Điện Biên

Điện Biên có gì?

Điện Biên còn được gọi là Mường Thanh, phiên âm từ tiếng dân tộc Thái “Mường Then” nghĩa là “Xứ trời” xuất phát trong câu chuyện truyền thuyết của người Thái. Ngoài ra, nơi đây còn được biết đến là một điểm du lịch hấp dẫn với bề dày lịch sử, văn hoá hàng nghìn năm. Không chỉ nổi tiếng với các di tích lịch sử từ trận đánh Điện Biên Phủ mà còn lôi cuốn với vẻ đẹp của danh lam thắng cảnh núi rừng và các địa điểm du lịch văn hóa cộng đồng đặc sắc. Điện Biên có gì? Hãy cùng chúng tôi khám phá những địa điểm danh lam thắng cảnh đẹp tại Điện Biên trong bài viết sau đây nhé.

Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé – Điện Biên

Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé nằm trên địa phận huyện Mường Nhé tỉnh Điện Biên, cách thành phố Hà Nội khoảng 700km về phía Tây Bắc. Đây là khu bảo tồn thiên nhiên đa dạng về sinh học được đánh giá vào loại lớn nhất ở Việt Nam…

điện biên có gì?

Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé – Điện Biên

Từ trên cao nhìn xuống phong cảnh núi rừng Mường Nhé giống như một bức tranh đẹp và rất có hồn. Pha lẫn trong màu xanh lục của cây rừng, màu vàng của hoa cúc quỳ cùng với màu vàng đỏ của những đoạn đường chưa được rải nhựa, trên những nếp nhà sàn, nhà lá, có kích cỡ to nhỏ khác nhau nằm rải rác bên vệ đường, ven suối và lẫn cả trong những lùm cây rậm rạp, um tùm, thấp thoáng xa xa là những ngọn núi nhấp nhô lượn sóng nối tiếp nhau cùng đua dưới ánh mặt trời.

Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé có diện tích khoảng 310.262 ha gồm 10 xã biên giới của huyện Mường Nhé với sự cư trú của các dân tộc như: Hà Nhì, H’Mông, Khơ Mú, Mông…và gần 118.000ha đất rừng tự nhiên được bao phủ 43% , trong đó có nhiều cánh rừng nguyên thuỷ như: rừng thường xanh trên đất thấp, rừng thường xanh trên núi cao và rừng tre nứa đang được bảo tồn nguyên vẹn.

điện biên có gì?

Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé – Điện Biên

Nơi đây còn là nơi cư trú của nhiều loài động vật quí, hiếm như: rùa đá, bò tót, gấu chó, tê tê, sói đỏ, cầy hương, mèo rừng…và một số loài còn được ghi vào sách đỏ Việt Nam. Ngoài ra những tài liêu trước đây cho thấy vào những năm 80 của thế kỉ trước khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé còn 200 con voi, 300 con bò tót, 35 loài bò sát, 59 loài thú khác, 270 loài chim.

Bên cạnh đó hệ thực vật ở đây cũng khá đa dạng về chủng loại có khoảng 308 loài trong đó có nhiều loài mang giá trị đặc biệt về mặt khoa học như: chò đãi, dổi xương, chò nước, lát hoa, chò chỉ, pơ mu, trầm hương…riêng loài cây lấy gỗ đã có 112 loài, cây thuốc nam có 68 loài quý hiếm.

Với hệ thực động vật như vậy khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé được đánh giá vào loại đa dạng về chủng loại và lớn nhất nước ta, bởi thế bảo tồn khu rừng thiên nhiên này có ý nghĩa vô cùng to lớn cả về hệ sinh thái và cả về rừng phòng hộ sông Đà. Đây sẽ là một điểm đến hấp dẫn cho du lịch sinh thái và nghiên cứu khoa học trong một tương lai không xa.

Hang động Hắt Chuống – Điện Biên

Danh lam thắng cảnh Hang động Hắt Chuống nằm trên địa bàn bản Huổi Cang, xã Pa Ham, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên. Hang động Hắt Chuống được gọi tên theo tiếng của dân tộc Thái địa phương (Hắt nghĩa là thác, Chuống nghĩa là xa quay sợi), do trước đây gần cửa hang động có thác nước hình chiếc xa quay sợi.

điện biên có gì?

Hang động Hắt Chuống – Điện Biên

Để đến tham quan hang động Hắt Chuống, du khách có thể đi ô tô, xe máy theo 3 tuyến đường. Cụ thể, từ TP. Điện Biên Phủ, theo quốc lộ 12 đến thị xã Mường Lay, du khách ngược lên quốc lộ 6A đến xã Pa Ham; từ TP. Điện Biên Phủ theo quốc lộ 279 đến thị trấn Tuần Giáo, ngược lên quốc lộ 6A đến xã Pa Ham; từ TP. Điện Biên Phủ, theo quốc lộ 12, qua thị trấn Mường Chà đến xã Hừa Ngài, đến Quốc lộ 6A rồi đến xã Pa Ham. Sau khi đến xã Pa Ham, du khách đi xuồng ngược sông Nậm Mức đầy thơ mộng, hùng vĩ đến địa phận bản Huổi Cang và đi bộ khoảng 300m là đến được hang động.

Pa Ham là một xã vùng sâu vùng xa của huyện Mường Chà, cách trung tâm huyện Mường Chà gần 80km. Được thiên nhiên ưu đãi, xã Pa Ham có nhiều cảnh đẹp sông nước thơ mộng, núi non hùng vĩ, cùng với đó là các hang động: Huổi Cang, Huổi Đáp, Thẳm Tâu, Hắt Chuống…

Hang động Hắt Chuống nằm trong dãy núi đá vôi được hình thành trong quá trình kiến tạo địa chất của trái đất cách đây hàng nghìn năm. Hang động có 4 cửa, 1 cửa quay về hướng Đông Nam, 3 cửa quay về hướng Đông Bắc và Đông Nam. Hang động có chiều dài khoảng 120m chia làm 2 ngách lớn.

điện biên có gì?

Hang động Hắt Chuống – Điện Biên

Ngách thứ nhất có chiều sâu khoảng 90m, rộng khoảng 40m, cao khoảng 35m. Từ trong hang động nhìn ra có thể thấy các cửa phụ. Bên trong là một khoảng không rộng trông giống như một hội trường lớn có sức chứa đến 1.000 người. Trần hang động hình vòm xoắn ốc, hình những chiếc ô, các con vật, cỏ cây hoa lá…Vách hang động là những khối nhũ đá màu vàng, xám đen hình thác nước lớn nhỏ. Nền hang động nhũ đá mang hình thù các cây nấm, ngọn tháp, màu trắng vàng.

Ngách thứ hai có chiều sâu khoảng 30m, rộng khoảng 5m, cao khoảng 8m, để vào được bên trong, du khách phải khom lưng đi qua lối nhỏ; trần và vách hang động nhũ đá có màu nâu hình những ngọn đèn và thác nước.

Hiện nay hang động Hắt Chuống vẫn giữ được vẻ đẹp hoang sơ với sự ưu đãi của thiên nhiên, đa dạng sinh học. Với những giá trị về mặt lịch sử, văn hóa, khoa học, du lịch, thẩm mỹ lại nằm trên tuyến liên kết phát triển du lịch, kết nối với điểm di tích khác, hang động Hắt Chuống đang được lập hồ sơ khoa học để được công nhận xếp hạng di tích cấp tỉnh. Trong những năm qua, chính quyền xã Hẹ Muông và người dân bản Na Côm đã thực hiện tốt các quy định của Luật Di sản văn hóa, các văn bản pháp luật Nhà nước về di sản, chú trọng vệ sinh môi trường, trông coi, bảo vệ di tích để ngăn cấm việc xâm hại, tác động tiêu cực đến di tích; đồng thời quan tâm đến công tác tuyên truyền, giới thiệu di tích để đông đảo du khách trong và ngoài nước biết và đến tham quan…

Hang động Thẳm Khến – Điện Biên

Nằm ở độ cao gần 1.000m so với mực nước biển, trong dãy núi đá vôi có quá trình kiến tạo địa chất hàng triệu năm, hang động Thẳm Khến (bản Nà Xa, xã Mường Đun, huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên) là nơi hội tụ nhiều đặc tính đa dạng độc đáo từ thiên nhiên về: địa chất, địa mạo, địa hình, khí hậu, sinh học, sinh thái và cảnh quan môi trường. Cùng với nhiều cảnh đẹp thơ mộng và khung cảnh núi non hùng vĩ của xã Mường Đun, hang động Thẳm Khến là điểm du lịch trong hệ thống di tích, thắng cảnh thuộc huyện vùng cao Tủa Chùa – một “tiểu Hà Giang thứ hai của Tổ quốc”, có sức hút đối với du khách thập phương.

