đồng Tháp

Ăn gì khi đến Đồng Tháp?

Du lịch Đồng Tháp, khách tham quan không chỉ có dịp chiêm ngưỡng vẻ đẹp của những con kênh hiền hòa, những cánh đồng bạt ngàn lúa và hồ sen thơm mát mà còn được thưởng thức vô vàn các món ăn ngon đặc sắc của miền tây sông nước. Ăn gì khi đến Đồng Tháp? Trong bài viết này hãy cùng chúng tôi khám phá các món ăn ngon nổi tiếng của Đồng Tháp khi có dịp ghé thăm vùng đất này nhé!

Các món ăn từ sen – Đồng Tháp

Đồng Tháp Mười là vùng đất trũng nhưng lại phù hợp cho loài cây sống trong bùn và vươn lên khỏi mặt nước. Trên con đường khi khẩn hoang, con người Đồng Tháp đã được thiên nhiên bạn tặng loài cây sen và họ đã biết tận dụng cây sen từ vẻ đẹp đến công dụng y học và ẩm thực.

ăn gì khi đến đồng tháp?

Các món ăn từ sen – Đồng Tháp

Ngoài mang đến vẻ đẹp cho quê hương Việt Nam, sen hồng còn là nguyên liệu chế biến nhiều món ăn đặc sản Đồng Tháp. Nổi tiếng nhất là món gỏi ngó sen, súp hạt sen, cháo bắp bò, cơm hấp lá sen, chè hạt sen, mứt hạt sen, cá lóc nướng trui cuốn lá sen,…

Khi du lịch vùng này, bạn có thể chọn mua hạt sen tươi về để dành ăn dần hoặc làm quà tặng. Hạt sen của miệt Tháp Mười đặc biệt to tròn, mập mạp và khi ăn có vị ngọt bùi cùng hương thơm thoang thoảng rất dễ chịu.

Ngoài hạt sen tươi, ở huyện này còn bán rất nhiều món ngon liên quan tới sen như trà tim sen túi lọc, gương sen tươi, sữa hạt sen, củ sen tươi, ngó sen tươi,…Tùy nhu cầu sử dụng và tặng quà mà bạn cân nhắc chọn sản phẩm phù hợp nhất để mua mang về khi có dịp du lịch Đồng Tháp.

Cá lóc nướng cuốn lá sen non – Đồng Tháp

Cá lóc nướng trui là món ăn dân dã đặc trưng của vùng sông nước Tây Nam Bộ. Món ăn này gắn liền với quá trình khai hoang mở cõi đất phương Nam của dân tộc Việt. Biến tấu từ món cá lóc nướng trui, người dân Đồng Tháp Mười dùng thêm lá sen non tạo ra món ăn đặc sản với tên gọi mộc mạc là cá lóc nướng trui cuốn lá sen non.

ăn gì khi đến đồng tháp?

Cá lóc nướng cuốn lá sen non – Đồng Tháp

Cá được nướng nguyên con, giữ lại bộ đồ lòng. Sau khi nướng, Cá được bổ đôi dọc sống lưng và rưới lên hành lá trụng qua dầu sôi cùng một ít đậu phộng… Nước chấm được chế biến từ nước mắm cá linh và me chín dốt, nêm thêm ít gia vị, tỏi, ớt sao cho có vị mằn mặn, thơm lừng của nước mắm gốc, vị chua của me, vị ngọt của đường, cay của ớt.

Gắp miếng cá lóc nướng cuốn lá sen non và các đồ ăn kèm, chấm thêm nước mắm me, thực khách cảm nhận đầy đủ vị chua, chát, mặn, ngọt… Da cá lóc vừa béo vừa giòn, thịt cá ngọt, thơm bùi, ruột cá đắng dịu, vị lá sen non chát nhẹ, thoang thoảng mùi hương sen, khiến thực khách khó thể cưỡng lại.

