Sóc Trăng

Sóc Trăng có gì?

Sóc Trăng là vùng đất nằm ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, có ba dân tộc anh em cùng sinh sống là Kinh – Hoa – Kmer. Chính điều này đã làm cho nền văn hóa cùng kiến trúc nơi đây trở nên phong phú, thu hút nhiều khách du lịch đến tham quan. Sóc Trăng có gì? Hãy cùng chúng tôi khám phá những địa điểm di tích, thắng cảnh đẹp tại Sóc Trăng trong bài viết sau đây nhé.

Chùa Sêrây Cro Săng – Sóc Trăng

Chùa Sêrây Cro Săng hay còn được gọi là chùa Cà Săng. Chùa tọa lạc tại phường 2, thị xã Vĩnh Châu, cách trung tâm thành phố Sóc Trăng về hướng Đông – Nam khoảng 40km. Từ trung tâm thành phố Sóc Trăng đi theo hướng Đông – Nam trên tỉnh lộ 11 đến thị xã Vĩnh Châu, từ thị xã Vĩnh Châu đi theo hướng về Vĩnh Hải khoảng 3km là đến. Ngôi chùa nằm ẩn bên trong, cách đường lớn khoảng 150m. Đây là một trong những ngôi chùa Khmer cổ ở tỉnh Sóc Trăng, với quần thể kiến trúc hài hòa có niên đại trên 400 năm.

sóc trăng có gì?

Chùa Sêrây Cro Săng – Sóc Trăng

Chùa được xây dựng vào khoảng tháng 4 năm 1576 – Phật lịch 2120, tại thôn Đaysmách với tên gọi chùa Bớs. Sau đó, do yêu cầu của đồng bào phật tử muốn có đất rộng để xây dựng chùa nên các vị sư sãi đã thống nhất di dời địa điểm. Cụ thể, vào năm 1758, Hòa thượng Lâm Muôn dời chùa Bớs sang địa điểm mới thuộc ấp Cà Săng (gần với chùa Sêrây Cro Săng hiện nay) và đặt tên là chùa “Tro-Béc-Prêy” hay còn gọi là chùa “Som rong khla co kê”. Đến năm 1895, Hòa thượng Trần Chi dời chùa Tro-Béc-Prêy” sang địa điểm chùa Sêrây Cro Săng hiện nay và đổi tên chùa Tro-Béc-Prêy thành chùa Cro Săng. Năm 1956 Hòa thượng Lý Thi được sự đồng tình của phật tử đổi tên chùa Cro Săng thành chùa Sêrây Cro Săng. Như vậy, từ khi tạo dựng đến nay chùa Sêrây Cro Săng đã 03 lần thay đổi địa điểm và 04 lần đổi tên.

Chùa có diện tích 22.230m2, tổng thể kiến trúc ngôi chùa bao gồm: chánh điện, sala, nhà ở cho các vị sư, trường dạy chữ Khmer, tháp để tro cốt và lò hỏa táng,… Từ lúc xây dựng đến nay, chùa đã trải qua 10 đời trụ trì, trong đó Hòa thượng Lekkhanathê trụ trì chùa lâu nhất với thời gian 52 năm, Thượng tọa Triệu Krông trụ trì ít nhất là 18 năm.

Cổng chùa Sêrây Cro Săng là một công trình kiến trúc được xây dựng bằng bê tông màu đỏ thẩm, bên dưới cổng gồm 2 cột trụ vuông chống đỡ cho phần mái tháp. Phần cổng vòm phía trên bao gồm 03 ngọn tháp được đắp nổi họa tiết hoa văn Khmer. Trên đó có ghi tên chùa Sêrây Cro Săng bằng tiếng Khmer với nét chữ màu đỏ được đắp nổi trông rất đẹp mắt.

Chánh điện chùa quay mặt về hướng Đông, theo quan niệm của người Khmer, Phật ở phương Tây quay mặt sang hướng Đông để ban phước cho dân nên chùa xây theo hướng Đông để hợp với hướng thờ Phật Thích Ca trong chánh điện.

Ban đầu, chánh điện chỉ được xây dựng bằng gỗ, tre, lá đơn giản. Đến năm 1895, dưới thời trụ trì của Hòa thượng Trần Chi, ông đã quyên góp tiền bạc để trùng tu ngôi chánh điện bằng bê tông lợp ngói, nền lát gạch hoa.

Đến năm 2005, dưới thời trụ trì của Hòa thượng Lý Thi, được sự chấp thuận và cho phép của UBND tỉnh Sóc Trăng, ngôi chánh điện của chùa được khởi công xây dựng mới, sau hơn 4 năm 8 tháng chùa hoàn thành và tổ chức lễ kiết giới Si Ma đưa vào sử dụng. Chánh điện được xây dựng trên nền cũ, với hai cấp nền cao hơn hẳn các công trình khác trong khuôn viên chùa. Giữa mỗi cạnh đều có một vị Phật ngồi tọa thiền quay về 4 hướng với ý muốn: Phật pháp lan tỏa và thấm nhuần khắp bốn phương. Quanh cấp nền của chánh điện đều có hàng rào bao bọc và có lối cầu thang đi lên nơi thờ Phật ở mỗi cạnh của chánh điện.

Kết cấu mái ngôi chánh điện là một kết cấu đặc biệt có 05 ngọn tháp, bao gồm: 01 ngọn tháp trung tâm nằm giữa chánh điện cao khoảng 7m, đáy rộng 5m và 04 ngọn tháp nằm ở 4 cạnh có chiều cao khoảng 5m, đáy rộng 3m, tương xứng với vị trí 4 ngọn tháp có 4 vị Phật ngồi tọa thiền phía dưới và các lối cầu thang dẫn lên chánh điện. Chính sự đặc biệt này đã khiến cho mái chính điện trở nên đồ sộ, song không vì thế mà mất đi vẻ thanh thoát, nhẹ nhàng. Trên từng cấp mái đều được trang trí hình rồng cách điệu trong văn hóa Khmer.