điện biên có gì?

Hang động Thẳm Khến – Điện Biên

Mường Đun là một trong những xã thuộc huyện Tủa Chùa, nằm cách trung tâm huyện 20km về phía Đông – Nam; với nhiều cảnh đẹp thơ mộng, núi non hùng vĩ là điểm du lịch hấp dẫn có ý nghĩa trong hệ thống di tích tại huyện Tủa Chùa. Để đến danh lam thắng cảnh hang động Thẳm Khến, du khách đến UBND xã Mường Đun, rẽ phải đi 1,5km vào bản Nà Xa, theo đường mòn khoảng 600m là đến được hang động.

Hang động Thẳm Khến được gọi tên theo tiếng của dân tộc Thái địa phương (Thẳm là hang động, Khến là một loại rau có vị đắng và ngọt, loại rau này mọc nhiều trước cửa hang, từ đó dịch sang tiếng phổ thông Thẳm Khến nghĩa là hang động có nhiều cây rau Khến).

Đến đây du khách có thể khám phá, trải nghiệm vẻ đẹp của hai hang động, hang thứ nhất uốn lượn theo hình chữ S, có chiều sâu khoảng 160m, được chia làm 3 khoang chính; hang thứ hai hình chữ W, có chiều sâu khoảng 280m, chia làm hai khoang và hai ngách nhỏ.

điện biên có gì?

Hang động Thẳm Khến – Điện Biên

Hang động thứ nhất nằm ở vị trí lưng chừng đồi, cửa quay về hướng Đông, hang có tổng chiều sâu 160m, được chia làm 3 khoang chính. Ở khoang thứ nhất nền hang là đất đá, cùng các phiến đá, măng đá, cột đá. Càng vào sâu bên trong hang động, du khách càng ngỡ ngàng trước vẻ đẹp sinh động và lộng lẫy mà thạch nhũ tạo nên, đó là hình các con vật như: Voi, rồng, phượng, rùa, các loại chim… đang ẩn mình trong thảm thực vật được tạo ra bởi những nhũ đá, muôn hình thù và dáng vẻ sinh động khác nhau. Ở khoang thứ hai, có những mảng nhũ đá lớn màu vàng, xám đan xen, sắc nhọn đâm thẳng xuống nền hang động, các đầu nhũ chứa những giọt nước li ti tinh khiết nhỏ xuống nền hang động, làm cho cả khoang trở nên mát lạnh. Nền hang động hình thành lên các cột đá măng đá như những cây thông, cây si cổ thụ khổng lồ. Các nhũ đá ở đây đều như những tác phẩm điêu khắc nghệ thuật mà thiên nhiên ban tặng cho hang động nơi đây. Tại khoang thứ ba, vòm khoang bằng phẳng, nhẵn nhụi và ít nhũ đá hơn. Vách và nền hang động là những dải nhũ màu vàng hình thù kỳ lạ. Nổi bật hơn cả là trụ đá to mọc giữa trung tâm khoang, xung quanh là những phiến đá nối tiếp nhau từ cao xuống thấp như những ruộng bậc thang với các đường nét rõ ràng như được chạm trổ tỉ mỉ. Đặc biệt cuối khoang dưới ánh sáng tự nhiên của một ô thoáng rộng 2 – 3m từ trên đỉnh núi chiếu thẳng xuống nền tựa như “giếng trời”, làm cảnh vật nơi đây thêm phần lung linh, huyền ảo.

điện biên có gì?

Hang động Thẳm Khến – Điện Biên

Hang động thứ hai nằm cách hang động thứ nhất khoảng 60m về hướng Đông – Bắc, hang có chiều sâu khoảng 280m, chia làm hai khoang và hai ngách nhỏ. Ở khoang thứ nhất có chiều sâu khoảng 160m, có các khối nhũ đá mang hình thù những dải lụa trải dài và rủ xuống nền hang động, đường viền nét lúc thì mềm mại uyển chuyển như những dải san hô dưới biển, lúc thì mang dáng vẻ sắc nhọn, cứng cáp với vô số hạt kết tinh sáng lấp lánh. Nền động là những nhũ đá muôn hình muôn vẻ nhiều hình thù kỳ lạ, toàn cảnh như một bức tranh sơn dầu khổng lồ vẽ phong cảnh thiên nhiên hoang sơ. Các nhũ đá ở đây có hình thù sông suối, ao hồ, ruộng bậc thang; hai bên vách hang động là những gườm đá dài, khi gõ vào phát ra những âm thanh khác nhau. Nền động là những rừng măng đá, những tảng đá lớn hình vuông lớn màu trắng vàng xám, đường nét rõ ràng, như bài trí bởi bàn tay khéo của con người. Ở khoang thứ hai, trần và hai bên vách nhũ đá như những móng vuốt sắc nhọn. Nền động là những phiến đá lớn trải dài, được xếp trồng lên nhau thành tầng tầng, lớp lớp, hoặc mọc nối tiếp nhau, hoặc mang hình dáng những cây măng, cây nấm khổng lồ vững chắc với vô số hạt kết tinh sáng lấp lánh.

Hang động Thẳm Khến là điểm tham quan thú vị, đến nơi đây, ngoài được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của hang động, du khách còn được khám phá diện mạo của núi đá tai mèo và trải nghiệm quá trình canh tác hoa màu bên hốc đá của người dân địa phương, thưởng thức các món ăn mang đậm bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Mông đang sinh sống trên vùng đất Tủa Chùa.

Hang động Bản Khá – Điện Biên

Nằm cách trung tâm huyện Tuần Giáo khoảng 1,5 km, cách UBND xã Quài Cang 200m, danh lam thắng cảnh hang động Bản Khá (thuộc địa phận bản Khá, xã Quài Cang, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên) mang vẻ đẹp hài hòa của thiên nhiên tạo nên. Với phong cảnh nên thơ, hữu tình, danh lam thắng cảnh hang động Bản Khá hứa hẹn sẽ là điểm đến hấp dẫn và lý thú đối với đông đảo du khách yêu mến thiên nhiên, ưa thích du lịch.

điện biên có gì?

Hang động Bản Khá – Điện Biên

Để đến danh lam thắng cảnh hang động Bản Khá, người dân và du khách có thể đi ô tô, xe máy theo 2 tuyến đường. Từ trung tâm Thành phố Điện Biên Phủ, đi theo Quốc lộ 279 đến trung tâm huyện Tuần Giáo, rồi theo Quốc lộ 6A đến xã Quài Cang, sau đó đến địa phận bản Khá. Hoặc từ trung tâm Thành phố Điện Biên Phủ, theo quốc lộ 12 đến Thị xã Mường Lay, ngược lên Quốc lộ 6A đến xã Quài Cang, đi tiếp đến bản Khá.

Bản Khá, xã Quài Cang, huyện Tuần Giáo có địa hình chủ yếu là đồi núi cao, xen kẽ có nhiều thung lũng hẹp và đồi thấp thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp. Toàn xã có 13 bản với gần 1.800 hộ dân, nguồn thu nhập chính của đồng bào địa phương chủ yếu sống bằng nghề trồng lúa nước kết hợp nương rẫy, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Nơi đây được thiên nhiên ưu đãi có nhiều cảnh đẹp thơ mộng với núi non hùng vĩ, hoang sơ, trong đó có hệ thống hang động Bản Khá chính là tuyệt tác nghệ thuật của thiên nhiên, có thể thỏa mãn niềm đam mê của những người yêu thiên nhiên, ưa du lịch, thích khám phá.

