Chùa Ninh Bình

Bỏ túi ngay kinh nghiệm tham quan Chùa Bái Đính Ninh Bình từ A-Z

Nhắc tới các địa điểm du lịch Ninh Bình nổi tiếng, không thể nào bỏ qua chùa Bái Đính. Nổi bật với phong cách kiến trúc độc đáo, chùa Bái Đính còn gây ấn tượng là ngôi chùa với nhiều “cái nhất” tại Việt Nam cũng như khu vực.

Chùa Bái Đính nằm trên địa bàn xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn, Ninh Bình. Không chỉ là danh thắng tâm linh nổi tiếng nằm trong quần thể khu du lịch sinh thái Tràng An, chùa Bái Đính còn có bề dày trên 1.000 năm tuổi. Nơi đây gắn với lịch sử của vùng đất Ninh Bình từ triều đại nhà Đinh Nhà tiền lê và nhà Lý. Trở thành một địa danh tiêu biểu cho kiến trúc chùa Việt Nam với nhiều biểu tượng quen thuộc như như mái cong hình đầu đao, mái ngói mũi hài, các bậc đá trang trí kiểu rồng thời Lý…

Thời tiết

Du khách có thể ghé thăm chùa Bái Đính mọi thời điểm trong năm. Tuy nhiên, thời gian đẹp nhất để du ngoạn Bái Đính vẫn là vào mùa xuân, độ tháng 1 đến tháng 3 Âm lịch. Đây là thời điểm tiết trời ấm áp, chưa quá nóng, cũng không còn quá lạnh, vô cùng thuận lợi cho du xuân, vãn cảnh và cầu may trong năm mới.

Đồng thời, đây cũng là khoảng thời gian diễn ra lễ hội chùa Bái Đính và nhiều lễ hội địa phương khác tại vùng đất Tràng An – Ninh Bình. Bạn có thể kết hợp một ngày du xuân Bái Đính trong chuyến đi Tam Cốc, Tràng An để khám và tận hưởng Ninh Bình thêm trọn vẹn.

bỏ túi ngay kinh nghiệm tham quan chùa bái đính ninh bình từ a-z

Du khách có thể ghé thăm chùa Bái Đính bất cứ lúc nào trong năm. Ảnh:chuabaidinhninhbinh.vn

Phương tiện đi lại

Ninh Bình nằm ngay trên trục quốc lộ 1A, vô cùng thuận tiện di chuyển cả bằng đường bộ hay đường sắt. Từ trung tâm Ninh Bình, bạn đi tiếp khoảng 20km là tới chùa Bái Đính. Sau đây là 3 cách thức phổ biến để bạn di chuyển đến Ninh Bình.

Đi xe khách: Từ Hà Nội, bạn có thể bắt xe khách Hà Nội- Ninh Bình tại bến xe Mỹ Đình hoặc Giáp Bát với giá vé chỉ từ 70.000 – 80.000 VNĐ/chuyến. Sau khi tới thành phố Ninh Bình, bạn đón xe bus hoặc đi taxi để tới Bái Đính.

Đi bằng tàu hỏa

Tại Ninh Bình bạn có thể xuống ở ga Ninh Bình và từ ga di chuyển bằng xe bus hoặc taxi để tới Bái Đính. Giá vé tàu dao động từ 124.000 – 219.000 VNĐ/người/lượt.

Sau đây là lịch trình một số chuyến tàu Hà Nội – Ninh Bình:

  • Tàu SE7(6h00) tới Ninh Bình (8h14)
  • Tàu SE5 (9h00) tới Ninh Bình (11h17)
  • Tàu SE9 (14h30) tới Ninh Bình (17h30)
  • Tàu SE3 (19h30) tới Ninh Bình (21h44)
  • Tàu SE19 (20h10) tới Ninh Bình (22h22)

Đi bằng phương tiện cá nhân: Đây là hình thức di chuyển đơn giản và hiệu quả nhất. Với cách này, bạn đi theo quốc lộ 1A, hướng Pháp Vân – Cầu Giẽ để di chuyển tới thành phố Ninh Bình. Thời gian di chuyển chỉ khoảng 1 giờ đồng hồ. Sau đó từ thành phố đi theo chỉ dẫn để tới Bái Đính.

