Hà Nội Long Biên

Cầu Long Biên – "Chứng nhân lịch sử", văn hóa Hà Nội

Nhìn thoáng qua cầu Long Biên cũng giống như bao cây cầu khác. Nếu có khác hay chăng cũng chỉ khác ở vẻ ngoài cũ kỹ nhuốm màu thời gian. Vậy điều gì khiến cây cầu này trở thành biểu tượng, thành điểm đến tham quan du lịch mà không ai muốn bỏ qua trong hành trình đến với Hà Nội? Hãy cùng chúng tôi khám phá cầu Long Biên ngay sau đây để có được câu trả lời thỏa đáng nhất!

1. Cầu Long Biên nằm ở đâu?

Cầu Long Biên

Cầu Long Biên là cây cầu thép đầu tiên bắc qua sông Hồng. Trực thuộc quận Long Biên, cây cầu này nối liền 2 quận của thành phố Hà Nội là quận Long Biên và quận Hoàn Kiếm. Cầu Long Biên do Pháp xây dựng với tên gọi ban đầu là Dourmer. Tên gọi cầu Long Biên được đặt kể từ khi thủ đô Hà Nội được giải phóng và tồn tại cho đến ngày hôm nay. Ngày nay, cây cầu này là địa điểm du lịch Hà Nội được rất nhiều du khách nước ngoài ghé thăm và nhiều bạn trẻ đến check-in, chụp ảnh.

2. Cầu Long Biên được xây dựng khi nào?

Cầu Long Biên được xây dựng khi nào?

Được chính thức khởi công xây dựng vào ngày 12 tháng 9 năm 1898, Cầu Long Biên là cây cầu đầu tiên bắc qua sông Hồng do thực dân Pháp xây dựng. Với tổng vốn đầu tư 5,390,794 Franc Pháp cây cầu này là công trình lớn nhất Đông Dương thời bấy giờ.

Sau hơn 3 năm xây dựng, ngày 28 tháng 2 năm 1902 cầu Long Biên chính thức được khánh thành với tên gọi cầu Dourmer – tên của vị toàn quyền Đông Dương sở tại. Cây cầu Long Biên được kỳ vọng là công cụ phục vụ khai thác thuộc địa đắc lực của thực dân Pháp tại Việt Nam nói riêng và Đông Dương nói chung.

3. Kiến trúc cầu Long Biên

Cầu Long Biên là công trình tầm cỡ khu vực và thế giới thời bấy giờ. Cầu gồm 19 nhịp dầm thép dài đặt trên 20 trụ cao bề thế với tổng chiều dài là 2,290 mét. Ngoài ra còn có 896 mét đường xây bằng đá dẫn lên đầu cầu phía Tây. Khi được khánh thành, cầu Long Biên là cây cầu dài thứ hai trên thế giới chỉ sau cầu Brooklyn ở Mỹ.

Cầu Long Biên rộng 4,75 mét, được chia làm 3 phần đường chính. Hai bên là đường dành cho xe cơ giới và người đi bộ, ở giữa là đường sắt đơn dành cho xe lửa hoạt động. Đường hai bên bao gồm 2, 6 mét dành cho xe ô tô, xe máy, xe thô sơ và 0,4 mét ngoài cùng dành cho người đi bộ.

Cầu Long Biên được thiết kế và thi công bởi những công ty nổi tiếng hàng đầu tại Pháp nên đảm bảo được cả yếu tố kỹ thuật và nghệ thuật xây cầu hiện đại, tinh tế nhất. Toàn bộ thân cầu được làm bằng thép với kết cấu thép tầng tầng lớp lớp được thiết kế rất hài hòa ấn tượng. Nhìn từ xa cầu Long Biên giống như một con rồng khổng lồ uốn lượn vừa mềm mại vừa mạnh mẽ, hiên ngang.

4. Lịch sử thăng trầm cùng đất nước của cầu Long Biên

Không chỉ nổi tiếng bởi là cây cầu lâu năm và kiến trúc độc đáo, cầu Long Biên được người dân Hà thành nhắc tới như một nhân chứng lịch sử oai hùng của thủ đô. Là cây cầu đầu tiên bắc qua sông Hồng nên cầu Long Biên trở thành điểm giao thông quan trọng thúc đẩy giao thương đi lại và đẩy nhanh sự phát triển của cả khu vực nội ngoại thành Hà Nội và các khu vực lân cận lúc bấy giờ.