Hang động Bản Khá gồm hệ thống 3 hang động nằm gần nhau, trên một dãy núi đá vôi được hình thành do quá trình kiến tạo địa chất của trái đất cách ngày nay hàng nghìn năm. Trong hang động có nhiều khối thạch nhũ hình thù độc đáo, kỳ thú, là nơi hội tụ nhiều tính chất đa dạng của thiên nhiên: địa chất, địa mạo, địa hình, khí hậu, sinh học, sinh thái và cảnh quan môi trường.

Cụ thể, hang động thứ nhất nằm ở vị trí lưng chừng núi, xung quanh là nương rẫy của người dân bản Khá, hang động gồm 2 cửa nhỏ cách nhau khoảng 3 – 5m, quay về hướng Đông – Bắc, cả 2 cửa của hang động đều ăn sâu xuống lòng đất khoảng 20m. Trong hang động là một khoảng không rộng, nền hang động là đất đá, cùng các phiến đá, nhũ đá mang hình thù các con vật như đang ẩn mình trong thảm thực vật, muôn vàn hình thù khác nhau tùy theo trí tưởng tượng của người xem. Đi sâu vào hang động có chỗ sâu khoảng 40m, vòm hang hình vòng cung, nơi cao nhất 20 – 25m, nơi thấp nhất 5 – 7m. Nhũ đá trong hang động là những mảng lớn màu vàng, xám đen đan xen sắc nhọn đâm thẳng xuống nền hang. Cuối hang động là những nhũ đá hình thác nước như đang tuôn chảy tung bọt trắng xóa.

Hang động thứ hai cách hang thứ nhất khoảng 300m về hướng Đông – Nam, có 2 cửa quay theo hướng Tây – Nam; chiều sâu khoảng 40m, trần hang động cao trung bình khoảng 6m và dốc dần vào phía bên trong bởi những phiến đá màu hồng, trắng đan xen. Vách hang động nhũ đá tua tủa sắc nhọn rủ xuống giống như những dải lụa, chiếc đèn chùm hay quả chuông khổng lồ. Nền hang động là những cột đá, măng đá mang hình tượng phật.

Hang động thứ ba nằm ở vị trí thấp hơn so với hang động thứ hai khoảng 200m về hướng Đông – Nam. Cửa hang rộng 1,5m, cao 1m quay theo hướng Đông – Nam; hang động có chiều sâu khoảng 110m, chia thành hai khoang, có mạch nước ngầm chảy trong hang động. Trần và vách hang động là những khối nhũ đá màu ánh vàng, xanh xám liên kết thành từng mảng lớn, mang hình thù các con vật như đang ẩn mình trong nhũ đá, hốc đá và măng đá hay hình thù những chiếc ô, cỏ cây hoa lá…nền hang động là đất tương đối bằng phẳng.

Hiện nay đường giao thông đến hang động bản Khá đã được bê tông hóa, người dân nơi đây đã lắp đặt thang sắt, dây thừng, điện chiếu sáng và một số đèn nháy trong hang động để thuận lợi cho du khách đến tham quan ngắm cảnh, khám phá.

Danh lam thắng cảnh hang động Bản Khá là một di sản văn hóa độc đáo, chứa đựng những dấu tích quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển lịch sử của trái đất, cũng như các tiến trình địa chất đang diễn ra hay quá trình hình thành các dạng đất đai hoặc đặc điểm về địa hình, địa mạo, sinh học. Bên cạnh đó, hang động còn là đối tượng nghiên cứu văn hoá vật thể và phi vật thể, có giá trị về mặt khoa học, du lịch, thẩm mỹ. Hiện nay, hang động Bản Khá đang được lập hồ sơ khoa học để được công nhận là di tích cấp tỉnh. Việc được công nhận là di tích cấp tỉnh sẽ góp phần bảo vệ và phát huy giá trị danh lam thắng cảnh hang động Bản Khá, thu hút khách tham quan du lịch là nguồn lực quan trọng thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống nhân dân tại địa phương.

Hang động Xá Nhè – Điện Biên

Di tích danh lam thắng cảnh hang động Xá Nhè được người dân địa phương gọi là Khó Xo (nghĩa là hang thuốc nổ), thuộc bản Pằng Dề B, xã Xá Nhè, huyện Tủa Chùa. Theo kết quả khảo sát, nghiên cứu, phân loại di tích dựa vào địa chất, địa mạo, sinh thái và cảnh quan môi trường, hang động Xá Nhè được xếp vào loại hình di tích danh lam thắng cảnh.

điện biên có gì?

Hang động Xá Nhè – Điện Biên

Tồn tại cách nay hàng triệu năm, đến hang động Xá Nhè du khách có thể khám phá, trải nghiệm lòng hang rộng; cao, trần có nhiều dơi và chim cư trú. Sự biến đổi của tự nhiên đã tạo ra cho hang động Xá Nhè những cảm giác mới lạ. Ở đây có thể bắt gặp khối thạch nhũ khổng lồ có pha lẫn sa khoáng thạch anh, tạo nên những ánh lân tinh lấp lánh. Đi sâu vào bên trong, thạch nhũ càng đa dạng độc đáo, nhiều màu sắc, hình thù kỳ lạ. Trong hang động có nhiều viên đá tròn màu trắng lấp lánh phải mất hàng trăm năm. Từng tinh thể canxi nhỏ chứa đựng trong mỗi giọt nước rơi xuống, lắng đọng, kết dính với nhau, khô dần tạo thành. Đặc biệt trong hang có hai cột thạch nhũ khổng lồ đường kính 2m vươn lên cao, hình thù phong phú, tất cả tạo nên một khung cảnh kỳ thú.

Hang động được uốn theo hình vòng cung, cửa hang rộng 5m, cao 18m, trong hang nơi rộng nhất là 25m, có nhiều ngách, nhiều tầng, với vẻ đẹp riêng. Động dài 700m, gồm 5 khoang lớn nhỏ khác nhau, mỗi khoang đều có một vẻ kỳ bí riêng. Khoang bên ngoài có hình vòm cung, cao 10 – 12m, rộng 20 – 25m, dài 210m, với các hình thù giống người, loài vật: hình cóc, cá sấu, hàm cá mập, hình rồng… trên trần động, những khối nhũ đá rủ xuống lấp lánh với đường nét khi thì mềm mại, uyển chuyển như thác nước, lúc mang dáng vẻ sắc nhọn như san hô biển. Từng khối thạch nhũ như những dòng thác đang tuôn chảy với vô số hạt kết tinh sáng lấp lánh. Dưới nền động là những rừng măng đá, nhũ đá muôn hình muôn vẻ với nhiều hình thù kỳ lạ. Toàn cảnh khoang bên ngoài trông như một bức tranh khổng lồ về phong cảnh thiên nhiên hoang sơ. Càng vào trong, động càng lộng lẫy bởi những đường nét, hình dáng do thạch nhũ, măng đá tạo nên, tuy đều là những tác phẩm điêu khắc tự nhiên làm từ đá nhưng vẻ đẹp của mỗi khoang động không giống nhau, tạo cho người xem sự thú vị và kích thích trí tò mò, đam mê khám phá. Khoang thứ 2 êm đềm với những khung cảnh giả tưởng, cách điệu như cảnh làng quê mộc mạc, sông suối, ao hồ, ruộng bậc thang…

điện biên có gì?

Hang động Xá Nhè – Điện Biên

Khoang 3 nổi bật với 2 cột trụ đá to lớn giữa trung tâm động; 2 bên vách động nhiều đá sắc nhọn giống như tháp của người Chăm Pa cổ kính. Khoang 4 nằm ở vị trí cao hơn so với các khoang khác, đứng trước khoang này du khách sẽ thấy những hình ảnh của ao cá nhỏ, ruộng bậc thang. Trong khoang 5, du khách phải trườn qua một ngách nhỏ mới có thể vào khám phá. Đây là khoang cuối cùng đồng thời cũng là khoang hấp dẫn nhất động. Quang cảnh trong khoang có hình ảnh ngai vàng, núi hoa cương lấp lánh. Cả 5 khoang động với vẻ đẹp quyến rũ tạo ấn tượng và cảm xúc mạnh mẽ cho người thưởng ngoạn.

điện biên có gì?

