Điện Biên Lễ Hội

Điện Biên có lễ hội gì?

Điện Biên luôn luôn mặn nồng trong lòng người dân cả nước và một phần không thể thiếu để làm nên cái mặn nồng ấy là bản sắc văn hóa độc đáo, phong tục tập quán đặc trưng, hòa với sắc đẹp mê hôn của rừng hoa ban và những điệu xòe của những cô gái Tây Bắc. Đây là nơi gặp gỡ và cư trú của 21 dân tộc anh em: Kinh, Thái, Mông, Tày, Nùng… (trong đó người Thái là đông nhất) nên nền văn hoá có một sự giao thoa, chắt lọc một cách tinh tế mà thể hiện rõ nhất ở các lễ hội. Điện Biên có lễ hội gì? Trong bài viết này hãy cùng chúng tôi khám phá các lễ hội dân gian độc đáo, hấp dẫn ở Điện Biên nhé.

Lễ kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ – Điện Biên

Lễ kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7.5.1954), trong những ngày qua, Điện Biên đã triển khai tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa nhằm tuyên truyền giá trị lịch sử và giáo dục truyền thống cách mạng, tinh thần Điện Biên Phủ năm xưa.

điện biên có lễ hội gì?

Lễ kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ – Điện Biên

Tại Bảo tàng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, trong những ngày qua đã đón tiếp hàng nghìn du khách trong và ngoài nước đến thăm. Tại đây, nhiều hiện vật, hình ảnh lịch sử trong chiến dịch Điện Biên Phủ đã được trưng bày. Để đáp ứng yêu cầu tốt nhất của du khách khi tới đây, Bảo tàng chiến thắng lịch sử Điên Biên Phủ đã có những chuẩn bị kỹ lưỡng ngay từ sớm.

Tại các điểm di tích lịch sử Điện Biên Phủ luôn thu hút sự quan tâm của nhiều du khách khi tới đây.Vì vậy, Sở văn hóa thể thao và du lịch tỉnh Điện Biên đã xây dựng nhiều chương trình, các tour thăm quan theo điểm đến di tích. Điều này đã tạo điều kiện để du khách có được những trải nghiệm thực tế, biết và hiểu thêm về những khó khăn của quân và dân ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

Vào ngày này, hàng vạn du khách đổ về để được ngắm nhìn những địa danh một thời oanh liệt, cùng nhau chiêm nghiệm và nghiêng mình trước lịch sử.

Lễ cúng bản của người Cống – Điện Biên

Dân tộc Si Lalà một trong những dân tộc thiểu số ít người cư trú ở miền núi phía Tây Bắc và chỉ sinh sống ở hai tỉnh Điện Biên và Lai Châu. Ở Điện Biên người Si La sống tập trung duy nhất ở bản Nậm Sin, huyện Mường Nhé. Trong số các nghi lễ truyền thống của người Si La, Lễ cúng bản là một trong những nghi lễ tiêu biểu và quan trọng.

điện biên có lễ hội gì?

Lễ cúng bản của người Cống – Điện Biên

Cứ vào cuối tháng giêng âm lịch hàng năm người Si La ở Điện Biên lại tổ chức lễ cúng bản, trước khi bắt đầu vào vụ mùa mới. Theo quan niệm người Si La, tổ chức lễ cúng bản là để cầu xin các vị thần linh, đất trời phù hộ cho dân bản hoa màu tốt tươi, mùa màng bội thu, người người khỏe mạnh, chăn nuôi phát triển đầy đàn, qua đó tạo khí thế và hy vọng vào năm mới, cuộc sống sẽ ấm no, tốt đẹp hơn…

Trước khi tổ chức cúng bản, những người có trách nhiệm như già làng, trưởng bản, đại diện các đoàn thể sẽ tổ chức buổi họp toàn thể dân bản để cùng nhau bàn bạc và đi đến thống nhất trong việc chọn ngày giờ làm lễ cúng bản.

Lễ vật chuẩn bị cho lễ cúng bản, ngoài những con vật hiến sinh là con chó đen và con gà trắng, cùng với một bát gạo, củ gừng hoặc quả trứng gà thì dân bản còn phải chế tác ra rất nhiều loại vũ khí mang tính tượng trưng bằng gỗ như: kiếm, giáo, súng, dao, cung, nỏ, máy bay và biểu tượng sinh thực khí của nam giới. Tất cả các biểu tượng này sẽ được gắn, treo và dựng cùng với cổng cấm bản. Riêng biểu tượng sinh thực khí của nam giới được buộc vào sinh thực khí của con chó hiến sinh rồi treo lên cổng bản.

điện biên có lễ hội gì?

Lễ cúng bản của người Cống – Điện Biên

Vào ngày cúng bản, trước giờ dựng cổng cấm bản, Trưởng bản trong trang phục truyền thống của dân tộc, vai đeo túi, hông đeo dao đi một vòng quanh bản thông báo. Mỗi hộ sẽ cử ra một người nam giới trong gia đình, theo hiệu lệnh của trưởng bản tiến về phía đầu bản, khi đi mỗi người mang theo một con dao, một số người mang theo thuổng, xà beng.

Đến nơi đã định trước, trưởng bản tập hợp mọi người, phân công cụ thể cho từng thành viên đảm nhiệm một nhiệm vụ cụ thể: người chặt cây dựng cổng, người chặt tre, nứa làm plạ, người chặt cây đẽo các loại vũ khí tượng trưng,… Mọi người ai vào việc nấy, không khí khẩn trương nhộn nhịp, chỉ trong thời gian ngắn mọi thứ đã được chuẩn bị đầy đủ, các đồ vật tượng trưng đã được tạo ra, cổng bản được trang trí cẩn thận rồi dựng lên.

Tiếp đến, trưởng bản sẽ cử hai thanh niên khỏe mạnh đi đuổi con chó, làm vật hiến sinh chạy quanh bản, sau đó dắt về vị trí cổng bản, còn mình sẽ đi bắt con gà trắng đem đến. Thầy cúng đi từ trong bản ra, tay bưng một bát gạo trên có đặt quả trứng hoặc củ gừng, đến nơi, chó và gà được cắt tiết lấy máu bôi hết lên các loại vũ khí, plạ chung của bản và của các gia đình, cây Sa nhân. Sau đó người ta đưa chó và gà vào một nhà nhỏ dựng bên cạnh cổng bản, bên trong đã đặt sẵn bát gạo và quả trứng thày cúng (Chủ cổng) tiến hành cúng lần thứ nhất, nội dung cúng là thông báo với các vị thần linh về ngày cúng bản, cầu mong phù hộ cho dân bản sức khỏe, mùa màng tốt tươi.

