Bến Tre Lễ Hội

Bến Tre có lễ hội gì?

Đối với người dân Bến Tre, lễ hội là một phần không thể thiếu trong đời sống vật chất và tinh thần của con người, nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa bản địa, ghi nhớ công ơn của các bậc hiền nhân; đồng thời đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa cộng đồng của cư dân, góp phần không nhỏ vào việc hình thành nhân cách, phẩm chất, phong tục tập quán của người dân qua từng thế hệ. Bến Tre có lễ hội gì? Nếu bạn đang có dự định du lịch Bến Tre thì hãy xem bài viết dưới đây để không bỏ lỡ những lễ hội đặc sắc tại nơi này nhé.

Lễ hội truyền thống văn hóa – Bến Tre

Đây là lễ hội văn hóa của tỉnh Bến Tre; nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu sinh ngày 01 tháng 7 năm 1822. Hằng năm tỉnh Bến Tre lấy ngày 01 tháng 7 làm ngày văn hóa Bến Tre nhằm kỷ niệm ngày sinh của cụ. Lễ hội được tổ chức tại Di tích quốc gia đặc biệt “Mộ và Khu lưu niệm Nguyễn Đình Chiểu” (xã An Đức, huyện Ba Tri) nhằm để kỷ niệm tưởng nhớ ngày sinh Cụ Đồ.

bến tre có lễ hội gì?

Lễ hội truyền thống văn hóa – Bến Tre

Tuy cụ Nguyễn Đình Chiểu không sinh ra tại Bến Tre nhưng ông đã dành phần lớn cuộc đời để sống và lao động nghệ thuật tại vùng đất này. Ông vừa là nhà giáo, nhà thuốc, nhà thơ lớn của nhân loại; với nhiều tác phẩm thơ ca yêu nước đặc sắc của Cụ Đồ Chiểu đã ảnh hưởng sâu rộng đối với các tầng lớp nhân dân yêu nước thời bấy giờ và cả thế hệ hôm nay.

Phần lễ được tổ chức long trọng với nghi thức cúng theo lễ truyền thống, lễ dâng hương và viếng Khu mộ nhà thơ, phần hội với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ như tổ chức hội thi đờn ca tài tử, hội thi nấu ăn, tổ chức bốc thuốc nam, trích đoạn cải lương hóa thân thành Lục Vân Tiên – Kiều Nguyệt Nga (nhân vật trong tác phẩm Lục Vân Tiên nổi tiếng của nhà thơ), biểu diễn trống hội, các hoạt động thể thao với các loại hình truyền thống như biểu diễn võ thuật…thu hút đông đảo người dân và du khách đến tham dự.

Lễ hội truyền thống cách mạng – Bến Tre

Đây là một lễ hội nhằm kỷ niệm ngày chiến tích lẫy lừng của người dân Bến Tre vào thập niên 60 của thế kỷ XX. Sự kiện Đồng Khởi ngày 17 tháng 01 năm 1960 được tổ chức hằng năm tại Khu di tích Đồng Khởi vào ngày 17 tháng 01 (xã Định Thủy, huyện Mỏ Cày Nam). Lễ hội là dịp để ôn lại trang lịch sử hào hùng của dân tộc, chiến thắng vẻ vang của phong trào Đồng Khởi mang ý nghĩa lớn trong đấu tranh giải phóng dân tộc; là tấm gương sáng để thế hệ mai sau ra sức học tập và gìn giữ quê hương.

bến tre có lễ hội gì?

Lễ hội truyền thống cách mạng – Bến Tre

Lễ hội nhằm ôn lại truyền thống cách mạng của “Đội quân tóc dài” với lực lượng đông đảo là phụ nữ, đã khẳng định những giá trị lịch sử và vai trò của nữ thanh niên xung phong, những mẹ Việt Nam anh hùng, những người đã đóng góp không nhỏ trong công cuộc thống nhất đất nước.

Ngày nay, lễ kỷ niệm đã được tổ chức quy mô, với sân khấu lớn, nhiều hoạt động phong phú liên quan đến những ca khúc bất diệt trong hình ảnh ngọn đuốc cháy rực sáng tỏa khí thế hào hùng của ngày Đồng Khởi năm xưa. Nay nơi đây được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt đã thu hút nhiều du khách, học sinh, sinh viên đến tìm hiểu.