Ngoài ra, kết thúc bữa ăn là tráng miệng bằng món chè sen nước cốt dừa có tác dụng nhuận trường làm thanh mát cơ thể hay món hạt sen luộc, hạt sen rang. Ðặc biệt, có thể thưởng thức sữa sen – một loại thức uống được bào chế từ sữa của hạt sen non kết hợp với sữa tươi nguyên chất, nước tinh khiết và đường. Loại thức uống này được làm lạnh trước khi uống nên có thể giải khát tức thời và giải nhiệt cơ thể về lâu dài do tính nhuận trường của hạt sen non.

Nem Lai Vung – Đồng Tháp

Nem Lai Vung gắn liền với địa danh huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp. Từ lâu loại nem chua chua, ngọt ngọt này đã vang danh khắp trong Nam lẫn ngoài Bắc. Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam đã công nhận nem Lai Vung vào “Top” 14 đặc sản nổi tiếng và giá trị Việt Nam năm 2012.

ăn gì khi đến đồng tháp?

Nem Lai Vung – Đồng Tháp

Nem Lai Vung có hương vị thơm ngon, độc đáo. Nguyên liệu để làm nem gồm có thịt heo nạc xay nhuyễn, da heo (bì) xắt nhỏ trộn với thính (gạo rang), tỏi thái mỏng, hạt tiêu để nguyên hạt… Tùy theo bí quyết riêng của từng người mà có cách làm nem khác nhau.

Người ta trộn tất cả các nguyên liệu lại với nhau, nêm nếm gia vị cho vừa miệng rồi gói lại bằng lá chùm ruột hoặc lá vông non. Sau đó, gói lại thêm một lớp bằng lá chuối, buộc bằng dây lạt hoặc dây nylon. Nem sau khi gói lại để vài ngày cho lên men là có thể dùng được.

Nem Lai Vung nổi tiếng gần xa, được nhiều du khách ưa thích và chọn mua làm quà. Hiện nay trên địa bàn huyện Lai Vung có nhiều cơ sở làm nem nổi tiếng như nem Út Thẳng, nem Năm Thơ, nem Chiến Ngoan, nem Tư Minh… Trong đó, nổi tiếng nhất là nem Út Thẳng với hai cơ sở tại Đồng Tháp và Tp. Hồ Chí Minh.

Hủ tiếu Sa Đéc – Đồng Tháp

Khác với hủ tiếu của các tỉnh thành khác, hủ tiếu Sa Đéc nổi tiếng với du khách bởi những sợi bánh vừa phải, mềm mà không bở, không dai, vị không chua, thơm mùi gạo mới.

ăn gì khi đến đồng tháp?

Hủ tiếu Sa Đéc – Đồng Tháp

Hủ tiếu Sa Đéc được hầm nguyên chất từ xương heo, không sử dụng mì chính nên nước dùng trong vắt, mà vẫn ngọt tự nhiên, mùi thơm đặc trưng. Sợi hủ tiếu cũng một phần làm nên sự đặc biệt cho món ăn dân dã này. Bánh hủ tiếu Sa Đéc cọng to, màu trắng sữa được chế biến từ loại bột gạo dẻo thơm xứ Đồng Tháp Mười. Sợi dai mềm sẽ đọng lại vị ngọt khi thử qua. Hấp dẫn hơn là khi cọng hủ tiếu ấy được ướp hương bởi những miếng hành phi giòn tan, béo ngậy.

Hủ tiếu Sa Đéc ngon nhất là được ăn kèm với giò, quẩy, rau sống, xì dầu, ít ớt sừng trâu xắt lát ngâm giấm cùng hành lá băm nhuyễn rồi chan nước dùng vào.

Nếu có cơ hội nếm thử hủ tiếu Sa Đéc chắc chắn thực khách sẽ khó có thể nào quên được mùi vị hấp dẫn của món ngon đặc sản Đồng Tháp này.

