Bắc Kạn

Ăn gì khi đến Bắc Kạn?

Bắc Kạn vốn nổi tiếng là một bức tranh non nước hữu tình với những cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp. Không chỉ vậy, du lịch Bắc Kạn các bạn sẽ có cơ hội được thưởng thức rất nhiều những món ăn ngon mang đậm hương vị đậm đà hương vị núi rừng Tây Bắc. Ăn gì khi đến Bắc Kạn? Trong bài viết này, chúng tôi sẽ giới thiệu đến các bạn danh sách những món đặc sản Bắc Kạn mà nếu có dịp đến đây các bạn không nên bỏ qua nhé.

Khâu nhục – Bắc Kạn

Ẩm thực chính là một yếu tố làm nên sức hấp dẫn của du lịch Bắc Kạn. Ở đây có vô số món ăn ngon và độc đáo. Một trong số đó là “khâu nhục” – món ăn truyền thống thường chuyên dùng để thiết đãi khách quý hay trong các dịp lễ tết trọng đại

ăn gì khi đến bắc kạn?

Khâu nhục – Bắc Kạn

Khâu nhục là món ăn của người dân tộc Nùng di cư từ Trung Quốc mang sang nước ta. Lâu ngày đã trở nên phổ biến và trở thành món ăn truyền thống của dân tộc Tày- Nùng ở Bắc Kạn. Đồng bào thường làm món khâu nhục trong những dịp gia đình có chuyện vui, dịp lễ tết, đám cưới hỏi…

Khâu nhục là tiếng hoa đánh vần lại chữ viết tiếng Việt, phát âm tiếng Hoa là khâu nhục. “Khâu” có nghĩa- hấp đến mềm gục, “Nhục” có nghĩa- thịt, nếu dịch đúng nghĩa là thịt gục, hoặc thịt hấp gục. Tùy từng địa phương, món ăn này còn có các tên gọi khác như: “khau nhục”, “khổ nhục”, “nằm khau”.

Khâu nhục – Bắc Kạn

Món khâu nhục làm cũng lắm công phu, khoai được chọn phải là khoai môn Bắc Kạn, bên trong lòng khoai có vân màu tím. Thịt lợn phải là thịt ba chỉ ngon, luộc sơ qua, dùng tăm tre chọc bì thật kĩ, tẩm ướp gia vị rồi đem quay, vưa quay vừa quết mật ong cho vàng bì. khoai cũng phải rán vàng,mọi thứ được xếp vào bát, cứ một miếng khoai, một miếng thịt cho nhân được làm bằng thịt, nấm hương, mộc nhĩ…đã xào lên trên hấp cách thuỷ khoảng 5 tiếng đồng hồ.

Thành phẩm khi xong được cho ra đĩa rất đẹp. Món khâu nhục làm cầu kì nhưng ăn lại rất ngon nên nhân dân Bắc Kạn thường dành vào những dịp đặc biệt như lễ tết, cưới hỏi và vào nhà mới. Chỉ cần thử một chút bạn cũng đủ cảm nhận được hết hương vị của món đặc sản này, vị béo ngậy của thịt, vị thơm của khoai đã hầm bở… tất cả đều kết tinh trong món ăn.

Ngưòi Bắc Kạn rất tự hào vì ngoài đặc sản cơm lam, bánh gio, tôm chua… còn có thêm món khâu nhục và họ không bỏ qua cơ hội để giới thiệu đặc sản của quê hương mình với thực khách gần xa.

Tôm chua Ba Bể – Bắc Kạn

Tôm chua là món ăn ngon, có mặt ở nhiều nơi và nhiều vùng chế biến nhưng tôm chua ở Khang Ninh- Ba Bể có một hương vị rất riêng biệt của vùng miền núi Việt bắc. Du khách đến Bắc Kạn mà không được thưởng thức tôm chua Ba Bể thì thật sự đáng tiếc.

