Gia Đình

Khi cha mẹ đẩy trách nhiệm gia đình lên vai những đứa con

Một số đứa con không hề sợ khổ, không hề sợ lao ra đời vất vả, mà chỉ sợ khi về đến nhà, chúng chỉ là “người lạ phải mang trách nhiệm” trong chính nơi chúng gọi là “nhà” đó mà thôi.

Năm bạn mình 23 tuổi – trả nợ vài môn mới tốt nghiệp được đại học do đi làm thêm nhiều quá và vừa vất vả mới xin được việc ở 1 tập đoàn nổi nổi – thì bố mẹ nó gọi nó về nhà và nói:

– Từ giờ mày phải có trách nhiệm với 2 đứa em mày.

Sau đó, tiền lương hàng tháng nó phải trích ra 1 khoản cho 2 đứa em (1 trai, 1 gái) ăn học và phải gửi 1 ít về nhà, giữ lại cho bản thân không đáng là bao.

Làm thuê cật lực mấy năm mới mua được căn chung cư bé xíu xa tít mù tắp, đi qua vài quận nội thành mới tới, chưa riêng tư được là bao thì 2 đứa em lại tự ý dọn về nhà nó ở dưới sự khích lệ nhiệt tình của ông bà già nó.

Nó miễn cưỡng gật đầu dù lòng không vui vẻ.

2 đứa em ra trường, đi làm vật vờ lương vài triệu 1 tháng, chi tiêu ăn uống cũng hết, cần tiền gì gấp chúng nó lại “nặn” từ chị cả.

Tuy không đáng là bao nhưng cứ nhát 1 cái lại xin 1 2 triệu khiến bạn mình nó stress kinh khủng, nó lựa chọn việc nói thẳng bao nhiêu lần, nhưng ông bà già nó lại gạt phắt:

– Mày là chị cả, đừng ích kỷ, làm được cho em nó có sao? Người ngoài đâu mà sợ thiệt?

Chính vì những gánh nặng đè nặng khiến bạn mình bị kinh sợ lập gia đình và sự gắn bó, nó không muốn hẹn hò phần vì gia cảnh phức tạp, phần vì nó sợ lại phải gánh thêm nhiều trách nhiệm khác từ phe đối phương.

Nên nó càng ngày càng khép kín.

Năm ngoái nó vay mình 1 khoản, nó bảo trả nợ cho đứa em trai làm ăn thua lỗ gì đó, xong tín dụng đen kéo đến nhà đòi tiền. Bố mẹ nó lại gọi nó khóc lóc “không biết bảo ban em”. Mọi sự đều là trách móc nó, nó chỉ biết im lặng, nản, mệt và chán không muốn nói gì.

Sáng nó gọi mình oà khóc, tấm tức như cái lò xo bị nén lâu ngày khi biết ông bà già nó có ý định bán đất chia phần lớn cho 2 đứa em chỉ để lại cho nó có 20% vì lý do “mày tự sống được còn 2 đứa kia ít va chạm hơn mày”.

Đỉnh điểm là nó bây giờ không muốn về nhà nữa, cũng chả muốn tranh giành, muốn xin việc ở thành phố khác và không muốn liên quan gì nữa.

Mình chỉ là 1 người ngoài, nghe câu chuyện xong biết vậy!

bài học cuộc sống, lối sống, khi cha mẹ đẩy trách nhiệm gia đình lên vai những đứa con

Ảnh: Christian Erfurt / Unsplash.

Tất nhiên mình gặp không ít những gia đình có xu hướng thiên vị 1 hoặc vài đứa con trong gia đình của họ và có xu hướng để 1 đứa “va chạm” nhất gánh vác tất cả trách nhiệm mà họ không hề nhận ra sự tổn thương của đứa con đầu đàn đó.

Nhiều ông bố bà mẹ tuy lớn tuổi nhưng luôn bảo thủ rằng họ quan tâm và công bằng với tất cả những đứa con của họ nhưng việc làm lại hoàn toàn ngược lại với những thứ họ nói ra mồm.

Chính sự thiên vị của bố mẹ nó đã đẩy cả gia đình vào bóng tối mà họ không hề nhận ra. Họ đã để những đứa con cảm thấy là “khách” trong chính gia đình mà chúng sinh ra cũng như lớn lên ở đó. Có đứa còn trầm cảm, đứa stress và có những đứa không hề muốn bước chân về nhà.

Nhiều bậc sinh thành không biết được rằng chính họ – lẽ ra với vai trò là cầu nối- thì lại làm rạn nứt tình cảm gia đình, gây ra mâu thuẫn giữa chính các anh chị em với nhau.

Hy vọng các bác lớn tuổi hiểu rằng: 1 số đứa con của họ không hề sợ khổ, không hề sợ lao ra đời vất vả, mà chỉ sợ về đến nhà, chúng chỉ là “người lạ phải mang trách nhiệm” trong chính nơi chúng gọi là “nhà” đó mà thôi.

Đăng bởi: Thuận Hồ Thị

ALONGWALKER Singapore: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Philippines: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Indonesia: Saluran untuk mengeksplorasi pengalaman para pemuda global ALONGWALKER Malaysia: Saluran untuk menjelajahi pengalaman global belia ALONGWALKER Japan: 発見・体験、日本旅行に関する記事 ALONGWALKER Thailand: ช่องทางในการสำรวจประสบการณ์ของเยาวชนระดับโลก