Bắc Kạn Lễ Hội

Bắc Kạn có lễ hội gì?

Bắc Kạn thuộc vùng Đông Bắc Việt Nam nổi tiếng với thắng cảnh hồ Ba Bể, nơi đây đậm đà bản sắc dân tộc miền núi với các dân tộc như Tày, Nùng, Mông, Dao, Hoa, Sán Chay, Kinh. Bắc Kạn có lễ hội gì? Nếu bạn đang có dự định du lịch Bắc Kạn thì hãy xem bài viết dưới đây để không bỏ lỡ những lễ hội đặc sắc tại nơi này nhé.

Hội chợ tình Xuân Dương – Bắc Kạn

“Đến hẹn lại lên”, cứ vào dịp 25-3 (âm lịch) hằng năm, Chợ tình Xuân Dương – nét văn hóa truyền thống của nhân dân các dân tộc huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của đồng bào các dân tộc nơi đây và thu hút sự viếng thăm của nhiều du khách thập phương.

bắc kạn có lễ hội gì?

Hội chợ tình Xuân Dương – Bắc Kạn

Đến với Chợ tình Xuân Dương năm nay, ngày 29-4 không chỉ là nam thanh, nữ tú từ khắp các bản làng trong huyện mà bà con vùng lân cận của tỉnh Lạng Sơn, Thái Nguyên… cũng tưng bừng về dự hội. Chợ tình năm nay được tổ chức vào dịp nghỉ lễ nên thu hút đông đảo người dân tham gia.

Phiên chợ đặc biệt chỉ diễn ra vào một ngày duy nhất trong năm nên từ sáng sớm, trên khắp mọi nẻo đường của núi rừng đã thấp thoáng bóng người tìm đến hội. Đồng bào các dân tộc từ các bản làng lặn lội tới đây không phải để mong chờ sẽ bán hay mua được thứ hàng hóa cần thiết cho mình nhưng ai cũng náo nức trong lòng.

Người đến với ngày hội Chợ tình Xuân Dương sẽ được thưởng thức những món ăn đặc sắc của người vùng cao như cơm lam, lợn quay, thịt treo, bánh ngô…, được chiêm ngưỡng nét đẹp từ các bộ trang phục của đồng bào dân tộc. Chợ còn nhộn nhịp với những sinh hoạt văn hóa đậm chất dân gian như: Múa khèn, hát sli, hát lượn, các trò chơi bịt mắt đánh trống, đi cà kheo…

bắc kạn có lễ hội gì?

Hội chợ tình Xuân Dương – Bắc Kạn

Chợ tình Xuân Dương đã trở thành một nét đẹp văn hóa, truyền thống, có ý nghĩa nhân văn, một điểm đến hấp dẫn mà khi đến Bắc Kạn chúng ta không thể không nhắc đến. Qua nhiều năm, xã hội phát triển đi lên, cuộc sống của người dân nơi đây cũng có nhiều thay đổi, nhưng chợ tình Xuân Dương vẫn luôn tồn tại và mang trong mình sức hút đặc biệt, sức hấp dẫn khó tả. Dẫu đến một lần, nhưng chợ tình Xuân Dương sẽ mang đến cho du khách những cảm xúc mới lạ, những dư âm đặc biệt khó quên.

Hội xuân Ba Bể – Bắc Kạn

Hội xuân Ba Bể được tổ chức vào ngày mùng 9 và 10 tháng giêng âm lịch hàng năm. Ðua thuyền, ném Còn, đấu vật, bắn cung và biểu diễn múa, hát truyền thống của các dân tộc được tổ chức trong suốt thời gian diễn ra lễ hội. Lễ hội cũng giúp cho khách thập phương hiểu thêm về con người và truyền thống văn hoá nơi đây.

bắc kạn có lễ hội gì?

Hội xuân Ba Bể – Bắc Kạn

Vào ngày hội này, mỗi xã, mỗi thị trấn đều dựng trại và bày bán đủ thứ đặc sản của địa phương mình như vải thổ cẩm, quần áo dân tộc, nấm hương, mộc nhĩ, mật ong, rượu ngô, măng khô và cả khoai, sắn, bí ngô, đỗ mèo cũng được bày bán. Đồng thời, đến với hội xuân, bạn còn được lắng nghe các nghệ nhân biểu diễn hát Then, múa Khèn và thưởng thức bánh phồng, cơm lam và mua về cho mình những món quà lưu niệm mang đậm chất văn hóa nơi đây.

