Điện Biên

Ăn gì khi đến Điện Biên?

Điện Biên nơi có nhiều danh lam thắng cảnh, di tích gắn liền với lịch sử hào hùng của dân tộc. Du lịch Điện Biên bạn sẽ được ngắm nhìn cảnh sắc hoang sơ của núi rừng, đi thăm lại những di tích lịch sử để tưởng nhớ công ơn to lớn của các vị anh hùng dân tộc. Và đừng quên ghé qua những điểm hẹn ẩm thực để khám phá các món ăn đặc sắc nơi đây nhé. Ăn gì khi đến Điện Biên? Trong bài viết này hãy cùng chúng tôi khám phá các món ăn ngon nổi tiếng của Điện Biên khi có dịp ghé thăm vùng đất này nhé!

Cá nướng (Pa pỉnh tộp) – Điện Biên

Lên vùng Tây Bắc, nếu có dịp ghé thăm nhà của người dân tộc Thái và thưởng thức món cá nướng. Du khách sẽ khó lòng quên hương vị độc đáo này. Người Thái có câu “cáy măn mọk má ha, báu to pa pỉnh tộp ma sú”, nghĩa là “gà tơ tần đem đến, không bằng pa pỉnh tộp đem cho” để thể hiện sự tinh tế và sự quý trọng món ăn này. Theo tiếng Thái, “pa” có nghĩa là cá. “Pa pỉnh tộp” được hiểu là món “cá nướng gập”, mô tả đúng hình dáng của món ăn.

ăn gì khi đến điện biên?

Cá nướng (Pa pỉnh tộp) – Điện Biên

Nguyên liệu chính là cá suối như cá chép, trôi, trắm thật tươi. Bắt cá về làm sạch vảy rồi mổ cá đằng dọc sống lưng thay vì bụng để con cá mềm mại dễ gấp úp lại hơn và phần gia vị nhồi trong bụng cá tiếp xúc với than hồng sẽ toả hương ngấm vào thịt cá. Gia vị ướp trực tiếp vào trong mình cá gồm gừng, sả, rau thơm và đặc biệt là mắc khén và mầm măng của cây sa nhân. Sau khi mổ cá (đằng sống lưng) thì chú ý là tuyệt đối không rửa cá lại bằng nước.

Bên thân ngoài của cá ta rắc muối và mắc khén lên. Pa pỉnh tộp nướng trên lửa than. Khi nướng phải dùng thanh tre kẹp lại để vị cá thêm đậm đà khi các loại gia vị thấm sâu vào từng thớ thịt và tỏa hương thơm. Thịt cá nướng xong thì bên trong thơm, ngọt, khô chắc.

Bí quyết làm món “Pa Pỉnh Tộp”: Ta thái và băm nhỏ các loại gia vị như gừng, sả, hành củ, ớt, rau thơm, cho thêm muối và mắc khén vào, trộn đều lên rồi nhồi hỗn hợp rau thơm cùng các loại gia vị nói trên vào bụng cá và dàn đều ra.

Gấp úp đôi lại sao cho đầu cá và đuôi cá chụm lại với nhau, rắc muối và mắc khén lên thân ngoài của cá rồi kẹp vào gắp nướng. Que gắp nướng (Híp Pỉnh) làm từ cây tre bương dày, tươi càng tốt, chẻ thành đôi hoặc ba, bốn chạc để kẹp cho chắc chắn. Sau đó phải nướng trên than củi gỗ. Nếu nướng trên than cây tre và các loại cây gỗ tạp thì không chín vàng đều và không thơm ngon.

Người ngồi nướng cần phải kiên trì giữ cho chín dần, chín đều, không nóng vội để sát cá vào bếp lửa, cá sẽ cháy bên ngoài mà vẫn chưa đủ độ chín thơm bên trong. Pa pỉnh tộp ngon nhất khi ăn với xôi nếp ta. Pa pỉnh tộp chính là món cá nướng trong tiếng Thái.

Bạn có thể thưởng thức “Pa pỉnh tộp” ở Lai Châu, Sơn La, ở Hòa Bình, ở Yên Bái…Nhưng nổi tiếng nhất và được coi là ngon nhất vẫn là món Pa pỉnh tộp của người Thái ở Điện Biên.

Khi cá vừa chín tới, người làm gỡ khỏi vỉ và bày lên đĩa. Mùi thơm ngọt của cá chín quyện hương nồng từ các gia vị tỏa ra đầy mời gọi. Nhiều thực khách miền xuôi khi nếm thử cũng phải cất lời khen hương vị độc đáo không lẫn với bất cứ món cá nào từng thưởng thức trước đó.

Món ăn từ hoa ban – Điện Biên

Mỗi độ tháng ba trên đất Điện Biên, hoa ban đã nở rực rỡ khắp núi rừng, các cung đường, bản làng; mang đến sắc thái rộn ràng, tươi tắn mời gọi du khách đến với Điện Biên để dự Lễ hội Hoa ban. Hoa ban không chỉ mang đến vẻ đẹp thuần khiết, hoang sơ cho núi rừng, mà còn là nguyên liệu chính, là linh hồn trong một số món ăn của người dân tộc Thái, khiến những ai được thưởng thức một lần sẽ nhớ mãi.

ăn gì khi đến điện biên?

Món ăn từ hoa ban – Điện Biên

Chị Lò Kim Xuyến, sinh sống tại bản văn hóa Phiêng Lơi, xã Thanh Minh, TP. Điện Biên Phủ, đã có kinh nghiệm 15 năm làm những món ăn dân tộc Thái từ hoa ban. Để có những bông hoa ban tươi, ngon trong các món ăn, hàng ngày, chị Xuyến phải thức dậy từ khi mặt trời còn chưa ló rạng, lên rừng hái những bông hoa còn đọng hạt sương. Mỗi bông hoa đều được lựa chọn kỹ càng, đem về rửa sạch, chế biến từ 3 – 5 món ăn chính và vài món ăn phụ trong mâm cơm của người dân tộc Thái.

“Có nhiều món ngon làm từ hoa ban, như: Nộm hoa ban, hoa ban xào thịt trâu, hoa ban nấu xôi, canh hoa ban, hoa ban nướng với thịt lợn, hoa ban nướng với cá… Nhưng ngon nhất vẫn là món nộm hoa ban; món ăn này đòi hỏi cách làm khá công phu. Hoa ban có thể làm nộm với măng đắng, rau “Bò khai”, rau muống hoặc các loại rau cải, nhưng với bất kỳ loại rau nào cũng không làm mất đi mùi thơm đặc trưng của hoa ban” – chị Xuyến chia sẻ.

Để làm món nộm hoa Ban với măng đắng cho chúng tôi thưởng thức, chị Xuyến đã chuẩn bị các gia vị chính là muối, lá tỏi tươi, rềng, tỏi khô và ớt. Ngoài măng đắng được luộc kỹ thì công đoạn quan trọng nhất chính là luộc hoa ban. Theo chị Xuyến, hoa ban chỉ cần luộc qua nước sôi để bớt vị chát từ nhựa hoa, nhưng người luộc cần khéo léo, luộc sao cho vừa phải, bởi nếu luộc quá nhừ thì hoa ban sẽ mất vị thơm ngọt.Và chỉ sau vài phút trộn các gia vị đã được chuẩn bị sẵn cùng măng đắng và hoa ban luộc, chúng tôi đã được nếm thử món nộm với mùi thơm, vị ngọt đặc trưng của hoa ban hòa quện với vị đắng của măng, tạo ra món ăn vừa lạ miệng vừa hấp dẫn.