Bì mắm – Đồng Tháp

Bì mắm có vị chua, ngọt, đặc biệt tỏa ra mùi mắm thoang thoảng, mang đậm phong vị miền sông nước Nam Bộ. Bì mắm có cách làm không khác là mấy so với cách làm nem thịt, nem bì, tré xứ Huế nhưng bì mắm Đồng Tháp lại ghi điểm với hương vị đặc trưng, hấp dẫn cả về hương vị và màu sắc bắt mắt.

ăn gì khi đến đồng tháp?

Bì mắm – Đồng Tháp

Thực khách thưởng thức miếng bì mắm, sẽ cảm nhận đủ mọi dư vị chua, ngọt, mặn, cay của thịt nạc, da heo, đường, tỏi, ớt, thính gạo,v.v… Mỗi gia đình có một bí quyết riêng nhưng chủ yếu vẫn dựa trên những nguyên liệu chính là thịt heo, da heo, riềng, tỏi, ớt và đường.

Các nguyên liệu: thịt nạc, da heo, đường, muối, tỏi, ớt và giềng được trộn đều và để lên men tự nhiên từ 3 – 4 ngày ở nhiệt độ từ 25 đến 30 độ C là có thể đem ra ăn.

Bì mắm có thể ăn không hoặc ăn cùng cơm nóng, bánh mì, bún,v.v… đều rất ngon. Món ngon đặc sản Đồng Tháp này còn ăn cùng lá sung, khế chua, rau mơ, đọt tầm ruột và chuối chát.

Món ăn này thường xuất hiện vào các dịp lễ, Tết, tiệc đãi khách hoặc cúng giỗ Tổ tiên của người dân địa phương. Ngoài ra, do có thể để lâu nên bì mắm cũng trở thành một món đặc sản dùng để biếu, tặng. Vì thế, du khách chớ quên đem bì mắm về làm quà nhé!

Bánh xèo Cao Lãnh – Đồng Tháp

Bánh xèo là món ăn phổ biến ở cả miền Nam, Trung và Bắc. Thế nhưng tại mỗi địa phương, bánh xèo có cách chế biến khác nhau. Nổi bật ở miền Tây Nam Bộ phải kể đến là bánh xèo Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp.

ăn gì khi đến đồng tháp?

Bánh xèo Cao Lãnh – Đồng Tháp

Bánh ở đây được chế biến công phu từ nguyên liệu cho đến nước chấm. Bánh được làm từ bột gạo, chọn loại gạo ngon nhất để làm. Nhân bánh thường có củ sắn (củ đậu) xắt mỏng, giá, tôm, thịt heo băm nhỏ/thịt vịt… Khi đổ bánh, người ta bắc chảo lên bếp, chờ chảo nóng thì tráng phần bột mỏng rồi cho lần lượt các loại nhân vào. Đợi bánh giòn thì gập đôi lại và đổ ra đĩa.

Nước chấm đi kèm được pha chế khéo léo từ nước mắm, có vị chua the của chanh, phảng phất vị cay nồng của ớt rồi thêm ít cà rốt và củ cải bào sợi. Rau ăn kèm gồm có nhiều loại như xà lách, cải cay, rau quế, diếp cá, đọt bằng lăng…

Bánh xèo ăn nóng mới ngon. Khi ăn, lấy miếng bánh cuộn thêm rau sống rồi chấm với nước mắm chua ngọt thì ngon không gì bằng. Trong các cẩm nang du lịch Đồng Tháp, nhiều tác giả có nhắc đến món bánh xèo như là món đặc sản du khách nên tìm thưởng thức.

Chuột quay lu Cao Lãnh – Đồng Tháp

Đi khắp Nam Bộ mùa nước nổi, đâu đâu cũng có món thịt chuột đồng nhưng nổi tiếng nhất phải kể đến đất Cao Lãnh của Đồng Tháp. Chuột đồng ở Cao Lãnh có thể chế biến thành nhiều món ăn khác nhau nhưng đặc biệt nhất phải kể đến món chuột quay lu.

ăn gì khi đến đồng tháp?