Hang động Xá Nhè – Điện Biên

Hang động Xá Nhè 3 có kiểu hệ sinh thái bao gồm hệ sinh thái trên núi đá vôi, hệ sinh thái hang động; hệ sinh thái dưới nước. Nơi đây đã và đang trở thành điểm đến của nhiều du khách yêu thích du lịch, đồng thời là môi trường lý tưởng cho các nhà khoa học nghiên cứu và khám phá. Hang động giống như một bảo tàng địa chất quý giá, là bằng chứng sinh động về quá trình xâm thực của mực nước biển qua các kỷ địa chất.

Hang động Xá Nhè còn chứa đựng tiềm năng du lịch, không gian; cảnh vật thiên nhiên quanh hang động đến nay vẫn còn giữ nguyên vẻ đẹp hoang sơ, hệ động thực vật phong phú, những cánh rừng nguyên sinh. Với những ưu đãi của thiên nhiên, nơi đây trở thành điểm du lịch xanh, điểm du lịch văn hóa phù hợp với các hình thức du lịch trải nghiệm, khám phá, nghiên cứu khảo cổ, địa chất dành cho các nhà nghiên cứu, các đối tượng khách du lịch trong nước và quốc tế.

Hang động Khó Chua La – Điện Biên

Từ trung tâm thị trấn Tủa Chùa, đi theo còn đường trải dài bát ngát những nương ngô, nương lúa, vượt qua những triền núi, du khách sẽ đến với hang động Khó Chua La, thuộc địa phận bản Pàng Dề A1, xã Xá Nhè, huyện Tủa Chùa (cách thị trấn Tủa Chùa 15 km).

điện biên có gì?

Hang động Khó Chua La – Điện Biên

Khó Chua La là tên gọi theo tiếng địa phương. “Khó” có nghĩa là là hang động, “Chua” có nghĩa là núi đá hoặc mỏm đá, “La” có nghĩa là khỉ, dịch sang tiếng phổ thông Khó Chua La có nghĩa là hang động khỉ. Hang động được hình thành do quá trình kiến tạo địa chất của trái đất cách đây hàng triệu năm, hình thành nên hang động ăn sâu vào trong núi đá với vẻ đẹp kỳ bí, độc đáo của tự nhiên.

Nằm ở độ cao khoảng 1.000m so với mực nước biển, với chiều dài trên 800m, hang động Khó Chua La chia làm 3 khoang. Trong hang động nơi rộng nhất gần 18m, vòm cao trung bình từ 18 đến 25m.

Khoang thứ nhất có chiều dài trên 200m, nơi rộng nhất gần 15m, vòm cao 12 đến 25m, nền hang động thấp hơn cửa hang động khoảng 3m, dốc thoai thoải và bằng phẳng dần về phía trong. Hai bên vách hang động là các dải nhũ đá buông xuống màu vàng, ánh bạc, xanh xám đan xen nhau trông giống như bức màn gió, cụm lúa, đèn chùm to nhỏ khác nhau hay hình thù các loài vật tạo ra một cảnh đẹp huyền ảo, kỳ bí. Càng đi sâu vào bên trong, ta càng ngỡ ngàng trước vẻ đẹp hết sức sinh động và lộng lẫy do thạch nhũ tạo nên. Trần hang động là những nhũ đá hình các con vật như: Voi, hươu, rồng, phượng, rùa, các loại chim… đang ẩn mình trong thảm thực vật được tạo ra bởi những nhũ đá. Với vẻ đẹp hoang sơ, nhiệt độ trong hang luôn ở mức 20 đến 210C, tạo cảm giác mát mẻ, thích thú khi được trải nghiệm vẻ đẹp của thiên nhiên huyền bí.

điện biên có gì?

Hang động Khó Chua La – Điện Biên

Khoang thứ hai nằm ở vị trí cao hơn khoang thứ nhất, có chiều dài 250m, nơi rộng nhất khoảng 15m, vòm cao trung bình 18 đến 25m. Nền hang động chủ yếu là đất đá lồi lõm, hai bên vách hang động có nhiều nhũ đá chen lẫn nhau với hình dạng cây sương rồng, cây đa, cây si cổ thụ có những bộ rễ dài rủ xuống hoặc đâm xuống nền hang động. Ở giữa khoang thứ hai có những khối nhũ đá màu trắng ngà tạo cho du khách như lạc vào khu rừng nguyên sinh hàng ngàn năm tuổi, hay có những trụ đá to được tách ra thành các mũi nhũ đá đều và đẹp, khi gõ vào tạo nên những âm thanh vang vọng lạ kỳ.

Đặc biệt ở giữa khoang thứ hai nền hang động có nhiều dải đá uốn lượn hình ruộng bậc thang, hình hoa sen, các mô hình sa bàn với kích thước lớn nhỏ khác nhau. Hình thù hang động càng trở nên kỳ lạ khi vách và nền hang động được tạo nên bởi những viên cuội nhỏ, những khối thạch nhũ màu nâu, vàng kết cấu thành bờ, uốn lượn, nối liền với nhau tựa như một con suối nhỏ dài khoảng 5m, rộng 80 đến 90cm, bên trong trũng sâu hơn 1m, vào mùa mưa bên trong có nước chảy tràn từ cao xuống thấp. Cuối khoang thứ hai, giáp với khoang thứ ba dưới nền hang động có nhiều cột nhũ đá dài, sắc nhọn quây tròn trông giống một tòa lâu đài được trang trí cầu kỳ sang trọng, đó là muôn vàn những tia đá màu trắng, vàng mọc ra từ vách và nền hang động tạo thành những đường diềm trang trí nhiều màu sắc mang vẻ đẹp kỳ vĩ.

Quần thể hang động Huổi Cang – Điện Biên

Quần thể hang động Huổi Cang, Huổi Đáp nằm trong dãy núi đá vôi ở vị trí cao gần 500m so với mực nước biển, được hình thành do quá trình kiến tạo địa chất của trái đất, quá trình karst hòa tan (hiện tượng phong hóa đặc trưng của núi đá vôi bị nước chảy xói mòn) cách đây hàng nghìn năm.

điện biên có gì?

Quần thể hang động Huổi Cang – Điện Biên

Nằm trên khu vực có tên Pom Thẳm Bẻ, hai hang động Huổi Cang và Huổi Đáp nằm cách nhau 450m, bao bọc xung quanh là khu rừng tái sinh, nương rẫy và một số hang động nhỏ khác. Đây là những tuyệt tác nghệ thuật của thiên nhiên, hội tụ nhiều tính chất đa dạng của thiên nhiên như: địa chất, địa mạo, địa hình, khí hậu, sinh học, sinh thái và cảnh quan môi trường. Trong cuộc đấu tranh bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979, khu vực này từng là nơi sơ tán của người dân và các cơ quan nhà nước, nơi cất giấu lương thực, vũ khí, đạn dược của quân, dân tỉnh Lai Châu (cũ).

Hang động Huổi Cang có tổng chiều dài hơn 1km, cửa hang chỉ rộng 1m, cao 1,5m; nằm ở vị trí giáp ranh giữa hai quả đồi, cửa hang quay theo hướng Đông Nam. Hang được chia làm ba khoang chính và nhiều ngách nhỏ, dưới nền hang động là đất, đá, hai bên vách, trần hang có nhiều nhũ đá với sắc màu xám, vàng, trắng, xanh rêu mang hình thù như các cột đá, măng đá, hình rèm, cây nấm, tượng phật, những con vật như khủng long, tê giác một sừng, voi, hải cẩu…

Khoang thứ ba có chiều dài gần 300m, ngay cửa khoang là khối nhũ đá hình một quả trứng khổng lồ. Khoang thứ ba chia thành hai ngách lớn và các ngách nhỏ, ở mỗi ngách là những khối nhũ đá đa dạng hình thù như: khối giống quả chuông khi chạm vào phát ra âm thanh thánh thót; khối tạo những đám măng đá tua tủa sắc nhọn, khối thì mang hình thù của sư tử biển, tê giác một sừng, hình chim… Trên trần và hai bên vách là những vân mây đá màu vàng, trắng, xám kết hợp pha quyện vào nhau gây ấn tượng, tạo sự thích thú, thỏa mãn trí khám phá của người xem.

điện biên có gì?

