Hà Nội

Du lịch cuối tuần Hà Nội: Khám phá 5 làng nghề truyền thống đầy thú vị

Hà Nội với lịch sử nghìn năm văn hiến đã kiến tạo nên nền văn hóa đa dạng sắc màu. Dẫu khoa học kỹ thuật ngày càng phát triển, những giá trị dân gian vẫn không phai nhạt trong từng làng nghề truyền thống nơi đất Kinh Kỳ. chúng mình sẽ gợi ý giúp bạn 5 làng nghề truyền thống cho chuyến đi cuối tuần.

hà nội, việt nam, du lịch cuối tuần hà nội: khám phá 5 làng nghề truyền thống đầy thú vị

1. Làng Thạch Xá

2. Làng quạt Chàng Sơn

3. Làng nón Chuông

4. Làng lồng chim Canh Hoạch

5. Làng rối nước Đào Thục

1. Làng Thạch Xá

🔗1. Làng Thạch Xá

Nằm cách Hà Nội 30km về phía Tây, có một ngôi làng nhỏ nơi xóm chùa Tây Phương nổi tiếng với nghề làm chuồn chuồn tre. Những con chuồn chuồn bằng gỗ với đôi cánh khéo léo tinh xảo, chỉ cần đặt nhẹ lên tay là sẽ tự mình đứng yên không đổ chính là món đồ chơi gắn liền với ký ức của bao người Hà Nội.

Nghề làm chuồn chuồn tre đã có mặt và phát triển ở làng Thạch Xá được gần 20 năm. Ban đầu, đây chỉ là nghề phụ mà dân làng làm thêm trong những vụ nông nhàn để bán cho du khách thập phương khi ghé thăm danh thắng chùa Tây Phương trong vùng. Chẳng ngờ rằng sức hút của những chú chuồn chuồn tre đơn giản mà sinh động này lại hấp dẫn tới nỗi người dân làm ra bao nhiêu, du khách mua hết bấy nhiêu. Chính từ ấy, nghề làm chuồn chuồn đã trở thành nghề chính của làng, góp phần giúp người dân làng Thạch Xá có cơ hội phát triển kinh tế, tạo nên cuộc sống no ấm hơn.

hà nội, việt nam, du lịch cuối tuần hà nội: khám phá 5 làng nghề truyền thống đầy thú vị

Chuồn chuồn tre làng Thạch Xá. Ảnh: MyHanoi

Để làm ra những con chuồn chuồn tre xinh xắn, vừa nhẹ vừa chắc, những nghệ nhân nơi đây phải lựa chọn kỹ lưỡng và nhập về loài tre rừng từ các tỉnh Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Sơn La để đảm bảo thân tre mỏng nhưng cứng cáp, ít bị mốc. Sau đó, người thợ phải tỉ mẩn qua nhiều công đoạn như cào tinh tre, phơi khô sạch sẽ, cắt tỉa những phần không đảm bảo chất lượng, phân chia thành từng bộ phận mới bắt đầu tạo hình thành những chú chuồn chuồn.

Các miếng tre lại được vót thành cánh, thành thân, uốn mỏ cong theo tỉ lệ vô cùng chính xác, đảm bảo tính cân bằng trọng lực thì những chú chuồn chuồn mới có thể đứng vững. Sau đó, các nghệ nhân sẽ lắp ghép cánh vào thân và hoàn thành tác phẩm của mình bằng những màu sơn sặc sỡ cùng các hoa văn sống động.

Đến với làng Thạch Xá trong hành trình du lịch cuối tuần Hà Nội, bạn có thể tham quan các xưởng làm chuồn chuồn, thử tự mình ráp các bộ phận, tra cánh và vẽ nên một con chuồn chuồn của riêng mình làm kỷ niệm. Giá các loại chuồn chuồn bán tại làng cũng không hề đắt, con nhỏ khoảng 10.000đ còn con lớn khoảng 15.000đ.