Bên trong chánh điện là một không gian rộng để thờ Phật Thích Ca và nhiều tượng Phật khác nhau, mỗi tượng phản ánh một sự kiện quan trọng nhất định trong cuộc đời của đức Phật, điều đó khác hẳn với điện thờ đông đảo gồm: tam thế phật, ngũ hiền bồ tát, già lam,… của chùa phật giáo Bắc tông. Tượng phật đắc đạo là pho tượng chính lớn nhất chiếm vị trí trung tâm của điện thờ ở chính điện, bệ tượng cao vượt hẳn mọi tượng khác, gần trần chính điện. Xung quanh tường bên trong và ngoài chánh điện đều được trang trí hình ảnh về cuộc đời của Phật Thích Ca từ lúc sinh ra cho đến nhập cõi niết bàn.

Ngoài ngôi chánh điện, trong khuôn viên chùa còn có các công trình kiến trúc khác nằm trong tổng thể kiến trúc của chùa Sêrây Cro Săng đó là Sala, Hôtray (thư viện),… Sala là nơi để sư sãi và các tín đồ làm lễ, hội họp, dâng cơm cho sư sãi và cầu kinh. Đây là nơi quan trọng, song về sự nguy nga và đồ sộ thì không bằng chính điện. Sang phía tây của ngôi chính điện, cách một cái sân to là nơi ở của các vị sư, được xây dựng dưới thời Hòa thượng Lý Thi. Cạnh bên, đó là hôtray với kiến trúc đặc sắc của người Khmer. Sang hướng Bắc của chính điện là một dãy nhà hữu nghị được xây dựng vào những thập niên 70 của thế kỷ XX gồm 5 phòng, dãy nhà này được xây dựng đơn giản hơn các ngôi nhà khác.

Chùa Sêrây Cro Săng là một công trình nghệ thuật kiến trúc tôn giáo có giá trị thẩm mỹ thể hiện vốn đặc trưng văn hoá truyền thống Khmer Nam bộ nói chung và Sóc Trăng nói riêng. Ngôi chùa là sự tập hợp toàn vẹn các yếu tố tạo hình kết hợp chặt chẽ và hỗ trợ lẫn nhau trong một thể thống nhất. Chùa vừa là trung tâm tín ngưỡng, giáo dục văn hóa của đồng bào Khmer, vừa là điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng của cư dân địa phương.

Trong kháng chiến chống giặc ngoại xâm, đặc biệt là cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, chùa là cơ sở cách mạng và dần dần trở thành mũi nhọn trong phong trào đấu tranh trực diện với quân thù.

Năm 1954, sau khi thất bại ở Điện Biên Phủ và Hiệp định Giơ-ne-vơ ra đời, trước sức ép của Mỹ, Pháp phải rút lui khỏi Việt Nam, Mỹ vào thay thế và xây dựng chính quyền tay sai do Ngô Đình Diệm làm Tổng thống. Từ đó, Ngô Đình Diệm lao vào chống phá cách mạng ở Miền Nam. Chính sách tôn giáo của Ngô Đình Diệm đối với đồng bào Khmer Nam bộ là chính sách đồng hóa dân tộc, buộc người Khmer thay tên đổi họ theo người Kinh, cấm dạy chữ Khmer trong các trường công lập. Với chính sách cưỡng bức đồng bào của Mỹ – Diệm, lập tức đã gây nên sự căm phẩn bất bình, các trí thức và sư sãi Khmer coi đây là sự xúc phạm truyền thống tín ngưỡng và nền văn hóa dân tộc lâu đời của họ. Trước tình hình đó, đồng chí Huỳnh Cương và đồng chí Lâm Văn Sang đã tập hợp trí thức, sư sãi và đồng bào Khmer tham gia đấu tranh để vạch rõ âm mưu của địch.

Trước âm mưu thủ đoạn của đế quốc Mỹ và bọn tay sai, Đảng ta nhất quán theo nguyên tắc của chính sách dân tộc là bình đẳng, đoàn kết, tương trợ nhau giữa các dân tộc. Song song đó, trong thời kỳ này nhiều đồng bào và sư sãi Khmer tham gia kháng chiến và các ngôi chùa đã trở thành căn cứ cách mạng, là cơ sở che dấu, nuôi chứa cán bộ chiến sĩ, tiêu biểu là chùa Sêrây Cro Săng, chùa Prêy-Chóp,… Đồng thời được sự giúp đỡ, hướng dẫn của đồng chí Huỳnh Cương và đồng chí Trịnh Thới Cang, chùa Cà Săng đã mở nhiều lớp dạy chữ Khmer vừa vận động sư sãi và đồng bào Khmer đấu tranh cách mạng. Từ những cơ sở nhà chùa, sư sãi, lực lượng này đã lớn mạnh và dần dần trở thành lực lượng mũi nhọn cho phong trào đấu tranh trực diện và công tác binh vận của ta.

Chùa Sêrây Cro Săng đã trở thành cứ điểm ẩn trốn của hàng trăm thanh niên trốn lính. Sư sãi đã dựa vào chính sách “tự do tín ngưỡng giả tạo” của địch, để đấu tranh chống địch khám xét chùa và đã bảo vệ được số thanh niên này. Việc vào chùa tu cũng là một hình thức tỏ thái độ chống bắt lính đôn quân của đồng bào, sư sãi Khmer, mặt khác đã thể hiện được tình đoàn kết của 3 dân tộc Kinh – Khmer – Hoa.

Để đàn áp tinh thần đấu tranh của sư sãi và đồng bào Khmer trong huyện, nay là thị xã Vĩnh Châu, ngày 3/4/1973 bọn ác ôn đã lén lút sát hại nhà sư Achar Sơn Thal, trụ trì chùa Prêy-Chóp, xã Lai Hòa. Căm phẩn trước việc sát hại nhà sư, hàng chục ngàn đồng bào Kinh – Khmer – Hoa đã tổ chức biểu tình đưa thi hài Achar Sơn Thal từ Vĩnh Trạch đến Tòa hành chánh Bạc Liêu để đấu tranh chống hành động khủng bố, giết hại sư sãi, bắn phá chùa. Những tội ác mà địch đã gây ra với đồng bào và sư sãi chẳng những không đàn áp được phong trào đấu tranh mà ngược lại còn khoét sâu thêm lòng căm thù sâu sắc của cả đồng bào Kinh – Khmer – Hoa, sư sãi và các tầng lớp trí thức đối với bọn Mỹ – Ngụy.

