Tây Bắc

Độc đáo những lễ hội mùa xuân của dân tộc thiểu số Tây Bắc

Mùa xuân là mùa của lễ hội, lễ hội mùa xuân ở các bản làng vùng cao Tây Bắc không chỉ là nơi sinh hoạt gắn kết cộng đồng, cầu mong ấm no thái bình mà còn chứa đựng những nét văn hóa riêng, đặc trưng Tây Bắc.

Lễ hội nhảy lửa

Một trong những lễ hội mùa xuân độc đáo, lạ lùng, nhiều người biết đến ở miền núi cao Tây Bắc là lễ hội nhảy lửa. Lễ hội nhảy lửa thường được dân tộc Dao và dân tộc Pà Thẻn tổ chức vào khoảng thời gian cuối năm đến ngày rằm tháng giêng âm lịch. Theo quan niệm của các dân tộc này, tổ chức lễ hội nhảy lửa để tạ ơn thần linh đã phù hộ cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, cầu mong thần linh tiếp tục che chở phòng tránh được tai ương, cuộc sống ấm êm no đủ. 
 

độc đáo những lễ hội mùa xuân của dân tộc thiểu số tây bắc
Người tham gia lễ hội nhảy lửa là đàn ông con trai trong làng trong bản. Nhìn chung, các nghi thức lễ hội nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn tương tự dân tộc Dao thường được tổ chức trên một khoảng sân rộng. Trên sân đốt một đống củi to, khi đống củi rực cháy, than hồng, thầy cúng bắt đầu làm lễ. Các chàng trai tham gia nhảy lửa sẽ nhảy lò cò trước bàn thờ rồi lao vào giữa đống than lửa đỏ rực nhảy bằng đôi chân trần của mình mà không sợ bỏng rát.   Mỗi người thường nhảy lửa trong vòng 3 – 4 phút, sau đó tiếp tục nhảy lò cò về làm lễ tại bàn thờ. Một người có thể tham gia nhảy lửa nhiều lần, chàng trai nhảy lửa khéo léo, nhanh nhẹn luôn nhận được sự thán phục và ngưỡng mộ của những người tham gia lễ hội. 
 

Lễ hội tung còn 
 

Lễ hội tung còn là lễ hội mùa xuân thường được các dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc như dân tộc Thái, Mường, Tày… tổ chức vào dịp đầu năm mới. Cùng một lễ hội cùng một trò chơi nhưng mỗi dân tộc lại tổ chức với một ý nghĩa khác nhau. Với người Thái, tổ chức lễ hội tung còn là để mong muốn âm dương hòa hợp, con cái trong nhà đông đúc. Người Tày tổ chức lễ hội tung còn để cầu mùa màng tốt tươi, gia đình no ấm. Với người Mường, lễ hội tung còn là để nam thanh nữ tú gặp nhau, se duyên cho các trai gái trong thôn bản. 
 

độc đáo những lễ hội mùa xuân của dân tộc thiểu số tây bắc
Ý nghĩa có phần khác nhau nhưng cách thức tổ chức lễ hội tung còn của các dân tộc thì tương đối giống nhau. Để tổ chức lễ hội tung còn, đồng bào dân tộc thiểu số Tây Bắc thường chọn một bãi đất bằng phẳng, dựng một cây cao từ 9 – 15 m làm cột, trên đỉnh uốn vòng tròn đường kính khoảng 50 cm, dán giấy một bên màu đỏ, một bên màu vàng tượng trưng cho âm dương.   Quả còn được các cô gái chuẩn bị từ trước lễ hội, quả còn được thêu có màu sắc sặc sỡ với nhiều màu xanh đỏ. Nhìn quả còn trong lễ hội nhiều người có thể đoán biết được sự khéo léo, óc thẩm mỹ của các cô gái.    Quả còn bên ngoài thêu đẹp mắt bên trong được nhét hạt thóc, hạt vừng, hạt bông, hạt cải là những hạt giống phục vụ gieo trồng thể hiện khát vọng sinh sôi nảy nở. Lễ hội ném còn không phân biệt tuổi tác, rất nhiều người từ già đến trẻ đều háo hức tham gia nhưng thu hút nhiều nhất vẫn là các nam thanh nữ tú trong thôn bản. 
 