Lễ hội Dừa (Festival Dừa) – Bến Tre

Là lễ hội và sự kiện văn hóa đặc biệt của tỉnh được tổ chức tại thành phố Bến Tre với qui mô mang tầm quốc gia; nhằm tôn vinh giá trị của cây dừa, sản phẩm từ dừa và những cá nhân hoạt động kinh tế – xã hội gắn liền với cây dừa, đặc biệt là nghệ nhân, người nông dân đã gắn bó với cây dừa – loại cây gắn với người dân Bến Tre qua bao thế hệ.

bến tre có lễ hội gì?

Lễ hội Dừa (Festival Dừa) – Bến Tre

Lễ hội có các hoạt động như: Vui hội Làng Dừa tại các địa phương trong tỉnh; Triển lãm sản phẩm dừa, hội chợ thương mại, hội thảo về chuỗi giá trị cây dừa, các tour du lịch “Trải nghiệm sông nước miệt vườn Xứ Dừa”, kết hợp quảng bá tour, tuyến nhằm xúc tiến thương mại, du lịch….

Ngoài ra, trong khuôn khổ Lễ hội Dừa còn có các hoạt động mang nét truyền thống, giới thiệu hình ảnh đất và người Bến Tre như: liên hoan ẩm thực, trình diễn thời trang dừa, ngày hội áo bà ba…

Bến Tre đã tổ chức Lễ hội Dừa 9 lần cấp tỉnh và 5 lần cấp quốc gia, ngày càng khẳng định được sức ảnh hưởng, thu hút sự tham gia của hàng nghìn lượt du khách trong và ngoài nước, đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, phát huy nét đẹp du lịch của địa phương.

Lễ hội cây trái ngon, an toàn – Bến Tre

Lễ hội trái cây ngon, an toàn là lễ hội thường niên diễn ra vào ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch (Tết Đoan Ngọ), tại huyện Chợ Lách, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan. Mục đích tổ chức lễ hội nhằm để triễn lãm, giới thiệu các loại cây trái, cây giống, hoa kiểng và tôn vinh những nghệ nhân, nông dân tiêu biểu của vùng đất thiên phú này.

bến tre có lễ hội gì?

Lễ hội cây trái ngon, an toàn – Bến Tre

Sự kiện này còn là diễn đàn để các cơ sở, hộ kinh doanh miệt vườn, các chuyên gia cùng bà con nông dân có cơ hội giao lưu, chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm để phát triển theo xu hướng hiện đại với nông sản sạch, hữu cơ, an toàn và thích ứng với biến đổi khí hậu, phù hợp với nhu cầu và thị hiếu của người dân.

Bên cạnh đó, lễ hội cũng là lời mời gọi thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh hợp tác về nông nghiệp, mô hình liên kết phát triển sản xuất các sản phẩm đặc trưng của địa phương, nhằm phát triển du lịch của tỉnh. Hiện huyện Chợ Lách đang phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh và các sở ban ngành tỉnh thực hiện đề án Làng Văn hóa du lịch nhằm góp phần đưa du lịch huyện Chợ Lách phát triển đúng theo tiềm năng hiện có và đưa sản phẩm du lịch đặc thù Bến Tre tạo sự khác biệt trong vùng Đồng bằng Sông Cửu Long.

Lễ hội nghinh Ông – Bến Tre

Là lễ hội truyền thống của ngư dân làm nghề biển có tục thờ cá voi (cá Ông) với mong muốn bày tỏ lòng biết ơn đến sinh vật linh thiêng nầy, hy vọng cho vị thần luôn cứu giúp lúc gặp nguy hiểm, giúp sóng yên biển lặng, đánh bắt bội thu. Lễ hội được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, là niềm tự hào lớn đối với người dân Bến Tre; đặc biết là ngư dân vùng biển.

bến tre có lễ hội gì?

Lễ hội nghinh Ông – Bến Tre

Trên địa bàn tỉnh Bến Tre có tất cả 12 lăng thờ Ông. Lễ hội không tổ chức một thời điểm mà rải rác ở các tháng 2, 4, 6, 8 (âm lịch) tại nơi thờ tự ở các huyện ven biển Ba Tri, Thạnh Phú và Bình Đại, trong đó lễ hội nghinh Ông ở Bình Thắng, huyện Bình Đại được tổ chức vào hai ngày 15 và 16-6 (âm lịch) là lớn hơn cả về quy mô và không gian lễ hội.