Hết lần cúng thứ nhất, thầy cúng lấy một cây củi đang cháy đặt lên người con chó, sau lại đặt lên người con gà sao cho mỗi con bị cháy một mảng lông rồi thầy cúng tiếp lần hai. Cúng xong, gà và chó sẽ được chế biến thành các món ăn để mọi người ăn ngay tại nơi cổng bản, từ đây việc cấm bản được thực thi triệt để, không ai được ra hoặc vào bản nữa.

điện biên có lễ hội gì?

Lễ cúng bản của người Cống – Điện Biên

Trước đây, người Si La cấm bản trong thời gian 3 ngày, ngày nay việc cấm bản được thống nhất giảm xuống chỉ còn 1 ngày. Trong lễ cúng bản của người Si La, phụ nữ không được tham gia bất kỳ việc gì, tuyệt đối không được đến gần cổng bản. Sau lễ cúng bản, người ta cấm không cho người nào tự ý phá cổng phải để nó hỏng tự nhiên vì như vậy ma sẽ không về bản gây bệnh dịch, chết chóc cho bản làng.

Sau lễ cúng bản, trời đã tối, ai sẽ về nhà nấy không gây tiếng ồn, đồng thời chuẩn bị khí thế để chờ sáng mai bắt đầu vào mùa vụ mới.

Tết cơm mới của người Cống – Điện Biên

Sinh sống chủ yếu bằng nghề nông nghiệp nương rẫy nên người Cống tổ chức nhiều nghi thức cúng lễ liên quan đến lĩnh vực này là lễ hội lớn trong năm của họ. Đồng bào quan niệm từ khi phát nương, chọc lỗ, gieo hạt, họ đã nhận được sự giúp đỡ của ma lúa, linh hồn tổ tiên, ma rừng nên khi thu hoạch lúa họ phải làm lễ xin phép. Đồng thời, đây cũng là dịp để người Cống dâng lễ vật tạ ơn các thế lực siêu nhiên.

điện biên có lễ hội gì?

Tết cơm mới của người Cống – Điện Biên

Thời gian tổ chức Tết cơm mới thường được tiến hành vào khoảng tháng 8 âm lịch. Lễ vật bao gồm: thịt sóc, chuột, cá, quả dưa, bí, khoai sọ, mía… tất cả được sắp theo đôi. Người Cống cho rằng ma tổ tiên chỉ nhận đồ lễ có số chẵn chứ không nhận số lẻ. Ngoài ra, khi cúng cơm mới, người Cống còn để những dụng cụ lao động như: lưỡi dao, lưỡi thuổng lên một chiếc mẹt và rắc chấu cốm lên trên, với quan niệm, những vật dụng này đã giúp con người phát nương, cuốc rẫy nên khi con người thu lúa nó cũng phải được chia phần. Trong đó, cơm cốm là lễ vật đặc biệt, không thể thiếu. Nó còn là món quà biếu đầy ý nghĩa cho bố mẹ họ hàng.

Tết cơm mới của người Cống thường diễn ra trong hai ngày: Ngày thứ nhất cúng mời tổ tiên, thần linh về nhận lễ lúa mới. Khi xưa, địa điểm cúng cơm mới thường được tổ chức ở gốc cây trên rừng cạnh bản. Ngày nay, địa điểm cúng thường là nhà của chủ dòng họ. Trước khi bắt đầu lễ cúng, ông chủ dòng họ buộc ta leo lên phía trên các cửa ra vào nhà. Khác với người Thái, ta leo của người Cống không đan hình mắt cáo mà được làm từ ba chiếc lạt đan vào với nhau. Mỗi chiếc được buộc thắt ở hai đầu với ý niệm những nút buộc này sẽ trói chân ma dữ ở lại ngoài cửa, không cho nó vào nhà; đồng thời buộc vía những người trong nhà, để vía của họ ở lại với thể xác, giúp cho cơ thể khỏe mạnh, không bị ốm đau.

điện biên có lễ hội gì?

Tết cơm mới của người Cống – Điện Biên

Giờ cúng cơm mới thường được bắt đầu từ 4 giờ chiều. Theo các cụ già người Cống đây là giờ mà tổ tiên có thể về nhà nhận lễ cơm mới. Ông chủ dòng họ ngồi bên cạnh mâm lễ vật, khấn mời ma tổ tiên về ăn lúa mới. Cúng xong, ông cầm con gà lên dùng dao cắt tiết, rồi bôi một chút máu lên cây tre với ý niệm mời ma tổ tiên ăn. Sau đó ông cúi người vít cần rượu mời tổ tiên uống. Bên cạnh việc cúng tổ tiên, ma lúa, người Cống còn có nghi thức cúng gọi hồn và cầu sức khỏe cho những đứa trẻ trong nhà nhân dịp Tết cơm mới.

Ngày thứ hai chủ yếu là ngày vui liên hoan cộng đồng, gia đình. Họ sẽ đến từng gia đình trong bản để thăm hỏi. Các gia đình dù nghèo hay giầu đều mổ lợn hoặc gà, vịt để ăn mừng. Mâm cơm liên hoan ngày cơm mới có thể ít thịt, thiếu cá, nhưng nhà nào cũng phải có xôi cốm và các loại quả, rượu, măng để mời khách. Sau những ngày đi nương, đi rừng miệt mài kiếm sống, Tết cơm mới là dịp họ gặp nhau để tâm sự, trò chuyện. Cuộc liên hoan thường kéo dài hết cả ngày thứ hai, đến xế chiều dường như men rượu đã ngấm, họ gõ chiêng, chụm chọe, hát múa tưng bừng. Theo lí của người Cống, các cụ bà phải múa trước để mở màn cho cuộc liên hoan văn nghệ, sau đó con cháu mới được múa theo. Bà chủ dòng họ vung gạo vào những người đang múa với ý niệm cầu may mắn. Điệu múa trong ngày cơm mới diễn ra tuy đơn sơ nhưng nồng hậu ấm áp. Động tác múa của nữ giới uốn lượn mềm mại, uyển chuyển; động tác múa của nam giới mạnh mẽ, dứt khoát. Mọi người đến xem hò reo, cổ vũ náo nhiệt, khiến không khí của ngày hội thêm tưng bừng.

Sau lễ cơm mới, người Cống yên tâm, tin tưởng, vui vẻ bước vào những ngày thu hoạch lúa bận rộn miệt mài.

Lễ hội hoa Ban – Điện Biên

Lễ hội Hoa ban tỉnh Điện Biên là một hoạt động văn hóa có ý nghĩa sâu sắc với đồng bào dân tộc Thái ở Điện Biên và đặc biệt gắn liền với Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954.

điện biên có lễ hội gì?

