Hội An Quảng Nam

Du lịch Hội An trải nghiệm chơi bài chòi, làm đèn lồng

Phố cổ Hội An được nhiều du khách ví như một miền cổ tích. Và khi nhớ về miền cổ tích ấy hẳn khó mà quên những chiếc đèn lồng lung linh sắc màu bên sông Hoài và những câu thai dân dã của bài chòi như một phần hồn của du lịch Hội An.

Trong không gian đêm Hội An đẹp lung linh cổ tích, những câu thai dân dã, tài tình trong tiếng trống, đàn đệm rộn ràng hòa cùng sắc màu lung linh tỏa ra từ những chiếc đèn lồng thắp sáng cả một khoảng sân nhỏ bên bờ sông Hoài.

Độc đáo loại hình nghệ thuật hát bài chòi ở Hội An

Du lịch Hội An trải nghiệm chơi bài chòi, làm đèn lồng, Khám Phá

Bài chòi là một loại hình nghệ thuật và cũng là trò chơi dân gian phổ biến ở các tỉnh, thành miền Trung. Người ta dựng 9 chòi hoặc 11 chòi, mỗi bên có 4 hay 5 chòi vừa cho khoảng vài ba người ngồi chơi và một chòi ở chính giữa gọi là chòi mẹ hay chòi cái. Một bộ bài chòi có 30 con bài được cải tiến từ bộ bài tam cúc, mỗi con bài có mỗi tên gọi như ông ầm, lá liễu, chín gối, nhì nghèo, ba gà…Ở hội bài chòi được tổ chức thường xuyên hằng đêm ở phố cổ Hội An, khách chơi sẽ được phát một thẻ bài có 3 con bài. Người hô hát bài chòi sẽ xóc và rút một thẻ bài từ ống cái, rồi tìm câu thai để hô con bài. Câu thai có thể hiểu là câu dẫn để người chơi lắng nghe rồi đoán con bài trên tay người hô hát hiệu là con gì trước lật bài. Người chơi trúng hết ba con bài trong cùng một thẻ trước là người đó thắng.

Phần thưởng cho những du khách du lịch Hội An tham gia trò chơi này không có giá trị vật chất quá lớn, thường là một chiếc đèn lồng Hội An hay một món quà nhỏ nào đó để du khách mang về làm kỷ niệm. Song trải nghiệm thú vị nhất khi tham gia trò chơi dân gian này chính là những câu thai dân dã, tài tình của anh hiệu trong tiếng trống, tiếng dàn đệm rộn rã. Câu thai là một câu nhạc có âm điệu, tiết tấu, âm hưởng riêng có của bài chòi. Trong đó chứa đựng kho tàng ca dao, dân ca địa phương. Vì thế, bài chòi là một trò chơi nhưng cũng xứng đáng là một loại hình nghệ thuật dân gian níu chân du khách, cả trong và ngoài nước, bởi chính sức hút giá trị của một trò chơi dân gian, một loại hình nghệ thuật dân gian đậm đà bản sắc văn hóa bản địa.

Trải nghiệm ngắm và làm đèn lồng phố Hội

Du lịch Hội An trải nghiệm chơi bài chòi, làm đèn lồng, Khám Phá

Hội An được biết đến là một cảng thị Faifo sầm uất trong quá vãng từ hơn 500 năm trước vào hồi cuối thế kỷ 16 – đầu thế kỷ 17. Bấy giờ, cảng thị Faifo là điểm dừng chân của thuyền buôn khắp thế giới, khiến cho mảnh đất này không chỉ là xứ giao thương nổi tiếng trên con đường tơ lụa nổi tiếng trên biển, mà còn sớm trở thành miền hạnh ngộ của nhiều nền văn hóa đa sắc.

Chiếc đèn lồng phố Hội chính là kết tinh của mối giao thoa văn hóa Việt – Hoa – Nhật Bản ở Hội An từ hơn 500 năm trước. Từ bao thế kỷ trước, người dân sống trong phố cổ vẫn giữ lệ treo đèn lồng vào những đêm rằm, hay những dịp trọng đại ở các đình chùa, nhà cổ. Và ngày nay, đèn lồng gắn liền với thương hiệu Hội An, miền cổ tích lung linh say lòng du khách.

