Chùa Ninh Bình

Chùa Bái Đính - biểu tượng tâm linh của du lịch Ninh Bình.

Đến chùa Bái Đính, du khách sẽ tìm thấy sự an yên, khoảng lặng tâm hồn và ngây ngất trước quần thể kiến trúc đồ sộ, vẻ đẹp tinh tế, cùng cảnh quan tuyệt mỹ.

chùa bái đính - biểu tượng tâm linh của du lịch ninh bình.
FB. Chùa Bái Đính

Chùa Bái Đính ở đâu

Là một địa danh vô cùng nổi tiếng nên rất dễ dàng cho du khách tìm hiểu qua nhiều nguồn thông tin để biết “Chùa Bái Đính ở tỉnh nào”.

Chùa Bái Đính nằm trong quần thể danh thắng Tràng An thuộc địa phận núi Bái Đính, xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình, cách Hà Nội một quãng đường dài khoảng 100km và 12km tính từ thành phố Ninh Bình.

Ngôi chùa có diện tích lên tới 539 ha. Trong đó bao gồm 27 ha khu chùa Bái Đính cổ và 80ha khu chùa Bái Đính mới.

Nên đi chùa Bái Đính Ninh Bình vào thời điểm nào

Bạn có thể đến tham quan, vãn cảnh chùa Bái Đính vào mọi thời điểm trong năm. Theo truyền thống, mọi người thường thích đi chùa lễ bái vào những tháng đầu năm nên khi đó, lượng du khách đổ về chùa Bái Đính khá đông đúc. Do vậy, nếu bạn muốn thảnh thơi ngắm cảnh, thưởng thức không gian, kiến trúc của chùa thì có thể lựa chọn thời điểm khác để đỡ cảnh chen chúc.

Đặc biệt, khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 3 âm lịch, lễ hội chùa Bái Đính được tổ chức, thu hút rất nhiều Phật Tử tới thăm viếng. Lễ hội được khai mạc chính thức vào ngày mùng 6 Tết và kéo dài tới hết tháng 3 âm lịch, tuy nhiên, nhiều Phật Tử đã náo nức đi lễ hội chùa Bái Đính từ chiều mồng 1 Tết để cầu bình an cho gia đình trong năm mới và du ngoạn ngắm cảnh xuân.

Lễ hội bao gồm: phần lễ và phần hội. Phần lễ gồm các nghi thức thắp hương thờ Phật, tưởng nhớ công Đức Thánh Nguyễn Minh Không (người sáng lập chùa Bái Đính), lễ tế thần Cao Sơn và chầu Thánh Mẫu Thượng Ngàn. Phần hội gồm các trò chơi dân gian, thăm thú hang động, vãn cảnh chùa, thưởng thức nghệ thuật hát xẩm, ca trù, chèo…hết sức đông vui, nhộn nhịp.

chùa bái đính - biểu tượng tâm linh của du lịch ninh bình.
Lễ hội chùa Bái Đính-ảnh:internet

Cách di chuyển đến chùa Bái Đính

Xuất phát từ Hà Nội, bạn có nhiều sự lựa chọn phương tiện di chuyển tới chùa Bái Đính:

–         Đi bằng ô tô: đi theo đường cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ-Ninh Bình với lộ trình khoảng 2 tiếng

https://goo.gl/maps/VatT6tKn2hGq2zMy8

–         Đi bằng xe máy: di chuyển theo Quốc lộ 1A đến thành phố Ninh Bình, sau đó đi theo biển chỉ dẫn đến chùa Bái Đính.

+ Bạn cũng có thế đặt xe limosine đưa đón tận nơi. Tham khảo các hãng xe: Duy Khang Limosine (19003086), Tràng An Limosine (19000336), Hữu Bình Limosine (19006772) …

–         Đi bằng tàu hỏa: khởi hành từ Hà Nội và xuống ở ga Ninh Bình. Sau đó, bạn tự túc phương tiện di chuyển đến Bái Đính.