Chùa Bái Đính có khuôn viên tương đối rộng, bạn có thể lựa chọn đi bộ để tận hưởng chậm rãi tham quan vãn cảnh chùa hoặc lựa chọn thuê xe điện để di chuyển được nhiều địa điểm hơn. Giá vé xe điện là 30.000 VNĐ/người/lượt, vé khứ hồi là 60.000 VNĐ/người.

Các điểm du lịch nổi tiếng

Chùa Bái Đính gồm 2 khu vực là chùa Bái Đính cổ (khoảng 27ha) và chùa Bái Đính mới (khoảng 80ha) với nhiều công trình kiến trúc cổ và hiện đại mang đậm dấu ấn Phật giáo Việt Nam.

Tham quan chùa Bái Đính cổ

Chùa Bái Đính cổ được xây dựng bởi thiền sư Nguyễn Minh không cách đây hơn 1000 năm vào thời Lý. Chùa cổ tọa lạc hoàn toàn trên núi Đính thuộc xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn. Ngày nay, khu vực chùa cổ còn lại các di tích như hang Sáng – động Tối, đền thờ Thánh Nguyễn, đền thờ thần Cao Sơn, giếng Ngọc…

bỏ túi ngay kinh nghiệm tham quan chùa bái đính ninh bình từ a-z

Chùa Bái Đính cổ được xây dựng từ cách đây hơn 1000 năm dưới triều Lý. Ảnh: disantrangan.vn

Đền thờ Thánh Nguyễn

Nơi đây chính là đền thờ Quốc sư Nguyễn Minh Không – người được suy tôn là Thánh Nguyễn. Ngài không chỉ là một thiền sư nổi tiếng, một vị danh y từng giữ vị trí Quốc sư dưới thời Vua Lý Thần Tông mà còn được nhân dân suy tôn là tổ sư nghề đúc đồng.

Đến thăm đền thờ Thánh Nguyễn, du khách không chỉ ôn lại về một nhân vật lịch sử mà còn được chiêm ngưỡng những kiến trúc điêu khắc đặc trưng của nghệ thuật kiến trúc dân gian giai đoạn thế kỷ XVI – XVII của những nghệ nhân Ninh Bình.

Hang Sáng, Động Tối

Trong hành trình vượt qua 300 bậc thang lên cổng Tam quan của chùa Bái Đính cổ, du khách sẽ thấy hai ngã ba bên cạnh dốc đó là đường dẫn đến hang Sáng và động Tối.

Hang Sáng là nơi thờ thần và Phật. Trong hang có đủ ánh sáng tự nhiên nên có tên gọi Hang Sáng. Phía bên kia hang Sáng là động Tối. Đúng như tên gọi, trong động không có ánh sáng tự nhiên. Ngày nay, người ta thiết kế hệ thống đèn phục vụ du khách tham quan. Từ trần động, những mảng thạch nhũ rỏ xuống theo những mạch nước ngầm tạo nên cảnh tượng vô cùng kỳ thú. Lối vào động trang trí bằng những hình rồng uốn lượn đẹp mắt. Chính giữa động có giếng nước tự nhiên, nơi đây đặt tượng thờ Mẫu và các vị Tiên.

bỏ túi ngay kinh nghiệm tham quan chùa bái đính ninh bình từ a-z

Động Tối – nơi đặt tượng thờ Mẫu và các vị Tiên. Ảnh: Youtube Thánh Khờ

Giếng Ngọc

Giếng ngọc nằm ngay gần chân núi Bái Đính, được ghi nhận là kỷ lục là giếng lớn nhất Việt Nam. Đứng từ xa, giếng ngọc như viên ngọc bích nổi bật giữa những cây cối xanh mướt bao quanh. Nước giếng từ xưa đến nay chưa bao giờ cạn, nước trong vắt, thường được dùng làm nước cúng lễ tại chùa.