  • Cách đi: từ trung tâm Hà Nội, du khách đi theo đường đại lộ Thăng Long khoảng 25km, tìm biển chỉ dẫn tới Chùa Tây Phương là sẽ tới làng.

2. Làng quạt Chàng Sơn

🔗2. Làng quạt Chàng Sơn

Bước chân tới Chàng Sơn, du khách sẽ vô cùng ấn tượng với từng hàng quạt sặc sỡ xếp đầy trên sân đình, dọc những con ngõ nhỏ, vào tận góc nhà dân. Chính vì vậy, dù người dân nơi đây được gọi là dân “bách nghệ”, nhưng nghề làm quạt mới là nghề thủ công tạo nên tiếng tăm cho làng.

Kể từ thế kỷ 19, quạt Chàng Sơn đã nổi tiếng khắp nước, danh tiếng làng Chàng Sơn đã gắn liền với cây quạt. Do đó, các nghệ nhân trong làng cũng được trọng vọng, thậm chí, người làm quạt giỏi còn được phong chức Bá Hộ, một phẩm hàm cao cấp cho hào lý hoặc người giàu có thời phong kiến. Cho đến ngày nay, dù người dân đã chuyển sang dùng quạt máy hay điều hòa nhiệt độ thì quạt giấy Chàng Sơn vẫn giữ được chỗ đứng của mình ở cả thị trường trong và ngoài nước.

hà nội, việt nam, du lịch cuối tuần hà nội: khám phá 5 làng nghề truyền thống đầy thú vị

Quạt Chàng Sơn có giá trị thẩm mỹ, nghệ thuật cao.

Không chỉ có giá trị hữu dụng cao mà quạt giấy còn mang trong mình những giá trị nghệ thuật, triết lý lịch sử lâu bền. Quạt có thể được dùng để quạt mát, để làm vật trang trí cầm tay cho các cô gái, là đạo cụ làm nên những điệu múa uyển chuyển của người Việt Nam. Quạt cũng là nơi thể hiện được tài năng của người nghệ sĩ qua những tranh vẽ sinh động hay những áng thơ, nét bút dịu dàng.

Người dân Chàng Sơn làm khá nhiều loại quạt như quạt giấy, quạt ghép, quạt the, quạt thư pháp, quạt lụa,… Trong đó, loại quạt được sản xuất nhiều nhất là quạt the, còn loại quạt nổi tiếng nhất là quạt tranh. Nguyên liệu cơ bản của các loại quạt này đều gồm tre, giấy, vải và hồ nếp. Tre sau khi cắt ống, cạo tinh xay, tách cật sẽ được gắn sơn ta rồi bó chặt trong vài tháng. Sau đó, người thợ mới vót tre để thành nan, nối lại bằng sợi mây rồi bôi hồ dán giấy.

hà nội, việt nam, du lịch cuối tuần hà nội: khám phá 5 làng nghề truyền thống đầy thú vị

Một nghệ nhân đang tước nan quạt. Ảnh: Hà Nội Mới

Các loại quạt giấy quạt the thì chỉ cần dùng giấy nhuộm màu dán lên nan là đã ra thành phẩm. Với các loại quạt tranh, người thợ phải tỉ mẩn đưa từng nét bút, xếp từng khung cảnh sao cho thật hài hòa khéo léo. Không những thế, khi vẽ, thợ còn phải chú ý tính toán sao cho khi gấp quạt lại, nếp gấp sẽ không cắt lên mặt người mà phải nằm đúng ở khoảng không.

Tỉ mỉ là thế nên những chiếc quạt Chàng Sơn luôn nhận được đông đảo sự ủng hộ từ người tiêu dùng trong và ngoài nước. Ngày nay, những phiến quạt này không chỉ đem lại gió mát lành cho người Việt mà còn giúp quảng bá tay nghề thủ công mỹ nghệ tinh xảo của Việt Nam ra thế giới.

