Hong Kong

Gặp quê nhà ở Hong Kong

Vừa bước ra khỏi ga tàu điện ngầm Tsim Sha Tsui ở trung tâm Hong Kong, du khách Việt Nam sẽ giật mình khi thấy con đường có tên Hanoi, Haiphong.

Gặp quê nhà ở Hong Kong

Không phải vì tên hai con đường lấy từ tên hai địa phương của Việt Nam mà tôi mới có cảm giác Hong Kong gần gũi với quê nhà của tôi như vậy. Cách đây vài năm, khi từ Trung Quốc nhập cảnh vào Hong Kong, tôi gặp trục trặc ở khâu hải quan và buộc phải quay lại đại lục. Một chương trình tham quan Hong Kong – Thẩm Quyến của khách Việt Nam nguyên tắc phải vào Hong Kong trước.

Vì chính sách hải quan Hong Kong đối với khách Việt Nam là phải vào Hong Kong bằng đường hàng không, trong khi từ Thẩm Quyến đến Hong Kong không có đường bay, chỉ có phà và đường bộ. Còn tôi thì đi ngược lại, Thẩm Quyến – Hong Kong. Ở quầy hải quan ngay bến phà trong sân bay quốc tế Hong Kong, tôi bất ngờ với thông tin này. Trên visa Hong Kong lúc đó có in dòng chữ tiếng Hoa, nội dung nói rõ chỉ vào Hong Kong bằng đường hàng không, nhưng tôi đã không hiểu khi nhận visa.

du lịch hong kong, khách sạn, gặp quê nhà ở hong kong

Cô nhân viên xuất nhập cảnh ở sân bay, dù tất bật với công việc, nhưng vẫn dành thời gian nhiệt tình hướng dẫn tôi cách quay lại đại lục và về Việt Nam từ đó. Cô còn vui vẻ giới thiệu mẹ cô là người Việt Nam.

Trước khi tôi quay lại Trung Quốc, vì muốn tôi yên tâm hơn, cô đã điện thoại cho mẹ mình – một người Việt Nam – để thông qua bà dặn dò tôi kỹ hơn một lần nữa và tận tình đưa tôi xuống bến phà. Trong lúc bối rối nhất ở xứ người, sự nhiệt tình của mẹ con cô nhân viên xuất nhập cảnh khiến tôi đỡ lo lắng hơn rất nhiều.

Ấn tượng lần đầu của tôi với Hong Kong là nhập cảnh hụt và cô nhân viên xuất nhập cảnh tốt bụng. Thông thường, nếu từ chối xuất nhập cảnh, người ta chỉ thông báo lý do và trục xuất, chứ không mất thời gian cho những chuyện xung quanh. Nhờ cô hướng dẫn mà tôi có thêm một đêm ở lại Trung Quốc bình an để ngày hôm sau bay về Việt Nam. Tuy nhiên, từ đó đến nay, tôi đã 4 lần quay lại Hong Kong, lần nào cũng thấy xứ sở này gần gũi hơn.

Từ sân bay quốc tế Hong Kong, khách có nhiều cách để về trung tâm như đi xe bus, MTR và taxi. Nếu khách du lịch tự do, có thể mua thẻ thanh toán thông minh Octopus để sử dụng cho nhiều phương tiện vận chuyển (trừ taxi), kể cả thanh toán khi mua sắm, quán ăn, điểm tham quan… Thẻ người lớn là 150 HKD, trong đó có 50 HKD đặt cọc và thẻ trẻ em 70 HKD, có thể trả lại lấy tiền thừa. Khách cũng có thể đi MTR trực tiếp ở sân bay đến Disneyland.

du lịch hong kong, khách sạn, gặp quê nhà ở hong kong

Từ sân bay về trung tâm nếu đi tàu Airport Express chỉ mất 15 phút với khoảng 100 HKD/người; còn đi xe bus mất 45 phút, vé khoảng 40 HKD (1 USD bằng 7,7 HKD). Hong Kong có khí trời mát lạnh từ tháng 11 năm trước đến tháng 4, tháng 5 năm sau và bắt đầu nóng từ những tháng mùa hè, nhưng cũng không lên quá 32°C. Thời điểm thích hợp nhất để du lịch Hong Kong vào những tháng trước và sau Tết Nguyên đán, bởi có khí hậu lạnh dễ chịu và cũng là mùa mua sắm giảm giá lớn nhất trong năm.

