Cần Thơ

Hò Cần Thơ – Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Hò Nam bộ hình thành trong sự kế thừa, sáng tạo và phát huy từ các điệu hò đất Ngũ Quảng. Qua thời gian, hò Nam bộ tạo nên những nét riêng mang tính địa phương như các giọng hò, lối hò Bình Dương, Đức Hòa, Tân An (Long An), Mỹ Tho, Cái Bè (Tiền Giang), Đồng Tháp, Trà Vinh, Bến Tre, Vĩnh Long, Cần Thơ, Ngã Bảy, Bạc Liêu… Hò Cần Thơ là chỉ tên điệu hò xuất xứ và phổ biến tại vùng Cần Thơ. Tuy nhiên, hò Cần Thơ vẫn mang nét đặc trưng chung của hò Nam bộ và đồng thời cũng có một số nét riêng của hò Cần Thơ, trở thành một hình thức diễn xướng dân gian độc đáo trong gia đình hò Nam bộ.

văn hóa cần thơ, hò cần thơ, hò cần thơ – di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Nghệ nhân trình diễn hò Cần Thơ

Hò Cần Thơ được phân bố trên địa bàn huyện Thới Lai, quận Ô Môn và quận Cái Răng của thành phố Cần Thơ. Đây là loại hình hò hát dân gian có từ hơn 100 năm qua, hình thành từ quá trình lao động, sản xuất và sinh hoạt đời thường của người dân. Chuyển tải nội dung trữ tình, phản ánh tâm tư tình cảm tiếng lòng của người Cần Thơ, cách đối nhân xử thế trong cuộc sống.

Về nội dung, điệu hò huê tình Cần Thơ đậm đặc chất trữ tình, lãng mạn. Về nghệ thuật, hò Cần Thơ dễ hò, bởi chỉ lướt trên thang 4 âm, như điệu huê tình, tuy giản đơn nhưng có chỗ để người hò mặc sức sáng tạo đưa hơi. Hò Cần Thơ đa số là điệu hò đối đáp, huê tình, được thể hiện trên cạn (trên đồng ruộng, vườn cây, trong các dịp lễ hội của làng) và trên sông nước. Ngoài ra, hò Cần Thơ còn được tổ chức tại các cuộc hò hội, hò đám, hò trường (lên sân khấu).

Hò Cần Thơ có 3 điệu chính: hò huê tình, hò cấy, hò mái dài. Hò huê tình có đối đáp hoặc hò suông một mình, diễn ra theo 3 cung đoạn: đoạn đầu lấy hơi, cách lên giọng điệu; đoạn kế vào nội dung chính kể lể bằng ngôn ngữ; đoạn cuối là ngân giọng đúng điệu. Hò huê tình có lối hò bình dị, dễ hò, dễ thuộc lòng, bởi lời văn ngắn, dễ đi vào lòng người; khúc thức không rắc rối, phức tạp như các điệu hò khác, âm điệu dìu dặt, bay lượn trên thang 4 âm: re, fa, sol, la (Hò. ơ. ớ. ơ.); tính chất điệu hò man mác, du dương, trữ tình như ý nghĩa chữ “huê tình”, tức điệu hò có giai điệu lời văn hoa mỹ, thể hiện nét giao duyên, tình tứ.

Hò cấy chủ yếu là đối đáp, đôi khi có hò một mình, có 3 chặng hò: hò rao, hò dạo, thăm hỏi, hò chào mời, xưng danh; hò đối đáp để kết bạn, giao duyên, trêu ghẹo hoặc đố nhau kiến thức xã hội; hò giã biệt, hò tiễn bạn, hò hẹn nhau trong lần cấy hay mùa cấy tới. Người sành hò phải biết “bắt” được vần của người “buông” và có quy ước chung: lời hò lành mạnh, có văn chương sách vở, không tục tĩu.

Hò mái dài tức ở lớp mái (cái kể) âm điệu giãn nở ra, lời hò nhiều hơn và tiếp nối liên tục. Do vậy, nó cho thấy sự thong dong, chậm rãi nhưng mùi mẫn, trữ tình. Điệu mái dài Cần Thơ, theo nhạc sĩ Lư Nhất Vũ, có cấu trúc mỗi lớp mái gồm 3 nhân tố: lấy hơi hò (đoạn đầu), lời kể (đoạn giữa), và ngân hơi (đoạn cuối). Lấy hơi dài hay ngắn, liên tục hay đứt quãng là do trình độ hò của từng nghệ nhân. Lời kể là phần chính yếu của lớp mái, biến hóa, co giãn vô chừng, tùy theo cách phân chữ hò và số lượng câu ca dao. Ngân hơi để kết thúc mỗi lớp hò là sự thể hiện tài năng của người hò.

