Gia Đình Tâm Sự

Trò chơi Trí tuệ và Nỗi sợ ở đời

Trí tuệ chỉ là một phương tiện giúp mình đi trên hành trình để thấy rằng không có gì là quan trọng.

Anh em tri thức hay có một ảo giác, là khi nghĩ ra một điều gì mới mẻ, anh em hay tự nhận là ‘của mình’… nó kiểu cái này tôi nghĩ ra, cái đó tôi viết ra… đấy là ý của tôi. Nhưng sự thật, là do anh em đọc và trải nghiệm chưa đủ nhiều nên mới thấy nó ‘mới’ và đột phá thôi.

Dưới bầu trời này, không có gì là mới cả, luôn luôn có một ai đó sống khác thời hay cùng thời với anh em đã thấy ra điều tương tự. Cái khác là cách hành văn và diễn giải của mỗi người khác nhau.

Khi trải nghiệm và quan sát đủ sâu trong cuộc sống, thì anh em cũng tự thấy ra được những gì mà các tiền bối đã thấy ra. Tôi có quen vài bác, chưa đọc Osho hay Krishnamurti lần nào trong đời, nhưng cách họ sống và chiêm nghiệm cuộc sống không khác gì 2 vị trên.

Năm đầu tiên qua bên này, tôi có một ông sếp ở bộ phận sản xuất, dân Mỹ trắng, hơn 60 tuổi rồi, quan sát ổng gần 1 năm thì thấy cách ổng đối đãi với mọi người xung quanh như một ông Phật sống vậy… dù ổng chưa bao giờ biết đến kinh điển hay Chùa gì cả… và cũng không đi nhà Thờ.

Có vài lần tôi nói, Chủ nghĩa khắc kỷ Stoicism của Hy Lạp, chính là Đạo Phật phiên bản Châu Âu… có vài anh em không tin, nhưng nếu cởi mở ra, tìm hiểu và trải nghiệm sâu vào thì anh em sẽ thấy được cốt lõi của cả hai đường đều đi đến 1 điểm, đó là buông ra những gì chúng ta không kiểm soát được.

phát triển bản thân, trò chơi trí tuệ và nỗi sợ ở đời

Buông ở đây, không phải là bỏ đi, trốn đi, không đụng tới, mà là vẫn sống trong nó, nhưng thấy nó không còn quan trọng nữa. Buông cái vật chất, không phải không dùng các phương tiện vật chất nữa… mà đổi lại, chúng ta vẫn dùng nhưng thấy nó không quan trọng như xưa. Vế tiếp theo là những gì chúng ta không thể kiểm soát được.

Nhắn nhủ: hãy đọc bài Buông bỏ là “buông” chứ không phải “bỏ” để hiểu rõ hơn buông bỏ thực sự là gì.

Thế chúng ta kiểm soát được gì trong cuộc đời này? Cảm xúc người khác, anh em kiểm soát được không? Cái chết đến với anh em vào ngày mai hay tuần tới, anh em kiểm soát được không?

Anh em tự ngẫm kỹ lại, xem mình kiểm soát được những gì trong cuộc đời này nào? Và ngay cả những gì trong thân, trong tâm, của anh em, thì anh em kiểm soát được phần nào không?

Cả trí tuệ mà anh em đang tự nhận là của mình, nó cũng không phải của anh em đâu… Sự thật là, anh em đang được cho mượn để xài tạm thôi. Đến ngày đến tháng, hết phước, thì anh em sẽ trả lại, vì nó không phải của anh em. Nếu phước còn thì tính tiếp.

Đó là chưa nói đến trí tuệ ảo, là do anh em tự ảo giác rằng mình trí tuệ. Điển hình là anh em thông tuệ đến đâu, hiểu biết tất cả, nhưng nếu còn việc gì trên đời, vẫn làm anh em sân hận lên được thì cái ma trận bản ngã bên trong nó còn sâu dày lắm.

Còn chống đối với đời, còn thấy chế độ A, chế độ B có vấn đề, thì vẫn còn ngụp lặn trong bản ngã vi tế dưới hình tướng của sự thông minh.

Não anh em to nhưng trái tim anh em còn bé lắm… nó không đủ chỗ để chứa đựng thêm ai khác được nữa, ngoài cái bản ngã của anh em ra.

