Tâm Sự

Làm thế nào để xoa dịu nỗi đau của con trẻ khi cha mẹ ly hôn?

Hãy thấu hiểu tâm lý của con trẻ khi các bậc cha mẹ có ý định ly hôn.

Khi hai người tự nguyện gắn kết cuộc đời lại với nhau bằng một hôn ước, chuyện ly hôn là một điều hầu như không ai mong đợi hoặc thậm chí là nghĩ tới. Nhưng không nghĩ tới không có nghĩa là điều đó không xảy ra và cho dù vì bất cứ lý do gì đi nữa thì việc ly hôn cũng đều có phần trách nhiệm của cả hai bên. Không như những cuộc chia tay của những cặp yêu nhau và sống chung, một cuộc ly hôn sẽ phức tạp hơn nhiều vì ly hôn có dính dáng đến yếu tố pháp lý, tài sản chung, các mối quan hệ giữa gia đình hai bên và những đứa con. Trong những yếu tố nêu trên, yếu tố con cái là yếu tố đau lòng nhất vì những đứa con là nạn nhân vô tội của những sai lầm của cha mẹ chúng và con cái luôn sẽ bị chấn thương nặng nề nhất về mặt tâm lý khi cha mẹ chia tay. Những chấn thương tâm lý này sẽ theo con cái suốt đời và có ảnh hưởng không ít tới nhân sinh quan cũng như hạnh phúc riêng của chúng sau này.

hôn nhân, nuôi dạy con, tâm lý học, làm thế nào để xoa dịu nỗi đau của con trẻ khi cha mẹ ly hôn?

Con cái sẽ nghĩ gì khi cha mẹ quyết định ly hôn?

Đầu tiên, một điều khá hiển nhiên là không có cặp vợ chồng nào đang sống hạnh phúc vui vẻ với nhau lại nghĩ đến chuyện ly hôn mà ly hôn là giải pháp cuối cùng để kết thúc một cuộc sống chung đầy sóng gió khiến cho những người trong cuộc cảm thấy mệt mỏi rã rời. Thời gian sóng gió giữa hai vợ chồng trước khi quyết định ly hôn có thể kéo dài vài tháng hoặc thậm chí là nhiều năm liền với vô số các cuộc chiến tranh nóng và chiến tranh lạnh xen kẽ với những mức độ nghiêm trọng khác nhau.

Là người trong cuộc, dĩ nhiên ai cũng muốn những điều tồi tệ đó chấm dứt. Tuy nhiên mong muốn chấm dứt những bi kịch của cha mẹ và con cái không hề giống nhau. Nếu người lớn mong chờ tới ngày được kết thúc cuộc hôn nhân không hạnh phúc để trả tự do cho nhau và làm lại từ đầu thì những đứa con phần lớn đều có khuynh hướng mong muốn cha mẹ làm hòa với nhau và cùng sống chung như trước khi xảy ra mâu thuẫn.

Cho dù tình hình tệ đến mức nào, không một đứa trẻ nào lại không nuôi hy vọng có một phép màu xảy ra để cha mẹ chúng tiếp tục yêu thương nhau. Vì thế, quyết định ly hôn của cha mẹ là một cú sốc lớn đối với con cái vì chúng biết rằng, mình sẽ mãi mãi không còn có một gia đình đầy đủ như bạn bè cùng trang lứa. Các nhà tâm lý học đã chỉ ra rằng, phản ứng tâm lý của những đứa trẻ khi tiếp nhận tin cha mẹ chúng sẽ ly dị cũng giống như việc chúng tiếp nhận tin về một người thân trong gia đình qua đời.

Tùy theo nguyên nhân ly hôn, độ phức tạp của trình tự ly hôn và sự quan tâm của cha mẹ dành cho con cái mà mức độ chấn thương tâm lý của trẻ đối với việc ly hôn của cha mẹ sẽ khác nhau. Những đứa trẻ thường xuyên bị cha hoặc mẹ bạo hành sẽ nhanh chóng vượt qua cú sốc cha mẹ ly hôn và mong chờ điều này để được giải thoát. Nhưng ngược lại, những đứa trẻ được cha mẹ thương yêu sẽ bị sốc rất nặng khi biết cha mẹ mình chia tay.

