Tâm Sự Tình Yêu

Có nên sống thử trước hôn nhân?

Có nên sống thử trước hôn nhân là chủ đề đã được nói tới trong một thời gian dài. Sống thử đã từng là chủ đề nóng hổi của xã hội từ 10-20 năm trước. Nay mình xin phép nói lại với quan điểm, góc nhìn cá nhân về vấn đề này.

hôn nhân, tình yêu, có nên sống thử trước hôn nhân?

Một sự vô tình nào đó, mình đọc tâm sự của một bạn nam khá trẻ (27 tuổi) và bạn khá dằn vặt khi biết người yêu hiện tại từng sống thử với bạn trai trước đây (khoảng 01 tháng). Mình nhận ra rằng, đôi khi với mình thì điều đó không phải là vấn đề nhưng với một ai đó thì nó hoàn toàn là một điều gì đó to lớn hơn.

Vì vậy, nội dung bài viết này chỉ nói về việc có nên sống sống thử trước hôn nhân hay không và vì sao, xoay quanh những điều liên quan đến quyết định này.

Sống thử gồm những gì: bao gồm tất cả con người bạn kể cả điều tốt lẫn điều xấu, quan điểm, góc nhìn,… từ những suy nghĩ nhỏ nhất đến kế hoạch cuộc đời to lớn nhất. Sống thử là một bước đệm trước khi bạn tiến đến hôn nhân. Sống thử sẽ là một cuộc hôn nhân 90% và tất nhiên tình yêu chỉ là một phần trong cuộc sống này.

Có nên sống thử trước hôn nhân?

Theo mình thì nên sống thử trước khi thật sự đi đến hôn nhân. Hãy lưu ý, điều đó có nghĩa là khi hai bạn đã xác định sẽ tiến tới hôn nhân thì nên sống thử, còn khi còn đang là sinh viên, chưa biết cuộc đời phía trước còn chờ đợi ta điều gì, hãy tiếp tục đọc và cân nhắc cho kỹ, nhưng với mình là không nên sống thử thời sinh viên.

Dưới đây là quan điểm của mình về việc vì sao nên sống thử trước hôn nhân:

Hiểu rõ nhau hơn trong cuộc sống gia đình

Cuộc sống hôn nhân thường bị ví như mồ chôn của tình yêu bởi vì người ta giật mình trước những điều “chưa tốt” của đối phương mà trước kia chưa hề hay biết.

Chúng ta phải thừa nhận rằng có quá nhiều điều chưa tốt của đối phương khiến người kia thấy hoang mang, hụt hẫng hay lo lắng khiến dẫn đến tình trạng khủng hoảng sau kết hôn.

Đôi khi, sự khủng hoảng này không được giải quyết rõ ràng thì lại kéo theo rất nhiều hệ lụy. Đáng buồn nhất là những vụ ly hôn khi cuộc hôn nhân quá ngắn ngủi với lí do không hiểu nhau.

Thấy rõ nhau hơn để thành thật và yêu thương

Sống thử để nhìn thấy nhau rõ hơn, thật hơn và để có thể yêu thương nhau bao dung hơn, thành thật hơn với chính bản thân và với người kia.

Bạn chẳng thể make up khi ngủ và chẳng tránh được cảnh ngái ngủ với mái tóc bù xù khi vừa ngủ dậy. Bạn có yêu được những khi ấy hay chỉ chạy theo những vẻ ngoài xinh đẹp, hào nhoáng? Bạn sẽ biết người kia có thói quen nào khó hiểu một chút hay phong cách sống hàng ngày ra sao. Liệu họ có quá sạch sẽ khiến bạn thấy khó hiểu hay họ quá ngăn nắp đến quái đản?

Sẽ có đôi ba lỗi lầm như quên lau nhà, bữa cơm với món cá thừa muối và món canh chè,… Bạn nhìn thấy những thiếu sót của người kia để hiểu, cùng nhau điều chỉnh để chúng đi đến điểm dung hòa của hai con người trong một cuộc sống chung.

Bạn sẽ nhìn rõ hơn những góc riêng của một người, sẽ có nhiều bí mật khiến bạn tò mò, những quan điểm sống và góc nhìn vấn đề,… Liệu hai người có đồng điệu không? Hay sẽ là những điều khác biệt như hai đường thẳng song song mãi không có điểm chung.

hôn nhân, tình yêu, có nên sống thử trước hôn nhân?

Tình yêu có thể là tất cả khi yêu nhau nhưng trong cuộc sống thì tình yêu chỉ là một phần không tất yếu. Chúng ta còn rất nhiều điều cần nghĩ và bận tâm thế nên sống cùng một người biết chia sẻ và cảm thông là một điều hạnh phúc hơn là chật vật với một tình yêu cuồng nhiệt nhưng không tìm thấy sự thanh thản cho bản thân.

