Hà Giang

Hà Giang có gì?

Hà Giang – miền biên viễn xa xôi của Tổ quốc luôn có một sức hấp dẫn lạ kì. Nói đến Hà Giang là nói đến những cung đường quanh co lưng chừng trời, những bản làng bốn mùa chìm trong mây, những hùng quan kỳ vĩ. Hà Giang có gì? Hãy cùng chúng tôi khám phá những địa điểm danh lam thắng cảnh đẹp tại Hà Giang trong bài viết sau đây nhé.

Khu vực hóa thạch Huệ Biển – Hà Giang

Điểm hóa thạch Huệ biển Lũng Pù thuộc thôn Chín Dỉ Phìn, xã Lũng Pù, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang. Điểm di sản phân bố tập trung trên vách taluy dương nằm trên trục đường liên xã Lũng Pù đi xã Khâu Vai, có chiều dài khoảng 500m. Hiện nay, các hóa thạch đều gắn kết trong khối đá vôi, vì vậy di sản có độ bền vững khá tốt dưới tác động của tự nhiên.

hà giang có gì?

Khu vực hóa thạch Huệ Biển – Hà Giang

Nhìn bề ngoài Huệ biển rất giống thực vật, nhưng thực chất là động vật cổ, có tuổi Permi cách ngày nay trong khoảng từ 250 triệu năm đến 300 triệu năm. Huệ biển là những động vật sống bám đáy bằng một cái cuống, một số ít nằm tự do trên mặt đáy. Miệng và hậu môn cùng ở mặt trên của cơ thể. Hệ chân mút có nhiệm vụ trao đổi khí. Hóa thạch Huệ biển là những đoạn cuống Huệ biển to, hình trụ, đường kính khoảng 2cm. Cuống Huệ biển gồm nhiều đốt gắn với nhau, mỗi đốt có bề dày trung bình khoảng 2mm. Trong lát cắt ngang có thể nhìn thấy cuống Huệ biển hình tròn, gồm 2 phần: Lõi màu xám sẫm và vành ngoài màu xám sáng.

Môi trường sống của Huệ biển chủ yếu ở vùng nước biển nông có độ mặn ổn định, được chiếu sáng tốt và nhiều oxy, ứng với vùng biển nằm trên thềm lục địa của các đại lục. Sự có mặt của Huệ biển ở Lũng Pù, Mèo Vạc là một dấu hiệu chắc chắn rằng nơi đây, trong quá khứ xa xôi đã từng là biển. Phần lớn Huệ biển, bao gồm cả những hóa thạch lộ ra ở Chí Dỉ Phìn, bị tiêu diệt vào cuối kỷ Permi khi xảy ra khủng hoảng sinh giới thứ 3 (khoảng 250 triệu năm trước đây), cho chúng ta biết Trái đất đã từng trải qua thảm họa khủng khiếp do thay đổi môi trường tự nhiên, biến đổi khí hậu. Điều này giúp chúng ta ý thức hơn về việc bảo vệ môi trường, hạn chế các tác động biến đổi khí hậu.

Ngày 23/9/2014 Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ra quyết định công nhận Di tích khảo cổ và danh lam thắng cảnh Khu vực Hóa thạch Huệ Biển tại Lũng Pù – Xã Lũng Pù, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang là di tích cấp quốc gia tại Quyết định số 3087/QĐ-BVHTTDL ngày 23/9/2014

Điểm hóa thạch Huệ biển Lũng Pù rất có giá trị về mặt khoa học, giáo dục và thẩm mỹ, do vậy trong tương lai, nơi đây sẽ là điểm tham quan, nghiên cứu học tập và là điểm đến của nhiều du khách mỗi khi đến với Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn.

Hang Nà Luông – Hà Giang

hà giang có gì?

Hang Nà Luông – Hà Giang

Hang Nà Luông dài hơn 25km trải dài qua hai xã của hai huyện Yên Minh và Đồng Văn. Sau khi được phát hiện vào năm 2010, hang đã được xếp hạng là di tích quốc gia và trở thành hang động đẹp nhất Hà Giang. Cửa và lòng hang rất rộng, bên trong có nhiều vách đá nối tiếp nhau và nhiều cột thạch nhũ với đủ hình dáng, màu sắc. Xung quanh hang Nà Luông còn có nhiều hang động độc lập tạo thành một hệ thống hang động sinh thái độc đáo.

