đảo thuộc ấp Kinh Hòn, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. Nhìn từ đất liền, hòn Đá Bạc giống như hòn non bộ kỳ thú giữa đại dương mênh mông. Người dân Cà mau gọi Hòn Đá Bạc là Con mắt ngọc của miền Tây, ngoài ý tôn vinh vẻ đẹp của đảo còn có ý ví nơi đây như một con mắt tinh tường canh giữ một vùng biển phía Tây của Tổ quốc.

cà mau có gì?

Hòn Đá Bạc – Cà Mau

Cụm đảo gồm có ba hòn: hòn Ông Ngộ, hòn Trọi, hòn Lớn (hòn Đá Bạc) được nối với nhau bởi những dải cầu đẹp mắt. Hòn Đá Bạc được hình thành cách đây 180 triệu năm (thuộc Jura giữa – Trung sinh) với tổng diện tích gần 6,5 ha.

Ngoài hòn Trọi có diện tích không đáng kể, hai hòn còn lại được hình thành nhờ những tảng đá xếp chồng lên nhau. Đỉnh cao nhất ở hòn Lớn cao hơn mặt nước biển 50m.

Nằm cách thành phố Cà Mau 50 km về phía Tây, diện tích tuy không lớn nhưng Hòn Đá Bạc là đảo có vị trí quan trọng trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, khai thác biển và phát triển du lịch Cà Mau. Hòn Đá Bạc được che chắn tạo ra một vùng vịnh đẹp, an toàn, cảnh quan thiên nhiên yên bình, bầu không khí trong lành.

Khởi hành từ thành phố Cà Mau đến khu du lịch Hòn Đá Bạc mất 1h30 phút đi xe ô tô hoặc xe máy theo đường vào khu Vườn Quốc gia U Minh Hạ, qua Co Xáng, Cơi Năm là có cầu dẫn từ đất liền ra đảo.

cà mau có gì?

Hòn Đá Bạc – Cà Mau

Địa danh này có tên gọi Hòn Đá Bạc vì xung quanh có rất nhiều viên đá granit xếp chồng lên nhau, tạo nên những hình thù độc đáo, ấn tượng, nhìn từ xa, sẽ thấy đảo như được dát bạc, lấp lánh dưới ánh mặt trời.

Hòn Ông Ngộ nơi bạn đặt chân đến ngay khi vượt qua cây cầu 400m vượt biển nối từ đất liền ra đảo, có nét đẹp của rừng nguyên sinh hoang sơ, của đá núi sừng sững cao, của bờ biển vòng quanh tung bọt sóng vỗ.

Hòn Đá Bạc là nơi in đậm các dấu tích lịch sử. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, quân dân xã Khánh Bình Tây đã tiêu diệt Trung đội pháo 105 ly của địch, giải phóng Hòn Đá Bạc và đảm bảo an toàn tuyến hành lang ven biển của vùng căn cứ cách mạng.

Hòn Đá Bạc còn là nơi diễn ra diễn ra chiến dịch phản gián của các lực lượng Công an nhân dân Việt Nam (Kế hoạch CM-12) đánh thắng cuộc xâm nhập của tổ chức phản cách mạng “Mặt trận thống nhất các lực lượng yêu nước giải phóng Việt Nam” do Mai Văn Hạnh và Lê Quốc Túy cầm đầu.

Ngày 22/6/2009, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch ban hành quyết định công nhận Hòn Đá Bạc – Trung tâm chỉ huy kế hoạch phản gián CM12 (09/9/1981 – 09/9/1984) là Di tích Quốc gia trở thành một trong những “địa chỉ đỏ” để giáo dục, truyền lửa truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.

cà mau có gì?

Di Tích Hòn Đá Bạc – Cà Mau

Hiện nay, khu di tích lịch sử Hòn Đá Bạc có 3 công trình lớn là Tượng đài Bảo vệ An ninh Tổ quốc, Đền tưởng niệm Bác Hồ, Bảo tàng Công an nhân dân và Nhà trưng bày bổ sung di tích.

Hòn Đá Bạc ngoài vẻ đẹp hoang sơ của núi rừng, của đá, của nước biển xanh trong, còn có những kiệt tác nhuốm vẻ “thần tiên” như sân Tiên, giếng Tiên, bàn tay Tiên… Tất cả như được bàn tay huyền bí nào đó nhào nặn thành những hình thù kỳ lạ, đẹp mắt, sắp xếp thành dãy, thành bãi trải dài vây tròn quanh bờ biển càng tăng thêm vẻ thần tiên của đảo.

cà mau có gì?

Lăng Ông Nam Hải – Hòn Đá Bạc – Cà Mau

Nằm trên đỉnh của Hòn Đá Bạc là Lăng Ông Nam Hải – nơi trưng bày bộ xương cá voi khổng lồ (dài khoảng 14m, ngang 4m) và ghi lại câu chuyện huyền bí về cá Ông cứu người bị nạn trên biển. Vào ngày 23/5 âm lịch hàng năm, ngư dân địa phương, những người đang đánh bắt ngoài khơi xa và du khách thập phương thường đổ về Hòn Đá Bạc để viếng Ông.

Điều kỳ lạ là giữa biển khơi, trên hòn đảo nhỏ toàn đá nhưng những cây bàng, cây bồ đề cổ thụ vẫn mọc lên xanh tươi, sum suê đầy sức sống, vẫn còn lưu giữ được những mảng rừng và thảm thực vật nguyên sinh quý hiếm.

Ngoài ra, Hòn Đá Bạc còn lôi cuốn du khách bởi nguồn hải sản dồi dào. Du khách đến đây có thể câu cá nâu, câu mực, câu tôm, cùng ngư dân lặn xuống biển để bắt những con hàu bám chặt vào các hốc đá dưới nước. Nếu du khách có nhu cầu thưởng thức hải sản vừa được đánh bắt, những bếp lò than hồng của ngư dân sẵn sàng phục vụ du khách.

Khu du lịch Hòn Đá Bạc thực sự là viên ngọc nơi tận cùng của Tổ quốc, có sức thu hút và hấp dẫn đối với du khách bốn phương.

Đảo Hòn Khoai – Cà Mau

Hòn Khoai là một hòn đảo gồm nhiều đảo nhỏ: Hòn Lớn, Hòn Nhỏ, Hòn Tượng, Hòn Sao, Hòn Đồi Mồi. Qua quá trình kiến tạo và sự sắp đặt ngẫu nhiên từ thiên nhiên, những hòn đảo đã tạo thành hình một củ khoai to nằm giữa biển.

cà mau có gì?

Đảo Hòn Khoai – Cà Mau

Hòn Khoai được mệnh danh là đảo ngọc của đất mũi, rừng núi bao quanh, nước biển xanh trong hiền hòa và những di tích nhuốm màu thời gian, đây phù hợp cho chuyến nghỉ dưỡng ngắn ngày của bạn, tạm xa lánh thành phố tập nập người để hòa mình vào thiên nhiên, tìm kiếm những phút giây yên tĩnh với sóng nước mênh mông.

