Tâm Sự Tình Yêu

Ngôn tình là gì? Vì sao truyện và phim ngôn tình hấp dẫn giới trẻ?

Ngôn tình là gì mà lại được yêu thích và cũng lại bị “ghét” đến vậy?

Tôi có nhiều học viên (chủ yếu là nữ ở độ tuổi đại học và mới ra đi làm) rất thích đọc truyện và xem phim ngôn tình của Trung Quốc. Nhiều phụ huynh cũng thường hay phàn nàn với tôi rằng các cô con gái tuổi dậy thì của họ có dấu hiệu nghiện truyện ngôn tình mặc dù bị cấm. Điều này không có gì là khó hiểu vì truyện ngôn tình được viết với mục đích chính để bán cho đối tượng nữ từ trung học đến khoảng độ 25 tuổi, tức là độ tuổi mơ mộng và lãng mạn nhất của phụ nữ. Vậy ngôn tình là gì? Truyện ngôn tình có những đặc điểm gì và vì sao ngôn tình lại hấp dẫn như vậy. Hãy cùng tìm hiểu ngay sau đây.

lối sống, nghĩa là gì, tình yêu, văn hóa, ngôn tình là gì? vì sao truyện và phim ngôn tình hấp dẫn giới trẻ?

Ngôn tình là gì?

Ngôn tình là từ Hán Việt dùng để chỉ các tác phẩm văn học (truyện ngôn tình, tiểu thuyết ngôn tình), điện ảnh (phim ngôn tình, hoạt hình ngôn tình) có nội dung về tình yêu đôi lứa, mang hơi hướng tình cảm lãng mạn, mơ mộng,… với nhân vật xinh đẹp hoàn hảo và các chi tiết “sến súa” hóa so với thực tế cuộc sống. Các tác phẩm ngôn tình phổ biến hiện nay hầu hết được xuất phát từ các tác giả Trung Quốc. Đây là một thể loại được giới trẻ yêu thích, đặc biệt là các bạn nữ.

Ngôn tình Trung Quốc: không phải điều gì mới mẻ

Mặc dù hai chữ “ngôn tình” chỉ xuất hiện trong từ vựng tiếng Việt chỉ trên dưới mười năm nay, thậm chí một số người từ trung niên trở lên còn không hiểu “ngôn tình” là gì, những tác phẩm văn học ngôn tình không phải là một thể loại văn học mới mẻ. Các quý cô Sài Gòn những năm 60-70 vốn không ít người đã mê mẩn với những tác phẩm như thế của nữ sĩ Quỳnh Dao người Đài Loan đấy thôi.

Những tác phẩm Đình Viện Thâm Thâm, Yên Vũ Mông Mông được Việt hóa bằng những cái tên Xóm Vắng hay Dòng Sông Ly Biệt gần như gắn liền với tuổi trẻ của các bà các cô tiểu thư của những thập niên trước. Và đến khi băng video thịnh hành thì hầu như không có gia đình nào ở Sài Gòn mà không khóc cười cùng cặp tiên đồng ngọc nữ Tần Hán-Lưu Tuyết Hoa qua những bộ phim truyền hình chuyển thể từ tiểu thuyết Quỳnh Dao. Có điều thời đó, cái tên “ngôn tình” vẫn còn chưa xuất hiện và những tác phẩm như thế được gọi là “tiểu thuyết diễm tình”.

Ở Việt Nam từ trước năm 1975 cho tới thập niên 1990 vẫn có nhiều tác giả “vô danh” viết tiểu thuyết diễm tình. Gọi là “vô danh” vì tên tuổi và tác phẩm của họ chưa bao giờ được văn đàn công nhận và họ cũng không quan tâm tới điều đó. Tác phẩm của họ không có gì cao xa hay tinh túy mà chỉ là những chuyện tình éo le ngang trái bị ngăn trở bởi gia phong lễ giáo hoặc khoảng cách giàu nghèo với những tình tiết lấy nước mắt các cô các bà nội trợ hoặc buôn bán ở chợ. Người Sài Gòn gọi thể loại truyện này là “tiểu thuyết ba xu”. “Tiểu thuyết ba xu” thường chỉ xuất hiện ở các quầy thuê truyện trong các hẻm lao động nghèo chứ không bao giờ có mặt ở kệ sách văn học của những nhà sách lớn.

Cao cấp hơn là những tác phẩm được xem là kinh điển của dòng tiểu thuyết lãng mạn (romance) thế giới và độc giả của họ cũng thuộc về tầng lớp trung lưu trí thức. Mối tình đầy kịch tính của Scarlett O’Hara và Rhett Butler trong tác phẩm nổi tiếng “Cuốn Theo Chiều Gió” (Gone With the Wind) của nữ văn sĩ Margaret Mitchell (1936) đã từng làm bao nhiêu trái tim thiếu nữ trên khắp thế giới thổn thức.