độc đáo những lễ hội mùa xuân của dân tộc thiểu số tây bắc
Quả còn
 

Lễ hội Gầu Tào của người Mông
 

Lễ hội Gầu Tào là lễ hội mùa xuân truyền thống được người Mông trông chờ nhất vào dịp đầu xuân. Liên quan đến nguồn gốc lễ hội Gầu Tào, nhiều người Mông kể lại rằng, trước đây những cặp vợ chồng người Mông nào lấy nhau nhiều năm chưa sinh được con cái, người chồng sẽ lên một quả đồi nào đó cầu xin thần đồi, thần núi phù hộ gia đình sinh được con. Nếu sau khi các thần nghe thấu lời thỉnh cầu phù hộ gia đình sinh được con như ý nguyện, trong 3 – 5 năm, gia đình đó sẽ tổ chức lễ Gầu Tào mời họ hàng, làng bản đến chia vui, tạ ơn các vị thần đã giúp đỡ.    Lúc đầu, lễ Gầu Tào của người Mông đơn thuần là cảm ơn thần linh phù hộ sinh con cái, chỉ những gia đình giàu có mới tổ chức. Sau này, lễ hội được mở rộng quy mô trở thành lễ hội của cộng đồng làng. Bên cạnh việc cầu con, còn cầu bình an, may mắn, cuộc sống ấm no.    Trong lễ hội Gầu Tào, cây nêu là vật linh thiêng nhất tượng trưng cho chiếc thang đưa lời cúng của các vị thần lên tới trời cao nên được chọn cẩn thận, không bị cụt ngọn, không bị sâu mọt, cây thẳng. Trước khi dựng cây nêu, thầy cúng phải mổ gà, thắp hương khấn các vị thần đồi, thần núi xin phép  tổ chức lễ hội Gầu Tào ở đó rồi mới được dựng.
 

độc đáo những lễ hội mùa xuân của dân tộc thiểu số tây bắc
Lễ hội Gầu Tào của người Mông được tổ chức với hai phần chính là phần lễ và phần hội. Sau phần lễ, phần hội với nhiều hoạt động văn hóa độc đáo như: múa khèn, múa gậy, múa sinh tiền, thi bắn nỏ, thổi đàn môi,  hát giao duyên…Lễ hội thường kéo dài từ 3 đến 5 ngày, là nơi người Mông giao lưu gặp gỡ đầu xuân, chia sẻ tâm tình, tìm người trong mộng sau đó ai về nhà nấy tiếp tục cuộc sống sống thường ngày.
  Lễ hội mùa xuân của các dân tộc thiểu số Tây Bắc mang phong vị của núi rừng, là nét đẹp văn hóa góp phần đa dạng hóa văn hóa Việt Nam. Xuân này có dịp đến vùng cao Tây Bắc, thăm thú các dân tộc, bạn hãy tham gia một lễ hội nhé, chắc chắn sẽ có những trải nghiệm thú vị đáng nhớ trong cuộc đời đấy! Quỳnh Thanh Theo Báo Du lịch

Đăng bởi: Xuyến Nguyễn

ALONGWALKER Singapore: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Philippines: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Indonesia: Saluran untuk mengeksplorasi pengalaman para pemuda global ALONGWALKER Malaysia: Saluran untuk menjelajahi pengalaman global belia ALONGWALKER Japan: 発見・体験、日本旅行に関する記事 ALONGWALKER Thailand: ช่องทางในการสำรวจประสบการณ์ของเยาวชนระดับโลก