Quần thể hang động Huổi Cang – Điện Biên

Hang động Huổi Đáp có tổng chiều dài 350m, chia làm ba khoang chính, cửa hang hướng Đông – Nam rộng 3m, cao 1,5m ăn sâu xuống lòng đất khoảng 7m. Khoang thứ nhất có chiều dài khoảng 100m, nơi rộng nhất từ 25-30m, vòm khoang cao từ 15-20m là những khối nhũ đá ánh màu vàng và xanh xám liên kết thành từng mảng lớn, mang hình thù các con vật như đang ẩn mình trong các nhũ đá, hốc đá và măng đá.

Nền hang động chủ yếu là những tảng, phiến đá, nhũ đá lớn tạo hình tượng đàn voi, đàn hươu, cây thông, cây xương rồng, tượng phật, ông bụt và cột đá, măng đá dài, sắc nhọn tạo nên một khung cảnh kỳ ảo, huyền bí. Vách hang động là các gườm đá dài từ 5-7m màu vàng, xanh xám đan xen nhau buông xuống nền hang động như những dải lụa, đèn chùm to nhỏ khác nhau. Trong khoang thứ nhất có nhiều dơi, chim, nhện và ốc rừng trú ngụ.

Khoang thứ hai với hai lối vào và chia ba ngách nhỏ. Bên trong các ngách là những khối nhũ đá hình ruộng bậc thang, hình những ang nước được trang trí nhiều đường diềm màu nâu, màu vàng và xám đen, sắp xếp từ cao xuống thấp; các khe nước rộng, nước trong veo, những cột đá, măng đá khổng lồ như những gốc cây cổ thụ chống trần hang với nền.

điện biên có gì?

Quần thể hang động Huổi Cang – Điện Biên

Khoang thứ ba có chiều dài khoảng 100m, để vào được bên trong phải nằm nghiêng người chui qua, sau đó đi khom lưng để khám phá, khoang được chi thành hai ngách nhỏ. Ngách thứ nhất dài 50m, ăn sâu xuống lòng đất, vòm hang thấp hơn so với hai khoang trước, vách và nền hang động có những khối đá có màu vàng, xám đen liên kết với nhau thành những khối liền mạch, nhẵn nhụi, thông suốt từ đầu đến cuối ngách. Ngách thứ hai thấp hơn ngách thứ nhất khoảng 2m, cấu tạo của ngách này như những đường giao thông hào, nhẵn nhụi, liên kết và liền mạch thông suốt từ đầu đến cuối mang vẻ đẹp riêng biệt.

Xét về giá trị về mặt khoa học thì quần thể hang động Huổi Cang – Huổi Đáp là cơ sở để nghiên cứu chu kỳ vận động, sự hình thành các dạng đất, đá, đặc điểm về địa hình, địa mạo và môi trường, sinh vật của Trái Đất. Hiện nay quần thể danh lam thắng cảnh hang động này đang giữ được vẻ đẹp hoang sơ với sự ưu đãi của thiên nhiên đa dạng sinh học, lại nằm trên tuyến liên kết phát triển du lịch, kết nối với điểm di tích khác trên tuyến đường từ thành phố Ðiện Biên Phủ đi huyện Mường Chà qua huyện Tuần Giáo, kết nối với tiềm năng du lịch sinh thái, du lịch trên sông Nậm Mức đầy thơ mộng, hùng vĩ và đi qua tiểu vùng văn hóa ở các bản văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc nằm trên quốc lộ 6 với những giá trị văn hóa phi vật thể mang đậm nét văn hóa dân tộc vùng Tây Bắc.

Hang động Mùn Chung – Điện Biên

Hang động Mùn Chung, xã Mùn Chung (huyện Tuần Giáo) được công nhận di tích danh lam thắng cảnh cấp tỉnh tại Quyết định số 249/QÐ-UBND, tháng 4/2014 của UBND tỉnh. Ðây là niềm tự hào của cán bộ, nhân dân các dân tộc trong xã. Nếu được đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở phục vụ tham quan, nghiên cứu tìm hiểu, du lịch, di tích hang động sẽ là điểm sinh hoạt văn hóa tinh thần cho người dân, điểm đến thu hút du khách.

điện biên có gì?

Hang động Mùn Chung – Điện Biên

Danh lam thắng cảnh hang động Mùn Chung nằm trên núi có tên Pom Loi thuộc bản Huổi Lóong, xã Mùn Chung, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên. Ngoài tên gọi hang động Mùn Chung, người dân nơi đây còn gọi là hang Huổi Loóng (theo tiếng địa phương Huổi có nghĩa là khe, Loóng có nghĩa khô, nóng) – vùng đất khô, nóng, hiếm nước.

Nằm trong dãy núi đá vôi, cao 1.200m so với mực nước biển, vị trí cửa hang nơi có di tích quay về phía Đông, cao hơn quốc lộ 6A khoảng 30m, xung quanh hang động Mùn Chung là khu rừng tái sinh và khu dân cư khá đông đúc. Trong khoảng 10 năm trở lại đây, do có trường THPT Mùn Chung với quy mô gần 500 học sinh nên dân số, mật độ dân số khu vực này tăng đáng kể.

Được hình thành do quá trình kiến tạo địa chất của trái đất cách đây hàng triệu năm do sự biến đổi của vỏ trái đất kéo theo hàng loạt sự đứt gãy của các hệ thống núi, sự phun trào của núi lửa đã hình thành nên hang đá. Hang động Mùn Chung dài 400m, uốn theo hình vòng cung, chia làm 2 ngăn. Cửa hang rộng 10m, cao 4,5m, trong hang nơi rộng nhất 15 – 16m, cao 6 -7m. Phần lớn nền trong hang động là đất dẻo, khá bằng phẳng, thuận tiện cho việc tham quan. Trong hang động có dòng sối, hình ảnh ruộng bậc thang, nhũ đá, vân đá nhiều màu sắc, dưới ánh sáng cảnh vật ở đây trở nên sống động, huyền bí.

điện biên có gì?

Hang động Mùn Chung – Điện Biên

Qua cửa động là ngăn đầu tiên, khi đặt chân tới đây du khách sẽ thấy các khối nhũ đá nhiều hình thù loài vật như: cóc, ốc biển, voi, kỳ đà, thằn lằn, cá sấu…đa dạng về hình khối, khiến cho du khách không khỏi ngỡ ngàng trước sự sắp đặt của thiên nhiên. Ngăn bên ngoài rộng 15-16m, cao 6 -7m, dài 210m. Hang cao, thoáng, rộng, nhiều ngóc ngách. Trần động có nhiều nhũ thạch lấp lánh màu trắng ngà, màu vàng. Từ trần và vách của hang, nhũ đá nhủ xuống nhiều hình thù kỳ lạ, với vẻ đẹp hoang sơ tự nhiên, không khí mát mẻ, nhiệt độ trong hang luôn ở mức 20 – 210C, chỉ cần đứng trước cửa hang ta cũng có thể cảm nhận hơi mát từ hang động thổi ngược lên.

Ngăn thứ 2 của hang cao khoảng 7m, nơi rộng nhất 20m, dưới nền có phiến nhiều đá to bằng phẳng giống như chiếc giường có thể hàng chục người nằm. Đặc biệt trong ngăn thứ 2 có suối chảy ngầm trong lòng đất. Các cụ cao niên xã Mùn Chung cho biết suối chảy trong hang động bắt nguồn từ suối Chiềng Ban, bản Chiềng Ban, xã Mùn chung, chảy qua hang động, thông với suối Huổi Hoa bản Huổi Lóong, xã Mùn Chung. Từ hang xuống suối cao khoảng 15 – 17m, lối đi ngoằn nghèo, dốc. Suối nơi rộng nhất khoảng 4m. Vào mùa mưa nước suối dâng cao, đến mùa hè du khách có thể đi dưới suối, chiêm ngưỡng vẻ đẹp của nhũ đá kết thành nhiều dải vươn dài, những cột đá sắc nhọn mọc ra từ vách và đáy hang.