Trong những đêm rằm ở phố, đèn lồng tỏa sắc từ những mái nhà cổ kính, đèn lồng giăng giăng khắp ngã phố, nối hàng duyên dáng dọc theo những chiếc cầu bắc ngang sông Hoài soi bóng xuống lòng sông dệt nên bức tranh thơ mộng riêng có ở Hội An.

Rất nhiều du khách đến phố cổ đều muốn mang những chiếc đèn lồng về làm kỷ niệm hay làm quà tặng cho người thân. Nghề làm đèn lồng truyền thống ở Hội An nhờ đó mà trở mình hồi sinh theo nhịp bước chân du khách từ thập niên 90 thế kỷ trước.

Ở Hội An hiện nay có khoảng trên dưới 30 cơ sở làm đèn lồng truyền thống. Song, nói về nghề làm đèn lồng, người dân ở đây vẫn luôn nhớ đến ông Huỳnh Văn Ba – nghệ nhân đã hơn 80 tuổi là người đầu tiên sáng tạo những chiếc đèn lồng kiểu truyền thống nhưng có thể thu gọn với các vật liệu mềm mại hơn để du khách có thể dễ dàng mang về.

Cơ sở đèn lồng hiện nằm phía sau Khổng Miếu – một điểm đến ở Hội An hấp dẫn du khách. Nghệ nhân đến nay đã tuổi cao, có con cháu và những học trò nối nghề, tiếp tục sáng tạo ra những mẫu đèn lồng với nhiều kiểu dáng, thiết kế đa dạng hơn.

Hằng ngày, du khách trong và ngoài nước vẫn miệt mài theo các tour học nghề truyền thống địa phương bằng cách đến các cơ sở hoặc nhà biểu diễn trên phố Nguyễn Thái Học. Họ dõi theo những đôi bàn tay tài hoa của những người thợ làm đèn lồng. Những thanh tre được người thợ thoăn thoắt dát mỏng, uốn cong tạo khung theo từng kiểu dáng. Những mảnh vải lụa mềm được cắt dán cẩn thận, tinh xảo. Nhiều chiếc đèn được thêu hay vẽ những hoa văn mang ý nghĩa bản sắc văn hóa địa phương.

Ngoài đèn lồng bọc lụa, nay còn có những chiếc đèn lồng được chế tác từ sợi nhựa, mây tre hay các vật liệu khác. Tưởng chừng đơn giản, nhưng bắt tay thử làm một chiếc đèn lồng nhỏ thôi đã thấy không hề giản đơn. Công việc đòi hỏi sự kiên trì, cẩn thận trong từng chi tiết, và khéo léo để làm ra một chiếc đèn tròn trịa, vuông vắn như ý. Đèn lồng là kết tinh mối giao thoa văn hóa Việt – Hoa – Nhật lâu đời ở phố Hội. Đèn lồng cũng là tinh hoa của những đôi bàn tay tài hoa ở phố Hội.

Du lịch Hội An để một lần được quay về thời thơ ấu, hãy thử trải nghiệm hết cả 2 hoạt động này bạn nhé. Chắc chắn bạn sẽ có nhiều kỷ niệm khó quên.

(Nguồn bài viết: Sưu tầm và tổng hợp
@camnangdulich #camnangdulich)

Đăng bởi: Nguyễn Thị Lan

YOLO! Khám phá các huyện ở Quảng Nam

ALONGWALKER Singapore: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Philippines: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Indonesia: Saluran untuk mengeksplorasi pengalaman para pemuda global ALONGWALKER Malaysia: Saluran untuk menjelajahi pengalaman global belia ALONGWALKER Japan: 発見・体験、日本旅行に関する記事 ALONGWALKER Thailand: ช่องทางในการสำรวจประสบการณ์ของเยาวชนระดับโลก