Gia Đình Tâm Sự

Rèn thân trước, luyện tâm sau

Thân chưa nề nếp thì sao Tâm nề nếp được. Bài viết này tiếp nối phần Đàng hoàng là Đạo, các bạn đọc bài đó trước khi đọc bài này nhé.

Hồi sinh viên mà thấy ai học rộng hiểu nhiều thì tôi thích lắm, còn nếu nói hay và cả phân tích logic nữa thì tôi hâm mộ cực kỳ. Tất nhiên tôi cũng học được kha khá thứ từ những người đấy nhưng song song đó tôi cũng vỡ mộng khá nhiều.

Vì sự đồng nhất giữa việc họ biết và việc họ làm, đôi lúc nó không tương xứng cho lắm. Vì phần nhiều, cái hiểu biết đó nó chỉ mới dừng lại ở mức phân tích trên lý trí mà thôi. Nhiều người trí nhớ họ tốt với cả khả năng diễn đạt mạch lạc, nói chung là đầu óc thông minh, nhưng cái thông minh trên lý trí đấy luôn làm chúng ta dễ nhầm lẫn rằng họ đã thực chiến những điều đó thực sự rồi.

Tôi vỡ mộng vì chính tôi cũng từng rơi vào chính cái bẫy đấy rất sâu, nghĩ mình đã biết rồi nhưng thật ra là chẳng biết gì cả. Hoặc cái biết đó nó mới dừng ở việc đọc và ghi nhớ mà thôi. Rất vi tế đấy anh em.

Tháng trước, có ku em ở VN alo cho tôi, nó bảo dạo này nó đang tham gia vài group khá hay, tôi nhớ thoang thoáng cái tên là, ‘Hội tỉnh thức ánh sáng gì đấy’ hay ‘tỉnh thức để vào thế giới mới’. Nó bảo tôi, là dạo này nó cảm nhận tần số rung động của nó đã tăng cao, rồi có thể nó là linh hồn ánh sáng bậc cao đã được chọn để đến trái đất này. Giờ nó phải hoàn thành sứ mệnh của nó rồi tiến lên trái đất 5D gì đấy.

Tất nhiên, đời ai người nấy quyết thôi, nên tôi cũng nghe ừ ừ cho nó vui, nhưng sau 1 hồi không thấy tôi phấn khích khi nghe nên nó bảo tiếp, cỡ anh cũng dạng linh hồn rung động cao đó, tiến tý nữa rồi qua thế giới mới 5D luôn. Tôi cười rồi đáp, “tao ổn ở trái đất hiện tại rồi, mày cứ đi đi, vì có qua trái đất mới, tao cũng không biết sẽ làm gì ở trái đất mới đó.”

Thằng em lại bồi thêm, “nhưng trái đất này đầy vấn đề anh ạ, việc tu tập cũng chỉ để nâng cao tần số rung động của linh hồn của chính mình lên, để trải nghiệm những thứ xịn hơn, ít khổ hơn. Nhất là ở trái đất mới toàn người tử tế và tỉnh thức thôi”

“Mà tao có thấy trái đấy này có vần đề gì đâu mà phải đi, nên mày cứ đi mạnh giỏi, không sao đâu, ai cần giải thoát thì cứ đi giải thoát, ai không cần thì ở lại chơi với tao. Mỗi người mỗi lựa chọn mà”, tôi đáp.

Thằng em có vẻ mất hứng, “nói chuyện với anh chán, tưởng anh viết hay thế thì càng phải muốn giải thoát chứ… chứ sao lại yểm thế như thế !”. Vừa dứt câu thì nó bye rồi tắt máy luôn.