Với vai trò tuyến giao thông quan trọng lại đúng thời chiến tranh bom lửa, cầu Long Biên là trọng điểm vận chuyển, đánh phá, phải gánh chịu rất nhiều tàn phá khốc liệt. Cầu Long Biên đã từng bị nghiêng vì những dòng chiến xa thực dân Pháp điều quân tăng cường cho chiến dịch Điện Biên Phủ từ trong thành phố ra sân bay Gia Lâm. Năm 1954 cầu Long Biên là nơi đưa đón những đoàn quân chiến thắng ở chiến khu về giải phóng thủ đô và cũng là nơi đoàn quân viễn chinh Pháp rút khỏi Hà Nội.

Lịch sử thăng trầm cùng đất nước của cầu Long Biên

Trong chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ nhất (1965 – 1968) cầu Long Biên bị máy bay Mỹ ném bom 10 lần làm hỏng 7 nhịp cầu và 4 trụ lớn. Chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ hai năm 1972, cầu Long Biên bị ném bom 4 lần làm 2 trụ lớn bị cắt đứt và phá hỏng 1500 mét cầu.

Để bảo vệ cầu, Bộ đội phòng không và công binh Việt Nam đã bố trí các lực lượng vũ trang, xây dựng các chốt trực tác chiến, các trận địa phòng ngự và chống trả bắn phá giặc dũng cảm và quyết liệt. Vì thế mà cầu Long Biên còn là biểu tượng cho sức mạnh phi thường của Quân đội thủ đô nói riêng và Quân đội Cách mạng Việt Nam nói chung.

Hòa bình được lập lại cây cầu tuy không phải chịu bom rơi đạn lạc nữa nhưng lại phải oằn mình gánh sức nặng giao thương đi lại ngày càng lớn của sự phát triển không ngừng của thủ đô và đất nước cho tới khi chiếc cầu Chương Dương khánh thành. Do xuống cấp hiện nay cầu Long Biên chỉ phục vụ xe máy, xe đạp, người đi bộ và tàu hỏa.

5. Kinh nghiệm tham quan khám phá cầu Long Biên

Để giúp bạn có một hành trình tham quan khám phá cầu Long Biên trọn vẹn và ý nghĩa nhất chúng mình xin gợi ý một số kinh nghiệm sau:

5.1. Nên tham quan cầu Long Biên vào thời điểm nào?

Nên tham quan cầu Long Biên vào thời điểm nào?

Bình minh và hoàng hôn theo chúng tôi là hai thời điểm lý tưởng nhất mà bạn nên đến tham quan cầu Long Biên. Khi đến đây vào sáng sớm bạn sẽ được tận hưởng không khí trong lành, khoáng đạt, rộng mở đầu ngày, ngắm mặt trời lên từ phía xa cũng như chứng kiến những nhịp sống đầu tiên khởi đầu ngày mới của người dân thủ đô. Còn nếu đi vào lúc hoàng hôn bạn sẽ được ngắm khung cảnh xế chiều ấm áp, huyền ảo xa xăm cũng như sự hối hả trở về nhà đoàn tụ sum họp của người dân sau một ngày làm việc vất vả, thành phố bắt đầu lên đèn đầy màu sắc lung linh phồn hoa… Dù là thời điểm nào thì khung cảnh sông Hồng rộng mở, thơ mộng với những chiếc sà lan chầm chậm trôi kết hợp với vẻ đẹp nhuốm màu thời gian của cây cầu cũng sẽ khiến bạn có được những trải nghiệm vô cùng đặc biệt, sâu lắng.

5.2. Tham quan cầu Long Biên bằng phương tiện gì thích hợp nhất?

Tham quan cầu Long Biên tốt nhất là nên đi bộ hoặc đi bằng xe máy. Với hai loại phương tiện này bạn có thể dừng lại bất cứ đâu trên cầu hay xung quanh cầu, dưới chân cầu để ngắm, để thấy được mọi dấu tích, vẻ đẹp của cây cầu và cảnh vật xung quanh.

Cầu Long Biên là một đầu mối giao thông quan trọng khi xưa cũng là địa điểm nổi tiếng của Hà Nội nên tìm đường đi hay phương tiện đi tới đây rất dễ dàng. Theo chúng tôi tốt nhất bạn nên bắt taxi đến hoặc thuê xe máy để đi tham quan khám phá cầu Long Biên để có những trải nghiệm tốt nhất.

5.3. Tham quan những gì ở cầu Long Biên?

Tham quan dọc cây cầu Long Biên?

Khi đi tham quan cầu Long Biên bạn nhất định không nên bỏ qua những điểm sau:

    Tìm địa điểm ngắm toàn cảnh cây cầu: Bạn có thể đứng ở 2 bên đầu cầu hoặc phía dưới chân cầu để ngắm toàn cảnh cầu Long Biên để thấy được vẻ đẹp tổng thể trong thiết kế của nó.