Hang Nà Luông nằm cách trung tâm thị trấn Yên Minh khoảng hơn 25km. Đây là hang được các nhà khoa học tìm thấy vào năm 2010 và đã được đánh giá là hang đẹp nhất so với các hang đã từng được phát hiện trên địa bàn tỉnh Hà Giang với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, mang sắc thái thơ mộng, huyền ảo lung linh. Cửa hang rộng trên 30m được che phủ bằng các loại cây gỗ quý hiếm như nghiến, đinh, lát…

Đặc biệt, hang động trong núi đá vôi là một trong những kiểu di sản địa chất rất phổ biến của Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn. Trải qua hàng nghìn năm kiến tạo đã tạo ra trong hang có rất nhiều cột thạch nhũ với các hình thù kỳ thú, màu sắc lấp lánh như hoa cương; lòng hang rất rộng và sâu được chia thành nhiều ngách ngăn nối tiếp nhau hấp dẫn đông đảo du khách.

Hang Rồng – Hà Giang

Hang Rồng nằm trên địa phận thôn Tả Lủng B, xã Tả Lủng (Mèo Vạc) được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận xếp hạng Di tích Quốc gia tháng 9/2014. Nằm ở vị trí giao thông thuận lợi trên tuyến đường du lịch Cao nguyên đá, hang Rồng có cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, mang sắc thái thơ mộng, huyền ảo.

hà giang có gì?

Hang Rồng – Hà Giang

Bước vào trong hang, bất cứ ai cũng không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của tạo hóa. Với đặc điểm là núi đá vôi, trải qua hàng nghìn năm kiến tạo, những giọt nước trên trần hang nhỏ xuống đã tạo nên vô vàn nhũ đá đẹp, lộng lẫy với nhiều hình thù lạ mắt. Bên cạnh đó, trong hang còn có rất nhiều dạng kiến tạo của nhũ đá với nhiều dạng cột nhũ, măng nhũ với những hình thù độc đáo, khơi gợi trí tưởng tượng của du khách… Bao quanh khu vực hang Rồng còn có một hệ sinh thái rừng phong phú với những núi đá tai mèo đặc trưng của vùng Cao nguyên đá Hà Giang. Bên cạnh đó còn có những nương ngô xếp đá theo lối canh tác thổ canh hốc đá truyền thống của đồng bào Mông nơi đây càng làm tăng thêm giá trị thẩm mỹ cho danh thắng này.

Hang Rồng được tạo nên bởi nhiều hệ thống hang động nhỏ và qua khảo sát thực tế trong hang thấy xuất hiện nhiều nhũ đá do tạo hóa thêu dệt nên, với các hình thù khác nhau, như: Chùm đèn pha lê, tượng Phật, chùm khế, vòi con Bạch tuộc, những chú cá Sấu… có cấu trúc thành khối, hình dạng giống san hô, đã được người dân thôn Tả Lủng B gìn giữ, bảo vệ tốt trong nhiều năm qua. Hang được cấu tạo hoàn toàn từ đá vôi và thực chất đây là hai hang động nằm gần nhau bởi giữa hai hang không có đường thông nhau; liên thông với bên ngoài bằng hai cửa hẹp mới xuất lộ trong thời gian gần đây.

Lòng hang có dạng mái vòm rộng và cao, nhũ đá xuất hiện dày đặc ở khắp thành và trần hang, nhiều cột nhũ kéo từ trần hang xuống tới nền. Trong lòng hang quá trình tạo nhũ vẫn đang tiếp diễn do nước từ trên mặt đất ngấm qua thành hang nhỏ xuống. Hang Rồng 1 là một khoang rỗng hình thành do sự bào mòn của dòng nước ngầm thấm qua các kẽ đá và lối vào hang nhỏ chỉ vừa một người chui qua. Vào tới trong hang, du khách sẽ được khám phá những mảng nhũ đá lớn nối liền từ trần hang xuống nền tạo thành bức tường nhũ chia cắt lòng hang thành 4 phòng thông nhau bởi lối đi hẹp. Nền hang dốc thoải vào bên trong lòng hang, do nước chảy bào mòn lớp đá vôi trở nên nhẵn mịn, không để lại lớp trầm tích. Cuối của phòng hang này, hai bên thành có sự xuất hiện của những cột nhũ lớn như chống đỡ trần hang, ở đoạn này hang đột ngột đổi hướng đi chếch về bên tay phải.

