Kỹ Năng Phái Mạnh

Tài năng không cần phô trương hết, hãy giữ sự sâu sắc cho mình

Trách người không cần hà khắc đến tàn nhẫn, chừa cho họ chút mặt mũi, giữ cho mình chút độ lượng. Hiểu hết lý lẽ không cần tranh cãi đến cùng, mở đường cho người khác, giữ khoan dung cho mình.

bài học cuộc sống, kỹ năng, lối sống, phát triển bản thân, tài năng không cần phô trương hết, hãy giữ sự sâu sắc cho mình

Ảnh: LATimes.

Từ trò chơi bắn bi…

Thời tôi tầm lớp 3-4 gì đấy, trong xóm tôi có tầm 4-5 thằng trạc tuổi. Cứ rảnh là rủ nhau chơi Bắn Bi, tài sản mỗi thằng chắc được 20-30 viên bi gì đấy, nhà thằng khá giả thì có tầm 50 viên lớn nhỏ khác nhau.

Tôi xưa giờ được cái học nhanh, nên chơi thời gian là bắt đầu tìm được kỹ thuật riêng để bắn trúng bi của tụi nó với tần suất rất cao. Thế là lúc nào, có mặt tôi là tụi nó thua te tua. Chơi với nhau 1 năm, tôi ăn dần dần gần hết bi của tụi nó hồi nào không hay. Tôi cũng hả hê vì ‘tao là the best bắn bi’ trong cái xóm này rồi, vênh mặt lắm.

Vênh được thời gian thì có hôm đi ngang, phát hiện tụi nó chơi riêng mà không rủ tôi nữa. Lúc đấy mới 7-8 tuổi biết mẹ gì đâu, mặt đỏ tía vì giận, chạy lại xồng xộc hỏi cho ra lẽ thì tụi nó bảo: “mày đi chỗ khác chơi đi !..”

Tôi cũng không vừa, tự nhủ, bố dell cần tụi mày, không cùng đẳng cấp nên bố chơi một mình. Cũng gồng được mấy hôm, tuy nhiên cũng rảnh quá, cứ lâu lâu đi ra trước cổng hóng hớt thì thấy tụi nó đi ngang cười nói. Nhưng đau cái, tụi nó không những chơi bắn bi mà còn bày thêm trò mới như tạc lon, đánh trận giả, v.v.. làm tôi thèm nhỏ dãi.

Gồng được một tuần thì hết chịu nổi, cầm hết đống bi ăn của tụi nó đợt trước ra làm lành, tầm 140-150 viên gì đấy; tôi bảo: ‘tao giữ 20 viên thôi, còn lại cho tụi mày hết’. Tụi nó khoái, thế là cho tôi chơi lại.

Từ dạo đó trở đi, cứ hôm nào chơi bắn bi mà tôi thấy tụi nó đang trên đà thua thì tôi lại giả bộ bắn hụt vài cú để tụi nó thắng lại. Nhờ thế mà tôi với tụi nó chơi đến tận 12-13 tuổi, sau đấy qua cấp 2 thì mỗi đứa mỗi hướng đi khác nhau.

Câu chuyện bắn bi năm nào, đầy tính ‘trẻ con’ nhưng vô tình lại là bài học để đời cho tôi đến tận bây giờ:

“Tài năng không cần phô trương hết, dành cơ hội cho người khác, giữ sự sâu sắc cho mình. Còn có công cũng không cần nhận hết, chuyển cho người khác vài phần, lưu sự khiêm nhường cho mình.”

… đến sự trưởng thành thực sự.

Sau này tốt nghiệp đại học, tôi đi làm, cũng nhờ bài học bắn bi mà tôi né được khá nhiều mâu thuẫn với đồng nghiệp, với khách hàng và cả với chủ của mình nữa. Tầm năm 26 tuổi thì tôi leo lên được vị trí cao nhất của một doanh nghiệp, tầm 30-40 nhân viên cấp dưới, trẻ mà lên nhanh thì thường dễ ngạo mạn và ảo tưởng sức mạnh lắm.

Tôi được cái phân tích rất tốt, học gì tý là nhớ, nên gần như trong bất kỳ tranh luận nào với ai nếu đúng cái tôi biết rành thì không bao giờ tôi chịu thua. Phải nói đến chừng nào đối phương đuối lý mà thôi.

bài học cuộc sống, kỹ năng, lối sống, phát triển bản thân, tài năng không cần phô trương hết, hãy giữ sự sâu sắc cho mình

Ảnh: Business Insider.

Nhưng với cái tính đấy, dần dần tôi cũng mất kha khá mối quan hệ, lẽ ra không đến nổi phải kết thúc như vậy. Nó tương tự câu chuyện bắn bi hồi bé nhưng ở một hình tướng khác. Tưởng đã lớn, ai ngờ vẫn ‘trẻ con’ trong cái thân to xác và cái đầu ‘biết nhiều’ nhưng không ‘biết điều’.

Tầm 2-3 năm đầu ở vị trí điều hành doanh nghiệp, đạt được cũng nhiều mà mắc sai lầm cũng không ít. Có giai đoạn tôi thấy mình rất cô đơn, vì với tôi, lúc nào cũng phải rõ đúng-sai, đen-trắng, chứ không thể nửa nửa được.

Tôi áp cả tư duy đó với cả người thân, đặc biệt là vợ mình, nên có thời gian vợ tôi khá mệt mỏi vì chẳng bao giờ tôi nhường cô ấy trong bất kỳ tranh luận nào.

Sự trưởng thành của người đàn ông, với tôi, không phải là kiếm được bao nhiêu tiền, và giống như ngày xưa, cũng không cần là người giỏi nhất. Giỏi nhất để làm gì, khi chẳng nâng đỡ được ai xung quanh chúng ta, gần nhất là người thân.

Trách người không cần hà khắc đến tàn nhẫn, chừa cho họ chút mặt mũi, giữ cho mình chút độ lượng.

Hiểu hết lý lẽ không cần tranh cãi đến cùng, mở đường cho người khác, giữ khoan dung cho mình.

Đó là bài học cao hơn, được nâng cấp từ bài học bắn bi năm nào, như tôi thường hay ghi:

Giỏi hơn không phải để ‘khinh người’, mà giỏi hơn là để ‘giúp người’ mà thôi.

Đó là sự trưởng thành cuối cùng của thằng đàn ông, học để chung sống, học để phụng sự.

Đăng bởi: Hải Lê

ALONGWALKER Singapore: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Philippines: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Indonesia: Saluran untuk mengeksplorasi pengalaman para pemuda global ALONGWALKER Malaysia: Saluran untuk menjelajahi pengalaman global belia ALONGWALKER Japan: 発見・体験、日本旅行に関する記事 ALONGWALKER Thailand: ช่องทางในการสำรวจประสบการณ์ของเยาวชนระดับโลก