Bến Tre

Bến Tre có gì?

Bến Tre – Du lịch xứ dừa xanh Bến Tre là vùng đất đặc biệt với du khách. Mảnh đất miệt vườn này nổi tiếng với sông nước cây xanh và những sản phẩm du lịch dân dã. Đến với Bến Tre, du khách nhìn đâu cũng thấy những căn nhà bình dị ẩn trong những vườn cây xanh ngát. Là một tỉnh thuộc Miền Tây Nam Bộ, du lịch Bến Tre không chỉ khiến bạn chìm đắm trong vẻ đẹp sông nước hiền hòa mà còn mang tới cơ hội tuyệt vời để khám phá vẻ đẹp của mảnh đất này. Bến Tre có gì? Trong bài viết này chúng tôi sẽ giới thiệu đến bạn những danh lam thắng cảnh nổi tiếng mà bạn nên biết khi đi du lịch Bến Tre.

Nhà cổ Huỳnh Phủ – Bến Tre

Tọa ở xã Đại Điền (Thạnh Phú, Bến Tre), nhà cổ Huỳnh Phủ là kiến trúc độc đáo bậc nhất vùng Tây Nam Bộ. Ngôi nhà do ông Hương Liên, tên thật là Huỳnh Ngọc Khiêm, người gốc Huế xây dựng trong 14 năm, từ 1890 đến 1904 mới hoàn thành. Năm 2011, ngôi nhà được xếp hạng là di tích quốc gia.

bến tre có gì?

Nhà cổ Huỳnh Phủ – Bến Tre

Ngôi nhà có diện tích trên 500m2 (rộng khoảng 17m, dài 25m, cao 5,70m) được cất theo kiểu nhà xuyên trính, hình chữ nhất, ba gian hai chái ba và hai liễm đôi theo kiểu chái bắt vần với liễm. Nhà có 48 cây cột bằng gỗ lim, đường kính của cột từ 0,40 – 0,50m (kể cả cột chái và cột liễm) và 32 cột gạch (hàng cột thứ tư) thay cho cột gỗ bị hư hỏng vào những năm 1945 – 1954. Kèo là những thanh gỗ to đẽo cong chạy chỉ viền và chạm nổi hoa văn, đầu kèo chạm hình rồng. Nền xây tam cấp, lót gạch tàu, mái lợp ngói âm dương.

Nội thất chia thành 2 phần: từ cột nhứt của mặt hậu trở vào sử dụng sinh hoạt gia đình, từ cột nhứt của mặt hậu trở ra cột hàng nhì của mặt tiền sử dụng vào việc thờ tự. Liễm và chái mặt tiền sử dụng chủ yếu vào việc phục vụ lễ tân. Mỗi căn bố trí một khánh thờ xếp thành 2 lớp, chạm trổ công phu, sơn son thếp vàng tất cả đều được đặt trên ghế thờ.

bến tre có gì?

Nhà cổ Huỳnh Phủ – Bến Tre

Phía tả thờ Cửu Huyền Thất Tổ, giữa thờ Phật Bà Quan Âm; phía hữu thờ ông, bà Huỳnh Ngọc Khiêm. Khánh thờ Phật Bà Quan Âm chạm trổ long, lân, phụng theo lối song phụng tranh châu, nền đế là 2 kỳ lân đối diện, cùng nhe nanh, mặt hướng ra ngoài, chân trụ chạm rồng 3 móng, mặt hướng lên trên (theo truyền tụng rồng 3 móng thường dành cho dân thượng lưu, rồng 4 móng dành cho quan lại, rồng 5 móng dành cho vua).

Hai khánh thờ còn lại chạm hình hoa trái, công phụng gặp bầy. Nền đế chạm nhiều loại trái cây, thân trụ chạm chim, hoa, cây, trái,… Phía trên chạm hoa, cây, trái cùng hướng vào vầng thái dương. Tất cả các bức hoành phi, bài vị, biển đề,…đều viết bằng chữ Hán khắc vào gỗ, chạm trổ hoa văn rất công phu, được sơn son thiếp vàng hoặc cẩn xà cừ, có tuổi đời tương đương với tuổi thọ ngôi nhà.

Bên trong ngôi nhà còn bộ trường kỷ cẩm thạch được nhập từ Pháp về mà thời điểm năm 1980 được trả giá 40 lượng vàng nhưng gia chủ vẫn không bán. Ngoài ra còn một số bộ phản, giường gỗ, lư đồng… được các thế hệ con cháu giữ gìn suốt mấy đời qua. Năm 2011, nhà cổ Huỳnh Phủ và khu mộ vợ chồng Hương Liêm đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. Do công trình xuống cấp nên được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bến Tre đầu tư trùng tu, phục dựng lại với kinh phí 25,2 tỷ đồng và mới hoàn thành vào năm 2015.

Du khách đến tham quan nhà cổ Huỳnh Phủ sẽ được gia chủ sẽ hướng dẫn tận tình nhưng phí thì “ai cho bao nhiêu tùy thích” nên du khách không chỉ thích kiến trúc độc đáo mà còn cả cung cách phục vụ nhiệt tình bởi lớp hậu duệ của gia tộc danh giá này.

Làng du kích Đồng Khởi – Bến Tre

Làng du kích Đồng Khởi thuộc xã Định Thủy, huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre, cách thị xã Bến Tre 15km. Làng du kích Đồng Khởi là nơi nổi dậy đầu tiên của phong trào Đồng Khởi năm 1960. Ở đây có nhà triển lãm tất cả các loại vũ khí thô sơ tự tạo trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Bến Tre đang xây dựng khu di tích Đồng Khởi để tái tạo lại hình ảnh của một làng đã từng là cái nôi cách mạng của miền Nam.

bến tre có gì?

Làng du kích Đồng Khởi – Bến Tre

Lịch sử của ngôi làng có nhiều đặc biệt. Đây chính là nơi nổi dậy đầu tiên của phong trào Đồng Khởi vào năm 1960. Đến đây, du khách sẽ có cơ hội tìm hiểu thêm về lòng yêu nước và tinh thần đấu tranh bất khuất của quân và nhân dân Bến Tre. Bước chân vào làng, du khách sẽ có những cảm xúc đầy rưng rưng, xúc động về một quá khứ hào hùng của dân tộc.

Ngày nay, để bảo tồn những di tích và hình ảnh, tư liệu về sự kiện lịch sử này, nhà truyền thống Đồng Khởi đã được xây dựng tại xã Định Thủy. Vào đầu năm 2000, nhà truyền thống Đồng Khởi Bến Tre được khánh thành và đưa vào sử dụng. Khuôn viên của ngôi nhà nằm trong diện tích 4.684m2, trong đó diện tích sử dụng của ngôi nhà là 500m2.

