Gia Đình Tâm Sự

Sám hối: trí tuệ của bậc minh quân

Sám hối là một phương pháp nhận thức lại chính mình, đánh giá lại chính mình, là sự thay đổi trong tư tưởng và hành động nhằm chỉnh sửa sự sai trái để được tha thứ và chỉnh đốn lại mình, là một hướng đi để an bài, sắp xếp lại mình.

Cuộc sống rất vụn vặt và phức tạp, vô tình hay hữu ý chúng ta phạm biết bao sai sót, nói sai nhiều điều, làm sai nhiều điều, khởi dậy biết bao tà niệm, nhưng nhiều khi chúng ta không thể phát giác được. Chỉ có dùng sự trong sạch của sám hối tẩy rửa thì mới làm cho trái tim không bị u uế, mới có thể làm một con người có ý nghĩa.

Rất kỳ lạ, mỗi lần đến Bắc Kinh, lão đều có một cảm giác như đang sống trong triều đại vua chúa, nhất là khi bước chân đến Thiên An Môn. Giá như không có tấm hình Mao Trạch Đông to tổ bố treo ngay trên cổng thì cảm giác ấy còn sâu sắc hơn.

Mỗi ngày dòng người bốn phương chen chân nhau vào thăm Tử Cấm Thành, nơi các triều đại vua chúa nhà Minh, Thanh ngự trị. Hàng năm trên 10 triệu người ghé thăm nơi đây. Họ như muốn tìm kiếm lại, hồi ức lại cuộc sống vua tôi với vẻ mặt đầy sùng kính, hơn thế nữa, họ như luyến tiếc một triều đại vua chúa, như cam tâm để một vị vua đứng đầu được hưởng phú quý vinh hoa, quyền lực tập trung vào một người, có tham nhũng thì cũng chỉ một người được quyền, còn được quyền hành quyết tức thời với những kẻ can phạm, có tội với dân, với nước. Đấy mới gọi là Thiên Tử, nhưng Thiên Tử lại phải bị ràng buộc với Thượng Đế, phải biết sai và biết hối cải thì mới là một Thiên Tử tốt, xứng đáng ngồi trên ngai vàng trị vì thiên hạ.

Hơn 2000 năm trước, Đổng Trọng Thư nhà triết học duy tâm thời Tây Hán, một đại diện tiêu biểu của Nho học đã đưa ra một học thuyết về “Cảm ứng Thiên Nhân”. Dựa vào lý luận này, các quân chủ vua chúa được hợp pháp hoá thống trị xã hội nhân loại một cách có căn cứ, đồng thời cũng là một công cụ để các tập đoàn Nho sinh dùng để chế ngự quân chủ của mình. Từ đấy mới sinh ra từ “Thiên Tử” con Trời, Vua được cho là con Trời, thần dân là bề tôi tớ quỳ gối chấp nhận sự an bài của trời đất.

lối sống, phát triển bản thân, sám hối: trí tuệ của bậc minh quân

Trong tác phẩm của Đổng Trọng Thư nói về “Thiên Nhân cảm ứng” nêu ra một nội dung cho rằng quân chủ trị vì đất nước là do ý trời, thái độ của quân chủ có thể ảnh hưởng thời tiết, mùa màng. Đổng Trọng Thư nhân cách hoá Trời, cho rằng Trời có ý chí và có thể chi phối vạn vật, mọi quy luật của tự nhiên và nhân loại đều do Trời quyết định. Mọi cấu tạo của con người về tư tưởng, tình cảm, đạo đức, phẩm chất đều được kiến tạo bởi ý Trời.

Tiến sâu hơn, Đổng Trọng Thư cho rằng quân chủ là đại diện của Trời, nghe lệnh của Trời, làm Thiên Tử hành vương đạo, khi đất nước trị vì bởi một bậc minh quân thì bốn mùa rõ rệt, mưa thuận gió hoà, mọi sự hanh thông. Khi một bậc chính nhân thiên tử ra đời thì bầu trời xuất hiện mây lành, những đám mây hồng hiển hiện hình thù của rồng, phượng, kỳ lân. Một khi bầu trời hiện lên những đám mây lành là biểu tượng về sự biểu dương của ông Trời với thành tích trị vì của Thiên tử. Nhưng khi Thiên tử hoang dâm vô độ, trị nước lỏng lẻo, bá quan than phiền, dân tình khổ cực thì ông Trời phẫn nộ gây ra thiên tai để cảnh báo và trừng trị.