Tôi từng rơi vào trạng thái như ở quê nhà khi lần đầu đến Hong Kong, lúc vừa bước ra khỏi tàu điện ngầm ở ga Mongkok, chen chân trong dòng người ken dày mua sắm ở khu phố cũ kỹ, hoặc đang trên đường vào chợ Quý Bà (Ladies Market) để mua sắm. Có rất nhiều bảng hiệu bán phở Việt Nam chìa ra giữa đường sáng lấp lánh.

Ẩm thực Hong Kong là kiểu ẩm thực của người Quảng Đông, vừa miệng với những ai là người Việt sinh sống ở quận 5. Sức mạnh ẩm thực của Trung Hoa là không thể chối cãi. Nó có mặt ở tận cùng ngõ ngách trên thế giới.

Trong một nền văn hóa ẩm thực đậm chất Trung Hoa và phương Tây như ở Hong Kong, những tưởng không có chỗ cho phở. Sở dĩ ở Berlin hay Paris, phở mạnh mẽ phát triển vì phong cách ẩm thực giữa phở và các món đầy vị béo của phô-mai, xúc xích khác nhau.

Nhưng tôi đã lầm, phở hiện diện ở không chỉ một, mà rất nhiều nơi tại Hong Kong. Quán phở nằm trong một tòa nhà mua sắm ở trên đỉnh Victoria, có tên là Phở, nhưng thực đơn có rất nhiều món Việt như bún, gỏi cuốn và đặc biệt có bánh mì kẹp thịt truyền thống của Việt Nam. Khách đông đến nỗi không có bàn ngồi vào buổi trưa. Ông bà chủ là người Việt, cả các cô cậu bán hàng cũng là người Việt; món phở đích thị là phở kiểu Bắc.

Muốn lên The Peak không dễ. Những ngày cuối tuần, khách phải xếp hàng dài rồng rắn mua vé, rồi tiếp tục xếp hàng lên xe điện (Peak Tram) để lên đỉnh Victoria (núi Thái Bình).

Từ đây, khách có thể nhìn bao quát một góc Hong Kong chen kẹt những nhà cao tầng kéo dài từ bờ biển, lên trên sườn núi. Trên đỉnh núi có nhiều khu trò chơi, có Bảo tàng Sáp, những trung tâm mua sắm và rất nhiều nhà hàng các kiểu, từ Âu sang Á, nhưng sự hiện diện của nhà hàng phở ở đó có thể nói lên được sức hấp dẫn mãnh liệt của món ăn thuần Việt này.

Hôm ăn sáng trong một nhà hàng dim sum kiểu Hong Kong trong một trung tâm mua sắm, tôi lại thấy một nhà hàng phở bán kèm các món gỏi cuốn Việt Nam; một nhà hàng món Việt có tên Đà Lạt… Lần khác, ăn trưa trong nhà hàng món Hoa, lại thấy món chè bà ba. “Chè bà ba” rõ ràng, không hề phiên âm qua tiếng Quảng hay tiếng Anh.

Tôi từng ăn phở ở Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức, Hà Lan, Pháp…, nhưng cảm nhận gần gũi hơn cả là phở ở Hong Kong. Bởi có lẽ, đơn giản đó chỉ là cảm xúc, khi Hong Kong với tôi còn gắn liền với những ấn tượng của ban đầu.

Theo Báo Thể Thao Văn Hóa

Đăng bởi: Hà Lê

ALONGWALKER Singapore: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Philippines: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Indonesia: Saluran untuk mengeksplorasi pengalaman para pemuda global ALONGWALKER Malaysia: Saluran untuk menjelajahi pengalaman global belia ALONGWALKER Japan: 発見・体験、日本旅行に関する記事 ALONGWALKER Thailand: ช่องทางในการสำรวจประสบการณ์ของเยาวชนระดับโลก