CAMPUCHIA

Khám phá 5 loại hình nghệ thuật đặc sắc của Campuchia

Khi tham gia các tour du lịch Campuchia của Viet Viet Tourism, xem biểu diễn Apsara là một trải nghiệm không thể thiếu dành cho du khách. Bên cạnh đó vẫn còn rất nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống của “xứ sở Chùa Tháp” đang chờ đón du khách đến tìm hiểu.

Dưới đây là 5 loại hình nghệ thuật đặc sắc của Campuchia:

1. Điệu múa Apsara (Vũ kịch cung đình Campuchia)

Là loại hình nghệ thuật truyền thống nổi tiếng nhất của Campuchia, điệu múa Apsara có tên gọi chính xác là Khmer Robam Apsara. Và những người biểu diễn (thường là phụ nữ) được gọi là vũ công Apsara. Điệu múa Apsara trước đây chỉ biểu diễn trong cung điện Hoàng gia Campuchia. Vào những năm 1960 thì điệu múa Apsara được giới thiệu ra nước ngoài và được biết đến nhiều hơn. Vũ công Apsara đầu tiên là công chúa Norodom Bopha Devi, con gái của nhà vua Norodom Sihanouk.

Theo truyện kể dân gian, Apsara là các nàng tiên mây và nước. Khi các nàng đùa giỡn, ca múa thì cỏ cây, muông thú sinh sôi, nảy nở. Vì vậy người dân Campuchia đã tôn Apsara là Nữ thần Thịnh vượng. Những nàng tiên đẹp nhất là: Uvasi, Menaka, Ramba và Tilotama thường xuất hiện trong nhiều tác phẩm thơ, nhạc, họa Campuchia. Các nàng cũng là chủ của những cung cấm và chuyên múa hát phục vụ các nam thần trong những buổi tiệc mừng chiến thắng ma quỷ. Mỗi lần, có tới 26 nàng cùng múa hát. Học theo động tác múa huyền bí của tiên nữ, người dân Campuchia đã sáng tạo nên điệu múa tiên nữ Apsara biểu diễn vào những ngày lễ ca ngợi công đức của các vị thần và Hoàng gia.

ẩm thực, campuchia, khám phá 5 loại hình nghệ thuật đặc sắc của campuchia

Ra đời từ cách đây ít nhất 2.000 năm, Điệu múa Apsara có nguồn gốc từ rất lâu đời và phát triển thăng trầm xuôi theo dòng lịch sử của mảnh đất Campuchia. Ngày nay, điệu múa tiên nữ Apsara khi biểu diễn trên các sân khấu hiện đại được rút gọn, động tác múa thoải mái và phóng khoáng hơn những điệu múa truyền thống tuy nhiên vẫn giữ được nét đặc trưng. Khi trình diễn, các vũ công Apsara mặc trang phục bó sát người màu vàng và váy Sampot, đội mũ ngọn tháp cũng màu vàng được trang trí tinh xảo. Những động tác múa được các vũ công nữ biểu diễn nhẹ nhàng, thanh thoát, duyên dáng trên nền nhạc chậm rãi, thong dong của dàn nhạc Pinpeat tựa như những nàng tiên nữ đang dạo chơi trong vườn hồng rực rỡ nắng mai.

Điệu múa trong nhiều thế kỷ đã trở thành điệu múa cung đình, và rồi thành điệu múa quen thuộc của các thanh nữ trong những dịp lễ tết, hội hè và cưới hỏi. Apsara đến nay là tài sản, linh hồn quốc gia Campuchia, điệu múa thể hiện mong muốn về một cuộc sống thịnh vượng, thể hiện vẻ đẹp của thiên nhiên và người dân Campuchia.

2. Điệu múa dân gian

Ngoài điệu múa Apsara của Hoàng gia thì đất nước Campuchia cũng có nhiều điệu múa dân gian khác. Chúng thường có tiết tấu nhanh và được biểu diễn trong các lễ hội.

ẩm thực, campuchia, khám phá 5 loại hình nghệ thuật đặc sắc của campuchia

Điệu múa dân gian Campuchia phổ biến nhất là Robam Trot. Nó có động tác như hình ảnh người thợ săn đang đuổi theo con nai. Robam Trot được người dân nhảy vào năm mới với ý nghĩa là xua đuổi những điều không may.

Bên cạnh đó, một điệu múa dân gian khác là Sneak Toseay. Đây là điệu múa mô tả hình ảnh và sự chuyển động uyển chuyển của các con vật như con công hay con hổ.

3. Môn vật Baok Chambab

ẩm thực, campuchia, khám phá 5 loại hình nghệ thuật đặc sắc của campuchia

Baok Chambab là môn vật truyền thống của người Khmer. Một trận đấu gồm 3 vòng. Trước khi thi đấu, ngườu đô vật phải biểu diễn một điệu múa theo nghi lễ. Nếu thắng 2 trong 3 vòng đấu sẽ là người chiến thắng cả trận. Một trận đấu Baok Chambab truyền thống của Campuchia luôn có tiếng trống kèm theo. Khi đi du lịch Campuchia vào thời điểm năm mới hay các ngày lễ hội, du khách sẽ có dịp được thấy loại hình nghệ thuật truyền thống thú vị này.