Cách di chuyển trong quần thể chùa Bái Đính Ninh Bình

Quần thể Chùa Bái Đính vô cùng rộng lớn và mất khá nhiều thời gian để tham quan. Do đó, du khách nên lựa chọn dịch vụ xe điện do Ban Quan lý chùa Bái Đính cung cấp để tiết kiệm thời gian. Du khách đợi xe tại khu vực nhà chờ, rồi lên xe điện di chuyển 3.5km để đến thẳng cổng Tam Quan chùa Bái Đính, từ đó, bắt đầu cuộc hành trình đi bộ chiêm bái.

chùa bái đính - biểu tượng tâm linh của du lịch ninh bình.
Fb. Hà Thiệu

Giá vé xe điện và tham quan trong chùa Bái Đính:

–         Giá vé xe điện: 30.000đ/vé/lượt, 60.000đ/vé/khứ hồi

–         Giá vé thuê hướng dẫn viên: 300.000đ/tour

–         Giá vé tham quan Bảo Tháp: 50.000đ/người

Những điểm tham quan ở chùa Bái Đính

Cái tên “Bái Đính” có nghĩa là cúng bái ở trên cao – rất phù hợp với văn hóa thờ cúng các vị Thần, Phật trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Chùa nằm yên bình nơi sườn núi Bái Đính với chung quanh là những thung lũng mênh mông, những hồ nước, đầm lăn tăn sóng gợn và những dãy núi đá vôi trùng điệp, được chia làm hai khu chính: Chùa Bái Đính cổ và Chùa Bái Đính mới.

Chùa Bái Đính cổ.

Bái Đính cổ tự tọa lạc trên một ngọn núi cao 187m, quay mặt về hướng chính Tây và nằm trên gần đỉnh của một vùng rừng núi khá yên tĩnh. Chùa được xây dựng năm 1136, do thiền sư Nguyễn Minh Không sáng lập khi Ngài về đây tìm cây thuốc quý chữa bệnh cho vua triều Lý.

Chùa Bái Đính cổ không có những mái chùa cong vút, những trụ cột to lớn, những thượng điện nguy nga tráng lệ mà được tạo dựng theo lối kiến trúc chùa động khá phổ biến ở Ninh Bình.

Các hạng mục chính của chùa Bái Đính cổ gồm:

Cổng Tam Quan: mang đậm nét cổ kính thời xưa

chùa bái đính - biểu tượng tâm linh của du lịch ninh bình.
Ảnh:FB. Chùa Bái Đính

Hang Sáng, Động Tối: đường lên hang động này phải trải qua 300 bậc đá. Nơi đây từng được vua Lê Thánh Tông ban tặng 4 chữ “Minh Đỉnh Danh Lam”-tức là Lưu danh thơm cảnh đẹp ngay trước cửa động.

Hang Sáng thờ Thần và Phật còn Động Tối thờ các vị Mẫu và Tiên. Hang Sáng sâu 25m, rộng 15m, cao hơn 2m và trong hang luôn có đủ ánh sáng tự nhiên. Động Tối được bố trí hệ thống đèn chiếu, phía trên động có các mảng đá thạch nhũ hình thành theo mạch nước ngầm, tạo nên một khung cảnh hết sức huyền ảo.

chùa bái đính - biểu tượng tâm linh của du lịch ninh bình.
Hang sáng-ảnh: internet
chùa bái đính - biểu tượng tâm linh của du lịch ninh bình.
Động tối -FB.Chùa Bái Đính

Giếng Ngọc. Theo truyền thuyết, nước ở Giếng Ngọc được thiền sư Nguyễn Minh Không dùng để sắc thuốc chữa bệnh cho vua và dân chúng. Ngày nay, nước giếng thường được lấy để cúng lễ tại chùa. Giếng có đường kính rộng gần 30m, độ sâu tầm 6m, diện tích lên đến 6.000m2, bốn góc là 4 lầu bát giác. Giếng Ngọc ở chùa Bái Đính cổ được ghi nhận kỉ lục lớn nhất Việt Nam với màu nước màu xanh ngọc bích rất nổi bật.