ăn gì khi đến bắc kạn?

Tôm chua Ba Bể – Bắc Kạn

Ở Ba Bể, người dân thường ăn tôm (hoặc tép) chua với thịt chân giò hoặc ba chỉ luộc kèm đĩa khế chua, chuối xanh, đinh lăng… Giữa khung cảnh thiên nhiên nên thơ, nhấm nháp tôm chua cùng chén rượu ngô cay nho nhỏ, du khách sẽ có cảm giác lâng lâng êm ái, thấm thía vị béo chua chua của thịt, cảm nhận phần tỏi ớt cay cay cùng mùi thơm riềng…

Nếu qua đêm ở bản Pác Ngòi, được ăn bữa cơm dân tộc bên bếp lửa nhà sàn, bạn hãy thử một lần nếm hương vị của món tép hồ muối chua nổi tiếng. Đặc sản tôm (hoặc tép) chua Ba Bể làm từ tép tươi và gạo nương, được dân làng chế biến theo bí quyết riêng để có hương vị thơm ngon đặc biệt, khác hẳn so với những nơi khác.

Tôm chua Ba Bể – Bắc Kạn

Món ăn được bán khá nhiều ở các bản Bó Lù, Pác Ngòi… Ngoài tôm, các loại tép hay cá nhỏ được bắt tươi ở hồ, ăn không hết, người dân cũng muối vào lọ, để ăn dần. Món này là gia vị thích hợp để bạn chấm thịt luộc, ăn bún hoặc quấn gỏi đều có tác dụng tăng thêm hương vị hấp dẫn cho món ăn kèm.

Cứ 5 ngày tại chợ phiên Khang Ninh – Ba Bể thì mới có một phiên chợ bán tôm chua Ba Bể ngay đường vào tham quan Ba Bể. Nếu có dịp đi du lịch Ba Bể thì bạn đừng quên thưởng thức món ngon này và mua một ít về làm quà cho người thân nhé!

Lạp sườn hun khói – Bắc Kạn

Mỗi dịp tết đến, đã thành lệ, cứ đến khoảng 27, 28 tháng Chạp, người dân khắp các bản làng ở Bắc Kạn lại nô nức rủ nhau mổ lợn. Cứ hai, ba nhà chung nhau đụng một con. Thịt để làm nhân bánh chưng, làm các món kho, nướng, quay, luộc… ăn trong mấy ngày tết. Và bao giờ người ta cũng dành ra một ít lòng non, một phần thịt để làm lấy một vài cân lạp sườn (có nơi còn gọi là lạp xưởng).

ăn gì khi đến bắc kạn?

Lạp sườn hun khói – Bắc Kạn

Lạp sườn được làm từ thịt lợn bản nên thịt thơm và chắc. Điểm độc đáo của lạp sườn Bắc Kạn là được tẩm ướp bằng gừng đá, một loại gừng chỉ mọc trên đá của người dân tộc nên có mùi thơm rất đặc biệt, không giống gia vị nào của miền xuôi.

Lạp sườn được làm bằng tay của người Bắc Kạn có mùi của nắng vùng cao, mùi của khói bếp, thoảng mùi gừng, mùi rượu, mắc mật, thơm một cách đặc biệt. Vị dai của lòng, vị ngọt của thịt nạc, vị béo của mỡ hòa quyện với nhau, ăn thật ngon miệng. Nhấp thêm chút rượu nữa thì càng khoái khẩu.

Xôi đăm đeng – Bắc Kạn

Từ những hạt gạo thơm ngon, những người đầu bếp tài hoa ở những vùng miền khác nhau lại tạo ra những món xôi, bánh mang hương vị đặc trưng. Nếu ai đã từng có cơ hội đi du lịch Bắc Kạn, chắc hẳn phải thưởng thức qua món xôi đăm đeng. Món ăn có hình dáng và hương vị rất độc đáo.