Cuối hang động là hình ảnh mương dẫn nước, ruộng bậc thang được thiên nhiên đẽo gọt, chạm khắc giống như bức chạm nổi thiên nhiên sinh động, trần động nhũ đá óng ánh, nhiều hình khối, hoa văn…

Thắng cảnh hang động Mùn Chung là sự kết hợp hài hòa của thiên nhiên tạo ra. Đến với danh lam thắng cảnh hang động Mùn Chung, du khách không chỉ được khám phá vẻ đẹp của hang động tự nhiên mà còn được thưởng thức các sản vật của rừng như: Măng, rau, thịt gà đen, thịt dê, ngựa, cá suối…tìm hiểu các hình thức nghệ thuật, phong tục tập quán, lễ hội văn hóa đặc sắc của các dân tộc thiểu số. Thăm đài tưởng niệm thanh niên xung phong, cách trụ sở UBND xã Mùn Chung hơn 100m của ngành Giao thông vận tải, tiêu biểu là đồng chí Đào Xuân Thao cùng nhiều đồng chí đã hy sinh cho quê hương đất nước, thăm các công ty khoáng sản đang khai thác tại xã Mùn Chung và các xã lân cận.

Ngoài ra, nằm trong dãy núi đá vôi cùng với sự hình thành địa chất đã tạo cho danh lam thắng cảnh hang động Mùn Chung 3 kiểu hệ sinh thái, bao gồm: Hệ sinh thái trên núi đá vôi, hệ sinh thái trong hang động, hệ sinh thái dưới nước (sông suối). Nơi đây có thể trở thành địa điểm cho các nhà nghiên cứu khoa học, công tác bảo tồn thiên nhiên, phát triển du lịch và phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.

Trong nhiều năm qua mặc dù có sự tác động của bàn tay con người, bom đạn chiến tranh nhưng danh lam thắng cảnh hang động Mùn Chung vẫn giữ được vẻ đẹp hoang sơ. Vài năm trở lại đây, vào mùa hè, mùa xuân du khách tới hang động Mùn Chung vui chơi, câu cá thư giãn…ngày càng nhiều. Đây cũng là điểm phục vụ nghiên cứu các lĩnh vực địa chất, khoáng sản, khảo cổ, sinh học…

Cùng với sự ưu đãi của thiên nhiên, công tác bảo tồn, khai thác và liên kết phát triển du lịch với các di tích trên tuyến đường đi huyện Tủa Chùa như: Di tích kiến trúc nghệ thuật thành Vàng Lồng, danh lam thắng cảnh hang động Xá Nhè hay các cảnh quan tự nhiên, du lịch sinh thái…trong tương lai, hang động Mùn Chung sẽ trở thành tuyến du lịch nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan, giải trí, góp phần phong phú thêm các hình thức du lịch, nâng cao dân trí, tạo việc làm cho người dân và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương.

Tháp Chiềng Sơ – Điện Biên

Di tích tháp Chiềng Sơ thuộc bản Nà Muông, xã Chiềng Sơ, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên Đây là di tích kiến trúc nghệ thuật khá độc đáo thể hiện mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị của nhân dân hai nước Việt – Lào. Theo truyền thuyết, Việt – Lào vốn là hai dân tộc anh em nên để minh chứng cho tình đoàn kết gắn bó ấy, hai dân tộc đã cùng nhau quyên góp xây dựng một công trình tín ngưỡng chung cho đồng bào sinh sống tại nơi đây.

điện biên có gì?

Tháp Chiềng Sơ – Điện Biên

Đến nay, chưa có một tư liệu lịch sử cụ thể nào khẳng định niên đại khởi dựng của cây tháp nhưng kết quả của các nhà nghiên cứu cho thấy tháp được xây dựng vào khoảng thế kỷ XV-XVI. Tháp Chiềng Sơ là công trình kiến trúc nghệ thuật thể hiện rõ sự tài ba và sự sáng tạo nghệ thuật của nhân dân hai nước Việt – Lào. Tháp được kiến trúc theo hình nậm rượu, dưới to và phần trên nhỏ dần. Tháp cao 10,5m, bốn mặt xung quanh chân Tháp được đặt 2 chú voi ở đằng trước và 2 chú chó ở đằng sau. Tháp được xây dựng bằng gạch và vôi vữa mật. Gạch để xây Tháp có hai loại đó là gạch chỉ loại cỡ lớn, dày dùng để xây dưới chân Tháp, còn loại gạch nhỏ và mỏng dùng để xây trên thân, ngọn Tháp.

Phía chân Tháp được xây dựng theo hình vuông gồm nhiều tầng xếp lên nhau làm cho dáng vẻ cây Tháp thêm phần chắc chắn, ngoài lớp gạch được trát một lớp vữa, xung quanh không trang trí hoa văn. Phần thân Tháp được trang trí những họa tiết hoa văn, nổi bật là một tòa sen có sáu lớp chồng lên nhau đội lấy tòa Tháp cùng với những đường nét hoa văn chìm nổi cách điệu hình chim muông, hoa lá theo bố cục từng phần rất hài hòa. Đặc biệt hơn cả là những con rồng được đắp nổi uốn mình quanh thân Tháp, đầu và đuôi rồng chụm vào nhau tạo thành hình số tám. Những con rồng này mang trên mình lớp vảy rất đặc trưng, không giống bất cứ phong cách thể hiện nào qua các thời kỳ lịch sử ở Việt Nam. Rồng có kích thước nhỏ như những con rắn mà văn hóa Ấn Độ giáo tôn thờ. Tất cả những họa tiết hoa văn này được bố trí hài hòa quanh thân Tháp nhằm tạo điểm nhấn và tôn lên vẻ đẹp của Tháp đồng thời tạo sức hấp dẫn và lôi cuốn người xem khi được chiêm ngưỡng di tích kiến trúc nghệ thuật này.

Từ phần chính của thân tháp trở lên trên được xây theo kiểu kiến trúc hình ống dạng hình lục giác, xung quanh là đường tiếp tuyến xen lẫn hình cánh sen chạy liên hoàn quanh thân tháp. Toàn bộ thân Tháp có 3 tầng, các mặt của mỗi tầng được xây trát phẳng theo hình lục giác không trang trí hoa văn, đặc biệt phần chính giữa của mỗi tầng được xây phình to ra trông giống hình những búp sen non. Ở giữa phần giáp nối của mỗi tầng đều được trang trí hoa văn, các hoa văn được cách điệu và đắp sẵn rồi gắn vào như: hình cánh sen, hình lưỡi mác, hình mặt trời và các hình hoa lá khác; bên trong các cánh sen và lưỡi mác có gắn những miếng gương nhỏ để khi mặt trời chiều vào tỏa ánh hào quang ra xung quanh. Tầng trên cùng (ngọn Tháp) được trang trí giống tầng dưới, chỉ khác về kích thước được thu nhỏ để tạo nên vẻ đẹp mềm mại và thanh tú của Tháp.

điện biên có gì?

Tháp Chiềng Sơ – Điện Biên

Tháp Chiềng Sơ tiềm ẩn nhiều giá trị kiến trúc, lịch sử, văn hóa còn tồn tại đến ngày nay. Thứ nhất, đây là một di tích mang giá trị nghệ thuật cao về mặt kiến trúc. Kiểu dáng của Tháp kết hợp với những họa tiết hoa văn cho thấy đây là một di sản văn hóa cổ được gửi gắm những tư duy sáng tạo, những dụng ý nghệ thuật và suy tưởng về cuộc sống của những người trực tiếp xây dựng nên Tháp nói riêng và nhân dân hai dân tộc Việt – Lào nói chung.

Thứ hai, tháp Chiềng Sơ để lại giá trị lịch sử to lớn bởi đã giúp các nhà nghiên cứu tìm ra và khẳng định được lịch sử về tình đoàn kết gắn bó lâu đời giữa hai dân tộc anh em Việt – Lào.

Thứ ba, giá trị về văn hóa: với sự sáng tạo tài tình, người xưa đã để lại cho thế hệ mai sau một di sản văn hóa – đó là một tòa kiến trúc Tháp cổ lộng lẫy mà ẩn chứa trong đó là nét đẹp văn hóa giữa Việt Nam và Lào đã cùng bắt tay chung ý tưởng để xây dựng nên. Sự tồn tại của tòa Tháp giáo dục thế hệ trẻ chúng ta nhìn vào di tích như soi vào một tấm gương lớn để thấy được thành quả lao động của cha ông với những nhiệt huyết, tài năng và sự đoàn kết. Mọi sự cố gắng ấy cho thấy mục đích mà cha ông ta muốn hướng tới đó là “Chân – Thiện – Mỹ”.