Lễ hội hoa Ban – Điện Biên

Tương truyền rằng, khi xưa xứ “Mường Trời” có người con gái tên Ban xinh đẹp nhất bản người Thái. Nàng đem lòng yêu chàng trai bản tên Khum nhà nghèo, giỏi săn bắn, chăm làm và tốt bụng. Nhưng “ải, êm” (bố, mẹ) nàng Ban lại hứa gả Ban cho con trại Tạo mường nhà giàu nhất bản, lười biếng lại vừa thọt vừa gù.

Ngày cưới nàng với con trai Tạo mường đã được ấn định mà Khum đi bẫy thú ở rừng sâu chưa về. Đêm đó, Ban đã buộc khăn piêu ở cầu thang rồi một mình băng núi, băng rừng đi tìm người yêu. Nàng đi mãi.. đi mãi… rồi kiệt sức và nàng chết ngay bên sườn đồi. Tại nơi nàng chết, người ta thấy có một loài hoa trắng muốt, hương thơm dịu ngọt. Dân bản tin rằng đó là nàng Ban đã hóa thân thành loài hoa ấy; cánh hoa trắng muốt thể hiện tình yêu son sắt thủy chung với chàng Khum.

điện biên có lễ hội gì?

Lễ hội hoa Ban – Điện Biên

Ngoài ra, Lễ hội Hoa ban còn gắn liền với ý nghĩa lịch sử Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954.

Sở dĩ, Điện Biên chọn ngày 13.3 hàng năm là ngày tổ chức Lễ hội Hoa ban vì đây là thời điểm hoa ban nở trắng rừng Tây Bắc và cũng chính ngày Điện Biên Phủ nổ phát súng đầu tiên khai màn trận đánh (13.3.1954); để tạo nên một Điện Biên Phủ huyền thoại, lừng lẫy năm châu trấn động địa cầu và gắn liền với tên tuổi vị tướng tài ba Võ Nguyên Giáp.

Lễ hội Hoa ban không chỉ là niềm tự hào của đồng bào của 19 dân tộc anh, em tỉnh Điện Biên mà còn là Lễ hội cầu cho mưa thuần gió hòa, mùa màng bội thu của đồng bào dân tộc Thái ở Điện Biên.

Du khách đến với Điện Biên không chỉ để ngắm vẻ đẹp của hoa ban, nghe truyền thuyết về loài hoa mà còn được tìm hiểu về Điện Biên Phủ năm xưa, hôm qua và hôm nay.

Lễ Tủ Cải của dân tộc Dao Quần Chẹt – Điện Biên

Lễ Tủ Cải của người Dao Quần chẹt thường được tổ chức vào dịp cuối năm khi công việc đồng áng, nương rẫy đã xong, tùy vào điều kiện kinh tế từng gia đình có thể tổ chức hai hay ba, năm hoặc bảy ngày. Lễ Tủ Cải của dân tộc Dao ngành Dao Quần chẹt đang được Sở Văn hóa, Thể thao và Du Lịch tỉnh Điện Biên làm hồ sơ đề nghị Công nhận là Di sản phi vật thể quốc gia.

điện biên có lễ hội gì?

Lễ Tủ Cải của dân tộc Dao Quần Chẹt – Điện Biên

Dân tộc Dao là một trong 19 dân tộc sinh sống trên địa bàn tỉnh Điện Biên. Toàn tỉnh hiện có hơn 6.000 người dân tộc Dao (chiếm hơn 1% dân số toàn tỉnh), sinh sống tập trung tại các huyện Mường Nhé, Nậm Pồ và Tủa Chùa, thuộc các ngành Dao đỏ, Dao quần chẹt, Dao khâu. Xã Huổi Só (huyện Tủa Chùa)- vùng đất giáp ranh giữa huyện Tủa Chùa (Điện Biên), Quỳnh Nhai (Sơn La) và Sìn Hồ (Lai Châu) được coi là thủ phủ của người Dao quần chẹt. Nơi đây, dân tộc Dao có hơn 2.000 người (chiếm khoảng 76% dân số toàn xã), phân bố tại 6/9 thôn, bản nằm dọc chiều dài gần 20km của bên bờ sông Đà.

Để đến được xã Huổi Só (tiếng Dao có nghĩa là “khe suối”) – một trong hai xã của huyện Tủa Chùa tiếp giáp sông Đà, xuất phát từ Mường Báng, chúng tôi phải vượt gần 20km đường đèo để đến trung tâm xã Xá Nhè; tiếp tục men theo sườn núi hướng đông bắc, cắt dãy núi Tả Hủ Tráng bằng đường Tủa Thàng – Huổi Só, rồi vượt qua đèo Tà Si Láng hơn 10km nữa, chúng tôi mới tới được Huổi Só – vùng đất xa nhất của huyện Tủa Chùa. Với cung đường dài khoảng 50km, chúng tôi đã xuyên suốt trục dọc của tiểu vùng văn hóa người Dao ở “miền khát” cao nguyên đá Tủa Chùa.

Với đồng bào Dao nơi đây, Lễ Tủ Cải là một nghi thức có vai trò và dấu mốc quan trọng trong lễ tục vòng đời người con trai Dao, bắt buộc người con trai nào cũng phải trải qua, bởi nó có ý nghĩa đánh dấu sự trưởng thành của các chàng trai từ tuổi ấu thơ sang tuổi thành niên. Theo nghĩa Nôm Dao, “Tủ” là báo cáo, “Cải” là đặt tên, “Tủ Cải” tức là lễ báo cáo với các thần linh, tổ tiên về việc đặt tên thứ hai (tên âm) cho người con trai trong dòng tộc. Khi cúng lễ xưng tên với tổ tiên, người Dao kiêng dùng tên thật, chỉ dùng tên âm đã được đặt trong Lễ Tủ Cải. Tên âm này sẽ được ghi trong gia phả. Khi qua đời, con cháu sẽ cúng giỗ theo tên âm.

điện biên có lễ hội gì?

Lễ Tủ Cải của dân tộc Dao Quần Chẹt – Điện Biên

Đồng bào quan niệm ai đã trải qua Lễ Tủ Cải mới được coi là người trưởng thành, là người lớn, có tâm đức, biết phân biệt phải trái, có đủ tư cách làm các công việc trong dòng tộc, cộng đồng; khi chết hồn mới được về đoàn tụ với tổ tiên. Tất cả những người làm thầy mo đều phải trải qua nghi lễ này. Thông thường những bé trai từ 5 tuổi trở lên, điều kiện kinh tế gia đình cho phép được bố mẹ và dòng họ quan tâm, tạo điều kiện để làm Lễ Tủ Cải. Thời gian tổ chức Lễ Tủ Cải không quy định dài, ngắn, tùy vào điều kiện kinh tế từng gia đình mà có thể kéo dài từ 3 đến 7 ngày. Tuy nhiên, Lễ Tủ Cải thường được tổ chức khi công việc đồng áng, nương rẫy đã gọn gàng, tức là sau vụ gặt lúa nương, khi đó trùng vào dịp cuối năm, ngày được chọn làm lễ thường từ mồng 4 – 7/12 (dương lịch), đây là những ngày và tháng tốt nhất trong năm theo quan niệm của người Dao quần chẹt.