Đến một số bản văn hóa người dân tộc Thái trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ, chúng tôi được biết, hiện nay những món ăn từ hoa ban hiện nay rất hấp dẫn thực khách mọi miền khi đến với Điện Biên. Đặc biệt, vào mỗi độ tháng ba hàng năm, khi du khách tới Điện Biên tham quan và dự Lễ hội Hoa ban, bao giờ họ cũng tìm tới những bản văn hóa, như: Phiêng Lơi, Noong Chứn, Him Lam 2, bản Mển, bản Ten… để được thưởng thức những món ăn dân tộc Thái làm từ hoa ban.

Anh Lò Văn Phong, bản Noong Chứn, phường Nam Thanh, TP. Điện Biên Phủ cho biết: “Từ xa xưa, hoa ban vốn là hình ảnh gắn với người con gái dân tộc Thái, là đặc trưng của núi rừng Tây Bắc, do đó khi kết hợp hoa ban trong các món ăn sẽ đem lại sự hấp dẫn, độc đáo cho món ăn. Cũng chính vì thế mà những năm gần đây, khách du lịch tới bản tôi đặt cơm, bao giờ họ cũng đặt những món ăn từ hoa ban để thưởng thức”.

Những ngày này, tại bản văn hóa Noong Chứn, phường Nam Thanh, TP. Điện Biên Phủ, lúc nào cũng đông vui, nhộn nhịp bởi các gia đình ở đây đều làm những món ăn từ hoa ban để tiếp đãi bạn bè và du khách tới thưởng thức. Gia đình chị Quàng Thị Dinh hôm nay sẽ làm 5 món ăn từ hoa ban do du khách đặt. Là người có kinh nghiệm trên 20 năm làm các món ăn dân tộc Thái, trong đó có món ăn từ hoa ban, chị Dinh cho biết: “Hoa ban rất hợp với các vị cay, chát, đắng trong món ăn; vì thế, bất cứ món ăn nào có hoa ban thì hương vị của món ăn bỗng trở nên hài hòa, độc đáo, lạ miệng và rất ngon”.

Ngoài món nộm thì hoa ban xào thịt trâu hay canh hoa ban cũng là món được nhiều thực khách ưa thích và thường xuyên đặt chị Dinh làm. Thưởng thức món canh hoa ban nấu xương, chúng tôi thấy có vị ngọt thanh của bột gạo và béo ngậy của xương, hòa quện với mùi thơm của hoa ban tạo nên một hương vị vô cùng đặc biệt.

Khi các món ăn từ hoa ban được bày lên mâm cỗ, mọi người cùng nâng chén rượu thơm nồng và cùng nhau thưởng thức. Ai cũng khen hương vị thanh ngọt, mùi thơm của hoa ban trong từng món ăn. Mỗi du khách khi thưởng thức món ăn từ hoa ban sẽ không thể quên được sự độc đáo, ấn tượng trong văn hóa ẩm thực của người dân tộc Thái Điện Biên. Anh Vũ Văn Kiên, du khách tới từ tỉnh Hòa Bình cho biết: “Đây là lần đầu tiên tôi được ăn thử món ăn dân tộc Thái từ hoa ban, tôi rất ấn tượng bởi loài hoa ban không chỉ là nét đẹp riêng của người dân tộc Thái Điện Biên mà còn tạo nên những món ăn lạ miệng, độc đáo đến vậy”.

Từ những bông hoa ban ngọt ngào, quyến rũ, dưới đôi bàn tay khéo léo, chế biến công phu của người phụ nữ dân tộc Thái Điện Biên đã tạo ra những món ăn đặc trưng, độc đáo của núi rừng Tây Bắc; góp phần tạo nên sự phong phú, đa dạng trong văn hóa ẩm thực của các dân tộc và mời gọi du khách đến với Điện Biên.

Xôi nếp nương – Điện Biên

Nếp nương được trồng nhiều ở các tỉnh Tây Bắc, nhưng nói đến loại nếp ngon nhất, người ta thường nghĩ ngay đến nếp nương Điện Biên.

ăn gì khi đến điện biên?

Xôi nếp nương – Điện Biên

Những hạt nếp nương Điện Biên căng tròn, khi nấu lên có độ sáng bóng, vị ngọt, thơm, mềm dẻo. Ai đã từng được thưởng thức món xôi nếp nương thơm ngon do chính đồng bào các dân tộc chế biến sẽ cảm nhận được hương vị rất đặc biệt, khác hoàn toàn với những loại xôi khác đã từng thưởng thức trước đó.

Cách đồ xôi nếp nương khá công phu. Phải ngâm nếp trong nhiều giờ liền thì khi đồ xôi mới không bị sượng. Xôi phải được đồ trong chõ gỗ đặc biệt của đồng bào dân tộc Thái; xôi chín bằng hơi, mềm, dẻo nhưng không dính tay. Xôi được đồ rất kỳ công, phải qua hai lần đồ thì xôi mới dẻo thơm. Lần đồ thứ nhất, sau khi xôi tỏa hương thơm, vừa chín tới thì đem đổ ra một rá rồi lấy đũa trải ra cho đều, để một lúc sau thì đổ tiếp vào chõ và tiếp tục đồ cho xôi chín đều. Màu sắc của xôi phụ thuộc vào nguyên liệu tạo màu là các loại lá, quả, củ, với các màu, đỏ, tím, vàng, xanh trông rất đẹp mắt.

Để miêu tả hết món ăn này của người dân tộc Thái có lẽ không từ ngữ nào là đủ, bạn phải tự mình trải nghiệm, tự mình thưởng thức bạn mới cảm thấy được sự tuyệt diệu của món ăn mang đậm chất núi rừng Tây Bắc này. Khi đến với nơi đây tại sao lại không thử mua một chút xôi nóng hổi của chính người dân tộc Thái để mang đi đường vừa ăn vừa thưởng ngoạn phong cảnh nơi đây.

Trong cái tiết trời se lạnh của vùng núi, mùi thiên nhiên hòa quyện với mùi của xôi nếp nương Điện Biên, thưởng thức một chút xôi nóng hổi, dẻo thơm, ngắm phong cảnh tuyệt diệu như tranh của vùng đồi núi Tây Bắc. Nếu có điều kiện, bạn nên một lần trải nghiệm cảm giác này, đó sẽ là một kỷ niệm vô cùng đáng nhớ.

Thịt gà đen Tủa Chùa – Điện Biên

Gà đen Tủa Chùa là giống gà xương đen đặc hữu của đồng bào Hmong, tiếng Hmong gọi là Ka Đu. Trải qua hàng ngàn năm với cuộc sống du canh du cư, song Ka Đu vẫn được lưu giữ qua bao thế hệ bởi người Hmong coi Ka Du là 1 tài sản quí, luôn có mặt trong danh mục tài sản thừa kế cho tặng, dựng vợ gả chồng. Ka Đu có mắt viền đen, da đen, vân thịt đen, phủ tạng đen, xương cũng nhuốm đen.