Kiến trúc của nhà truyền thống bao gồm một trệt, một lầu. Trên nóc nhà có biểu tượng ngọn đuốc được làm bằng bê tông cốt thép, chiều cao 24m, chiều dài 24,5m và chiều rộng 24m. Xung quanh nhà truyền thống có những thảm cỏ xanh tuyệt đẹp tạo thêm không gian mơ màng trong lành, tuyệt vời. Bên cạnh đó là có những hàng ghế đá dọc các lối nhỏ, rất tiện để du khách đi dạo tham quan và nghỉ ngơi. Khu Di tích cũng có nhà triển lãm, trưng bày tất cả các loại vũ khí thô sơ tự tạo trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

bến tre có gì?

Làng du kích Đồng Khởi – Bến Tre

Để ghé thăm làng Du Kích Đồng Khởi Bến Tre, du khách có thể đi bất kỳ thời điểm nào trong năm. Tuy nhiên nếu để trải nghiệm nhiều điều thú vị hơn, bạn nên đi vào dịp lễ kỷ niệm truyền thống của làng.

Hàng năm, ngày 17/1 (ngày phong trào Đồng Khởi) được chọn làm ngày lễ hội truyền thống để kỷ niệm. Vào ngày này có nhiều hội nghị cũng như các hoạt động vui chơi thú vị trong làng được tổ chức, thu hút rất đông du khách tham gia.

Ngoài được tham gia lễ hội truyền thống đặc sắc, đến với làng du kích Đồng Khởi, du khách còn có cơ hội tìm hiểu về lịch sử dân tộc Việt Nam, hiểu thêm về tinh thần đấu tranh bất khuất của quân và nhân dân Bến Tre xưa. Từ đó, du khách cảm nhận được những giá trị lịch sử cao đẹp chỉ nơi đây mới có. Trong hành trình đi du lịch về Bến Tre, du khách đừng bỏ lỡ cơ hội ghé thăm làng du kích Đồng Khởi nhé.

Sân chim Vàm Hồ – Bến Tre

Nằm dọc ven sông Ba Lai, sân chim Vàm Hồ là một điểm du lịch sinh thái hấp dẫn được hình thành từ tháng 5-1986 do đàn chim trước ở Cù lao Đất, xã An hiệp, huyện Ba Tri di cư tới.

bến tre có gì?

Sân chim Vàm Hồ – Bến Tre

Sân chim Vàm Hồ nằm bên hữu ngạn sông Ba Lai thuộc địa phận các xã Mỹ Hòa, Tân Mỹ và Tân Xuân, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre, có diện tích trên 67ha. Từ trung tâm tỉnh Bến Tre có nhiều con đường dẫn đến Khu du lịch sinh thái Sân chim Vàm Hồ đậm dấu ấn rừng ngập mặn. Trong đó tuyến đường thuận tiện nhất: qua Giồng Trôm đến Tân Xuân, huyện Ba Tri, lộ trình khoảng 30 cây số.

Thời điểm mà khách du lịch Bến Tre ghé đến tham quan đông nhất là vào khoảng tháng 10 đến tháng 4, chim bắt đầu tụ tập về đây sinh sản, có thể thấy rõ trên các ngọn đước, bần, mắm nặng trĩu những tổ chim. Đến tháng 8 chúng lại bay đi nơi khác. Tập quán này được giữ nguyên hàng chục năm qua.

Sân chim Vàm Hồ là khu vực hệ sinh thái đặc sắc, tiêu biểu cho rừng ngập mặn ven biển của đồng bằng sông Cửu Long, có giá trị sinh học cao và tiềm năng phát triển về du lịch sinh thái.

Du lịch Bến Tre, đến Sân Chim Vàm Hồ, quý khách sẽ được trải nghiệm đi xuồng len lỏi vào những cánh rừng già xanh mát và rộn rã tiếng chim. Tham quan khu căn cứ kháng chiến, đi qua những chiếc cầu tre lắt lẻo, ngả lưng trên chiếc võng đung đưa dưới tán lá rừng, hít thở không khí trong lành của dòng sông Ba Lai.

Hiếm thấy nơi đâu lại hoang sơ, đẹp chân chất, nhiều chim muôn, thủy sản như ở đây. Hiện nơi đây đang sở hữu trên 120 loài chim quý hiếm như: cò, vạc, cồng cộc, diệc xám, quắm trắng, le le… cùng nhiều loại thú hoang như trăn, rắn, sóc, chồn, dơi, kỳ đà…

Vàm Hồ là vùng đất ngập mặn, độ cao trung bình 1,25 mét so với mực nước biển nên an toàn với triều cường hàng năm. Thảm thực vật Vàm Hồ có dừa nước, chà là, đước, mắm… ở tầng cao, rất lý tưởng cho các loài chim cư trú; còn ở tầng thấp gồm các loại cây chiếm ưu thế như đước đôi, bụp tra, ô rô, cóc kèn, rau muống biển, lau sậy… rất thuận tiện cho cò, vạc làm tổ sinh sản. Bên trong vườn chim là hệ thống kênh rạch chằng chịt như mạng nhện nên tôm, cá rất nhiều, chủ yếu là cá bống kèo, cua, tôm đất… là nguồn thức ăn phong phú cho các loài chim, cò ở đây.

bến tre có gì?

Sân chim Vàm Hồ – Bến Tre

Đến thăm Nông trại du lịch – Sân Chim Vàm Hồ, du khách còn được thăm khu căn cứ kháng chiến xưa từng nuôi giấu bao đoàn quân cách mạng trong lòng đất; được tham gia một số trò chơi dân dã như: đi cầu khỉ, đi dây qua hồ, đạp xích lô mi ni, trò chơi đánh đu xưa…

Nơi đây cũng phát triển khu vực trồng nhiều loại trái cây nhiệt đới cho trái quanh năm, để du khách thưởng thức các loại trái cây như bưởi, mít, đu đủ, mãn cầu xiêm,…được trồng hữu cơ không phân thuốc hóa học, do chính tay bạn hái xuống.

Sau khi ngắm thiên nhiên đầy chim muông thú vị, khách có thể dừng chân tại nhà hàng, thưởng thức các món ăn ngon do chính những người dân khéo léo nơi đây chế biến: lẩu bần, cá kho nồi đất, bánh xèo, mắm tếp thịt ba chỉ, các loại bánh dân gian…

Thú vị nhất là vào buổi chiều, khi mặt trời sắp lặn du khách sẽ được nghe bản “giao hưởng” thú vị của hàng ngàn con chim đủ loại từ các nơi bay về ríu rít bên nhau sau một ngày bay đi kiếm ăn khắp bốn phương và cả tiếng kêu của đàn vạc chuẩn bị vỗ cánh đi kiếm ăn vào ban đêm.