Để đến được làng Chàng Sơn, bạn có thể bắt chuyến xe 89 từ bến xe Yên Nghĩa và nhớ hỏi phụ xe để biết điểm xuống của mình. Làng Chàng Sơn cũng có diện tích khá rộng với nhiều hộ làm quạt tư nhân tại gia không treo biển hiệu nên bạn hãy hỏi thăm người dân để tìm tới được các xưởng làm quạt để tham quan và tận hưởng thời gian vui vẻ của chuyến du lịch cuối tuần Hà Nội.

3. Làng nón Chuông

🔗3. Làng nón Chuông

Tuổi đời của nghề làm nón làng Chuông tại Hà Nội cho đến nay đã tính được bằng ngót nghét ba thế kỷ, người dân làng cũng chẳng còn nhớ được tổ nghề của mình là ai nhưng câu chuyện về ông Hai Cát vực dậy cả một làng nghề trong những năm đầu thế kỷ 20 ấy cho đến nay vẫn là cả một huyền thoại.

Ngày đó, giữa cuộc đại khủng hoảng kinh tế những năm 1930, người dân làng Chuông bỏ làng đi hết để tìm kế sinh nhai. Cái nghèo, cái đói khiến làng nón gần 500 năm tuổi khi ấy đứng trước nguy cơ lụi tàn dẫu cho khi xưa nơi đây từng hưởng biết bao vinh hoa phú quý vì được chọn là nơi làm nón tiến Vua. Mặc dù vậy, ông Hai Cát, lúc bấy giờ chỉ là một chàng thanh niên đã quyết tâm làm ra một chiếc nón Huế, thứ nón đang thịnh hành nhất lúc đấy, ngay tại đất Hà Thành để mang về danh tiếng cho làng. Tới năm 1930, chiếc nón của ông Hai cát đã thắng lớn trong hội chợ Trường Đấu Xảo – Hà Đông và giúp ông mang về làng một nghề làm nón mới cùng 6 cái giấy phép dạy nghề xuyên suốt mạn Hà Đông, Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng.

hà nội, việt nam, du lịch cuối tuần hà nội: khám phá 5 làng nghề truyền thống đầy thú vị

Thêu lá, bước cuối cùng để hoàn thành chiếc nón. Ảnh: Thanh Niên

Nón lá làng Chuông được làm từ lá cọ, chỉ và khung nón. Những tấm lá xanh và sáng đều được hái về sau đó vò trong cát cho mềm rồi đem phơi khoảng hai, ba nắng cho đến khi chuyển màu bạc trắng. Sau đó, lá được là phẳng với lưỡi cày bọc giẻ cho thật mịn, không bị cháy, đỏ. Vòng nón làng Chuông được làm bằng cật nứa vót nhỏ và thường có 16 vòng thay vì 20 vòng để nón vẫn chắc nhưng sẽ nhẹ và mềm mại hơn. Công đoạn cuối cùng chính là xếp lá và thêu vào nón. Đây chính là một trong những công đoạn quan trọng nhất vì chỉ cần một mũi thêu lệch thôi là cả chiếc nón sẽ không thể nào đều đẹp được. Thậm chí chỉ cần đưa kim mạnh một chút thôi là lá sẽ bị nát, khi đội lên đầu nắng sẽ chiếu được qua lỗ chân kim.

Nếu đến thăm làng Chuông, bạn hãy chọn đi vào các ngày mùng 4, 10, 14, 30, 24 và 30 Âm Lịch hàng tháng để được tham gia buổi chợ phiên của làng. Làng Chuông thuộc xã Phương Trung, huyện Thanh Oai, cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 30km. Từ Hà Nội, bạn có thể đi theo hướng quốc lộ 6 đi Hòa Bình, tới ngã ba Ba La rẽ trái để đi hướng chùa Hương. Qua thị trấn Kim Bài khoảng 2km và rẽ phải tại ngã ba là bạn sẽ thấy ngay làng Chuông nhỏ xinh nằm bên dòng sông Đáy.