chăm sóc sức khỏe, phát triển bản thân, slider, rèn thân trước, luyện tâm sau

Mấy năm nay, các khái niệm, như trái đất 5D, linh hồn ánh sáng, tần số rung động, nó xuất hiện trở lại, dù thật ra nó đã có từ nửa thập kỷ nay rồi. Tôi không bác bỏ, cũng không ủng hộ các thuyết này, có thể nó rộ lên ở VN mấy năm nay là do vài đầu sách nói về chủ đề này được chia sẻ trở lại, đơn cử nhất là series sách của bà Dolores Canon về “những người trông nom trái đất”, thông qua phương pháp Thôi miên hồi quy cho các khách hàng của bà, nên vô tình bà phát hiện được các kiếp sống trước của người đó ở những không gian sống khác, rồi những cuộc gặp gỡ với các linh hồn ánh sáng. Series sách của bà nó hấp dẫn và khá thuyết phục vì nó khớp với một số sự kiện lịch sử và bằng chứng về người ngoài hành tinh và cả các sinh mệnh với tần số rung động cao.

Tuy nhiên, anh em đọc để mình biết thêm như xem thế giới đó đây thôi, chứ đừng có chấp vào rồi lại bay bỏng quá mức xa rời thực tế. Chuyện thế giới mới này chỉ là 1 đơn cử thôi, chứ chuyện dễ thấy hơn là chuyện tu tập cầu niết bàn và giải thoát của khá nhiều anh chị em, hình thức tưởng khác nhau nhưng bản chất là giống nhau. Tôi hay nói vui là người ta thích đi ‘trốn đời’ quá, nhưng sự thật là, đời chưa đến đâu mà đạo cũng chẳng tới đâu.

Nên câu hỏi mà anh em phải luôn tự hỏi mình liên tục là “để làm gì ?”

Lên trái đất mới để làm gì? Lên thiên đường để làm gì? Rồi cả giải thoát để làm gì?

Phải hỏi nghiêm túc, đối diện nghiêm túc, và phải rất trung thực với bản thân mình thì anh em mới nhận ra rằng, bản thân chúng ta có rất nhiều ảo giác. Từng lớp chồng chéo lên nhau, tưởng mình đã hết ảo nhưng ai ngờ lại vướng vào một cái ảo khác.

Nên sau này, những người tôi thích quan sát hơn, lại không phải là những người hay nói về những khái niệm cao siêu, mà lại là những người vô cùng đơn giản và bình thường nhưng họ lại làm được 2 điều sau:

  • Một, là chịu khó rèn Thân mỗi ngày, cụ thể là tập thể thao ít nhất 3 lần 1 tuần.
  • Hai, là những gì họ làm thì họ đều làm rất ‘đàng hoàng’, dù là việc nhỏ nhất.

Chữ đàng hoàng là chữ rất hay, nó bao hàm, cả sự tự trọng, sự độc lập, sự trọn vẹn và cả sự tử tế trong đó. Mà để làm đàng hoàng một việc gì trên đời thì anh em phải có sức khỏe. Mà để có sức khỏe thì anh em phải ăn uống cho khoa học và thể dục thể thao nghiêm túc. Người thành công bền vững, đều phải có 2 mục này.

Còn thành công nhờ có thời và có tý phước trong giai đoạn đó, thì lại rất khó duy trì thành công đó lâu dài vì sức khỏe không đảm bảo hay phước phần nó hết. Tiếp theo là làm ăn không đàng hoàng, dù giàu nhanh thì cũng xuống nhanh, nhân quả mà.

Tôi từng viết, đàng hoàng là đạo, mà để sống đàng hoàng thì không dễ chút nào. Xưa giờ người ta cứ nghĩ, đàng hoàng là đàng hoàng với người ngoài, chứ ít ai nghĩ, đàng hoàng có 2 vế, 1 vế là với người ngoài, 1 vế là với chính mình. Đàng hoàng với chính mình trước đã.

Cái đầu tiên là đàng hoàng với cái thân này, khá nhiều anh em biết thân này tạm bợ, sinh rồi diệt thôi. Chúng ta chỉ sống 1 thời gian rồi ò í e, tùy theo phước phần từng người. Tuy nhiên, chính cơ thể này lại là nền tảng để anh em trải nghiệm tất cả mọi thứ tuyệt vời trong cuộc đời này. Cho nên, dù là 1 chiếc xe mượn, nhưng anh em cũng dùng và bảo trì cho nó đàng hoàng vào.