Xã Bình Thắng trước kia có tên là làng Bình Châu, nơi tụ họp nhiều ngư dân đánh cá không chỉ ở tỉnh Bến Tre mà có cả người Gò Công, Trà Vinh về đây lập nghiệp. Lăng Ông Nam Hải nằm ngay trong làng chài được xây dựng và khánh thành vào ngày 19 tháng 7 năm năm 1951 với lối kiến trúc 3 gian liền nhau theo kiểu ” sắp đọi”, mặt quay hướng Đông. Lễ hội gồm ba phần: lễ túc yết; lễ nghinh ông, tế tiền hiền và hậu hiền, lễ chánh tế; và xây chầu đại bội. Trong đó nghi thức nghinh Ông và Chánh tế là quan trọng nhất và được nhiều người tham gia hơn cả.

Lễ hội Nghinh Ông là dịp để người dân làm nghề biển tỏ lòng kính trọng và biết ơn đối với một sinh vật linh thiêng mà còn gởi gắm vào đó cả niềm tin và hy vọng ở một vị thần hộ mạng sẵn sàng cứu giúp họ trong cơn hoạn nạn, đồng thời đây là dịp để họ thư giãn, lấy lại thăng bằng tâm linh sau những ngày lao động vất vả trên biển khơi đầy sóng gió, nguy hiểm. Giờ đây Nghinh Ông không chỉ là lễ hội riêng của những người làm nghề hạ bạc ở Bình Thắng mà nó còn thu hút nhiều người, nhiều thành phần trong xã hội ở nhiều địa phương của tỉnh và ngoài tỉnh đến tham dự. Có thể xem đây là lễ hội mang tính nghề nghiệp đặc trưng được tổ chức chu đáo, hấp dẫn, có sức lan toả rộng, đã làm phong phú thêm các hoạt động lễ hội ở Bến Tre.

Lễ hội Kỳ Yên – Bến Tre

Đã có từ rất lâu trong việc lễ thờ thần của người Việt nhằm để tạ ơn Thành Hoàng và các bậc tiền hiền khai khẩn, hậu hiền khai cơ, “Kỳ Yên” có nghĩa là cầu quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Toàn tỉnh Bến Tre có trên 100 ngôi Đình phân bổ ở khắp các huyện; một số huyện trồng lúa với số lượng lớn như: Giồng Trôm, Ba Tri, Thạnh Phú.

bến tre có lễ hội gì?

Lễ hội Kỳ Yên – Bến Tre

Đây là lễ hội của cư dân nông nghiệp được tổ chức hai lần trong năm vào dịp thượng điền (trung tuần tháng 11, tháng 12 âm lịch) và hạ điền (trung tuần các tháng 3, tháng 4, tháng 5 âm lịch). Lễ hội này thường diễn ra trong 3 ngày; ngày đầu tiên diễn ra lễ Túc Yết và lễ Tiền Vãng (hai lễ này dùng để cúng các vị tiền hiền, hậu hiền và những người có công với đất nước), lễ Chánh Tế (cúng Thành Hoàng Bổn Cảnh), xây chầu đại bội. Tại đa số Đình làng thờ thần đều được vua sắc phong thì có lễ mở sắc thần, tổ chức vào giữa đêm thứ nhất để tưởng nhớ công lao khai cơ lập nghiệp của các bậc tiền nhân xưa.

Lễ hội này là nhu cầu tâm linh của cư dân nông nghiệp lúa nước, là nét đẹp văn hóa từ thời khai hoang mở cõi; dịp để người dân trong làng có dịp bày tỏ lòng tôn kính đến các vị tiền nhân, đồng thời người dân có thể họp mặt, vui chơi giải trí sau những ngày đồng áng. Đây là những lễ hội đặc biệt và độc đáo tại Xứ dừa, góp phần không nhỏ trong việc giới thiệu nét văn hóa truyền thống, hình ảnh đất và người Bến Tre thân thiện và hiếu khách

Sau bài viết này bạn đã nắm được Bến Tre có lễ hội gìrồi chứ? Các lễ hội này thể hiện nét văn hóa đặc sắc của người dân nơi đây, đồng thời cũng là cách để chính quyền Bến Tre phát triển nền du lịch địa phương. Chúc các bạn có những chuyến du lịch trải nghiệm Bến Tre thật thú vị nhé.

Đăng bởi: Võ Hoàng Khả Nghi

YOLO! Khám phá các huyện ở Bến Tre

ALONGWALKER Singapore: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Philippines: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Indonesia: Saluran untuk mengeksplorasi pengalaman para pemuda global ALONGWALKER Malaysia: Saluran untuk menjelajahi pengalaman global belia ALONGWALKER Japan: 発見・体験、日本旅行に関する記事 ALONGWALKER Thailand: ช่องทางในการสำรวจประสบการณ์ของเยาวชนระดับโลก