ăn gì khi đến điện biên?

Thịt gà đen Tủa Chùa – Điện Biên

Gà xương thịt đen (gà thuốc) Tủa Chùa. Gà chỉ xương đen thôi, không phải mỗi Tủa Chùa mới có. Thế nhưng, lại chỉ ở Tủa Chùa mới thấy giống “gà lông xước” – toàn thân con gà phủ một lớp lông tơ (lông mao) mềm như lông thú, mà không có đuôi, không có cánh. Mặc dù thịt đen, xương đen nhưng lông đủ màu: đen, trắng, xám, vàng, mơ… .

Con gà đen Tủa Chùa có lẽ khác gà nơi khác cũng bởi sự sinh tồn mãnh liệt của nó. Ngủ cành cây, uống sương muối, ăn ngô răng ngựa và thóc lông đuôi (Loại thóc tẻ trồng 6 tháng mới được thu, gạo đỏ, năng suất thấp, nhưng lại là loại thóc số một về độ thơm, ngon và dẻo của người Mông. Mỗi hạt có một cái lông dài vài cm, cứng và nhọn tựa gai bồ kết. Thóc rất dai, người Mông thường phải gặt rồi gùi cả bông lúa về gác ránh bếp, ăn đến đâu thì đưa cả thóc cả rơm vào giã. Đến những người phụ nữ mông sở hữu da bàn chân như miếng da yên ngựa mà cũng không dám vò, vì sợ phải “tàn tật” vì loại thóc này; không gà vịt nào dám ăn, ngoại trừ gà xương đen Tủa Chùa).

Vì thế mà thịt gà xương đen Tủa Chùa càng ngọt, thơm, chắc. Xương nhỏ và cứng như xương gà rừng. Dân sành ăn chỉ cần nhá vào xương là biết ngay gà thuốc Tủa Chùa hay gà nhái. Đặc biệt thịt có hàm lượng glutamic và sắt cao gấp 2 lần so với gà bình thường và hàm lượng colesteron thấp. Đồng bào dân tộc thiểu số thường nấu cháo thịt Ka Đu bồi dưỡng cho trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai và cho con bú và dùng xương Ka Đu để ngâm rượu hoặc nấu cao sử dụng cho người già, người ốm yếu, chân tay run.

Gà có thịt đen, xương đen, không chỉ là món ăn đặc biệt mà còn là loại thuốc quý của người Mông. Các nghiên cứu trình bày tại Hội nghị Quốc tế về Dinh dưỡng trị liệu mấy năm trước cho biết, thịt gà đen xương như gà Mông có hương vị và giá trị dược liệu đặc biệt trong việc chữa trị các bệnh tim mạch. Bấy lâu nay, người dân Hà Nội quen thuộc với món tần thuốc Bắc của gà ác nhỏ con, thịt đen nhẻm, nhưng giờ, họ bắt đầu làm quen với giống gà cũng thịt đen, xương đen từng được coi là “món ăn của vua chúa”. Gà Mông cũng là giống gà thịt đen, xương đen nhưng không phải là giống gà ác mà là giống gà của đồng bào Mông chuyên được dùng làm “thuốc dân tộc”.

Rau hoa ban – Điện Biên

Khi những cơn mưa phùn mùa xuân vừa dứt và nắng ấm dần lên cũng là lúc vùng đất Tây Bắc chìm trong sắc trắng tinh khôi của hoa ban nở rộ. Hoa ban đã tàn cũng là lúc những chồi non nảy nở đâm ra mạnh mẽ, báo hiệu cho ta biết đã đến lúc thưởng thức món rau hoa ban.Những búp ban mới chỉ có đôi lá sẽ được người Thái hái từ những cây ban trên đồi cao, mang về rửa sạch rồi cho vào vại muối như muối dưa cải ở miền xuôi. Búp ban muối, ăn với cá sông Nậm Rốm kho thì ngon không gì sánh được

ăn gì khi đến điện biên?

Rau hoa ban – Điện Biên

Đến Điện Biên bước chân vào chợ Mường Thanh, hòa vào những cánh khăn piêu, thấp thoáng trong dáng điệu áo váy của phụ nữ Thái mới cảm nhận được một “mùa xuân của búp ban” ở nơi này. Những quẩy búp ban còn xanh mơn mởn, nguyên mùi ngai ngái đặc trưng. Rau của loài hoa đẹp, lại được người con gái Thái nhẹ nhàng gói lại, rồi đưa cho khách thì cái cảm giác mới nghĩ đến đã thấy là món ngon. Rau hoa ban là một đặc sản cũng như đặc trưng của núi rừng tây bắc. Cũng giống như búp ban, hoa ban cũng là thức ăn của đồng bào Thái ở Tây Bắc. Hơn thế, hình ảnh cánh ban trắng đã đi vào đời sống văn hóa tâm linh của nhân dân Tây Bắc, nhất là bà con đồng bào Thái.

Với đồng bào Thái, có lẽ không ai là không trải qua tuổi thanh xuân, với những trò chơi thú vị hái hoa ban và hát giao duyên. “Trăm năm ngắm ban nở còn ngắm mãi. Mỗi mùa ban lộc nảy thêm trẻ ra”. Câu ca của đồng bào Thái không chỉ lắng đọng về sức sống của loài cây ấy, mà còn như mời gọi bạn ngược đường đến với Tây Bắc, dù chỉ một lần cũng đủ để nhận ra.

Xôi chim Mường Thanh – Điện Biên

Khi đến với Điện Biên, hãy thưởng thức món xôi chim Mường Thanh, chắc chắn rằng bạn sẽ không thể quên được, đây chính là món ăn truyền thống trong dịp lễ, tết của người dân nơi đây.

ăn gì khi đến điện biên?

Xôi chim Mường Thanh – Điện Biên

Gạo được chon để đồ xôi là loại gạo nếp nương, gạo từ lúa nếp trồng trên nương rẫy. Món ăn này có độ béo ngọt nhờ được chế biến từ những con chim non mới ra ràng (chim bồ câu đã được 10 – 15 ngày tuổi, thường vươn cổ thập thò ở tổ và ra ràng để đón ăn mồi) nên thịt chim ngọt hơn, đậm đà hơn khi ăn.

Xôi được đồ trong chõ gỗ đặc biệt, chín bằng hơi, mềm dẻo chứ không dính tay, qua hai lần đồ mới dẻo thơm. Sau khi đồ lần thứ nhất, người ta đổ ra rá rồi lấy đũa trải ra cho đều, để một lúc sau lại cho vào chõ và tiếp tục đồ cho đến khi xôi chín đều. Bằng cách đồ như vậy nên cơm xôi sau khi đồ rất mềm, và dẻo để được rất lâu.