Hang Rồng 2, hay còn được người dân nơi đây gọi là hang Dơi bởi trong hang có rất nhiều dơi sinh sống. Hang có hai cửa vào nằm cách nhau 5m, cả hai cửa vào đều nhỏ chỉ đủ để từng người đi qua. Lòng hang dốc xuống về cuối hang, khu vực gần cửa vào lớp trầm tích và phân dơi phủ kín nền hang. Đoạn cuối của hang là một khe thoát nước có độ dốc lớn, nền hang trơn nhẵn, không có nhũ đá, trần hang có ít nhũ, lòng hang hiện tại còn chưa khảo sát được do hang đi sâu xuống lòng đất, độ dốc lớn chưa có phương tiện khảo sát…

Cùng với các hệ thống hang trên địa bàn Cao nguyên đá Đồng Văn như hang: Khố Mỉ (Quản Bạ), Nà Luông (Yên Minh)…, hang Rồng (Mèo Vạc) nằm ở vị trí giao thông thuận lợi trên tuyến đường du lịch Cao nguyên đá Hà Giang. Và, tới nay du lịch khám phá hang động tại Hà Giang vẫn là một loại hình mới. Việc phát hiện ra hang Rồng với những cảnh quan hang động đặc sắc và nằm ở một vị trí giao thông thuận lợi, cách huyện lỵ không xa sẽ là tiền đề mở ra hướng đi mới đưa du lịch trở thành ngành kinh tế “mũi nhọn”, góp phần xây dựng Hà Giang giàu đẹp, văn minh.

Đèo Mã Pí Lèng – Hà Giang

Là một trong “tứ đại đỉnh đèo” của vùng núi phía Bắc Việt Nam, Mã Pí Lèng (có nơi đọc là Mã Pí Lèng, Mã Pỉ Lèng, Mả Pì Lèng) tuy không dài nhưng là con đèo hiểm trở bậc nhất và cũng được ví như “vua” của các cung đèo Việt Nam. Đèo thuộc tỉnh Hà Giang, dài khoảng 20 km vượt đỉnh Mã Pí Lèng, một đỉnh núi có độ cao khoảng 1.200m thuộc Cao nguyên Đồng Văn, nằm trên con đường mang tên Hạnh Phúc nối liền thành phố Hà Giang, Đồng Văn và thị trấn Mèo Vạc.

hà giang có gì?

Đèo Mã Pí Lèng – Hà Giang

Đèo uốn khúc quanh co, xẻ đôi một bên là đỉnh Mã Pí Lèng và một bên là đường đi Săm Pun, nơi có cột mốc biên giới và cửa khẩu thông sang Trung Quốc. Mã Pí Lèng bao gồm 9 khúc quanh uốn bên vách đá dựng đứng, dưới là vực thẳm hun hút, là một kỳ tích “mở đường” của con người đáng tự hào trên mảnh đất Hà Giang này.

Trong tùy bút “Mỏm Lũng Cú tột Bắc” về quá trình mở đèo Mã Pí Lèng, Nguyễn Tuân đã viết: “Cả quãng Đồng Văn – Mèo Vạc 24 cây số đường núi đá này phải làm mất một năm rưỡi, nhưng riêng chỗ dốc Mã Pí Lèng thì phải tốn mất 11 tháng treo mình trên vách đá để đục, bổ đá khắc đá ra mà cấn mặt đường vào vách đá đứng thành vại.” Ngày nay, khi đứng trên đỉnh đèo người ta sẽ thấy một tấm bia đá ghi lại những dấu ấn xây dựng đường đèo, tưởng nhớ những người đã hy sinh công sức để làm nên con đường Hạnh Phúc.

Mã Pí Lèng là tên gọi theo tiếng Quan Hỏa chỉ “Sống mũi ngựa” theo nghĩa đen, còn nghĩa bóng tên gọi này chỉ sự hiểm trở bậc nhất của đỉnh núi, nơi những con ngựa cái leo lên đến đỉnh trụy thai mà chết, nơi dốc cao đến mức con ngựa đi qua phải tắt thở, hoặc đỉnh núi dựng đứng như sống mũi con ngựa. Tuy nhiên, theo một số người Mông bản địa thì tên đúng của đèo là Máo Pí Lèng, nghĩa là “sống mũi mèo”.

Đứng trên đỉnh đèo, Các bạn sẽ vỡ òa trong xúc cảm với cảnh quan hùng vĩ đáng kinh ngạc, cảm thán sức người chinh phục thiên nhiên. Cảnh vật biến hóa khôn lường, cung đường khúc khuỷu sánh vai các cung Đèo Ô Quy Hồ, Đèo Khau Phạ và Đèo Pha Đin, Mã Pí Lèng thôi thúc ước mơ được một lần đặt chân đến chinh phục của các phượt thủ. Với những kẻ đã chiêm ngưỡng, ý nghĩ khao khát chinh phục nơi đây thêm nhiều lần nữa luôn nằm trong tâm trí.