Mỗi khi gặp hiện tượng như vậy, nhà vua phải dâng chiếu sám hối nhận tội. Nhà vua phải thừa nhận vô đức vô tài, phải bế điện, giảm thiện (giảm phần ăn), tự hối lỗi, nghe lời khuyên của bậc hiền nhân, đặc xá tội phạm… Theo thống kê của sử sách thì triều Hán có 15 vị vua dâng chiếu nhận lỗi. Trong đó, Hán Tuyên Đế dâng 8 lần, Hán Nguyên Đế 13 lần, Hán Thành Đế 12 lần.

Đọc “Nhị thập ngũ sử” có ghi những dữ liệu lý thú, kể ra để các vị học giả có thêm tư liệu.

Năm thứ hai Tào Nguỵ (năm 221) xẩy ra nhật thực, nhà vua Tào Phi hạ chiếu nhận tội. Tống Ninh Tông Gia Định năm thứ 6 (năm 1213), tháng 9 nhuận có sấm sét lớn, nhà vua hạ chiếu nhận tội. Kim Chương Tông Minh Thương năm thứ nhất (năm 1190), đại hạn hán, nhà vua ra lệnh lập đàn cầu mưa, các quan và Thừa Tướng cùng vua tôi dâng sớ nhận tội. Nhà vua còn chiếu Hàn Lâm Học Sĩ Đảng Hoài Anh thảo ra bản “Chiếu thú tội”.

Năm cuối của triều đại Bắc Tống, giặc Kim binh lâm thành hạ, Tống Uý Tông cũng hạ chiếu nhận tội: “Nguyên lộ tế trại, siểm du nhật vấn, nịnh hạnh chuyên quyền, tham quan đắc chí, phú thuế kiệt sinh dân tài, thú dịch khốn quân ngũ chi lực, đa tác vô ích, xỉ mị thành phong”. Ý nói: Bị ngăn chặn không nghe lời kẻ hiền sĩ, chót nghe nịnh thần mà sinh ra bọn tham quan chuyên quyền đắc chí, thuế má vắt kiệt tiền tài của dân, quân tình lỏng lẻo, xã tắc bất an, lời chê trách vang dậy.

Quân chủ nhận tội là trí tuệ của chính thể, là một truyền thống rất đáng ca ngợi từ xa xưa cho những ai đứng đầu đất nước. Phải nhận rõ thiên chức của mình, phải có trách nhiệm với thiên hạ bách tính.

Sám hối và tự trách cần phải có dũng khí, khi anh đang ngồi ở đỉnh cao nhất của quyền lực thì thường thường đánh mất chính mình. Phải hiểu rõ rằng, quyền lực chính là trách nhiệm, khi nhìn thấy thần dân phải sống trong khổ sở điêu đứng thì mình phải thấy đau đớn bội phần. Lúc ấy, người đứng đầu phải học cách nhận tội như các quân vương trong lịch sử. Điều này người Nhật thường hay làm, họ không ngần ngại nhận lỗi của mình với quần chúng nhân dân, ngay cả đến Thiên Hoàng cũng làm vậy. Đấy chính là một sự điều tiết giữa tập đoàn cầm quyền với nhân dân, khiến mối quan hệ giữa người thống trị và bị thống trị được thăng bằng.

Nếu chúng ta muốn có một động lực không ngừng tiến lên thì cần phải không ngừng đúc kết lại mình. Bất kể là ai, sau khi làm xong việc gì cũng nên xem lại, kiểm tra lại việc mình làm, đúc kết lại và biết nhận ra sai phạm, như vậy mới là người có trách nhiệm với bản thân, với quần chúng. Cổ nhân nói: ”Nhân phi thánh hiền, thục năng vô quá”. Chúng ta đều có thể mắc sai lầm, đó là điều rất tự nhiên, vấn đề là chúng ta làm thế nào trực diện với sai lầm của mình.