Tháng 10/1974, địch đã đưa lực lượng cảnh sát vào đàn áp bắt lính, sư sãi chùa Sêrây Cro Săng và lực lượng thanh niên trốn lính cùng đồng bào đã vây bắt đám lính cảnh sát và đã bắt được 04 tên. Biết tin, tên quận trưởng đã dẫn lính đến để giải vây, lập tức có hơn 500 đồng bào và sư sãi của 07 chùa lân cận kéo đến vây chặn quận trưởng và đám lính, buộc chúng phải thả hết số thanh niên bị bắt và làm giấy cam kết với nhà chùa và đồng bào là không bắt sư sãi đi lính, không được bắt người vô cớ. Sau đó, lực lượng đấu tranh mới thả 04 tên cảnh sát. Cuộc đấu tranh tuy diễn ra trong phạm vi hẹp nhưng đã gây được tiếng vang rộng lớn.

Chuẩn bị cho đợt tổng tấn công chiến dịch Hồ Chí Minh 30/4/1975, sư sãi chùa Sêrây Cro Săng và nhân dân trong vùng đã góp phần không nhỏ cho công cuộc giải phóng tỉnh nhà và cả miền Nam Việt Nam. Đêm ngày 29/4/1975, các mũi tấn công đều tập kết vào vị trí xuất phát tiếp cận các mục tiêu, đến 5 giờ 30 sáng ngày 30/4/1975 mũi đấu tranh chính trị do đồng chí Lâm Văn Kỷ và Hòa thượng Lý Thi dẫn đầu hàng trăm sư sãi và hàng ngàn lực lượng đã đến chợ Vĩnh Châu. Mũi đấu tranh chính trị phối lợp với lực lượng vũ trang làm cảnh giới để Hòa thượng Lý Thi và đồng chí Lâm Văn Kỷ dẫn đầu đoàn biểu tình vào thẳng dinh quận trưởng gây áp lực buộc thiếu tá của chúng phải đầu hàng vô điều kiện.

Với ý nghĩa lịch sử đó, ngày 12/5/2004 chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng đã có quyết định số 655/QĐ.HT.04 công nhận chùa Sêrây Cro Săng là di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh, góp phần phát huy giá trị lịch sử địa phương trong sự nghiệp giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Cồn Mỹ Phước – Sóc Trăng

Cồn Mỹ Phước nằm gần cuối hạ lưu, xuôi theo dòng sông Hậu, theo hướng Tây – Bắc, Đông – Nam, ở giữa đôi bờ của 2 tỉnh Sóc Trăng và Trà Vinh, thuộc ấp Mỹ Phước, xã Nhơn Mỹ, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng. Đầu cồn hướng về phía Hậu Giang, Cần Thơ, đuôi cồn hướng ra biển Đông, tiếp giáp với huyện Cù Lao Dung, cách đầu cù lao khoảng 1km, cách bờ biển Đông khoảng 40km, cách trung tâm thành phố Sóc Trăng khoảng 25km.

sóc trăng có gì?

Cồn Mỹ Phước – Sóc Trăng

Nếu nhìn từ trên cao xuống, cồn Mỹ Phước có hình bầu dục giống như hình dáng của một chiếc xuồng hay một trái cà na, hai đầu tóp lại, ở giữa phình to ra, chỗ rộng nhất là đoạn cắt ngang qua giữa thân cồn, đường kính khoảng 600m.

Cồn Mỹ Phước có chiều dài khoảng 5km, với diện tích tự nhiên hơn 1020 hecta, trong đó diện tích cây ăn trái trên 300 hecta, hiện có 540 hộ gia đình với hơn 1280 cư dân sinh sống.

Giống như tất cả các vạt cồn và cù lao ở miền Tây Nam bộ, cồn Mỹ Phước được hình thành do phù sa từ thượng nguồn sông Mê – Kông, theo Sông Hậu đổ về hạ lưu, có những nơi dòng nước bị chậm lại và phù sa lắng tụ lâu ngày hình thành nên cồn.

Theo lời những người dân cố cựu nơi đây kể lại, cồn Mỹ Phước đã định hình cách đây khoảng 150 năm. Lúc đầu, mặt cồn rất thấp, trên cồn chỉ toàn bãi bùn, cỏ dại, dây leo, một số loài cây tạp, đa số là cây bần cùng một số loài thú hoang và chim muông sinh sống.

Vào cuối thể kỷ XIX, thực dân Pháp bắt đầu cai quản cồn này và đặt tên là cồn Công Điền (tức vùng đất công của nhà nước thực dân), thuộc địa phận làng Kế Sách, tổng Định Khách, tỉnh Sóc Trăng. Hàng năm, người dân chỉ được phép đến đây khai thác và mua củi bần theo hình thức bán đấu giá bằng xuồng. Có năm gặp sóng to, gió lớn, nhiều đoàn xuống ghe do chở nặng nên bị lật chìm, củi bần theo sông cuốn trôi dập dềnh trên khắp mặt sông, tài sản bà con mất trắng, cuộc sống hết sức cơ cực.

Vào khoảng năm 1946, có hai vợ chồng ông thợ Sáu (tên thật Nguyễn Văn Nghiêm) là những người đầu tiên đặt chân lên cồn khai phá đất hoang, bao bờ trồng rẫy. Dần dần, những cư dân khác thấy đất đai trên cồn màu mỡ, cây cối xanh tốt nên kéo đến khai hoang, sinh cơ, lập nghiệp ngày một đông hơn. Đến khoảng thập niên 50 của thế kỷ XX, phù sa tiếp tục bồi lắng và nổi lên một vạt cồn mới, cặp sát đuôi cồn Công Điền, cách nhau bởi con rạch nhỏ (khém Cồn Bùn), người dân gọi tên là Cồn Bùn.

