Khám Phá Trải Nghiệm

Bạn nghe nhạc vì điều gì?

Tôi không ngại thừa nhận rằng, bản thân từng nghe nhạc như thế, rằng đã có lúc từng tỏ ra “thượng đẳng” dở hơi với thứ âm nhạc mình nghe.

Hôm trước, tôi và cô bạn thân có nói chuyện về 1 DJ nhạc Trance mà cả hai rất hâm mộ. Ông chú vừa có 2 set nhạc tại Việt Nam – một ở Hà Nội và một ở Sài Gòn. Trong khi tôi nghe set nhạc Hà Nội, bạn tôi nghe set nhạc của DJ đó ở nơi còn lại. Cuộc nói chuyện bỗng chốc trở nên căng thẳng khi cả hai có những quan điểm trái ngược về phần trình diễn của ông chú này và kết thúc bằng câu nói “Bây giờ anh khác ngày xưa nhiều, hay chê hơn…”.

Tôi không có gì để phủ nhận về điều đó. Vì, khi càng đào sâu nghiên cứu về thứ mà mình thích, với tư cách một khán giả, trong phạm vi tự do trí óc của bản thân, tôi tự cho mình quyền đòi hỏi nhiều hơn ở người nghệ sĩ thần tượng – người mà tôi tin chắc rằng có thể làm tốt hơn những gì mà tôi vừa được chứng kiến ở Hà Nội.

Nhưng ngược lại, tôi cũng không phủ định quan điểm của người bạn của tôi và bản thân mình cũng không thể trả lời một cách thỏa đáng cho người đối diện về những câu hỏi rằng: “Chơi như thế là quá hay rồi… Không hiểu anh còn chờ đợi điều gì… Anh còn mong muốn gì hơn nữa…”. Bởi lẽ, câu chuyện vốn ngay từ đầu chưa bao giờ là trắng hay đen, là đúng hay sai, là nếu không phải thế này thì là thế kia. Vì suy cho cùng, mỗi đôi tai nghe nhạc, hay chỉ đơn giản là tìm đến chốn chơi nhạc, cũng luôn vì những mục đích khác nhau.

“BẠN NGHE NHẠC VÌ ĐIỀU GÌ?” – Câu hỏi này cứ xuất hiện và ám ảnh tôi sau cuộc nói chuyện với người bạn kể trên, khiến tôi phải tự lục tìm, sắp xếp lại quá khứ của mình, để tự trả lời nó cho bản thân. Với tôi, nó không hề là câu hỏi dễ trả lời.

Tôi, tự cho mình là người may mắn trong hấp thu âm nhạc, khi sinh ra trong một gia đình có cách biệt thế hệ tương đối lớn. Khoảng cách tuổi tác lớn giữa tôi và bố, tôi và anh ruột khiến ngay từ nhỏ tôi đã được lắng nghe âm nhạc MỘT CÁCH THỤ ĐỘNG từ nhạc vàng, nhạc tiền chiến, nhạc Cách mạng. Những Ngô Thụy Miên, Trịnh Công Sơn, Từ Công Phụng, Vũ Thành An, Nguyễn Ánh 9, Lam Phương, Phạm Duy… hay thậm chí là Hồ Bắc, Phan Huỳnh Điểu… không quá xa lạ với tôi từ khi còn là một đứa trẻ.

âm nhạc, slider, bạn nghe nhạc vì điều gì?

Khi tôi bắt đầu có nhận thức là lúc anh tôi vào học đại học. Chuyên ngành Ngôn ngữ Tiếng Anh của anh vô tình giúp tôi “được” nghe nhiều ca khúc tiếng Anh qua radio, qua băng cassette – Nào là Boyzone, là Take That, là Backstreet Boys… Xưa hơn là The Beatles, là The Carpenters, là Abba, là Boney M. Và với trí óc của một thằng bé chuẩn bị đi học “đại học chữ to” trong giai đoạn đấy, tôi bắt chước hát theo như một cỗ máy mà thậm chí còn chẳng hiểu mình hát cái gì.

