đồng Tháp

Đồng Tháp có gì?

Đồng Tháp là một trong 13 tỉnh, thành phố ở đồng bằng sông Cửu Long và là 1 trong 3 tỉnh của vùng Đồng Tháp Mười là Long An, Tiền Giang và Đồng Tháp. Với những đặc điểm tự nhiên đa dạng, di tích lịch sử, văn hóa phong phú cùng các danh lam thắng cảnh đẹp, Đồng Tháp là một trong những điểm đến hấp dẫn du khách gần xa khi tới đồng bằng sông Cửu Long. Đồng Tháp có gì? Hãy cùng chúng tôi khám phá những địa điểm danh lam thắng cảnh đẹp tại Đồng Tháp trong bài viết sau đây nhé.

Vườn quốc gia Tràm Chim – Đồng Tháp

Vườn quốc gia Tràm Chim nằm giữa các xã: Phú Đức, Phú Hiệp, Phú Thọ, Tân Công Sính, Phú Thành A và thị trấn Tràm Chim, huyện Tam Nông cách thành phố Cao Lãnh 40km.

đồng tháp có gì?

Vườn quốc gia Tràm Chim – Đồng Tháp

Vườn quốc gia Tràm Chim có diện tích 7.313ha, là nơi các nhà khoa học nghiên cứu về “Vùng đất lành chim đậu” và bàn về môi trường, môi sinh. Nơi đây cũng là điểm hẹn cho du khách thích trở về với thiên nhiên, cùng hệ sinh thái vô cùng phong phú, đa dạng và được xem là Đồng Tháp Mười thu nhỏ vì nó bao gồm đầy đủ hệ sinh thái của vùng đất ngập nước.

Thực vật có khoảng 130 loài nổi bật nhất là sen, sung, lúa ma, cỏ ống, năng ống, mầm mốc…đồng thời nơi này cũng chính là nơi cư trú của hàng trăm loài động vật có xương sống, hàng chục loài cá và hơn 198 loài chim nước, chiếm khoảng ¼ số loài chim có ở Việt Nam . Trong đó, có nhiều loài chim quý hiếm trên thế giới như: Ngang cánh trắng, Te vàng, Bồ Nông, Gà Đãy Java và đặc biệt là Sếu đầu đỏ, chúng được xếp vào sách đỏ thế giới cần được bảo vệ vì đang có nguy cơ tuyệt chủng.

Hàng năm, từ cuối tháng 12 đến đầu tháng 05 năm sau là lúc đàn Sếu bay về Tràm Chim cư trú. Đến đây, vào thời gian này du khách sẽ có cơ hội tận mắt ngắm được loài chim là biểu tượng văn hoá bậc nhất trong tâm thức người Việt từ xa xưa.

Khu di tích Xẻo Quýt – Đồng Tháp

Khu di tích Xẻo Quít thuộc xã Mỹ Hiệp và xã Mỹ Long, huyện Cao Lãnh, cách thành phố Cao Lãnh 30km. Nơi đây khi xưa cỏ dại hoang vu, kênh rạch chằng chịt, lau sậy mịt mùng, từ năm 1960-1975 được Tỉnh ủy Kiến Phong (nay là Đồng Tháp) chọn làm căn cứ chiến lược để lãnh đạo nhân dân kháng chiến.

đồng tháp có gì?

Khu di tích Xẻo Quýt – Đồng Tháp

Khu di tích Xẻo Quít có diện tích khoảng 50ha, là khu căn cứ kháng chiến chống Mỹ tiêu biểu của vùng đồng bằng ngập lũ được che phủ bởi rừng tràm nguyên sinh rộng 20ha với những dây leo quất quýt tên cây tràm giống như bức tranh sơn thủy hữu tình, cùng các di tích như: Công sự chiến đấu, hầm tránh bom, hầm bí mật… đã được phục chế và gìn giữ nguyên vẹn. Đối với khu di tích là nhà thủy tạ, hồ sen rộng 3.000m2 với những cây cảnh đặc trưng của vùng quê Tháp Mười.

đồng tháp có gì?

Khu di tích Xẻo Quýt – Đồng Tháp

Đến đây, du khách cảm nhận phong cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, tản bộ theo các con đường mòn hoặc ngồi trên chiếc xuồng ba lá len lỏi theo các kênh rạch, được che nắng bởi các tán tràm có tuổi thọ gần 50 tuổi mà thân cây được dây bòng bong che phủ một màu xanh tựa hồ bức tranh sơn thủy hữu tình. Du khách sẽ thực sự thoải mái với môi trường tinh khiết, được hít thở không khí trong lành của một không gian yên tĩnh, thơ mộng…để rồi sau đó thưởng thức những món ăn đậm đà bản sắc Nam bộ được chế biến từ cá đồng, rau đồng và nhâm nhi một vài ly rượu đế tại nhà hàng cách khu căn cứ bằng một con rạch nhỏ.