Là vùng đất mới do phù sa bồi đắp, nên các loại cây được trồng ở đây phát triển rất xanh tốt. Từ việc trồng rẫy lúc ban đầu, bà con bắt đầu trồng thêm các loại cây ăn trái thông thường như: chuối, dừa, cam quýt, bưởi, sabô… rồi sau đó phát triển thêm các vườn cây đặc sản khác như: xoài, nhãn, chôm chôm, sầu riêng, mặng cụt…

Có lẻ do thích hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu nên các loại trái cây nơi đây phát triển rất tốt, có hương vị đậm đà, thơm ngon giàu dinh dưỡng hơn những vùng đất khác vào thời điểm đó. Hàng năm bà con dùng ghe lớn chở trái cây lên chợ Cầu Ông Lãnh, Sài Gòn để bán. Lúc bấy giờ người dân Sài Thành rất ưa thích các loại trái cây ở cồn Mỹ Phước. Vì thế hễ ghe trái cây nào của cồn Mỹ Phước chở lên là thương lái tranh nhau mua hết, nên hiếm khi bà con phải neo đậu ghe lâu ngày và trái cây cồn Mỹ Phước hầu như không rơi vào tình trạng bị “ế”.

Theo lời kể của một số cụ cao niên, vào thời kỳ chế độ Việt Nam Cộng Hòa, một này nọ, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu sau khi ăn cơm xong, được thuộc hạ dâng trái cây lên ăn tráng miệng. Khi ăn ông tẩm tắc khen và hỏi thuộc cấp trái cây ở đâu mà ngon quá. Thuộc hạ ông trả lời rằng, trái cây này được trồng ở cồn Mỹ Phước, Kế Sách thuộc tỉnh Ba Xuyên. Nghe xong, ông bảo với thuộc cấp là hãy chuẩn bị kế hoạch để ông đến thăm nơi này một chuyến. Sau đó, ông đã đáp trực thăng xuống cồn Mỹ Phước để được “mục sở thị” cây trái nơi đây.

Sau sự kiện Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu ghé thăm cồn Mỹ Phước, chính quyền Việt Nam Cộng Hòa đổi tên cồn Mỹ Phước thành cồn Quốc Gia. Việc đổi tên này của chúng với ngụ ý nơi đây là vùng đất mà phe “Quốc Gia” quản lý và kiểm soát được, trong khi các vạt cồn và cù lao khác đều là cơ sở hoạt động của cách mạng. Thời bấy giờ, chúng gọi những người cách mạng kháng chiến yêu nước là phe “Việt Cộng” còn những người theo chính quyền Việt Nam Cộng Hòa là phe “Quốc Gia”. Đó là theo ý muốn chủ quan của chúng, chứ bà con xứ cồn vẫn một lòng hướng về cách mạng, vẫn lén lút đóng thuế đảm phụ và nuôi chứa cán bộ cách mạng nằm vùng, hoạt động bí mật. Rất nhiều thanh niên yêu nước của xứ cồn đã lên đường tham gia kháng chiến. Nơi đây được xem là ấp có số lượng liệt sĩ khá nhiều, với 43 người đã hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Ngoài ra, cồn Mỹ Phước còn có 5 thương binh và 2 mẹ được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước hòa bình, thống nhất (30/4/2075) theo sự sắp xếp lại địa danh hành chính, cồn “Quốc Gia” được lập thành ấp Mỹ Phước, và được gọi là cồn Mỹ Phước cho đến nay.

Tiếp tục tận dụng và phát huy lợi thế thiên nhiên ưu đãi, đất đai màu mỡ, nước ngọt quanh năm, cộng với sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, người dân nơi đây đã phát triển mạnh mẽ nghề làm vườn. Với bản tính siêng năng, cần cù, chịu thương chịu khó, bà con đã tìm hiểu nghiên cứu kỷ thuật và áp dụng khoa học công nghệ vào trồng trọt, nên những mảnh vườn nơi đây đều xanh tốt quanh năm, năng suất cây trồng và lợi nhuận ngày càng tăng, từng hộ gia đình đã tạo dựng được cuộc sống ổn định, ấm no và sung túc.

Tiếng lành đồn xa về vùng đất cồn Mỹ Phước khi hậu trong lành, mát mẻ cây cối xanh tươi, sum suê trĩu quả bốn mùa, cây lành trái ngọt, cảnh vật nên thơ hữu tình, người dân chất phát, hiền hòa, giàu lòng nhân hậu, mến khách… đã ngày càng vang xa đến các vùng miền khác. Có lẽ vì thế, mà hàng năm cứ đến ngày tết Đoan Ngọ, mùng 5 tháng 5 âm lịch, hàng ngàn du khách từ khắp nơi kéo về cồn Mỹ Phước để tham quan, thư giãn, thưởng ngoạn cảnh đẹp quanh cồn hít thở không khí trong lành, thưởng thức trái cây ngon, các món ăn đặc sản đến chiều tối mới về.

Chính vì thế mà vào ngày 01/02/2007, UBND tỉnh Sóc Trăng đã ban hành Quyết định số 141/QĐHC-CTUBND, công nhận cồn Mỹ Phước là di tích Danh lam Thắng cảnh cấp tỉnh. Huyện đã đầu tư xây dựng 3 bến phà và đường dẫn từ Quốc lộ Nam Sông Hậu qua cồn Mỹ Phước, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách qua cồn dễ dàng. Chính quyền địa phương cũng đã vận động bà con đóng góp theo hình thức Nhà nước và nhân dân cùng làm, để xây dựng nhiều tuyến đường bê tông bên trong cồn để phục vụ nhu cầu tham quan của du khách tạo điều kiện thuận lợi cho bà con trong việc đi lại, vận chuyển nông sản, hàng hóa và học hành của trẻ em.

Hàng năm, tỉnh huyện, xã cùng bà con đều tổ chức Ngày hội du lịch sông nước miệt vườn vào dịp Tết Đoan Ngọ diễn ra trong khoảng 3 ngày, với nhiều nội dung hoạt động phong phú, hấp dẫn như: Hội thi trái cây ngon, hội thi ẩm thực, đua thuyền rồng, các hoạt động thể thao và trò chơi dân gian, chương trình văn nghệ hàng đêm, đi xe điện tham quan cồn…đã thu hút khoảng trên 5.000 lượt khách đến tham quan.

