Phái Mạnh Phát Triển Bản Thân

Đừng để tắt ngọn đèn thiện tâm bên trong con người mình

Phật tính không phải là thứ tồn tại trong pháp hiệu hay đền chùa, mà được thể hiện trong một tâm hồn trong trẻo cùng những nghĩa cử từ bi trước những con người đang lâm nạn.

Mới đây, thông tin từ bộ nội vụ đã chính thức xác nhận về một vụ bê bối liên quan tới những kẻ giả danh tôn giáo để trục lợi, đồng thời thực hiện những hành vi lừa đảo, dâm ô, trái luân thường đạo lý trong suốt bao năm.

Đây có lẽ là vụ bê bối chấn động đến rùng mình nhất trong nhiều năm trở lại khi mà người ta bắt đầu phát hiện ra những kẻ mặc chiếc áo thầy tu ở đó thực ra lại chính là một tập đoàn tội phạm đang ngang nhiên dụ dỗ người dân.

Mặc dù hiện tại đã là kỷ nguyên của khoa học và công nghệ, nhưng rất nhiều con người thuộc đủ mọi thế hệ vẫn đang chọn tôn giáo như một điểm tựa về lòng tin cho bản thân. Chỉ có điều, nếu như thật lòng muốn đi sâu vào một con đường tín ngưỡng, ít nhất, hãy làm một tín đồ có hiểu biết.

Thay vì cứ nghe những lời rao giảng của những người cũng chẳng hiểu gì về tôn giáo cả như “đầu tiên là phải tín”, bạn có thể bắt đầu bằng việc hiểu giá trị của tôn giáo là gì.

lối sống, phật giáo, phát triển bản thân, đừng để tắt ngọn đèn thiện tâm bên trong con người mình

Về bản chất, mọi tôn giáo trên đời đều có rất nhiều điểm chung với tâm lý học và triết học. Đầu tiên, chúng dạy con người cách lắng nghe, kiểm soát cảm xúc của chính mình.

Đồng thời, mỗi tôn giáo sẽ đưa ra những phương pháp tu tập, hay nói đúng hơn là những lối sống kỷ luật, để một người có thể giữ được một tâm trí bình yên thanh thản.

Đức Phật, đức Chúa, thánh Allah không phải là thánh thần, mà họ vốn là những con người thiện lành, đã đạt được sự giác ngộ trong tâm trí để hiểu rằng mọi đau khổ trên thế gian đều xuất phát từ cảm xúc của con người. Điều mà họ truyền thụ, trước nhất, là nhắc nhở con người về việc hướng thiện.

Đức Phật năm xưa khi thu nhận các môn đồ cũng không cho ai ghi chép lại những lời mà người từng dạy bởi vì những điều thiện đó vốn phải nhập tâm để hiểu chứ không thể ghi chép học vẹt.

Người không yêu cầu bất cứ ai phải xây đền lập miếu, cúng dường thắp hương; cũng càng không có chuyện sẽ đe doạ dùng cơn thịnh nộ của mình để trừng phạt những kẻ báng bổ.

Chỉ có điều, trải qua bao nhiêu năm lịch sử, bao nhiêu lần bị chính trị sử dụng làm công cụ thao túng đám đông, những tôn giáo ấy mới ngày càng nặng nề về chuyện cúng bái, đình đền miếu mạo, bỏ hòm công đức, dâng sao giải hạn… Từ một hình thức triết học cổ đại, tôn giáo bị biến tướng trở thành những hình thức mê tín dị đoan.

Khi càng muốn lừa gạt đám đông, kẻ gian sẽ càng muốn tổ chức những lễ hội long trọng để phô trương tầm vóc của thánh thần.

Chuyện đem đức Phật ra để doạ ai đó cũng không khác gì chuyện bây giờ người ta đi cãi nhau trên mạng cũng đem “nghiệp” ra để quở người khác.

Phật ở đâu thì chưa thấy, chỉ thấy trong những lời đạo đức giả ấy luôn chứa đầy nanh nọc của một cái đầu tiêu cực.

Ở thời buổi này, cầm cái micro lên không thể trở thành ca sĩ, lên tivi diễn hài cũng không có tư cách gì để tự xưng là nghệ sĩ, mặc tấm áo nâu, nói ba câu nam mô a di đà phật cũng không thể trở thành người tu hành.

Hy vọng sau từ những bê bối của kẻ gian cuỗm tiền từ thiện, cho đến vụ việc đóng giả thầy chùa, quan hệ loạn luân, lừa gạt thiếu nữ này, mọi người sẽ cảnh giác hơn trước việc đem tặng lòng tốt của mình cho ai đó.

Và dù mọi chuyện xung quanh bạn có đen tối đến thế nào, thì cũng đừng để tắt ngọn đèn thiện tâm bên trong con người mình.

Đăng bởi: Hậu Bùi

ALONGWALKER Singapore: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Philippines: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Indonesia: Saluran untuk mengeksplorasi pengalaman para pemuda global ALONGWALKER Malaysia: Saluran untuk menjelajahi pengalaman global belia ALONGWALKER Japan: 発見・体験、日本旅行に関する記事 ALONGWALKER Thailand: ช่องทางในการสำรวจประสบการณ์ของเยาวชนระดับโลก