Sân chim Vàm Hồ là một tài sản quý mà thiên nhiên đã ban tặng cho tỉnh Bến Tre. Ðến đây, du khách sẽ tận hưởng được không khí trong lành, cũng như được khám phá nhiều điều thú vị của rừng ngập mặn, được dịp tìm hiểu đời sống của các muông thú, đồng thời du khách còn tìm thấy ở đây vùng sinh thái nông nghiệp đặc trưng nền văn minh lúa nước nơi có lắm sông rạch, miệt vườn.

Khu di tích Ông Đạo Dừa – Bến Tre

Khu di tích Đạo Dừa (còn gọi “Nam Quốc Phật”) nằm trên cồng Phụng thuộc xã Tân Thạch, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre. Đây là khu di tích độc đáo, thể hiện được nét đẹp văn hóa và tín ngưỡng chỉ có ở vùng đất Bến Tre.

bến tre có gì?

Khu di tích Ông Đạo Dừa – Bến Tre

Sau hơn 50 năm xây dựng, khu di tích Đạo Dừa vẫn giữ nguyên được vẻ đẹp trường tồn cùng thời gian, trở thành một điểm đến du lịch thu hút du khách bậc nhất của tỉnh khi du khách có dịp ghé Cồn Phụng.

Cái tên “Nam Quốc Phật” bắt nguồn bởi giáo chủ Đạo Dừa – ông Nguyễn Thành Nam, vốn là một kỹ sư học từ Pháp về, có gia đình nhưng sau quyết tâm ngồi thiền đi tu và lập Đạo Dừa tại cồn Phụng năm 1963. Chủ trương của Đạo Dừa là hòa đồng tôn giáo và ủng hộ hòa bình.

Người theo Đạo Dừa không cần tụng kinh, gõ mõ mà chỉ cần ngồi tham thiền, ăn chay, tưởng niệm và khuyến khích người đời sống tôn trọng lễ nghĩa, cư xử đúng mực, thương yêu nhau. Có một điểm đặc biệt không giống với các loại đạo khác đó là Đạo Dừa khuyên nên ăn và uống nước dừa.

Cơ sở tôn giáo của Đạo Dừa tập trung chủ yếu tại Cồn Phụng. Đạo Dừa từng thu hút được hàng ngàn tín đồ tham gia, trong đó có con trai của nhà văn người Mỹ – John Steinbeck, người từng được nhận Giải Nobel Văn học năm 1962.

Ông Đạo Dừa Nguyễn Thành Nam từng bị bắt giam năm 1958 do phản đối chính quyền Ngô Đình Diệm. Năm 1968, ông cũng đã từng đứng ra tranh cử tổng thống ở miền Nam Việt Nam. Quan điểm chính trị của Đạo Dừa được thể hiện qua việc ông nuôi chuột và mèo sống chung với nhau trong một lồng. Qua hình ảnh này ông muốn chứng minh hai lực lượng đối nghịch vẫn có thể chung sống hòa bình và hi vọng Việt Nam sẽ không còn chiến tranh.

bến tre có gì?

Khu di tích Ông Đạo Dừa – Bến Tre

Khu di tích của Đạo Dừa tại Cồn Phụng rộng khoảng 1.500 m2. Xung quanh sân là cổng chảo, lối đi, những mô hình núi, hang động, tháp được xây dựng bằng bê tông nối tiếp nhau tạo nên một tổng thể chặt chẽ.

Trước cổng lối vào chỗ thờ cúng là một lư hương rất to bằng được làm từ những mảnh vỡ của đồ sành, sứ, trên đó có khắc ảnh và lai lịch vắn tắt về Đạo Dừa. Toàn bộ lư hương này được đặt uy nghi trên lưng Thần Kim Quy miệng ngậm lưỡi gươm thần.

Sân rồng vốn là nơi thuyết giáo trước kia, nơi đây từng là nơi tập trung hàng ngàn đệ tử tìm về Đạo Dừa. Chỗ thuyết giáo này tựa lưng vào tháp Cửu Trùng Đài uy nghi. Sau lưng Cửu Trùng Đài là hai cột bê tông lớn, cao chừng 15m. Trên đỉnh cột chính là nơi ngày đêm Đạo Dừa hướng mặt ra biển tịnh tu ngày xưa. Ngày nay, các di tích của Đạo Dừa được lưu giữ nguyên vẹn tạo thành khu di tích Đạo Dừa rất hấp dẫn du khách.

Chùa Tuyên Linh – Bến Tre

Là một tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long, Bến Tre là nơi tập trung nhiều khu du lịch sinh thái cùng các địa điểm du lịch thu hút đông đảo du khách từ trong và ngoài nước về tham quan. Nổi bật trong số các điểm tham quan Bến Tre có chùa Tuyên Linh, ngôi chùa mang nhiều dấu ấn lịch sử của một thời chiến tranh anh dũng của dân tộc Việt Nam.

bến tre có gì?

Chùa Tuyên Linh – Bến Tre

Chùa Tuyên Linh (thuộc xã Minh Đức, huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre) được xây dựng vào năm 1861, dưới thời vua Tự Đức năm thứ 14. Ban đầu, chùa có tên là Tiên Linh, do Hòa thượng Khánh Phong trụ trì. Lúc này, chùa được xây dựng bằng các vật liệu như tre, lá để thờ một người phụ nữ bị cọp vồ chết. Đến năm 1907, nhà sư Lê Khánh Hòa, pháp danh là Thích Như Trí, quê ở xã Phú Lễ, huyện Ba Tri về trụ trì. Vốn là một vị cao tăng tinh thông phật học, hòa thượng Lê Khánh Hòa đã mở mang việc thuyết giảng giáo lý nhà Phật, đào tạo môn sinh. Và, nhờ hiểu biết sâu rộng, đi nhiều nơi, có vốn nho học, lại biết cả chữ quốc ngữ nên ông được tín đồ, các cư sĩ Phật giáo tín nhiệm.

Nhà sư Lê Khánh Hòa là người có công trong việc trùng tu và đổi mới để chùa Tuyền Linh có được như ngày hôm nay. Tuy không nổi bật về mặt kiến trúc so với các chùa cổ ở Nam Bộ nhưng chùa Tuyên Linh là nơi đã từng diễn ra nhiều sự kiện lịch sử đáng chú ý. Có dịp du lịch miền Tây sông nước, du khách nhớ ghé thăm chùa Tuyên Linh.