Tham quan Hòn Khoai, tàu chở các du khách sẽ ghé Bãi Nhỏ, từ đó đi thuyền con vào bờ khoảng 50m. Điểm đặc biệt nhất của đảo này là những bãi đá trứng rất đẹp mắt, mẹ thiên nhiên còn ưu ái nơi đây rợp bóng cây phong ba, phi lao vi vu theo gió rợp mát. Vì đảo ít cư dân sinh sống nên chỉ có vài ba quán tạp hóa nhỏ, chủ yếu là các lính biên phòng canh giữ biển đảo. Chính vì điều đó mà Hòn Khoai vẫn giữ được nét đẹp hoang sơ vốn có của một điểm du lịch biển.

cà mau có gì?

Ngọn Hải Đăng 100 năm tuổi trên đảo Hòn Khoai – Cà Mau

Công trình nổi bật nhất có lẽ là ngọn hải đăng 100 năm tuổi – nơi bạn không thể bỏ qua khi đến Hòn Khoai. Ngọn tháp này nằm trên đỉnh cao nhất của Hòn Khoai, được thực dân Pháp xây dựng vào 1920 , đây được xem là một trong những công trình đèn biển có mặt sớm nhất của hải phận Việt Nam. Theo cầu thang xoắn ốc lên ngọn hải đăng, không gian mở ra xanh biếc, mây trời lộng gió khơi xa… Trên đây còn có kính viễn vọng, cho bạn ngắm nhìn các hòn đảo vây quanh, hay hướng về mũi Cà Mau để một lần được chiêm ngưỡng từ xa mũi đất thiêng liêng của tận cùng Tổ quốc, mà không dễ gì thấy được nếu không ra đến đảo Hòn Khoai.

Được ví như trạm tiền tiêu canh giữ vùng trời, vùng đất phía Tây Nam tổ quốc, nơi đây còn được biết đến với di tích cuộc khởi nghĩa Hòn Khoai. Trên đảo có nhiều di tích và các câu chuyện về người quả cảm Phạm Ngọc Hiển. Vào những năm 40, ông bị thực dân Pháp lưu đày ra đảo, không khuất phục bọn thực dân ông đã lãnh đạo nhóm tù nhân nổi dậy giết tên chúa đảo và chiếm ngọn hải đăng, ghi một mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh của quân và dân các tỉnh miền Tây.

Không chỉ có cảnh sắc thiên nhiên thơi mộng và các di tích lịch sử lâu đời, Hòn Khoai còn là thiên đường ăn uống với những món ngon được chế biến từ hải sản tươi sống, tiêu biểu nhất là các món tôm, ghẹ, sò nướng,v.v.. Đừng bỏ qua chuyến đi khám phá Hòn Khoai xinh đẹp khi đến Cà mau nhé, thức ăn ngon cùng cảnh đẹp và người dân thân thiệt chắc chắn sẽ làm bạn yên mến hòn đảo nhỏ xinh đẹp này.

Vườn chim – Cà Mau

Có thể nói Cà Mau là tỉnh duy nhất có vườn chim nằm ngay giữa lòng thành phố. Vườn chim độc đáo này nằm trong khuôn viên Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh thuộc Phường 1, thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau.

cà mau có gì?

Cổng vào vườn chim – Cà Mau

Với khuôn viên rộng, nhiều cây xanh thoáng, mát rượi, Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Cà Mau không chỉ là nơi tưởng nhớ Bác, mà còn là điểm đến tham quan du lịch Cà Mau hấp dẫn du khách gần xa.

Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh gồm nhiều công trình như: Gian thờ Bác Hồ (nơi tổ chức lễ dâng hoa, dâng hương tưởng niệm Bác); Nhà sàn Bác Hồ; Vườn chim (với diện tích hơn 3ha, số lượng chim lưu trú ước trên 12.000 cá thể); Nhà trưng bày, chiếu phim (phục vụ nhu cầu tìm hiểu về cuộc đời, sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh);… Được phối kết hợp hài hòa với hệ thống cây xanh, hoa kiểng mang đến cảm giác mát mẻ và thoáng đãng.

cà mau có gì?

Vườn chim – Cà Mau

Đặc biệt, khu vực này có nhiều cá thể chim, cò,… về từng đàn, lưu trú đông đúc tạo nên một vườn chim độc nhất vô nhị nằm giữa lòng thành phố. Hằng năm, cứ vào dịp Tết, chim chóc lại tụ hội về đây như đã hò hẹn tự bao giờ. Khung cảnh vườn chim trong tiết xuân thật trữ tình, thơ mộng. Chiều chiều, tiếng hót gọi bạn, tiếng đập cánh xôn xao cả khu rừng.

Theo kết quả kiểm đếm của Viện Tài nguyên và Môi trường (thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội) và Viện Điểu học Hoàng gia Nhật Bản vào tháng 4/2018, vườn chim này có khoảng 6.603 cá thể chim với khoảng 53 loài chim khác nhau.

Tuy nhiên, số lượng chim trong vườn dao động theo từng mùa trong năm. Vào thời kỳ cao điểm nhất, vườn có hơn 10.000 cá thể chim đến làm tổ, sinh sản và định cư tại vườn chim nhân tạo giữa lòng thành phố Cà Mau. Phần lớn các loại chim này là chim cò (cò trắng, cò bợ, cò ngàng), chim cồng cọc, chim vạc, chim điêng điển ( còn gọi lại chim cổ rắn) và chim diệc xám…

cà mau có gì?

Vườn chim – Cà Mau

Nếu có dịp du lịch Cà Mau, đây sẽ là địa chỉ tham quan gần nhất và thú vị đối với mọi du khách. Chỉ cách một con mương không đầy 6m, du khách sẽ tận mắt chứng kiến hàng vạn chim, cò, cồng cộc, le le, vạc, cúm núm, gà nước… bay sà xuống những thửa rừng đước, bờ tre đậu đông nghẹt.

Sân chim này đã tồn tại hàng chục năm nay, luôn được địa phương bảo vệ cẩn thận, chu đáo. Mặc cho phố xá và những công trình xây dựng đua nhau phát triển xung quanh, vườn chim vẫn tồn tại như là nét đặc thù quý giá của một thành phố vùng tận cùng phía Nam Tổ Quốc.

Rừng đước Năm Căn – Cà Mau

Miền đất Năm Căn từ lâu đã trở thành địa điểm du lịch Cà Mau vô cùng hấp dẫn trong mắt khách du lịch trong và ngoài nước. Nhắc đến Năm Căn thì nơi đầu tiên du khách phải biết chính là những cánh rừng đước nằm trong khu sinh quyển rừng ngập mặn Cà Mau. Bên cạnh khu rừng đước thì thị trấn Năm Căn còn được bao bọc bởi những cánh rừng tràm xanh tốt và hệ thống sông ngòi chằng chịt được sông Cửa Lớn cung cấp nước liên tục, hầu như không bao giờ cạn nước.

cà mau có gì?