chùa bái đính - biểu tượng tâm linh của du lịch ninh bình.
Giếng ngọc-Ảnh: Trường Thủy

Đền thờ Thánh Nguyễn: được xây dựng theo thế “tựa núi nhìn sông”. Trong đền thờ đặt tượng cuả thiền sư Nguyễn Minh Không-để tưởng nhớ công ơn to lớn của Người. Đối với người dân Ninh Bình, ông không chỉ là một danh y nổi tiếng, người sáng lập chùa Bái Đính linh thiêng mà còn được tôn xưng là tổ sư nghề đúc đồng vì đã có nhiều công nghiên cứu, sưu tầm các đồ đồng cổ và khôi phục các làng nghề đúc đồng truyến thống đã mai một trước đây.

Đền thờ thần Cao Sơn: là nơi thờ vị thần quản lí vùng núi Vũ Lâm. Đền được xây dựng từ thời nhà Đinh (968-980) và theo sử sách, đây cũng là nơi vua Đinh Bộ Lĩnh sống khi còn nhỏ.

chùa bái đính - biểu tượng tâm linh của du lịch ninh bình.
Đền thờ Thánh Nguyễn-ảnh: internet
chùa bái đính - biểu tượng tâm linh của du lịch ninh bình.
Đền thần Cao Sơn-ảnh: internet

Chùa Bái Đính mới.

Chùa Bái Đính mới được xây dựng vào năm 2005 theo bản thiết kế của kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính và chủ đầu tư là doanh nhân Nguyễn Văn Trường-người đại diện của doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường (Ninh Bình). Ngôi chùa mới rất to và rộng, có nhiều công trình kiến trúc tiêu biểu, đạt nhiều kỉ lục ấn tượng như: Chùa có chuông đồng lớn nhất nước, chùa có tượng Thích Ca cao nhất châu Á, có hành lang La Hán dài nhất châu Á, ….Cùng khám phá các điểm đến nổi bật tại chùa Bái Đính mới, các bạn nhé

Cổng Tam Quan của Chùa Bái Đính mới

–         Tam Quan Ngoại: có 3 tam quan ngoại – biểu tượng cho 3 cửa để vào chùa, được xây dựng cao rộng. Mỗi tam quan ngoại lại có 3 cửa làm bằng bê tông, ốp đá bên ngoài, bốn mái cong nhỏ lớp đá phía trên.

chùa bái đính - biểu tượng tâm linh của du lịch ninh bình.
Tam quan ngoại- Fb. Maria Tuyền

–         Tam quan nội: làm hoàn toàn từ gỗ Tứ Thiết, có 3 tầng mái uốn cong ở bốn phía, lợp bằng ngói men ống Bát Tràng màu nâu sẫm. Trong tam quan đặt 2 tượng hộ pháp bằng đồng, mỗi tượng cao 5.5m và nặng 12 tấn.

chùa bái đính - biểu tượng tâm linh của du lịch ninh bình.
Tam quan nội- FB. Maria Tuyền

Tháp Chuông

Tháp Chuông là nơi có chuông đồng lớn nhất Việt Nam, cao 5.5m và nặng 36 tấn. Chuông đồng được chạm khắc vô cùng cầu kì, tỉ mỉ với những mảng cổ tự theo tiếng Hán và được trang trí hình rồng uốn lượn đầy bí ẩn, huyền ảo.

chùa bái đính - biểu tượng tâm linh của du lịch ninh bình.
FB. Ngo Thu Huong
chùa bái đính - biểu tượng tâm linh của du lịch ninh bình.
FB.Trà My

Hành lang La Hán.