Với thế mạnh về điều kiện tự nhiên, Xẻo Quýt còn giữ được nét hoang sơ và khung cảnh thôn quê bình dị. Xẻo Quýt thực sự là điểm dừng chân rất đặc biệt và phù hợp với những ai muốn tạm xa khỏi cuộc sống hiện đại vô vàn áp lực đầy bận rộn và căng thẳng tìm đến một nơi yên tĩnh, dân dã. Đồng thời với vai trò là điểm đến văn hóa lịch sử, Xẻo Quýt còn là nơi kết nối những thời đại đã đi qua, làm tăng lòng tự hào và tình yêu đối với quê hương, đất nước.

Đồng sen Tháp Mười – Đồng Tháp

Đồng Tháp nổi tiếng với hoa sen, loài hoa tuyệt đẹp và nhiều ý nghĩa – được chọn làm quốc hoa của đất nước. Bông sen hồng với vẻ đẹp tinh khôi, thanh khiết, “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Để đến Đồng Tháp ngắm sen thì địa chỉ lý tưởng nhất chính là Đồng Sen Tháp Mười ở huyện Tháp Mười. Nơi du khách có thể đắm mình vào bạt ngàn sen hồng chen lấn nhau đón nắng.

đồng tháp có gì?

Đồng sen Tháp Mười – Đồng Tháp

Với diện tích gần 20ha, đồng Sen Tháp Mười là một địa điểm du lịch nổi tiếng ở Đồng Tháp. Nếu như hỏi nơi đâu là chỗ đẹp nhất để ngắm sen, chắc chắn là nơi đây – nơi của sắc hồng đóa sen làm rung động lòng người. Đồng Sen Tháp Mười được ví như một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp, nơi có loài quốc hoa tỏa sắc hương thanh khiết, nơi đem đến cho mọi người những phút giây thư giãn nhất cho tâm hồn.

Đến đây, nếu là buổi chiều, du khách sẽ được chiêm ngưỡng thêm hình ảnh những đàn chim kéo nhau về tổ. Sau khi tham quan, chụp ảnh xong, mọi người sẽ cùng được thưởng thức những món ăn dân dã đậm vị quê hương. Đây sẽ là một trong những địa điểm tuyệt vời cho những ai đang có kế hoạch đi du lịch Miền Tây, ngắm sen.

đồng tháp có gì?

Đồng sen Tháp Mười – Đồng Tháp

Người ta nói rằng tại Đồng Sen Tháp Mười, sen sẽ nở rộ và đẹp nhất vào mùa hè, nhất là khoảng tháng 8. Khi này cả đồng sen hồng nở bát ngát, chen lấn nhau đón nắng.

Điều đặc biệt mà chỉ có sen Tháp Mười mới có: Sen ở đây nở vào buổi sáng và có sắc trắng. Vào buổi trưa, sen chuyển sang màu hồng. Tầm 3h chiều, sen sẽ đổi qua màu hồng đậm. Khi mặt trời lặn, sen sẽ chuyển qua màu đỏ. Cứ như vậy, ngày hôm sau sen lại tiếp tục chu kỳ đó cho tới hết 3 ngày thì sẽ chuyển sang màu tím thẫm và tàn. Cứ thế, hoa này tàn thì hoa khác lại mọc lên, tạo thành một sức sống vô cùng mãnh liệt cho nơi đây.

Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê – Đồng Tháp

Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê ở Đồng Tháp với lịch sử 125 năm là điểm du lịch hấp dẫn. Nơi đây không chỉ nổi bật về kiến trúc tạo nên khung cảnh đẹp để chụp hình. Mà nét lịch sử, văn hóa mang lại nhiều giá trị để khám phá. Đặc biệt câu chuyện bí ẩn về gia tộc hiển hách cùng câu chuyện tình nổi tiếng Người Tình. Một tiểu thuyết và dựng thành phim đầy nổi tiếng kể về chuyện tình Huỳnh Thủy Lê.

đồng tháp có gì?

Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê – Đồng Tháp

Ngôi nhà vốn là nơi ở của gia đình ông Huỳnh Thủy Lê – là người tình đầu tiên của nữ văn sĩ người Pháp, Marguerite Duras. Mối tình này về sau trở thành hồi ký để bà viết nên tiểu thuyết nổi tiếng Người tình (The Lover) năm 1984. Tác phẩm này được đạo diễn người Pháp Jean-Jaques Annaud chuyển thể thành phim L’Amant năm 1992.

Ngôi nhà được ông Huỳnh Thuận (cha của ông Huỳnh Thủy Lê) xây dựng bằng gỗ năm 1895 và đến năm 1917, nhà được sửa chữa lại, toàn bộ vách gỗ xung quanh được thay bằng vôi và ô dước và nhà có dáng vóc như hiện nay.

đồng tháp có gì?

Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê – Đồng Tháp

Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê là sự kết hợp hài hòa giữa kiến trúc phương Đông và phương Tây. Toàn bộ ngôi nhà được xây dựng trên diện tích 258 mét vuông có hình dáng theo kiểu nhà truyền thống người Việt, mái lợp ngói âm dương, hai bên đầu hồi cong vút hình thuyền theo kiểu đình chùa Bắc bộ nhằm tạo nét mềm mại cho mái. Tuy nhiên, kiến trúc bên trong nhà cao ráo thoáng mát, tường được xây bằng gạch đặc rất dày từ 30-40cm bao lấy kết cấu khung gỗ làm tăng khả năng chịu lực theo lối kiến trúc truyền thống của Pháp.

Nhà có ba gian, trang trí bên trong theo kiểu người Hoa. Các bao lơn, thành vọng sơn son thếp vàng, chạm khắc rất giống như chùa người Hoa, khung bao lơn chính giữa có chạm đôi Loan Phụng thể hiện “Loan Phụng hòa minh sắc cầm thỏa hiệp” có ý nghĩa là hạnh phúc trường tồn. Các khung bao hai bên chạm trổ chim muông hoa lá thể hiện sự sung túc của gia đình. Đặc biệt, giữa gian nhà chính có thờ Quan Công, một tín ngưỡng truyền thống của người Hoa; đồng thời cũng thể hiện sức mạnh và sự phồn thịnh trong cuộc sống. Các cửa gỗ, các loại tủ, giường, bàn thờ đều được chạm khắc rất công phu, tinh xảo.

Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê đã được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh và đang đề nghị di tích cấp quốc gia; là điểm du lịch hấp dẫn dành cho du khách đến Đồng Tháp.

Khu di tích Gò Tháp – Đồng Tháp

Khu di tích Quốc gia đặc biệt Gò Tháp là một khu vực gồm nhiều gò nhỏ nằm trên một giồng đất rộng, trải dài trên địa phận xã Mỹ Hòa và xã Tân Kiều, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp. Gò Tháp được xem là nơi hội tụ của những giá trị đặc biệt về văn hóa, lịch sử, khảo cổ và tâm linh gắn liền với mỗi giai đoạn lịch sử khác nhau.

đồng tháp có gì?

Khu di tích Gò Tháp – Đồng Tháp

Khu di tích Gò Tháp được các nhà khảo cổ xác định là một tiểu quốc của vương quốc Phù Nam. Nơi đây lưu giữ gần như khá nguyên vẹn các di tích của nền văn hóa Óc Eo và vương quốc Phù Nam, với hơn 10 di tích kiến trúc đền thần Hindu giáo, ao thần, giếng thần, đường đi cùng nhiều di tích cư trú, xưởng chế tác,… và nhiều bộ sưu tập hiện vật độc đáo như: tượng thần Hindu giáo (trong đó có 02 tượng thần Vishnu được công nhận là Bảo vật Quốc gia), tượng Phật gỗ và đặc biệt là bộ sưu tập hơn 400 hiện vật vàng gồm các lá vàng, khuyên tai vàng, nhẫn vàng, sợi dây chuyền vàng,… đã được tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác nhận là “Bộ sưu tập hiện vật vàng Óc Eo – Gò Tháp nhiều nhất Việt Nam”.

đồng tháp có gì?

Khu di tích Gò Tháp – Đồng Tháp

Gò Tháp còn có “trang sử vàng son” trong cuộc chiến đấu bảo vệ đất nước. Nơi đây từng là “Đại bản doanh” của hai vị anh hùng dân tộc Thiên Hộ Võ Duy Dương và Đốc Binh Nguyễn Tấn Kiều trong cuộc đấu tranh chống Thực dân Pháp xâm lược những năm 1862 – 1866.

Sau năm 1945, Gò Tháp là “địa chỉ đỏ” của cuộc kháng chiến chống Pháp. Nơi đây được Xứ uỷ và Ủy ban kháng chiến Hành chánh Nam Bộ chọn làm căn cứ kháng chiến từ năm 1946 đến năm 1949. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Gò Tháp còn là nơi ghi dấu chiến công oanh liệt đánh sập Tháp Mười Tầng (Viễn vọng đài) của chính quyền Ngô Đình Diệm vào ngày 04 tháng 01 năm 1960 của quân và dân tỉnh Kiến Phong.

Chùa Kiến An Cung – Đồng Tháp

Chùa Kiến An Cung còn có tên khác là chùa Ông Quách nằm tại Tp.Sa Đéc, đây là công trình có lối kiến trúc độc đáo và trang nghiêm mang đậm nét văn hóa của người Hoa.

đồng tháp có gì?