Rừng đước Năm Căn – Cà Mau

Rừng Đước Năm Căn và khu đa dạng sinh học Lâm ngư trường 184 nằm trong rừng đước thuộc ấp Chà Là, xã Tam Giang, huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau.

Rừng đước Năm Căn có diện tích lên đến 63.017ha, đứng thứ 2 trên thế giới, hình dạng giống chữ V như một bán đảo với 3 mặt giáp biển. Rừng chủ yếu nằm trên địa phận huyện Năm Căn và Ngọc Hiển.

Hệ sinh thái nơi đây độc đáo, thảm thực vật đa dạng bao gồm nhiều loài cây như đước, mắm, chà là và nhiều cây dương xỉ…Trong đó, loại cây chiếm phần lớn diện tích và có giá trị kinh tế cao là đước, từ đó cái tên Rừng đước Năm Căn trở nên nổi tiếng gần xa, thu hút nhiều du khách đến đây khám phá thiên nhiên của khu rừng ngập mặn trù phú.

cà mau có gì?

Rừng đước Năm Căn – Cà Mau

Rừng đước Năm Căn gây ấn tượng với biết bao du khách phương xa, vẫn là những dòng sông nhỏ, kênh rạch nhiều như mạng nhện luôn cuồn cuộn nước, bãi bùn dài tăm tắp và cây cối vươn cao, rừng đước ngày đêm âm thầm dấn bước chân mình ra biển khơi. Chính vì những chứng tích lịch sử oai hùng, tầm quan trọng to lớn của rừng đối với đất nước đã làm cho nơi đây không giống bất cứ đâu, rừng đước cứ thế bồi đắp phù sa và lấn biển, làm đất nước ta ngày càng dài rộng hơn.

Hiện nay rừng đước Năm Căn đang được bảo tồn vô cùng nghiêm ngặt, hằng năm nơi đây chào đón hàng nghìn du khách trong và ngoài nước đến tham quan và nghiên cứu.

Đình Tân Hưng – Cà Mau

Trong công cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, quân và dân tỉnh Cà Mau đã anh dũng chiến đấu với nhiều chiến công hiển hách đã đi vào lịch sử. Và trên mảnh đất Cà Mau anh hùng này đã ghi dấu bằng nhiều khu di tích lịch sử cách mạng ý nghĩa, trong đó không thể không nhắc đến Đình Tân Hưng. Đây là nơi treo cờ Đảng Cộng sản Đông Dương đầu tiên tại Cà Mau (năm 1930) và còn là nơi đóng quân của Bộ chỉ huy Mặt trận Tân Hưng, mặt trận chống Pháp tại Cà Mau.

cà mau có gì?

Đình Tân Hưng – Cà Mau

Đình Tân Hưng tọa lạc tại ấp Tân Hưng, xã Lý Văn Lâm, thành phố Cà Mau. Đình Tân Hưng cách thành phố Cà Mau 4 km về phía Nam tuyến kênh Rạch Rập, đường đi huyện Cái Nước.

Đình Tân Hưng là một ngôi đình cổ thờ Thần Hoàng Bổn Cảnh, được người dân xây dựng vào năm 1907. Tuy nhiên, do thời gian và chiến tranh, đình bị phá hủy hoàn toàn. Trên nền đất cũ, người dân địa phương cho dựng một ngôi đình khác nhỏ hơn.

Năm 2014, di tích đình Tân Hưng được nâng cấp, phục dựng gồm nhiều hạng mục, công trình: Nghi môn, giao thông hào, nhà khói, bia lưu niệm Mặt trận Tân Hưng, hệ thống chiếu sáng… xung quanh là khuôn viên rợp bóng cây xanh, khu sinh hoạt văn hóa, nhà truyền thống, đường nội bộ với hàng rào bảo vệ biệt lập.

cà mau có gì?

Đình Tân Hưng – Cà Mau

Đình có vị trí rất thuận lợi khi được dựng cất đối diện với dòng sông Rạch Rập. Một không gian thơ mộng với sự che chắn của nhiều cây xanh đã làm cho ngôi đình trở nên nổi bật tại vùng quê.

Đình chính gồm một gian hai chái, mái lợp ngói âm dương, trên nóc đúc hai rồng chầu. Trước đình là bức bình phong bằng gạch đắp hình hổ, hai bên có hai trụ gạch vuông, đỉnh trụ đắp hai bông sen đá. Hai bên sân có hai miếu nhỏ thờ Thần Nông và Thổ Thần.

Gian thờ chính của đình thờ Thần Hoàng Bổn Cảnh, được bố trí uy nghi với những bệ trưng bày gươm giáo, trống đình, hình ảnh rồng, hạc. Đình Tân Hưng còn có gian thờ ảnh Bác Hồ, được đặt ở vị trí trang trọng.

cà mau có gì?

Đình Tân Hưng – Cà Mau

Đình Tân Hưng từng được vua Tự Đức sắc phong Bổn Cảnh Thành Hoàng vào năm Tự Đức thứ 5 (1852). Những vị cao niên trong vùng kể rằng trên sắc thần của vua Tự Đức ghi 8 chữ “Chánh trực – Hựu hiền – Đôn ngưng – Chi thần”. Sắc thần nay đã thất lạc do chiến tranh loạn lạc, trong đình chỉ còn lưu giữ ống đựng sắc thần khắc hình rồng uốn lượn.

Hàng năm, cứ đến mùng 10 và 11 tháng 5 âm lịch, người dân trong vùng và khách du lịch Cà Mau khắp nơi về đây tham dự lễ Kỳ yên tại đình Tân Hưng. Ngoài ý nghĩa tâm linh, tỏ lòng thành kính đối với các vị thần, thành hoàng phò hộ, lễ Kỳ yên còn nhằm tưởng nhớ đến những người có công với nước, đã ngã xuống trên mảnh đất này.

Đình Tân Hưng có ý nghĩa giá trị văn hóa – lịch sử to lớn. Đồng thời, là hình ảnh của việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của tỉnh Cà Mau, miền đất cực nam của Tổ quốc. Từ bao đời nay, với người dân địa phương ngôi đình là nơi họ gửi gắm những ước mơ, nguyện vọng về một cuộc sống yên bình, ấm no và hạnh phúc.

cà mau có gì?

Đình Tân Hưng – Cà Mau

Không chỉ là nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của người dân trong vùng, đình Tân Hưng còn là ngôi đình nổi tiếng trong lịch sử đấu tranh của nhân dân Cà Mau.