Xôi chim là món ăn rất dân dã. Trước đây, người ta hay nấu xôi chim để tẩm bổ cho những ngày gặt hái mệt nhọc. Loại chim được sử dụng để nấu xôi là chim ngói bởi vào mùa gặt cũng chính là mùa chim ngói, hơn thế nữa, chim ngói nhiều thịt, thịt vừa thơm lại vừa chắc, ăn ngon không thể tả. Tuy nhiên, hiện nay, chim ngói ngày càng trở nên hiếm, bên cạnh đó thì chim bồ câu có sẵn hơn, vị thịt cũng ngon và ngọt không kém chim ngói nên nhiều người sử dụng chim bồ câu để nấu xôi.

Cách làm thịt chim hơi cầu kỳ một chút, không cắt tiết mà bóp nách hoặc làm cho chim ngạt nước, sau đó vặt lông, rồi xiên chim và cho lên bếp thui cho sạch lông tơ và tạo mùi thơm. Sau đó đem rửa sạch chim rồi dùng kéo để mổ chim. Khi mổ phải rất cẩn thận để không làm đứt lòng chim, lôi hết lòng, phổi, diều bỏ đi và chỉ giữ lại mề, tim, gan thôi. Chim đã làm thịt để cả con lên hấp, hoặc luộc chính.

Khi ăn, người ta bày xôi trên một chiếc ếp tre (hộp tre đan hình tròn có 2 nửa ép vào nhau), bên dưới lót bằng lá chuối. Đặt xôi lên rồi cho chim đã làm chín lên bên trên, rắc thêm vài tép hành khô chiên vàng, đậy nắp lại để ủ một lúc rồi thưởng thức.

Trước đây lên Điện Biên vào dịp Tết Mường Thanh bạn mới được thưởng thức món xôi chim này, nhưng nay nhu cầu của thực khách nhiều nên xôi được làm hàng ngày để phục vụ thực khách nên bạn lên dịp nào cũng có.

Bắp cải cuốn nhót xanh – Điện Biên

Đến với Điện Biên du khách không thể nào bỏ lỡ được món bắp cải cuốn nhót xanh, thật sự nếu bạn đã được thưởng thức món ăn mang đậm hơi thở của núi rừng Tây Bắc này thì chỉ cần mới nghĩ đến thôi đã làm cho bạn phải ứa nước miếng vì thèm.

ăn gì khi đến điện biên?

Bắp cải cuốn nhót xanh – Điện Biên

Cách mà người Thái chọn nhót cũng đủ đấy sự cầu kỳ của món ăn đơn giản này. Nhót đạt tiêu chuẩn nhất với món ăn này khi nhót vừa đủ tầm, không non quá mà cũng không già quá. Quả nhót phải thanh tân, xanh mướt, mềm mềm và chua rôn rốt – cái chua phải làm người ta nhận ra nó trong rất nhiều vị chua, cay khác nhưng cũng không đủ để người ta phải chau mặt, rùng mình.

Một miếng bắp cải cuốn nhót đúng kiểu phải có đầy đủ các loại lá, củ, quả như lá bắp cải, cây tỏi tươi, gừng già, rau mùi, ớt đỏ. Giữa màu trắng sáng của lá bắp cải non, từng lớp mùi xanh non mơn mởn lẫn với màu vàng tươi của gừng già, bện lấy từng dọc tỏi, ấp ủ miếng nhót xanh thuôn dài trong lòng như gói vào đấy tất cả sự mến thương. Vị chua chua của nhót được hòa tan trong vị cay nhặng nhặng của lá bắp cải, vị cay nồng của gừng, cay dịu của tỏi và cay xé lưỡi của những miếng ớt tươi được dầm đỏ trong bát chấm. Không cay, không chua thì đâu phải là bắp cải cuốn nhót.

Cách pha nước chấm ở mỗi nơi sẽ có một chút khác biệt. Đơn giản thì sẽ pha muối (bột canh), ớt bột, mắc khén rồi thêm một chút nước vào và khuấy đều lên. Thế nhưng, để thật sự ăn ngon đúng điệu thì phải bỏ công làm cầu kỳ hơn để tạo nên một bát chẩm chéo (chẳm chéo): là sự hoà quyện của tỏi khô, gừng, ớt, rau mùi… Tất cả cho vào giã nhuyễn rồi trộn với một chút mắm, muối hoặc mì chính.

Khi ăn, chúng ta sẽ bổ đôi quả nhót, cắt lát gừng, quả mắc sim. Dùng lá bắp cải non, cho các nguyên liệu vào giữa, cuộn lại rồi chấm với đồ chấm đã pha sẵn. Món ăn hoà quyện giữa vị chua, chát, cay, tê, mặn, ngọt… Mỗi lần ăn là quắn quéo, xuýt xoa, mắt nhắm nghiền… rồi thậm chí còn chảy cả nước mắt nhưng lại cuốn vô cùng.

Và nếu bạn có dịp đến Điện Biên hãy thưởng thức ngay món bắp cải cuốn nhót xanh này nhé. Bạn sẽ phải xuýt xoa vì vị chua của nhót kết hợp với vị cay nồng của ớt tươi cùng vị chẩm chéo ngon đến kỳ lạ không lẫn vào đâu được của người dân Tây Bắc.Mùa nhót xanh sắp hết rồi, ai đam mê món này thì hãy tranh thủ mà ăn đi. Ai chưa từng ăn thì sao không thử một lần nhỉ, biết đâu lại rất thích đó!

Chẩm chéo – Điện Biên

Khi lên Điện Biên, ngoài việc tham quan Quần thể di tích Chiến thắng Lịch sử Điện Biên Phủ du khách còn được khám phá nền văn hóa lâu đời của đồng bào các dân tộc bản địa và được thưởng thức nền ẩm thực giàu bản sắc – đặc biệt là ẩm thực dân tộc Thái. Các món ăn của đồng bào Thái khá phong phú, tạo ấn tượng mạnh cho du khách ngay trong lần đầu thưởng thức. Một trong những món góp phần tạo nên hương vị riêng của ẩm thực Thái là món chấm đặc trưng mang tên chẩm chéo. Đây là món chấm không thể thiếu được trong các bữa ăn bình thường cũng như khi đãi khách của đồng bào Thái Điện Biên.

ăn gì khi đến điện biên?

Chẩm chéo – Điện Biên

Chức năng của chẩm chéo là để chấm xôi, các món luộc, đồ nướng và các món rau sống.Chẩm chéo có nhiều loại. Nguyên liệu chính là: ớt, muối, mak khén (một loại hạt tiêu rừng có mùi thơm và vị cay nồng), tỏi, mỳ chính. Cách chế biến rất đơn giản: Ớt khô hoặc tươi đem nướng lên cho thơm và giòn để lấy vị cay, tỏi và mak khén – 4 thứ giã chung là có thể cho ta một bát chéo cơ bản. Từ bát chẩm chéo cơ bản này, người ta có thể chế ra được nhiều loại chéo khác:

Chéo pà (chéo cá): Bắt vài con cá suối nhỏ đem nướng vàng, rồi đem giã nhuyễn với bát chéo cơ bản, ta sẽ được chéo pà, một loại chéo để chấm măng tre, măng vầu và rau luộc.

Chéo tắp cáy (chéo gan gà): Gan gà hoặc gan vịt đã luộc chín, nướng qua cho thơm, thái thêm chút lá chanh rồi đem giã với chéo cơ bản sẽ được chéo tắp cáy. Thêm một chút nước luộc gà, vịt, đánh lên cho nhuyễn là được.