Đến với nơi đây du khách không chỉ có dịp chiêm ngưỡng khung cảnh hùng vĩ của cao nguyên núi đá, ngắm dòng sông Nho Quế từ trên cao mà còn được hiểu hơn về lịch sử của ngọn đèo hùng vĩ này.

Cao nguyên đá Đồng Văn – Hà Giang

Nằm cách thị xã Hà Giang 132km theo đường 4C, cao nguyên đá Đồng Văn là một vùng núi đá hiểm trở và hùng vĩ ở cực bắc, cảnh đẹp tráng lệ và ấn tượng.

hà giang có gì?

Cao nguyên đá Đồng Văn – Hà Giang

Cao nguyên đá Đồng Văn nằm ở độ cao trung bình 1.000 – 1.600m so với mực nước biển, trên diện tích gần 2.356km² trải dài qua địa bàn 4 huyện Quản Bạ, Yên Minh, Mèo Vạc và Đồng Văn của tỉnh Hà Giang. Đây là một trong những vùng đá vôi đặc biệt của cả nước, chứa đựng những dấu ấn tiêu biểu về lịch sử phát triển của vỏ trái đất. Đồng Văn có tới 80% diện lộ đá vôi, được tạo thành từ những điều kiện môi trường và giai đoạn phát triển rất khác nhau kéo dài hàng trăm triệu năm.

Năm 2014 và năm 2019, UNESCO đã tái công nhận Cao nguyên đá Đồng Văn là thành viên của mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO giai đoạn 2015-2018 và giai đoạn 2019-2022. Đánh giá cao giá trị của cao nguyên đá, Thủ tướng đã phê duyệt quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn giai đoạn 2012-2020 và tầm nhìn 2030.

Công viên địa chất này gồm 4 huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn và Mèo Vạc với tổng diện tích tự nhiên là 2.356km2, nằm ở miền Bắc Việt Nam có trên 70% diện tích đá vôi lộ diện. Vùng đất này là sự kết hợp ngoạn mục và độc đáo giữa những đỉnh núi cao vun vút và hẻm vực sâu thăm thẳm tại phần kéo dài của dãy núi phía Đông rặng Himalaya, với đỉnh cao nhất – Mạc Vạc (1.971m) và hẻm sâu nhất – Tu Sản, cũng là hẻm vực sâu nhất của Đông Nam Á, với chiều sâu vách đá lên tới hơn 700m. Có niên đại từ kỷ Cambrian (khoảng 550 triệu năm trước), đến nay, Cao nguyên đá Đồng Văn đã trải qua 7 thời kỳ địa chất khác nhau. Du khách đến đây, có thể nhìn tận mắt những dấu vết còn lưu lại trong các di chỉ cổ sinh vật học, địa tầng, địa mạo, kiến tạo, karst, hang động và đứt gãy quan trọng.

hà giang có gì?

Cao nguyên đá Đồng Văn – Hà Giang

Không chỉ đa dạng về cổ sinh vật, Cao nguyên đá Đồng Văn còn có hai khu bảo tồn thiên nhiên là Khu bảo tồn thiên nhiên Du Già và Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Khau Ca. Hai khu bảo tồn này phong phú về các loài động, thực vật như cây lá kim, sơn dương phương Nam (một loài dê núi đơn độc) và nhiều loài chim bản địa. Do đó, nơi này có hệ động thực vật rất phong phú, bao gồm 289 loài thực vật bậc cao, thuộc 83 họ; hệ động vật trên núi đá vôi với 171 loài trong 73 họ và 24 bộ. Có 27 loài gồm 17 loài thú, 2 loài chim và 8 loài bò sát là những động vật quý hiếm được ghi trong Sách đỏ Việt Nam.

Cao nguyên đá Đồng Văn là nơi sinh sống của hơn 250.000 người dân thuộc 17 dân tộc anh em Mông, Na Chí, Pu Péo, Lô Lô, Nùng, Hoa, Giấy… của dải đất Việt. Mỗi dân tộc có một nét sinh hoạt và tập tục lễ hội riêng tạo nên di sản văn hóa độc đáo và phong phú của khu vực này với những “Chợ tình Khau Vai”, Lễ hội “Gầu Tào” của người Mông, Lễ hội “Cúng thần rừng” của người Pu Péo, Lễ ấp sắc của người Dao… Kể từ khi cao nguyên đá Đồng Văn được trao danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO, lượng khách du lịch đến đây liên tục tăng, người dân cũng được hưởng lợi hơn nhờ du lịch. Đến nay 100% thôn bản, trường học trên vùng cao nguyên đá Đồng Văn được tuyên truyền giáo dục về công tác bảo vệ, giữ gìn di sản.