Đình Tân Hưng là nơi đầu tiên của tỉnh diễn ra sự kiện treo cờ Đảng. Đêm 1/5/1930, nhân dịp kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động, nhóm thanh niên yêu nước gồm 3 người: Lương Thế Trân, Nguyễn Thế Cao, Nguyễn Ngọc Hưng đã treo lá cờ búa liềm của Đảng Cộng sản Đông Dương (tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam) trên ngọn cây dương trước đình. Lá cờ đỏ búa liềm có dòng chữ: “Diệt trừ Pháp tặc”. Lần đầu tiên nhân dân Cà Mau được thấy cờ Đảng công khai xuất hiện. Và cũng tại đây, ngày 1/3/1946, Mặt trận Tân Hưng được thành lập, đồng chí Nguyễn Văn Thâm làm Bí thư, đồng chí Mai Đăng Khoa là Ủy viên Quân sự trực tiếp chỉ huy.

Với ý nghĩa ghi dấu nhiều sự kiện cách mạng lịch sử, ngày 4/8/1992, đình Tân Hưng được xếp hạng Di tích lịch sử – Văn hóa Quốc gia, trở thành “địa chỉ đỏ” để thế hệ trẻ đến tìm hiểu, học tập về những giá trị lịch sử, văn hóa, truyền thống đấu tranh bảo vệ đất nước mà cha ông ta đi trước đã để lại.

Chùa Phật Tổ (Quan Âm Cổ Tự) – Cà Mau

Cà Mau có nhiều thắng cảnh, di tích nổi tiếng gắn với thời kỳ khai khẩn đất và Sắc Tứ Quan Âm Cổ Tự mà dân gian hay gọi chùa Phật Tổ là một di tích kiến trúc tâm linh độc đáo còn lưu giữ được dáng vẻ đặc trưng của một mái đình Nam Bộ xưa.

cà mau có gì?

Chùa Phật Tổ (Quan Âm Cổ Tự) – Cà Mau

Chùa Phật Tổ tọa lạc tại phường 4, thành phố Cà Mau. Từ sân bay hoặc bến xe Cà Mau, đi theo đường Lý Thường Kiệt tới ngã ba nhà thờ Bảo Lộc rẽ phải đi theo đường Phan Ngọc Hiển qua cầu, rẽ vào đường Lý Bôn là đến chùa.

Chùa được xây dựng vào năm 1840, mang đậm lối kiến trúc cổ của thế kỷ 19, đây là nơi truyền giáo Phật pháp sớm nhất ở vùng đất Cà Mau. Nguyên cách gọi tên chùa Phật Tổ là do sự tôn kính từ lâu đời của người dân vùng Cà Mau với vị hòa thượng lập dựng chùa: Hòa thượng Thích Trí Tâm.

Truyền thuyết kể lại khoảng năm 1840 vùng Cà Mau là vùng lau sậy, theo dòng người đi khai hoang mở đất có chàng trai Tô Quang Xuân đi lấy củi trong rừng, khi rìu bổ vào thân cây bồ đề cổ thụ thì thấy lộ ra một quyển kinh Phật đặt ở gốc cây. Từ đó chàng trai dựng am thờ Đức Quan Thế Âm vừa tu vừa bốc thuốc chữa bệnh cho dân bên bờ kênh Quản Lộ. Tương truyền, Tô Quang Xuân tụng kinh Kim Cương cảm hóa được thú dữ. Thiên hạ biết tiếng kéo đến xin thuốc và học đạo rất đông. Trong số những đệ tử này có cả cọp dữ cũng đến để học đạo. Hiện nay tháp của con hổ ấy vẫn còn, đệ tử trong chùa gọi là tháp Sư Cậu.

Về sau, nhờ người dân đóng góp tài vật, Tô Quang Xuân dựng được một ngôi chùa bằng lá đơn sơ. Thấy vậy, hương hào Đỗ Văn Viễn trong vùng ghen ghét đã vu cho ông là gian đạo sĩ. Ông bị quan trên bắt về Sài Gòn (nay là Thành phố Hồ Chí Minh) quản thúc.

Nhưng đạo hạnh của Tô Quang Xuân đã làm các quan trên kính phục. Ông được đưa về Huế và thọ giới xuất gia ở chùa Kim Chưởng. Sau khi thọ giới được 7 ngày, ông viên tịch. Vua sắc phong cho ông làm “hòa thượng” đồng thời ban cho gấm vóc và cử người đưa di hài về đến tận Cà Mau.

Tiếc thương ông, năm 1842, vua Thiệu Trị (triều Nguyễn) đã xuống chiếu sắc phong cho Tô Quang Xuân là Hòa thượng Thích Trí Tâm, sửa sang am tranh của ông bên cánh rừng già và sắc tứ cho chùa với tên hiệu là “Sắc Tứ Quan Âm Cổ Tự”. Hòa thượng Thích Trí Tâm được người dân trong vùng tôn kính xem như là “Phật Tổ”, nên chùa cũng gọi là “chùa Phật Tổ”.

cà mau có gì?

Chùa Phật Tổ (Quan Âm Cổ Tự) – Cà Mau

Chùa Phật Tổ đã qua nhiều lần tu sửa, lần đại trùng tu là vào năm 1937. Tuy nhiên về cơ bản vẫn giữ được hiện trạng của ngôi chùa cổ. Các hiện vật phụng thờ như tượng gỗ, khánh gỗ, độc bình, chuông đồng, câu đối, sắc phong của vua ban… vẫn còn lưu giữ, minh chứng cho sự phát triển Phật giáo của thời kỳ người Việt bắt đầu những bước tiến quan trọng trong công cuộc khẩn hoang và hình thành một xã hội cộng cư với ba dân tộc Kinh, Hoa, Khmer trên vùng đất phương Nam.

Mái chùa hình quả ấn, lợp ngói máng, kiến trúc sắc nét, mô phỏng mái đình ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Mái được chia thành phần nóc chính và mái nghi môn. Phần nóc chính thể hiện giá trị nghệ thuật đặc sắc của ngôi cổ tự với hình lưỡng long tranh châu cách điệu, bên dưới là phù điêu, hình ảnh mô tả cảnh thiên nhiên. Mặt chính trên nóc chùa đề 6 chữ: “Sắc Tứ Quan Âm Cổ Tự”.

Những đường cong ở đầu đao mái chùa thể hiện cảnh cá hóa rồng làm bằng xi măng ốp sứ cách điệu, dáng vẻ độc đáo. Mái nghi môn ở tầng thấp hơn lợp ngói máng, có họa tiết sống động và đề 4 chữ: “Quan Âm Cổ Tự”.

Hai bên cổng chùa các câu đối vẫn còn nguyên vẹn. Các bức vách hai bên chùa tạc hình ảnh theo thứ tự thời gian, các bức tranh này có giá trị thẩm mỹ tôn tạo thêm giá trị nghệ thuật của ngôi chùa.

