Hà Nội

Ô Quan Chưởng - Cửa ô còn lại duy nhất của Hà Nội

khám phá, ô quan chưởng - cửa ô còn lại duy nhất của hà nội

“Ở đâu năm cửa nàng ơi?” câu hỏi dân gian gắn liền với di tích năm cửa ô nổi tiếng của kinh thành Thăng Long xưa. Trải qua những biến cố của thời gian, ô Cầu Giấy, ô Cầu Dền, ô Đống Mác, đều không còn tồn tại, chỉ có duy nhất ô Quan Chưởng sót lại cho đến tận hôm nay. Nếu có dịp ghé thăm Thủ đô thân yêu, bạn đừng quên tham quan dấu ấn lịch sử của kinh thành xưa nhé.

1. Vị trí ô Quan Chưởng

khám phá, ô quan chưởng - cửa ô còn lại duy nhất của hà nội
Ô Quan Chưởng

Ô Quan Chưởng nằm ở ngã tư Hàng Chiếu – Đào Duy Từ, ở ngay phía bắc Hồ Hoàn Kiếm. Là cửa ô duy nhất còn trường tồn với thời gian của kinh thành Thăng Long, Ô Quan Chưởng không chỉ mang vẻ đẹp về mặt kiến trúc mà còn in đậm dấu ấn lịch sử Hà Nội xưa. Có lẽ vì thế mà đây là địa điểm du lịch Hà Nội được rất nhiều du khách nước ngoài ghé đến với mong muốn hiểu thêm về lịch sử Hà thành.

2. Cách di chuyển đến Ô Quan Chưởng

Bạn có thể di chuyển tới Ô Quan Chưởng bằng nhiều phương tiện khác nhau một cách dễ dàng, chẳng hạn như xe bus, xe máy, ôtô, taxi, xe ôm… nhưng để tiện cho việc di chuyển nhanh nhất bạn nên lựa chọn xe máy hoặc xe buýt.

Xe buýt

Không cần phải quá lo lắng trong việc đợi chờ xe bởi xe buýt đi qua Ô Quan Chưởng ở Hà Nội có rất nhiều tuyến cho bạn lựa chọn. Bạn có thể tham khảo một số tuyến sau:

Tuyến số 03: Bến xe Giáp Bát – Bến xe Gia Lâm

Tuyến số 11: Công viên Thống Nhất – Học viện Nông nghiệp

Tuyến số 14: Bờ Hồ – Cổ Nhuế

Tuyến số 22: Bến xe Gia Lâm – KĐT Trung Văn

Tuyến số 19: Đại học KTQD – Đại học KTQD

Tuyến số 34: Bến xe Mỹ Đình – Bến xe Gia Lâm

Tuyến số 40: Công viên Thống Nhất – Văn Lâm

Giá vé: 7000 đồng/ lượt

Xe máy

Xuất phát từ Cầu Giấy, bạn có thể đi theo lộ trình Cầu Giấy – Kim Mã – Nguyễn Thái Học – Điện Biên Phủ – Hàng Khay – Trần Quang Khải – Ô Quan Chưởng. Xuất phát từ Hà Đông, bạn di chuyển theo đường Nguyễn Trãi – Tôn Đức Thắng – Chu Văn An – Trần Phú – Hoàng Diệu – Cửa Bắc – Yên Phụ – Trần Nhật Duật – Ô Quan Chưởng.

3. Lịch sử xây dựng Ô Quan Chưởng

Được xây dựng vào thời vua Lê Hiển Tông (1749), nằm ở phía Đông của kinh thành Thăng Long, cách bến sông Hồng xưa chỉ khoảng 80 mét, Ô Quan Chưởng là 1 trong 5 cửa ô còn sót lại cho đến ngày nay. Ô Quan Chưởng còn được biết đến với cái tên Đông Hà Môn (cửa Đông Hà – cửa ô ở phường Đông Hà trước kia).

Trước kia, đây là nơi tập trung buôn bán chiếu cói, sản phẩm của những vùng ven biển như Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình được người dân đưa lên Thăng Long – Hà Nội bằng đường sông. Việc xây dựng Ô Quan Chưởng đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân trong việc đi lại, giao lưu buôn bán từ các vùng khác với kinh thành. Trải qua các biến cố của thời gian, công trình đã được tu sửa hai lần qua các đời vua Gia Long thứ 3 (1804) và Gia Long thứ 16 (1817).