Đây là một trong những điểm check in hot nhất tại chùa Bái Đính mà bạn không nên bỏ lỡ. Hành lang La Hán gồm 234 gian nối liền hai đầu Tam Quan với nhau, chiều dài lên đến 1052m và hiện đang nắm giữ kỉ lục “Hành lang La Hán dài nhất châu Á”. Có tất cả 500 bức tượng các vị La Hán được làm từ đá xanh nguyên khối nặng khoảng 4 tấn xếp dọc theo hành lang. Mỗi vị La Hán mang một biểu cảm, dáng vẻ khác nhau để miêu tả sự sống nơi trần thế.

chùa bái đính - biểu tượng tâm linh của du lịch ninh bình.
ảnh: internet
chùa bái đính - biểu tượng tâm linh của du lịch ninh bình.
FB. Võ Nguyễn Phương Trâm

Điện Quan Âm

Điện gồm 7 gian, gian chính giữa thờ Quan Thế Âm Bồ Tát nghìn tay nghìn mắt phổ độ chúng sinh. Trong điện được trang trí bằng nhiều hoa văn tinh tế như: hoa sen, hạc đồng…và gây ấn tượng mạnh mẽ cho du khách với bức tượng Phật đúc bằng đồng nặng 80 tấn, cao 9.57m-là pho tượng Quan Thế Âm Bồ Tát bằng đồng lớn nhất Việt Nam.

chùa bái đính - biểu tượng tâm linh của du lịch ninh bình.
Điện Quan Âm- ảnh: internet

Điện Pháp Chủ

Điện Pháp Chủ là công trình kiến trúc hoành tráng, uy nghiêm thờ Phật Thích Ca Mâu Ni. Trong điện có ba cửa võng, ba bức hoành phi và các câu đối dài, rộng nhất Việt Nam bằng đồng thúc chữ và họa tiết ca ngợi công đức của Phật và cảnh đẹp của chùa.

Tượng Phật Thích Ca Mâu Ni ngồi trên tòa sen và niệm hoa sen cao 10m, nặng 100m-là Pho tượng Phật Thích Ca bằng đồng lớn nhất nước ta.

chùa bái đính - biểu tượng tâm linh của du lịch ninh bình.
Fb. Chùa Bái Đính

Điện Tam Thế

Điện Tam Thế tọa lạc trên ngọn đồi cao 76m so với mực nước biển, dài 59.1m, rộng hơn 40m. Đây là nơi đặt ba pho tượng Tam Thế Phật (Phật quá khứ, hiện tại và tương lai) lớn nhất Việt Nam, được chế tác bằng đồng cao 7.2m, nặng 50 tấn hết sức uy nghi, tráng lệ.

chùa bái đính - biểu tượng tâm linh của du lịch ninh bình.
Fb. Chùa Bái Đính
chùa bái đính - biểu tượng tâm linh của du lịch ninh bình.
Fb.Chùa Bái Đính.

Tượng Phật Di Lặc

Phía bên trái của Điện Tam Thế là bức tượng Phật Di Lặc khổng lồ, cao hơn 10m, nặng 80 tấn, ngự trên đỉnh đồi cao khoảng 100m so với cổng Tam Quan. Đứng dưới chân tượng Phật, du khách có thể phóng tầm mắt chiêm ngưỡng toàn cảnh chùa Bái Đính từ trên cao rất tuyệt vời.

chùa bái đính - biểu tượng tâm linh của du lịch ninh bình.
Fb.Chùa Bái Đính

Tháp Xá Lợi Phật

Sau khi đi bộ qua hành lang La Hán, nhìn về phía Tây điện Tam Thế, bạn sẽ nhìn thấy tòa Bảo Tháp Xá lợi Phật – công trình kiến trúc ấn tượng bậc nhất chùa Bái Đính và được vinh danh là Bảo tháp cao nhất Đông Nam Á. Bảo Tháp lưu giữ Xá lợi Phật từ Ấn Độ và Miến Điện, gồm 13 tầng, cao 100m. Du khách có thể mua vé tham quan bên trong tòa tháp theo hành trình bằng thang máy và leo 72 bậc.