Khuôn viên chùa khá rộng, được bố trí hài hòa, tượng Quan Thế Âm lộ thiên đứng trên tòa sen, tay cầm tịnh bình, nét mặt hiền hòa.

Cửa chùa mở theo hình bán nguyệt dẫn vào chánh điện. Chánh điện với diện tích 12m2, nền cao 8cm được lát gạch bông làm từ năm 1937. Ngôi Tam Bảo thờ nhiều tượng Phật, các tượng đều được làm bằng xi măng, chia thành 3 tầng, trên cùng là tượng Thích Ca Mâu Ni với kích thước lớn, tầng kế tiếp thờ tượng Đạo sư A Di Đà Phật, tất cả có 9 tượng Phật lớn nhỏ.

Nét đặc sắc trong đường nét kiến trúc ở Ngôi Tam Bảo là việc dùng đồ sứ ốp vào các họa tiết có chất liệu bằng xi măng tạo thành một án thờ có đường nét là hình ảnh các linh vật Long – Lân – Quy – Phụng được gắn lên tạo thành bao lam bao quanh ngôi chánh điện như một chiếc lộng che lấy các tượng Phật, mặc dù vật liệu xây dựng không làm từ chất liệu gỗ nhưng các họa tiết trang trí cổ điển tạo được nét hài hòa trong trang trí nghệ thuật của ngôi chánh điện.

Án thờ hòa thượng Thích Trí Tâm được đặt trên một bệ cao 1,47m, rộng 1,52m. Đây là một công trình nghệ thuật đặc sắc trong ngôi chánh điện, nét chạm trổ, họa tiết điêu khắc cách điệu, thoáng và sinh động, ở giữa là hai câu đối vẫn còn giữ được nét sắc sảo: “Nhất Tự Quyền Hành Năng Chấn Tỉnh/ Chúng Tăng Bảo Chướng Vĩnh An Hòa” (tạm dịnh là: “Một chữ dọc ngang có khả năng làm tỉnh thiên hạ/ Giữ cho chúng tăng được bình yên mãi mãi trong công cuộc tu hành”). Bên dưới bệ thờ Hòa thượng Thích Trí Tâm có bia đá được dựng lúc trùng tu chùa năm 1937, trên bia là bản khắc bằng chữ Hán ghi nguyên văn sắc phong cho chùa của vua Thiệu Trị thứ II (1842).

cà mau có gì?

Chùa Phật Tổ (Quan Âm Cổ Tự) – Cà Mau

Trong kháng chiến chống Mỹ, chùa Phật Tổ là nơi che giấu các chiến sĩ cách mạng. Chùa Phật Tổ cũng là ngôi chùa đầu tiên của tỉnh Cà Mau vinh dự được công nhận Di tích Kiến trúc Nghệ thuật cấp Quốc gia vào ngày 24/11/2000.

Ngoài kiến trúc chính của ngôi chùa cổ, bên phải từ cổng chùa vào còn có văn phòng Ban Trị sự Thành hội Phật giáo, Trường Trung cấp Phật học Cà Mau, văn phòng Phân ban Đặc trách Ni giới. Bên trái kiến trúc chính còn có Tuệ Tĩnh đường miễn phí dành cho người nghèo, Hội quán Gia đình Phật tử, nhà Tăng…

Hàng tuần nơi đây đều tổ chức tu học, thuyết giảng Phật pháp. Hàng năm, mỗi dịp đại lễ Phật giáo như lễ rằm tháng Giêng, Phật đản, Vu lan… chùa Phật Tổ trở thành nơi diễn ra lễ hội, đông đảo Tăng Ni, Phật tử tề tựu về tham dự.

Chùa Phật Tổ là niềm tự hào của người dân Cà Mau, trở thành địa điểm du lịch Cà Mau hút khách về tham quan, chiêm bái và khám phá về đời sống tâm linh của đồng bào nơi vùng đất cực Nam Tổ quốc.

Đền thờ 10 liệt sĩ khởi nghĩa Hòn Khoai – Cà Mau

Đền thờ 10 liệt sĩ Khởi nghĩa Hòn Khoai tại Khóm 6, Phường 9, TP. Cà Mau là nơi thể hiện lòng tri ân sâu sắc của quân và dân tỉnh Cà Mau đối với những anh hùng liệt sĩ đã khuất. Di tích này cũng chính là nơi thầy giáo Phan Ngọc Hiển cùng đồng đội của mình an nghỉ, được UBND tỉnh ra quyết định xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh vào ngày 6/4/2011.

cà mau có gì?

Đền thờ 10 liệt sĩ khởi nghĩa Hòn Khoai – Cà Mau

Năm 2016, di tích được tôn tạo, trùng tu với quy mô lớn trên diện tích hơn 8 ngàn mét vuông và đến ngày 13/12/2018, đền thờ được khánh thành đúng vào dịp Kỷ niệm Ngày truyền thống cách mạng của Đảng bộ, quân và dân tỉnh Cà Mau.

Công trình Đền thờ 10 anh hùng liệt sĩ Khởi nghĩa Hòn Khoa có diện tích hơn 8.100m², bao gồm 6 hạng mục: Nâng cấp mộ Anh hùng liệt sĩ Phan Ngọc Hiển và 9 đồng đội, xây dựng mới đền thờ, cổng, hàng rào; nhà quản lý; chòi nghỉ chân; bờ kè, đảo Hòn Khoai (thu nhỏ) với biểu tượng ngọn hải đăng.

cà mau có gì?

Đền thờ 10 liệt sĩ khởi nghĩa Hòn Khoai – Cà Mau

Phía dưới ngọn hải đăng khắc họa hình bông sen 16 cánh lớn và 24 cánh nhỏ được đắp nổi bằng chất liệu xi măng sơn màu trắng, giữa bông sen là một bảng hình chữ nhật bằng đá thiên nhiên ghi tên 10 liệt sĩ khởi nghĩa Hòn Khoai:

  1. Phan Ngọc Hiển
  2. Quách Văn Phẩm
  3. Lê Văn Khuyên
  4. Đỗ Văn Sến
  5. Nguyễn Văn Đắc
  6. Đỗ Văn Biên
  7. Nguyễn Văn Cự
  8. Nguyễn Văn Cẩn
  9. Nguyễn Văn Đình
  10. Ngô Kinh Luân

Phía dưới bông sen là mảng phù điêu hình chữ nhật, khắc họa hình 10 liệt sĩ khởi nghĩa Hòn Khoai tay cầm súng, búa, tầm vong vạt nhọn, mác, gậy, giáo, cây đước…

Ngoài phần mộ của Anh hùng Phan Ngọc Hiển và 9 đồng đội, di tích còn có nhà tưởng niệm, khuôn viên rộng, đẹp, nhà trưng bày – chiếu phim với những nội dung về cuộc Khởi nghĩa Hòn Khoai và cuộc đời thầy giáo Phan Ngọc Hiển…

Vào 23 giờ ngày 13/12/1940 tại Hòn Khoai, cuộc khởi nghĩa do Phan Ngọc Hiển chỉ huy đã nhanh chóng giành thắng lợi, lực lượng Khởi nghĩa Hòn Khoai hoàn toàn làm chủ hòn đảo và nhanh chóng tiến thẳng về đất liền.