Đối với những đứa con mà cha mẹ chúng ly hôn vì người thứ ba, thường chúng sẽ ôm trong lòng một mối hận thù sâu sắc và thái độ chống đối với người cha hoặc mẹ phản bội và kẻ được xem là phá vỡ hạnh phúc của cha mẹ chúng. Trường hợp con cái có anh chị em, nỗi lo sợ cha mẹ ly hôn thường đi kèm theo nỗi sợ hãi anh chị em ly tán vì người theo cha, kẻ theo mẹ.

Độ tuổi và trình độ nhận thức của con cái cũng đóng vai trò quan trọng trong việc đối diện với sự thật khi cha mẹ chúng ly hôn. Đối với các bé độ tuổi mẫu giáo hoặc tiểu học, chuyện thích nghi với việc chỉ sống với cha hoặc mẹ sẽ nhanh chóng và dễ dàng hơn vì ở độ tuổi này, các bé chưa có nhiều nhận thức về như thế nào là chia tay hoặc ly hôn. Nhưng ngược lại các bé ở độ tuổi dậy thì trở lên sẽ bị tổn thương nặng nề và sâu sắc khi cha mẹ chúng chia tay. Chấn thương tâm lý này có thể nặng nề đến mức dẫn đến trầm cảm, suy nhược thần kinh và còn ảnh hưởng lớn tới quan niệm về tình yêu, hôn nhân và cuộc sống gia đình của chúng trong tương lai.

Những báo cáo khoa học của Mỹ đã chỉ ra rằng cứ trong 3 người ly dị thì có 1 người là con cái của một cặp vợ chồng ly hôn trước đây. Những đứa con của các cặp cha mẹ ly hôn nhiều lần thường sẽ có khuynh hướng sống độc thân và lẩn tránh những mối quan hệ tình cảm nghiêm túc do bị ám ảnh bới chuyện của cha mẹ trước kia.

Diễn biến tâm lý của con cái khi cha mẹ ly hôn

hôn nhân, nuôi dạy con, tâm lý học, làm thế nào để xoa dịu nỗi đau của con trẻ khi cha mẹ ly hôn?

Khi cha mẹ mãi đắm chìm trong những bi kịch cá nhân cũng như những toan tính riêng của bản thân về chuyện ly hôn, phần lớn họ sẽ ít khi để ý đến diễn biến tâm lý của con cái, những nạn nhân vô tội. Nếu có quan tâm đến cảm xúc của con cái, cha mẹ cũng sẽ tự lừa dối mình bằng cách lý giải rằng chuyện này không ảnh hưởng nhiều đến con cái và rồi chúng sẽ nhanh chóng vượt qua cú sốc này vì trẻ em không suy nghĩ nhiều như người lớn.

Có người nghĩ rằng mình sẽ dùng vật chất hoặc đáp ứng những yêu sách của con như một cách bù đắp hoặc chuộc lỗi với con mình. Có người sẽ tìm cách giải thích biện hộ hoặc đổ hết lỗi cho chồng hoặc vợ mình với mong muốn tranh thủ tình cảm của con mình mà không hiểu được rằng điều này càng gây ra nhiều tổn thương cho con.

Trên thực tế, tâm lý của những đứa trẻ trong quá trình cha mẹ chuẩn bị ly hôn sẽ diễn biến khá phức tạp thậm chí là khá mâu thuẫn. Có lúc chúng mong muốn rằng cha mẹ nhanh chóng chia tay để chấm dứt mọi bi kịch mà chúng đang chịu đựng hàng ngày nhưng cũng có lúc chúng cầu xin có một phép màu để cha mẹ chúng sẽ tiếp tục ở bên nhau một cách hạnh phúc.

Có lúc chúng cảm thấy cha mẹ chúng thật đáng thương và cảm thấy mình bất lực khi không thể làm điều gì để giúp cho cha mẹ mình nhưng cũng có lúc chúng cảm thấy cực kỳ oán giận cha mẹ chúng đã bắt chúng phải chịu đựng những đau khổ không đáng.

