Bắc Kạn Văn Hóa

Bắc Kạn: Miền đất truyền thống lịch sử – văn hóa lâu đời

Bắc Kạn là tỉnh vùng cao, nằm ở tọa độ 22 độ 40’30’’ đến 24 độ 48 phút 28’’ độ kinh Đông, phía Bắc giáp tỉnh Cao Bằng, phía Tây Bắc giáp tỉnh Thái Nguyên, phía Đông và Đông Bắc giáp tỉnh Lạng Sơn. Toàn tỉnh có diện tích tự nhiên 4.795,54 km2.

Phần lớn diện tích của tỉnh là rừng núi, nửa phần phía tây của tỉnh có rặng núi Phja Bioóc (núi Cứu Quốc) chạy suốt từ Bắc xuống Nam, có độ cao trung bình là 1.000 mét, ngọn cao nhất tới 1.500 mét. Ở phía Tây Bắc và Đông Nam tỉnh có hai ngọn núi là Phia Dạ cao 1.980 mét và Phia Ngoàm cao 1.190 mét. Ở phía Đông Nam tỉnh, phần đất thuộc huyện Na Rỳ có dãy núi đá vôi chiếm khoảng 200 km2, trong núi đá có nhiều hang động có sức chứa lớn. Xen giữa những dãy núi là các thu lũng, ruộng bậc thang khá phì nhiêu, nhưng nhỏ hẹp. Trên địa bàn tỉnh có Quốc lộ 3 chạy dọc từ Nam lên Bắc, đây là con đường huyết mạch chính, có giá trị chiến lược quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội, xây dựng quốc phòng – an ninh của tỉnh.

Miền đất có truyền thống lịch sử cách mạng lâu đời

Theo các nguồn sử liệu từ xa xưa, thời các vua Hùng, vùng đất Bắc Kạn thuộc bộ Vũ Định, một trong 15 Bộ của nước Văn Lang. Thời Bắc thuộc, từ thế kỷ thứ II trước Công nguyên đến gần giữa thế kỷ thứ X sau Công nguyên, dưới ách đô hộ của các triều đại phong kiến phương Bắc, vùng đất Bắc Kạn lúc nằm trong quận Giao Chỉ, thuộc Giao Chỉ Bộ…, lúc nằm trong châu Vũ Nga và Châu Long thuộc đất An Nam đô hộ phủ (thế kỷ thứ X).

Từ giữa thế kỷ thứ X, ông cha ta đã khôi phục lại được nền độc lập tự chủ của đất nước đồng thời thay đổi lại các đơn vị hành chính trong cả nước thành các đạo, lộ, trấn, châu… Đời nhà Lý, đất Bắc Kạn thuộc châu Thái Nguyên và châu Vũ Lặc. Năm 1397, Bắc Kạn thuộc trấn Thái Nguyên. Từ khoảng giữa niên hiệu Hồng Đức (1470 – 1497) trở đi, Bắc Kạn được gọi là phủ Thông Hóa, thuộc trấn Thái Nguyên (sau đổi là tỉnh Thái Nguyên).

Năm 1858, thực dân Pháp xâm lược nước ta, sau khi chúng hoàn tất việc chiếm đóng và đặt ách cai trị lên phạm vi cả nước, ngày 11/4/1900, thực dân Pháp cắt phủ Thông Hóa, bao gồm châu Bạch Thông và huyện Cảm Hóa (nay là huyện Na Rỳ) khỏi tỉnh Thái Nguyên để thành lập tỉnh Bắc Kạn. Ngày 25/6/1901, thực dân Pháp cắt tiếp tổng Yên Đĩnh khỏi huyện Phú Lương, Phủ Tông Hóa sáp nhập về châu Bạch Thông. Đến thời kỳ này, tỉnh Bắc Kạn có 5 châu: Bạch Thông, Chợ Rã, Ngân Sơn, Na Rỳ, Chợ Đồn bao gồm 20 tổng, 105 xã với tổng số dân khoảng 36.000 người.

đàn tính bắc kạn, nền văn hóa phong phú, văn hóa, bắc kạn: miền đất truyền thống lịch sử – văn hóa lâu đời

Bắc Kạn là tỉnh có vị trí chiến lược quan trọng về chính trị – kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh trong khu vực Việt Bắc. Nơi đây đã từng là trung tâm của căn cứ địa cách mạng trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam mà trực tiếp là Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn, đồng thời được nhân dân hết lòng thương yêu, đùm bọc và nuôi dưỡng, LLVT nhân dân Bắc Kạn đã ra đời, từng bước phát triển và trưởng thành.