Cái tên Ô Quan Chưởng gắn liền với công lao và sự hi sinh anh dũng của một viên quan Chưởng Cơ, người đã quyết tâm chiến đấu chống quân Pháp đến cùng khi chúng tấn công Hà Nội ngày 20/11/1873. Theo tài liệu xưa ghi lại, sau khi chiếm được Hà Nội, để mở rộng thành phố, thực dân Pháp đã cho phá hết các cửa ô cùng với các con đê cũng như phá bỏ cả thành cổ Hà Nội. Tuy nhiên, dưới sự đấu tranh quyết liệt của dân chúng và cai tổng tổng Đồng Xuân Đào Đăng Chiểu nên Ô Quan Chưởng vẫn còn giữ được đến ngày nay.

4. Tham quan Ô Quan Chưởng

khám phá, ô quan chưởng - cửa ô còn lại duy nhất của hà nội
Tham quan Ô Quan Chưởng

Ô Quan Chưởng được thiết kế theo kiểu vọng lâu với 2 tầng lầu mang đậm nét kiến trúc đặc trưng của thời nhà Nguyễn. Ô cửa được xây dựng gồm có 3 cửa theo kiểu vòm cuốn, một cửa chính ở giữa, cao và rộng khoảng 3m và 2 cửa phụ 2 bên cao khoảng 2.5m, rộng 1.65m. Tầng trên của Ô Quan Chưởng có vọng lâu 4 mái tọa lạc ngay tại vị trí phía trên nóc cửa chính, xung quanh có lan can trang trí các hình tứ giác, lục lăng, hoa thị.

Nằm ngay bên phía trên tường trái cửa chính là tấm bia đá ghi lệnh cấm người canh gác cửa ô không được sách nhiễu dân mỗi khi qua lại do Tổng đốc Hoàng Diệu cho đặt năm 1881. Giữa phía trên cổng chính và dưới vọng lâu có đề ba chữ Hán lớn Đông Hà Môn. Nếu để ý kỹ bạn sẽ thấy, Ô Quan Chưởng được xây bằng gạch vồ, có kích thước lớn, giống như gạch xây tường ở Văn Miếu Quốc Tử Giám.

Trải qua bao năm tháng, Ô Quan Chưởng vẫn hiên ngang đứng đó giữa lòng phố cổ Hà Nội như một minh chứng sống cho tinh thần đấu tranh kiên cường, anh dũng của nhân dân ta, một biểu tượng của kinh thành xưa, mang đậm dấu ấn lịch sử về thủ đô ngàn năm văn hiến. Ngày nay, khi đến đây, du khách vẫn còn được chiêm ngưỡng những nét kiến trúc độc đáo này.

5. Ăn gì khi tham quan Ô Quan Chưởng?

Du lịch Thủ Đô, bạn không thể bỏ qua việc thưởng thức ẩm thực Hà Nội hấp dẫn tại nơi đây. Một danh sách các món ăn truyền thống mang đậm đặc trưng của mảnh đất Hà thành như bún chả, bún đậu mắm tôm, bún ốc, phở, phở xào, ốc luộc, lòng xào, bia hơi, chè, bánh mì, cafe… tha hồ để bạn lựa chọn. Dưới đây, chúng mình sẽ giới thiệu cho bạn một vài địa điểm ăn uống nổi tiếng được yêu thích:

5.1. Ngõ chợ Đồng Xuân

khám phá, ô quan chưởng - cửa ô còn lại duy nhất của hà nội
Ngõ chợ Đồng Xuân

Đây là địa chỉ ăn uống quen thuộc của các bạn trẻ Hà thành nằm ngay bên cạnh chợ Đồng Xuân. Nơi đây tập trung của rất nhiều hàng quán ăn uống với những món ngon đường phố không thể chối từ như bún riêu, bún chả kẹp que tre, bún ốc, phở tíu, cháo sườn, miến lươn, bánh tôm, nộm, bánh rán mặn, bánh bột lọc…

Một trải nghiệm thú vị cho những ai muốn khám phá, thưởng thức ẩm thực Hà Nội. Trong cái se lạnh của một buổi chiều Hà Nội, còn gì tuyệt vời hơn là được xuýt xoa bên bát cháo sườn, bát miến lươn nóng hổi hay nhâm nhi đĩa bánh tôm, bún chả, cốc chè… Hãy yên tâm rằng bạn có thể ăn uống thả ga tại đây mà không lo bị xẹp ví nhé.