Trước ngày diễn ra lễ từ 10 đến 15 ngày, gia chủ chuẩn bị các lễ vật, thực phẩm tùy theo nhu cầu, quy mô lễ lớn, nhỏ; đồng thời mang lễ vật đến mời các thầy cúng có uy tín trong bản chọn ngày lành tháng tốt để tổ chức lễ. Trước khi tổ chức lễ một ngày, các thầy cúng, họ hàng thân tộc có mặt đầy đủ tại gia đình người được thụ lễ. Thầy cả phân công các thầy cúng, những người giúp việc, họ hàng, dân bản cùng dựng đàn lễ trong nhà (nơi ngự của tổ tiên), đàn lễ ngoài trời (nơi ngự của các thần linh), dán sớ điệp và viết sớ báo cáo để trình báo với tổ tiên, thần linh…

Khi công việc chuẩn bị đã hoàn tất, Lễ Tủ Cải bắt đầu diễn ra. Trong suốt những ngày diễn ra lễ Tủ Cải, tất cả mọi người dự lễ đều ăn chay. Người được thụ lễ phải mặc bộ y phục (quần, áo, nón) truyền thống của người Dao quần chẹt do chính tay người mẹ hoặc người chị đã hết tuổi sinh đẻ làm cho, để đảm bảo trong sạch vào những ngày làm lễ. Lễ Tủ Cải tổ chức lớn nhất trong vùng gồm 7 ông thầy cúng với quyền hạn và nhiệm vụ khác nhau. Thầy cả và thầy hai là linh hồn và là người điều khiển chính trong các lễ thức. Hai ông thầy này là người đọc thông viết thạo chữ Nôm Dao, có trí nhớ tốt, thuộc lòng các quyển sách cúng, các bài diễn ca hay các bài tế các vị thánh thần. Họ có khả năng hát tế suốt mấy giờ liền, thậm chí là ngày này qua ngày khác mà không cần nhìn sách. Y phục mỗi thầy cúng khi đi hành lễ gồm 4 áo dài có màu trắng, đỏ, gụ, vàng thêu hình tổ tiên, các vị thần. Ngoài ra, các thầy cúng còn mang theo kiếm gỗ (hoặc gậy tầm xích), một con nghê nhỏ bằng kim loai, chuông đồng…

điện biên có lễ hội gì?

Lễ Tủ Cải của dân tộc Dao Quần Chẹt – Điện Biên

Mở đầu, thầy cả đọc lời tuyên bố lý do tổ chức buổi lễ. Nội dung nghi lễ này thầy cả đề cập đến lịch sử người Dao, ai là con trai cũng phải làm cái lý này và xướng tên những người sẽ được thụ lễ. Tiến trình lễ diễn ra qua nhiều lễ thức khác nhau như: Lễ mời tổ tiên; nghi lễ dâng lễ vật tạ ơn tổ tiên; Nghi lễ báo cáo với các chư vị thần linh; Lễ khai đàn; Lễ đặt tên âm; Nghi thức mời tổ tiên trong đàn lễ, gian thờ tổ tiên nữ ra nghe con cháu đọc báo cáo… Các lễ này diễn ra trong khoảng thời gian 5 ngày, có những lễ thức phải thực hiện từ 3 giờ sáng, khi những tiếng gà gáy cuối cùng báo hiệu đêm tàn canh, chuẩn bị bước sang ngày mới.

Phần lễ xen lẫn hội, phối hợp nhịp nhàng và có mối quan hệ khăng khít với nhau, tạo nên không khí linh thiêng mà ấm áp tình người, tràn đầy sự hứng khởi. Lời khấn cầu, những lời răn dạy của tổ tiên, thần linh thông qua các thầy cúng tới người được thụ lễ hòa trong âm thanh phụ họa của tiếng chiêng, tiếng trống làm tính linh thiêng của cõi tâm linh thâm nhập vào cõi trần gian. Tất cả được diễn ra sinh động theo một quy trình khá lôgic từ khâu chuẩn bị đến việc tiến hành các nghi lễ.

Các lễ thức diễn trình theo quy định kéo dài cho đến ngày cuối cùng của buổi lễ vừa mang ý nghĩa giáo huấn vừa mang màu sắc tâm linh huyền ảo, đồng thời phản ánh những ước mơ, khát vọng của con người lấy cội nguồn tiên tổ làm nền tảng để rèn tâm, dưỡng đức.

Lễ thức quan trọng nhất trong lễ Tủ Cải là thầy cúng cấp cho người được thụ lễ một bản đạo sắc viết bằng chữ Nôm Dao, ghi về lý lịch của mình, nguyên do thụ lễ và các điều răn dạy. Đạo sắc được coi là bằng chứng để người thụ lễ được phép thực hiện các nghi lễ trong xã hội người Dao. Tên của chàng trai được ghi trong gia phả, sử dụng khi cúng lễ và lúc qua đời con cháu sẽ cúng theo tên âm này.

Kết thúc các nghi lễ, thầy thư ký đọc tổng kết báo cáo trước đàn lễ tổ tiên, báo cáo kết quả thành công của lễ, tạ ơn tổ tiên, thần linh, thỉnh cầu cho người được thụ lễ những điều tốt đẹp. Tiếng trống, tiếng chiêng được đánh lên những hồi dài, âm thanh trầm hùng dội vào vách núi giữa đại ngàn xanh. Cuối cùng gia chủ cám ơn và mời mọi người dự bữa cơm đoàn kết, chúc mừng người được thụ lễ.

Mặc dù đã trải qua biết bao biến cố thăng trầm của lịch sử, sự giao thoa, hòa nhập cộng đồng, Lễ Tủ Cải của đồng bào dân tộc Dao quần chẹt ở Huổi Só đến nay vẫn giữ được bản sắc riêng, luôn hiện hữu trong đời sống cộng đồng. Lễ Tủ Cải nghiêm trang trong phần lễ, phóng khoáng vui vẻ trong phần trình diễn, chào đón xum vầy, tiễn đưa tổ tiên. Lễ Tủ Cải còn là dịp giao thoa văn hóa cộng đồng và cũng là nơi găp gỡ của gia đình, dòng tộc, bạn bè, con người càng cảm thông với nhau, hướng đến những điều tốt lành; có tác động tích cực đến việc giáo dục thế hệ trẻ, góp phần xây đắp nên sự gắn kết cộng đồng, bảo tồn những nền tảng, tinh hoa văn hóa của cộng đồng dân tộc Dao.