Chùa Kiến An Cung – Đồng Tháp

Chùa được xây dựng vào năm 1924 đến năm 1927 thì hoàn thành. Kiến An Cung do một nhóm người Hoa – tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc) di cư sang và đã chọn Sa Đéc làm nơi định cư và dựng nên để thờ cúng tổ tiên và giáo dục con cháu, đây cung là nơi hội họp, bàn bạc viêc buôn bán, trao đổi thông tin,…

Chùa được xây theo kiểu chữ “Công” quay mặt ra rạch Cái Sơn và có tất cả 3 gian: gian giữa là điện thờ (Kiến An Cung), gian bên tả là trụ sở tập hiền, gian bên hữu là trường. Toàn bộ ngôi chùa không có kèo, mà chỉ có đòn tay được ráp mộng lại chịu lực trên những cột gỗ tròn làm trụ. Mái chùa lợp ngói theo dạng gợn sóng rồng, trải nền cho những ngọn sóng cong vút lên cao, tạo mái ngói theo chữ “ngũ hành”. Sáu đầu ngọn sóng là sáu cung điện thu nhỏ. Mái ngói được làm rất công phu tỉ mỉ, gồm 3 lớp: mặt trên là ngói – mặt giữa là gạch – cuối cùng là ngói.

đồng tháp có gì?

Chùa Kiến An Cung – Đồng Tháp

Kiến An Cung là một công trình kiến trúc được sắp đặt khéo léo với nghệ thuật chạm khắc rất tinh vi, không chỉ làm tăng thêm vẻ đẹp thẩm mỹ mà còn có ý nghĩa giáo dục, khuyên răn con nguời nên tránh dữ làm lành. Hai bên vách tô điểm những hình thập diện phong trần và nhiều chuyện xưa ý nghĩa thâm trầm.

Ở mái trước cửa ra vào có 4 chậu hoa được làm bằng gỗ sơn son thếp vàng, giữa có tấm hoành phi có đề “Kiến An Cung”. Trên cửa ra vào có 6 con lân gỗ thếp vàng, ở mỗi mặt của cánh cửa đều được vẽ cảnh sinh hoạt của vua chúa và quan ngày xưa. Cửa chính có các bức tranh được thể hiện theo lối thủy mặc, từng đường nét uyển chuyển, sắc bén, còn cửa hai bên lại có chạm khắc bông sen, chim thú thật sinh động.

Trước cửa chánh điện được đặt hai con kỳ lân bằng đá xanh to lớn, miệng đang ngậm trái châu, chạm khắc tinh xảo. Hai bên tả, hữu là 2 vị thần Thiện – Ác. Vào bên trong là sân lộ thiên nhỏ là nơi làm chỗ cúng tế. Những cột lớn trong chánh điện, các tấm hoành phi, bao lam, đối liễn đều được chạm trổ hoa lá, chim muông lộng lẫy, tôn nghiêm. Chánh điện là nơi thờ các vĩ nhân trong văn hóa Trung Hoa như: Ngọc Hoàng Thượng Đế, Quan Công (Quan Vân Trường). Phía trong chánh tẩm là bệ thờ ngài Quảng Trạch (Ông Quách Thánh Vương Công, là người quê huyện An Khê – tỉnh Phúc Kiến, người đã có công giúp Tống Thái Tổ chinh phạt nhà Nam Đường và xây dựng đất nước nhà Tống).

Vào hàng năm nơi đây thường xuyên diễn ra 2 ngày lễ (22/2 và ngày 22/8 âm lịch). Cứ 3 năm lại có thiết lập trai đàn, cúng cầu siêu cho người dân và cho quốc thái dân an.

Chùa Kiến An Cung là một trong nhiều điểm đến thu hút nhiều du khách đến tham quan tìm hiểu của du lịch Đồng Tháp và đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1990.

Khu di tích cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc – Đồng Tháp

Ghé thăm xứ sở của đất sen hồng, một trong những di tích linh thiêng mà du khách không thể bỏ qua là khu di tích Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc – vị thân sinh ra Chủ tịch Hồ Chí Minh tọa lạc ở số 123/1 Phạm Hữu Lầu, phường 4, TP. Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Đây là quần thể kiến trúc văn hoá độc đáo, được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích cấp quốc gia ngày 9/4/1992.

đồng tháp có gì?

Khu di tích cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc – Đồng Tháp

Ðây là công trình ghi ơn Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, nhà nho yêu nước và là thân phụ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Khu di tích mộ Cụ Nguyễn Sinh Sắc là một quần thể kiến trúc văn hoá độc đáo, được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích cấp quốc gia ngày 9/4/1992.

Khu di tích mộ Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc được khởi công xây dựng vào tháng 8/1975 và khánh thành vào tháng 12/1977. Với diện tích 3,6 ha, khu di tích được chia thành ba khu vực chính gồm: Khu lăng mộ Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, Nhà sàn Bác Hồ và Ao sen.

Ngôi mộ Cụ Phó bảng quay về hướng đông, có mái hình cánh sen cách điệu giống hình dáng bàn tay xòe úp xuống; trên mái đắp nổi tượng chín con rồng, tượng trưng cho các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long luôn che chở và bảo vệ ngôi mộ người chí sĩ yêu nước. Mộ được ốp bằng đá hoa cương, nền mộ bằng đá mài hình lục giác không đều, mở rộng dần ra hai bên và phía trước. Trên mộ có một đỉnh trầm bằng đá Ngũ Hành Sơn, ngày đêm khói hương thơm ngát. Khuôn viên lăng mộ có nhiều loại cây cảnh, hoa trái quý hiếm được bà con khắp cả nước mang về trồng lưu niệm, đặc biệt là cây khế gần 300 tuổi (nằm bên trái mộ) và cây sộp hơn 300 tuổi (nằm bên phải mộ).