Tháp Mường Luân – Điện Biên

Tháp Mường Luân là công trình kiến trúc nghệ thuật có giá trị tham quan nghiên cứu, thuộc bản Mường Luân, xã Mường Luân, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên. Từ thành phố Điện Biên Phủ theo quốc lộ 279 về phía Nam, đến ngã ba Pom Lót rẽ tay trái đi đến Na Sang, vượt qua dốc Keo Lôm (thung gió), qua Suối Lư rồi thẳng đường đến bản Mường Luân khoảng 90 km là đến nơi.

điện biên có gì?

Tháp Mường Luân – Điện Biên

Tháp Mường Luân được dựng ngay đầu bản dưới chân núi Hua Ta (núi đầu nguồn). Tháp kiến trúc theo hình vuông, dưới to, trên nhỏ dần, bệ tháp cao 1m, mỗi cạnh là 5,50m, xung quanh không trang trí hoa văn, được trát một lớp vữa từ dưới lên tạo thành một tòa sen cách điệu, có 6 lớp chồng lên nhau đội lấy cả tòa tháp. Toàn bộ tháp Mường Luân cao 15m được bố cục trang trí thành hai phần. Phần thân tháp từ bệ trở lên có nhiều bệ tròn vai được làm nhẵn, chồng lên nhau kết hợp với những đường nét hoa văn khắc chìm, khắc nổi thể hiện bằng những hình chim cách điệu, hình hoa lá được bố cục hài hòa. Trong phần một nổi bật nhất là hình rồng được đắp nổi chạy quanh thân cây tháp, tạo thành hình số tám kép. Bốn mặt của tháp đều thể hiện năm cặp rồng tạo cho cây tháp một dáng vẻ bề thế, vừa vững chãi, vừa có độ bền chắc khỏe.

Phần thứ hai của cây tháp có hai tầng và một ngọn tháp. Các mặt của mỗi tầng không trang trí hoa văn mà được trát vữa, vôi cát và mật mía. Mỗi phần xây phình to ở giữa, hai đầu thóp lại giống như hình quả trám. Ở giữa phần tiếp giáp của mỗi tầng được trang trí hoa văn và các họa tiết được làm sẵn bằng đất nung như đầu chim, hình cánh sen, hình lá đề, lá nhọn và hình mặt trời. Các họa tiết trang trí được kết nối với nhau tạo thành một đồ án trang trí hài hòa, bố cục chặt chẽ. Bên trong các cánh sen, lưỡi mác có gắn những mảnh gương nhỏ. Đặc biệt hình mặt trời có gắn ở giữa bốn mặt tháp cũng được gắn gương để mỗi khi ánh mặt trời chiếu vào tháp tỏa ánh hòa quang ra cả bốn phương. Giữa tầng hai và ngọn tháp cũng được thể hiện trang trí như tầng một và tầng hai nhưng chỉ khác nhau là thu nhỏ để tạo nên vẻ đẹp nhẹ nhàng, mềm mại. Màu đất nung của các họa tiết trang trí đỏ tươi, xen lẫn với màu xám trắng, xám nâu và xám đen tạo cho tháp thêm cổ kính, nổi bật trên nền xanh thẫm của núi Tây Bắc.

điện biên có gì?

Tháp Mường Luân – Điện Biên

Tháp Mường Luân như một cô gái duyên dáng, dịu hiền đứng lặng lẽ soi mình trên dòng sông Mã trong xanh…Đây là công trình kiến trúc nghệ thuật biểu trưng cho tình đoàn kết các dân tộc, đặc biệt việc xây dựng tháp còn thể hiện tình hữu nghị Việt – Lào đã gắn bó keo sơn từ lâu đời./.

Ngoài giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật kiến trúc, tháp Mường Luân còn biểu trưng cho tình đoàn kết các dân tộc, thể hiện tình hữu nghị Việt – Lào gắn bó keo sơn từ lâu đời. Nơi đây đã được Bộ Văn hóa,Thể thao và Du lịch công nhận xếp hạng di tích cấp I, cấp Quốc gia vào năm 1991.

Khu di tích chiến thắng Điện Biên Phủ – Điện Biên

Khu di tích Chiến trường Điện Biên Phủ gồm 45 di tích thành phần. Đây là một không gian lịch sử và cũng là sản phẩm du lịch nổi bật, góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, nhắc nhở người Việt Nam về ký ức hào hùng của chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, đồng thời mang lại giá trị kinh tế cho địa phương.

điện biên có gì?

Khu di tích chiến thắng Điện Biên Phủ – Điện Biên

Đã có rất nhiều đổi thay trên vùng đất từng là chiến trường khốc liệt năm xưa, với chiến dịch 56 ngày đêm “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt” của quân dân ta, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược. Quần thể di tích Chiến trường Điện Biên Phủ nay là một trong số hơn 100 di tích quốc gia đặc biệt của cả nước và đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển du lịch của tỉnh Điện Biên.

Quần thể di tích Chiến trường Ðiện Biên bao gồm các di tích nổi bật như: Đồi A1, đồi Ðộc Lập, cứ điểm Hồng Cúm, Him Lam, cầu Mường Thanh, hầm chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ (hay hầm Đờ Cát), Tượng đài chiến thắng, Tượng đài kéo pháo, Sở chỉ huy chiến dịch Ðiện Biên Phủ… Những di tích này đã để lại ấn tượng sâu sắc, thu hút nhiều du khách tham quan khi đến với Điện Biên.

điện biên có gì?

Khu di tích chiến thắng Điện Biên Phủ – Điện Biên

Nằm ở phía đông trung tâm tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, đồi A1 có vị trí quan trọng bậc nhất trong hệ thống 5 quả đồi bảo vệ trung tâm Mường Thanh. Tại đây, đêm 6-5-1954, quân ta đã đào một đường hầm, đặt khối thuốc nổ nặng gần 1.000kg và cho điểm hỏa. Đến sáng 7-5-1954, quân ta đã làm chủ hoàn toàn đồi A1, mở đường cho đợt tổng công kích cuối cùng vào Sở chỉ huy tập đoàn cứ điểm và giành thắng lợi hoàn toàn. Đồi A1 nay là điểm tham quan thu hút du khách trong nước và quốc tế với các hầm, hào, lô cốt, xe tăng được giữ gìn gần như nguyên vẹn. Tại đây, khách du lịch có thể trải nghiệm đẩy xe đạp thồ, nấu ăn bằng bếp Hoàng Cầm, nghe cựu chiến binh kể chuyện…

Hầm chỉ huy của tướng Đờ Cát nằm ở trung tâm lòng chảo Điện Biên. Đây là căn hầm với các phòng làm việc, nghỉ ngơi của tướng Đờ Cát cùng Bộ chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Đây cũng là nơi đánh dấu sự thất bại thảm hại của một đạo quân viễn chinh với hình ảnh viên tướng chỉ huy cùng toàn bộ sĩ quan dưới quyền giơ tay xin hàng và bộ đội ta phất cao lá cờ Quyết chiến quyết thắng kết thúc chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ.

điện biên có gì?

Khu di tích chiến thắng Điện Biên Phủ – Điện Biên

Một di tích khác không thể không nhắc tới cùng những bản hùng ca về người chiến sĩ Điện Biên đó là di tích Đường kéo pháo. Tuyến đường huyền thoại này đã đi vào lịch sử dân tộc và trở thành huyền thoại. Chỉ bằng sức người cùng những dụng cụ thô sơ, nhưng với lòng yêu nước, tinh thần anh dũng quả cảm, quân và dân ta đã mở những tuyến đường trên các sườn núi quanh co hiểm trở để kéo pháo vào trận địa.

Cách trung tâm thành phố Điện Biên Phủ 20km là Sở chỉ huy chiến dịch nằm sâu trong khu rừng Mường Phăng. Đây là nơi đóng quân của Bộ chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ từ ngày 31-1 đến 15-5-1954. Trong những ngày ở đây, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đưa ra nhiều quyết sách quan trọng, mang tính lịch sử. Rừng Mường Phăng đã trở thành biểu tượng sức mạnh của Quân đội Nhân dân Việt Nam và được người dân gọi là “Rừng Đại tướng”.