Lễ hội xuân Ba Bể gồm có phần lễ với phần hội mang tính nghi lễ nông nghiệp xa xưa, cầu chúc cho một mùa màng bội thu. Lễ hội chính thức khai mạc vào sáng ngày mùng 10 âm lịch. Mở đầu là phần lễ với nghi thức rước cỗ, dâng lễ của 16 xã, thị trấn thuộc huyện Ba Bể. Lễ vật có xôi, gà, nải chuối, bánh khảo và chai rượu ngô.

Ở phần hội có các chương trình múa lân, đua thuyền, ném còn, đấu vật, thi giã bánh giầy … Và trong hội còn có nhiều trò chơi dân gian quen thuộc như bịt mắt bắt dê, kéo co, chọi bò, đẩy gậy, đi guốc mộc…

bắc kạn có lễ hội gì?

Hội xuân Ba Bể – Bắc Kạn

Đến với lễ hội xuân Ba Bể, du khách có thể đi du lịch ngắm cảnh hồ bằng thuyền, thả mình giữa thiên nhiên tươi đẹp. Mặc dù chỉ diễn ra trong thời gian ngắn nhưng lễ hội này đã thu hút hàng vạn khách tới tham dự. Đến với lễ hội xuân, du khách còn được trải nghiệm các khu du lịch nổi tiếng nơi đây như vườn quốc gia Ba Bể, làng Văn hóa Pác Ngòi, Bò Lù, hồ Ba Bể, Động Hua Mạ… Không chỉ có cảnh quan đặc sắc mà du khách còn được tham gia và các trò chơi dân gian truyền thống của các dân tộc. Lễ hội xuân Ba Bể giúp thúc đẩy nền du lịch và nền kinh tế của tỉnh Bắc Kạn.

Lễ hội đã trở thành nhu cầu không thể thiếu trong đời sống của người dân nơi đây. Mỗi năm lễ hội càng thêm đa dạng nhưng nét văn hóa truyền thống dân tộc vẫn đảm bảo giữ gìn bản sắc. Lễ hội xuân Ba Bể đã trở thành nơi giao lưu, gặp gỡ và vui chơi của du khách thập phương.

Lễ hội Lồng Tồng – Bắc Kạn

Mùa xuân là mùa của lễ hội. Những ngày đầu xuân hàng năm, một số địa phương thường tổ chức các lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, mang những nét đẹp đặc trưng riêng để cầu mong cho con người có sức khỏe, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, bội thu. Lễ hội Lồng tồng bản Pjoo – xã Lam Sơn, huyện Na Rỳ là một trong những lễ hội như vậy.

bắc kạn có lễ hội gì?

Lễ hội Lồng Tồng – Bắc Kạn

Hàng năm, cứ đến ngày mồng 7 tháng Giêng, bà con lại nô nức đến với Lễ hội Lồng tồng bản Pjoo – xã Lam Sơn. Ngay từ sáng sớm mồng 7, nhân dân trong xã và nhiều du khách gần xa đã nô nức đến với Lễ hội và cùng nhau dâng cỗ, thắp hương cầu lộc. Mâm cỗ cúng có đủ thành phần như: Xôi, thịt gà, bánh kẹo, hoa quả… được dâng lên thần núi, thần sông cùng những nén hương thơm bày tỏ lòng thành kính, cầu mong cho con người sức khỏe, con trâu, con lợn béo tốt, mùa màng bội thu; nhân dân ấm no, hạnh phúc.

bắc kạn có lễ hội gì?

Lễ hội Lồng Tồng – Bắc Kạn

Đến với Lễ hội Lồng Tồng còn có nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao mang đậm bản sắc dân tộc ở địa phương đó là hát sli, lượn, hát then, tung còn, múa lân, đẩy gậy, tung vòng cổ vịt, bịt mắt bắt dê, nhảy bao bố, đi cầu khỉ, đánh đu, kéo co, cờ tướng… Điều ấn tượng là các hoạt động được đông đảo bà con các dân tộc tham gia, tạo không khí vui tươi, tràn đầy tinh thần lạc quan về một năm mùa màng bội thu và lao động sản xuất thuận lợi.

Nét độc đáo của hội Lồng tồng Ba Bể là bà con đi hội không chỉ để chơi, mà còn để bán những nông sản do nhà mình tự làm ra, khiến hội Lồng tồng còn có mầu sắc của hội chợ nông sản.Lễ hội Lồng tồng Ba Bể thực sự là một lễ hội dân gian, giàu bản sắc, đa dạng trong hình thức hoạt động tạo nên sức hút với du khách thập phương về miền đất này.