ăn gì khi đến bắc kạn?

Xôi đăm đeng – Bắc Kạn

Món xôi này rất độc đáo vì được nấu từ gạo nếp nương và tất cả màu sắc của xôi không tạo ra bằng phẩm màu mà bằng hương sắc của cây cỏ. Người ta lấy lá của cây cẩm và vài loại lá khác đun lên, chắt nước ra, ngâm gạo nếp vào khoảng vài giờ rồi mang đồ trên chõ gỗ. Nước ngâm gạo phải nóng già thì khi chín xôi mới có độ dẻo.

Xôi Đăm Đeng có một mùi thơm đặc trưng của cây cỏ, không thể lẫn với bất cứ loại xôi nào khác. Hạt xôi bóng đẹp nhưng không ướt, khi nguội hạt xôi se lại nhưng vẫn mềm, dẻo và thơm.

Xôi Đăm Đeng thường được ăn với muối vừng hoặc ruốc tùy theo khẩu vị từng người. Người dân miền núi quan niệm rằng ăn xôi này sẽ mang lại nhiều may mắn và tốt lành. Nếu có dịp lên Bắc Kạn vào những ngày lễ, tết, bạn đừng quên thưởng thức món xôi “Đăm Đeng” để tận hưởng hương sắc của núi rừng nơi đây nhé.

Cá nướng Ba Bể – Bắc Kạn

Ba Bể thu hút du khách bởi những sự tích từ xa xưa. Không những thế, Ba Bể còn sở hữu khung cảnh đẹp như tranh vẽ là nguồn cảm hứng cho nhiều nhà văn, nhà thơ. Đến với Ba Bể, du khách không chỉ được ngắm nhìn cảnh vật hữu tình mà còn được thưởng thức gu ẩm thực vô cùng độc đáo. Một trong số đó chính là món cá nướng Ba Bể thơm ngon nổi tiếng.

ăn gì khi đến bắc kạn?

Cá nướng Ba Bể – Bắc Kạn

Trong hành trình du ngoạn hồ, du khách sẽ có cơ hội được thưởng thức những con cá mương nhỏ chỉ bằng ngón tay, nướng trên than củi tỏa mùi thơm rất hấp dẫn. Cá tươi sau khi rửa sạch được kẹp trong những thanh tre nhỏ, để ráo nước sau đó đem phơi nắng cho teo lại. Nắng dịu thì phơi 2, 3 ngày, nắng gắt chỉ cần 1 lúc buổi trưa là đã có thể sử dụng được. Mỗi kẹp tre thường có từ 5 tới 6 con, bắt cùng lứa nên khá đều nhau.

Theo những người dân lâu năm ở đây thì những con cá nhỏ bằng 2 ngón tay sẽ là ngon nhất. Cá nhỏ, thịt cá còn non, ngọt và xương mềm, khi nướng lên sẽ rất giòn. Cá ở hồ Ba Bể không có mùi tanh như cá sông hay cá biển. Cá khi được nướng chín sẽ dậy mùi thơm lừng tự nhiên nhờ không ướp bất kỳ loại gia vị nào.

ăn gì khi đến bắc kạn?

Cá nướng Ba Bể – Bắc Kạn

Vị cá ngon ngọt, thơm lừng, thịt cá bùi và dai kết hợp cùng một ít tương ớt cay nồng sẽ khiến món ăn thêm phần hấp dẫn. Ăn cá nướng Ba Bể, uống rượu ngô đồng cay cay pha lẫn chút ngọt đầu cuống lưỡi và ngồi ngắm cảnh hồ Ba Bể. Quả thật là một trải nghiệm thú vị tựa chốn thần tiên mà không một mâm cao cỗ đầy nào có thể thay thế được.