đồng tháp có gì?

Khu di tích cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc – Đồng Tháp

Phía trước mộ là ao sen hình ngôi sao 5 cánh, chính giữa sừng sững một đài sen trắng cách điệu cao gần 7m, tượng trưng cho cuộc đời thanh bạch, lương tâm trong sáng của Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, và đó cũng là biểu tượng cho quê hương Đồng Tháp.

Rời lăng mộ Cụ Nguyễn, du khách sẽ được tham quan khu nhà lưu niệm trưng bày nhiều hiện vật, tư liệu liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp của Cụ, nhất là thời gian Cụ ở Cao Lãnh, vùng đất Nam Bộ và khu nhà sàn Bác Hồ được phục chế nguyên mẫu như nhà sàn của Bác ngay tại Khu di tích Phủ Chủ tịch ở Hà Nội. Tại đây du khách cũng có thể cảm nhận và hình dung được cuộc đời thanh đạm của Bác, góc làm việc, nơi nghỉ ngơi của Bác sau giờ làm việc…

Hàng năm, cứ vào ngày 27/10 âm lịch, nhân dân các vùng lân cận lại hội tụ về đây tham dự lễ giỗ Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc trong không khí trang nghiêm, đậm đà bản sắc dân tộc, thể hiện truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”. Tỉnh Đồng Tháp đã quyết định nâng ngày giỗ Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc hằng năm lên thành lễ hội cấp tỉnh.

Chùa Bửu Lâm – Đồng Tháp

Bửu Lâm là một ngôi chùa cổ ở Nam Bộ có tuổi đời trên 300 năm gắn liền với quá trình khai hoang lập ấp của địa phương, là một chứng tích đánh dấu sự hiện diện khá sớm của người Việt ở đồng bằng sông Cửu Long.

đồng tháp có gì?

Chùa Bửu Lâm – Đồng Tháp

Chùa Bửu Lâm (còn được gọi là chùa Tổ), tọa lạc tại ấp 3, xã Bình Hàng Trung, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Mặc dù bị chiến tranh tàn phá, đã qua nhiều lần trùng tu, nhưng chùa vẫn còn giữ được nét trang nghiêm cổ kính với thiết kế dạng chữ tam, gồm ba dãy nhà ngang nối tiếp nhau như các chùa cổ khác ở Nam Bộ. Chùa còn lưu giữ được nhiều câu đối khoán thủ mang tên chùa, nội dung ca ngợi Phật pháp cao siêu. Trước năm1966, chùa có tất cả 7 nóc, xây cất bằng vật liệu nặng gồm: Chánh điện, nhà giảng, nhà tổ, Đông lang, Tây lang, Nhà dưỡng tăng Nhà trù.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, chùa Bửu Lâm trở thành trạm liên lạc, đi lại, tập kết lương thực của nghĩa quân yêu nước do Võ Duy Dương (Thiên Hộ Vương) lãnh đạo. Ngày 25/8/1945, hàng ngàn đồng bào từ chùa Bửu Lâm trang bị mọi thứ vũ khí kéo về quận lỵ Cao Lãnh cướp chính quyền. Năm 1948, đồng chí Phạm Hữu Lầu, phó bí thư Trung ương cục miền Nam thường trú ngụ trong chùa để chỉ đạo phong trào cách mạng.

đồng tháp có gì?

Chùa Bửu Lâm – Đồng Tháp

Từ giữa năm 1948 đến năm 1952, chùa là nơi diễn ra các cuộc hội họp của nhân sĩ, trí thức yêu nước do Mặt trận Việt Minh và Hội Liên Việt tổ chức. Từ năm 1952 đến 1975, chùa là đã bị máy bay, tàu chiến của địch đánh phá, bắn cháy rất nhiều lần do chúng biết đây là cơ sở hoạt động của Việt Cộng với nhiều cán bộ lãnh đạo cao cấp, trong đó có 68 tượng Phật và nhiều cổ vật quý hiếm bị hư hỏng hoàn toàn. Tuy nhiên ngôi chùa vẫn vững vàng trong bom đạn quân thù để có lúa gạo nuôi sống cán bộ, chiến sĩ và cả thanh niên trốn lính lúc này lên đến gần 70 người.

Bửu Lâm là một ngôi chùa cổ ở Nam Bộ có tuổi đời trên 300 năm gắn liền với quá trình khai hoang lập ấp của địa phương, là một chứng tích đánh dấu sự hiện diện khá sớm của người Việt ở đồng bằng sông Cửu Long. Cạnh đó, chùa còn là nơi truyền bá Phật pháp ở Nam Bộ, hòa mình vào công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược của dân tộc, đưa cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc đến thắng lợi cuối cùng.