Hội xuân Phủ Thông – Bắc Kạn

Đến hẹn lại lên, hàng năm hàng nghìn người lại đổ về thị trấn Phủ Thông (huyện Bạch Thông) tham dự Hội xuân thị trấn Phủ Thông. Đây là lễ hội truyền thống mang đậm nét văn hoá được tổ chức vào ngày 10 tháng Giêng hằng năm với ý nghĩa cầu cho một năm mới an lành, mùa màng tươi tốt, vạn vật sinh sôi nảy nở, đời sống của người dân được ấm.

bắc kạn có lễ hội gì?

Hội xuân Phủ Thông – Bắc Kạn

Ngày diễn ra lễ hội, ngay từ sáng sớm, trên khắp các nẻo đường dẫn về thị trấn Phủ Thông, từng dòng người nô nức kéo nhau đi trẩy hội, những bé trai bé gái xúng xính áo quần đủ màu sắc, đôi má hây hây hồng nắm tay mẹ, háo hức ngắm nhìn những quả bóng bay xanh đỏ.

Phần lễ được diễn ra trong không khí trang nghiêm của lễ dâng hương tại đài tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ Phủ Thông, để tỏ lòng biết ơn những người con anh hùng của dân tộc, và cũng là cầu chúc một năm mưa thuận gió hoà, lao động sản xuất gặp nhiều may mắn.

bắc kạn có lễ hội gì?

Hội xuân Phủ Thông – Bắc Kạn

Phần hội thu hút được sự tham gia của đông đảo du khách, với các trò chơi mang đậm tính dân gian như tung còn, đẩy gậy, kéo co…bên cạnh đó một số môn thể thao hiện đại như bóng chuyền, trò chơi “hái hoa dân chủ” cũng mang lại không khí tươi vui, ấm áp cho lễ hội

Lễ hội xuân Phủ Thông là nơi để các địa phương trong khu vực và các vùng phụ cận giao lưu những màu sắc văn hóa riêng góp phần gìn giữ những nét đẹp cổ truyền của dân tộc. Hơn thế, qua các hoạt động văn hóa trong lễ hội đây là dịp quảng bá các tiềm năng về du lịch, văn hóa, lịch sử trên địa bàn. Tham gia lễ hội du khách sẽ có được những trải nghiệm thú vị khó quên, được hòa mình vào với không khí vui tươi của lễ hội, đây sẽ là một kỷ niệm đáng nhớ của du khách khi đi du lịch Bắc Kạn.

Tết Đắp Nọi – Bắc Kạn

Vào ngày 30 tháng Giêng hàng năm, đồng bào Tày, Nùng ở Bắc Kạn tổ chức Tết “Đắp nọi” (Đắp nọi nghĩa là ăn tết lại). Theo phong tục truyền thống xưa, người Tày thường đi chơi hết tháng Giêng, từ nhà này đến nhà khác, bản này đến bản khác. Sau đó quay lại nhà mình “ăn tết lại” để đánh dấu kết thúc tháng ăn tết, kết thúc cuộc vui, bắt đầu vào một mùa lao động mới.

bắc kạn có lễ hội gì?

Tết Đắp Nọi – Bắc Kạn

Những ngày này các gia đình người Tày thường nấu rượu, gói bánh chưng, mổ gà, đồ xôi… làm mâm cỗ cúng tổ tiên, sau đó làm bánh trôi, bánh khúc (gọi là pẻng khúa, loại bánh làm bằng bột nếp trộn với lá rau khúc hái ở ruộng cạn rồi cho vào chảo mỡ rang lên). Ngoài ra còn làm thêm bánh rán, bánh lá ngải…

bắc kạn có lễ hội gì?

Tết Đắp Nọi – Bắc Kạn

Hiện nay, hầu hết các gia đình người Tày ở Bắc Kạn đều tổ chức tết này. Nhưng trước đó, các gia đình đã bước vào sản xuất từ mùng 4, mùng 5 Tết. Riêng các lễ hội tổ chức đến mùng 10 tháng Giêng.

Tết “Đắp Nọi” được tổ chức là dịp gặp gỡ giao lưu của các gia đình, dòng họ đồng thời có ý nghĩa nhắc nhở mọi người cùng phấn đấu lao động, sản xuất cần cù trong vụ mùa mới, con cháu chăm học tập, lao động.