Đàng hoàng với cái thân, thì ăn uống phải khoa học, rồi cho nó thể thao, nghỉ ngơi hợp lý. Anh em làm tý rượu, tý thuốc, cũng không sao cả nhưng cũng cho cái thân nó hồi phục lại tý rồi quậy tiếp. Tất nhiên, thân của anh em thì anh em muốn xài sao thì xài. Không muốn xài nó đàng hoàng thì vẫn là quyền của anh em.

chăm sóc sức khỏe, phát triển bản thân, slider, rèn thân trước, luyện tâm sau

Tôi khuyên anh em nên đi tập thể thao, không phải để anh em sống lâu hơn nhưng để ngày nào còn sống thì sống cho ra sống, chứ không phải kiểu vật vờ, kiểu trốn đời. Tập thể thao, cái chính là để máu huyết lưu thông tốt, rồi cái thần khí của anh em sẽ cải thiện theo. Cái khí tăng thì giọng nói anh em cũng sẽ mạnh hơn, uy tín hơn. Khí tăng rồi thì hơi thở cũng khỏe hơn, khí huyết chạy tốt thì các cơ quan chức năng cũng hoạt động đúng hiệu suất của nó.

Anh em sẽ thấy nó không quan trọng, cho đến khi bệnh tật mãn tính vây quanh anh em thôi, chứ giờ còn phơi phới thì chuyện tập thể thao chưa phải là ưu tiên đâu, mà ngày nhận ra để sửa thì cái giá phải trả để mua lại sức khỏe là rất cao.

Tôi hay đi tập tạ vào buổi sáng là có 3 lý do. Vì tập xong, các năng lượng tồn đọng, tạp khí, tạp niệm của ngày hôm trước nó được xã ra rất rõ. Khi cơ thể vận động, toát mồ hôi, cơ chế nó giống như anh em reset máy tính lại để nó chạy mướt hơn vậy, tắt bớt các app không dùng, xóa bộ nhớ tạm và kèm với sạc đầy pin lại.

Tập xong như pin sạc 100%, sau đó anh em bắt tay vào công việc khác thì nó còn cái đà, ít nhất nó kéo dài tầm 4-5 tiếng, đó sẽ là khoảng thời gian chất lượng nhất của anh em, nên tôi hãy để các công việc cần tư duy nhiều dồn hết vào buổi sáng sau khi đi tập, vì lúc đó thân này nó còn khỏe, năng lượng đầy, tư duy sáng thì quyết gì, làm gì cũng bớt lú hơn,

Tập thể thao, nhất là các môn không đối kháng, cũng là 1 hình thức quan sát Tâm rất tốt, nói Thiền cũng được mà mắc công anh em chấp chữ. Vì khi tập ở cường độ cao thì anh em phải hít thở rất đều, hòa quyện nhịp nhàng với động tác, khi càng tập trung như thế thì nó khiến anh em gom tâm mình lại rất nhanh, đấy là Định. Tâm nó định rồi thì quan sát của anh em sẽ cực kỳ bén, những giây phút đó có thể là những lúc anh em nảy sinh những ra ý tưởng sáng tạo mới hoặc nhìn ra được giải pháp cho các vấn đề đang kẹt bấy lâu nay,

Nên xưa giờ, tôi không khuyên ai làm gì cả, ngoài việc tập thể thao. Bế tắc trong công việc, hãy đi tập thể thao. Bế tắc chuyện gia đình, hãy đi tập thể thao. Bế tắc chuyện tình cảm, hãy đi tập thể thao… Nói chung bế tắc cái gì, cũng nên đi tập thể thao cả.

Rèn Thân, là cách duy nhất, và đơn giản nhất để anh em rèn Tâm mình.