Hiện nay được sự quan tâm, hỗ trợ, hướng dẫn của ban, ngành chuyên môn, bà con cồn Mỹ Phước đã bắt đầu bước vào việc xây dựng, tổ chức khai thác, kinh doanh các dịch vụ du lịch theo loại hình homestay, du lịch cộng đồng. Riêng năm 2017, cồn Mỹ Phước đã đón được khoảng 4.000 lượt khách đến tham quan, lưu trú và sử dụng các dịch vụ. Tổng doanh thu trên 460 triệu đồng. Trong thời gian sắp tới, được hướng dẫn của tỉnh phối hợp tổ chức du lịch cộng đồng cùng những hộ dân nơi đây sẽ được hướng dẫn tham gia xây dựng một số mô hình homestay kiểu mới, đạt tiêu chuẩn về chất lượng, cung cách phục vụ chuyên nghiệp sẽ ra đời với nhiều hoạt động vui chơi giải trí hấp dẫn như tham quan nhà vườn, tự tay hái trái cây; thả lưới, đặt lờ bắt cá, hái rau; bơi xuồng hái lượm bần, thụt cá bống sao, lịch, mò chem chép; dỡ chà bắt cá, tắm sông; tham gia các trò chơi dân gian, các hoạt động văn hóa văn nghệ; (đờn ca tài tử, các điệu múa dân gian, Khmer…) hướng dẫn tự làm các loại bánh dân gian (bánh tét, bánh xèo, bánh dừa, bánh chuối, bánh lá, bánh ít, nấu chè…) Thêm vào đó, du khách sẽ được thưởng thức các món ăn đặc sản như: cá ngát, cá bông lau nấu canh chua bần, kho tộ, cá bống sao chiên giòn, cá phèn nướng muối ớt, gỏi gà ta trộn với lõi chuối non, gỏi bông bần, cá sặc chiên giòn, lịch um rau ngổ, ốc kho xã ớt…

Với sự quan tâm đến cơ chế chính sách hỗ trợ khuyến khích hợp lý của lãnh đạo các cấp, sự tận tâm hướng dẫn về chuyên môn của các cơ quan chức năng, sự quyết tâm của người dân, sự liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp du lịch lữ hành, trong thời gian tới, hy vọng cồn Mỹ Phước sẽ trở thành một điểm du lịch xanh, thân thiện và hấp dẫn thu hút được nhiều khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm và thư giãn.

Chùa Đất sét – Sóc Trăng

Dọc theo con đường Tôn Đức Thắng thuộc địa bàn khóm 1, phường 5, cách chùa Kh’leang khoảng 1km đến số 163A là một ngôi chùa nhỏ nằm bên tay phải có hàng chữ Hán với tên chữ “Bửu Sơn tự” -寶山寺 được khắc trang trọng đặt tại cổng chính của chùa. Nhưng người dân quanh vùng vẫn quen gọi với cái tên giản dị “chùa Đất Sét”, nơi lưu giữ hàng ngàn pho tượng đều được làm từ đất sét.

sóc trăng có gì?

Chùa Đất sét – Sóc Trăng

Theo như lời kể của các vị cao niên, trước đây Bửu Sơn tự chỉ là một am nhỏ được xây dựng vào đầu thế kỷ XX cách đây hơn 100 năm của dòng họ Ngô tự lập để tu tại gia. Mãi đến đời trụ trì thứ tư, ông Ngô Kim Tòng (1909 – 1970) am nhỏ được tôn tạo, mở rộng thêm để có ngôi Bửu Sơn tự như bây giờ. Bửu Sơn tự có diện tích khoảng 400m2 với kiến trúc chân phương cột gỗ mái tôn. Điều đặc biệt ở ngôi chùa này là hàng ngàn tượng Phật và hình thú được thiết kế hết sức sinh động làm bằng đất sét do Ông Tòng đã miệt mài sáng tạo trong suốt 42 năm (từ 1928 đến 1970). Du khách đến thăm chùa Đất Sét ai cũng trầm trồ thán phục và ngưỡng mộ bậc kỳ tài đã dùng tâm quyết cả đời và lòng mến mộ Phật pháp đã sáng tạo ra công trình đầy kỳ công này.

Khi còn nhỏ, Ông Ngô Kim Tòng hay đau ốm bệnh tật. Đến năm 1929, lúc ấy Ông 20 tuổi thì lâm bệnh nặng tưởng không qua khỏi, gia đình chỉ còn cách đưa ông Tòng lên ngôi chùa trên núi thuộc tỉnh An Giang để chữa trị và cầu khấn trời Phật. Vừa uống thuốc vừa tập ngồi thiền, tĩnh tâm, dần dần ông đã khoẻ lại và đã quyết tâm đi tu khi mới ở tuổi 20. Khi còn trẻ, Ông Ngô Kim Tòng đã có thiên hướng say mê nặn tượng lấy nguyên mẫu từ những bức hoạ đơn sơ trên bàn thờ Phật của cha, những vật dụng hàng ngày, cây trái quanh nhà đã trở thành đề tài phong phú cho ông thả sức nặn với chất liệu chủ yếu là đất sét quanh vùng. Sau khi lành bệnh ông đam mê vào nặn tượng và thay cha gìn giữ chăm sóc ngôi chùa từ những năm 1930 đến 1970. Với lòng say mê hiếm có, ông Tòng đã miệt mài vừa làm, vừa học mày mò tìm kiếm các công thức, phương pháp để tạo nên những tác phẩm nghệ thuật vô giá trên mà không hề đi học ở một lớp đào tạo nào. Chỉ là những trải nghiệm dân gian, ông đã tạo nên những công trình kỷ vật điêu khắc bằng đất sét có giá trị lịch sử tôn giáo vô cùng quý hiếm.

sóc trăng có gì?