Chéo nặm xổm (chéo nước chua): Vừng trắng đem rang vàng, thơm, giã thành bột, cá nướng thơm giã nhỏ mịn, đem trộn với chéo cơ bản, chút nước măng chua vừa đủ độ, dùng để chấm rau cải non. Lưu ý, món chéo này kỵ với mak khén.

Chéo pịa: Chéo này lấy từ thứ nước đăng đắng ở ruột non con trâu. Đem pịa chưng lên (khi chưng phải bỏ miếng thịt trâu nhỏ vào để tạo thêm mùi vị riêng có). Chưng xong, đem trộn với chéo cơ bản, thêm chút lá chanh. Chéo pịa dùng để chấm thịt trâu luộc, hấp hoặc nướng, ta sẽ cảm nhận một vị đăng đắng, ngọt ngọt, bùi bùi.

Chéo mak có: Mak có là một loại quả có vị chua chát. Dùng dao xắt lấy một phần thịt của mak có, rồi đem giã chung với chéo cơ bản (không có mak khén). Rau má đem về rửa sạch, chấm món này ta sẽ cho ta cảm nhận vị chua chua, đăng đắng, chát chát, ngọt ngọt nhè nhẹ.

Chéo non đíp: Non đíp là loại ớt chỉ thiên tươi, dùng để chấm phăck nhả hút (cỏ mần trầu). Ớt chỉ thiên không nướng đem giã cùng muối, tỏi, mì chính. Mần trầu non kiếm về rửa sạch, để ráo nước, khi chấm với chéo này sẽ cho ta vị cay, ngọt, giòn và mát.

Chéo sắc chaư (chéo củ sả): Thái củ sả ra rồi giã cho nhuyễn, thêm ít lá chanh rồi trộn với chéo cơ bản, chắt thêm chút nước, dùng để chấm lá sắn non, lá vả đồ, ăn có vị cay, thơm, chát.

Chéo hòm pẻn (chéo rau mùi): Rau mùi giã nhỏ rồi trộn với chéo cơ bản, dùng để chấm rau cải đồ và thịt lợn ba chỉ luộc.

Chéo khá (chéo rềng): Thái riềng thành từng lát mỏng, đem giã nhỏ, thêm chút lá chanh rồi trộn với chéo cơ bản. Chéo khá dùng để chấm măng đắng đồ, nướng hoặc luộc.Khi ăn măng đắng, nên ăn ghém với một số loại lá: phăck đứa, phăck chưa khàu, phăck tắp cáy… là thứ lá có vị chát, khi ăn với măng đắng sẽ thêm vị bùi. Khi ăn, lấy lá cuốn quanh măng rồi chấm khá.

Chéo thúa nâu (chéo đậu tương lên men): Hạt đỗ ngâm, rửa sạch rồi luộc mềm, đem đãi bỏ vỏ, để róc nước rồi gói lá để lên gác bếp cho lên men. Khi có mùi đặc trưng, đem giã, khi giã cho muối, ớt để hãm mùi, rồi nặn thành bánh đem phơi trên cái nia, phía dưới có lót lá cà. Khi khô, bỏ lên gác bếp ăn dần. Lúc chế biến, người ta nướng trên than (tau lướt) cho vàng thơm rồi giã nhuyễn với chéo cơ bản. Chéo thúa nâu dùng để chấm thịt gà, thịt lợn sữa hoặc măng. Mùi rất đặc trưng và hợp khẩu vị.

Có một điều cần nói ở đây, tất cả các món chéo trên được truyền trong dân gian Thái tự bao đời được kết hợp từ những gia vị có tác dụng khác nhau được sử dụng vừa là thức chấm lại vừa như một liều thuốc. Dù người ăn ăn những thức ăn sống hoặc tái, hoặc nướng chín tới cũng không bị đau bụng… Đây là những món chấm đặc trưng nhất của đồng bào Thái Điện Biên.

Chưa ăn, tập ăn rồi sẽ quen. Ăn rồi, quen rồi sẽ như không thể thiếu… Và, chẩm chéo cho đến bây giờ vẫn là món không thể thiếu trong mâm cơm ăn của người Thái Điện Biên.

Rêu đá – Điện Biên

Rêu đá có màu xanh lục, mọc bám vào những tảng đá chìm trong khe suối. Để lấy rêu đá làm món ăn, đồng bào Thái gỡ rêu vừa đập vừa rũ rêu trong làn nước chảy cho trôi hết cát. Sau đó, nắm thành từng nắm đem về để tươi hoặc phơi khô ăn dần.

ăn gì khi đến điện biên?

Rêu đá – Điện Biên

Muốn cảm nhận được vị ngon của rêu thì phải ra tận suối hái rêu, thò tay xuống nước cho rêu mơn man, lượn lờ như vũ nữ dưới làn nước trong vắt của ngòi Thia.

Theo tiếng Thái, “Thia” có nghĩa là nước mắt. Con suối là dòng nước mắt của một cô gái Thái yêu đắm say rồi bị chia cắt. Cô khóc đến độ biến thành ngòi Thia. Người yêu cô hối hận ra suối tự vẫn, chàng biến thành viên đá, còn cô gái biến thành rêu ôm ấp quanh chàng. Có lẽ vì thế mà rêu suối, rêu đá ở ngòi Thia thơm ngon nhất khắp chín bản mười mường của toàn vùng Tây Bắc.

Vào ngày hội hái rêu, các cô gái Thái tấp nập đua nhau ra suối. Rêu dài miên man, dập dờn trong bụng nước, lúc vớt lên, còn lưu luyến lóng lánh bám nhiểu giọt nước. Các cô gái Thái vắt rêu thành từng nắm, rêu mịn mát, nắm tròn như bột lọc.

Đối với người Thái ở Mường Lò, rêu là món ăn chỉ dành cho khách quý. Nào là rêu nướng, rêu rán, nhưng độc đáo nhất vẫn là món trộn với các loại gia vị rồi đem nướng.

Món rêu nướng (khay/ “cay pho”) vừa quyến rũ với nghệ thuật thứ thiệt của gia vị ẩm thực Thái, lại vừa giữ được cái mát lành, thơm thảo, dịu dàng của vị rêu suối. Món “cay pỉnh” còn thú vị hơn: đem nguyên liệu rêu và gia vị gói bằng lá lốt hoặc lá chanh. Kẹp các gói nhỏ trên thanh tre tươi trẻ đôi, nướng giòn. Rêu chín, cho vào rán với mỡ lợn.

Bà con người Thái, người Tày, người Mông còn rán rêu nhắm rượu. Thả vào miệng, chiêu ít rượu, vị rêu tan chảy rất là ảo diệu.

Riêng người Tày ở miền Bắc còn làm bánh mọc, với nhân là rêu suối (bà con gọi là quẹ). Bột bánh làm bằng gạo nếp ở dạng già hơn cốm một chút. Món xôi quẹ phổ biến ở nhiều vùng núi cao.

Mỗi khi có dịp Lễ Tết, họ băm nhỏ rêu với thịt gà thịt vịt, cho vào chõ đồ lên như đồ xôi. Ăn béo ngậy, thơm dịu vị rêu suối. Món rêu đồ lên với thịt ấy gần gũi, ám ảnh nhiều miền quê sơn cước, suốt nhiều thế kỷ qua.