Lễ hội thành Bản Phủ – Điện Biên

Lễ hội Thành Bản Phủ được tổ chức hàng năm trong 2 ngày 24 -25/2 âm lịch để tưởng nhớ thủ lĩnh tướng quân Hoàng Công Chất. Vào thế kỷ 18, tại địa phương này, Hoàng Công Chất đã cùng tướng Ngải, tướng Khanh là hai vị thủ lĩnh người dân tộc Thái ở Điện Biên lãnh đạo nhân dân các dân tộc đánh đuổi giặc Phẻ, giải phóng Mường Thanh.

điện biên có lễ hội gì?

Lễ hội thành Bản Phủ – Điện Biên

Để có căn cứ hoạt động lâu dài, Hoàng Công Chất đã cho xây dựng Thành Bản Phủ; từ đó căn cứ hoạt động của nghĩa quân đã phát triển ra khắp mười Châu của Phủ An Tây, phía Bắc giáp biên giới Trung Quốc, phía nam mở rộng xuống Hòa Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa.

Cuộc khởi nghĩa nông dân do Hoàng Công Chất lãnh đạo kéo dài từ năm1739 – 1769 đã tập hợp nhân dân các dân tộc trong vùng thành một khối thống nhất, xây dựng tình đoàn kết, cùng nhau đánh giặc giữ nước bảo vệ núi rừng vùng biên cương của đất nước.

Lễ hội Thành Bản Phủ gồm phần lễ và phần hội. Phần lễ được bắt đầu bằng rước kiệu, múa rồng trang trọng; sau đó là phần dâng hương, đọc chúc văn kể lại quá trình đấu tranh đánh đuổi giặc ngoại xâm và giữ bản làng của thủ linhc tướng quân Hoàng Công Chất.

Phần hội được tổ chức với nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật, trò chơi thể thao truyền thống của đồng bào các dân tộc vùng Tây Bắc.

Di tích lịch sử Thành Bản Phủ – Đền thờ Hoàng Công Chất đã được Nhà nước xếp hạng công nhận là Di sản văn hóa quốc gia. Lễ hội Thành Bản Phủ cũng đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, hàng năm thu hút hàng vạn lượt khách du lịch và nhân dân các dân tộc đến tham quan, thắp hương tưởng niệm.

Lễ căm bản, căm mường – Điện Biên

Người Lào ở Núa Ngam (Điện Biên) tổ chức lễ hội Căm Mường để con cháu tỏ lòng thành kính, biết ơn tổ tiên, những người đã khuất, các thần linh đã phù hộ cho họ, gia súc, mùa màng năm qua tươi tốt và tiếp tục phù hộ cho năm tới…

điện biên có lễ hội gì?

Lễ căm bản, căm mường – Điện Biên

Người Lào ở Núa Ngam theo tín ngưỡng đa thần, tin vào vạn vật hữu linh và những thần lực tác động đến cuộc sống của con người. Họ thường thực hiện nhiều nghi lễ để cầu mong sự phù hộ của các đấng siêu nhiên cho mùa màng tốt tươi, người an, vật thịnh… Đó là tiền đề cho sự hình thành và nuôi dưỡng các lễ hội truyền thống như lễ Căm Mương, lễ cầu mùa, lễ cầu mưa, lễ mừng nhà mới…

“Căm Mương” theo tiếng Lào nghĩa là kiêng bản, kiêng mường (cấm mường). Căm Mương cũng là tết năm mới của người Lào tính theo Phật lịch từ 15/3 đến 20/3 âm lịch, cũng là lúc chuẩn bị bước sang một mùa vụ mới. Nghi lễ cúng tế bắt đầu vào 13h chiều ngày 15/3 Âm lịch hàng năm. Chảu sửa (người cao tuổi), chảu chẳm (thầy cúng) cùng với những người giúp việc mang đồ lễ lên lông sân, theo sau họ là một số người khiêng chiêng, trống vừa đi vừa đánh từ nhà chảu sửa lên đến nơi thờ cúng.

Khi các lễ vật đã chuẩn bị xong, chảu chẳm khấn: “Mời thần cai quản bản mường, thần bảo trợ vùng, thần sông, thần suối, thần rừng, những người đã mất, những linh hồn cù bất cù bơ không nơi nương tựa… về chứng kiến và hưởng lễ vật mà dân bản dâng lên, nếu tất cả đã tụ tập về đầy đủ thì hãy cho hai mảnh gỗ tung lên, rơi xuống một nửa úp một nửa ngửa”. Khi các thần linh đã hội tụ đầy đủ, mọi người bày và đặt mâm lễ vào nơi cúng. Chảu chẳm đốt hai ngọn nến sáp ong gắn lên bệ cúng to nhất (pan luông) và cúng. Trước khi cúng chính thức, chảu chẳm sẽ phai lảu (mời rượu) các thần linh, tổ tiên rồi mới đến bên mâm lễ to nhất để cúng mời tất cả các thần đến hưởng lễ. Bài cúng gồm bốn phần với nội dung mời các vị thần linh cai quản, những người đã hi sinh để bảo vệ cuộc sống cho bản về dự hội. Vào năm mổ bò, thầy cúng mời rượu bảy lần, năm cúng lợn thì chỉ mời năm lần.

điện biên có lễ hội gì?

Lễ căm bản, căm mường – Điện Biên

Tiếp đến, người Lào tổ chức các nghi lễ: Lễ tạ ơn – nghi lễ chính của Căm mương với vật hiến tế là bò (hoặc lợn) để dâng lên người có công sáng lập nên bản (Xen Kẻo, Xen Cang – người Khơ mú), tổ tiên, ông bà, những người đã mất, thần cai quản và giữ bình yên cho bản làng; trong lễ tạ ơn cũng có một phần của lễ cầu an. Lễ vật là mâm cúng thứ hai, sau pan luông. Đây là mâm cúng các thần cai quản bản làng, thổ địa, các linh hồn không nơi nương tựa, các ma lành… để cầu mong sự bình yên, che chở của các thần cho dân bản được khoẻ mạnh, không ốm đau, các ma xấu, linh hồn không nơi nương tựa không về làm hại người sống. Cúng xong, mọi người lạy tạ ơn thần linh dưới sự điều khiển của Chảu chẳm. Sau đó Chảu chẳm, Chảu sửa cùng mọi người ăn uống no say tại lông sân để cầu mong một năm mới no đủ, hạnh phúc.
Kết thúc buổi lễ, những người khiêng và đánh chiêng, trống đi trước để rước thần về chung vui, kiêng khem với dân bản tại nhà Chảu sửa. Khi chiêng trống treo ở xà nhà Chảu sửa là lúc cả bản bắt đầu kiêng cữ. Mọi người sẽ thay phiên nhau đánh chiêng, trống hết ngày lễ. Ngoài các nghi lễ trên, diễn ra đồng thời với lễ cầu mưa (ý lúm, ý lang) do phụ nữ thực hiện.