Chùa Tuyên Linh đã từng là nơi cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh Bác Hồ, nhiều lần ghé lại tá túc. Từ năm 1927 – 1929, cụ Phó bảng mở lớp dạy học, xem mặt bốc thuốc cho nhân dân trong vùng và cùng Hòa thượng Lê Khánh Hòa bàn việc dân, việc nước. Theo như Viet Fun Travel tìm hiểu được thì tên gọi Tiên Linh được nhà sư Lê Khánh Hòa đổi thành Tuyên Linh tự từ năm 1930 theo sự góp ý của cụ Phó bảng. Từ đó chùa được gọi bằng tên mới là chùa Tuyên Linh. Hòa thượng Lê Khánh Hòa ngoài tụng kinh niệm phật còn luôn động viên các tín đồ Phật giáo tham gia hoạt động cách mạng và kháng chiến. Do tuổi già lại thêm bệnh năng, Hòa thượng Lê Khánh Hòa mất ngày 19/6/1947. Trước lúc viên tịch ông còn để lại lời nhắn cầu mong nước nhà độc lập, chúc sức khỏe Hồ Chủ tịch, sau đó niệm phật rồi tắt thở. Để tỏ lòng tôn kính một vị chân tu yêu nước, giáo hội Phật giáo tăng già và Lục hòa tăng đã cùng các tín đồ tổ chức lễ Trà tỳ (tức lễ thiêu hài cốt đưa tro vào bảo pháp) ở chùa Tuyên Linh.

bến tre có gì?

Chùa Tuyên Linh – Bến Tre

Trong hai cuộc kháng chiến lớn ở Việt Nam, chùa Tuyên Linh là cơ sở nuôi giấu cán bộ cách mạng. Trong những năm trước Đồng Khởi, chùa Tuyên Linh là nơi diễn ra phong trào mạnh mẽ. Các cơ quan huyện ủy Mỏ Cày và tỉnh ủy Bến Tre đã từng trú đóng tại chùa Tuyên Linh, được nhân dân và tín đồ Phật giáo bao bọc vượt qua những ngày cách mạng khó khăn nhất. Với những giá trị trên, năm 1994 chùa Tuyên Linh đã được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) ra quyết định công nhận là di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia.

Hằng năm vào ngày sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh – vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam, huyện Mỏ Cày Nam chọn chùa Tuyên Linh làm điểm tổ chức lễ kỷ niệm để tưởng nhớ công ơn người. Song song với hoạt động tượng niệm còn có nhiều hoạt động phong phú, hấp dẫn như triễn lãm ảnh về Bác Hồ, thể thao, liên hoan văn nghệ, tổ chức các trò chơi dân gian giải trí… Rất nhiều du khách đi du lịch Bến Tre đã ghé thăm chùa để dâng hương tưởng nhớ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc (thân sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh) và các thế hệ cha anh đi trước.

Chùa Tuyên Linh gắn liền với các hoạt động cách mạng tạo nên giá trị lịch sử in đậm dấu ấn trong lòng du khách mỗi khi có dịp ghé thăm. Nếu có cơ hội du lịch miền Tây, du khách hãy dành thời gian để đến và khám phá ngôi chùa này. Đến tham quan, vãn cảnh chùa Tuyên Linh, du khách cảm nhận được sự thanh tịnh trong không gian yên ả, xua tan đi mệt mỏi, lo toan của cuộc sống. Bên cạnh đó du khách còn được khám phá những nét đẹp về văn hóa, truyền thống của người dân nơi đây.

Chùa Hội Tôn – Bến Tre

Chùa Hội Tôn hay còn gọi là Hội Tôn cổ tự hiện nay tọa lạc tại ấp Quới Hòa Đông, xã Quới Sơn, huyện Châu Thành trong một khuôn viên rộng hơn 1ha, tại ấp Quới Hòa Đông, xã Quới Sơn, huyện Châu Thành. Chùa được thành lập năm 1740. Đến chùa Hội Tôn, du khách sẽ bị thu hút bởi sự trang nghiêm, cổ kính và lạ lẫm. Tại chùa hiện còn lưu giữ nhiều Phật bảo có giá trị về nghệ thuật và niên đại lâu đời.

bến tre có gì?

Chùa Hội Tôn – Bến Tre

Đến nay, chùa đã trải qua 9 lần trùng tu, tôn tạo, lần đầu tiên vào năm 1786 dưới thời hòa thượng Long Thiền và lần trùng tu lớn lần thứ nhất dưới thời hòa thượng Khánh Hưng năm 1805. Trong lần trùng tu này, Hội Tôn cổ tự từ một thảo am có kiểu dáng hình tứ trụ, chuyển sang dạng chữ đinh (丁). Đến tháng 9 năm 2009, chùa được trùng tu, tôn tạo một lần nữa với kiểu dáng hoàn toàn khác trước đây. Hiện nay, chùa Hội Tôn là ngôi chùa được xây dựng theo phong cách kiến trúc hiện đại nhưng mang đậm những nét cổ xưa của một ngôi chùa truyền thống Nam bộ.

Đến chùa Hội Tôn, du khách phải bước qua một khoảng sân rộng để vào tòa chính điện. Trong khu hoa viên, du khách sẽ được đắm mình trong cảnh sắc thanh tịnh của chốn thiền môn với nhiều cây cổ thụ và hoa kiểng có hình dáng và màu sắc phong phú, đa dạng. Tại đây, du khách sẽ bắt gặp một cây dương đã ngoài 200 tuổi mà người ta cho rằng do vị hòa thượng trụ trì đời thứ 2 của Hội Tôn cổ tự là cụ tổ Khánh Hưng trồng lên.

Đặc biệt, tại đây được an trí miếu và nhiều tượng thờ thần Phật. Bên phải lối đi là miếu thờ Thủy thần, và giữa hai cây sala là tượng Phật nhập niết bàn, tượng Quán Thế Âm Bồ tát lộ thiên, tượng Thích ca Mâu ni, Bổn sư thành đạo, bên trái là miếu thờ Sơn thần và tượng Phật tọa thiền dưới cội bồ đề.

Bên trong chính điện, tượng Phật Thích Ca Mâu Ni, người có công khai sáng đạo từ bi, đang ngồi trên một tòa sen cao, xung quanh có ánh hào quang với vô số đức Phật và Bồ tát ẩn hiện. Hai bên thờ hai vị: Bồ tát Văn Thù được tạc bằng đá, cưỡi trên mình Thanh sư, tượng trưng cho trí tuệ của con người.

Điểm nhấn đặc biệt ở Hội Tôn cổ tự là lưu giữ nhiều cổ vật. Đại hồng chung (nặng hơn 100kg) do Hòa thượng Khánh Hưng, trụ trì đời thứ 2 đặt đúc bằng đồng tại Huế năm 1805, được xem là cổ vật quý. Cùng với đại hồng chung, bảo chung có niên đại muộn hơn (1887), cũng được đúc bằng đồng với các hoa văn hình con dơi, hoa sen, long mã, rồng, phượng và chữ xuân, hạ, thu, đông. Đặc biệt, Hội Tôn cổ tự có bức hoành phi “Hội Tôn Tự” (Hòa thượng Long Thiền tạo tác vào năm 1782), sơn son thiếp vàng, xung quanh chạm nổi mười con rồng uốn lượn thể hiện nhân sinh quan, vũ trụ quan của triết lý nhà Phật. Ngoài ra, chùa còn lưu giữ bộ in kinh bằng gỗ được tạo tác vào năm 1876. Bộ Thập điện Diêm vương được chế tác bằng đồng trong tư thế ngồi. Chum chứa nước bằng đất nung màu nâu đỏ…

bến tre có gì?