Khi vào đất liền, quân khởi nghĩa tiếp tục đánh chiếm Ðồn Kiểm lâm Tân Ân và nhanh chóng giành thắng lợi. Cuộc khởi nghĩa Hòn Khoai đã thể hiện tinh thần anh dũng, bất khuất và là niềm tự hào của người dân Cà Mau.

Đây là công trình văn hoá truyền thống thể hiện trách nhiệm của các thế hệ hiện nay đối với những người đi trước. Đền thờ còn là địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống cách mạng đối với thế hệ trẻ và là địa điểm du lịch Cà Mau không thể bỏ qua nếu có dịp thăm vùng cực Nam Tổ quốc.

Di tích Hồng Anh Thư quán – Cà Mau

Cà Mau mảnh đất cực Nam tổ quốc có một di tích lịch sử cách mạng hết sức giá trị đó là Hồng Anh Thư quán, tọa lạc tại số 43, đường Phạm Văn Ký, phường 2, thành phố Cà Mau. Trải qua thời gian dài với chiến tranh ác liệt nhưng đến nay di tích vẫn giữ nguyên kiến trúc của ngôi nhà gốc, được trùng tu, tôn tạo, gìn giữ nguyên giá trị.

cà mau có gì?

Di tích Hồng Anh Thư quán – Cà Mau

Tháng 1/1929, Chi hội Việt Nam thanh niên cách mạng thị trấn Cà Mau được thành lập, với nhiệm vụ quan trọng là tuyên truyền chủ nghĩa Mác-Lênin, giáo dục ý thức cách mạng trong nông dân, công nhân, học sinh, trí thức và lãnh đạo quần chúng đấu tranh đòi quyền lợi dân sinh, dân chủ. Trong phong trào đấu tranh đó, Chi hội mở hiệu sách “Hồng Anh Thư Quán” bán các loại sách báo tiến bộ đương thời được xuất bản tại Sài Gòn. Thực chất đây là bình phong cho phong trào dân chủ, là điểm hội họp của nhiều người yêu nước, nơi hoạt động của tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội thị trấn Cà Mau – tổ chức chính trị có nhiệm vụ giác ngộ thanh niên yêu nước, tuyên truyền, giáo dục tư tưởng chủ nghĩa Mác – Lênin…

Ngôi nhà với diện tích xây dựng 74m² (ngang 3,7m, dài 20m) mặt quay về hướng Đông Bắc, giáp chợ Cà Mau, trên bờ kinh Xáng, là một căn phố trong dãy phố lầu 2 tầng được thực dân Pháp xây dựng khoảng năm 1900, được gọi là nhà ngủ Á Châu (còn gọi là phố ông Sơn).

cà mau có gì?

Di tích Hồng Anh Thư quán – Cà Mau

Sau một thời gian hoạt động tích cực, Hồng Anh Thư Quán đã gây ảnh hưởng tư tưởng sâu rộng trong các tầng lớp Nhân dân, tạo tiền đề chính trị cho sự ra đời của các cơ sở Đảng Cộng sản sau này.

Với ý nghĩa là ngọn cờ tiên phong trong phong trào cách mạng tại Cà Mau, Hồng Anh Thư Quán đã được xếp hạng là di tích lịch sử quốc gia vào ngày 4/8/1992. Trên cơ sở kế thừa những yêu tố truyền thống, tầng trệt di tích được phục dựng quán cà phê Tâm Đồng theo hình thức xã hội hóa, được bày trí nhiều cổ vật, hiện vật. Trở thành một địa điểm du lịch Cà Mau lý tưởng cho du khách đam mê tìm hiểu về văn hoá, lịch sử vùng đất Cà Mau và là “địa chỉ đỏ” để giáo dục truyền thống cánh mạng cho thế hệ trẻ.

Di tích lịch sử quốc gia Nhà Dây Thép – Cà Mau

Mỗi khi nhắc đến những chiến thắng hào hùng của quân và dân Cà Mau thì không thể không nhớ đến vai trò liên lạc của Nhà Dây Thép trong cuộc chiến giành độc lập cho dân tộc. Di tích lịch sử Nhà Dây Thép nằm ở vị trí trung tâm thành phố, tọa lạc tại góc đường Lê Lợi – Lý Bôn, khóm 3, phường 2, thành phố Cà Mau.

cà mau có gì?

Di tích lịch sử quốc gia Nhà Dây Thép – Cà Mau

Với giới trẻ ngày nay, ba chữ “nhà dây thép” khá lạ lẫm, thực ra đó là nhà bưu điện được thực dân Pháp xây dựng vào khoảng năm 1910 để thực hiện chức năng thông tin liên lạc phục vụ cho bộ máy cai trị và khai thác thuộc địa của chúng. Tận dụng tình hình, cách mạng Việt Nam đã biến nơi đây trở thành đầu mối thông tin liên lạc giữa Xứ ủy Nam Kỳ với Chi bộ Đảng Cà Mau trong cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược.

Từ năm 1930 đến 1939, Xứ ủy Nam Kỳ và Đặc ủy Hậu Giang đã chọn Nhà Dây Thép là địa điểm liên lạc, đồng chí Lê Tồn Khuyên (nhân viên Nhà Dây Thép) được giao nhiệm vụ phụ trách đầu mối liên lạc của Đảng tại khu vực Cà Mau.

Từ điểm liên lạc này, Đảng bộ Cà Mau đã nhận được những tin tức quan trọng cũng như sự chỉ đạo kịp thời để củng cố lực lượng và phát động quần chúng nhân dân đấu tranh cách mạng và giành được nhiều thắng lợi.

cà mau có gì?

Di tích lịch sử quốc gia Nhà Dây Thép – Cà Mau

Di tích Nhà Dây Thép không những là di tích lịch sử cách mạng của tỉnh, mà còn là công trình ghi nhận dấu ấn lịch sử phát triển của ngành giao thông liên lạc ở Cà Mau.

Qua thời gian, Nhà Dây Thép bị hư hại nặng nên đến năm 1999, tỉnh Cà Mau đã thống nhất phục dựng lại theo nguyên mẫu và đến năm 2004, ngôi nhà được khánh thành và đưa vào sử dụng. Do điều kiện hoạt động bí mật nên các di vật trong di tích không còn lưu giữ được, mà hiện nay Bảo tàng tỉnh Cà Mau đã phục chế các hiện vật, tài liệu, hình ảnh có liên quan đến di tích, đồng thời trưng bày hoàn chỉnh tại di tích, phục vụ tốt cho khách đến du lịch Cà Mau tham quan nghiên cứu. Đồng thời trở thành địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống cho các thế hệ mai sau hiểu sâu sắc hơn về cuộc đấu tranh của nhân dân Cà Mau trong những năm kháng chiến chống Pháp.