4. Làng lồng chim Canh Hoạch

🔗4. Làng lồng chim Canh Hoạch

Người dân Hà Thành vốn nổi tiếng là luôn sành trong phong cách sống, từ nếp ăn, nếp mặc cho đến cả nếp chơi. Trong đó tao nhã nhất phải kể đến thú chơi chim như trong câu nói các cụ xưa truyền lại là “Chơi đồ cổ để giữ thần, chơi cây để giữ lễ, chơi chim để luyện trí”.

Đã là người chơi chim ở đất Hà Nội, không ai là không biết đến danh tiếng của làng lồng chim Canh Hoạch hay còn gọi là làng Vác ở huyện Thanh Oai. Nghề làm lồng chim ở làng đã xuất hiện từ nhiều đời trước, tính đến nay đã có cả trăm năm lịch sử. Từ xưa đã có câu ca dao “Ai về làng Vác nhắn nhờ. Mua lồng Canh Hoạch, đồ thờ Võ Lăng.” để nhằm ca ngợi sự xuất sắc của tay nghề thủ công mỹ nghệ nơi đây.

Lồng chim Canh Hoạch không chỉ tinh tế từ nước gỗ, màu sơn mà còn phô bày được nét sang trọng qua đủ hình dạng phong phú từ lồng tròn, vuông, hình tháp, lục lăng,… Vật liệu làm lồng luôn được tuyển chọn kỹ càng. Tre trúc phải nhập từ tận Cao Bằng, Vĩnh Phúc và chỉ lấy những cây đủ tay, đủ mắt, đủ mầm măng chưa nổi củ. Sau khi mang về, chúng sẽ được bổ ra, uốn nắn rồi cho vào nồi luộc 12 tiếng trước khi đem ngâm bùn 10-15 ngày để nếp uốn cong của nan lồng vừa bền, vừa đẹp.

hà nội, việt nam, du lịch cuối tuần hà nội: khám phá 5 làng nghề truyền thống đầy thú vị

Chiêm ngưỡng những chiếc lồng chim làng Canh Hoạch. Ảnh: Dân Việt

Phần đế lồng thường được làm từ gỗ thị hoặc gỗ mít để dễ chạm khắc và chống mối, mọt. Có loại lồng chỉ làm đế trơn, hoặc khắc các hình đơn giản nhưng cũng có loại đế được trạm trổ công phu như lồng Bát Tiên. Mỗi chân lồng được chạm khắc 8 vị tiên, vậy tổng cộng một chiếc lồng 3 chân có tất cả 24 vị tiên.

Người dân làng Canh Hoạch không chỉ tự hào vì sản phẩm của họ được người tiêu dùng trong nước tin tưởng mà còn được xuất khẩu ra các nước như Singapore, Thái Lan, Malaysia, Úc,… Trong đó vào thời kỳ hưng thịnh nhất của làng, có khi mỗi tháng làng Canh Hoạch xuất được từ 50-70 lồng sang Singapore.

Từ thị xã Hà Đông, theo quốc lộ 6 đến Ba La rẽ trái, theo đường quốc lộ 21, đi khoảng 19 km nữa là tới ngã tư Vác hay chính là làng Canh Hoạch. Chỉ cần bước vào làng là du khách đã thấy những lồng chim nan đều tăm tắp, bóng nước sơn được phơi ở khắp mọi nơi trong tiếng vót nan, máy xẻ tre kêu rào rào không nghỉ. Nếu được, bạn hãy tới thăm Canh Hoạch vào ngày 11 tháng 3 m Lịch để có thể tham dự hội đình làng. Vào thời điểm này, bạn sẽ không chỉ được khám phá nghề làm lồng chim tại đây mà còn có thể tham dự vào các hoạt động rước kiệu, rước quạt cung đình độc đáo của người Canh Hoạch.