Bánh Khẩu Thuy – Bắc Kạn

Đi du lịch Bắc Kạn du khách không chỉ được chiêm ngưỡng những di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh nơi đây mà còn được thưởng thức rất nhiều đặc sản nổi tiếng. Một trong số rất nhiều đó là món bánh Khẩu Thuy – thứ bánh không thể thiếu trong mỗi dịp lễ hội Lồng Tồng ở Bắc Kạn.

ăn gì khi đến bắc kạn?

Bánh Khẩu Thuy – Bắc Kạn

Bước sang tháng chạp, bà con người Tày bắt đầu chuẩn bị nguyên liệu để làm Khẩu Thuy. Để làm được bánh ngon phải cần nhiều nguyên liệu, nhiều công đoạn và khá cầu kỳ. Họ lấy bèo tây đun lên lấy nước, lại lấy cây vông hoa đỏ đốt lên lấy tro. Dùng nước bèo tây và nước tro để ngâm gạo nếp. Ngâm cho gạo nở to rồi đem lên đồ. Một thứ không thể thiếu được khi làm Khẩu Thuy là khoai sọ. Khoai sọ cũng đồ lên cùng với gạo nếp, cho thêm một chút rượu vào. Bèo tây, tro vông để làm bánh nở được to, khoai sọ để bánh lên màu, rượu để bánh có vị thơm.

Công đoạn cuối cùng để hoàn thành món bánh này là tẩm đường cho bánh. Đun sôi mật mía, trút bánh đã rán phồng vào đảo đều, sau đó, đổ ra mẹt đã tra sẵn một chút bột gạo rang. Để giữ được lâu, người ta cho vào túi nilông buộc kín sẽ khiến bánh không bị ỉu mà vẫn giữ được hương vị.

Tại các hội Lồng Tồng của người Tày, thứ bánh này vẫn được bày bán để khách thập phương mua làm quà cho người thân. Từ lâu, nó đã trở thành một đặc sản rất riêng của Bắc Kạn.

Bánh pẻng phạ (bánh trời) – Bắc Kạn

Không phải ngẫu nhiên mà món bánh pẻng phạ lại đứng đầu danh sách 100 món đặc sản của Việt Nam. Loại bánh này độc đáo từ nguyên liệu đến cách làm ra nó. Chính sự gắn bó mật thiết của bánh với đời sống văn hóa, tín ngưỡng của người Tày đã khiến chiếc bánh trở nên đặc biệt và được nhiều người biết đến.

ăn gì khi đến bắc kạn?

Bánh pẻng phạ (bánh trời) – Bắc Kạn

Nhìn bề ngoài bánh không có gì nổi bật, những viên bánh tròn tròn chỉ nhỉnh hơn quả nhãn lồng đôi chút, lớp bột trắng bên ngoài dù có cố gắng làm duyên đến mấy cũng không phủ kín màu hơi nâu nâu của bánh nằm ẩn bên trong. Tuy mộc và thô như vậy, song không phải ngẫu nhiên mà người Tày chọn đó là một trong những món ăn truyền thống của dân tộc mình để dâng lên trời đất. Chỉ một chiếc bánh nhỏ xíu, song hội tụ nhiều nguyên liệu, hương vị đặc trưng của người dân nơi đây với vị cay nồng của rượu, vị ngọt của đường, vị chát rất thơm của nước chè mạn, vị béo bùi của bột nếp…

Bánh pẻng phạ chế biến không cầu kỳ nhưng mùi vị thơm ngon thích hợp với mọi lứa tuổi từ người già cả răng yếu cho tới tụi trẻ con ưa thích quà vặt, do vậy hầu như nhà nào cũng làm món bánh này trong những dịp ăn mừng. Nguyên liệu chính để làm bánh là gạo nếp. Gạo nếp ngon, nhặt sạch thóc, sạn đem xay khô thật mịn tay làm bột nếp. Bột được nhào với nước chè mạn pha đặc để lấy màu nâu và vị chát rồi thêm một chút rượu trắng cho dậy mùi. Sau khi nhào thật kỹ cho bột dẻo và mịn có thể vê thành những viên cỡ quả nhãn. Vì bột nếp rất dính tay lại dễ bị chảy xệ nếu nặn xong mà không chế biến ngay nên người ta vừa nặn bánh vừa chuẩn bị đun một chảo mỡ nóng bên cạnh.