Đến với Đồng Văn, đến với vùng đất “cúi mặt sát đất, ngẩng mặt đụng trời” này, bạn không chỉ có được những trải nghiệm vô cùng phong phú. Đến nơi đây là bạn sẽ góp phần vào công cuộc phát triển du lịch, đem lại cho người dân và Công viên địa chất toàn cầu nơi đây một sinh kế phát triển kinh tế bền vững, chú trọng tới việc nâng cao đời sống cho người dân, bằng cách khai thác văn hóa bản địa, trong sự hòa hợp với thiên nhiên.

Thung lũng Sủng Là – Hà Giang

Sủng Là được xem là xã vùng cao đẹp nhất toàn cao nguyên đá Đồng Văn. Thung lũng Sủng Là nằm trên tuyến quốc lộ 4C, nối những thị trấn trên mảnh đất Hà Giang, cách huyện Đồng Văn hơn 20km. Bất kỳ ai đến với mảnh đất này cũng sẽ cảm thấy Sủng Là nhẹ nhàng và bình yên.

hà giang có gì?

Thung lũng Sủng Là – Hà Giang

Người H’Mông ở Sủng Là trồng tam giác mạch và hoa cải trên đồi đất cao, trồng ngô, lúa ở vùng đất bằng nơi đáy thung lũng. Hàng ngày, người dân phải gùi đất từ rất xa mang về nhét vào từng hốc đá tai mèo, dùng đá chèn lại để giữ cho nước mưa không trôi mất đất, rồi bỏ hạt giống vào. Những thân cây xanh mọc lên vươn mình trong những lớp đá xám như cuộc sống vẫn trỗi dậy nơi mảnh đất cằn này mỗi ngày.

Từ khi được chọn làm bối cảnh cho những thước phim đẹp đến nao lòng trong “Chuyện của Pao”, ngôi nhà “tứ đại đồng đường” của một gia đình người H’Mông vốn nổi tiếng từ nhiều năm trước, trở thành điểm đến được yêu thích nhất ở làng Lũng Cẩm, hiện nay nhằm tạo điều kiện cho du khách tham quan, căn nhà đang được tu sửa, treo biển chú thích cụ thể thông tin gồm cả tiếng Việt và tiếng Anh. Người ta nhớ đến một cô Pao xinh đẹp giữa những cánh đồng hoa cải. Với bộ phim này, điện ảnh đã đem đến cho công chúng những cảnh sắc tươi đẹp của non sông đất nước Việt Nam giữa cao nguyên đá khô cằn, “nhà của Pao” như một bức tranh thu nhỏ về cuộc sống đồng bào H’Mông với vẹn nguyên nét đẹp huyền bí và quyến rũ.

Sau thành công của bộ phim, “nhà của Pao” đã trở thành điểm đến được yêu thích nhất ở Lũng Cẩm. Đó là ngôi nhà tường đất, cao hai tầng của ông Mua Súa Páo. Lũng Cẩm còn nổi tiếng bởi những thửa ruộng hoa tam giác mạch, gieo trên những thửa ruộng ngay lối dẫn vào nhà Pao. “Nhà của Pao” thuộc tầng lớp quý tộc xưa của đồng bào dân tộc H’Mông vùng cực Bắc Việt Nam, có một gian chính 2 tầng chia thành nhiều phòng khách và phòng ở, một gian phụ chia làm 2 phòng nhỏ là nhà kho, bếp, một chuồng nuôi gia súc, gia cầm. Nhà xây quây bốn hướng chụm lại ở giữa có sân tạo không gian ấm cúng, yên bình. Trang phục sặc sỡ của cô gái bản địa như những họa tiết trang trí trên đá tai mèo đẹp như bức tranh vẽ.

Con người nơi đây thật thà, chất phác, họ rất cởi mở và có lòng hiếu khách. Đến đây, du khách sẽ thật sự cảm thấy thoải mái và thư giãn rất bình yên. Nhiều năm nay, cứ mỗi độ tết đến, xuân về, thung lũng Sủng Là – bối cảnh chính trong phim điện ảnh “Chuyện của Pao” lại rộn ràng du khách đến tham quan ngày càng đông hơn.