Nhiều người nghĩ, việc tập thể thao có gì mà ghê gớm, có gì đặc biệt đâu. Không có gì đặc biệt mà chỉ có 20% dân số thế giới có tập thể thao ít nhất 2 ngày / tuần thôi. Khi Thân anh em nề nếp, có kỷ luật, luyện tập đàng hoàng, lâu ngày nó cũng thành cái Nếp cho Tâm anh em. Thân có sức khỏe thì anh em muốn trải nghiệm gì, đi đến đâu cũng được,

Sức khỏe không phải là tất cả, nhưng không có sức khỏe thì anh em không có gì cả. Thân đang đau yếu, trí lực và tâm lực của anh em yếu theo. Đang bệnh mà đứa nào khịa tý là anh em dễ sân hận ngay. Đang bệnh là tâm chán chường ngay, để ý sẽ thấy.

Kỷ luật được về Thân thì sẽ có cái đà để kỷ luật về Tâm. Nên muốn quan sát tâm ai nội lực đến đâu thì hãy quan sát xem họ có chơi thể thao hay không, cường độ và tần suất thế nào.

Các anh em bên Phật gia cũng chú ý, Thái tử Tất Đạt Đa trước khi thành Đạo thì cũng là dạng body to cao 6 múi, cưỡi ngựa, bắn cung, đấu vật, combat 1 vs 1 đều cực kỳ đỉnh. Thái tử cũng thời gian hành thân, tu khổ hạnh, không ăn không uống, thân ốm nhom nên cũng bị quật thời gian dài. Thân không khỏe thì Tâm khó đạt lắm, anh em phải in ra để nhớ. Sau này, việc đi khất thực gieo duyên, hình thức thể thao cũng là đi bộ cả ngày, nên sẽ khỏe dữ dội lắm, đi như thế thì làm sao có tiểu đường hay cao huyết áp như chúng ta thời nay được. Cả bên Chúa, anh em tìm hiểu về lịch sử, sẽ thấy Chúa Giê su cũng bự con và khỏe lắm.

Rèn thân xong thì tiếp đến là rèn cái Tâm trong từng việc nhỏ. Cụ thể là làm gì cũng phải làm cho đàng hoàng.

Tôi quan sát rất lâu rồi, nội việc quét nhà, lau nhà cũng đủ thấy cái Tâm từng người đàng hoàng trong việc đó đến đâu. 100 người chắc chỉ được 1-3 người, khi lau nhà chịu khó dời hết đồ đạc ra rồi mới quét mới lau, chứ đa phần toàn chọt vào rồi rút ra, kiểu làm sương sương mấy chỗ kẹt đó. Nên để lau cái nhà cho sạch, cho đàng hoàng, cũng đã không dễ chút nào.

Ngay cả việc anh em đi toilet. Đàng hoàng với chính mình, là đừng cầm phone vào, vừa ẻ vừa coi, vì nhiều lúc xem phây hay quá rồi anh em quên việc mình đang ẻ… lâu rồi rất nhiều bệnh về đường tiêu hóa và đại tiện có vấn đề ngay. Nhất là dễ lòi trĩ. Chữa trị thì phiền lắm.

Còn đàng hoàng với người khác, thì mình đi toilet xong, cũng quan sát trước sau xem đã sạch sẽ chưa để người tiếp theo còn dùng nữa.

Chúng ta đôi lúc hay than trách sao môi trường ô nhiễm, nhưng đôi lúc đi bộ trên đường, thấy cái ly hay giấy rác rớt ngoài đường, chúng ta làm lơ… vì không phải rác của tao, tại sao tao phải đi vứt cái rác đó chứ. Thế thì cũng đừng hỏi tại sao môi trường ô nhiễm, vì mình chưa có tư cách để hỏi câu hỏi đó.

Đàng hoàng, cũng có nhiều mức.

Mức đơn giản nhất, làm gì thì chịu khó bỏ cái tâm vào, làm cho ra làm, đừng vừa làm vừa nghĩ chuyện khác, hay vừa ăn vừa ẻ thì không được. Cái gì ra cái đó.