Những tác phẩm “Love Story” của Erich Segal (1970) hay “The Thorn Bird” của Colleen McCullough (1977) (được biết đến với tựa tiếng Việt là “Những Con Chim Ẩn Mình Chờ Chết” hay “Tiếng Chim Hót Trong Bụi Mận Gai”) cũng lấy đi không ít nước mắt của độc giả Việt Nam với những mối tình lãng mạn nhưng đầy ngang trái.

Hiện đại hơn thì bộ ngôn tình mang đậm chất S&M “Fifty Shades of Grey” cũng tạo nên một cơn sốt không những chỉ ở Mỹ mà còn ở Việt Nam. Điều này cho thấy, nhu cầu đọc truyện ngôn tình của loài người trên toàn cầu chưa bao giờ là một nhu cầu nhỏ. Có thể nói, chỉ khi nào con người hết mơ mộng hết yêu nhau thì truyện ngôn tình mới hết có đất sống.

Những đặc điểm của Ngôn tình Trung Quốc

Mặc dù được phân chia thành rất nhiều thể loại con, phần lớn nội dung của các tiểu thuyết ngôn tình Trung Quốc đều na ná nhau. Nam chính là một soái ca đẹp trai, con nhà giàu (gia đình danh gia vọng tộc, vương gia, thậm chí là hoàng đế), tài giỏi (ít nhất cũng phải là tổng giám đốc công ty trở lên hay nếu ở thời cổ đại thì võ công cái thế, cầm kỳ thi họa cái gì cũng giỏi) nhưng lạnh lùng, ích kỷ, gia trưởng, độc tài và trong rất nhiều trường hợp căm ghét thích hành hạ phụ nữ. Còn nữ chính thường là cô gái thuần khiết ngây thơ nhưng nhà nghèo, tài sắc chỉ ở dạng thường thường bậc trung (nữ sinh, nhân viên quèn trong công ty của nam chính, nữ tỳ…) hoặc gia đình có mối thù không đội trời chung với nam chính để tăng thêm phần éo le.

Mở đầu truyện, nam chính vì một số hiểu lầm hoặc mâu thuẫn sẽ căm ghét nữ chính, bạo hành về cả thể xác lẫn tinh thần nữ chính để làm thú tiêu khiển. Nhưng rồi sự trong sáng và tình yêu của nữ chính sẽ dần dần thay đổi suy nghĩ cũng như tình cảm của nam chính đối với nữ chính từ ghét bỏ đến trở thành yêu tha thiết thậm chí dám hy sinh cả tính mạng của mình vì người mình yêu. Đồng thời nữ chính cũng phát hiện ra rằng bên trong cái vẻ bề ngoài lạnh lùng tàn nhẫn của nam chính là một trái tim nhân hậu nồng ấm tình người. Hai người vượt qua những mâu thuẫn và hiểu lầm ban đầu để trở thành một cặp đôi trai tài gái sắc ai ai cũng ngưỡng mộ sống bên nhau hạnh phúc trọn đời.

Nói một cách khác, nội dung của những tiểu thuyết ngôn tình nghe như những phiên bản khác nhau của câu chuyện cổ tích kinh điển “Người đẹp và quái vật” vậy. Với nội dung khá đơn giản, không cần phải cần tư duy logic cao, tiểu thuyết ngôn tình tạo cao trào bằng những nút thắt mở kịch tính vừa phải, chủ yếu tác động thẳng vào tình cảm của người đọc thay vì lý trí. Điều này rất phù hợp với tâm lý của các cô gái trẻ mơ mộng (một người yêu vừa đẹp trai vừa tài giỏi, muốn chịu thiệt thòi hy sinh một tí để chinh phục trái tim chàng, muốn thành công trong việc biến một kẻ lạnh lùng cay nghiệt thành một người tình lý tưởng vừa nồng ấm vừa chung thủy).

Đặc biệt, các tác phẩm ngôn tình còn ăn khách ở chỗ là “cài cắm” những phát ngôn (thường là của nhân vật nam chính) đầy triết lý về tình yêu khiến các độc giả nữ tha hồ mà tan chảy và mơ ước một người yêu soái ca tâm lý như thế.

lối sống, nghĩa là gì, tình yêu, văn hóa, ngôn tình là gì? vì sao truyện và phim ngôn tình hấp dẫn giới trẻ?

Tại sao ngôn tình Trung Quốc lại hấp dẫn?