điện biên có lễ hội gì?

Lễ căm bản, căm mường – Điện Biên

Ngày thứ hai của lễ (16/3 Â lịch), từ tối đến gà gáy sáng, họ tập trung đến nhà chảu sửa ăn uống và hát giao duyên. Hát giao duyên được chia thành hai đội một bên nam, một bên nữ, mỗi bên sẽ cử một người ra hát và đối đáp lại, nếu thấy mình không thể trả lời được câu đố của đối phương thì người khác trong đội đối lại cho đến khi tan cuộc. Nhiều đôi trai gái đã nên duyên qua những đêm hát giao duyên đó. Nếu thanh niên nam nữ hát giao duyên với nhau, thì tầng lớp trung niên, người già hát chúc mừng nhau một năm qua mùa màng bội thu và cầu chúc cho năm tới mọi người đều mạnh khỏe, được nhiều thóc lúa… Múa là phần không thể thiếu trong lễ hội, chủ yếu là điệu múa truyền thống của người Lào ở “đất nước triệu voi” mà họ mang theo khi di cư. Sau khi đủ ba người đánh trống, đánh chiêng, đánh ché, một số người gõ ống nứa… tất cả những người còn lại sẽ nhảy múa theo nhịp chiêng, trống, không phân biệt già, trẻ, gái, trai, mọi người chia từng đôi cùng múa điệu “lăm vông”. Các trò chơi dân gian được tổ chức vào ngày thứ 3 (ngày 17/3 Âm lịch).

Lễ Căm Mương của người Lào ở Núa Ngam thường diễn ra nhiều trò chơi dân gian thu hút sự tham gia nhiệt tình của người dân, như trò mác ý tò (cầu mây), phăn viêng (một hình thức đấu võ), tó lasa (rùa ấp trứng), tó má lẹ (trò chơi bằng hạt đậu rừng), tó mác sáng (chơi đánh cù/quay), Ngu kin khiết (trò chơi rắn bắt ếch), Tọt con (ném còn)… Trò chơi của người Lào không đơn thuần là giải trí, rèn luyện sức khỏe mà còn mang ý nghĩa phồn thực, cầu mong mùa màng tốt tươi, dân làng có cuộc sống ấm no, hạnh phúc…

Hạn khuống giao duyên – Điện Biên

Hạn khuống là một hình thức sinh hoạt văn hóa truyền thống của người Thái, Điện Biên. Lễ hội thường được tổ chức sau vụ thu hoạch vào tháng 11 hàng năm. Lễ Hạn Khuống do bên gái tổ chức thực ra là một cuộc vui để tìm hiểu bạn đời sau đó chia tay về nhà chồng. Chính vì vậy, Hạn Khuống đã để lại biết bao kỷ niệm và ấn tượng đẹp của một thời trẻ trung sôi nổi.

điện biên có lễ hội gì?

Hạn khuống giao duyên – Điện Biên

Khi nói đến Hạn Khuống, người Thái nghĩ ngay đến nơi hò hẹn – giao duyên bằng những lời ca thắm tình của nam nữ thanh niên Thái, một nét sinh hoạt văn hóa cổ xưa của người Thái. Hạn Khuống làm cho trai mường, gái bản Thái thêm yêu cuộc sống, yêu lao động sản xuất, gần gũi với thiên nhiên, vì văn hóa của người Thái cũng bắt đầu từ tình yêu cuộc sống, bắt đầu từ phong tục, tập quán sinh hoạt của một tộc người luôn gắn bó với núi rừng. Có thể nói, lửa sàn Hạn Khuống sẽ thêm thắm đượm tình người khi du khách, bạn bè gần xa đến giao duyên trên sàn Hạn Khuống vào ngày lễ hội, dịp tết đến xuân sang.

Ngoài căn nhà sàn thân quen của mình, khi tiết trời sang xuân, khi bản mường bước vào mùa lễ hội, nam nữ thanh niên Thái cùng nhau vào rừng đốn chặt lấy vài cây rừng về dựng một sàn ở khu đất trống giữa bản, sàn có thể dựng bằng tre hoặc gỗ, sàn đó được gọi là Hạn Khuống nơi để nam nữ thanh niên Thái đến khắp (hát) đối đáp. Trên sàn Hạn Khuống chuẩn bị dụng cụ cho nam thanh, nữ tú hội tụ giao duyên; con gái Thái thì quay sợi, cán bông, dệt vải, thêu thùa bằng chỉ màu các loại, có bếp củi để đốt lửa. Dụng cụ cho trai Thái gồm có lạt xanh, lạt đỏ, lạt trắng để đan hom, đan giỏ, đan ớp, hoặc đan các con vật để tặng bạn gái, người mà trai Thái có ý tỏ tình trong đêm khắp đối giao duyên. Ống điếu và bó đóm bằng tre ngâm khô và thuốc lào. Ngoài ra còn một số vật dụng khác để đan chải, đan vợt xúc… và các loại nhạc cụ như khèn bè, pí pặp, pí thiu, sáo trúc, đàn tính…

Sàn Hạn Khuống dựng cao khoảng 1,2m – 1,5m, rộng chừng 0,6m, dài chừng 5m, xung quanh có lan can được trang trí hoa văn mang bản sắc dân tộc. Giữa sàn Hạn Khuống có cây nêu bằng tre to, dài để cả phần ngọn còn nguyên lá và trang trí các con giống đủ màu sắc gọi là “Lắc xáy chính”. Cây “Lắc xáy chính” này mang bóng dáng của cây vũ trụ. Bốn góc sàn Hạn Khuống có 4 cây nhỏ trang trí đẹp mắt gọi là “Lắc xáy”. 4 góc sàn đều có cầu thang lên xuống, được gọi là “San bó Han Khuông” (Sàn hoa Hạn Khuống). Chủ thể Hạn Khuống thường chọn những thiếu nữ Thái xinh đẹp của bản mường, có đức – tài hát đối ứng gọi là “Xao tỏn khuống”. Bốn cô gái ngồi ở bốn góc gọi là “Xao lắc xáy”. Khi bếp lửa trên sàn bắt đầu nhóm lên, ngọn lửa cháy rực sáng cả một góc bản mường cũng là lúc các cô chủ Hạn Khuống rút thang lên, quay guồng xa của mình kéo sợi giăng ngang lối lên – xuống sàn Hạn Khuống và cuộc thi tài bắt đầu. Lúc này, các chàng trai Thái muốn lên sàn hoa thì phải thắng trong cuộc hát đối với các cô chủ sàn Hạn Khuống. Lời các bài hát đối thường lấy trong truyện thơ Thái “Xống chụ xon xao”, “Tản chụ xiết xương”. Khi đã vào cuộc, ngoài khắp đối ra là lời ứng tác giữa một bên là trai Thái, một bên là các cô chủ Hạn Khuống. Lời ứng tác tinh tế, sắc sảo thể hiện sự thông minh, tài ba của những chàng trai, cô gái Thái.