Chặng đường lịch sử hơn nửa thế kỷ qua, Bắc Kạn luôn giữ vững và phát huy truyền thống cách mạng của quê hương, của dân tộc, vượt qua muôn vàn khó khăn gian khổ, hy sinh hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc, tô thắm thêm truyền thống yêu nước, ý chí kiên cường bất khuất, quyết chiến, quyết thắng của quân đội, của dân tộc. Trong kháng chiến chống Pháp, Bắc Kạn với vị trí chiến lược về an ninh quốc phòng cùng với các tỉnh trong khu vực Việt Bắc đã trở thành “Thủ đô kháng chiến”; phối hợp tác chiến mạnh mẽ, làm nên những chiến thắng oai hùng, gắn với những chiến công vang dội như Phủ Thông, Đèo Giàng… Cuộc chiến đấu kiên cường của quân và dân ta buộc thực dân Pháp phải rút chạy, Bắc Kạn được giải phóng. Sau ngày được giải phóng (tháng 8 năm 1949), lực lượng vũ trang Bắc Kạn được củng cố và xây dựng vững mạnh, sẵn sàng chiến đấu, chi viện cho tiền tuyến, góp phần vào công cuộc giải phóng đất nước.

Với mục đích phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng quốc phòng an ninh của đất nước và khu vực Việt Bắc, ngày 21/4/1965, Quốc hội nước ViệtNamdân chủ cộng hòa quyết định hợp nhất hai tỉnh Bắc Kạn – Thái Nguyên thành tỉnh Bắc Thái. Ngày 29/12/1978, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quyết định tách hai huyện Ngân Sơn, Chợ Rã khỏi tỉnh Bắc Thái, sáp nhập vào tỉnh Cao Bằng. Ngày 1/1/1997, tỉnh Bắc Kạn được tái lập bao gồm 5 huyện: Bạch Thông, Ba Bể, Ngân Sơn, Na Rỳ, Chợ Đồn và thị xã Bắc Kạn. Ngày 06/7/1998, Chính phủ ra Nghị định số 46/1998 NĐ-CP thành lập thêm huyện Chợ Mới, gồm 15 xã và một thị trấn ở phía Nam huyện Bạch Thông.

Nền văn hóa phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc

Bắc Kạn có nhiều dân tộc anh em cùng chung sống từ lâu đời. Trong đó dân tộc Tày chiếm số đông, tiếp đến là các dân tộc Nùng, Kinh, Dao, Hoa, Mông, Cao Lan, Sán Chí… Đồng bào Tày, Nùng, Kinh, Hoa thường sống tập trung thành làng, bản ở những vùng đồi thấp, ven trục đường chính và các huyện lỵ, tỉnh lỵ. Đồng bào Dao, Mông, Cao Lan, Sán Chí… thường sống phân tán ở những vùng núi cao. Miền đất này là nơi tinh hoa văn hóa nhiều dân tộc cùng tụ hội, làm nên bản sắc văn hóa đậm đà, riêng biệt của một tỉnh miền núi vùng cao.

Nét nổi bật phải kể đến trong nền văn hóa của Bắc Kạn là nghệ thuật Hát then, đàn tính. Theo quan niệm dân gian, Then có nghĩa là Thiên, Thiên tức là “Trời”, vì vậy then được coi là điệu hát của thần tiên truyền lại. Trong đời sống của người Tày cổ, then được dùng trong những sự kiện trọng đại lễ cầu an, cầu mùa, cấp sắc…. thông qua làn điệu then lời cầu nguyện của người dân được chuyển đến nhà trời.

Đàn tính là loại nhạc cụ dân gian độc đáo của người Tày có âm thanh mượt mà, ấm áp, có sức cuốn hút, hấp dẫn kỳ diệu bởi nó gắn liền với văn hoá, đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc Tày từ bao đời nay. Hộp đàn được làm từ vỏ bầu khô, mặt đàn làm từ thân cây vông, cán bằng cây dâu tằm.