Chúng ta có thể điểm qua một số lý do khiến các tác phẩm truyện và phim ngôn tình Trung Quốc hấp dẫn giới trẻ như sau:

Thứ nhất, không thể phủ nhận tính đa dạng về thể loại của truyện ngôn tình. Ngoài bối cảnh Trung Quốc hiện đại (đô thị), các truyện ngôn tình chia ra nhiều thể loại con khác nhau dựa theo bối cảnh như “cổ đại” (thời phong kiến), “xuyên không” (lạc sang một thời đại khác), “cung đấu” (chuyện đấu đá phi tần trong nội cung), “huyền huyễn” (bối cảnh thần tiên không có thực), “võng du” (nhân vật chính lọt vào một trò chơi online), “dị năng” (nhân vật chính có những năng lực đặc biệt), “trọng sinh” (vô tình sinh ra trong một thân xác khác kiểu “Hồn Trương Ba, da hàng thịt”), “quan trường” (những gia đình quan chức cao cấp)… hoặc dựa theo yếu tố mối quan hệ như “sủng” (nam chính cưng chiều nữ chính như bà hoàng), “ngược” (nam chính bạo hành nữ chính về thể xác hoặc/lẫn tinh thần), “đam mỹ” (đồng tính nam), “bách hợp” (đồng tính nữ), “H-hentai” (biến thái).

Điều này kích thích trí tưởng tượng của những độc giả trẻ tuổi và tạo nên sự hấp dẫn cho truyện ngôn tình. Dường như đối tượng độc giả nào cũng có thể thấy được hình mẫu của bản thân mình trong các nhân vật của truyện.

Thứ hai, nếu như những yếu tố gây kịch tính và lấy đi nước mắt trong tiểu thuyết diễm tình Quỳnh Dao là yếu tố bên ngoài tác động như lễ giáo gia phong, môn đăng hộ đối, mẹ chồng nàng dâu, chiến tranh chia cắt hoặc kẻ thứ ba cản trở… khiến tình cảm của nam chính và nữ chính gặp khó khăn trở ngại thì yếu tố gây kịch tính của truyện ngôn tình xuất phát chủ yếu từ bên trong như ghét nhau hoặc thù hận nhau lúc đầu do hiểu lầm khiến nam chính ngược đãi nữ chính hoặc chơi trò mèo vờn chuột gây đau khổ cho nhau, nữ chính lúc đầu yếu đuối lụy tình nhưng lúc sau trở nên kiên cường bản lĩnh khiến nam chính say mê mình như điếu đổ.

Hầu như toàn bộ cốt truyện tập trung vào hai nhân vật chính, còn lại các nhân vật phụ gần như rất mờ nhạt như thể chỉ để làm nền mà thôi. Yếu tố hài hước với giọng văn hiện đại gần gũi với lời ăn tiếng nói của giới trẻ thành thị cũng là một yếu tố khác khiến nhiều bạn trẻ thích đọc truyện ngôn tình.

Cuối cùng, yếu tố “sắc” (tình dục) là câu khách được khai thác tối đa trong truyện ngôn tình hiện đại. Tình yêu trong truyện ngôn tình hiện đại không trong sáng thuần khiết kiểu Quỳnh Dao mà đậm yếu tố sắc dục với các nhân vật nam lẫn nữ rất coi trọng những kỹ năng giường chiếu. Đặc biệt phần lớn các truyện ngôn tình dán mác 18+ đều có rất nhiều chương miêu tả rất kỹ những cảnh ân ái một cách chi tiết và trần trụi đến mức sống sượng, phản cảm giữa nam với nữ, nam với nam hoặc nữ với nữ với vốn từ ngữ vô cùng phong phú đặc tả những bộ phận nhạy cảm, các tư thế ân ái và cảm xúc của nhân vật.

Mặc dù những chương như thế đều có dán mác 18+ hoặc 21+ hoặc H (hentai = biến thái) tùy theo độ “nặng” của những đoạn miêu tả về sex, điều này chỉ có tác dụng kích thích trí tò mò của người đọc mà thôi chứ không hề có tác dụng ngăn cấm. Những truyện “nặng” như thế có thể tìm thấy được dễ dàng trên vô số trang web truyện ngôn tình miễn phí trên mạng.

Vậy là chúng ta đã hiểu ngôn tình là gì và những đặc điểm khiến truyện và phim ngôn tình hấp dẫn giới trẻ. Hãy đọc phần tiếp theo: Tác hại của truyện ngôn tình Trung Quốc nhé. Đặc biệt nếu bạn là bậc làm cha làm mẹ thì càng cần phải đọc để thấu hiểu và ứng phó khi phát hiện con gái mình nghiện truyện ngôn tình.

Xem thêm:

Đăng bởi: Bối Bảo

ALONGWALKER Singapore: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Philippines: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Indonesia: Saluran untuk mengeksplorasi pengalaman para pemuda global ALONGWALKER Malaysia: Saluran untuk menjelajahi pengalaman global belia ALONGWALKER Japan: 発見・体験、日本旅行に関する記事 ALONGWALKER Thailand: ช่องทางในการสำรวจประสบการณ์ของเยาวชนระดับโลก