Chùa Hội Tôn – Bến Tre

Lưu dấu lịch sử, chùa Hội Tôn ngoài việc hoằng dương Phật pháp còn có nhiều đóng góp vào công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, các vị trụ trì chùa đã nhiều lần cùng đồng bào, phật tử quyên góp ủng hộ nghĩa quân tham gia cuộc khởi nghĩa do Thủ Khoa Huân lãnh đạo. Đặc biệt, trong cuộc khởi nghĩa Ba Châu (huyện Giồng Trôm) dưới ngọn cờ của Tán Kế – Lê Quan Quang, Hội Tôn cổ tự đã có 10 môn sinh tham gia và oanh liệt ngã xuống. Trong phong trào Chấn hưng Phật giáo ở Nam bộ, các vị hòa thượng trụ trì Hội Tôn cổ tự thuê người chạm khắc in kinh bằng gỗ, gửi kinh đến các chùa để cùng hưởng ứng phong trào.

Ngày nay, chùa Hội Tôn là nơi đặt văn phòng Ban đại diện Phật giáo huyện Châu Thành. Chùa đã tham gia tích cực các phong trào từ thiện xã hội của địa phương. Với bề dày lịch sử cùng những hiện vật quý có niên đại hàng trăm năm còn tồn tại đến ngày nay, chùa Hội Tôn xứng đáng là một ngôi cổ tự trên đất Quới Sơn cần được bảo tồn và gìn giữ.

Lăng mộ Nguyễn Đình Chiễu – Bến Tre

Tọa lạc tại ấp Giồng Cụt, xã An Đức, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre, Khu di tích lăng mộ Nguyễn Đình Chiểu từ lâu đã trở thành di sản, điểm đến tâm linh và là niềm tự hào của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Bến Tre với nhà thơ yêu nước, người thầy giáo mẫu mực, đức độ, người thầy thuốc có tâm, có tài.

bến tre có gì?

Lăng mộ Nguyễn Đình Chiễu – Bến Tre

Nhắc đến cụ Đồ Chiểu, người yêu văn thơ nhớ ngay đến một hiện tượng của văn học Việt Nam ở thế kỷ 19, một trong những người khai mở dòng văn học yêu nước, đồng thời đánh dấu bước phát triển quan trọng của văn hóa nói chung và văn học thành văn nói riêng ở Nam Kỳ lục tỉnh.

Nguyễn Đình Chiểu sinh ngày 1/7/1822, tại làng Tân Thới, huyện Bình Dương, tỉnh Gia Định) nay thuộc phường Cầu Kho, quận 1, TP.HCM. Ông thi đỗ tú tài năm 1843. Đến năm 1849 đang ở Huế chờ khoa thi Hội, được tin mẹ mất ông về chịu tang. Vì khóc thương mẹ nên 2 mắt bị mù. Sau đó ông mở trường dạy học, làm thuốc và sáng tác thơ văn.

Năm 1859 khi giặc Pháp chiếm thành Gia Định, Nguyễn Đình Chiểu về quê vợ ở Cần Giuộc, tỉnh Long An. Tại đây Nguyễn Đình Chiểu viết bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc nổi tiếng, thống thiết ca ngợi tinh thần anh dũng hy sinh vì Tổ quốc của những người nông dân bình thường.

Năm 1862, ông dời về ở làng An Đức, tổng Bảo An, tỉnh Vĩnh Long (nay là huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre). Tại đây, ông tiếp tục dạy học trò, bốc thuốc chữa bệnh cho dân, đồng thời vẫn giữ mối liên hệ chặt chẽ với những sĩ phu yêu nước. Tại đây trước mọi thủ đoạn mua chuộc ông vẫn cương quyết không hợp tác với giặc, tiếp tục dùng thơ văn làm vũ khí góp phần động viên cổ vũ nhân dân chống giặc. Ngày 24 tháng 5 năm Mậu Tý (tức ngày 3/7/1888), Nguyễn Đình Chiểu qua đời, nhân dân Ba Tri cùng với bạn bè, học trò, con cháu đến tiễn đưa ông rất đông.

Các tác phẩm nổi tiếng của ông là truyện thơ Lục Vân Tiên, Dương Từ – Hà Mậu, Ngư tiều y thuật vấn đáp, Văn tế Trương Định, … Quả thực, những tác phẩm của ông không chỉ ảnh hưởng sâu sắc và có sức sống mãnh liệt trong lòng nhân dân ở thời kỳ ấy mà còn lưu dấu cho tới tận bây giờ. Chính sự tài năng và ý chí vươn lên, ông đã trở thành một biểu tượng sáng ngời cho tinh thần yêu nước và nghĩa khí của người dân Nam Bộ nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung. Bằng ngòi bút sắc bén, những áng thơ văn của ông tố cáo tội ác của giặc Pháp, phê phán bọn vua quan bán nước cầu vinh, ca ngợi các cuộc khởi nghĩa của nghĩa quân, giữ vẹn tấm lòng yêu nước, thương dân.

Năm 1990, khu lăng mộ của ông đã được nhà nước công nhận là khu di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Năm 2017, Khu di tích này tiếp tục được Bộ VH-TT&DL cấp Bằng công nhận Khu di tích văn hóa, lịch sử cấp Quốc gia đặc biệt.

bến tre có gì?

Lăng mộ Nguyễn Đình Chiễu – Bến Tre

Đây là một quần thế kiến trúc bề thế tọa lạc trong khuôn viên có diện tích hơn 1,5ha, được trùng tu vào năm 2000, gồm cả khu lăng mộ cũ được xây dựng vào năm 1972.Công trình bao gồm: cổng tam quan, nhà bia, đền thờ mới, đền thờ cũ và khu mộ.

Cổng tam quan khu lăng mộ mang phong cách kiến trúc truyền thống của các đình chùa Việt Nam với hai mái chồng, hình thuyền, lợp ngói âm dương màu đỏ gạch giả cổ, trên nóc và những bao lam, xiên, xà có đắp hoa văn, phù điêu ước lệ với nét dựng chân phương. Cột trụ tam quan to, vững chãi, sơn màu đỏ son.

Nhà bia được xây dựng kiên cố cách đây không lâu với kiến trúc truyền thống, cao 12m, hai tầng mái. Tường ngoài trang trí hoa văn hoa lá cách điệu, tường trong đắp nổi tứ linh. Đỉnh mái đắp nổi biểu tượng bút lông. Giữa lòng nhà là tấm bia bằng đá có kích thước 2,65m x 2,7m x 1,8m. Mặt trước bia là bài văn ca ngợi công đức của Nguyễn Đình Chiểu và mặt sau tóm tắt tiểu sử của ông.