5. Làng rối nước Đào Thục

🔗5. Làng rối nước Đào Thục

Bạn chắc chắn sẽ không muốn bỏ sót Làng nghề rối nước Đào Thục trong chuyến hành trình du lịch cuối tuần Hà Nội của mình. Suốt 300 năm qua, những người nghệ nhân tại làng Đào Thục đã trầm mình dưới nước để lưu giữ một loại hình văn hóa độc đáo của người Việt là múa rối nước. Với hơn 20 tích trò, từ những vở rối cổ mô tả lại công việc đồng áng của nông dân, các trò chơi dân gian, các lễ hội cho đến những điển tích, truyện cổ như Thạch Sanh, ngôi làng Đào Thục vẫn ngày ngày tháng tháng cần mẫn đem lại tiếng cười và sự sảng khoái cho nhân dân qua các buổi diễn của mình.

Làng Đào Thục chỉ sử dụng loại rối máy sào dây vì chúng có thể thực hiện được nhiều loại động tác khó như vung vẩy cả hai tay, dễ dàng sang trái, sang phải và có thể quay ngược người để đi vào buồng trong cánh gà. Tuy nhiên, việc điều khiển loại con rối này cũng khó hơn rất nhiều và chỉ có những người nghệ sĩ lành nghề mới có thể làm được.

Phường rối Đào Thục hiện có hơn 30 nghệ nhân, trong đó người lớn tuổi nhất đã ngoài 70 còn người trẻ nhất vẫn đang học phổ thông. Họ tự tay làm các con rối để phục vụ các màn biểu diễn. Mỗi con rối thường cao khoảng 30-40 cm, được điêu khắc thành các nhân vật khác nhau như nông dân, chú Tễu, lính canh, nàng tiên,… Chúng được làm từ gỗ, sau đó sơn màu, vẽ ngũ quan và cuối cùng là được phủ một lớn sơn ngoài cùng để chống thấm nước.

hà nội, việt nam, du lịch cuối tuần hà nội: khám phá 5 làng nghề truyền thống đầy thú vị

Các con rối nước truyền thống. Ảnh: Hanoi Citynet

Những con rối này chính là những đứa con tinh thần của các nghệ nhân và nghệ sĩ làng Đào Thục. Chúng giúp họ lưu giữ được nghề truyền thống của tổ tiên, đưa văn hóa dân gian đến gần gũi hơn với đồng bào. Lịch diễn của làng Đào Thục khá điều đặn, hầu như ngày nào cũng có. Đặc biệt trong dịp Tết âm lịch, phường rối lại càng bận rộn hơn với lượng du khách thập phương nô nức kéo về xem những vở diễn ngày lễ.

Từ trung tâm Hà Nội tới Đào Thục, bạn đi thẳng hướng Cầu Đuống rồi rẽ trái theo quốc lộ 3 khoảng 20km đến cầu Phủ Lỗ, men theo triền đê sông Cà Lồ là sẽ tới nơi. Ngoài tới đây tham quan và thưởng thức các tiết mục rối nước hấp dẫn, bạn cũng có thể ghé thăm nghề mộc của làng. Đây cũng là một trong những nghề lâu đời khác của ngôi làng với đầy những đôi bàn tay nghệ nhân tinh hoa này.

Với 5 gợi ý trên, chúng mình chúc bạn sẽ có nhiều trải nghiệm lý thú cho một cuối tuần không chỉ quanh quẩn trong thành phố chật hẹp. Hãy cùng rủ bạn bè nhấc ba lô lên và đi chơi thôi, dù chỉ quanh Hà Nội cũng vẫn có rất nhiều những địa danh lý thú đang chờ bạn khám phá. Và đừng quên ghé thăm website chúng mình để tìm cho mình các tour du lịch quanh Hà Nội giá rẻ hấp dẫn nhé.

Đăng bởi: Hoàng Thương

YOLO! Khám phá các quận/huyện ở Hà Nội

ALONGWALKER Singapore: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Philippines: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Indonesia: Saluran untuk mengeksplorasi pengalaman para pemuda global ALONGWALKER Malaysia: Saluran untuk menjelajahi pengalaman global belia ALONGWALKER Japan: 発見・体験、日本旅行に関する記事 ALONGWALKER Thailand: ช่องทางในการสำรวจประสบการณ์ของเยาวชนระดับโลก