Gia Lai

Hàng thông trăm năm rợp bóng mát ở Biển Hồ Chè, Gia Lai

Pleiku! Mảnh đất ấy có gì xao xuyến, mời gọi không ít đôi chân lang thang bốn phương tìm về vùng đất hoang sơ xứ sở Tây Nguyên. Để rồi cái khoảnh khắc thu vào mắt những hàng thông, nương chè, và mê đắm hương rượu cần đã là câu trả lời cho tất cả.

hàng thông trăm năm rợp bóng mát ở biển hồ chè, gia lai

Tỉnh Gia Lai không chỉ có Biển Hồ, núi lửa Chư Đăng Ya, những rừng cao su thay lá đẹp tựa bài thơ, những nương chè xanh mướt, mà còn có con đường đẹp lãng mạn mà nhiều người gọi bằng cái tên “con đường Hàn Quốc”. Con đường liên thôn này thuộc xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh, cách trung tâm Pleiku 15km. Con đường 1km với 101 cây thông được trồng từ năm 1917, xuyên qua tấm thảm màu xanh khổng lồ Biển Hồ Chè, nơi 1.000 ha chè trải dài tít tắp về phía những ngọn núi phía xa.

Chẳng ai biết chính xác hai hàng thông bắt đầu bám rễ ở đây từ khi nào, chỉ biết từ đầu thế kỷ 20, nó được trồng bởi người Pháp sau khi họ đến lập ra Sở Trà – đồn điền chè đầu tiên ở Gia Lai, nay là Biển Hồ Chè. Từ đó, hàng trăm cây thông ba lá lớn lên hít khí trời cao nguyên, để rồi đến ngày nay, chúng vươn những tán lá rộng che mát mảnh đất phía bên kia Biển Hồ hàng trăm năm. Thân cây thông cao vút, xếp hai hàng thẳng tắp, tán lá thông rộng đâm thẳng lên trời. Mỗi gốc thông 3 người ôm không xuể. Trên bề mặt cây rêu tầm gửi bám đầy. Tiếng thông reo xào xạc như bản hòa ca của đại ngàn hòa vào những giai điệu văng vẳng trong đầu “Có hàng thông xanh trong đôi mắt em”.

hàng thông trăm năm rợp bóng mát ở biển hồ chè, gia lai
hàng thông trăm năm rợp bóng mát ở biển hồ chè, gia lai

Nơi đây không ồn ào, tấp nập người qua lại. Nơi đây chỉ có màu xanh, sự tĩnh lặng và hương thơm của sương, của đất đất, của gỗ, của những lá chè non. Dừng chân ở con đường, một chút tĩnh mịch thêm chút hoang sơ, cái bình dị nằm giữa cái xanh ngút ngàn và cái trong veo của bầu không khí khiến thời gian như ngừng lại. Nếu Gia Lai là một bức tranh với màu sắc hoang sơ, dân dã chủ đạo thì con đường này như một nét vẽ dịu dàng khiến mảnh đất phía bên kia Hồ T’Nưng (Biển Hồ) vì thế thêm phần lãng mạn và trữ tình. Nếu Biển Hồ được ví như đôi mắt của Pleiku, thì với tôi, mảng xanh của chè, của những hàng thông là mái tóc mượt mà.

Nếu đến con đường này lúc sáng sớm, bạn sẽ đi qua lớp sương bồng bềnh mờ ảo, nắng dệt lên lung linh như tấm áo lụa. Đây là thời điểm đẹp nhất cho những tay săn ảnh để bắt những khoảnh khắc tuyệt đẹp, còn những người “săn ký ức” lại tiếp tục thêm 1 lần trong đời lưu giữ những cái “ồ, à” vào tâm trí. Còn những trưa hè, bóng nắng vờn nhẹ đùa giỡn với lá rồi đáp xuống mặt đường lấp la lấp lánh như sóng. Lúc hoàng hôn nắng len lỏi chiếu xuyên tán lá theo bước những bác nông dân đi thu hoạch chè.

Trải bao mưa nắng, Gia Lai cũng bao lần thay áo, nhưng hai hàng thông vẫn đứng đấy bên đường, chứng kiến cuộc sống đời thường bình dị của người dân xã Nghĩa Hưng. Dưới tán thông, xe công nông lạch cạch qua lại. Dưới tán thông, em thơ đến trường, người lớn ra nương. Thông là nơi bố mẹ nghỉ chân, còn trẻ con vui đùa, chơi trốn tìm sau những gốc cây to.

hàng thông trăm năm rợp bóng mát ở biển hồ chè, gia lai
hàng thông trăm năm rợp bóng mát ở biển hồ chè, gia lai

Từng chuyển động nhẹ trong không gian, từng âm thanh trên con đường ấy đều dễ dàng đánh thức, khơi gợi những khoảng trời riêng trong mỗi người.Bởi khi nhìn về cuối những con đường dài, bên trong ai cũng dễ đánh thức những hy vọng, khát khao. Hàng thông chứng kiến bao vất vả của người dân “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, nhưng cũng chứng kiến cả những thành quả lao động đầy ắp được chở về.

Đi trong bầu không khí mát dịu của xóm núi vào những ngày đầu đông, dọc những nương chè, hoa dã quỳ vàng rực và cỏ đuôi chồn sáng bừng giữa sắc xanh đại ngànCuối hàng thông dẫn vào chùa ngôi chùa Bửu Minh uy nghiêm, cổ kính – một trong những cơ sở Phật Giáo đầu tiên ở Gia Lai.

hàng thông trăm năm rợp bóng mát ở biển hồ chè, gia lai
hàng thông trăm năm rợp bóng mát ở biển hồ chè, gia lai

Trăm năm qua đi, cuộc sống bao đổi thay, hàng thông vẫn đứng đó, thẳng tắp, vươn mình, khi reo vui, lúc tĩnh mịch; có cây già chết đi, cây mới được trồng. Đó là con đường của kí ức và của tương lai.

Ảnh: Lê Phương, Shutterstock

Đăng bởi: Nhật Tiến Lê

YOLO! Khám phá các huyện ở Gia Lai

ALONGWALKER Singapore: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Philippines: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Indonesia: Saluran untuk mengeksplorasi pengalaman para pemuda global ALONGWALKER Malaysia: Saluran untuk menjelajahi pengalaman global belia ALONGWALKER Japan: 発見・体験、日本旅行に関する記事 ALONGWALKER Thailand: ช่องทางในการสำรวจประสบการณ์ของเยาวชนระดับโลก