Ngày 02/6/2011, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận Nhà Dây Thép tại Cà Mau là Di tích cấp Quốc gia.

Khu căn cử Tỉnh Ủy Lung Lá – Nhà Thể – Cà Mau

Khu Căn cứ Tỉnh ủy Lung Lá – Nhà Thể là di tích lịch sử cách mạng thuộc ấp Trần Độ, xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau. Địa danh này là niềm tự hào của nhân dân hai tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu về truyền thống cách mạng của cha ông trong những năm kháng chiến chống Pháp.

cà mau có gì?

Khu căn cử Tỉnh Ủy Lung Lá – Nhà Thể – Cà Mau

Cách trung tâm thành phố Cà Mau khoảng 15 km, khách du lịch Cà Mau muốn đến thăm di tích có thể đi đường sông theo kinh Rạch Rập rẽ phải vào kinh Lung Lá, hoặc đi đường bộ theo tuyến Quốc lộ 1 đến chợ Nhà Phấn, tại cổng chào rẽ phải đi về hướng tây khoảng 5km nữa là tới.

Khu di tích được xây dựng trên chính nền nhà của đồng chí Trần Văn Thời, cố Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu (nay là tỉnh Cà Mau và tỉnh Bạc Liêu), là nơi hội họp của Chi bộ ấp Tân Hưng và Quận ủy Cà Mau. Trước kia do nhận thấy lợi thế của khu vườn nhà mình, tuy cách thị trấn Cà Mau không xa nhưng sông ngòi chằng chịt, cây cối rậm rạp và được dừa nước che chắn xung quanh nên đồng chí đã dùng nơi đây làm nơi hoạt động của Đảng, sinh hoạt chính trị, kết nạp nhiều đảng viên, hội họp và đưa ra nhiều quyết định quan trọng của Tỉnh ủy, nhằm chỉ đạo phong trào cách mạng trong tỉnh.

Những năm 1938 – 1940, Lung Lá Nhà Thể là nơi hội họp của Chi bộ ấp Tân Hưng, Quận ủy Cà Mau, Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu và trở thành cơ quan thường trực của Tỉnh ủy Bạc Liêu. Tháng 10-1938, tổ chức Hội nghị đại biểu thành lập Tỉnh ủy lâm thời tỉnh Bạc Liêu.

Cũng tại Lung Lá – Nhà Thể, vào ngày 26/11/1940, đồng chí Trần Văn Thời đã triệu tập Hội nghị Tỉnh uỷ mở rộng để nghiên cứu nghị quyết của Xứ uỷ, đánh giá tình hình địch, công tác chuẩn bị vũ trang của ta và kế hoạch khởi nghĩa. Hội nghị đã nhất trí chọn Hòn Khoai làm điểm mở đầu cho cuộc khởi nghĩa trong toàn tỉnh, đồng chí Phan Ngọc Hiển là người trực tiếp chỉ huy khởi nghĩa Hòn Khoai vào đêm 13/12/1940. Cuộc khởi nghĩa Hòn Khoai đã giành thắng lợi, trở thành điểm son trong khởi nghĩa Nam Kỳ năm 1940, ngày 13/12/1940 đã được chọn là ngày truyền thống cách mạng của Ðảng bộ, quân và dân tỉnh Cà Mau.

cà mau có gì?

Khu căn cử Tỉnh Ủy Lung Lá – Nhà Thể – Cà Mau

Hiện nay, Di tích lịch sử – văn hóa Căn cứ Tỉnh ủy tại Lung Lá – Nhà Thể đã được trùng tu, tôn tạo và phục dựng nhiều hạng mục: bia lưu niệm; nhà của đồng chí Trần Văn Thời; nhà truyền thống; nơi hội họp bí mật; nơi trưng bày dụng cụ sinh hoạt; hệ thống cây xanh…

Mặt chính quay về hướng đông, từ cổng vào có một khoảng sân rộng, ở giữa sân là Bia kỷ niệm cao 7,2m bằng bê-tông cốt thép.

Bên trái khu di tích là công trình tưởng niệm đồng chí Trần Văn Thời, nơi đặt tượng và bức phù điêu lịch sử với chất liệu tranh gốm, thể hiện sinh động, khắc họa cuộc đời và quá trình hoạt động của đồng chí.

kế đến là nhà trưng bày di tích rộng 38m2 được xây dựng khang trang. Những hiện vật, hình ảnh nơi đây phần nào tái hiện được những gian khổ, hy sinh của thế hệ đi trước trong kháng chiến giành độc lập, tự do cho dân tộc.

cà mau có gì?

Công trình tưởng niệm đồng chí Trần Văn Thời

Ngày 11/6/2007, Căn cứ Tỉnh ủy tại Lung Lá – Nhà Thể được UBND tỉnh Cà Mau công nhận là di tích lịch sử – văn hóa cấp tỉnh. Đây thực sự là“địa chỉ đỏ” để giáo dục truyền thống cách mạng và tinh thần yêu nước cho thế hệ trẻ. Giúp tuổi trẻ rèn luyện lý tưởng, phẩm chất cách mạng, sự sáng tạo trong học tập, lao động để đóng góp xây dựng quê hương, đất nước.

Du lịch Cà Mau, về thăm khu di tích Lung Lá Nhà Thể bạn còn được tham quan những mô hình vuông tôm của người dân địa phương. Đi dọc theo những kinh rạch uốn lượn đặc trưng của vùng sông nước, cảm nhận một miền quê yên ả, thanh bình.

Di tích lịch sử Bến Vàm Lũng – Cà Mau

Di tích lịch sử Bến Vàm Lũng cách TP. Cà Mau gần 100 km theo hướng Quốc lộ 1 về phía Nam, thuộc khóm 8, thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển. Đây là nơi ghi nhận những chiến công thầm lặng của các chiến sĩ trên “Đoàn tàu không số” đã vượt hàng ngàn kilomet đường biển, chuyên chở vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, lập nên kỳ tích đường Hồ Chí Minh trên biển.

cà mau có gì?

Di tích lịch sử Bến Vàm Lũng – Cà Mau

Do những yêu cầu bức thiết về vũ khí, đạn dược tiếp tế cho chiến trường miền Nam, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương chỉ thị cho các tỉnh Nam Bộ chuẩn bị bến bãi, tổ chức lực lượng tiếp nhận vũ khí từ miền Bắc cho miền Nam.

Cửa Vàm Lũng là tên gọi của nhân dân địa phương, trên bản đồ ghi là sông Năng, được bắt nguồn từ biển Đông, phía ngoài ven biển có bãi bùn, bên phải có rạch Xẻo Lở. Cửa Vàm Lũng rộng trên 100 m và có độ sâu từ 4-5 m nước, thuận tiện cho tàu chở trên 30 tấn ra vào dễ dàng.

