Gia Đình Tâm Sự

City Pop là gì? Vì sao bạn sẽ bồi hồi khi nghe nhạc City Pop?

Làn sóng mới của city pop được cách tân thành vaporwave hay là future funk, nhưng âm hưởng mà nó mang lại vẫn không thay đổi.

City pop là một sự hồi tưởng đầy mê hoặc và bí ẩn, những bài hát của dòng nhạc city pop mang đến cho những người nghe cảm giác hoài niệm về một ký ức, một khoảng thời gian tươi đẹp đã qua, hay một thời đại bạn không hề tồn tại ở đó nhưng lại có cảm giác vấn vương một cách lạ kỳ.

Cuối những năm 2010, nhờ thuật toán đề xuất của YouTube, ca khúc Plastic Love của nữ ca sĩ Nhật Bản Mariya Takeuchi từ năm 1984 bỗng nhiên trở thành một hiện tượng mới trong văn hoá đại chúng. Nối tiếp Plastic Love, vào năm 2020, ca khúc Mayonaka no Door/Stay With Me (1979) được trình bày bởi nữ ca sĩ Miki Matsubara đạt vị trí số 1 trên Spotify Viral Charts.

Có thể nói, đây là hai bài hát tiêu biểu trong dòng nhạc city pop của Nhật Bản quen thuộc nhất với thính giả đại chúng thời hiện đại, và góp phần phục hưng dòng nhạc này sau khoảng thời gian gần như chìm vào quên lãng.

City pop là nhạc gì?

City pop (シティーポップ, shitī poppu) là một nhánh của dòng nhạc pop ra đời vào cuối những năm 1970 tại Nhật Bản.

Sự xuất hiện của city pop được cho là liên quan đến sự bùng nổ kinh tế sau chiến tranh thế giới thứ hai, đưa nước Nhật trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vào thời điểm đó. Người dân Nhật Bản được hưởng lợi từ “phép màu kinh tế” thời hậu chiến này và bị cuốn vào cơn lốc tiêu dùng cực (consumerism) cực lớn. Họ tận hưởng những thứ xa hoa lấy cảm hứng từ nước Mỹ như quần áo sang trọng, thực phẩm cao cấp, du lịch và cuộc sống về đêm.

âm nhạc, city pop, nhật bản, văn hóa, city pop là gì? vì sao bạn sẽ bồi hồi khi nghe nhạc city pop?

City Pop là gì?

Nghệ thuật và văn hoá theo đó cũng phát triển mạnh mẽ, như thể là một món ăn thường ngày của họ. Nếu như ban ngày là lúc mà người dân làm việc chăm chỉ trong những văn phòng và công xưởng, thì về đêm, họ vui chơi hết mình trong những quán bar với sàn nhảy lấp lánh ánh đèn và giai điệu disco sôi động. Cùng với sự ra đời của Sony Walkman và dàn âm thanh nổi trên những ô tô tiên tiến, Nhật Bản cần một dòng nhạc đại diện cho phong cách sống này. City pop ra đời từ đó.

Bản nhạc city pop đầu tiên

Bản nhạc city pop đầu tiên ra đời vào đầu những năm 70 trong album cùng tên của ban nhạc rock dân gian Nhật Bản Happy End. Được tiếp xúc với văn hóa nhạc pop của Mỹ thời hậu chiến, các thành viên của Happy End đã kết hợp âm nhạc Nhật và Mỹ với nhau, với những ca từ thường nói về cuộc sống thành thị và hoài niệm về một thời đại đã qua.

âm nhạc, city pop, nhật bản, văn hóa, city pop là gì? vì sao bạn sẽ bồi hồi khi nghe nhạc city pop?

Happy End, ban nhạc được mệnh danh là The Beatles của Nhật Bản.

Dù chỉ hoạt động từ năm 1969 – 1973, Happy End là một trong những ban nhạc có ảnh hưởng nhất trong lịch sử âm nhạc Nhật Bản, không chỉ với các bài hát dân gian-rock tiếng Nhật của họ vào thời điểm mà các ban nhạc rock Nhật Bản khác chỉ hát bằng tiếng Anh, mà quan trọng hơn hết, họ đã góp phần tạo nên bản sắc Nhật Bản trong dòng nhạc pop hiện đại. Lời bài hát của họ thường miêu tả những hình ảnh sống động của cuộc sống thành thị ở Tokyo.

Sau khi Happy End tan rã vào năm 1973, các thành viên của nhóm (Haruomi Hosono, Eiichi Ohtaki, Shigeru Suzuki và Takashi Matsumoto) tiếp tục phát triển dòng nhạc city pop trong suốt những năm 70 và 80, tạo ra nhiều phong cách khác nhau và những bản hit lớn nhất của thể loại này, cũng như thiết lập tiêu chuẩn cho sản xuất và sáng tác chất lượng cao.

Một trong những ví dụ đáng chú ý nhất về ảnh hưởng của họ có thể được nhìn thấy vào năm 1978 khi Haruomio Hosono thành lập nhóm Yellow Magic Orchestra – những người tiên phong trong dòng nhạc city pop điện tử. Họ sử dụng những nhạc cụ và thiết bị âm nhạc tối tân nhất từ các doanh nghiệp trong nước như Yamaha hay Roland.