Bánh pẻng phạ (bánh trời) – Bắc Kạn

Khi mỡ nóng già thả bánh vào rán cho nổi mỡ, vàng ruộm thì vớt ra để cho ráo mỡ, bánh rán hết mới bắt tay vào áo bánh. Đường được đổ vào xoong, châm thêm chút nước cho đường dễ tan chảy rồi đun sôi, thử độ kết đông của đường bằng cách nhỏ vài giọt nước lã vào thấy đường lăn thành giọt không bị hòa tan thì bắt đầu thả bánh vào cho ngập đường. Bánh vớt ra lăn ngay vào bột áo. Bột áo cũng được làm từ gạo nếp rang vàng rồi xay nhỏ mịn giống như làm thính, song khi rang non tay hơn bột thính một chút để bột có màu hơi ngà chứ không vàng thẫm. Bánh pẻng phạ bên trong dẻo, do tác động nhiệt lớn bột bánh bên trong chưa kịp ngấu nhiệt lớp bên ngoài đã cứng giòn nên bánh giống như có nhân ăn rất thú vị.

Ai đã từng một lần thưởng thức bánh pẻng phạ – món ăn đặc sản của người Tày sống ở vùng hồ Ba Bể, chắc hẳn không thể quên hương vị đặc trưng của nó. Lại được thưởng thức món bánh dân dã ấy giữa cảnh sắc tự nhiên của đất trời, giữa sự dung dị hồn hậu của đồng bào dân tộc Tày, mới hay, vì sao người ta xếp hạng đứng đầu trong thế giới bao la của nghệ thuật ẩm thực Việt.

Bánh Coóc Mò – Bắc Kạn

Nói đến vùng đất Bắc Kạn là người ta nghĩ đến ngay bánh Coóc mò, một thứ bánh gần gũi và vô cùng bình dị ở vùng đất nơi đây.

ăn gì khi đến bắc kạn?

Bánh Coóc Mò – Bắc Kạn

Bánh cooc mò – hay coóc mò từ lâu đã được coi là loại bánh đặc sản của vùng đất Bắc Kạn, được bày bán nhiều trong các phiên chợ. Theo những người dân ở đây cho biết, bánh cooc mò ngày trước được làm vào những dịp đầy tháng hay thôi nôi với mong muốn những em bé lớn lên sẽ có cuộc sống no đủ, luôn ngoan ngoãn và biết nghe lời ông bà bố mẹ.

Để làm được thứ bánh ngon nức tiếng đấy, người dân ở đây phải chọn loại gạo nếp ngon nhất, bánh không có nhân và được gói bằng lá chuối, sau khi chín bánh có mùi thơm của lá chuối của gạo nếp quyện vào nhau nên khó có thể cưỡng lại được.

Tuy công thức là dễ như thế, nhưng để làm ra những chiếc bánh cooc mò lại không đơn giản chút nào. Để làm được những chiếc bánh xinh xắn, thơm ngon đó cần phải có sự khéo léo và tỉ mỉ nhất định ở người làm bánh . Để làm được bánh, gạo nếp phải được vo với nước lã nhiều lần cho đến khi nước vo gạo trong suốt.

Tiếp tục ngâm nếp vài giờ cho nếp mềm. Lá chuối xé miếng vuông, cuộn lại thành hình chiếc phễu rồi đổ nếp vào bên trong, vỗ nhẹ bên ngoài cho gạo chặt lại, gấp mép lá và dung lạt mềm buộc bánh khâu buộc bánh bằng lạt, sau đó bánh sẽ được xâu lại khoảng 5 cái thành một chùm rồi cho vào nồi nấu khoảng 1-2 tiếng là bánh chín.

