Trung Quốc

Khám phá Cung Vương Phủ của "đệ nhất tham quan" Hòa Thân ở Trung Quốc

Hòa Thân lúc sinh thời từng là sủng thần của Hoàng Đế Càn Long, là một tham quan nức tiếng và một tay chơi có hạng. Ông từng nổi danh với tuyên ngôn cực kì “to gan phạm thượng”: “Thứ gì mà Hoàng Thượng có, ta cũng có, thứ gì Hoàng Thượng không có, ta cũng phải có”. Câu nói ấy nghe có vẻ phô trương nhưng trên thực tế nó không ngoa chút nào! Sự giàu có xa hoa của Hòa Thân còn “vượt mặt” cả bậc Quân Vương, tức vua Càn Long lúc bấy giờ. Sử sách ghi lại, số gia sản của Hòa Thân mà sau này bị vua Gia Khánh tịch thu tương đương số tiền mà quốc khố nhà Thanh phải mất 15 năm mới thu được.

Vẫn biết Hòa Thân cực giàu như vậy, nhưng phải đến khi “thực mục sở thị” Vương Phủ của ông, người ta mới cảm nhận được hết độ xa hoa và phô trương của vị quan này. Phủ Hòa Thân còn có một tên gọi khác là Cung Vương Phủ, nằm tại phố Liễu Ấm, quận Tây Thành, Bắc Kinh. Đây là một trong những Vương Phủ thời nhà Thanh được bảo tồn hoàn hảo nhất của Trung Quốc. Chủ nhân nơi đây đều là những người có uy quyền thời nhà Thanh, như Cung Thân Vương Dịch Hân – em thứ 6 của vua Hàm Phong, con út của vua Càn Long, đặc biệt là Hòa Thân – sủng thần của vua Càn Long ở đây ở từ 1776-1799.

Chiêm ngưỡng phủ quan đẹp bậc nhất Trung Quốc

Vào thời đại nhà Thanh, công trình Viên Minh Viên được ví như đỉnh cao của nghệ thuật kiến trúc với quy mô to lớn, thiết kế xảo diệu, kỹ thuật xây dựng vô cùng công phu, thậm chí còn được ví như kỳ quan. Hòa Thân cũng muốn xây dựng phủ đệ của mình như vậy, nhưng lại sợ thiên hạ gièm pha, nên chỉ có thể bắt chước mô phỏng cổng Tây Dương của Viên Minh Viên trong phủ đệ. Tương truyền rằng, cửa này thiết kế y đúc như cửa ở Viên Minh Viên, chỉ sửa lại một chút tỷ lệ để tránh hiềm nghi.

Trải qua nhiều binh biến loạn lạc, Viên Minh Viên đã bị liên quân tám nước phá hủy khi đánh vào kinh thành. May mắn thay, tác phẩm kiến trúc trong phủ Hòa Thân vẫn còn nguyên trạng và được hậu thế xem như “quốc bảo”.

Bước chân vào Cung Vương Phủ, du khách chắc chắn sẽ choáng ngợp bởi tổng diện tích to lớn lên đến 60.000 m2, hồ nước rộng lớn, khắp khuôn viên phủ đầy bóng cây mát rượi và nhiều loại hoa thơm ngát. Trong phủ gồm phủ đệ, hoa viên, 2 bộ phận hợp thành. Năm 1982, Cung Vương Phủ được liệt vào danh sách bảo hộ trọng điểm của toàn quốc.