Chùa Đất sét – Sóc Trăng

Nguyên liệu dùng cho việc nặn tượng chủ yếu bằng đất sét, do Ông Tòng đào từ những cánh đồng cách chùa vài cây số, đem về phơi khô, rồi bỏ vào cối dùng chày giã nhuyễn cho mịn ra, lọc hết tạp chất, rễ cây, rễ cỏ, lấy đất mịn trộn cùng mạc cưa làm nhang (bột hương) và keo ô dước tạo thành một hỗn hợp dẻo thơm. Lúc đó, Ông mới bắt đầu nắn tượng, những bức tượng mịn màng, không nứt nẻ. Ngoài ra, Ông còn nghiên cứu và ứng dụng cách đỡ cho việc nặn tượng đạt yêu cầu thẩm mỹ cao, Ông đã dùng lưới kẽm, cây gỗ dựng sườn, sau đó dùng vải mùng bao lại và đắp nguyên liệu hỗn hợp làm tượng lên, bề ngoài được phủ bằng một lớp sơn nước kim nhũ và dầu bóng. Không chỉ có đôi tay khéo léo, tài hoa mà với tư duy tưởng tượng vô cùng phong phú của ông hàng trăm bức tượng lớn, nhỏ được hình thành mà không trùng lắp. Mỗi tượng một vẻ, thể hiện rõ cái thần sắc trên từng khuôn mặt. Đó còn là kết quả từ cái tâm của người có lòng hướng Phật, sự miệt mài cần mẫn, lặng lẽ nhưng mang lại vị ngọt cho đời.

Bước qua cổng tam quan của chùa thẳng theo con đường bê tông vào cửa bên hông, ta sẽ bắt gặp một chú voi to màu trắng cao khoảng 2m như đón chào khách tham quan, sau đó đến gian chính thờ Phật. Nét tiêu biểu trong cách bố trí tượng Phật ở đây nói lên tư tưởng “Tam giáo cộng đồng” (Phật-Nho-Lão) với hệ thống Phật: A Di Đà, Quan Thế Âm Bồ Tát, Khổng Tử, Ngọc Hoàng Thượng Đế, Lão Tử, Phật Di Lặc,.…

Ông Ngô Kim Tòng còn tạo nên các tác phẩm khác như: tháp Đa Bảo được làm 1939 lúc ông mới 30 tuổi, cao khoảng 4m được thiết kế hết sức tinh vi. Tháp có 13 tầng, mỗi tầng có 16 cửa, mỗi cửa có một tượng Phật, tổng cộng tháp Đa Bảo có 208 cửa, 208 vị phật và 156 con rồng đỡ từng mái tháp. Phần dưới chân tháp thờ Đại Thừa Diệu pháp Liên hoa Kinh, tượng trưng cho Ngọc Xá Lợi của Phật. Kế bên là “Bảo tòa thỉnh Phật trụ thế truyền tháp luân” hay gọi là “Bảo Tòa Liên Hoa”. Bảo tòa có một tòa sen gồm 1000 cánh sen và trong mỗi cánh sen có một vị Phật ngồi tọa thiền. Phía dưới đài sen lại có “Bát quái Thiên tiên” gồm 8 cung, đó là “Càn, Khảm, Cấn, Chấn, Tốn, Ly, Khôn, Đoài”, mỗi cung có hai tiên nữ đứng hầu, dưới đài sen và Bát quái lại có Tứ đại Thiên Vương trấn giữ. Nhìn tổng thể tòa tháp và đài sen này, du khách sẽ nghĩ ngay đến một nhà điêu khắc tài ba lỗi lạc đã tận dụng giáo lý Phật pháp để sáng tạo ra những pho tượng biết nói ý Phật.

Trong gian thờ phía trên trần nhà, có treo một chùm đèn gọi là “Lục Long Đăng” cũng bằng chất liệu đất sét, gồm ba chóp đỉnh với 6 con rồng uốn cong như tượng trưng cho lục tỉnh miền Tây Nam bộ, đuôi chụm vào nhau, đầu trổ ra các phía. Thân rồng được làm hoàn toàn bằng đất sét với nhiều chi tiết tinh xảo, nên trọng lượng khá nặng. Đáy đèn là một tòa sen lặt úp tỏa cánh xuống điện thờ, cánh sen khá mỏng nhưng theo dấu thời gian Lục Long Đăng không hề rơi hay sứt mẽ tí nào. Đây là một kiệt tác nghệ thuật hiếm có và là tác phẩm cuối đời của Ông.Chung quanh chùa, góp phần canh giữ cho hệ thống các tượng Phật, còn nhiều tượng thú cũng bằng đất sét, nổi bật nhất và sắc sảo nhất là cặp Kim Lân đang ngẩng cao đầu trước bệ thờ giữa điện, ngậm trái trân châu, chân gác lên quả cầu trông thật oai phong lẫm liệt, thêm tượng Thanh Sư, Bạch Hổ, Long Mã,.. con thì hiền lành con thì hết sức oai phong.

sóc trăng có gì?

Chùa Đất sét – Sóc Trăng

Chùa Đất Sét không chỉ nổi tiếng bởi hàng ngàn bức tượng làm bằng đất sét mà còn được du khách biết đến bởi 04 cặp đèn cầy (nến) khổng lồ khá đặc biệt. Những năm cuối đời Ông Ngô Kim Tòng không đúc tượng mà tiến hành đúc đèn cầy dựng trong chính điện chùa. Ông mua sáp bạch lạp – loại sáp nguyên chất không lẫn tạp chất từ Sài Gòn về (có nguồn gốc từ Pháp gọi là parafin), chặt vụn sáp nguyên khối nấu chảy ra rồi mới đúc đèn. Do các đôi đèn này có kích thước quá lớn nên ông Tòng đã dùng tôn lợp nhà làm khuôn, sáp đổ vào chảo lớn nấu liên tục ngày đêm cho nóng chảy rồi đổ vào ống tôn có chiều cao 2,6m, phía ngoài khảm thêm chữ và hình rồng vàng lúc ẩn, lúc hiện uốn lượn theo thân đèn. Sau một tháng, các đôi đèn mới khô hẳn, khi dỡ bỏ khuôn, các đôi đèn này tự nhiên có hình dợn sóng của các tấm tôn. Mấy tháng ròng liên tục làm như vậy ông đúc được sáu cây đèn cầy lớn (3 cặp), mỗi cây nặng 200 kg, ước tính mỗi cặp cháy liên tục ngày đêm phải mất hơn 70 năm và hai cây đèn cầy nhỏ mỗi cây nặng 100 kg, Cặp đèn cầy này được thắp lên vào ngày 18 tháng 07 năm 1970, kể từ ngày ông Ngô Kim Tòng viên tịch; đến nay đã hơn 40 năm. Ngoài ra, trong chùa còn lưu giữ 3 cây nhang (hương) mỗi cây cao 1,5m, nặng 50kg, nếu thắp lên chắc vài năm mới tàn.