Măng đắng – Điện Biên

Măng đắng là sản vật, là món ăn phổ biến của đồng bào các dân tộc Tây Bắc. Dưới bàn tay khéo léo của những người phụ nữ, măng đắng được chế biến thành rất nhiều món hấp dẫn như xào mẻ, luộc, nướng, hầm xương, nộm,… Mỗi món mang một hương vị riêng nhưng dù chế biến thế nào vẫn không lẫn đi đâu được vị ngọt đắng của cây măng rừng.

ăn gì khi đến điện biên?

Măng đắng – Điện Biên

Cách chế biến đơn giản nhất có lẽ là món Măng đắng luộc hoặc nướng chấm với “chẳm chéo”, Khi ăn măng được cuốn với lá Phát Ban, một loại lá cây rừng, bạn sẽ cảm nhận được cái cảm giác đắng cứ mất dần, thay vào đó là cảm giác thoang thoảng ngọt, nhẹ nhẹ cay, rất lạ, lại rất giòn.

Ngày nay Các món ăn chế biến từ măng đắng đã xuất hiện nhiều tại các nhà hàng, khách sạn, là món khách du lịch không thể bỏ qua mỗi khi có dịp đến với núi rừng đại ngàn. Có đến tận nơi, nhâm nhi chén rượu nồng, ăn miếng Măng đắng hòa cùng với vị cay của muối ớt mới càng thấm hơn cái thú ẩm thực của người vùng cao, giản dị mà không kém phần tinh tế. Thêm vào đó, măng đắng còn theo chân khách về xuôi trên những cung đường khám phá.

Canh bon – Điện Biên

Trong các bữa cơm đón khách của người Thái Điện Biên, canh bon luôn có mặt trong thực đơn. Nguyên liệu và cách nấu món canh bon tuy đơn giản nhưng cần chọn lựa kỹ lưỡng. Để nấu món canh bon ngon người ta phải chọn cây bon non có lẫn ít củ, gia vị phải có đủ, thiếu một thứ sẽ làm cho canh giảm đi vị thơm ngon.

ăn gì khi đến điện biên?

Canh bon – Điện Biên

Cây bon như cách gọi của người Thái, nguyên liệu chính để nấu canh, có nơi gọi là cây khoai nước. Bon ngọt, loại bon có chấm tím ở lá, được bà con chọn cây non mang về rửa sạch, tước bỏ vỏ rồi ngâm nước cho hết nhựa (có thể dùng cả rễ non của bon để nấu).

Nấu bon, không thể thiếu mắc khén (một loại tiêu rừng). Nồi canh bon không được thiếu da trâu hoặc da bò. Bà con thường tích luỹ thực phẩm để khô trên gác bếp. Da trâu, bò được bà con treo gác bếp cho khô, khi cần dùng đến thì đem đốt cho chín phồng, cạo sạch phần cháy tới khi miếng da lộ phần vàng óng, mang ngâm nước, sau đó đem nấu nhừ.

Trước khi đặt nồi nấu canh bon, bà con chuẩn bị sẵn củi. Bà con thường cho củi mới vào, nếu củi cháy hết thì không được thêm củi.

Bà Lường Thị Quân, ở bản Tò Lọ, xã Chiềng Đen, thành phố Sơn La, giải thích bí ẩn này: “Thứ nhất là kiêng không được thêm củi, thứ hai là không được đổi củi. Nếu đổi củi và thêm củi, bà con quan niệm là canh bon sẽ ngứa, sẽ không ăn được.”

Khi da trâu, da bò được nấu nhừ, bà con cho bon đã tước sẵn vào nồi nấu khoảng 15 phút, sau đó thả các loại rau thơm, cà đắng, mắc khén vào nồi. Khi rau chín, không được quên hoà một chút bột gạo nếp để nồi canh sánh hơn. Bà Lường Thị Quân bảo: “Muốn cho canh bon ngon thì phải cho các gia vị vào, như ớt, mắc khén, tỏi, rau thơm, mùi tàu, lá lốt, rau ngót”.

Trước đây, khi khách đến thăm nhà, người Thái không mời ăn canh bon vì cây này nấu không khéo sẽ bị ngứa. Và cũng vì bà con sợ lời qua tiếng lại sẽ ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa khách và chủ. Có lẽ cũng vì vậy, theo phong tục của đồng bào Thái, ngày cúng cơm tổ tiên thì không nấu canh bon.

Nhưng bây giờ, canh bon đã có mặt trong mâm cơm hằng ngày, mâm cơm đón khách của bà con. Từ món ăn dân dã trong các gia đình, canh bon được các nhà hàng dân tộc ở Tây Bắc chọn làm một trong những món canh chủ đạo để giới thiệu tới du khách.

Thịt lợn xay hấp lá chuối – Điện Biên

Thịt lợn hấp lá chuối là đặc sản nổi tiếng thể hiện sự khéo léo của người phụ nữ Thái. Đặc sản dân tộc thái ở Điện Biên có hương vị riêng không phải nơi nào cũng có được. Cũng là món thịt lợn hấp là chuối, nhưng đối với cách chế biến của người Điện Biên có sự khác biệt so với những nơi khác tạo thành một món ăn đặc trưng. Trong quá trình làm món ăn, người Điện Biên hết sức cẩn thận trong việc lựa chọn nguyên liệu, còn việc tạo nên món ăn hoàn thiện và toàn diện thì cần đến sự khéo léo của người làm ra nó.

ăn gì khi đến điện biên?

Thịt lợn xay hấp lá chuối – Điện Biên

Thịt lợn hấp lá chuối là món ăn hội tụ nhiều hương vị khác nhau góp phần hòa quyện hương vị cuộc sống. Nguyên liệu để làm thịt lợn hấp lá chuối gồm có: thịt lợn ba chỉ, gia vị, lá chuối.

Để làm nên món ăn này, cần lựa chọn miến thịt lợn ba chỉ tươi, ngon. Sau khi làm sạch, thịt được ướp với gia vị khoảng 30 phút cho thấm đều. Cuộn tròn thịt vào trong lớp lá chuối rồi buộc chặt. Khi thịt đã ngấm gia vị sẽ mang hấp cách thủy hơn 1 tiếng đồng hồ để miếng thịt mềm, dính chặt, hòa quyện vào nhau, mùi thơm của thịt quyện với mùi thơm của lá chuối, của hạt tiêu tạo nên hương vị đặc biệt và tạo nhiều ấn tượng cho tất cả mọi người khi có dịp được đến với Điện Biên.

Thịt lợn hấp lá chuối đạt tiêu chuẩn khi các miếng thịt mềm, dính chặt vào nhau, có mùi thơm của lá chuối xen lẫn mùi thơm của các loại rau thơm. Nếu có dịp đến với Điện Biên, bạn đừng quên tìm đến món ăn này để cảm nhận sự khéo léo, tỉ mỉ và đậm chất núi rừng của món ăn này nhé.