Chuột quay lu Cao Lãnh – Đồng Tháp

Khi gắp ra đĩa, nếu du khách không được giới thiệu là thịt chuột đồng thì rất dễ tưởng nhầm đó là một chú lợn “bao tử” vừa được quay. Mùi thơm hấp dẫn lan tỏa. Muối tiêu chanh và rau răm, chuối chát, cà chua, dưa leo được bày ra. Miếng thịt chuột có da giòn tan, thịt thơm và mềm. Du khách sẽ quên mất cảm giác ghê ghê ban đầu là ăn thịt chuột. Bởi thế, người miền Tây gọi thịt chuột là “nai đồng quê”.

Vào mùa lúa. chuột đồng là đặc sản được săn lùng nhiều nhất. Sau mỗi mùa gặt, người dân vùng Cao Lãnh sẽ săn bắt những con chuột đồng béo múp, đã ăn no lúa chín để chuẩn bị sơ chế thành món chuột quay lu. Làm sạch ruột chuột, cắt móng, tẩm ướp gia vị, tỏi, tiêu, hành khô trong khoảng 15 phút.

Chuột được móc từng con cho vào lu, quay trở tay, thêm mỡ, thêm nước gia vị và nướng trong khoảng một tiếng. Ngoài quay lu, chuột đồng còn được nướng hoặc hấp, nhưng quay lu có lẽ là ngon hơn cả và nhất định phải là chuột của mùa lúa tháng 9, tháng 10. Du khách du lịch chớ quên món ngon đặc sản Đồng Tháp thịt chuột quay lu này nhé!

Mứt chuối phồng – Đồng Tháp

Mứt chuối phồng hay còn gọi là kẹo chuối là một trong những đặc sản Đồng Tháp làm quà có độ mềm, thơm của chuối quyện hương gừng cay nhẹ. Nghe qua thì có vẻ lạ tai nhưng đây chính là một đặc sản nổi tiếng của vùng Đồng Tháp Mười được khách du lịch ưa thích.

ăn gì khi đến đồng tháp?

Mứt chuối phồng – Đồng Tháp

Mứt chuối phồng được làm từ các nguyên liệu bình dân như chuối, gừng, dừa khô, đậu phộng, mè, nước cốt dừa, đường và nhiều gia vị khác. Chuối tươi chín vàng sau khi đem về sẽ mang về ép phơi khô từ 2 đến 3 đợt nắng cho vàng ươm. Dừa khô bào mỏng, gừng xắt sợi cùng đậu phộng, mè rang vàng, đường cát và bánh phồng sữa cho cùng vào chảo nóng trên bếp đến khi sệt lại, không dính chảo là được. Trải đều mẻ mứt mỏng lên bánh tráng, cuộn lại và cắt khoanh vừa ăn.

Sự kết hợp hoàn hảo từ độ mềm của chuối, giòn của đậu phộng, vị béo của dừa, thơm cay hương gừng vừa đủ, không quá ngọt đủ để người ăn lưu luyến mãi không thôi. Nhâm nhi miếng mứt chuối phồng Đồng Tháp với một tách trà nóng thì còn gì tuyệt vời hơn.

Du khách có thể mua đặc sản Đồng Tháp làm quà này về thưởng thức hoặc làm quà chia đều rất dễ. Bạn hãy lựa chọn vài hộp mứt chuối phồng để thưởng thức và cảm nhận trọn vẹn hương vị ẩm thực nơi đây ngay nhé!

Bông súng mắm kho – Đồng Tháp

“Muốn ăn bông súng mắm kho/ Thì vô Đồng Tháp ăn cho đã thèm”. Món ngon đặc sản Đồng Tháp này có tính lành và mát, dễ ăn mà vô cùng đậm đà.

ăn gì khi đến đồng tháp?