  • Giá dao động từ 15.000 đến 25.000 đồng

5.2. Food Tour Phố đi bộ Hà Nội

khám phá, ô quan chưởng - cửa ô còn lại duy nhất của hà nội
Food Tour phố đi bộ Hà Nội

Dạo quanh phố đi bộ, bạn có thể làm ngay cho mình một chuyến foodtour để thưởng thức vô vàn những món ngon vỉa hè. Đến phố đi bộ, bạn không thể không thưởng thức món kem Tràng Tiền hay kem Thủy Tạ trứ danh này. Quán kem nhỏ luôn đông đúc tấp nập người mua bán. Nào que kem cốm, kem sữa dừa, kem dừa, đậu xanh, kem chanh bạc hà, socola hạt hay kem ốc quế, đủ vị cho bạn tha hồ lựa chọn. Vị ngọt của kem đan xen với sự mát lạnh, cắn một miếng thôi là bạn đã phải rùng mình rồi đấy.

Không những vậy, nơi đây còn một danh sách dài các món ăn vặt Hà Nội hấp dẫn tha hồ cho bạn lựa chọn. Điểm qua sơ sơ, chúng ta có thể kể đến những chiếc bánh rán mặn ngọt khoác lên mình chiếc áo vàng mật ong bé bé, xinh xinh hay món chuối nếp bọc gạo xôi nếp nướng lên thơm phức rưới thêm chút cốt dừa béo béo ngậy ngậy, chỉ cần ngửi thôi là bạn đã không cưỡng lại được mà phải đi mua ngay cho mình một suất để thưởng thức.

Nếu như khoai tây chiên bơ, cá bò, cá chỉ vàng nướng, nem chua rán nóng hổi, béo béo ngậy ngậy chấm cùng tương ớt cay nồng, nộm bò khô, bánh tráng trộn đầy ú ụ nhân nào bánh tráng, bò khô, xoài, trứng cút là những cái tên mà các tín đồ ăn uống không thể bỏ qua thì quẩy nóng cũng vậy. Những chiếc quẩy bé bé dài dài được rán vàng ươm nóng hổi ăn kèm nước chấm, cắn thử một miếng bạn sẽ cảm nhận được độ giòn và cả một chút béo ngậy của quẩy hòa quyện cùng một chút chua chua ngọt ngọt của nước chấm, ăn một lần mà nhớ mãi.

Dưới đây, chúng mình gợi ý cho bạn một vài địa chỉ được rất đông du khách ưa thích:

    Kem Tràng Tiền: 35 Tràng Tiền, giá dao động: 7.000 – 12.000 đồng

    Kem Thủy Tạ: phố Lý Thái Tổ cạnh Hồ Gươm, giá: 8.000 – 9.000 đồng

    Bánh rán mặn ngọt: phố Lương Ngọc Quyến, giá: 4.000 đồng/ chiếc.

    Nem chua rán: 38 hàng Bông, ngõ Tạm Thương, Hàng Gai, giá: 5.000 đồng/ chiếc

    Chuối nếp nướng: số 1 Hàng Đường, giá: 20.000 đồng/ suất

    Quẩy nóng: 73 Hàng Bông, giá: 2.000 đồng/ cái.

    Bánh tráng trộn: 90 Hàng Trống, giá: 20.000 đồng/ suất.

6. Kinh nghiệm tham quan Ô Quan Chưởng

Tham quan Ô Quan Chưởng, bạn có thể kết hợp tham quan, khám phá Phố cổ Hà Nội với những địa điểm tham quan nổi tiếng như chợ Đồng Xuân, hồ Hoàn Kiếm, nhà cổ Mã Mây, đền Bạch Mã, Phố đi bộ Hà Nội hay Nhà hát lớn Hà Nội… Có rất nhiều điều thú vị đang chờ bạn khám phá tại nơi đây.