Người hò có thể hò một mình, ngẫu hứng, tự nhiên, gọi là hò lẻ, hò buông rơi hay hò rơi. Hò tập thể là hò đối đáp giữa 2 người hay nhóm người. Khi có người mở đầu câu hò mà người nghe cảm thấy “trúng hệ”, họ cất tiếng hò nối theo. Nếu họ hò đối đáp xung quanh một chủ đề, nhiều người tham gia có thể kể là cuộc hò.

Chủ đề hay nội dung các câu hò thường gắn với quê hương, đất nước, con người, tình yêu đôi lứa, mối quan hệ gia đình và xã hội, giáo dục về đạo đức… Tuy nhiên, sự phân biệt này chỉ là tương đối vì có những câu có thể được thể hiện ở 1 hoặc 2 chủ đề.

Hò Cần Thơ thường được cất lên khi người dân chèo ghe đi chợ đêm, di chuyển trên sông rạch đường dài; khi đang làm trên cánh đồng; hoặc trong sinh hoạt gia đình và cộng đồng, lúc này thường có những cuộc hò hội, hò thi, hò đối đáp giao duyên, qua cuộc hò, đôi khi trai gái nảy sinh tình cảm rồi kết duyên vợ chồng.

Các điệu hò Cần Thơ còn góp mặt trong các vở kịch cải lương, làm chất liệu để sáng tác ca khúc, phục vụ kháng chiến (“hò quốc sự”).

Hò Cần Thơ là những câu ca dao, tục ngữ, câu thơ lục bát và song thất lục bát, nhiều nhất là những câu lục bát và song thất lục bát biến thể. Có những câu hò rất dài nhưng cũng không vượt ngoài vần điệu của biến thể lục bát. Thông thường, mỗi câu hò chỉ ngắt hơi thành ba đợt, nhưng với những câu hò dài người ta có thể ngắt hơi nhiều hơn, khi nhấn vào chữ này, khi ngừng cuối chữ kia, để đến cuối cùng thì cũng lại đưa hơi, nắn vần theo lối thơ lục bát.

Những câu hò ở vùng đất Nam bộ nói chung, hò Cần Thơ nói riêng ra đời gắn liền với quá trình khẩn hoang mở cõi về phương Nam. Thông qua cách lấy hơi, ngân, cất cao giọng hò truyền tải nội dung câu hò gắn bó mật thiết với quê hương, đất nước và con người Cần Thơ.

Các điệu hò còn lưu truyền đến nay ở Cần Thơ vẫn mang đậm dấu ấn của cuộc sống lao động của người dân trên một vùng quê đồng rộng, sông dài, phản ánh những tình cảm suy nghĩ rất bình dị, mộc mạc nhưng lại giàu tình nghĩa, nhân đạo, và cũng không kém phần duyên dáng, dễ thương. Những điệu hò ấy đã khắc sâu vào tâm hồn nhiều thế hệ người Cần Thơ, thành một trong những nguồn mạch nuôi lớn tình cảm, tạo thành nhân cách, góp phần tạo nên nền tảng văn hóa truyền thống của người Cần Thơ, cũng như đặc trưng văn hóa cư dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Với giá trị tiêu biểu, Hò Cần Thơ được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 446/QĐ-BVHTTDL ngày 29/01/2019. Nếu có dịp du lịch Cần Thơ bạn đừng quên thưởng thức những điệu hò ngọt ngào nhé !

Đăng bởi: Trần Hữu Hạnh

YOLO! Khám phá các quận/huyện ở Cần Thơ

ALONGWALKER Singapore: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Philippines: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Indonesia: Saluran untuk mengeksplorasi pengalaman para pemuda global ALONGWALKER Malaysia: Saluran untuk menjelajahi pengalaman global belia ALONGWALKER Japan: 発見・体験、日本旅行に関する記事 ALONGWALKER Thailand: ช่องทางในการสำรวจประสบการณ์ของเยาวชนระดับโลก