Bông súng mắm kho – Đồng Tháp

Mùa nước về bông súng trắng lên nhanh trắng đồng. Củ bông súng ăn vừa bùi vừa béo, bông, thân, lá non chẳng kén miệng người ăn. Hương thơm của mắm ngào ngạt. Cái giòn giòn của bông súng, mùi thơm của mắm, béo béo của thịt ba rọi, giòn giòn, ngòn ngọt của tép đồng và mùi the the của sả, cay cay của ớt làm thành một món ăn dân dã, bình dân mà tuyệt vời. Món mắm ấy kho bông súng đã ngon, ăn sống cùng cơm nguội càng “vét nồi”.

Bông súng sau khi hái về sẽ được rửa sạch, tước vỏ bên ngoài, ngắt mỗi cọng độ dài chừng hai gang tay, để ráo nước. Đổ nước dừa nạo vào mắm thêm sả ớt đun nhỏ lửa cho đến khi con mắm mềm xương. Nồi mắm kho càng thơm ngon và đậm đà hương vị hơn khi có thịt ba rọi hay còn gọi là thịt ba chỉ đi kèm. Mỡ trong thịt tươm ra hòa quyện vào nồi mắm, làm cho nước dùng thơm và béo.

Bông súng mắm kho – Đồng Tháp hứa hẹn sẽ là trải nghiệm hoàn hảo cho thực khách mỗi khi có dịp ghé thăm Đồng Tháp.

Gà đập đất (gà nướng đất sét) – Đồng Tháp

Món gà đập đất (gà nướng đất sét) khá phổ biến ở những miền quê dân dã, mỗi nơi có cách chế biến khác nhau. Với người dân vùng Đồng Tháp Mười, món ăn này còn là sự tỉ mẫn, khéo léo để tạo nên một thứ phong vị rất đặc trưng, khó có thể phai trong lòng thực khách ngay từ lần đầu tiên thưởng thức. Gà đập đấtphải là gà thả vườn hoặc gà rừng thì mới gọi là “đúng điệu”.

ăn gì khi đến đồng tháp?

Gà đập đất (gà nướng đất sét) – Đồng Tháp

Gà sau khi mua hoặc bắt về đem làm sạch, rửa lại với nước cho gà sạch sẽ, khoét một lỗ tại vị trí phao câu, khéo léo móc hết ruột gà ra. Ruột gà được tỉ mỉ làm sạch, ướp gia vị cho thấm, riêng phần huyết thì để cho đông rồi cho lại vào bụng gà cùng với bộ lòng. Trong quá trình chế biến, người ta thường cho thêm lá chanh và sả băm vào bụng gà để khử đi mùi tanh của gà. Sau khi ướp gà thì tiếp tục lấy lá sen hoặc lá chuối già bọc kín gà rồi sau đó mới đắp đất sét lên.

Đất sét mang từ bờ sông về nhào với nước sao cho vừa đủ dẻo để làm tăng sự kết dính khi đắp gà. Kỹ thuật đắp đất sét cũng quyết định chất lượng món ăn này, phải đắp làm sao cho bo tròn đều con gà, lớp đất sét hơi dày để khi nướng trong bếp than sẽ đủ độ nóng làm chín thịt gà. Công đoạn nướng gà được xem là quan trọng nhất, người nướng cần chọn củi khô chất rơm lên đốt nóng liên tục khoảng 2 tiếng đồng hồ, lúc ấy gà mới đủ nóng, đủ ngấm và làm chín thịt gà.

Từ miếng đất dẻo dính ban đầu, gà đập đẩt khi hoàn thiện phải có lớp đất khô, săn cứng, lấy đầu que chọc vào đến khi còn dính đất thì gà đã chín. Bóc lớp đất tới đâu, lông gà dính theo tuột ra đến đó, để lộ phần da gà óng ả, thân gà tròn trơn mà thơm lừng hấp dẫn. Gà nướng xong đập bể đất sét, sau đó để nguyên con đem xé thịt bóp cùng muối tiêu chanh và rau răm. Từng miếng gà nướng vàng nâu óng ả thơm lừng với phần da ăn hơi giòn ngậy nhưng thịt bên trong lại mềm và đậm đà. Du lịch Đồng Tháp nếu chưa biết phải thưởng thức đặc sản gì thì chúng tôi khuyên bạn nên thử qua món gà đập đất (gà nướng đất sét). Món ăn này sẽ mang đến cho du khách hương vị khó quên khi có dịp nếm thử.