Nếu bạn có nhu cầu tham quan, mua sắm quà lưu niệm cho người thân và gia đình, bạn hãy ghé vào khu phố Hàng Ngang, Hàng Đào, hàng Bạc hay chợ Đồng Xuân. Đây cũng chính là khu chợ đêm của Hà Nội. Tới đây, bạn có thể tha hồ lựa chọn các loại mặt hàng vô cùng phong phú, đa dạng như quần áo, giày dép, đồ thủ công, đồng hồ, các trang sức bằng bạc, các loại đồ ăn như ô mai và cả những món quà lưu niệm xinh xắn…

Một lưu ý nho nhỏ cho bạn khi mua sắm đó là bạn nên đi mua hàng vào buổi chiều để có thể thoải mái chọn lựa và trả giá thay vì mua sắm vào buổi sáng bởi những người bán hàng ở đây rất kiêng khách mua hàng buổi sáng vào hỏi mà không mua gì.

7. Địa điểm tham quan kết hợp khi đến Ô Quan Chưởng

7.1. Phố Hàng Mã

khám phá, ô quan chưởng - cửa ô còn lại duy nhất của hà nội
Phố Hàng Mã

Nằm trong khu phố cổ, phố Hàng Mã được du khách rủ tai nhau là khu phố đông đúc và rực rỡ nhất trong 36 phố phường cổ kính ở Hà Nội. Nổi tiếng với nghề thủ công truyền thống làm đồ vàng mã để dùng trong việc cúng lễ và đồ trang trí bằng giấy, nơi đây được coi là thiên đường của các mặt hàng truyền thống mang đậm dấu ấn dân gian xưa.

Đến thăm phố Hàng Mã vào mỗi dịp lễ tết bạn sẽ thấy nơi đây như khoác lên mình chiếc áo đầy màu sắc. Nếu như vào mỗi dịp tết Trung thu, các cửa hàng lại bày bán những mặt hàng đặc trưng như lồng đèn, bóng bay, đèn ông sao, mặt nạ, đầu lân, trống… thì đến dịp tết Nguyên Đán, cả phố lại tràn ngập sắc màu rực rỡ của các loài hoa, của câu đối đỏ và cả những đồ dùng nhỏ nhỏ xinh xinh để trang trí nhà cửa cho dịp năm mới.

Bên cạnh việc mua sắm, khi đến đây bạn còn được hòa mình vào sự tấp nập, nhộn nhịp của hoạt động mua bán cùng những âm thanh vui nhộn của những chiếc trống, còi quay và cả những chiếc kèn. Vừa đi vừa tìm hiểu, chiêm ngưỡng những mặt hàng truyền thống, đồ chơi, ngắm đường phố Hà Nội, bạn sẽ thấy phố Hàng Mã mang đậm dấu ấn tâm linh của người phương Đông.

7.2. Phố đi bộ Hà Nội

khám phá, ô quan chưởng - cửa ô còn lại duy nhất của hà nội
Phố đi bộ Hà Nội

Phố đi bộ Hà Nội là điểm hẹn lý tưởng vào dịp cuối tuần cho mọi du khách nếu có dịp ghé thăm Thủ đô thân yêu. Không có những trò chơi mạo hiểm, phố đi bộ là điểm dừng chân hấp dẫn và thu hút với những trò chơi truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc và tinh thần văn hoá Việt Nam như ô ăn quan, chơi đánh chuyền, đi cà kheo, đá cầu, kéo co và cả trải nghiệm nặn tò he… Đến đây, bạn sẽ được đưa trở về những ký ức tuổi thơ tưởng chừng đã rơi vào quên lãng.