Cổng trời Quản Bạ – Hà Giang

Cổng trời Quản Bạ là một danh thắng nổi tiếng của Hà Giang ở một độ cao khá lớn – 1500m, và cũng chính là cửa ngõ quan trọng của du khách khi đến tham quan vùng đất cao nguyên đá hùng vĩ này. Đứng trên cổng trời Quản Bạ, du khách được ngắm nhìn nhiều địa danh du lịch, cũng như ngắm được trọn vẹn khung cảnh núi rừng Tây Bắc hùng vĩ và nguyên sơ.

hà giang có gì?

Cổng trời Quản Bạ – Hà Giang

Cổng trời Quản Bạ, cái tên dường như đưa du khách đến với đường chân trời cao vút để có thể 1 bước lên mây, chạm đến bầu trời bao la mà con người luôn muốn khao khát chinh phục. Từ thành phố Hà Giang, du khách sẽ phải di chuyển mất 46km để đến được cổng trời – cửa ngõ đầu tiên và quan trọng nhất của Đồng Văn. Con đường ấy chỉ chưa đến 50 cây số nhưng lại khá ngoằn nghèo vì phần lớn đều là đường đèo ôm sát vào sườn núi. Một bên là vách đá, một bên là vực thẳm, con đường hình xoắn ốc đó càng đi càng đưa du khách lên cao và con đường thì sương mù cũng dày đặc hơn. Cho tới khi xe chạy đến đoạn có khe hẹp giữa hai đỉnh núi thì dừng lại. Đây đã là điểm dừng cho du khách đến với Cổng trời Quản Bạ.

Cổng trời tại Quản Bạ đã từng có một cánh cửa khổng lồ được xây dựng từ những năm 1939 bằng gỗ nghiến, dày tới 1,5m – một điểm riêng mà không nơi nào có được. Tuy nhiên, ngày nay cánh cửa đó đã không còn nữa vì không thể vượt qua được nắng mưa khắc nghiệt tại vùng đất này. Hiện nó đã được đặt 1 tấm biển ghi to dòng chữ: Cổng trời Quản Bạ. Tiếp tục đi bộ dọc qua các bậc thang được xây dựng bằng bê tông vững chắc, du khách sẽ đến được đỉnh núi và đây cũng chính là cổng trời huyền thoại.

Từ trên đỉnh núi, du khách được thỏa sức vươn tầm mắt ra phía xa nhất để ngắm nhìn phong cảnh hùng vĩ của mảnh đất Cao nguyên đá Đồng Văn này. Phía trước là thung lũng Quản Bạ rộng lớn, mang một vẻ đẹp yên bình với màu vàng của lúa chín và thấp thoáng những ngôi nhà của đồng bào dân tộc thi thoảng tỏa ra làn khói bếp. Xa xa là núi đôi Cô Tiên, tuyệt tác của tạo hóa với những đám mây giăng khắp lối tạo nên một khung cảnh thơ mộng. Phía sau là con đường Hạnh Phúc huyền thoại đã góp phần kết nối giao thông tại vùng đất nghèo khó này. Chia tay với cổng trời Quản Bạ, du khách sẽ chính thức đến với cao nguyên Đồng Văn và khám phá thêm nhiều nét đẹp về tự nhiên, văn hóa và con người nơi đây.

Núi Đôi Quản Bạ – Hà Giang

Danh thắng Núi Đôi nằm ở thị trấn Tam Sơn (Quản Bạ- Hà Giang), tên nhân dân thường gọi là Núi Đôi hoặc Núi Cô Tiên; được hình thành từ quá trình vận động tạo sơn của thềm lục địa vỏ trái đất, sự đứt gẫy của các khối núi đá vôi. Đây là nơi chuyển tiếp giữa địa tầng đá vôi với núi đất. Chu vi của hai ngọn núi gần 1.000m², 2 ngọn núi tròn đều với diện tích xấp xỉ 3,6 ha. Tên Núi đôi gắn với tên địa danh thung lũng Tam Sơn (tức ba ngọn núi), không biết có từ bao giờ, chỉ biết từ khi có tên làng, tên xã là núi đã có tên.

hà giang có gì?

Núi Đôi Quản Bạ – Hà Giang

Núi đôi được gắn với truyền thuyết về chuyện tình của chàng khổng lồ và nàng tiên nơi đây. Núi đôi Quản Bạ được ví như bộ ngực căng tròn người con gái và đã lưu truyền mãi trong nhân gian từ đời này qua đời khác, Núi đôi và ba ngọn núi ở thị trấn Tam sơn được nhân dân gìn giữ, nhiều câu truyền thuyết gắn với những gì thiên nhiên ban tặng được gửi gắm vào câu chuyện những ước muốn của dân tộc thiểu số nơi vùng cao về việc cải tạo, chế ngự thiên nhiên phục vụ sản xuất, mà ở đây là mong ước có nguồn nước tưới tiêu phục vụ đời sống con người, để có cuộc sống no đủ, cũng trong truyền thuyết muốn tôn vinh sự chung thuỷ, tôn vinh tình yêu đôi lứa.