điện biên có lễ hội gì?

Hạn khuống giao duyên – Điện Biên

Khi đã cảm phục tài ứng tác của các chàng trai trong hát đối, các cô gái thả thang xuống chạm đất đưa tay níu mời các chàng trai lên sàn Hạn Khuống. Sau khi lên Hạn Khuống, bên gái tiếp tục thử sức tài ba, lòng kiên trì, đối đáp của bên trai là không cho ghế, bên trai lại khắp xin ghế ngồi. Cứ thế, xin được ghế ngồi rồi lại khắp đối xin ống điếu thuốc lào… Sau một loạt các bài khắp, các chàng trai đã vượt qua thử thách và được các cô gái đồng ý cho dự cuộc vui đến thâu đêm. Khi chàng trai và cô gái nào để ý đến nhau, có tình cảm riêng với nhau thì tự đến bên nhau để tỏ tình bằng những lời khắp đối ân tình, sâu lắng. Cứ như thế, cuộc vui cuốn hút các cô gái Thái thể hiện sự kéo tay bằng việc thêu dệt, xe sợi, cán bông không biết mỏi mệt; còn các chàng trai người thi đan giỏ, đan hom, thi thổi sáo, đàn tính bằng những làn điệu níu kéo lòng người, tình người.

Đêm càng về khuya, Hạn Khuống càng say nồng bởi những lời khắp đối, bởi sự nhanh tay xe sợi, thêu, đan hom, đan giỏ của các chàng trai cô gái Thái. Đến lúc này, những người có tuổi và trẻ em tuy vương vấn sàn Hạn Khuống nhưng cùng lần lượt ra về vì đêm sắp tàn canh. Chỉ còn lại trên sàn Hạn Khuống là các chàng trai, cô gái Thái vai kề vai bên bếp lửa rực hồng, lan tỏa làm cho đôi má tuổi mười tám đôi mươi các cô chủ Hạn Khuống thêm xinh. Hạn Khuống có thể diễn ra trong nhiều ngày, hình thức vui chơi phong phú, đa dạng như: tung còn, múa xòe, tó má lẹ, chơi cù… Khi hoàng hôn buông xuống, sinh hoạt trên sàn Hạn Khuống lại trở nên thắm nồng và trầm lắng lời khắp giao duyên của trai gái Thái. Cùng với khắp đối, người đến xem có thể cất lên giọng phụ họa làm cho không khí trong đêm Hạn Khuống càng trở lên say đắm lòng người. Hạn Khuống tan là lúc cô chủ sàn Hạn Khuống khắp lời chia tay. Đến lúc này, không ai bảo ai, mỗi người một tay, trai dọn đồ nặng, gái dọn đồ nhẹ và bắt đầu thổi tắt bếp lửa sánh vai cùng nhau ra về là lúc rặng núi phía đông bắt đầu hửng sáng, Lúc đó, cô chủ Hạn Khuống cất thang Hạn Khuống dừng cuộc vui, nhưng dư âm đêm Hạn Khuống còn mãi với thời gian.

Sinh hoạt Hạn Khuống như có sức hút kỳ lạ nếu ta để tâm nghe những lời khắp đối bằng những câu thơ nổi tiếng của người Thái trong tác phẩm “Xống chụ xon xao” được người Thái Tây Bắc lưu truyền, diễn xướng qua nhiều thế hệ và đón nhận trường ca đó bằng cả tình cảm nồng thắm, thiết tha. Chính vì lẽ đó, Hạn Khuống là nét văn hóa mang đậm giá trị tinh thần trong đời sống thường nhật, biểu trưng tình cảm của người Thái. Khắp đối giao duyên trên sàn Hạn Khuống là sự kết tụ văn hóa Thái Tây Bắc, mà ở đó khởi nguồn từ cuộc sống và được biểu hiện nét sinh hoạt văn hóa tinh thần đầy cảm xúc của người Thái. Sinh hoạt văn hóa trên sàn Hạn Khuống làm con người thêm yêu cuộc sống, nhìn cuộc sống tốt đẹp hơn, cuộc sống tràn ngập tình nghĩa, tính bao dung và lòng nhân ái.

Lễ Bó khoăn khoai – Điện Biên

Với quan niệm vạn vật đều có linh hồn, cơ thể sống chỉ là vật biểu hiện ra bên ngoài của một tâm hồn bên trong nên người Thái trắng sau khi kết thúc vụ mùa phải làm lễ Bó khoăn khoai (cúng vía trâu) – một lễ cảm ơn con trâu sau khi mùa vụ đã hoàn thành, nhờ có sức kéo của trâu mà mùa vụ mới được hoàn thành nhanh chóng, con người mới thóc lúa đầy bồ, sung túc, đủ ăn.

điện biên có lễ hội gì?

Lễ Bó khoăn khoai – Điện Biên

Con trâu có vị trí, ý nghĩa đặc biệt đối với cuộc sống của cư dân nông nghiệp. Là cư dân nông nghiệp miền núi nhưng các cư dân Thái (Điện Biên) sinh sống chủ yếu ở các thung lũng gần sông, suối “người Xá ăn theo lửa, người Thái ăn theo nước”, đã tạo cho nhân dân bản địa thói quen và điều kiện sản xuất lúa nước từ lâu đời. Câu tục ngữ “Làm nương ủ lá cây, làm ruộng thả nước ngập luống cày”, “Làm ruộng phải lo gianh, làm ruộng phải lo giống” thể hiện trình độ sản xuất khá cao của dân tộc Thái, do vậy để đảm bảo sức kéo cho ruộng, nương, con trâu đối với họ có ý nghĩa vô cùng quan trọng.