Đền thờ thần Cao Sơn

Đi hết hang Sáng, bạn sẽ thấy một lối đi xuống sườn thung lũng, dẫn đến đền Cao Sơn, thờ vị thần cai quản vùng núi Vũ Lâm. Theo truyền thuyết, Đinh Bộ Lĩnh khi còn nhỏ từng được đưa vào sống trong núi ở cạnh đền. Sau này, khi lên ngôi ông cho xây dựng ba ngôi đền trấn giữ cửa ngõ của cố đô Hoa Lư là đền thờ thần Cao Sơn; đền thờ thần Thiên Tôn và đền thờ thần Quý Minh.

Chùa Bái Đính mới

Chùa Bái Đính mới được xây dựng mở rộng từ 2003 với diện tích rộng tới hơn 80ha với nhiều công trình như: tháp chuông, hành lang La Hán, tượng Phật Di Đà, …

bỏ túi ngay kinh nghiệm tham quan chùa bái đính ninh bình từ a-z

Toàn cảnh chùa Bái Đính mới. Ảnh:chuabaidinhninhbinh.vn

Hành lang La Hán

Một trong những điểm khám phá không thể bỏ lỡ khi tham quan chùa Bái Đính chính là hành lang La Hán với 234 gian nối liền với hai đầu Tam Quan. Hành lang dài tới 1052m với 500 bức tượng La Hán được các nghệ nhân làng đá Ninh Vân chế tác từ đá xanh nguyên khối. Mỗi bức tượng La Hán có một dáng vẻ, tư thế khác nhau, biểu thị cho những thăng trầm, hỉ nộ ái ố của nhân sinh nơi trần thế. Tính đến hiện tại, đây vẫn là hành lang La Hán dài nhất Châu Á được ghi nhận.

bỏ túi ngay kinh nghiệm tham quan chùa bái đính ninh bình từ a-z

Hành lang La Hán dài nhất châu Á tại chùa Bái Đính. Ảnh: VnExpress

Tháp Chuông

Tháp Chuông là một trong những công trình nổi tiếng của chùa Bái Đính. Tháp hình bát giác được xây dựng theo lối kiến trúc mô phỏng lại các tháp chuông cổ xưa với kết cấu cốt thép giả gỗ. Bên trong tháp chuông là quả chuông đồng nặng 36 tấn với nhiều họa tiết trang trí vô cùng sinh động, được xác nhận kỷ lục là “Đại hồng chung lớn nhất Việt Nam”.

Tháp Xá lợi Phật

Sau khi đi bộ hết hành lang La Hán, nằm ở phía Tây của điện Tam Thế, du khách sẽ quan sát thấy tòa bảo tháp cao tới 13 tầng nổi bật giữa khuôn viên chùa. Đây là nơi lưu giữ xá lợi Phật được mang về từ Ấn Độ và Myanmar.

bỏ túi ngay kinh nghiệm tham quan chùa bái đính ninh bình từ a-z

Tháp xá lợi Phật. Ảnh: baophapluat.vn

Điện Pháp chủ

Điện Pháp chủ là nơi thờ Phật tổ, được xây dựng vô cùng hoành tráng. Đây là một trong những công trình đồ sộ có tổng diện tích lên tới 1.945m2 với 2 tầng mái cong, 8 mái bốn phía cùng một hàng cổ lâu nâng độ cao và lấy sáng. Chỉ riêng bờ đao cao tới 1m3, mái đao cao 2m6, mặt nguyệt ở đỉnh mái cao tới 4m4, đầu kìm cao 3m3.