Núi đôi là một biểu tượng đẹp của Cao nguyên Đồng Văn, đó là sự kết tinh nét đẹp của thiên nhiên và kiến tạo địa chất. Với giá trị đó, Núi đôi được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch công nhận danh thắng cấp Quốc gia, đây là niềm tự hào cũng là điểm nhấn để Cao nguyên đá Đồng Văn thêm sinh động, hấp dẫn với khách du lịch. Du khách phương xa đến Hà Giang không thể không chiêm ngưỡng vẻ đẹp kỳ diệu của Núi Đôi, món quà độc đáo thiên nhiên ban tặng cho Hà Giang.

Hồ Noong – Hà Giang

Trên miền cao nguyên đá Hà Giang, ai cũng tưởng xứ này chỉ đèo với mây cùng những dốc đá khô khan. Mà ít người biết rằng, có một “đôi mắt” của đất trời từng được mệnh danh là chốn bồng lai miền đá núi Hà Giang. Nơi đó chính là Hồ Noong, một hồ nước tít trong chốn thâm sơn, ngàn đời nay được thiên nhiên “dát vàng” rực rỡ, nơi mà kẻ lãng du lạc bước nào cũng phải say lòng.

hà giang có gì?

Hồ Noong – Hà Giang

Hồ Noong cách trung tâm thành phố Hà Giang hơn 20km. Đây là một hồ nước ngọt tự nhiên xanh ngắt nằm dưới chân núi Noong. Hồ được người dân địa phương ví như là con mắt thần của rừng. Điều làm nên khác biệt là trong lòng hồ Noong có những cả những gốc cây xanh tốt lẫn những gốc cây khô tạo nên bức tranh thiên nhiên thú vị.

Tháng 4 – 10: Mùa mưa, nước hồ lên cao, bạn có thể thưởng ngoạn hồ cùng dân bản trên thuyền độc mộc hay bè mảng. Tháng 11 – 4 năm sau: Mùa khô, nước cạn để lộ những gốc cây già trụi lá. Dân bản địa đã quây những ô vuông lại để thả vịt và chăn trâu trên bãi cỏ xanh tươi. Hồ Noong đã trở thành một phần không thể thiếu của tỉnh Hà Giang. Hồ Noong là nơi dự trữ nước vào mùa khô rất tốt, màu xanh tự nhiên đặc trưng đã làm nên sự độc đáo của hồ Noong. Giờ đây nhiều sông suối, ao hồ bị ô nhiễm thì hồ Noong vẫn giữ được sự trong lành của nó, đây là một điều rất đáng quý.

Tham quan hồ Noong, du khách cũng có dịp khám phá tài nghệ ẩm thực của đồng bào Tày. Từ những con cá được bắt lên từ hồ, đến những con vịt bản được chế biến thành món nướng, dù bọc đất hay hấp gừng đều mang hương vị oi ngọt đậm đà khó quên…Đến hồ Noong để cảm nhận sự xanh mát và thiên nhiên tươi đẹp cùng những món ăn ngon nơi vùng cao biên giới nhé.

Dinh nhà Vương – Hà Giang

Dinh thự vua Mèo Vương Chính Đức ở Đồng Văn, Hà Giang là một công trình với kiến trúc đặc sắc bậc nhất của tỉnh Hà Giang, được Nhà nước xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. Đây là điểm đến không thể bỏ qua đối với du khách khi bước chân tới Hà Giang.

hà giang có gì?

Dinh nhà Vương – Hà Giang

Dinh nhà Vương đã tồn tại hơn 100 năm tuổi, được xây dựng trong vòng 9 năm do Vua Mèo thuê những người thợ giỏi nhất. Nhà Vương là di tích lịch sử quý giá của huyện Đồng Văn nói riêng và tỉnh Hà Giang nói chung. Chi phí xây dựng vào thời gian đó là 150 vạn đồng bạc trắng tương đương 150 tỷ đồng.