Sẽ có những lúc các con nghĩ rằng nếu mình cố gắng ngoan ngoãn nghe lời học giỏi, biết đâu cha mẹ mình sẽ vì điều đó mà suy nghĩ lại nhưng cũng có những lúc chúng sẽ tỏ ra muốn nổi loạn bất chấp tất cả vì nghĩ rằng cha mẹ mình không còn thương mình nữa.

Đối với những đứa trẻ đủ lớn để hiểu biết, chúng sẽ cảm thấy lo lắng vì sau khi ly hôn cha mẹ chúng sẽ có gia đình riêng mới, có vợ chồng mới và mình sẽ có những đứa em mới. Đây là một thứ cảm giác cực kỳ đáng sợ vì những đứa con luôn có cảm giác khó chịu và khó thích nghi với việc cha hoặc mẹ mình trở thành chồng hoặc vợ của một người khác.

Chúng cũng không thể quen được với việc gọi một người không thân thích là ba hoặc mẹ vì đối với các con, chúng mãi mãi cũng chỉ có một người cha và một người mẹ duy nhất. Trong mắt những đứa con, người chồng hoặc vợ sau của cha mẹ chúng ở một mức độ nào đó là những kẻ đáng ghét góp phần phá hoại hạnh phúc của gia đình chúng.

Những suy nghĩ này không thể một sớm một chiều có thể hóa giải và thậm chí càng trở nên trầm trọng hơn nếu người đến sau không tìm cách cải thiện mối quan hệ với con riêng của vợ hoặc chồng.

Những mâu thuẫn và xung đột nội tâm của các con thường hiếm khi nào được giấu kín trong lòng mà chúng thường bộc lộ bên ngoài cho dù là vô tình hay cố ý. Con cái trong quá trình ly hôn của cha mẹ thường có những biểu hiện và phản ứng như sau:

  • Trong gia đình, con cái sẽ có khuynh hướng tự cô lập bản thân, tránh tiếp xúc với cha mẹ và những người thân khác. Sau giờ học, chúng thường về nhà đóng cửa nhốt mình trong phòng hoặc đi đâu đó cho tới thật muộn mới về để tránh đụng mặt cha mẹ. Các con cũng sẽ có những hành động nóng nảy bộc phát thiếu kiềm chế đối với cha mẹ, đặc biệt là đối với người mà chúng cho rằng là nguyên nhân dẫn đến việc ly hôn.
  • Thành tích học tập giảm sút và thường lơ đãng lo ra trong giờ học. Nhiều trẻ sẽ cố tình tìm cách quậy phá, vi phạm nội quy trường lớp hoặc đánh nhau với bạn để bị mời phụ huynh vì chúng nghĩ rằng đây là cách cha mẹ chúng có thể bỏ qua được những mâu thuẫn cá nhân để lo cho chúng.
  • Tự cô lập bản thân với bạn bè trong lớp. Do mang những tâm sự và mặc cảm không thể chia sẻ, những đứa trẻ sẽ chọn cách né tránh bạn bè hoặc sẽ có những phản ứng tiêu cực nếu vô tình hay cố ý bị chạm vào vết thương lòng.
  • Ở tuổi dậy thì, nhiều trẻ có cá tính mạnh và suy nghĩ nông nổi sẽ tìm đến những cách cực đoan như tập hút thuốc, uống rượu thậm chí là thử chơi ma túy (nam) hoặc quan hệ tình dục (nữ) nếu bị bạn bè xấu rủ rê vì chúng cảm thấy đây là cách có thể khiến cha mẹ chúng quan tâm đến chúng hơn.
  • Một số ít trẻ ở tuổi dậy thì sẽ rơi vào trạng thái trầm cảm hoặc rối loạn cảm xúc có thể dẫn đến những hành động hủy hoại bản thân, tự tử hoặc hình thành nhân cách phản xã hội. Mặc dù tỷ lệ trẻ em có cha mẹ ly hôn dẫn đến trầm cảm hoặc tự hủy hoại bản thân tương đối hiếm, nhưng những trường hợp này thường đều mắc phải nhiều vấn đề về tâm lý trước đó mà gia đình không quan tâm hoặc không nhận ra.