Nếu có hiểu biết về nhân quả thì anh em cũng dễ thấy ra, chẳng có việc gì xảy ra trên đời này là tự nhiên hết… nó là sự cân bằng liên tục thôi. nên sinh ra, lớn lên trong một chế độ mà anh em luôn bất mãn, nếu chịu khó nhìn sâu nhân quả thì sẽ thấy lời giải ngay.

Việc phê phán thì do mình nhìn ngắn một đoạn nhân quả trong một chuỗi, còn nhìn rộng ra, thì không có gì sai lệch được đâu. Chuyện vay trả tuyệt đối bảo toàn. Nên người ta rất dễ rơi vào trò chơi trí tuệ.

Đến một giai đoạn nào đó rồi tự thấy mình đặc biệt, thấy mình quan trọng thì coi chừng lạc đường đấy… mà có lạc thật thì cũng là cái nhân quả của anh em đang sắp xếp để anh em học thêm, biết sao giờ…

phát triển bản thân, trò chơi trí tuệ và nỗi sợ ở đời

Võ sĩ đập rắn… nhưng lại không nhận ra, rắn chính là ảo giác do chính mình tự nghĩ ra. Mình sáng tạo ra 1 cái ảo, rồi tìm cách diệt nó.

Nên hạnh phúc của người mắt còn bụi, đó là cố gắng có được cái mình thích và bỏ đi cái mình ghét. Còn khi mắt đã thực sự hết bụi, hạnh phúc lúc đấy là không còn gì để thích, mà cũng không còn gì để ghét hay loại bỏ đi nữa. Vì tất cả đều hoàn hảo rồi, không còn gì để làm nữa.

Còn về nỗi sợ ở đời, anh em còn sợ cái gì vì anh em còn thấy cái đó còn quan trọng. Anh em sợ chết, sợ mất cái thân này vì anh em thấy nó quan trọng. Mà cái quan trọng nhất trên hành trình làm người này là nên nhận ra, thực sự không có gì quan trọng cả.

Ngay cả trí tuệ cũng chỉ là một phương tiện để mình đi trên hành trình thấy ra cốt lõi đó thôi, xong thì buông. Nên còn nếu xem trí tuệ là quan trọng, là đích đến thì nỗi sợ vẫn còn tồn đọng, nó vẫn là một trò chơi cao cấp hơn của bản ngã, rằng tôi trí tuệ, rằng tôi thông minh.

Cứ sống bình thường, vui được gì thì nên vui, có buồn cũng ko sao, vì cả cái buồn đó là sự trải nghiệm đáng có. Sống đời cũng như ăn tô phở, thêm tý chanh, thêm tý ớt cay, mặn ngọt đủ cả… thì nó mới ra mùi Đời.

Từ cái ngày tôi nhận ra rằng cả trí tuệ này cũng không phải của mình, tự nhiên thấy cái tâm nó bớt so đo hơn, bớt thấy mình quan trọng hơn… vì mỗi lần nghĩ về cái chết, tự nhiên thấy thời gian nó quý hơn xưa… lo thân mình cho đàng hoàng cũng đã hết thì giờ rồi… dù có muốn so đo hơn thua với đời cũng không còn nhiều tâm trí như xưa nữa.

Mỗi ngày dành vài phút nghĩ về cái chết của mình… tự nhiên anh em sẽ thấy rõ hơn, sâu hơn về những việc mình cần làm ngay bây giờ lắm. Càng ý thức ở cái hiện tại chừng nào, thì các ảo giác cũng bắt đầu giảm đi chừng đấy.

Cả cuộc chiến với bản ngã này cũng là ảo, vì anh em không thể chiến đấu với cái không có thật được.

Đăng bởi: Người Xưa

ALONGWALKER Singapore: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Philippines: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Indonesia: Saluran untuk mengeksplorasi pengalaman para pemuda global ALONGWALKER Malaysia: Saluran untuk menjelajahi pengalaman global belia ALONGWALKER Japan: 発見・体験、日本旅行に関する記事 ALONGWALKER Thailand: ช่องทางในการสำรวจประสบการณ์ของเยาวชนระดับโลก