Mức tiếp theo, làm gì thì cũng có quan sát trước sau, để những người liên quan nếu họ có làm tiếp phần việc của mình thì họ cũng không phải hốt ‘rác’ cho mình. Ví dụ, quét nhà cho sạch xong nhưng cũng phải để chổi và cây lau nhà đúng chỗ, để người khác có làm thì biết chỗ mà kiếm. Biết nhà mới lau, còn ướt thì cũng nói hay ghi thông báo gì đó để người khác biết mà né ra. Đó là đàng hoàng.

Đàng hoàng với vợ mình hay với người yêu mình, thì dù có gặp gái chào mời, tuy cũng khoái lắm nhưng nếu đi bước tiếp theo thì làm khổ vợ mình, rồi cả làm khổ chính mình, rồi cả khổ luôn cô gái kia. Đàng hoàng trong chuyện tình cảm, cũng phải biết trước biết sau, quen người nào thì cho ra người đó. Hết yêu thì chia tay đàng hoàng, rồi muốn quen ai thì quen.

Đàng hoàng với công việc, người ta trả lương cho anh em, dù thế nào, có không hài lòng gì, dù ngày cuối cùng làm thì anh em cũng nên làm cho đàng hoàng tử tế. Ít nhất bước đi anh em không thấy hổ thẹn gì với chính mình và với ai cả, không phải né mặt ai cả, mình làm đúng việc mình cần làm, mình thấy không hợp nữa thì mình chia tay trong đàng hoàng. Chứ tự ái quit ngang thì anh em thiệt thòi thôi.

Đàng hoàng với gia đình, với bố mẹ, anh em bận gì bận, cũng trích tý thời gian hỏi thăm, rồi về dẫn ông bà già đi ăn uống tý. Người nuôi mình mà mình còn chưa đàng hoàng thì làm sao mình đàng hoàng được với người dân ngoài kia.

Đàng hoàng với cái thân này, với cái tâm này, thì anh em phải biết thương mình, làm gì cho bản thân cũng phải làm cho tới. Ăn uống, ngủ nghỉ đàng hoàng vào, rèn thể thao đàng hoàng vào, đó là nền tảng quan trọng để anh em phát triển thêm về Tâm lực và Trí lực.

Còn ai nói thế giới này hư ảo, trái đất mới hay thiên đàng gì đấy thì anh em nghe để tham khảo thôi. Nó có thật hay không thì không quan trọng lắm, vì còn rất rất nhiều việc để anh em làm ngay bây giờ.

Dù có muốn giải thoát gì đi nữa, thì chuyện đầu tiên vẫn phải là đàng hoàng với những việc nhỏ nhất, mà xưa giờ mà mình chưa làm được. Từ chuyện vệ sinh cơ thể, sắp xếp cái phòng ngủ, ăn uống cho khoa học, ngủ đúng giờ, dùng phây ít lại, tập thể thao, đọc sách, dành thời gian cho người thân, v.v.. nhiêu đó thôi anh em đã đuối rồi.

Nói thế gian này là khổ, cũng là biên kiến. Nói thế gian này là sướng, cũng là biên kiến. Nói thế gian này không khổ không sướng, cũng là biên kiến. Đừng cố gắng để thoát khổ, mà hãy cố gắng sống cho đàng hoàng vào anh em ạ.

Vì từ cái đàng hoàng trên thân và cả trên tâm đấy, nó sẽ dẫn anh em đến rất nhiều câu trả lời cho chính bản thân anh em, mà không cần mượn lời hay mượn trải nghiệm của ai khác cả. Rồi dần dần mình sẽ tự là ‘Thầy’ của chính mình.

Đăng bởi: Trần Tấn Dũng

ALONGWALKER Singapore: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Philippines: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Indonesia: Saluran untuk mengeksplorasi pengalaman para pemuda global ALONGWALKER Malaysia: Saluran untuk menjelajahi pengalaman global belia ALONGWALKER Japan: 発見・体験、日本旅行に関する記事 ALONGWALKER Thailand: ช่องทางในการสำรวจประสบการณ์ของเยาวชนระดับโลก