Bánh Coóc Mò – Bắc Kạn

Bánh sau khi luộc có màu xanh nhạt, vị thơm của lá chuối, vị dẻo, mềm của gạo nếp. Bánh có thể ăn cùng mật ong hoặc đường kính để thêm vị ngọt thanh và mát.

Chỉ từ những nguyên liệu đơn giản và qua đôi bàn tay khéo léo trong cách làm bánh của người dân Bắc Kạn đã tạo nên một món ăn ngon. Tuy không thể sánh với “Nem công, chả phượng” nhưng bánh cooc mò ở Bắc Kạn xứng đáng có tên trong danh sách những đặc sản không thể bỏ qua khi tới đây.

Bánh ngải Bắc Kạn – Bắc Kạn

Đến với Bắc Kạn bạn đừng quên thưởng thức món bánh lá ngải vô cùng độc đáo của người Tày. Bánh nhỏ xinh, thơm ngon, ngọt ngào vị nếp nương khiến du khách vấn vương mãi không thôi.

ăn gì khi đến bắc kạn?

Bánh ngải Bắc Kạn – Bắc Kạn

Cách làm bánh ngải tuy không khó nhưng đòi hỏi người làm sự khéo léo và cẩn thận. Muốn bánh thơm ngon phải chọn loại nếp hương tốt. Lá ngải phải tươi xanh và sạch tự nhiên. Người làm phải xử lý tốt mùi hăng của lá ngải như vậy bánh mới thơm và không bị đắng.

Lá ngải sẽ được đun trong nước tro bếp từ 2 đến 3 giờ. Tro bếp phải là tro sạch từ nứa hoặc tre. Sau khi đun xong thì đổ lá ngải ra ngoài và rửa thật sạch. Sau đó bỏ gân lá, cuống lá rồi vắt kiệt nước thành từng nắm vừa lòng bàn tay.

Gạo nếp phải được ngâm từ 6-7 tiếng sau đó đem đi đồ xôi chín. Xôi vừa chính thì phải đem đi giã nát ngay lúc còn nóng cùng nắm lá ngải. Giã đến khi xôi trở thành bột dẻo mịn là có thể dùng để làm bánh.

ăn gì khi đến bắc kạn?

Bánh ngải Bắc Kạn – Bắc Kạn

Nhân bánh ngải đặc sản thường được làm từ đường phên đun chảy trộn cùng vừng đen rang chín. Nhân bánh phải pha thật vừa vị, không quá ngọt cũng không quá nhạt. Nhân chính là bí quyết tạo nên hương vị khác biệt của chiếc bánh xứ Bắc Kạn.

Vị hăng hăng, thơm thơm, là lạ của lá ngải như dung hòa cái dẻo, cái ngọt của nếp, của đường. Miếng bánh có sự tươi non của đồi nương, cái hoang dã của lá rừng. Đây là món bánh thơm thảo của người Tày ở Bắc Kạn, bởi thế nếu có cơ hội du lịch đến đây bạn nhất định đừng bỏ lỡ món ăn này.

Bánh trứng kiến – Bắc Kạn

Nhắc tới trứng kiến, ít ai có thể nghĩ đó là nguyên liệu để chế biến món ăn, bởi không dễ dàng để thu lượm được trứng kiến cũng như không phải ai cũng dám thử món ăn đặc biệt này. Nhưng nếu ai có dịp tới thăm Bắc Kạn từ tháng 3 tới tháng 5 âm lịch – mùa kiến sinh sản, và thưởng thức món bánh trứng kiến của bà con người Tày thì người đó đã được gặp được một điều may mắn lớn.

ăn gì khi đến bắc kạn?