Tắc kè xào lăn – Đồng Tháp

Món ngon đặc sản Đồng Tháp có món tắc kè xào lăn khá phổ biến của người dân nơi đây, món ăn mà các du khách đều muốn một lần được nếm thử.

ăn gì khi đến đồng tháp?

Tắc kè xào lăn – Đồng Tháp

Món thịt tắc kè xào lăn có vị ngon lạ lùng, vị béo ngậy, thơm ngọt. Đặc biệt, phần đuôi tắc kè là nơi tập trung nhiều mỡ và sụn rất ngon và không nên bị bỏ qua. Thịt tắc kè còn có tác dụng rất tốt giúp bồi bổ cho lục phủ, ngũ tạng. Đặc biệt, nếu có thêm rượu đế nhâm nhi thì không còn gì tuyệt bằng.

Tắc kè được tiến hành ướp gia vị rồi cho vào chảo, phi thơm cùng với tỏi, xào cho đến khi thịt săn lại. Để món tắc kè xào lăn đậm đà, thơm ngon hơn, người nấu có thể cho thêm nước cốt dừa vào xâm xấp, chụm lửa liu riu để thịt hoà quyện với gia vị và nước cốt dừa.

Món ăn này được dân nhậu yêu thích làm mồi lai rai. Du khách khám phá ẩm thực các món ngon đặc sản Đồng Tháp thì chớ bỏ qua món tắc kè xào lăn này nhé!

Ốc treo giàn bếp – Đồng Tháp

Món ngon đặc sản Đồng Tháp phải nhắc đến món ốc treo giàn bếp với cách làm khác lạ.

ăn gì khi đến đồng tháp?

Ốc treo giàn bếp – Đồng Tháp

Ốc để làm món treo giàn bếp thường là những con ốc lác to tròn, có thịt ngọt, dai sần sật được đựng trong giỏ đan bằng tre rồi đem treo chỗ cao trên giàn bếp. Ốc lác treo giàn bếp có thể để lâu 4-5 tháng vẫn sống và được sử dụng để chế biến thành nhiều món khác nhau như ốc luộc lá ổi hoặc ốc hấp xả chấm nước mắm tỏi ớt, hay cầu kỳ hơn như nấu cari xả ớt, xào mặn xả ớt v.v….

Thưởng thức ốc lác treo giàn bếp phải chậm rãi thì bạn mới có thể cảm nhận được hết vị ngon, vị mềm của thịt ốc, xen lẫn vị ngọt và cay của ớt, vị thơm nồng của sả. Mình ốc chấm ngập trong nước mắm sả ớt sẽ khiến bạn nhớ mãi không quên vị ngon của món này.

Đến với Đồng tháp và nếm thử món ốc treo giàn bếp, bạn mới cảm nhận được vì sao đây lại là món đặc sản vô cùng khoái khẩu của mọi người ở khắp vùng quê và thành thị ở vùng đất ngập nước ở Đồng bằng sông Cửu Long này.

Vịt nướng Sa Đéc – Đồng Tháp

Món ngon đặc sản Đồng Tháp – Vịt nướng Sa Đéc thu hút không chỉ khách địa phương mà còn cả những du khách ở các tỉnh thành khác.

ăn gì khi đến đồng tháp?

Vịt nướng Sa Đéc – Đồng Tháp

Vịt nướng Sa Đéc với những miếng thịt nướng béo, mềm, thơm ngất ngây khiến bất cứ ai cũng khó lòng cưỡng lại. Những con vịt nướng vàng ươm, da vịt căng, có màu vàng cánh gián, dưới lớp da giòn không có mỡ. Khi ăn, thực khách chấm với tương xốt đặc biệt làm tan chảy vị giác.