Khi bạn có thể nhìn thấy những điều chưa tốt, những thiếu sót của nhau mà vẫn có thể cùng nhau điều chỉnh, bên nhau và yêu thương nhau thì khi đó cuộc sống hôn nhân là một bước thăng hoa cho tình yêu của hai người.

Hiểu rõ áp lực của cuộc sống gia đình

Theo như bên trên thì mình đã nói với mọi người rằng nên sống thử nhưng hiện tại hầu hết những người sống thử đều thấy hối hận, thất bại và khổ sở. Điều này hoàn toàn trái ngược đúng không?

Câu trả lời là: chúng ta đã không sống để hạnh phúc.

Khi bạn không biết cách sống cho hạnh phúc thì cho dù sống thử hay hôn nhân thật cũng khiến bạn cảm thấy như nhau. Điểm khác biệt duy nhất là bạn không thể ly hôn và đổ lỗi cho cuộc hôn nhân ấy là “quá vội vã”, “quá ngây ngô”. Vậy chúng ta cần sống sao cho hạnh phúc và thật sự xứng đáng chứ không phải là một cuộc sống trôi theo dòng nước.

1. Hãy có kế hoạch cho mọi thứ:

Bạn hãy phân chia công việc nhà rõ ràng như việc nấu cơm, dọn nhà, làm vệ sinh bếp,… mình luôn kêu gọi tinh thần tự giác nhưng đôi khi một lịch trình sẽ hiệu quả hơn. Mỗi người có trách nhiệm tuân thủ và thực hiện đúng theo kế hoạch.

2. Tài chính ổn định:

Rất nhiều cuộc tình/hôn nhân tan vỡ vì vấn đề tài chính luôn đè nặng trên vai hai người. Bạn sẽ không có một ngày nào bình yên để nghỉ ngơi khi mà trong đầu không ngừng nghĩ về cách kiếm tiền từ ngày này qua ngày khác. Hãy chuẩn bị tài chính và có kế hoạch chi tiêu, đóng góp hợp lý cho cả hai. Không nhất thiết là 50-50 nhưng hãy thảo luận để có những khoản chi phù hợp.

3. Quy tắc ứng xử:

Chúng ta cần tôn trọng nhau và không hành xử như những đứa trẻ kêu khóc khi không được chiều theo ý muốn. Mình tin rằng đây là điều khó nhất và ít người lưu ý nhất. Hãy học cách hành xử trưởng thành hơn thay vì giận dỗi, im lặng, mặc kệ đối phương trong những cuộc đối thoại. Học cách lắng nghe, cách thảo luận trên tinh thần xây dựng sẽ khiến bạn có cuộc sống tốt hơn.

4. Lên kế hoạch chung:

Đây là điều rất ít cặp đôi thực hiện vì họ cho rằng sống chung chính là làm chung tất cả rồi. Thật ra thì nó không đúng lắm! Bạn có thể ăn chung bàn nhưng cảm nhận khác nhau và đôi khi mục đích khác nhau. Còn khi bạn lên một kế hoạch chung thì cả hai hướng về cùng 1 mục tiêu cuối cùng và sẽ có nhiều sự thảo luận liên quan đến quá trình thực hiện. Điều này sẽ khiến bạn giữ mối liên kết tốt hơn với đối phương và dần hiểu nhau hơn, học hỏi lẫn nhau bắt đầu tư đây.

hôn nhân, tình yêu, có nên sống thử trước hôn nhân?

Đơn giản là trồng một cái cây hay nuôi một chú mèo thì bạn đã có thể cùng nhau chia sẻ sự quan tâm với nhau và khiến cuộc sống thêm màu sắc tích cực hơn.

5. Kế hoạch về con cái:

Đây là điều mình không muốn nhấn mạnh nhưng đành phải nhắc lại vì đã có quá nhiều sai lầm khi các bạn chủ quan và hậu quả là điều không ai muốn nhắc đến. Hãy luôn sáng suốt và rõ ràng về việc có con. Trẻ con không phải sinh ra và nuôi lớn là đủ. Một đứa trẻ luôn cần nhiều hơn thế các bạn ạ!

Chúng ta đều xứng đáng để hạnh phúc và hãy cho phép hạnh phúc đồng hành cùng bạn trong cuộc sống mỗi ngày.

Sau cùng thì mình mong các bạn sáng suốt để đưa ra quyết định đúng đắn, sống hạnh phúc cũng nửa kia. Và hãy có trách nhiệm với quyết định của mình trong mọi hoàn cảnh.

Đăng bởi: Phương Lâm

ALONGWALKER Singapore: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Philippines: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Indonesia: Saluran untuk mengeksplorasi pengalaman para pemuda global ALONGWALKER Malaysia: Saluran untuk menjelajahi pengalaman global belia ALONGWALKER Japan: 発見・体験、日本旅行に関する記事 ALONGWALKER Thailand: ช่องทางในการสำรวจประสบการณ์ของเยาวชนระดับโลก