Đền thờ mới được xây dựng năm 2000 – 2002 theo mẫu kiến trúc trùng thiềm điệp ốc. Đền có chiều cao 21m, chất liệu bê – tông cốt thép nhưng mái là ngói âm dương và trang trí trên tường hoàn toàn là hoa văn truyền thống với những điểm nhấn thể hiện sự thanh cao, trong sáng của nhà thơ yêu nước.

Đền thờ có hai tầng. Tầng dưới là nơi trưng bày hình ảnh các vị lãnh đạo, đoàn khách quốc tế, nhân dân cả nước đến viếng và thắp hương. Tầng trên là chân dung nhà thơ, được đúc bằng đồng, cao 1,6m, nặng 1,2 tấn. Trên 4 cột trụ có 4 liễn áp cột bằng gỗ, chạm trổ hoa văn tinh xảo, trong đó có hai câu thơ của ông trong tác phẩm Dương Từ – Hà Mậu: “Chở bao nhiêu đạo thuyền không thẳm /Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”. Bên cạnh đó là đôi câu đối của nhân dân ca tụng ông: “Nhân nghĩa sáng ngời vầng nhật nguyệt/ Văn chương tỏ rạng ánh sao khuê.

Hai bên tượng thờ là hai mảng phù điêu, miêu tả hình ảnh Nguyễn Đình Chiểu đọc bài văn tế Lục tỉnh sĩ dân trận vong tại chợ Đập (Ba Tri) năm 1883 và hình ảnh trận đánh đầu tiên của người giáo làng Phan Ngọc Tòng lãnh đạo nghĩa quân với vũ khí thô sơ chiến đấu với Pháp ở Giồng Gạch (An Hiệp) khi chúng hành quân lấn chiếm vùng đất Ba Tri vào đêm 17-11-1868.

Đền thờ cũ được xây dựng năm 1972 với kiến trúc hai tầng mái, lợp ngói âm dương, với tổng diện tích 84m2. Bờ nóc đền thờ trang trí hoa văn rồng, mây cách điệu. Bên trong là ban thờ. Hai cột chính đắp nổi hai câu thơ như ở đền mới, trong tác phẩm Dương Tử – Hà Mậu.

Các công trình của khu di tích được bố trí hài hòa trong một không gian xanh với những khoảng sân vườn rộng trồng nhiều loại cây cảnh, đem lại cảm giác thư thái cho người thăm viếng.

Du lịch Bến Tre đến thăm khu lăng mộ Nguyển Đình Chiểu nghe kể lại những câu chuyện về cuộc đời, sự nghiệp và ngâm nga câu thơ của cụ Đồ Chiểu, không ít du khách lại có cảm giác bâng khuâng, tựa hồ nghe tiếng lòng nặng tình non nước của bậc tiền nhân tài đức ngàn xưa vọng về.

Hàng năm vào ngày 1.7, ngày sinh của cụ, đã trở thành ngày hội truyền thống văn hóa của người Bến Tre để tưởng nhớ nhà thơ yêu nước bậc nhất của Nam Bộ. Lễ hội với nhiều chương trình phong phú như: lễ dâng hương, đọc văn tế, nói thơ Vân Tiên, thi hóa trang Lục Vân Tiên – Kiều Nguyệt Nga, trích đoạn cải lương Lục Vân Tiên – Kiều Nguyệt Nga, thi mâm xôi ngày hội, mâm cơm ngày giỗ, kéo co, nhảy bao bố, đập niêu… Lễ hội là dịp để ôn lại truyền thống yêu nước của dân tộc cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau noi theo, học tập về sự nghiệp, những giá trị tư tưởng, nhân cách, đạo đức của nhà giáo, người thầy thuốc và nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu. Đây cũng là dịp để du khách đến vui chơi, giải trí, tìm hiểu văn hóa và bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến các bậc tiền nhân.

Biển Thạnh Phú – Bến Tre

Biển Thạnh Phú hay còn gọi là biển Cồn Bửng, một trong những bãi biển vẫn còn lưu giữ được nguyên nét hoang sơ vốn có, trở thành địa điểm du lịch Bến Tre hấp dẫn du khách gần xa. Với vẻ hoang sơ, yên tĩnh của khung cảnh thiên nhiên cộng thêm sự chan hòa, mến khách của người dân bản địa, Thạnh Phú mang đến cho du khách cảm giác thoải mái, yên lành.

bến tre có gì?

Biển Thạnh Phú – Bến Tre

Từ Bến Tre, du khách theo quốc lộ 57 để đến huyện Thạnh Phú. Từ trung tâm huyện Thạnh Phú, đi thêm trên 20km nữa là đến biển. Thạnh Phú là huyện cuối cùng của cù lao Minh và chỉ có xã Thạnh Hải, Thạnh Phong là có biển. Bờ biển nằm giữa hai cửa sông Hàm Luông và Cổ Chiên nên rất giàu phù sa bồi đắp. Phù sa lấn biển đến đâu, những cây đước, tràm, sú, vẹt mọc lên giữ đất, thành những cánh rừng ngập mặn ngút ngàn. Trong những năm tháng chiến tranh chống Mỹ, biển và rừng tràm Thạnh Phú là bến tàu không số mật danh A101.

Nơi đây là vùng biển phù sa pha lẫn cát, vì vậy biển Thạnh Phú không có làn nước trong xanh hay bờ cát trắng trải dài. Tuy nhiên, khi du lịch Bến Tre, đến đây bạn vẫn cảm nhận được những cơn gió mát lành, chạm vào những con sóng để tâm hồn thấy thư thái, an nhiên.

Biển Thạnh Phú có bờ biển dài khoảng 25 km là bãi biển công cộng hoàn toàn miễn phí, du khách chỉ cần phải trả phí các dịch vụ cá nhân như gửi xe, ăn uống, tắm rửa, mua sắm…

Khi thủy triều xuống, bãi biển Thạnh Phú lộ ra 3 hồ nước mà người ta thường gọi là hủng. Những hồ nước này do luồng xoáy của các dòng hải lưu tạo thành. Các hồ này thường rất bằng phẳng, sạch nên là nơi tắm biển lý tưởng của nhiều du khách. không sợ bị sóng biển cuốn. Đặc biệt, mỗi năm bãi biển Thạnh Phú đều thay đổi hình dạng khác nhau.

bến tre có gì?

Biển Thạnh Phú – Bến Tre

Điều thu hút nhiều du khách đến với biển Thạnh Phú đó chính là hải sản ở đây rất tươi và ngon mà giá lại rẻ nữa. Bạn có thể tìm thấy những món ăn hải sản như mực trứng, nghêu, cua, tôm, ba khía, cá bớp… tại bất cứ đâu tại các quán ăn ngay gần biển Thạnh Phú.