Vừa nhâm nhi miếng vịt nướng béo ngậy, giòn tan trong miệng và thưởng ngoạn phong cảnh thiên nhiên hữu tình, cảnh vật nên thơ của vùng sông nước miền Tây vào mùa nước nổi sẽ là trải nghiệm mới lạ, khiến thực khách càng ăn càng cảm thấy ngon miệng ngay cả với những thực khách khó tính nhất.

Vịt nướng là món ăn ngon, thường có mặt trong các bữa tiệc, họp mặt gia đình, bạn bè… Đến Đồng Tháp, du khách cũng dễ tìm món ăn này ở các quán vịt nướng dọc phố.

Qủa không sai nếu nói ẩm thực Đồng Tháp sẽ mất đi một phần thú vị nếu không có món vịt nướng Sa Đéc độc đáo này. Đến Sa Đéc, du khách có thể dễ dàng tìm được quán vịt nướng thơm ngon để thưởng thức.

Bánh phồng tôm Sa Giang – Đồng Tháp

Bánh phồng tôm Sa Giang – Đặc sản Đồng Tháp làm quà giản dị mà hấp dẫn bao thực khách bởi độ thơm và giòn rụm. Đặc sản Đồng Tháp này hiện đã được xuất khẩu trên 40 quốc gia và vùng lãnh thổ toàn thế giới.

ăn gì khi đến đồng tháp?

Bánh phồng tôm Sa Giang – Đồng Tháp

Bánh phồng tôm Sa Giang có độ giòn, xốp, vị béo ngọt, thơm và cay nhẹ rất dễ ăn. Chỉ cần cắn một miếng bánh nhẹ trong miệng, thực khách sẽ cảm thấy vị nồng thơm, đậm đà văn hoá ẩm thực của người dân chốn vùng quê nơi đây.

Bánh được chế biến từ bột khoai mì tinh chế kết hợp với tôm xay nhuyễn, một ít hạt tiêu đập dập và một số gia vị: muối, đường, bột ngọt. Các thành phần nguyên liệu sau khi trộn với nhau sẽ được nhồi vào những chiếc túi vải hình ống và đưa vào nồi hấp. Sau khi hấp chín, những cây bột này sẽ được cắt thành từng lát tròn mỏng rồi đem phơi khô, đóng gói cẩn thận và cung cấp ra thị trường.

Bánh phồng tôm Sa Giang có nhiều loại để quý khách lựa chọn như bánh phồng mực, bánh phồng cua, bánh phồng cá basa… Khi ăn, phồng tôm Sa Giang được đem chiên với dầu thật nóng để phồng to ra, giòn tan là có thể thoải mái tận hưởng hương vị đặc biệt của thức quà quê bình dị, dân dã này.

Ăn gì khi đến Đồng Tháp? Trên đây là những món ăn đặc sản Đồng Tháp nổi tiếng nhất. Có những món rất dễ ăn nhưng cũng có những món với nhiều người tương đối khó ăn. Tuy nhiên, nếu thử ăn thêm vài lần có thể bạn sẽ rất thích đấy. Nếu bạn có dịp đến Đồng Tháp thì đừng quên thưởng thức những món đặc sản Đồng Tháp nổi tiếng mà chúng tôi giới thiệu trên đây nhé.

Đăng bởi: Hình Nhất

YOLO! Khám phá các huyện ở Đồng Tháp

ALONGWALKER Singapore: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Philippines: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Indonesia: Saluran untuk mengeksplorasi pengalaman para pemuda global ALONGWALKER Malaysia: Saluran untuk menjelajahi pengalaman global belia ALONGWALKER Japan: 発見・体験、日本旅行に関する記事 ALONGWALKER Thailand: ช่องทางในการสำรวจประสบการณ์ของเยาวชนระดับโลก