Thời kỳ hoàng kim của city pop tại Nhật Bản

Phải đến cuối những năm 70 và 80, sau vài thập kỷ phục hồi kinh tế, city pop mới trở thành thứ âm nhạc đại diện cho lối sống hưởng thụ tại Nhật Bản. Rất nhiều nghệ sĩ và nhà sản xuất đã thành danh trên làng nhạc city pop vào cuối những năm 80.

Thời kỳ hoàng kim của city pop bắt đầu khi đĩa đơn Ride on Time của Yamashita Tatsurō tạo nên làn sóng mới trong nền âm nhạc Nhật Bản và Takeuchi Mariya đã gây được tiếng vang lớn với Fushigi na pīchi pai vào năm 1980.

Năm tiếp theo, Pegasasu no asa của Igarashi Hiroaki và Surō na bugi ni shite kure (I want you) của Minami Yoshitaka đạt những vị trí cao trong các bảng xếp hạng.

Nhưng bài hát đánh dấu cột mốc quan trọng trong lịch sử của city pop là Rubī no yubiwa của Terao Akira, một ca khúc miêu tả khung cảnh đẹp đẽ của một thành thị cô đơn, đạt doanh số hơn 1,6 triệu bản và giành được tình cảm của nhiều thế hệ.

City pop sụp đổ ở Nhật Bản

Thị trường chứng khoán của Nhật Bản sụp đổ vào những năm 90, khiến sự bùng nổ kinh tế đi đến hồi kết, đồng thời mang theo những âm hưởng của city pop. Tuy nhiên, cuộc suy thoái này không phải là lý do duy nhất khiến city pop bị quên lãng. Các nghệ sĩ của thể loại này ít được chú ý hơn khi các thần tượng nhạc pop và các ban nhạc rock xuất hiện, đưa nền âm nhạc Nhật Bản rẽ sang một hướng mới.

Đến đầu những năm 2010, city pop một lần nữa trỗi dậy. Nhưng lần này không phải ở Nhật Bản mà là ở các nước phương Tây.

Sự tái sinh của nhạc city pop

City pop thực sự bắt đầu tạo nên làn sóng vào nửa sau của thập kỷ 2010, nhờ thuật toán đề xuất của YouTube. Thể loại nhạc lo-fi vốn đã thịnh hành vào thời gian đó, và thuật toán đề xuất của YouTube bắt đầu hướng người dùng đến các bản city pop có giai điệu và âm hưởng tương tự.

Đề xuất dựa trên thuật toán đáng chú ý nhất là Plastic Love của huyền thoại Mariya Takeuchi. Ca khúc đã nhận được hơn 40 triệu lượt xem trên YouTube kể từ khi được một người dùng ẩn danh tải lên vào năm 2017. Phần lớn những người yêu thích city pop tại phương Tây đều dùng Plastic Love như lời giới thiệu điển hình về thể loại này.

âm nhạc, city pop, nhật bản, văn hóa, city pop là gì? vì sao bạn sẽ bồi hồi khi nghe nhạc city pop?

Huyền thoại âm nhạc Nhật Bản Mariya Takeuchi.

Nhờ Plastic Love mà thể loại city pop được lan truyền mạnh mẽ trên Internet của phương Tây. Nhưng ca khúc khiến city pop lan rộng trên toàn cầu vào năm 2020 là Mayonaka no Door/Stay With Me của Miki Matsubara. Vào thời điểm ca khúc lần đầu tiên được phát hành, Miki Matsubara mới 19 tuổi và vừa tốt nghiệp trung học một năm. Đây là thời kỳ city pop đang thịnh hành ở Nhật Bản. Bài hát có những điểm tương đồng với Plastic Love, với ca từ buồn vui lẫn lộn được hát bằng cả tiếng Nhật và tiếng Anh.

Ngày nay, có nhiều ban nhạc hiện đại tiếp nối tinh thần của city pop như Awesome City Club, Suchmos, Lucky Tapes hay Special Favourite Music. Tuy làn sóng mới của city pop được cách tân thành vaporwave hay là future funk, nhưng âm hưởng mà nó mang lại vẫn không thay đổi.

Tuy vậy, cho dù có diễn giải nhiều thế nào, ta vẫn khó có thể định nghĩa được city pop một cách rõ ràng nhất. Nó có thể là sự kết hợp của jazz, funk và R&B. Nó cũng có thể là bất cứ thứ gì từ soft rock đến boogie disco.

Đối với nhiều người, city pop là một sự hồi tưởng đầy mê hoặc. Sự kết hợp giữa nhịp điệu pop quen thuộc của thập niên 80 với ca từ tiếng Nhật khiến bài hát trở nên bí ẩn, mang đến cho những người nghe cảm giác hoài niệm về một ký ức, một khoảng thời gian tươi đẹp đã qua, hay một thời đại bạn không hề tồn tại ở đó nhưng lại có cảm giác vấn vương một cách lạ kỳ.

Đăng bởi: Bánh Bèo Bành Thị

ALONGWALKER Singapore: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Philippines: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Indonesia: Saluran untuk mengeksplorasi pengalaman para pemuda global ALONGWALKER Malaysia: Saluran untuk menjelajahi pengalaman global belia ALONGWALKER Japan: 発見・体験、日本旅行に関する記事 ALONGWALKER Thailand: ช่องทางในการสำรวจประสบการณ์ของเยาวชนระดับโลก