Sám hối là một phương pháp nhận thức lại chính mình, đánh giá lại chính mình, là sự thay đổi trong tư tưởng và hành động nhằm chỉnh sửa sự sai trái để được tha thứ và chỉnh đốn lại mình, là một hướng đi để an bài, sắp xếp lại mình. Sám hối là thừa nhận khuyết điểm, nhưng chỉ đơn thuần nhận sai vẫn chưa đủ, còn phải gánh vác trách nhiệm, tiếp thu mọi hậu quả đến từ sai lầm, như vậy mới có thể đúng với ý nghĩa của sự sám hối. Người biết sám hối còn phải biết thức tỉnh.

Khổng Tử nói: ”Ngô nhật tam tỉnh ngô thân” nghĩa là mỗi ngày tôi nhận thức lại mình ba lần. Sokrates là một triết gia Hy Lạp cổ đại, người được mệnh danh là bậc thầy về truy vấn có nói: ”Một cuộc sống không trải qua sự phán xét nội tâm thì không đáng giá”. Nếu như chúng ta làm được như hai vị thánh hiền kể trên, mọi lúc mọi nơi phán xét bản thân, như vậy rất có thể chúng ta không cần phải sám hối nữa.

lối sống, phát triển bản thân, sám hối: trí tuệ của bậc minh quân

Tự thức tỉnh, nói nôm na một chút là tự trách mình và cảnh tỉnh, là một sự thấu hiểu sau khi nhận ra khuyết điểm, càng có thể là một sự giác ngộ sau khi đã trải qua phán xét bản thân, là một hành vi kéo dài của sám hối. Nếu không biết tự thức tỉnh thì không thể nhận thức được sai lầm, càng đi càng đến bờ vực sâu mà không biết giật cương dừng ngựa, như vậy thì hồ đồ biết bao?

Sách Hướng Dẫn Thánh Thư có đoạn: ”Sự thay đổi trí óc và tâm hồn mang lại một thái độ mới mẻ đối với Thượng Đế, đối với bản thân và cuộc sống nói chung. Sự sám hối có nghĩa là một người biết buông bỏ điều xấu xa và hướng tấm lòng và ý muốn của mình về Thượng Đế, tuân phục theo những lệnh truyền và mong muốn của Thượng Đế và từ bỏ tội lỗi. Sự sám hối chân thật đến từ lòng thương yêu Thượng Đế và một sự mong muốn thành thật tuân theo các giáo lệnh của Ngài. Tất cả những người hiểu biết trách nhiệm đều đã phạm tội và cần phải biết sám hối để có thể tiến tới sự cứu rỗi. Nhờ sự chuộc tội của Chúa Giê Su Ky Tô mà sự hối cải của chúng ta mới có thể trở nên hiệu quả và được Thượng Đế chấp nhận.” Trong đó còn có một câu: ”Chớ nói điều gì ngoại trừ sự hối cải đối với thế hệ này”.

Sự sám hối hay còn được gọi là sự ăn năn hoặc sự thống hối là việc một người ăn năn tội lỗi của mình, và cũng được dùng trong tên gọi của Bí tích Sám hối trong Công Giáo. Bí tích này chữa lành tâm linh của họ vì mọi tội lỗi của họ đều được xoá đi khỏi họ. Điều này mang lại nhiều ân sủng, hoặc phước lành và những điều tốt đẹp, cho người nhận bí tích.

Đêm nay, hãy nhìn lên trời cao, hướng về đấng thiêng liêng và nói lên những lỗi lầm của mình để sám hối và gột rửa sạch mình. Cầu chúc mọi điều tốt lành sẽ đến với các bạn!

Đăng bởi: Nguyễn Thị Ánh

ALONGWALKER Singapore: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Philippines: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Indonesia: Saluran untuk mengeksplorasi pengalaman para pemuda global ALONGWALKER Malaysia: Saluran untuk menjelajahi pengalaman global belia ALONGWALKER Japan: 発見・体験、日本旅行に関する記事 ALONGWALKER Thailand: ช่องทางในการสำรวจประสบการณ์ของเยาวชนระดับโลก