Ở ngoài khu vực bãi biển Thạnh Phú Bến Tre có bán các loại hải sản tươi sống của người dân đánh bắt trên biển có đóng thùng xốp và ướp đá. Tươi ngon nhất là khi bạn vừa mua buổi sáng sớm.

Buổi tối, khi biển phẳng lặng, du khách sẽ trải nghiệm cùng ngư dân đi bắt hải sản như chù ụ, còng gió, ba khía. Điều này giúp du khách hiểu thêm cuộc sống bình dị của người dân bản địa.

Vào tháng 10 và 11 âm lịch, du khách đến với biển Thạnh Phú sẽ tìm thấy những chú ốc viết đặc ruột, dài tầm ngón tay đấy. Khi những con sóng đánh mạnh lên bờ biển mang theo rất nhiều chú ốc viết. Và lúc nước rút thì một “Con đường ốc viết” hiện ra.

Đến Thạnh Phú, khách tham quan thường đến Lăng Ông Nam Hải. Tại lăng, du khách có thể chiêm ngưỡng hai bộ xương (1 bộ có chiều dài khoảng 20 mét và 1 bộ có chiều dài khoảng 25 mét) của hai cá Ông đã “lụy” tại bờ biển Thạnh Phú vào tháng 2 và tháng 4 năm 2004

Nếu bạn đến đúng vào dịp lễ hội Nghinh Ông xã Thạnh Hải tổ chức từ ngày 13 đến ngày 19 tháng Giêng hàng năm thì sẽ được tận mắt chứng kiến cảnh tấp nập người thắp hương cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, đánh bắt trúng mùa, gia đình hạnh phúc và làm ăn phát đạt. Ngoài việc vui chơi khám phá vẻ đẹp hoang sơ của biển Thạnh Phú, du khách còn được tham gia vào các hoạt động văn hóa, văn nghệ được tổ chức tại khu du lịch Thạnh Phú. Trong đó có các hoạt động như: múa lân, các trò chơi dân gian, thi mâm xôi, giao lưu đờn ca tài tử…

Nhà Thờ La Mã – Bến Tre

Nhà thờ La Mã Bến Tre là trung tâm hành hương lớn thứ 3 của giáo hội Việt Nam. Nơi đây là nơi tôn thờ bức ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp sau hơn 3 tháng nằm dưới kênh. Nhà thờ La Mã là điểm du lịch hành hương nổi tiếng được nhiều tín đồ công giáo cũng như du khách tứ xứ biết đến và thường xuyên ghé tới tham quan.

bến tre có gì?

Nhà Thờ La Mã – Bến Tre

Nhà thờ La Mã có địa chỉ ở xã Hương Nhượng, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Nhà thờ được Đức Giám Mục Phêrô Ngô Đình Thục thành lập năm 1951 để kính thờ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp đã làm phép lạ qua bức ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp tại họ La Mã, Bến Tre.

Từ thành phố Bến Tre du khách du khách đi theo hướng đông ra tỉnh lộ 885, đây là đường để đi xuống hai huyện Giồng Trôm và Ba Tri của Bến Tre. Đi đến thị trấn Giồng Trôm du khách đi thêm 5km là tới ngã ba Sơn Đốc. Từ ngã ba Sơn Đỗ du khách rẽ phải vào tỉnh lộ 887. Đi thêm khoảng 300m nữa thì rẽ trái vào chợ Sơn Đốc. Từ đây du khách đi thêm 2km nữa là tới nhà thờ La Mã.

Nhà thờ có nổi tiếng với “sự lạ La Mã” vô cùng kỳ bí và linh thiêng. Đó là câu chuyện về bức ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp hồi sinh sau 3 tháng nằm dưới kênh và bị thất lạc. Câu chuyện được người dân thuật lại tóm tắt như sau:

Trước đây nhà thờ La Mã từng có một khoảng thời gian loạn lạc do chiến tranh nên đã phải di tản từ Sơn Đốc xuống vùng Bầu Dơi, đây là một cánh đồng U Minh đầy sông rạch, quanh năm ngập lụt, khó khăn vô cùng. Trong quá trình di tản thì ông Nguyễn Văn Hạt một thành viên trong giáo họ đã đưa lại bức ảnh Đức Mẹ cho đứa con trai cất giữ. Nhưng rồi nhà con trai của ông cũng bị quân Pháp đánh chiếm và bức ảnh Mẹ Hằng cứu giúp bị thất lạc từ đó. Ba tháng sau thì một bà lão ở Cao Đài tên là Võ Thị Lường đang đi xúc cá ở đồng thì tìm thấy bức ảnh ở một con rạch. Lúc này bức ảnh đã mục nát, mất màu, chỉ toàn bùn, được anh Thành đưa về nhà cất giữ. Sau một thời gian, Bầu Dơi lại chìm trong khói lửa, loạn lạc thì bức ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp lại hiện hình khá rõ nét, xinh đẹp rạng ngời làm mọi người sửng sốt, tuy chỉ còn phần mũ là vẫn bị mất. Sau đó mọi người đồn tai nhau về bức ảnh lạ và người hành hương ở khắp nơi cũng kéo đến để chứng kiến rất đông và đem lòng tin thờ.

Cho đến nay, nhà thờ La Mã đã có lịch sử hơn nữa thế kỷ qua, bức ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp vẫn là biểu tượng thiêng liêng, tôn kính của nhà thờ.Hiện nay họ đạo La Mã Bến Tre đang được một Cha Dòng Chúa Cứu Thế trông coi. Hàng tuần ở nhà thờ đều tổ chức thánh lễ. Nếu các đoàn hành hương đến có báo trước cho Cha sẽ được Cha lo liệu thánh lễ. Thánh lễ được tổ chức vào các ngày chủ nhật, thứ 7 đầu tháng, ngày 13 trong tháng.

bến tre có gì?

Nhà Thờ La Mã – Bến Tre

Nhà thờ La Mã là một trong ba trung tâm hành hương của Việt Nam. Từ khi “chuyện lạ La Mã” được đồn tới tai người dân quanh đây, lượng du khách và tín đồ đổ về nhà thờ càng đông. Cho đến bây giờ, nhà thờ La Mã vẫn luôn thu hút được sự quan tâm lớn với các tín đồ và thu hút được nhiều khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan. Nhà thờ La Mã là một nơi linh thiêng được mọi người rất tôn kính và tin tưởng.