Bắc Kạn là một trong những tỉnh nghệ thuật hát then, đàn tính được bảo tồn và phát triển. Di sản then đang được xây dựng hồ sơ đệ trình lên UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

đàn tính bắc kạn, nền văn hóa phong phú, văn hóa, bắc kạn: miền đất truyền thống lịch sử – văn hóa lâu đời

Bắc Kạn còn là miền đất của các lễ hội lồng tồng truyền thống. Đây là hoạt động văn hóa, tín ngưỡng được tổ chức vào dịp đầu năm mới, để cúng tế Thần Nông – vị thần cai quản ruộng đồng, với mong muốn mùa màng bội thu, đời sống sung túc, bản làng ấm no, cầu sức khỏe và hạnh phúc cho mọi người dân trong thôn bản. Ở mỗi địa phương, lễ hội lồng tồng lại có những nét đặc trưng riêng. Tiêu biểu như:

Hội Xuân Ba Bể được tổ chức vào ngày mùng 10 tháng giêng âm lịch hàng năm tại Bản Bó Lù, xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể. Hội xuân Ba Bể là lễ hội đầu năm của đồng bào các dân tộc vùng hồ Ba Bể, gồm 2 phần lễ và hội. Phần lễ được tổ chức cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no hạnh phúc. Phần hội gồm các chương trình văn nghệ dân gian hát then đàn tính, múa khèn…; các trò chơi dân gian như: Kéo co, đẩy gậy, tung còn, bắt vịt trên hồ, đua thuyền độc mộc, chọi bò, đấu võ dân tộc…. Hội xuân Ba Bể hàng năm đã thu hút hàng vạn lượt khách trong và ngoài nước đến tham dự.

Lễ hội lồng tồng Bằng Vân, huyện Ngân Sơn được tổ chức tại xã Bằng Vân vào ngày 15 tháng giêng âm lịch hàng năm. Bên cạnh phần lễ đặc sắc với các mâm cỗ dâng lên thần linh, phần hội được tổ chức sôi nổi với các trò chơi dân gian như: Kéo co, tung còn, đẩy gậy, đi cầu thăng bằng, bịt mắt bắt dê; hát đối đáp giao duyên shi, lượn (Tày, Nùng), Páo dung (Dao) Lễ hội lồng tồng Bằng Vân là lễ hội của vùng miền, thu hút rất đông người dân trong khu vực và du khách tham gia.

đàn tính bắc kạn, nền văn hóa phong phú, văn hóa, bắc kạn: miền đất truyền thống lịch sử – văn hóa lâu đời

Bên cạnh đó còn có Hội Lồng Tồng xã Lam Sơn, huyện Na Rỳ được tổ chức vào ngày 7 tháng giêng hàng năm, thu hút đông đảo du khách thập phương.

Chợ phiên cũng là nét sinh hoạt văn hóa độc đáo, không thể thiếu trong đời sống người dân vùng cao Bắc Kạn. Chợ không chỉ là nơi để trao đổi, mua bán hàng hóa mà còn là nơi gặp gỡ, trò chuyện và giao lưu văn hóa của bà con nơi đây. Chợ phiên họp 5 ngày một phiên theo ngày âm lịch và được tổ chức xen kẽ, luân phiên ở trung tâm huyện lỵ, trung tâm xã, liên xã. Hàng hoá được bày bán ở chợ cũng rất đa dạng phong phú và chủ yếu là các sản vật của núi rừng hay những sản phẩm do chính người dân nơi đây làm r

Đến với chợ phiên, du khách sẽ được thoải mái ngắm nhìn, mua sắm những sản vật của núi rừng, thưởng thức chén rượu ngô thơm nồng và hoà mình cùng không khí đông vui nhộn nhịp của người dân vùng cao xuống chợ.

Chợ phiên không chỉ hấp dẫn đối với du khách trong nước, mà còn thu hút cả du khách nước ngoài.

***

Bắc Kạn tự hào là miền đất có truyền thống lịch sử – văn hóa lâu đời. Trong thời kỳ xây dựng và phát triển đất nước, đặc biệt từ khi tái lập tỉnh đến nay, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Bắc Kạn đã không ngừng phấn đấu vươn lên, khắc phục khó khăn, giành được nhiều thành tựu mới trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hoá – xã hội, đưa Bắc Kạn từng bước trưởng thành./.

Tác giả: Nguyễn Nga (tổng hợp – sưu tầm)

Đăng bởi: Văn Tuấn Nguyễn

YOLO! Khám phá các huyện ở Bắc Kạn

ALONGWALKER Singapore: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Philippines: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Indonesia: Saluran untuk mengeksplorasi pengalaman para pemuda global ALONGWALKER Malaysia: Saluran untuk menjelajahi pengalaman global belia ALONGWALKER Japan: 発見・体験、日本旅行に関する記事 ALONGWALKER Thailand: ช่องทางในการสำรวจประสบการณ์ของเยาวชนระดับโลก