Bánh trứng kiến – Bắc Kạn

Bánh trứng kiến là một trong những món bánh độc đáo của người Tày vùng núi Đông Bắc nước ta, mạn Bắc Kạn, Cao Bằng. Nguyên liệu chính để làm nên món bánh này chính là trứng kiến. Loại bánh này thường chỉ được làm vào khoảng thời gian nhất định cuối tháng 4 và tháng 5 hằng năm bởi đây là thời gian sinh trưởng mạnh nhất của loài kiến đen rừng.

Đúng như tên gọi, nguyên liệu chính để làm bánh trứng kiến chính là trứng non của kiến làm nhân bánh, bột nếp nương và lá non của cây vả bọc bên ngoài (một loại cây quen thuộc ở vùng núi cao phía Bắc). Để có được trứng kiến non, người ta phải lên rừng tìm ổ những loại kiến lành như kiến đen thân nhỏ, đuôi nhọn, thường làm tổ trên các loại cây như vầu, nứa hay găng. Trứng kiến thường to bằng hạt gạo, có màu trắng sữa, thân mẩy và tròn.

Bánh trứng kiến – Bắc Kạn

Trứng kiến sau khi rửa sạch sẽ được bắc lên chảo phi với hành khô. Muốn nhân ngon hơn người ta còn cho thêm một ít thịt lợn băm, lạc rang rã nhỏ và một ít lá kiệu thái nhỏ trộn thêm. Phần củ kiệu cũng thái nhỏ, phi chảo thơm rồi cho trứng kiến vào đảo cùng cho đến khi chín thì bắc xuống.

Phần bánh được làm từ gạo nếp nương, hạt to và dẻo, đãi sạch rồi ngâm với nước lạnh qua đêm, sau đó để ráo nước, xay thành bột và nhào nặn với nước. Sau khi nhào nặn cho bột thật dẻo và mịn, bột nếp sẽ được cán mỏng cỡ nửa phân, to hình vuông cỡ bằng bàn tay, rồi ốp miếng bột nếp đó vào một chiếc lá vả, rắc nhân lên mặt bột bánh, cuối cùng là ốp miếng lá vả tiếp theo lên bề mặt nhân bánh đó, gói lá sao cho phần bánh và nhân được bọc trọn vẹn không bị hở ra bên ngoài. Bánh được hấp cách thủy khoảng 45 đến 50 phút là chín.

Bánh trứng kiến – Bắc Kạn

Theo bà con người Tày đối với bánh trứng kiến không thể thay lá vả bằng loại lá khác. Khi ăn cũng đừng tìm cách bóc tách lớp lá vả non bên trong đi bởi phải ăn cả lớp lá này thì bánh mới bùi và ngon hơn rất nhiều, mà có muốn bóc cũng rất khó bởi lá vả non sau khi được hấp chín đã dính chặt vào bánh.

Bánh trứng kiến là một trong những món ẩm thực mang giá trị văn hoá của đồng bào dân tộc Tày. Ăn miếng bánh trứng kiến có đủ hương vị của rừng, đồng quê, đậm đà của muối biển, hơn thế người thưởng thức còn thấy hết mọi vị béo bùi, thơm ngon của bánh mà ít có thứ bánh khác ngon bằng.  Nếu có dịp đến với Bắc Kạn hay Cao Bằng vào khoảng thời gian tháng 4 và tháng 5, đừng quên thử một lần thưởng thức món bánh kỳ lạ mà rất thú vị này.

Đăng bởi: Đoàn Văn Ngọc

YOLO! Khám phá các huyện ở Bắc Kạn

ALONGWALKER Singapore: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Philippines: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Indonesia: Saluran untuk mengeksplorasi pengalaman para pemuda global ALONGWALKER Malaysia: Saluran untuk menjelajahi pengalaman global belia ALONGWALKER Japan: 発見・体験、日本旅行に関する記事 ALONGWALKER Thailand: ช่องทางในการสำรวจประสบการณ์ของเยาวชนระดับโลก