Kiến trúc và khuôn viên nhà thờ tuy không mấy bắt mắt nhưng nơi đây luôn tấp nập người người đến viếng, tham dự thánh lễ và tỏ lòng biết ơn đến Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Khi du lịch hành hương ở nhà thờ La Mã du khách sẽ có cơ hội được tận mắt thấy bức ảnh Đức Mẹ tôn nghiêm, linh thiêng. Bức ảnh tái hiện lại hình ảnh của Đức Mẹ xinh đẹp, sắc sảo, bên Chúa Hài Đồng, xung quanh là các thiên thần với các trang phục bắt mắt. Bức ảnh được xem như báu vật, linh hồn của nhà thờ La Mã. Có nhiều câu chuyện kể lại rằng, bức ảnh Của Đức Mẹ Hằng Cứu giúp đã giúp đỡ và ban ơn cho rất nhiều người kể cả lương lẫn giáo dân thoát qua nhiều hoạn nạn, bệnh tật. Tiếng lành đồn xa nên nơi đây được các tín đồ ở khắp mọi nơi tìm về nương nhờ và tạ ơn.

Chùa Vạn Phước – Bến Tre

Chùa Vạn Phước Bến Tre được xem là một trong những ngôi chùa lớn nhất tại tỉnh Bến Tre. Thời gian gần đây, ngôi chùa bề thế và có kiến trúc đẹp mắt này thu hút khá nhiều khách du lịch đến hành hương và tham quan.

bến tre có gì?

Chùa Vạn Phước – Bến Tre

Chùa Vạn Phước nằm tại ấp Bình Chiến, cách thị trấn Bình Đại, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre khoảng 2km trên đường ra khu du lịch biển Thừa Đức. Du khách đến đây sẽ được chiêm ngưỡng ngôi chùa có sắc vàng rực rỡ, nổi bật cả một vùng đồng bằng duyên hải Bình Đại.

Tổng quan kiến trúc chùa Vạn Phước Bến Tre bao gồm cổng Tam quan với cặp rồng vàng hai bên tả hữu. Ở giữa là tượng phật Di Lặc cao 12,45m. Bên trong chùa gồm có khu chánh điện, khu vực tượng Bồ tát Quán Thế Âm, khu vực tượng Đức Phật Thích Ca ngồi dưới gốc bồ đề. Phần khu nhà chính gồm có phòng làm việc, phòng khách, bảng công đức, bàn thờ Tổ quốc với bức chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh,…

Đặc biệt, chùa có bức tượng phật Di Lặc cao 12,45m, nặng khoảng 99 tấn do điêu khắc gia Thụy Lam tạo tác hoàn thành ngày 29/01/2010. Tất cả những kiến trúc trên được phối hợp với nhau tạo thành một tổng thể hài hòa với các khuôn viên trong sân chùa khiến du khách đã đến tham quan cảm thấy thú vị.

Chùa Vạn Phước Bến Tre có thể được ví như là Tinh xá Kỳ Viên của Đức Phật. Nếu Chùa Phật Quang Vũng Tàu nổi bật với khung cảnh thiên nhiên rộng lớn, hòa với kiến trúc chùa thì Chùa Vạn Phước lại gây ấn tượng với du khách vì độ bề thế và màu sắc nổi bật của các công trình mang tính nhân tạo. Cổng chùa và phần sân bên trong rất rộng và thoáng đãng. Các loại xe có thể dễ dàng chạy vào bên trong để gửi xe mà không bị tình trạng quá tải đến mức chen lấn dù lượng khách đến thăm viếng khá đông.

bến tre có gì?

Chùa Vạn Phước – Bến Tre

Bước vào cổng chùa là tượng đức Di Lặc Tôn Phật đầu tiên. Ngôi tượng rất lớn và được mạ vàng. Sau tượng Phật Di Lặc là nhà xe, sau nhà xe là chánh điện, trong chánh điện có Tượng của ba vị Phật giống nhau. Gần chính điện bên ngoài có tượng Phật Bổn Sư Thích Ca và tượng Phật A Di Đà, trên các vách tường bao quanh có khắc hình ảnh các vị La Hán trong hàng đại đệ tử xuất sắc của đức Phật.

Gần đó lại là một chính điện khác, trong đó thờ bồ tát Nghìn Tay Nghìn Mắt bên dưới và bên trên là tổ sư Đạt Ma. Xung quanh chính điện là các bức tranh miêu tả lại về cuộc đời của đức Phật. Không gian trong chính điện khiến tâm tĩnh lặng, bình an.

Phía sau có một hồ trồng súng khá rộng, sâu khoảng 1,5 m, có trồng súng nhưng không nhiều, có nhiều loại súng khác nhau, đền mùa hoa nở hoa rất đẹp, dưới hồ là cá La Hán đang bơi lội giữa hồ là một đường đi có che mái bằng ngói, trong hồ có tượng hai vị bồ tát là Quan Thế Âm và Đại Thế Chí, đi sâu vào bên trong đó là tượng Phật A Di Đà. Nơi đây giống như đang ở thiên đường, một thế giới khác ngoài đời thật, một nơi có thể giúp tâm hồn được tĩnh lặng, thoải mái, một nơi mà người ta hay gọi đó là miền Cực Lạc.

Phía sau hồ là một dãy nhà mới xây, là nơi ở cho các tăng ni Phật tử từ xa ở qua đêm. Phía trước là một con kênh tự nhiên ngăn cách giữa nơi ở và nơi thờ cúng các vị thánh, sau dãy nhà nữa là vườn trái cây rất rộng lớn, và sau vườn trái cây đó nữa là một dòng sông.

Chùa Vạn Phước Bến Tre quả thực là một địa điểm du lịch tâm linh để Phật tử ghé thăm, hành hương và tưởng nhớ về các vị Bồ Tát, các vị thanh văn A La Hán, các vị Phật.

Nếu có dịp về du lịch Bến Tre – vùng đất xứ dừa đừng quên ghé thăm chùa Vạn Phước tìm về vùng bình an, xanh mát, chiêm bái ngôi chùa tuyệt đẹp và thưởng thức những món chay ngon miệng đẹp mắt ở đây nhé.

Bến Tre vùng đất “cây lành trái ngọt” mang đậm văn hóa sông nước miệt đặc trưng của xứ sở ba dãy cù lao, để rồi như có một sức hút kì lạ luôn níu chân biết bao du khách thập phương, đến và nhớ mãi không muốn rời xa. Bến Tre có gì? Hi vọng bài viết sẽ giúp cho du khách có chuyến tham quan, khám phá trọn vẹn vẻ đẹp của miền đất này.

Đăng bởi: Dâu Tây

YOLO! Khám phá các huyện ở Bến Tre

ALONGWALKER Singapore: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Philippines: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Indonesia: Saluran untuk mengeksplorasi pengalaman para pemuda global ALONGWALKER Malaysia: Saluran untuk menjelajahi pengalaman global belia ALONGWALKER Japan: 発見・体験、日本旅行に関する記事 ALONGWALKER Thailand: ช่องทางในการสำรวจประสบการณ์ของเยาวชนระดับโลก