Chùa Đất Sét không nổi tiếng về kiến trúc xây dựng bên ngoài cũng như không quy mô bề thế về diện tích nhưng lại là một ngôi chùa độc đáo. Trong tâm niệm của du khách gần xa, đây được xem là ngôi chùa khá đặc biệt ở Việt Nam vì có trên hàng ngàn pho tượng lớn nhỏ đều được làm từ đất sét, và những cặp đèn cầy và những cây nhang khổng lồ chưa đốt. Chùa Đất Sét cũng là nơi “tịnh tâm” lý tưởng cho mọi du khách, thoáng mát, yên tĩnh mà vẫn toát lên tấm lòng ấm áp nghĩa tình như con người của quê hương Sóc Trăng. Với những nét đẹp ấy, ngày 10 tháng 12 năm 2010 UBND tỉnh Sóc Trăng đã công nhận Bửu Sơn tự (chùa Đất Sét) là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh. Với những đặt thù độc đáo của những tượng phật, hình thú, những cặp đèn cầy, cây nhang,…Bửu Sơn tự xứng đáng được xét đưa vào danh sách kỷ lục của Việt Nam.

Chùa Khleang – Sóc Trăng

Chùa Kh’leang là một trong những ngôi chùa cổ nhất và gắn với địa danh Sóc Trăng, nằm trong khuôn viên rộng khoảng 4.000m2. Tường truyền chùa được xây dựng năm 1532, với vật liệu chủ yếu bằng gỗ và lá. Kiến trúc chùa hiện nay như ngôi chánh điện và Sala được xây dựng mới vào năm 1918, được xây bằng gạch và lợp ngói. Chùa có kiến trúc gần giống như các chùa Phật giáo Nam Tông ở Thái Lan và Campuchia. Chùa tọa lạc tại Đường Tôn Đức Thắng, khóm 5, phường 6, TP. Sóc Trăng, cách Trung tâm chợ TP. Sóc Trăng khoảng 1 km.

sóc trăng có gì?

Chùa Khleang – Sóc Trăng

Ngôi chánh điện được dựng bằng 07 hàng cột ngang ở phía trước, mỗi hàng có 10 cây cột trụ kéo dài ra phía sau. Ngôi chánh điện được xây trên mặt bằng cao hơn mặt đất, được tráng xi măng, có bậc tam cấp để đi lên. Bên trong chánh điện được trang trí các hình ảnh, hoa văn rất tinh xảo. Các bức tường thấp được xây dựng theo hành lang theo hình cánh sen hoặc các hình khối, tạo thành những đường viền cách vách chánh điện 1,5 m. Gần với các bức tường thấp, các vị sư trồng nhiều loại cây như: Cây thốt nốt, cây hoa sứ,…

Trên các khung cửa ngôi chánh điện được khắc chạm các nhân vật trong phục trang của người Khmer cổ. Trên hai cánh cửa gỗ được chạm khắc thể hiện cuộc giao đấu giữa Tiên nữ và Chằn (Yeak), người thì đứng trên Reach cha sei, kẻ thì đứng trên chim thần Krud trong cuộc giao đấu ngang tài ngang sức. Chung quanh chánh điện còn có các tượng Phật, các tượng chằn trong tư thế bảo vệ chánh điện. Trong chánh điện còn có tượng Phật cao tới 6,8m, phần thân tượng cao 2,7m được đúc vào năm 1916. Bên cạnh đó, còn có những hình tượng khác như: hình chim muông hoa lá, hình tiên nữ đang múa trên bầu trời. Trên 12 thân cột trong chánh điện được trang trí hoa văn thể hiện sự giao thoa nghệ thuật của 3 dân tộc Kinh – Khmer – Hoa. Trong chùa có tủ lưu giữ một số sách cổ. Đặt biệt, chùa còn lưu trữ một bản sao tài liệu ghi chép từ thư tịch gốc tìm hiểu về địa danh Sóc Trăng, sự kiện xây dựng chùa đầu tiên và các nhân vật có liên quan trực tiếp đến nhà chùa, vật cổ và hơn 50 tượng Phật làm bằng đồng do Phật tử cúng chùa.

Chùa Kh’leang còn có một số công trình xây dựng khác như: Sa –la (nhà hội của sư sãi và tín đồ), nhà tụng của sư sãi, nhà của vị đại đức trụ trì và các vị sư, lò thiêu và các tháp để tro cốt người chết… Trong khuôn viên chùa còn có khu vực dành riêng cho Trường Trung cấp Pali Nam Bộ được ngân sách nhà nước cấp xây dựng mới, để đào tạo những vị sư cho các chùa cũng như để giảng dạy văn hóa và dạy chữ Khmer. Ngoài ra, chùa còn là nơi cử hành các nghi thức lễ truyền thống của dân tộc Khmer: Tết Chôl – Chnăm – Thmây, lễ hội Dolta, Lễ Ooc – Om – Boc và đua ghe Ngo, …

Với những đặc điểm nêu trên, ngày 27 tháng 4 năm 1990 Bộ Văn hóa Thông tin ra Quyết định số 84/QĐ – BVHTT đã công nhận chùa Kh’leang là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.

Trong khuôn viên chùa có trồng nhiều cây xanh mát mẻ, du khách có thể đến nơi đây để tận hưởng không khí trong lành, tìm hiểu về thư tịch cổ Khmer, truyền thuyết về nguồn gốc Sóc Trăng và chiêm ngưỡng công trình kiến trúc độc đáo của chùa.

Chùa Ông Bổn – Sóc Trăng

Với cách gọi quen thuộc, Chùa Ông Bổn hay Hòa An hội quán là một ngôi chùa cổ được xây dựng từ năm 1875, tọa lạc tại số 09, đường Nguyễn Văn Trỗi, P1, thành phố Sóc Trăng. Vào ngày 12/5/2004, Chùa được công nhận là di tích văn hóa, nghệ thuật kiến trúc cấp tỉnh.

sóc trăng có gì?