Ngày 11/10/1962, chuyến tàu đầu tiên của “đoàn tàu không số”, mang phiên hiệu “Phương Đông 1” chở 30 tấn vũ khí từ bến Đồ Sơn, Hải Phòng mở đường vào Nam. Ngày 16/10/1962, tàu Phương Đông I do thuyền trưởng Lê Văn Một và chính trị viên Bông Văn Dĩa chỉ huy vượt qua hàng nghìn hải lý trước sự theo dõi, bao vây của tàu địch nhưng vẫn cập bến Vàm Lũng an toàn. Đây là chuyến tàu của “Đoàn tàu không số” khai thông tuyến vận tải chiến lược trên biển Đông – đường Hồ Chí Minh trên biển.

Sau khi sự kiện tàu “Phương Ðông 1” về bến thành công, những con tàu “Phương Ðông 2”, “Phương Ðông 3”, “Phương Ðông 4” tiếp tục cập Bến Vàm Lũng để đưa hàng trăm tấn vũ khí từ miền Bắc chuyển vào chi viện cho chiến trường miền Nam. Tính đến cuối năm 1970, Bến Vàm Lũng đã tiếp đón trên 70 chuyến tàu với hơn 4.400 tấn vũ khí, đạn dược.

Nhờ địa hình hiểm trở, cùng với mạng lưới kinh rạch chằng chịt, bên trên là những cánh rừng đước, rừng mắm che phủ tạo điều kiện lý tưởng cho các chiến sĩ cách mạng dễ dàng vận chuyển và cất giấu vũ khí. Bên cạnh đó, sự đùm bọc, che chở của Nhân dân Rạch Gốc như những “luỹ sắt, thành đồng” để bảo vệ cách mạng. Nhờ vậy mà trong hơn 10 năm hoạt động (1962-1972) các cơ sở hoạt động của ta đã được bảo vệ an toàn, mặc dù nơi đây nằm không xa chi khu quân sự của địch ở Năm Căn.

cà mau có gì?

Di tích lịch sử Bến Vàm Lũng – Cà Mau

Di tích lịch sử Bến Vàm Lũng cũng gắn liền với sự kiện ra đời của đơn vị quân đội mang phiên hiệu “Ðoàn 962” (được thành lập vào ngày 19/9/1962) với nhiệm vụ bảo vệ an toàn cho các chuyến tàu vào – ra bến bãi, bí mật tiếp nhận, cất giấu vũ khí và vận chuyển vũ khí đến các đơn vị quân giải phóng phục vụ chiến đấu. Ðoàn 962, sau này là Trung đoàn 962 đã 2 lần được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân”.

Do yêu cầu đặc biệt trong giai đoạn chiến tranh, phải giữ bí mật, an toàn tuyệt đối cho các hoạt động tổ chức vận chuyển vũ khí, quân trang, quân dụng từ miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam nên các hiện vật không được lưu giữ. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn một xác tàu 69 đã bị hư hỏng của đoàn 962, nằm tại ngọn Xẻo Già cách bến khoảng 8 km về hướng Tây.

Đến giờ, nhiều người dân địa phương vẫn còn kể cho nhau nghe những câu chuyện liên quan đến việc bám rừng giữ Bến Vàm Lũng năm nào. Đó là chuyện mọi người phải cất nước biển để lấy nước ngọt. Đó là chuyện quân và dân Vàm Lũng phải sống nhờ vào trái mắm, một loại trái rừng đắng chát dường như không thể ăn được.

Trong những năm gian khó ấy, nghĩa tình quân dân càng bền chặt. Vào năm 1963, có một chuyến tàu bị mắc cạn. Người dân di dời khỏi Bến Vàm Lũng trước đó giờ lại được huy động để chuyển hàng và vũ khí. Quanh vùng, bà con ai cũng chung sức cùng với các chiến sĩ, chỉ có kẻ địch là không hề hay biết.

Mở đường, lập bến, đưa những con tàu không số từ Bắc vào Nam là công việc muôn vàn khó khăn, nguy hiểm. Song, với khát vọng độc lập, tự do và lòng yêu quê hương, đất nước, hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ đã lập được nhiều chiến công. Họ luôn đương đầu với địch, vật lộn với sóng to, gió lớn và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong những tình huống phức tạp, khó khăn, vững vàng đưa tàu và vũ khí tới bến bãi an toàn.

cà mau có gì?

Di tích lịch sử Bến Vàm Lũng – Cà Mau

Để ghi nhớ, vinh danh những chiến công vang dội, bất tử của Đoàn tàu không số, Tượng đài chiến thắng Đường Hồ Chí Minh trên biển; Nhà trưng bày tư liệu truyền thống và một số công trình có liên quan được xây dựng tại Bến Vàm Lũng.

Tượng đài chính cao 10,62m, hai phù điêu hình con tàu đang vượt sóng; thể hiện các thủy thủ đang tập trung cao độ, vững tay lái và sẵn sàng chiến đấu… Tổng thể công trình có hình 3 con tàu đang thẳng hướng về ba mũi giáp công, tạo thế trận vững chắc tỏa ra khắp chiến trường miền Nam, lập nên những chiến công bất hủ.

Khu Di tích lịch sử Bến Vàm Lũng – “Bến của lòng dân” nơi đất mũi Cà Mau đã được phục dựng khang trang, trở thành địa điểm du lịch Cà Mau thu hút đông đảo khách tham quan và là địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Ngày 23-10, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao Quyết định công nhận Bến Vàm Lũng – Đường Hồ Chí Minh trên biển là di tích lịch sử cấp Quốc gia.

Sở hữu phong cảnh hoang sơ và mộc mạc, cùng với đó là những thắng cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, Cà Mau ngày càng được nhiều người chọn làm điểm du lịch để tham quan và khám phá. Với sự ưu ái của thiên nhiên, đây chắc chắn sẽ là một điểm đến hấp dẫn, được nhiều du khách yêu thích. Cà Mau có gì? Từ những địa điểm danh lam thắng cảnh nổi tiếng ở Cà Mau mà chúng tôi vừa kể trên, hi vọng các bạn sẽ có thêm nhiều lựa chọn cho chuyến đi đầy thú vị của mình.

Đăng bởi: Trần Thị Thái

YOLO! Khám phá các huyện ở Cà Mau

ALONGWALKER Singapore: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Philippines: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Indonesia: Saluran untuk mengeksplorasi pengalaman para pemuda global ALONGWALKER Malaysia: Saluran untuk menjelajahi pengalaman global belia ALONGWALKER Japan: 発見・体験、日本旅行に関する記事 ALONGWALKER Thailand: ช่องทางในการสำรวจประสบการณ์ของเยาวชนระดับโลก