4. Võ thuật Bokator

Bokator hay nói chính xác hơn là Labokatao là một môn võ của Campuchia vừa có thể đấu tay đôi vừa có thể dùng vũ khí. Cách đây 1000 năm, Bokator đã được quân đội Angkor sử dụng như một hình thức chiến đấu chủ yếu.

ẩm thực, campuchia, khám phá 5 loại hình nghệ thuật đặc sắc của campuchia

Cụm từ Bokator được dịch nôm na là “đập một con sư tử” (từ “bok” có nghĩa là đập, và “tor” có nghĩa là sư tử). Theo truyền thuyết người Campuchia thì cách nay khoảng 2000 năm có một con sư tử tấn công vào một ngôi làng. Khi đó có một chiến binh với vũ khí duy nhất là một con dao và chỉ bằng đầu gối của mình đã có thể giết chết được con sư tử ấy. Sau đó thì người chiến binh ấy tái hiện lại những chiêu thức mà ông đã dùng để đối phó với con sử tử kia. Dần dần kỹ thuật trên được nhiều người sử dụng để chiến đấu chống lại động vật hoang dã. Và ngày nay đã trở thành một môn võ thuật tiêu biểu của dân tộc Campuchia.

Bokator sử dụng sức mạnh của khuỷu tay và đầu gối, đá cẳng chân và chiến đấu trên mặt đất là chủ yếu. Mặc dù sử dụng đầu gối, bàn tay, khuỷu tay, bàn chân, cẳng chân và đầu là chính nhưng ngay cả vai, hông, xương hàm và các ngón tay cũng có thể sử dụng để thu phục đối thủ thậm chí là gây tử vong cho đối phương. Là một môn võ vừa có thể đánh tay không vừa có thể dùng vũ khí.

5. Sbek Thom

Sbek Thom là một loại hình múa rối bóng truyền thống với những vũ công, những con rối, một tấm màn và người dẫn chuyện cùng kết hợp ăn ý với nhau trong nền nhạc truyền thống tạo nên những tiết mục đặc sắc và lôi cuốn.

Trong quá khứ, Sbek Thom như là một màn trình diễn lễ nghi tôn giáo chỉ được thực hiện trong thờ cúng cho những dịp đặc biệt như “Ngày năm mới của người Khmer”, sinh nhật của đức vua hay để tỏ lòng kính trọng đối với một số người nổi tiếng. Tuy nhiên, Sbek Thom đã phát triển trở thành một loại hình nghệ thuật biểu diễn về sau này.

Những nghệ sĩ Sbek Thom biểu diễn những trích đoạn từ Trường ca Reamker (được sáng tác bằng thơ văn hàng vạn câu, có cốt truyện vay mượn từ “Sử thi Ramayana của Ấn Độ”), hoặc đôi khi là những câu chuyện về Phật giáo.

Trong hầu hết các thể loại múa rối ở Châu Á, các con rối đều là những con người, con vật nhỏ với những chân tay di động khá nhỏ, tuy nhiên, những con rối nhỏ nâu trong nghệ thuật Sbek Thom Campuchia là những bức tranh bằng da bò lớn, cao 1 – 2 mét, gần như tròn, các nhân vật trong Trường ca Reamker được chạm khắc trong khung hình. Ngoài những con rối da lớn này, còn có những con rối nhỏ hơn, thậm chí đôi khi còn có các thanh di chuyển.

ẩm thực, campuchia, khám phá 5 loại hình nghệ thuật đặc sắc của campuchia

Khi biểu diễn, những con rối được soi bóng trên màn hình vải trong suốt rộng khoảng 10 mét và cao 4 mét được dựng lên trên cọc cách mặt đất khoảng 2,5 mét. Các nhạc sĩ của dàn nhạc hợp âm người Campuchia ở trước màn hình. Ngồi và đôi khi đứng giữa dàn nhạc là những người kể chuyện, những người đọc và hát các bài ca theo sự di chuyển của bóng con rối.

Hai đoàn kịch Sbek Thom nổi tiếng đã hoạt động vào nửa đầu thế kỷ 20, một ở Phnom Penh và một ở thành phố Battambang. Sau đó, Chính phủ Campuchia đã thành lập một số Nhà hát sân khấu kịch Sbek thom khác trên cả nước như một phương thức bảo tồn, lưu giữ, phát triển loại hình văn hóa này.

Ngày nay, Sbek Thom thường kết hợp với các điệu nhảy và các hình thức sân khấu khác trong các sản phẩm nội dung hiện đại cũng như trong các chương trình du lịch.

Là một đất nước có nền văn hoá Khmer lâu đời nên Campuchia có rất nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống khác nhau. Với hành trình du lịch Campuchia, nếu không thể xem được trực tiếp thì du khách có thể quan sát các bức phù điêu trong quần thể đền Angkor. Chúng được chạm khắc tinh tế và mô tả rất rõ ràng những loại hình nghệ thuật truyền thống của Campuchia.

Đăng bởi: Thúy Nguyễn

ALONGWALKER Singapore: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Philippines: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Indonesia: Saluran untuk mengeksplorasi pengalaman para pemuda global ALONGWALKER Malaysia: Saluran untuk menjelajahi pengalaman global belia ALONGWALKER Japan: 発見・体験、日本旅行に関する記事 ALONGWALKER Thailand: ช่องทางในการสำรวจประสบการณ์ของเยาวชนระดับโลก