Lễ được tổ chức như sau:

Trước hôm cúng, trâu được tắm rửa sạch sẽ, Lễ tạ ơn được tiến hành với từng con, bắt đầu từ con trâu đầu đàn, tiếng Thái gọi là khoai tổn lang (trâu chủ gầm), sau đó lần lượt theo thứ tự con nhiều tuổi trước, con ít tuổi sau. Tạ ơn con nào thì kéo con trâu trước mâm cỗ cúng. Người cúng cầm sẹo mũi con trâu và đọc bài cúng.

Đồ cúng trong lễ bó khoăn khoai gồm có: cỏ nhưng phải là cỏ gianh hoặc cỏ lau và muối được gói trong lá chuối và được đặt lên chiếc mâm có rải lá chuối. Lễ vật đã được bày sẵn trong mâm gồm có 1 con gà, 1 chai rượu, 4 chén rượu, 4 đôi đũa, 2 cuộn dây thừng. Mâm cúng được gia chủ mang ra sàn bên mâng hẩ là sàn thường được dùng để làm công việc sinh hoạt hằng ngày trong gia đình.

Sau đó con trâu được dắt từ gầm sàn ra dưới gian mang hẩ và được buộc lại bằng dây thừng. Gia chủ cúng đại ý rằng con trâu nuôi của mình, mình để làm ruộng, nương cho nhà mình. Có những lúc mình bảo nó không nghe, nó làm không đúng yêu cầu của mình, lúc đó tao tức giận đã đánh đập mày, tao biết linh hồn mày biết sẽ không vui. Hôm nay đã hết công việc đồng áng, vụ mùa đã bội thu, tao có rượu, thịt, cỏ cho mày ăn no và mày xí xóa cho tao vì có những lúc tao bực mà đánh mày.

điện biên có lễ hội gì?

Lễ Bó khoăn khoai – Điện Biên

Lời lẽ, ngôn từ trong lời khấn rất giản dị, mộc mạc như chính lối sống của người nông dân miền núi, công tội rất rõ ràng. Tất cả vì mục tiêu công việc đặt lên hàng đầu nhưng đồng thời cũng mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, đề cao vai trò của lao động ngay cả đối với loài vật vô tri.

Sau khi cúng xong, trâu được cho ăn cỏ và xát muối vào mồm trâu vì sau khi làm lễ bó khoăn khoai, gia chủ sẽ đưa trâu lên rừng để trâu tự kiếm ăn, đỡ công phải chăm sóc trong lúc nông nhàn. Việc xát muối vào mồm để trâu nhớ đường mà về nhà, không được đi lạc vào nhà khác. Việc chỉ cho ăn cỏ lau và cỏ gianh vì khi vào rừng có rất nhiều loại cỏ khác nhau và trong đó không thiếu những loài cỏ độc. Cho ăn 2 loại cỏ này để trâu nhớ mà ăn.

Sau đó gia chủ thắp nến sáp ong và gắn lên sừng trâu với ý nghĩa sẽ soi sáng đường cho trâu, trên đường đi không gặp phải hổ dữ và vướng vào vực sâu. Điều này phản ánh nỗi sợ hãi sâu xa của người nông dân miền núi do trước kia rừng thiêng, nước độc, các loài thú dữ nhiều vô kể. Một điều khác so với việc cúng vía trâu ở các nơi khác là trâu hôm sau mới được thả vào rừng còn ở thị xã Mường Lay, sau khi cúng xong trâu được gia chủ dắt ngay vào rừng để tự kiếm ăn. Một tuần một lần gia chủ phải vào rừng để kiểm tra trâu nhà mình…

Lễ hội mừng mưa rơi của dân tộc Khơ Mú – Điện Biên

Người Khơ Mú gọi hội mừng mưa rơi của dân tộc mình là lễ hội “Om đin om đang”, tức lễ hội mừng nước hay hội mừng mùa măng mọc. Theo các cụ già ở bản Pá Bon, xã Mường Luân, Điện Biên , gọi như vậy bởi mở đầu phần hội bao giờ cũng là điệu múa “Om đin om đang”.

điện biên có lễ hội gì?

Lễ hội mừng mưa rơi của dân tộc Khơ Mú – Điện Biên

Hội mừng mưa rơi được tổ chức vào cuối tháng 3, đầu tháng 4 âm lịch, trước hoặc sau những cơn mưa đầu mùa. Trong lễ hội, người ta hát những bài ca mừng nương rẫy khi được đón những cơn mưa đầu mùa. Lễ hội thường được tổ chức trên nhà sàn và thầy cúng là người chủ trì phần lễ.

Để chuẩn bị cho lễ hội, người trong bản ốp bẹ chuối vào cột nhà để làm cây hoa chủ. Cây hoa chủ gồm 3 – 5 lớp. Các lớp cành đều treo hình chim, thú, hoa quả được đan bằng lạt giang hoặc mua ở các chợ. Bàn thờ cúng thần linh được đặt ngay dưới cây hoa. Trên bàn thờ bày các lễ vật gồm: đĩa gà luộc, bánh chưng, bánh dày, xôi nhuộm phẩm đỏ, trứng, mía, gạo, muối… Tiếp đến, thầy cúng mặc trang phục dân tộc gồm: áo đen, chít khăn đen, thắt lưng đỏ (ngày nay chỉ còn mặc áo đen) đọc lời cầu cho người trong bản có sức khoẻ tốt, gặp nhiều may mắn; cầu xin thần linh cho mưa thuận gió hòa, xua đuổi chim thú phá hoại mùa màng… Vừa đọc lời cúng, thầy vừa lấy nhúm gạo, muối, rượu tung ra xung quanh và thả xuống sàn.

Sau phần lễ, phần hội diễn ra sôi nổi với những điệu múa truyền thống của dân tộc Khơ Mú. Từ lễ hội mừng mưa rơi, nhiều lời ca của dân tộc Khơ Mú đã được các nhạc sỹ chép lại, phổ biến rộng trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Điện Biên có lễ hội gì? Trên đây là danh sách những lễ hội Điện Biên đặc sắc mà bạn nên tham gia khi du lịch tới miền đất này. Hi vọng bài viết này sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn cuộc sống, những phong tục, tập quán của con người nơi đây. Chúc các bạn có những chuyến du lịch trải nghiệm Điện Biên thật thú vị nhé.

Đăng bởi: Phương Trần

YOLO! Khám phá các huyện ở Điện Biên

ALONGWALKER Singapore: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Philippines: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Indonesia: Saluran untuk mengeksplorasi pengalaman para pemuda global ALONGWALKER Malaysia: Saluran untuk menjelajahi pengalaman global belia ALONGWALKER Japan: 発見・体験、日本旅行に関する記事 ALONGWALKER Thailand: ช่องทางในการสำรวจประสบการณ์ของเยาวชนระดับโลก