Trong quần thể di tích Chiến trường Điện Biên Phủ, một công trình tuy ra đời trong thời bình nhưng có vai trò hết sức quan trọng, đó là Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Công trình này được hoàn thành năm 2014, đúng dịp kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Bảo tàng có hình dáng mô phỏng chiếc mũ của bộ đội ta năm xưa. Đây là nơi lưu giữ các hiện vật trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, gồm 2 khu trưng bày: Bên ngoài gồm 112 hiện vật là các loại vũ khí của Quân đội Nhân dân Việt Nam và quân đội Pháp sử dụng, bên trong trưng bày 274 hiện vật và 202 bức ảnh tư liệu. Bảo tàng đã góp phần phát huy giá trị quần thể di tích lịch sử chiến trường Điện Biên Phủ và là điểm nhấn thu hút khách du lịch đến với Điện Biên.

Đèo Pha Đin – Điện Biên

Có những con đường gắn liền với mốc son lịch sử của dân tộc và một trong số đó là đèo Pha Đin huyền thoại. Đèo Pha Đin gắn với hoạt động tiếp tế lương thực, vũ khí cho quân ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ, góp phần làm nên thắng lợi lừng lẫy năm châu này.

điện biên có gì?

Đèo Pha Đin – Điện Biên

Vượt qua con đường ngoằn ngoèo dài hơn 30km, có khi lên dốc cao đến hơn 1.000m, khi lại xuống dốc đứng đột ngột với những đoạn cua tay áo nguy hiểm luôn chực chờ chắn ngang là cảm giác vượt đèo Pha Đin tỉnh Điện Biên. Đèo Pha Đin trong tiếng Thái là “Trời và đất”, hàm ý nói miêu tả nơi đây là điểm gặp gỡ giữa đất và trời. Đèo Pha Đin hay Dốc Pha Đin là đèo núi có độ dài 32 km nằm trên quốc lộ 6, một phần thuộc xã Phỏng Lái, huyện Thuận Châu tỉnh Sơn La và một phần thuộc xã Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên. Điểm khởi đầu của đèo cách thị xã Sơn La về phía Tây 66 km còn điểm cuối của đèo cách thành phố Điện Biên khoảng 84 km. Nằm trên Quốc lộ 6, một phần thuộc xã Phỏng Lái, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La và một phần thuộc xã Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên, đèo Pha Đin có độ dài 32km, ở độ cao 1.648m so với mực nước biển.

điện biên có gì?

Đèo Pha Đin – Điện Biên

Tên gọi đèo Pha Đin xuất phát từ tiếng Thái “Phạ Đin”, trong đó Phạ nghĩa là “trời”, Đin là “đất”, hàm nghĩa đây là nơi tiếp giáp giữa trời và đất. Đứng trên dốc đèo phía tỉnh Điện Biên nhìn xuống, du khách sẽ thấy thung lũng Mường Quài trải rộng với ngút ngàn màu xanh của đồi núi, đây đó thấp thoáng những bản làng dân tộc. Ở phía dốc bên kia là vùng đất rộng lớn, mênh mông với những dãy núi hùng vĩ nối tiếp nhau. Khi đứng ở đỉnh đèo, du khách sẽ thấy nền trời xanh thẳm và núi rừng hùng vĩ như hòa quyện vào làm một. Trong kháng chiến chống Pháp, đèo Pha Đin là một trong những tuyến đường huyết mạch quan trọng tiếp vận vũ khí, đạn dược và lương thực cho chiến dịch Điện Biên Phủ (1954). Đèo Pha Đin đã trở thành biểu tượng cho tinh thần quả cảm, gan dạ, quyết tâm đánh đuổi thực dân, giải phóng quê hương đất nước của quân dân Việt Nam.     Dốc Pha Đin chị gánh anh thồ
Đèo Lũng Lô anh hò chị hát
Dù bom đạn xương tan thịt nát
Không sờn lòng, không tiếc tuổi xanh (Trích Hoan hô chiến sĩ Điện Biên, Thơ Tố Hữu)

điện biên có gì?

Đèo Pha Đin – Điện Biên

Đến năm 2005, chính phủ quyết định đầu tư nâng cấp tuyến quốc lộ 6 lên Tây Bắc. Trong đó, đoạn Sơn La – Tuần Giáo được thi công từ năm 2006 đến năm 2009 thì hoàn tất, chia đèo Pha Đin thành 2 tuyến cũ và mới từ ngã 3 đỉnh đèo:

Đèo Pha Đin Cũ    : dài 32km (từ km 360 đến km 392, nằm trên quốc lộ 6 cũ) có điểm cao nhất là 1.648m so với mực nước biển; và khoảng 125 khúc cua nổi tiếng hiểm trở, đường hẹp, nhiều đoạn chỉ đủ cho một ôtô đi qua.

Đèo Pha Đin Mới  : được xây bám theo sườn núi phía trái quốc lộ 6 cũ, chiều dài giảm còn 26km với khoảng 60 khúc cua, có cua rộng tới 60 mét, độ dốc hạ xuống còn 8%, đặc biệt mặt đường rộng gấp gần 2 lần so với trước.

Từ khi tuyến đèo Pha Đin Mới được đưa vào sử dụng đã giúp xe cộ lưu thông an toàn hơn, còn tuyến đèo Pha Đin Cũ chỉ còn phù hợp cho người dân bản địa hoặc những du khách ưa mạo hiểm tìm đến chinh phục, khám phá.

điện biên có gì?

Đèo Pha Đin – Điện Biên

Dù chinh phục đèo Pha Đin cũ hay mới, du khách cũng có dịp mãn nhãn với cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ và ngoạn mục. Nhìn từ xa, cung đèo như sợi dây thừng buộc nối những quả núi với nhau, lơ lửng giữa mây trời. Cái ngoằn ngoèo, khúc khuỷu, lên xuống của đường đèo đẹp như thể chỉ trong tranh.

Từ dưới chân đèo đã mê mẩn với những bản làng mộc mạc, nằm yên bình giữa thung lũng mướt xanh. Lên lưng chừng đèo, thảm cây rừng bảng lảng màn sương, thi thoảng điểm chấm đỏ, tím của hoa gạo, hoa sim. Đến ngã 3 đỉnh đèo, cái lạnh vùng cao quấn quýt, không gian mở ra mênh mông, thảm mây quyện chặt bồng bềnh, núi đồi trùng điệp xa xa…

Hầu như trên cả cung đèo Pha Đin, sức sống hiển hiện, chứ không hoang vắng như cái thuở xưa. Bởi nhiều năm nay, người dân các bản lân cận của xã Phỏng Lái, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La và người dân xã Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên cùng nhau họp chợ buôn bán nông sản, hàng hóa địa phương. Các mặt hàng rau củ, hoa quả, phong lan và vật nuôi… đều do bà con tăng gia sản xuất hoặc lấy trên núi từ rừng, nên nhiều du khách sau khi dừng chân thưởng ngoạn, cũng chọn mua vài thứ về làm quà.

Cuộc sống ấm no đang đến từng ngôi nhà, ngõ bản người Mông nơi đỉnh đèo Pha Đin bốn mùa mây phủ. Đặc biệt là khi bộ 3 loài cây cà phê – táo mèo – sa nhân được chú trọng phát triển. Chứng kiến sự đổi thay ở đây mới thấy câu nói “Xá ăn theo lửa, Thái ăn theo nước, Mông ăn theo sương mù” được người xưa đúc kết đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Điện Biên có gì? Bạn đang muốn tìm một nơi để giải tỏa tâm hồn nhưng chưa biết đi đầu thì hãy đến với Điện Biên – chuyến hành trình tại đây hứa hẹn sẽ mang đến cho bạn nhiều trải nghiệm thú vị. Tạm quên những điểm du lịch nổi tiếng trước đó và thử đặt chân đến đây xem sao nhé.

Đăng bởi: Quốc Thái Châu

YOLO! Khám phá các huyện ở Điện Biên

ALONGWALKER Singapore: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Philippines: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Indonesia: Saluran untuk mengeksplorasi pengalaman para pemuda global ALONGWALKER Malaysia: Saluran untuk menjelajahi pengalaman global belia ALONGWALKER Japan: 発見・体験、日本旅行に関する記事 ALONGWALKER Thailand: ช่องทางในการสำรวจประสบการณ์ของเยาวชนระดับโลก