Làm thế nào để xoa dịu nỗi đau của con cái khi cha mẹ ly hôn?

hôn nhân, nuôi dạy con, tâm lý học, làm thế nào để xoa dịu nỗi đau của con trẻ khi cha mẹ ly hôn?

Như đã phân tích ở trên, chuyện ly hôn của cha mẹ cho dù vì bất cứ lý do hoặc mục đích gì cũng đều gây tổn thương không ít đối với con cái ở mọi lứa tuổi. Vì vậy điều cha mẹ có thể làm cho con cái trong giai đoạn này là làm giảm thiểu nỗi đau của con cái đến mức thấp nhất có thể chứ không phải là làm cho những tổn thương của con cái trở nên nghiêm trọng hơn bằng những cách cư xử chỉ quan tâm đến cảm xúc cá nhân của mình. Sau đây là những điều mà cha mẹ nên làm vì con mình:

  • Tránh chửi bới, cãi cọ hoặc ẩu đả trước mặt con cái. Nếu có vấn đề cần giải quyết, hãy giải quyết khi không có con ở đó.
  • Không nói xấu, đổ tội cho vợ hoặc chồng mình trước mặt con cái để lôi kéo con cái về phe của mình chống lại cha hoặc mẹ chúng.
  • Không biến con cái thành “gián điệp” của mình và bắt chúng rình mò, nghe lén, lục lọi đồ đạc của người kia và báo cáo lại với mình.
  • Hãy giải thích cho con cái nghe rằng việc ly hôn của cha mẹ là do hai bên không thể sống chung với nhau nữa và muốn chấm dứt tình trạng tồi tệ hiện tại. Nhưng việc ly hôn của cha mẹ không thay đổi mối quan hệ hoặc tình thương yêu của cha mẹ đối với con.
  • Không trút giận lên đầu con cái và đồng thời bao dung trước những phản ứng bộc phát của con trong giai đoạn này.
  • Trong việc giành quyền nuôi con, hãy nói rõ về hoàn cảnh của cả hai vợ chồng sau ly hôn một cách khách quan và trung thực nhất để con được lựa chọn đồng thời tôn trọng quyết định của con. Không tạo áp lực tình cảm hoặc tinh thần để bắt con phải sống với mình.
  • Nếu là người được quyền nuôi con, hãy tạo điều kiện cho vợ hoặc chồng cũ đến thăm nom chăm sóc con theo đúng thỏa thuận giữa hai bên về việc thăm con. Tuyệt đối không tìm cách cản trở chia rẽ hoặc ngăn cấm quyền và nghĩa vụ thăm con của người kia.
  • Sau khi ly hôn, hãy nhớ mỗi người có một cuộc sống riêng. Đừng dùng con bạn làm công cụ thăm dò hoặc phá hoại cuộc sống riêng của đối phương để trả thù.
  • Cố gắng tham gia những sự kiện quan trọng của con cái như sinh nhật, lễ tốt nghiệp, lễ trao giải thưởng, những buổi thi đấu hoặc biểu diễn của con…
  • Nếu bản thân hoặc chồng/vợ cũ có gia đình riêng sau khi ly hôn, hãy giải thích với con hiểu rằng người đến sau sẽ không thay thế cha/mẹ chúng đồng thời dạy chúng cách tôn trọng cha/mẹ kế của chúng.
Xem thêm:

    Đăng bởi: Tâm Nguyễn

    ALONGWALKER Singapore: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Philippines: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Indonesia: Saluran untuk mengeksplorasi pengalaman para pemuda global ALONGWALKER Malaysia: Saluran untuk menjelajahi pengalaman global belia ALONGWALKER Japan: 発見・体験、日本旅行に関する記事 ALONGWALKER Thailand: ช่องทางในการสำรวจประสบการณ์ของเยาวชนระดับโลก