Dinh Nhà Vương có nét kiến trúc độc đáo, được xây dựng hoàn toàn bằng sức người, móng Dinh thự được xây bằng những tảng đá rất to, trước khi xây Dinh thự Vua Mèo đã phải chọn địa thế rất kĩ càng. Dinh thự được đặt ở nơi cao ráo, đứng trên Dinh thự có thể nhìn ra toàn cảnh xung quanh. Những tấm gỗ to chắc chắn để làm cột và tường bao quanh ngôi nhà, chất gỗ rất tốt vì thế trải qua hơn một thế kỉ vẫn không bị mối mọt hay dấu hiệu hư hỏng. Dinh thự rất rộng lớn, có nhiều gian vì thế con cháu họ Vương sống sung sướng, đủ đầy.

Dinh nhà Vương là chứng nhân lịch sử cho từ thời xa xưa con người đã có thể xây dựng được công trình to lớn, kiên cố. Khi tham quan Dinh thự bạn sẽ được hướng dẫn viên giới thiệu về Dinh thự, người hướng dẫn viên đó cũng chính là hậu duệ của họ nhà Vương. Dinh nhà Vương là nơi chứa rất nhiều *** để cung cấp cho hầu hết các huyện và các tỉnh lân cận Đồng Văn vì thế người ta gọi đây là Dinh thự thuốc phiện. Vua Mèo là chủ của ngôi nhà, cũng là chủ của kho *** vì thế thời đó ông rất giàu có, có quyền lực trong vùng. Đây là một di tích lịch sử rất thú vị, hãy đến thăm để hiểu về căn nhà to nhất, giàu nhất thời bấy giờ.

Hang Lùng Khúy – Hà Giang

Động Lùng Khúy thuộc thôn Lùng Khúy, xã Quản Bạ, huyện Quản Bạ được mệnh danh là đẹp nhất trong các hang động đã được phát hiện trên Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn. Động Lùng Khúy nằm cách trung tâm huyện Quản Bạ trên 10km. Theo đánh giá của các chuyên gia: Đây là di sản có giá trị về địa chất, địa mạo và du lịch với chiều dài toàn động là trên 300m, ngoài ra còn nhiều hệ thống nhánh rẽ khác. Động có vẻ đẹp nguyên sơ với nhiều nhũ đá lộng lẫy và hình thù lạ mắt, tạo thành một vẻ đẹp thiên nhiên hiếm thấy.

hà giang có gì?

Hang Lùng Khúy – Hà Giang

Để lên tới được hang Lùng Khúy, du khách phải đi qua con đường đất dài hơn một cây số vòng quanh núi. Đứng ở cửa hang từ trên cao, du khách sẽ được chiêm ngưỡng toàn bộ khung cảnh thiên nhiên của xã Cán Tỷ. Bên trong hang động, du khách dễ dàng đi lại bởi hệ thống lối đi được xây dựng bằng các khung sắt chắc chắn. Phía trên mái vòm của hang động là những nhũ đá được kiến tạo sau hàng trăm năm. Những ánh đèn nhiều màu sắc giúp cho du khách dễ dàng quan sát các nhũ đá ảo diệu với nhiều hình dạng khác nhau. Đi sâu vào bên trong hang động, nhiều nhũ đá với hình thù kỳ lạ kích thích trí tưởng tưởng của du khách. Các nhũ đá trong hang Lùng Khúy đều còn rất nguyên sơ và mang nhiều hình dạng như: bông hoa, tòa tháp…Nhiều nhũ đá có hình dạnh khác nhau được sắp xếp rất độc đáo khiến du khách thích thú. Với vẻ đẹp nguyên sơ nên hang Lùng Khúy được đánh giá là hang động đẹp nhất nhì cao nguyên đá Đồng Văn.

Sau một thời gian đóng cửa động hiện nay động đã được mở trở lại và thu hút hàng nghìn lượt khách tham quan. Đem lại nguồn kinh tế lớn cho huyện Quản Bạ nói riêng và tỉnh Hà Giang nói chung.

Hà Giang có gì? Bạn đang muốn tìm một nơi để giải tỏa tâm hồn nhưng chưa biết đi đầu thì hãy đến với Hà Giang – chuyến hành trình tại đây hứa hẹn sẽ mang đến cho bạn nhiều trải nghiệm thú vị. Tạm quên những điểm du lịch nổi tiếng trước đó và thử đặt chân đến đây xem sao nhé.

Đăng bởi: Kiệt Kiệt

YOLO! Khám phá các huyện ở Hà Giang

ALONGWALKER Singapore: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Philippines: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Indonesia: Saluran untuk mengeksplorasi pengalaman para pemuda global ALONGWALKER Malaysia: Saluran untuk menjelajahi pengalaman global belia ALONGWALKER Japan: 発見・体験、日本旅行に関する記事 ALONGWALKER Thailand: ช่องทางในการสำรวจประสบการณ์ของเยาวชนระดับโลก