Phủ được bố trí theo kiểu “Tam Lộ Ngũ Tiến”, kiến trúc tinh xảo mà rộng lớn. Kiến trúc ở trục chính dùng ngói lưu ly xanh, mô phạm kiến trúc dành cho Phủ Đệ của Thân Vương. Thêm nữa lại từng là phủ đệ của Hòa Thân, người giàu thứ nhì thiên hạ lúc bấy giờ, nổi tiếng với câu nói: “Thứ gì mà Hoàng Thượng có, ta cũng có, thứ gì Hoàng Thượng không có, ta cũng phải có”. Chính vì lối sống xa hoa, nên Hòa Thân cũng dồn rất nhiều công sức tôn tạo phủ. Hoa viên còn được gọi là Tụy Cẩm Viên. Bố cục tổng thể 3 mặt giáp giả sơn, với hơn 50 Cảnh Điểm phân bố 3 trục Đông, Tây, Trung. Vương Phủ, theo vòng quay của thời gian, hàm chứa hết những tinh túy, cao quý của văn hóa Vương phủ đời Thanh. Có câu “Một tòa Cung Vương Phủ, nửa bộ sử Thanh triều” cũng đủ nói lên giá trị văn hóa của phủ.

Ngoài phủ đệ và hoa viên, Hòa Thân còn cho xây dựng một tòa lầu lớn sơn son trên núi nhân tạo để ngắm trăng, ngâm thơ, đọc sách. Để đến được tòa lầu này, du khách sẽ phải băng qua một hành lang dài với những chiếc cột được trang trí hoa văn tỉ mỉ. Lối đi này khá dốc, không có bậc, biểu thị cho con đường thăng quan tiến chức luôn hanh thông của Hòa Thân.

Chưa dừng lại ở đó, đi sâu hơn vào Phủ Hòa Thân, du khách sẽ bắt gặp hai ngọn núi nhân tạo mà ông cho xây dựng. Phía trong mỗi ngọn núi, ông cho đặt một vật trấn trạch. Vật trấn trạch thứ nhất là một con tỳ hưu rất lớn được tạc bằng ngọc phỉ thúy xanh vô cùng quý hiếm. Đến Hoàng Đế Càn Long thời bấy giờ cũng chỉ sở hữu một con tỳ hưu nhỏ hơn và được làm từ bạch ngọc. Vật trấn trạch thứ hai là tấm bia chữ “Phúc” do chính vua Khang Hy ngự bút, bị Hòa Thân chiếm làm của riêng.

Khang Hy vốn là một bậc thầy về thư pháp, nhưng lại rất ít khi đề chữ. Năm xưa, có lần Hiếu Trang thái hoàng thái hậu bệnh nặng, có người hiến kế cho Hoàng đế lập đàn cầu phúc. Khang Hy làm theo các này, trai giới 3 ngày, sau đó ngự bút viết một chữ Phúc, chữ này sau đó được tạo tác lên bia đá. Nhờ phương pháp cổ xưa ấy, Hiếu Trang quả nhiên khỏi bệnh, thậm chí tuổi thọ sau này còn dài hơn so với Khang Hy. Chữ Phúc trên tấm bia kia cũng được coi là “đệ nhất thiên hạ”. Sau này, không rõ nhờ cách gì mà Hòa Thân đem được tấm bia quý giá ấy về biệt phủ của mình. Để giữ làm của riêng, tham quan họ Hòa đã đem nó đặt vào một cái động bí mật nằm ngay trên long mạch của Đại Thanh.

Cho tới khi Gia Khánh lên ngôi, phủ Hòa Thân bị điều tra, tấm bia kia mới được phát hiện. Nhưng nhà vua cũng không dám thu hồi, chỉ có thể niêm phong cửa động, không cho ai bén mảng tới. Sau này, các chuyên gia được phái tới phủ Hòa Thân tiến hành tu sửa và bất ngờ phát hiện ra cửa động, tấm bia đề chữ Phúc kia mới một lần nữa có cơ hội được thấy ánh mặt trời. Có giai thoại còn truyền lại rằng, Hòa Thân năm xưa sở dĩ có thể bình an vô sự, vơ vét của cải suốt một thời gian dài là nhờ vào tấm bia “có phúc” ấy.