Chùa Bửu Lâm là ngôi chùa độc đáo, có ý nghĩa to lớn về giá trị văn hóa, lịch sử, nơi có không gian mát mẻ, xứng đáng trở thành điểm dừng chân tham quan du lịch văn hóa tâm linh.

Văn Miếu Cao Lãnh – Đồng Tháp

Ai đã một lần đến thăm Văn Thánh miếu chắc không khỏi ngỡ ngàng, vì nơi vùng đất mới khai phá của châu thổ sông Cửu Long, lại có một công trình văn hóa thờ đức Khổng Tử, có cách nay gần 150 năm.

đồng tháp có gì?

Văn Miếu Cao Lãnh – Đồng Tháp

Văn Thánh miếu đầu tiên được xây dựng tại thôn Mỹ Trà, Tổng Phong Thạnh, huyện Kiến Phong, tỉnh Định Tường (nay thuộc phường 3, thành phố Cao Lãnh) do Hồ Trọng Đính là quan Tri Phủ huyện Kiến Tường đề xướng và đứng ra xây cất. Khởi công xây dựng từ ngày 4/6 âm lịch năm Đinh Tỵ (1857) đến ngày 28/10 cùng năm thì hoàn tất. Văn Thánh miếu lúc bấy giờ giữa chính điện đặt bàn thờ to rộng, trên bàn thờ bài vị sơn son thếp vàng đề danh hiệu Đức Khổng Tử là Vạn Thế Sư Biểu. Tả hữu là bài vị của tứ thánh (Tăng Tử, Nhan Hồi, Tử Tư và Mạnh Tử). Còn bên tả vưu, hữu vưu thì thờ tiền hiền và hậu hiền, trên cột có treo nhiều câu liễn.

Năm Mậu Dần 1878, Văn Thánh miếu được dời đến vị trí hiện nay (đường Lý Thường Kiệt, phường 1, thành phố Cao Lãnh) và được tái thiết với qui mô bề thế. Khoảng từ năm 1935 đến năm 1940, Văn Thánh Miếu được trùng tu, việc thờ phượng được sắp xếp lại trong chính điện tả vưu làm thư viện, hữu vưu làm nơi hội họp. Tại đây, một hội tao đàn được thành lập, tập hợp những người ham chuộng thơ văn để xướng họa, luận bàn đạo lý phương Đông, tìm ra phương hướng bảo tồn tinh hoa của Nho học đang bị chao đảo trước sự du nhập của nền văn hóa phương Tây. Năm 1951 do hoàn cảnh chiến tranh, Văn Thánh Miếu ngưng hoạt động và hoang phế từ đó.

đồng tháp có gì?

Văn Thánh miếu – Đồng Tháp

Việc ra đời Văn Thánh miếu Cao Lãnh là sự kiện văn hóa lớn của địa phương nhằm khuyến khích mọi người tham gia học tập, nâng cao trí thức, đào tạo nhân tài cho xã hội đồng thời khôi phục, bảo tồn những tinh túy của Nho học, đã ảnh hưởng sâu sắc vào nền văn hóa và tâm tưởng con người Việt Nam qua nhiều thế hệ.

Ngày nay, Văn Thánh miếu là di tích lịch sử của tỉnh. Nơi đây được chọn làm thư viện tỉnh để lưu trữ và phổ biến kho tàng tri thức của nhân loại. Trong xu thế hòa nhập, mở cửa để phát triển kinh tế, văn hóa xã hội nhằm đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hiện nay, Văn Thánh miếu sẽ phát huy tốt hiệu quả trong giáo dục truyền thống cho các thế hệ, góp phần đẩy mạnh khuyến học, đào tạo nhân tài phục vụ đắc lực cho sự nghiệp xây dựng đất nước ngày càng văn minh, tiến bộ và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Đền thờ Ông, bà Đỗ Công Tường – Đồng Tháp

Đền thờ ông, bà Đỗ Công Tường (hay đền thờ ông, bà chủ chợ Cao Lãnh) nằm trên đường Lê Lợi, phường 2, thành phố Cao Lãnh. Hàng năm, nhân dân thành phố long trọng tổ chức ngày giỗ linh đình cho hai ông bà thiêng có công với vùng đất này.

đồng tháp có gì?

Đền thờ Ông, bà Đỗ Công Tường – Đồng Tháp

Đỗ Công Tường (? – 1820) tục danh là Lãnh, là người có công lập chợ và có công cứu giúp dân lúc bệnh tả hoành hành đầu thế kỷ 19. Sau khi mất, ông được người dân lập đền thờ, được vua nhà Nguyễn phong là Thành hoàng, và tên ông từ lâu cũng đã trở thành địa danh, đó là Cao Lãnh, hiện trực thuộc tỉnh Đồng Tháp, Việt Nam.