Đi xuôi theo những con đường trong khu phố đi bộ, bạn có thể dễ dàng bắt gặp những nhóm nghệ sĩ trình diễn với nhiều những phong cách, thể loại âm nhạc khác nhau. Sự sôi động của âm nhạc Mỹ Latin, sự nhẹ nhàng, du dương của những ca khúc nhạc nhẹ, nhạc trẻ, nhạc hòa tấu cho đến sự trầm lắng, lắng đọng của các loại hình nghệ thuật truyền thống như hát xẩm, đờn ca tài tử, chèo, chầu văn, sự vui nhộn của các tiết mục xiếc và cả những tiết mục đặc biệt khác. Tất cả sẽ đưa bạn trải qua mọi cung bậc của cảm xúc.

Thêm một không gian văn hóa đặc sắc ở phố đi bộ Hà Nội cho bạn trải nghiệm đó là không gian của các hoạt động xin chữ của ông đồ, vẽ tranh chân dung nghệ thuật hay hóa trang thành những nhân vật nổi tiếng trong phim, truyện. Ngoài ra, phố đi bộ còn là tụ điểm của những trò chơi thú vị không kém phần hấp dẫn như tô tượng, xếp gỗ, lái ô tô đồ chơi hay trượt patin cùng gia đình, bạn bè.

7.3. Đền Bạch Mã

khám phá, ô quan chưởng - cửa ô còn lại duy nhất của hà nội
Đền Bạch Mã

Tọa lạc tại số nhà 76 – 78 giữa phố Hàng Buồm, đền Bạch Mã là một trong tứ trấn của kinh thành Thăng Long xưa. Được xây dựng từ thế kỷ 9, theo sử sách ghi lại thì nơi đây thờ thần Long Đỗ (Rốn Rồng) – vị thần gốc của Hà Nội cổ và ngựa trắng. Là di tích lịch sử văn hóa có nghìn năm tuổi nên cảnh vật xung quanh đền đều khoác lên mình lớp áo rêu phong như càng tô đậm thêm vẻ đẹp hoài cổ, xưa cũ.

Đền được xây theo hình chữ “Tam” với kiến trúc phương đình tám mái, có một tam bảo và hơn 13 hoành phi. Bên cạnh miếu thờ Tề Vương Phi và Bể Núi, hiện nay, ngôi đền còn được bố trí thiêu ương, nghi môn, phương đình, cung cấm và nhà hội đồng ở phía sau chạy dọc trong một không gian khép kín. Càng vào sâu bên trong đền, du khách sẽ càng trầm trồ bởi kiến trúc nhà gỗ với hệ thống cột gỗ lim cao lớn. Dưới bàn tay khéo léo, tài hoa của những người nghệ nhân điêu khắc, các cột gỗ, xà bạch, xà nang đều tạo được ấn tượng riêng với những chi tiết trang trí tinh xảo, tinh tế.

Ngoài ra, khi đến đền Bạch Mã, bạn còn được tận mắt chiêm ngưỡng những đồ vật cổ như bia đá, sắc phong, kiệu thờ, hạc thờ, bức hoành phi “Đông trấn linh từ”, Cỗ Long ngai… một không gian cổ kính, lâu đời nhất trong số các ngôi đền xưa của kinh thành Thăng Long còn sót lại cho tới nay.

  • Địa chỉ: 76 – 78 Hàng Buồm, Hoàn Kiếm, Hà Nội

Trên đây là toàn bộ những kinh nghiệm, thông tin hữu ích về hành trình khám phá Ô Quan Chưởng mà chúng tôi muốn chia sẻ cho các bạn. Nếu như các bạn có cơ hội đến thăm Thủ đô thân yêu thì đừng bỏ qua điểm đến tuyệt vời này. Hy vọng rằng bạn sẽ có một chuyến đi an toàn, vui vẻ và có những trải nghiệm tuyệt vời ở Hà Nội.

Chủ đề: Du lịch Hà Nội

Đăng bởi: Lê Tiến ĐạT

YOLO! Khám phá các quận/huyện ở Hà Nội

ALONGWALKER Singapore: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Philippines: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Indonesia: Saluran untuk mengeksplorasi pengalaman para pemuda global ALONGWALKER Malaysia: Saluran untuk menjelajahi pengalaman global belia ALONGWALKER Japan: 発見・体験、日本旅行に関する記事 ALONGWALKER Thailand: ช่องทางในการสำรวจประสบการณ์ของเยาวชนระดับโลก