Một điều nữa, là thành phần “thêm nếm” trong gia đình có khoảng cách về thế hệ rất lớn, tôi được thương và cưng đến mức còn không đi học mẫu giáo. Chính vì lẽ đó, khi bước vào lớp 1, tôi gần như mù tịt về nhạc thiếu nhi và chẳng biết nhiều những ca khúc đúng lứa tuổi mà chúng bạn đều thuộc làu. Cảm xúc đấy nó lạ lắm. Nó là đan xen của tinh vi hãnh diện khi những đứa trẻ bằng tuổi mình không biết các bài hát mà mình biết, song cũng vừa là xấu hổ vì bị trêu chọc khi chẳng thuộc nổi nhiều ca khúc thiếu nhi mà cả lớp đồng thanh hát theo – điều mà 1 thằng nhóc cấp 1 khi ấy chẳng thể cắt nghĩa nổi.

Rồi có một giai đoạn gia đình tôi kinh doanh dịch vụ bán băng đĩa. Đó là giai đoạn mà những Đan Trường, Lam Trường, Phương Thanh… thống lĩnh thị trường nhạc Việt. Và với “lợi thế sân nhà” to lớn như thế, dĩ nhiên, tôi lại được cập nhật âm nhạc đang bắt trend một cách nhanh chóng. Gọi nó là lợi thế, nghĩa là tôi đã ý thức được về “thứ lấp lánh” mà nó mang lại theo tư duy một đứa trẻ. Hãnh diện không ư? Có chứ, khi mà tôi có đầy đủ sổ chép lời bài hát (đa số là “nhảy” của anh trai) để mang đến lớp KHOE KHOANG hay ngêu ngao hát theo những ‘Tình Đơn Phương’, ‘Đêm Lao Xao’, ‘Chân Tình’…

Gu âm nhạc của tôi có lẽ được định hình từ những năm cấp 2 khi vô tình nghe được Linkin Park và Eminem. Trong khi một số bạn bè khác đồng trang lứa vập vào Rock, thì tôi lại chọn yêu Rap và Hip-Hop/R&B. Không một bản hit nào tôi không biết và với khả năng tiếng Anh tương đối ổn, tôi gần như nằm lòng những bản nhạc mới ra và thịnh hành.

Nếu sinh cùng thời với tôi, chắc khi đọc tới đây, sẽ có người từng trải qua cảm xúc của tôi: Rằng nếu mày không nghe nhạc giống tao, nghĩa là mày là thằng đ’ biết nghe nhạc, mày là thằng nhà quê, thằng mù văn hóa… Đấy, đã có giai đoạn tôi nghe nhạc như thế. Câu chuyện này không đúng với tất cả, nhưng có lẽ với những thằng nhóc đang tuổi dậy thì, khao khát chứng tỏ bản thân, thì âm nhạc là thứ ngoài để nghe, còn là thứ để khoe nữa.

    Khác với thời đại này khi mọi thứ được bày ra cho khán giả tới mức thừa mứa, trong thời đại mà tôi đang lớn, Google thì cũng chẳng “miễn phí”. Vì chẳng phải nhà nào cũng có mạng Dial-up dùng qua điện thoại cố định, chứ đừng có nói tới ADSL hay cáp quang như hiện nay. Và để biết thế giới đang nghe gì, hay thậm chí là đào sâu xem tư bản ngày xưa nghe gì… cũng đều là tiền cả. Cứ thử chơi net quá 15 phút xem chủ quán có ra gõ đầu đòi thêm 500-1000VND không thì biết ngay.

    Đấy, tôi không ngại thừa nhận rằng, bản thân từng nghe nhạc như thế, rằng đã có lúc từng tỏ ra “thượng đẳng” dở hơi với thứ âm nhạc mình nghe.