Không rõ quê quán Đỗ Công Tường ở đâu, chỉ biết ông và vợ từ miền Trung vào lập nghiệp tại làng Mỹ Trà (thời Minh Mạng làng này thuộc huyện Kiến Phong, phủ Kiến Tường, tỉnh Định Tường; nay thuộc phường 2, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) vào khoảng năm Đinh Sửu (1817), dưới triều vua Gia Long.

Sau mấy năm chăm chỉ khai hoang và ươm trồng, gia cư ông dần khấm khá nhờ có nguồn thu từ vườn quýt. Vườn quýt của ông bà rộng, mát mẻ, lại ở nơi thuận cả đường sông và đường bộ nên người dân xa gần thường tụ tập đến đây để đổi chác, mua bán. Thấy vậy, ông bỏ tiền ra dựng lên những lều quán bằng cây lá, để có chỗ cho người mua bán tránh mưa nắng. Lần hồi các hiệu buôn bên chợ Hòa Thành (tức Hòa An bây giờ) cũng dời qua, làm cho nơi đây ngày càng thêm tấp nập, và cái tên chợ Vườn Quýt có từ khi ấy.

Và cũng vì hay giúp đỡ người nghèo, cộng thêm tính tình cương trực, nên ông được dân làng cảm phục, cử làm chức Câu đương, để lo việc phân xử những việc kiện cáo nhỏ tại địa phương. Năm Canh Thìn (1820), nạn dịch tả bỗng dưng hoành hành rất dữ. Dân chúng trong vùng bị bệnh chết rất nhiều, đâu đâu cũng vắng vẻ, ảm đạm, và tiếng mõ kêu cứu cứ một lát lại thúc lên từng hồi.

Động lòng trắc ẩn, một mặt ông bà Đỗ Công Tường tìm thuốc hay thầy giỏi về chạy chữa, một mặt ông bà ăn chay lập bàn cầu nguyện xin được chết thay cho dân, vì lúc bấy giờ không ít người có quan niệm rằng bệnh tật này là do trời đất, thần thánh quở phạt. Cầu nguyện và chay lạt từ ngày mùng 6 đến mùng 9, thì bà lâm bệnh dịch và qua đời khoảng 10 giờ đêm hôm đó. Đang lo việc tẩm liệm cho vợ, thì ông cũng tắt thở lúc 3 giờ rạng sáng hôm sau, tức ngày mùng 10, vì căn bệnh vừa kể. Tương truyền, chôn cất ông bà xong thì bệnh dịch liền nhanh chóng chấm dứt, cuộc sống dân lành lần hồi trở lại như xưa.

đồng tháp có gì?

Đền thờ Ông, bà Đỗ Công Tường – Đồng Tháp

Thương ông bà Đỗ Công Tường không con, không có ai thờ phụng, và cũng vì tưởng nhớ công ơn của người đã khuất, người dân lập đã tự nguyện góp công góp của dựng lên một đền thờ kề bên hai ngôi mộ của ông bà, và lấy ngày mùng 8 đến mùng 10 tháng 6 (âm lịch) hàng năm làm ngày lễ giỗ.

Kể từ khi thành lập (1820) Đền thờ Ông, bà Đỗ Công Tường – Đồng Tháp đã trải qua nhiều lần tôn tạo và trùng tu, ngôi đền đơn sơ xưa nay đã là một công trình cổ kính, trang nghiêm và đẹp đẽ, hiện tọa lạc trên đường Lê Lợi thuộc phường 2, thành phố Cao Lãnh. Ngày 20 tháng 4 năm 2001, đền thờ được công nhận là Di tích cấp tỉnh, thành phố.

Di tích Đền thờ Trần Văn Năng – Đồng Tháp

Cuộc kháng chiến chống quân Xiêm vào đầu thế kỷ XIX do Thượng tướng Quận công Trần Văn Năng lãnh đạo được lưu truyền rộng rãi trong quần chúng nhân dân. Để tưởng nhớ công ơn to lớn của vị tướng anh hùng, người dân đã lập ngôi miếu thờ bên vàm rạch Đốc Binh Vàng nay thuộc ấp Nam, xã Tân Thạnh, huyện Thanh Bình. Hàng năm, cứ vào ngày giỗ ông (15, 16 tháng 2 âm lịch), đông đảo bà con khắp nơi đến cúng viếng.

đồng tháp có gì?

Di tích Đền thờ Trần Văn Năng – Đồng Tháp

Đền thờ Thượng tướng Quận công Trần Văn Năng có diện tích 1.000m2, được chia làm hai khu vực: sân đền và dinh thờ. Công trình đền thờ xây dựng công phu chứa đựng nhiều ý nghĩa sâu sắc. Bức tượng thờ với hình ảnh vị tướng cầm gươm hướng thẳng về phía trước, thể hiện khí thế anh hùng. Trong dinh thờ được trang trí hoa văn đẹp mắt, những câu đối… Ngày 19/1/2004, đền thờ được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận Di tích Lịch sử văn hóa cấp quốc gia.

đồng tháp có gì?