    Tham quan dọc cây cầu: Hãy đi dọc cây cầu và tận mắt chứng kiến những phần khung thép rỉ màu, những nhịp cầu bị võng, những trụ cột bị lệch…Tất cả đều là những dấu tích của chiến tranh bom đạn minh chứng lịch sử oai hùng của dân tộc Việt Nam. Khi đi trên cầu cũng đừng quên để ý những ổ khóa tình yêu được các đôi lứa gửi gắm, hẹn hò, ước vọng nơi đây.

    Đứng trên cầu ngắm sông Hồng, ngắm thành phố, khung cảnh xung quanh: Đứng trên cầu Long Biên bạn có thể ngắm được cầu Chương Dương, sông Hồng và toàn cảnh thủ đô từ xa. Những con thuyền, sà lan xuôi ngược trên sông Hồng, những bãi bồi xanh ngát chuối, ngô, ổi hay rau màu gần gần xa xa sẽ khiến bạn có được cảm giác yên bình, dễ chịu lạ kỳ. Ngược lại những tòa nhà cao thấp xa xăm, những ánh đèn rực sáng của thành phố lại cho bạn cảm giác ấm cúng và mới mẻ, hiện đại.

    Ngắm và tham quan bãi đá sông Hồng: Từ cầu Long Biên bạn hãy hỏi để được hướng dẫn tới bãi đá sông Hồng. Đây là địa điểm thu hút rất nhiều du khách trong và ngoài nước vài năm trở lại đây bởi khung cảnh rộng lớn, thoáng đạt và đẹp mắt.

6. Gợi ý hành trình tham quan cầu Long Biên tốt nhất

Cầu Long Biên không quá xa khu phố cổ vì thế bạn có thể lập lịch trình tham quan 1 ngày Phố cổ – Cầu Long Biên – Hoàng thành Thăng Long xưa. Lịch trình này khá dày đặc bởi có nhiều điểm tham quan, mua sắm và ăn uống tuy nhiên lại rất hợp lý với những ai có ít thời gian ghé thăm thủ đô. Với lịch trình này tốt nhất bạn nên tham khảo kỹ lưỡng hoặc đặt theo tour du lịch lữ hành để có được trải nghiệm thuận tiện nhất!

Nếu có nhiều thời gian và muốn thư thái tận hưởng trọn vẹn mọi thứ bạn có thể dành nguyên 1 ngày để tham quan cầu Long Biên cũng như khám phá, vui chơi, chụp ảnh tại Bãi đá sông Hồng. Chuyến đi này sẽ rất thích hợp nếu bạn đi cùng người yêu hoặc nhóm bạn thân bởi khi đó bạn sẽ có nhiều thời gian dành cho nhau cũng như thư thái ngắm cảnh, thưởng thức ẩm thực đường phố của Hà Nội cũng như có được thật nhiều bức ảnh đẹp, hoạt động vui chơi cùng nhau.

Một lịch trình khác bạn có thể lựa chọn đó là tham quan cầu Long Biên sau đó đi tham quan một số địa điểm tham quan nổi tiếng ở quận Long Biên như chùa Phúc Xá, Phố Ngọc Lâm, làng văn hóa và du lịch Nắng sông Hồng, khu du lịch sinh thái Bảo Sơn hay trung tâm thương mại Aeon Mall…

Với người dân khu vực lân cận, cầu Long Biên là nơi đi về, nơi tập thể dục, nơi mua bán, nơi hóng mát, nơi hẹn hò hay chốn cưu mang cho những mảnh đời vô gia cư…Có thể ví cầu Long Biên như một Hà Nội thu nhỏ vừa nhộn nhịp vừa trầm lắng, sâu sắc.

Trải qua hơn 100 năm, Cầu Long Biên là cây cầu bắc qua 3 thế kỷ đã chứng kiến biết bao thăng trầm của chiến tranh cũng như sự phát triển trỗi dậy của Hà Nội. Đây là một trong những biểu tượng mang đậm dấu ấn lịch sử – văn hóa – xã hội của thủ đô. Nếu đến thăm Hà Nội hãy đừng quên ghé thăm và khám phá vẻ đẹp hằn dấu thời gian của cây cầu này bạn nhé!

Đăng bởi: Nguyễn Hoài Thu

YOLO! Khám phá các quận/huyện ở Hà Nội

ALONGWALKER Singapore: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Philippines: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Indonesia: Saluran untuk mengeksplorasi pengalaman para pemuda global ALONGWALKER Malaysia: Saluran untuk menjelajahi pengalaman global belia ALONGWALKER Japan: 発見・体験、日本旅行に関する記事 ALONGWALKER Thailand: ช่องทางในการสำรวจประสบการณ์ของเยาวชนระดับโลก