chùa bái đính - biểu tượng tâm linh của du lịch ninh bình.
Fb. Mỹ Hằng

Về đêm, toàn Bảo Tháp được thắp đèn sáng trưng, vô cùng lung linh, huyền ảo và rực rỡ một góc trời. Địa điểm này có thể xem là nơi check in được yêu thích nhất, nơi sáng tạo nên những bức ảnh để đời của mọi du khách.

chùa bái đính - biểu tượng tâm linh của du lịch ninh bình.
Ảnh: internet

Ăn uống, lưu trú khi đi du lịch chùa Bái Đính

Ăn uống:

Quần thể kiến trúc chùa Bái Đính rất rộng, du khách mất khá nhiều thời gian để tham quan hết các địa điểm. Do đó, du khách có thể tự túc mang một ít đồ ăn nhẹ khi đi chùa (bánh mì, xôi, nước lọc, trứng luộc…) hoặc nếu muốn tìm nhà hàng, bạn nên tìm hiểu kĩ trước khi đi để tránh lạc đường, mất thời gian. Tham khảo một số nhà hàng sau:

–         Nhà hàng Thăng Long – địa chỉ: thôn Chi Phong, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, cách chùa 3 km

–         Nhà hàng và nhà nghỉ Cao Sơn – địa chỉ 7VP6+8VV, đường 340, xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn

–         Thao Beo Restaurant Bar – địa chỉ: Đội 4, xã Văn Lâm, huyện Hoa Lư

–         Chu’s House Tam Cốc- địa chỉ: khu vực bến thuyền Tam Cốc, xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư.

Các món ăn bạn nên thử:

–         Thịt dê núi: dê tái chanh, lẩu dê, dê nướng…

–         Cơm cháy Ninh Bình

–         Ốc núi

–         Rượu cần Nho Quan

–         Rượu Kim Sơn

Lưu trú

Tại Ninh Bình, có rất nhiều địa điểm lưu trú, đa dạng hình thức: homestay, khách sạn, villa, resort…với các mức giá khác nhau cho bạn lựa chọn. Tham khảo một số cơ sở lưu trú:

–         Ninh Binh Family homestay- Địa chỉ: xóm 4, xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn

–         Tam Family homestay-địa chỉ: xóm 5, xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn

–         Khách sạn Bái Đính Ninh Bình-địa chỉ: khuôn viên chùa Bái Đính, xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn

–         Ninh Binh Eco Garden-địa chỉ: xóm 4, xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn

–         Bai Dinh Garden Resort & Spa Ninh Binh-địa chỉ: thôn 5, Khu vực chùa Bái Đính, xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn.

Những lưu ý khi đi chùa Bái Đính

–         Trang phục gọn gàng, lịch sự, tránh mặc đồ quá ngắn, bó sát khi đi chùa. Nên đi giày thể thao vì phải đi bộ nhiều.

–         Nên mang theo tiền lẻ công đức cho chùa và đặt vào các hòm công đức, không nên để lên các ban thờ.

–         Có thể mang theo đồ ăn nhẹ, nước uống nhâm nhi dọc đường.

–         Điện thoại, máy ảnh sạc dự phòng… luôn sẵn sàng để có những bức hình check in tuyệt đẹp.

–         Xem dự báo thời tiết trước khi đi để chuẩn bị thêm ô, mũ nón…cho phù hợp.

chùa bái đính - biểu tượng tâm linh của du lịch ninh bình.
Fb. gonzalo nguyen

Chùa Bái Đính là địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng với cảnh sắc hùng vĩ, thơ mộng, kiến trúc nguy nga, hoành tráng- xứng đáng là niềm tự hào của du lịch Ninh Bình.

Đăng bởi: Luật Lương Duy

YOLO! Khám phá các huyện ở Ninh Bình

ALONGWALKER Singapore: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Philippines: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Indonesia: Saluran untuk mengeksplorasi pengalaman para pemuda global ALONGWALKER Malaysia: Saluran untuk menjelajahi pengalaman global belia ALONGWALKER Japan: 発見・体験、日本旅行に関する記事 ALONGWALKER Thailand: ช่องทางในการสำรวจประสบการณ์ของเยาวชนระดับโลก