Vịt om hoa chuối – Điện Biên

Mỗi món vịt được người dân Điện Biên chế biến thành những món ăn thú vị và sáng tạo như thịt vịt nướng than hồng, thịt vịt lam ống nứa ,… mỗi món đều mang một màu sắc và hương vị khác nhau nhưng điểm chung đầu mang đậm hương vị núi rừng Tây Bắc. Và thật thiếu xót nếu không nhắc đến món đặc sản vịt om hoa chuối.

Vịt om hoa chuối là món ăn quen thuộc với đồng bào sinh sống tại Điện Biên. Đến du lịch nơi đây, vịt om hoa chuối chắc chắn là một trong những món đặc sản có mặt trên mâm cơm dùng để đãi khách của mỗi gia đình. Nhờ đôi bàn tay khéo léo và đảm đang của người phụ nữ Thái khiến món ăn trở nên đậm đà, chuẩn vị hơn.

Vịt om hoa chuối, chỉ cần nghe cái tên thôi chúng ta đã biết món ăn sử dụng hai nguyên liệu chính là thịt vịt và hoa chuối. Vịt om hoa chuối có cách nấu rất đặc biệt của người dân Điện Biên khi bọc một lớp lá chuối ra bên ngoài nguyên liệu rồi mới mang đi nấu.

Để làm ra món ăn này, người Tày phải lặn lội lên rừng tìm hái những bông hoa và bắp chuối rừng, như thế món ăn mới đậm đà hương vị núi rừng Tây Bắc. Bắp chuối sau khi được hái về thì thái mỏng rồi ngâm vào nước vo gạo hoà cùng muối cho bớt vị chát và trắng hơn.

Những con vịt được chọn phải là vịt bầu không quá non cũng không quá già để thịt nhiều, mềm và thơm ngon. Vịt mổ xong băm nhỏ vừa ăn rồi ướp với hạt dổi nướng giã nhỏ, hạt mắc khén nướng, nước mắm, muối. Để khoảng một tiếng cho gia vị được ngấm đều vào thịt vịt.

Muốn món thịt vịt om hoa chuối rừng Điện Biên thơm ngon hơn ngoài gia vị là hạt dổi và hạt mắc khén, người Tày vùng Tây Bắc còn dùng các loại lá rau thơm để cho vào như lá hẹ, lá gừng, rau hung, mùi tàu… Các loại rau này được thái nhỏ rồi cho vào món ăn khi thịt đã gần chín.Thịt vịt tẩm ướp được một tiếng thì mang trộn chung với hoa chuối rừng đã ngâm sạch. Sau đó gói tất cả vào trong lớp lá chuối thật khéo léo. Rồi đem om trên ngọn lửa nhỏ tầm ba tiếng mới có thể ăn.

ăn gì khi đến điện biên?

Vịt om hoa chuối – Điện Biên

Khi ấy, thịt vịt om chín tới và mềm, hoà quyện và thấm đượm hương vị của hoa chuối, của gia vị và cả lớp lá bọc bên ngoài. Món ăn này tuy vẻ ngoài không bắt mắt như các loại đặc sản khác nhưng chỉ cần ngửi thử mùi hương thôi đã đủ làm cho thực khách cảm thấy thèm. Chẳng thể lẫn đi đâu được mùi hương cay nồng của mắc khén, loại hạt tiêu đặc trưng của vùng núi Tây Bắc. Hương thơm của món đặc sản kích thích vị giác của thực khách khi thưởng thức, vị ngọt của thịt vịt, hơi chát của hoa chuối, thơm nồng của mắc khén đã tạo nên một món ăn mà bất cứ ai một lần thưởng thức đều gật gù khên ngon.

Du khách nên một lần du lịch Điện Biên và phải tự mình thưởng thức bữa cơm của đồng bào nơi đây mới thấy hết sự khéo léo, cái sáng tạo của người dân tộc vùng cao. Vịt om hoa chuối không phải là một món đặc sản quá cao sang nhưng lại dân dã, bình thị đến lạ thường; đưa thực khách đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Dù là những nguyên liệu hết sức dân dã, sẵn có nhưng qua bàn tay khéo léo và tỉ mỉ mà món ăn lại mang theo một dấu ấn rất riêng biệt, rất nổi bật của người dân Điện Biên.

Thịt xông khói – Điện Biên

Thịt xông khói là món ăn phổ biến của người dân tộc thiểu số sống ở các vùng rừng núi khu vực miền Trung và Tây bắc. Nếu ai được một lần có dịp thưởng thức món ăn này sẽ không thể nào quên cái hương vị thơm ngon là lạ của từng miếng thịt.

ăn gì khi đến điện biên?

Thịt xông khói – Điện Biên

Thịt xông khói mới trông qua tưởng cách làm dễ dàng như cái tên gọi ấy vậy mà lắm nhiêu khê. Để làm món thịt này người ta thường lấy thịt bắp hoặc thịt vai của những con trâu, bò, lợn. Khi làm, người ta lóc các thớ thịt mới được giết mổ ra bỏ hết mỡ, gân rồi cắt thành từng miếng dài. Đặc biệt khi làm thịt không được rửa sạch bằng nước lạnh để khỏi bị ôi thối mà dùng khăn sạch thấm khô máu. Ướp thịt với rượu và muối, các gia vị khác như ớt, gừng, tiêu rừng,…rồi cho vào bình hoặc lọ đậy nắp kín ngâm khoảng 1 tuần lễ.

Sau đó xâu thịt lại bằng dây rừng treo lủng lẳng trên dàn bếp, nơi luôn có bếp lửa đỏ hồng và hằng ngày hơi nóng của khói âm ỉ từ bếp củi làm cho thịt rút nước khô lại, mỡ cũng tiết ra bớt, miếng thịt sẽ dần săn lại và khói than tạo thành một lớp bì bọc ngoài bảo vệ vững chắc khiến cho vi khuẩn khó thâm nhập và làm hỏng phần bên trong của thịt. Vì thế khi ăn hương vị của miếng thịt luôn giữ được mùi thơm, ăn dai dai và ngọt đượm. Món này có thể ăn được sau khi treo được một tuần, nhưng muốn ngon hơn phải để thật lâu.

Thịt xông khói không phải ăn liền ngay mà phải qua chế biến mới ngon. Khi nào muốn ăn người dân đem miếng thịt xuống rửa hoặc cạo sạch lớp tro than bên ngoài rồi sau đó thái lát mỏng để xào nấu. Từ miếng thịt này có thể chế biến ra nhiều món: luộc, rán, xào,…Khi ăn có vị ngọt lại vừa dai vừa dòn ăn chẳng thấy ngán.

Thật ra thịt xông khói của đồng bào dân tộc được chế biến ra nhằm làm nguồn thực phẩm để dành lúc bị khan hiếm thức ăn hay khi nhà có khách quý đến để đãi món ăn truyền thống.

Bánh Khẩu Sén – Điện Biên

Khẩu Xén là loại bánh truyền thống của dân tộc thái, được chế biến từ gạo nếp và sắn tươi có hương vị rất đặc trưng của người Thái trắng ở thị xã Mường Lay, Điện Biên.

ăn gì khi đến điện biên?