Điện Quan Âm

Điện thờ Quan Âm gồm 7 gian, làm hoàn toàn bằng gỗ tứ thiết. Chính giữa đặt tượng Quan Âm Chuẩn Đề nghìn mắt nghìn tay đúc bằng đồng nặng tới 80 tấn. Pho tượng được Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam xác nhận là “Tượng Quan Thế Âm Bồ Tát bằng đồng lớn nhất Việt Nam”.

bỏ túi ngay kinh nghiệm tham quan chùa bái đính ninh bình từ a-z

Tượng Quan Âm Chuẩn Đề tại chùa Bái Đính. Ảnh: VnExpress

Ghé thăm chùa Bái Đính, du khách có thể lưu trú tại các resort và khách sạn như: Khách sạn Bái Đính, Ninh Binh Eco Garden, Ninh Binh Family Homestay, Ninh Binh Mountain Views Homestay, Bai Dinh Riverside Resort & Spa,… Và sau khi tham quan vãn cảnh chùa, hãy dừng chân thưởng thức cơm chay hoặc những đặc sản mang đậm nét Ninh Bình như cơm cháy, ốc núi, thịt dê, miến lươn… Sau đây, Migo xin gợi ý một vài địa điểm là những nơi có ẩm thực ngon, vừa túi tiền được nhiều du khách truyền tai:

  • Nhà hàng Thăng Long: Tràng An, Thôn Chi Phong, Trường Yên, h.Hoa Lư, Ninh Bình
  • Nhà hàng Đức Dê: 29 Đoàn Kết, p. Ninh Phong hoặc đường vành đai, phố An Hòa, p. Ninh Phong, tp. Ninh Bình
  • Nhà hàng Hoàng Giang: Núi Hang Cá, Trường Yên, h.Hoa Lư, Ninh Bình
  • Nhà hàng Đất Sét: gần Nhà thi đấu tỉnh Ninh Bình, phố 11, p.Đông Thành, tp.Ninh Bình
  • Miến lươn Bà Phấn: 995, 997, 999 Trần Hưng Đạo, tp. Ninh Bình.

bỏ túi ngay kinh nghiệm tham quan chùa bái đính ninh bình từ a-z

Khách sạn Bái Đính Ninh Bình. Ảnh: agoda

Là một trong những điểm du lịch tâm linh, khi tham quan Bái Đính, bạn cần lưu ý các điểm sau:

  • Mặc trang phục kín đáo, áo có cổ, quần dài, không mặc váy ngắn hay những trang phục hở hang khi tham quan chùa
  • Nên đi giày thể thao để tránh đau chân trong suốt hành trình
  • Không nên mua đồ lưu niệm trong khuôn viên chùa
  • Không ăn uống, xả rác bừa bãi trong khuôn viên chùa gây mất mỹ quan. 
  • Có thể mang theo tiền lẻ để cầu may mắn cho bản thân, bạn bè, gia đình
  • Mang theo ô che nắng, mũ nón. Nếu đi vào ngày đầu xuân có thể gặp mưa phùn, bạn nên mang theo ô.
  • Để tiền quyên góp vào đúng những vị trí quy định như thùng tiền quyên góp, không đặt lên tượng Phật, tránh làm mất mỹ quan. 

bỏ túi ngay kinh nghiệm tham quan chùa bái đính ninh bình từ a-z

Lưu ý, khi tham quan chùa Bái Đính, chiêm bái tượng Phật nên ăn mặc lịch sự, kín đáo. Ảnh: laodong.vn

Trên đây, Migo đã giới thiệu tới bạn kinh nghiệm tham quan chùa Bái Đính Ninh Bình. Hi vọng những thông tin này sẽ giúp bạn chuẩn bị hành trang tốt hơn và có một chuyến đi trọn vẹn. Đừng quên theo dõi Migo thường xuyên để cập nhật các thông tin du lịch mới nhất và chia sẻ với chúng mình về trải nghiệm điểm đến của bạn bên dưới bình luận nhé.

Đăng bởi: Huỳnh Thị Cẩm Tú

YOLO! Khám phá các huyện ở Ninh Bình

ALONGWALKER Singapore: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Philippines: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Indonesia: Saluran untuk mengeksplorasi pengalaman para pemuda global ALONGWALKER Malaysia: Saluran untuk menjelajahi pengalaman global belia ALONGWALKER Japan: 発見・体験、日本旅行に関する記事 ALONGWALKER Thailand: ช่องทางในการสำรวจประสบการณ์ของเยาวชนระดับโลก