Dưới thời nhà Thanh, khoa học kỹ thuật chưa phát triển, nghệ thuật dân gian vẫn chiếm ưu thế. Khi đó, dù là hoàng gia hay trăm họ, phương thức tiêu khiển chủ yếu vẫn là xem hí kịch. Vốn là một người yêu thích hí kịch, Hòa Thân đã thiết kế một sân khấu riêng để nghe hát ngay trong phủ của mình. Sân khấu trong phủ họ Hòa không chỉ có quy mô lớn, bài trí trang trọng, mà còn đặc biệt thiết kế 8 chậu nước lớn chôn ở phía dưới để tiếng hát của diễn viên được vang và trong hơn. Sân khấu nghe hí kịch của Hòa Thân có thể coi là thiết kế độc nhất vô nhị thời bấy giờ, thậm chí so với sân khấu trong Cố cung còn lớn hơn.

Tuy Cung Vương Phủ của Hòa Thân giờ đây đã khá khác so với những gì tồn tại trước đó, nó vẫn là phủ quan được bảo tồn nguyên vẹn bậc nhất tại Trung Quốc và được nhiều du khách yêu thích.

Những câu chuyện bí ẩn thêu dệt trong Cung Vương Phủ

Với những cung phủ của quan lại, vua chúa có tuổi thọ hàng trăm năm tại Trung Quốc, việc người dân tự thêu dệt, hay được nghe kể lại những câu chuyện bí ẩn là điều khó tránh khỏi. Và với Cung Vương Phủ, vài trăm năm đã khoác lên mình một bức màn mờ ảo, để rồi người ta truyền tai nhau những tích truyện kỳ bí.

Ví dụ như vào những đêm trăng thanh vắng, người dân bản địa sẽ bảo rằng bạn có thể nghe được tiếng khóc ai oán vọng ra từ phía Cung Vương Phủ rộng lớn. Theo những người cao tuổi kể lại, đó chính là tiếng vọng ai oán của vợ cả Hòa Thân, Phùng Thị đang khóc thương người con thứ bạc mệnh của hai vợ chồng.

Theo lịch sử kể lại, sau khi người con trai chết yểu, vợ Hòa Thân vì quá đau lòng nên cũng chết sau đó một năm. Những người làm nhiệm vụ canh gác tại Cung Phủ cho biết thỉnh thoảng, họ lại nhìn thấy bóng dáng của một người phụ nữ đi lang thang trong vườn, hay thấp thoáng bên những hòn giả sơn.

Không chỉ có vậy, những câu chuyện bí ẩn tiếp tục được đồn đại khi nhiều người còn nhìn thấy bóng của những người hầu, cung nữ từng làm trong phủ Hòa Thân. Họ thường xuất hiện vào lúc tảng sáng với dáng đi vội vã như vẫn đang mải miết làm công việc của mình lúc sinh thời.

Tuy chẳng ai có thể kiểm chứng được những câu chuyện trên là đúng hay sai nhưng nhờ có nó, phủ Hòa Thân như khoác lên mình một màu sắc mới và thu hút được hàng triệu du khách tới xem mỗi năm.

Để kể hết những giai thoại về Hòa Thân cũng như phủ đệ sa hoa của ông, có lẽ chỉ 1-2 bộ phim không thể truyền tải hết được. Trong hành trình du lịch Trung Quốc, du khách hãy một lần tự mình đến với Cung Vương Phủ của ông, để biết thêm nhiều chi tiết thú vị cũng như vô số những điều bí ẩn xoay quanh cuộc sống lúc sinh thời của vị quan tai tiếng nhất triều đại nhà Thanh này nhé! Chúc các du khách có một chuyến đi thú vị và vui vẻ!

Đăng bởi: Nghĩa Nguyễn

ALONGWALKER Singapore: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Philippines: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Indonesia: Saluran untuk mengeksplorasi pengalaman para pemuda global ALONGWALKER Malaysia: Saluran untuk menjelajahi pengalaman global belia ALONGWALKER Japan: 発見・体験、日本旅行に関する記事 ALONGWALKER Thailand: ช่องทางในการสำรวจประสบการณ์ของเยาวชนระดับโลก