Bánh Khẩu Sén – Điện Biên

Cứ mỗi độ Xuân về, khắp các bản làng người dân tộc Thái trắng ở thị xã Mường Lay (tỉnh Điện Biên) lại rộn rã tiếng chày giã bánh Khẩu Xén – một loại bánh phồng cổ truyền – để đãi khách, làm quà biếu cho bà con, bạn bè từ phương xa tới chúc Tết. Vài năm gần đây, món ẩm thực đặc sản này đã được phát triển thành sản phẩm hàng hóa bán trên thị trường.

Khẩu Xén là loại bánh như bánh phồng tôm nhưng chắc và dai hơn. Bánh có thể được làm từ nhiều loại nguyên liệu như gạo nếp cẩm có màu đen, gạo nếp nương có màu trắng hoặc pha thêm gấc để có màu vàng, thêm màu của cây cơm nếp để có màu tím. Đậm đà hơn là Khẩn Xén làm từ sắn tươi, loại sắn nạc chỉ có ở vùng này.

Bánh xén làm bằng củ sắn tươi cũng tốn nhiều công phu hơn. Khâu đầu tiên củ sắn phải gọt vỏ, rồi nạo ra trộn với gấc, sau đó đồ thật kỹ rồi xay nhỏ mới đem ra cán mỏng, phơi qua rồi cắt thành từng miếng nhỏ, sau đó mới phơi tiếp cho đến khi bánh thật khô.

Miếng bánh Khẩu Xén được cắt theo hình bình hành, nhỏ hơn 2 ngón tay một chút, khi rán lên nở phồng nhìn rất bắt mắt. Cho vào miệng, miếng bánh giòn tan, thơm ngát và đậm đà hương vị của gạo nếp, sắn tươi.

Hương vị Khẩu Xén cũng có nhiều loại, vị ngọt cho trẻ con, vị mặn cho phụ nữ và người già, có cả bánh nhạt để chấm gia vị dành cho đàn ông nhắm rượu.

Không chỉ là một món ăn chơi, Khẩu Xén còn trở thành một nét văn hóa ẩm thực độc đáo và hấp dẫn của tỉnh Điện Biên. Nói đến những đặc sản của Điện Biên, rất nhiều người nghĩ ngay đến món bánh lạ miệng mà thơm ngon này. Những người dân Điện Biên hiếu khách cũng sẽ không ngần ngại cho bạn nếm thử và chỉ cho bạn cách làm nên món bánh thương hiệu này. Vì thế, nếu có dịp lên Điện Biên, nhất định đừng quên ghé vào Mường Lay và thử sức với trải nghiệm thú vị này.

Bánh dày – Điện Biên

Tết của đồng bào Mông không thể bỏ qua đặc sản bánh dày: món quà thiên nhiên ban tặng, tượng trưng cho trái đất tròn, môi trường sinh thái trong lành. Thưởng thức hương vị thơm ngon, thuần khiết của bánh dày nhưng ít ai nghĩ làm bánh dày của người Mông kỳ công ra sao, kén chọn chất liệu làm bánh như thế nào?

ăn gì khi đến điện biên?

Bánh dày – Điện Biên

Tết của đồng bào Mông đúng dịp vùng cao thu hoạch mùa màng xong: lúa đã vào bồ; ngô, lạc, đậu tương chất đầy góc nhà… Không khí xuân tràn ngập núi rừng: lộc xuân biếc xanh từng đầu cành, hoa đào nở thắm các sườn núi, hoa mận trắng vườn và các nam nữ thanh niên Mông trong những bộ trang phục đẹp nhất du xuân, tìm hiểu bạn đời. Bà con các bản xa có dịp thăm hỏi nhau, mổ lợn, gà ăn Tết vui xuân kéo dài cả tháng và qua cả Tết Nguyên đán cổ truyền của dân tộc.

Nguyên liệu làm bánh dày hoàn toàn là quà tặng từ thiên nhiên: Thóc nếp nương được chọn phải là nếp gien gốc vùng cao, dẻo, thơm, không được pha tạp. Gạo đồ cơm làm bánh dày được giã thủ công, nên khi phơi sấy cũng phải đủ nhiệt độ; nghĩa là không quá nắng để hạt gạo không gẫy nát, thơm ngon, vẫn còn lớp màng mịn bám ngoài hạt gạo tăng hương thơm cho bánh.

Nếp được đồ chín, hơi cơm tỏa thơm khắp bản (mỗi mẻ giã bánh dày tùy theo người làm song thường là 10 kg nên phải đồ cùng lúc 2 chõ xôi). Chõ xôi được đổ cả vào cối giã nhuyễn khi hơi cơm vẫn nghi ngút bốc, hương thơm cơm mới quyến rũ lan tỏa. Cối giã bánh dày được làm bằng thân cây gỗ chắc, thớ mịn, có mùi thơm và khoét rỗng ruột như thuyền độc mộc. Chày giã bánh dày có 2 đầu, cán ở giữa, quá trình giã được xoa mỡ chống dính. Những thanh niên khỏe mạnh, trai tráng được chọn giã bánh dày, còn phụ nữ chuẩn bị lá gói bánh.

Những tàu lá giong rừng xanh đậm, được rửa sạch bằng nước suối đầu nguồn, lau khô bằng khăn sạch. Quá trình giã, các thanh niên khéo léo dùng chày đẩy dồn cuộn cơm dẻo về một phía sau đó giã lại theo chiều “cuốn chiếu” để cơm nhuyễn đều.

Cơm càng giã kỹ càng dẻo, tạo thành bột trắng mịn, dính quyện lấy nhau. Lúc này các thanh niên nam gác chày, nhường công đoạn gói bánh cho phụ nữ. Những cuộn xôi được giã mịn màng, trắng ngần, còn nóng hổi được vo tròn, xếp vào lá giong. Màu trắng mịn như bột lọc, nổi bật giữa nền xanh của lá tạo màu sắc hấp dẫn.

Bánh dày để được rất lâu, có thể nướng trên bếp than củi hồng chấm cùng mật ong hoặc cắt thành miếng rán giòn, miếng bánh phồng to nhìn rất hấp dẫn, thưởng thức có hương vị đặc biệt. Ngày xuân, thưởng thức bánh dày dân tộc Mông vừa không ngán, vừa giữ được bản sắc văn hóa của món ăn cổ truyền của dân tộc.

Ăn gì khi đến Điện Biên? Trên đây là những món ăn đặc sản Điện Biên nổi tiếng nhất. Có những món rất dễ ăn nhưng cũng có những món với nhiều người tương đối khó ăn. Tuy nhiên, nếu thử ăn thêm vài lần có thể bạn sẽ rất thích đấy. Nếu bạn có dịp đến Điện Biên thì đừng quên thưởng thức những món đặc sản Điện Biên nổi tiếng mà chúng tôi giới thiệu trên đây nhé.

Đăng bởi: Thân Đinh

YOLO! Khám phá các huyện ở Điện Biên

ALONGWALKER Singapore: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Philippines: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Indonesia: Saluran untuk mengeksplorasi pengalaman para pemuda global ALONGWALKER Malaysia: Saluran untuk menjelajahi pengalaman global belia ALONGWALKER Japan: 発見・体験、日本旅行に関する記事 ALONGWALKER Thailand: ช่องทางในการสำรวจประสบการณ์ของเยาวชนระดับโลก