Tết Rằm Tháng Bảy Của Người Tày – Bắc Kạn

Cùng với ngày Xá tội vong nhân (Tết Vu Lan) của người Kinh, Tết Rằm tháng bảy của người dân tộc Tày ngoài ý nghĩa thờ cúng tổ tiên, cúng các vong hồn còn là dịp để gia đình, dòng họ xum họp, con cái thể hiện lòng biết ơn, tình cảm và lòng hiếu thuận đối với cha mẹ.

bắc kạn có lễ hội gì?

Tết Rằm Tháng Bảy Của Người Tày – Bắc Kạn

Cứ đến tháng bảy âm lịch hàng năm, đồng bào Tày ở khắp các bản làng của Bắc Kạn lại rậm rịch chuẩn bị cho cái tết lớn thứ hai sau tết Nguyên Đán: Tết Rằm tháng bảy (đồng bào gọi là Tết Slip slí).

Vào những ngày này, đồng bào dân tộc Tày thường gác lại các công việc khác, tất cả dồn vào chuẩn bị cho ngày tết. Phiên chợ ngày trước tết cũng náo nhiệt hơn với các mặt hàng đặc trưng như: Lá bánh, đỗ xanh, củ chuối rừng…và một món ăn không thể thiếu đối với người Tày trong rằm tháng bảy đó là thịt Vịt.

Theo tục lệ, cứ đến rằm tháng bảy, người Tày ở Bắc Kạn sẽ làm bánh “Pẻng Tải”, bánh chưng nhân cá lá gừng, làm bún tươi, thịt vịt…để thờ cúng tổ tiên, cúng các vong hồn, cầu chúc sức khỏe, an lành đến với tất cả các thành viên trong gia đình, dòng họ.

bắc kạn có lễ hội gì?

Tết Rằm Tháng Bảy Của Người Tày – Bắc Kạn

Rằm tháng bảy, người Tày còn làm thêm bánh chưng (còn gọi là Pẻng Hó). Bánh Chưng được gói bằng lá dong rừng, với nhân cá chép, lá gừng tươi. Ngoài Pẻng Tải, Pẻng Hó, làm bún…, Tết Rằm tháng bảy, người Tày thường ăn thịt Vịt. Những con vịt ngon, béo nhất đàn sẽ được thịt để cúng tổ tiên, cúng thổ địa… để cầu chúc những điều may mắn, tốt đẹp cho gia đình.

Cũng trong những ngày này, người dân tộc Tày có phong tục: Con rể của gia đình sẽ đem biếu bố mẹ vợ một đôi vịt để tỏ lòng biết ơn, kính trọng và hiếu thuận, cảm ơn công dưỡng dục vợ mình. Ngày 14, 15 tháng bảy, đại gia đình sẽ quây quần cùng nhau ăn bữa cơm sum họp. Đây là một nét văn hóa đặc sắc của người Tày, thể hiện tình cảm yêu thương, gắn bó và lòng hiếu thuận của con cái đối với cha mẹ.

bắc kạn có lễ hội gì?

Tết Rằm Tháng Bảy Của Người Tày – Bắc Kạn

Đến với các bản làng người Tày ở Bắc Kạn trong những ngày rằm tháng bảy này, khách thập phương sẽ được hòa mình trong không khí đầm ấm, vui vẻ nhưng trang trọng của bà con dân tộc nơi đây. Khách sẽ cùng ngồi ăn những món ăn của vùng núi rừng Bắc Kạn với măng nhồi thịt, trám kho cá, thịt vịt xào măng…

Qua thời gian, tục lệ ăn Tết Rằm tháng bảy của người Tày Bắc Kạn vẫn giữ nguyên được những nét truyền thống từ ngàn xưa. Đây là một trong những nét văn hóa đặc sắc của người Tày cần được gìn giữ, bảo tồn và phát triển.

“Bắc Kạn có lễ hội gì?“ Ở bài viết trên là những lễ hội đặc sắc không thể bỏ qua ở Bắc Kạn thu hút đông đảo du khách đến tham gia. Nếu đi du lịch Bắc Kạn vào đúng thời điểm diễn ra những lễ hội, các bạn nhớ đừng quên tham gia những lễ hội đặc sắc, hấp dẫn này nhé!

Đăng bởi: Lý Đạt Official

YOLO! Khám phá các huyện ở Bắc Kạn

ALONGWALKER Singapore: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Philippines: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Indonesia: Saluran untuk mengeksplorasi pengalaman para pemuda global ALONGWALKER Malaysia: Saluran untuk menjelajahi pengalaman global belia ALONGWALKER Japan: 発見・体験、日本旅行に関する記事 ALONGWALKER Thailand: ช่องทางในการสำรวจประสบการณ์ของเยาวชนระดับโลก