    Nhưng mà nhé, chấp nhận đối diện bản thân, cả mặt tốt lẫn mặt xấu, chưa bao giờ là việc dễ dàng cả. Và thói quen nghe nhạc “thượng đẳng’ đáng ghét ấy nó không chỉ ở trong biên giới của việc thưởng thức nghệ thuật, nó tràn sang những phạm trù khác của cuộc sống và ảnh hưởng trực tiếp đến tính cách con người tôi.

    âm nhạc, slider, bạn nghe nhạc vì điều gì?

    Tôi từng là một gã kiêu ngạo với những gì mình có. Có thể, cái tôi cao giúp tôi có được một số thứ mà người khác không có nhưng ngược lại, nó cũng khiến tôi trả giá rất nhiều trong cuộc sống này. Để rồi mãi sau này khi đã bước qua tuổi 30 được vài năm, cũng trải qua một số biến cố nhất định, tôi mới dần tĩnh lại, để nhìn nhận ra rằng, tất cả mọi thứ chỉ là những trò vặt vãnh, trẻ con… của tuổi trẻ. Để rồi, cũng từng có lúc một thằng ngoan cố như tôi, cũng phải thốt ra rằng: Ước gì…!!!

      Điều đó giúp tôi không còn sa đà vào những cuộc tranh cãi hơn thua trên mạng xã hội hay trong đời sống. Tôi có một nhóm bạn sàn sàn tuổi, nghe nhạc giống nhau mà tôi hay mượn từ của Đen Vâu để gọi, đó là “đồng âm”. Thi thoảng tụ tập, cùng nhau thưởng thức, tri ân tuyệt phẩm mà thượng đế đã ban tặng cho nhân loại – đó là Âm nhạc, chẳng phải đã là một đặc ân rồi hay sao?

      Có những lúc lui tới event ở một số club chơi thứ nhạc tôi yêu thích, thi thoảng tôi vẫn bị làm phiền. Đó có thể là cú huých từ những người lạ – không chỉ một lần, là những cái giẫm chân vô ý, là những tiếng động khó hiểu lấn át cả tiếng nhạc, là ánh đèn flash từ điện thoại chụp hình như muốn tranh spotlight với người nghệ sĩ đang biểu diễn.

      Thế đấy, khi nghe nhạc ngoài cộng đồng, tôi đôi lúc vẫn mang sự khó tính như khi được chủ động sống trong thế giới âm nhạc của riêng mình, đôi lúc là ích kỷ, khi mong mỏi rằng một đám đông đều “đồng âm” và hưởng nhạc giống như mình. Nhưng khác với tâm thế “thượng đẳng” trong quá khứ, cái nhăn mặt của tôi nhanh chóng bị xoa dịu bởi suy nghĩ chấp nhận sự khác biệt về nhu cầu nghe nhạc trong cộng đồng này, hay rộng ra hơn là trong đời sống này. Vì tôi cũng từng như những “kẻ ồn ào” kể trên, theo cách này hay cách khác, và chẳng phải giờ cũng thay đổi rồi hay sao?

      Quan điểm của tôi giờ là: Nghe nhạc để “LẤY SƯỚNG”, chứ không phải nghe để “LẤY SỐ”. Đơn giản nhỉ, nhưng nó không tự nhiên đến, đó là sự tự chiêm nghiệm và học hỏi.

      Vậy còn bạn thì sao? Bạn nghe nhạc vì điều gì?

      Tiếp theo, chúng mình hướng dẫn bạn Cách tìm kiếm những bản nhạc hay cho thư viện âm nhạc của mình.

      Đăng bởi: Ngọc Thạch

      ALONGWALKER Singapore: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Philippines: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Indonesia: Saluran untuk mengeksplorasi pengalaman para pemuda global ALONGWALKER Malaysia: Saluran untuk menjelajahi pengalaman global belia ALONGWALKER Japan: 発見・体験、日本旅行に関する記事 ALONGWALKER Thailand: ช่องทางในการสำรวจประสบการณ์ของเยาวชนระดับโลก