Di tích Đền thờ Trần Văn Năng – Đồng Tháp

Đền thờ được làm bằng gỗ, trải qua nhiều năm đền thờ bị xuống cấp. Năm 2008, đền thờ được khởi công trùng tu với các hạng mục như: cổng, dinh thờ, sân, tượng, tổng kinh phí 5,6 tỉ đồng. Đến nay, việc trùng tu cơ bản hoàn thành. Từ khi được trùng tu đến nay, số lượng khách đến viếng ngày một đông. Đặc biệt, vào hai ngày giỗ của ông, lượng khách lên đến vài ngàn người.

Để phát huy giá trị di tích đền thờ Trần Văn Năng, Ban quản lí di tích cùng chính quyền và nhân dân ra sức giữ gìn, phát huy giá trị di tích qua việc làm vệ sinh đền thờ để tạo khung cảnh thông thoáng sạch đẹp; tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về việc bảo vệ đền thờ. Có nhiều người tình nguyện đến đây làm cỏ, vệ sinh đền thờ, lau chùi tượng. Khi những học sinh đến cúng viếng, người quản lí đền thờ thường kể cho các em nghe về những chiến công của vị tướng anh hùng.

Di tích Chiến thắng Giồng Thị Đam – Gò Quản Cung

Khu Di tích Giồng Thị Đam – Gò Quản Cung tọa lạc xã An Phước, huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp. Đây là điểm du lịch Đồng Tháp về nguồn ý nghĩa, khách có thể tham quan phòng trưng bày các tư liệu, hiện vật lịch sử; tìm hiểu về sự hình thành và phát triển của Tiểu đoàn 502 anh hùng, những trận đánh của quân và dân Đồng Tháp trên đồng nước nổi năm xưa.

đồng tháp có gì?

Di tích Chiến thắng Giồng Thị Đam – Gò Quản Cung

Ngày 26/9/1959, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân Tiểu đoàn 502 tỉnh Kiến Phong tiêu diệt một Tiểu đoàn địch tại Giồng Thị Đam – Gò Quản Cung ngay trong lần đầu ra quân.

Trong 2 ngày, 42 tay súng của Tiểu đoàn 502 chiến đấu 2 trận, diệt gọn Đại đội 12, Đại đội 7 và Ban Chỉ huy Tiểu đoàn 3 thuộc Trung đoàn 43, Sư đoàn 23 chủ lực Sài Gòn; đánh bại cuộc hành quân cấp Trung đoàn do phân khu Bắc tổ chức… Tiểu đoàn 502 còn thực hiện tốt công tác binh vận, giáo dục, cảm hóa, phóng thích tù binh. Đơn vị được tặng thưởng nhiều Huân chương chiến công, hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ được tặng Huân, Huy chương các loại, và được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân vào năm 1976. Sau khi hòa bình thống nhất Tiểu đoàn 502 làm tròn nghĩa vụ quốc tế giúp nước bạn Campuchia và đang tiếp tục phát huy truyền thống đơn vị anh hùng, sẵn sàng chiến đấu xây dựng lực lượng ngày càng vững mạnh.

đồng tháp có gì?

Di tích Chiến thắng Giồng Thị Đam – Gò Quản Cung

Chiến thắng Giồng Thị Đam – Gò Quản Cung là chiến công xuất sắc đầu tiên của đơn vị bộ đội địa phương tỉnh nhà khi vừa tuyên thệ đổi phiên hiệu thành Tiểu đoàn 502 được 3 ngày; là thắng lợi quân sự sớm và lớn nhất. Chiến thắng lịch sử Giồng Thị Đam – Gò Quản Cung đi vào huyền thoại lịch sử cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ví như “tiếng sấm đầu mùa” khởi đầu cho cuộc đấu tranh ở miền Nam.

Để ghi dấu sự kiện lịch sử hào hùng, giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, năm 1999, hoa viên và tượng đài chiến thắng Giồng Thị Đam – Gò Quản Cung được xây dựng tại xã An Phước, huyện Tân Hồng.

Năm 2004, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích chiến thắng Giồng Thị Đam – Gò Quản Cung là Di tích lịch sử cấp Quốc gia.

Đồng Tháp có gì? Bạn đang muốn tìm một nơi để giải tỏa tâm hồn nhưng chưa biết đi đầu thì hãy đến với Đồng Tháp – chuyến hành trình tại đây hứa hẹn sẽ mang đến cho bạn nhiều trải nghiệm thú vị. Tạm quên những điểm du lịch nổi tiếng trước đó và thử đặt chân đến đây xem sao nhé.

Đăng bởi: Lê Hằng

YOLO! Khám phá các huyện ở Đồng Tháp

ALONGWALKER Singapore: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Philippines: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Indonesia: Saluran untuk mengeksplorasi pengalaman para pemuda global ALONGWALKER Malaysia: Saluran untuk menjelajahi pengalaman global belia ALONGWALKER Japan: 発見・体験、日本旅行に関する記事 ALONGWALKER Thailand: ช่องทางในการสำรวจประสบการณ์ของเยาวชนระดับโลก