Chùa Ông Bổn – Sóc Trăng

Chùa Ông Bổn có mặt tiền quay về hướng Nam, hai bên tả hữu tô đá rửa được nghệ nhân đắp chữ nổi bằng xi măng rộng khoảng 1 métlà 2 đại tự: “Tăng”, “Phước” – có ngụ ý là chúc bà con bá tánh hưởng thêm nhiều phước lộc. Ngoài ra, ở bên phảikhuôn viên chùa có ngôi miếu thờ Thần Hoàng Bổn Cảnh, tượng trưng cho thần Thổ Địa của địa phương.

Bên trong ngôi chùa, toàn bộ phần chân cột, từ nền “Tam cấp” trong khu vực nội thất cho đến khung cửa chính của ngôi chùa… đều được tạc bằng đá tảng từ Trung Quốc chở qua. Ngôi chùa được thợ xây dựng “Vân kim tam cấp” qua thước Lỗ Ban – theo hình chữ “phú” – tượng trưng cho sự sung túc, phú quý theo quan niệm của người Hoa.Đặc biệt, ngôi chùa còn giữ nguyên lớp ngói ống âm dương màu xanh (ngói lưu ly) vàgốm tráng men màu, được dùng tạctượng: “Bát tiên thí võ”, “Lưỡng long tranh châu”, “Mẫu đơn phụng”và hoa văn “Chỉ hoa cúc”được dùng trang trí ở tả hữu mái ngói trước,tượng trưng âm dương hòa hợp, sung túc, no đủ nên càng tôn thêm vẻ tôn nghiêm của ngôi chùa.

Trên bộ khung cửa chính tạc bằng đá tảng chính, ngoài bức biển đại tự cổ bằng đá còn khắc chữ “Hòa An Hội Quán” hoàn thành vào năm Tân Hợi 1911 (Triều nhà Thanh vua Tuyên Thống – Phổ Nghi năm thứ 3) là tên chữ của di tích được sơn son thếp vàng rực rỡ – Bên dưới bức đại tự còn có đôi lân bằng đá, người Hoa tín ngưỡng gọi là “Nhị lân quản ngỏ”, được các nghệ nhân tạo tác rất công phu sắc sảo dùng để đỡ bức đại tự. Tiếp đến là đôi cánh cửa gỗ bằng danh mộc họa hình tướng Uất Trì Cung, Tần Thúc Bảo (danh tướng đời Đường) làm hai vị thần hộ môn trông rất uy nghi, lẫm liệt.

Nội thất chùa Ông Bổn được xây dựng theo chữ “Phước” là kiểu kiến trúc tín ngưỡng, tôn giáo của người Hoa, tạo thành hình chữ nhật (chiều rộng 9,25 m x chiều dài 14,70 m). Đồng thời nhìn theo đường đá tảng viền nền rộng khoảng 2 tấc được lớp thợ xưa “phân kim tam cấp” tạo thanh tiền điện, trung điện và chính điện trong nội thất chùa. Ở khoảng trống hai bên trung điện được xây bàn thờ bằng đá mài và đắp nổi hai bức tranh lớn bằng xi măng “Tả Thanh Long”, “Hữu Bạch Hổ” đúng theo thế phong thủy nên tại đây còn có hai khoảng trống thông thoáng gọi là “thiên tỉnh” (giếng trời). Nhờ có “thiên tỉnh” đã tạo cho không gian chùa khoáng đạt, tạo ánh sáng cho hậu cung của chánh điện và có chỗ thoát khói của trầm, hương được đốt khi cóđông ngườiđến cúng.

sóc trăng có gì?

Chùa Ông Bổn – Sóc Trăng

Ngay từ tiền điện, sau cửa ra vào, đến trước chánh điện thờ Ông Bổn có 5 đôi cột gỗ vuông, một đôi cột tròn (long trụ) vẽ hình rồng, 1 đôi cột tròn đỡ bức hoành phi chính, và 1 đôi cột vuông bên bệ thờ đều gắn những câu đố bằng gỗ quý có niên đại từ năm 1875 – 1912. Dưới mái ngói hướng vào chánh điện là khu vực quan trọng nhất của ngôi chùa nên tại đây tập trung nhiều tác phẩm nghệ thuật độc đáo như bao lam, hoành phi, câu đối chạm trổ tinh vi, vàng son rực rỡ… Đặc biệt, hiện nay chùa Ông Bổn còn lưu giữ, bảo quản nguyên vẹn 10 biển câu đối bằng gỗ quý và 10 bức hoành phi nằm ở tả hữu bàn thờ ông Phước Đức và bà Thiên Hậu Thánh Mẫu. Các câu đối và các bức hoàng phi đều khắc Đại tự bằng tiếng Hán cổ được sơn son thếp vàng, chạm trổ khuôn viền tinh xảo với các đề tài trang trí như tứ linh, cá hóa long, rồng hóa long dây lá, mây hạc, tam giới cộng đồng, phước lộc thọ… có niên đại từ năm (1875 – 1912). Cụ thể như các bức hoành phi bằng chữ Hán cổ hoàn thành năm dân quốc thứ nhất vào tháng 3 năm Nhâm Tý 1912. Bức hoành phi “Hộ ngã đồng nhơn” (bảo hộ đồng bào) hoàn thành tháng 11 năm Nhâm Ngọ 1882. Đặc biệt là các bức hoành phi “Minh đức di hân” (chỉ có tiếng thơm của “Minh Đức” là trên hết) hoàn thành vào năm Quang Tự thứ nhất tháng 2 năm 1875 và bức hoành phi “Quản kết thiện duyên” (đoàn kết rộng rãi mọi người để làm việc thiện) hoàn thành vào tháng 9 năm 1875… là những bức hoành phi có niên đại cổ nhất cách nay trên130 năm.

Có thể nóinhững tác phẩm độc đáo này được lớp nghệ nhân đời trước tạo tác rất công phu, dáng vẻ sinh động, thoát tục, hướng vào tín ngưỡng tâm linh trong cuộc sống nhân gian.Ngoài ra, Chùa Ông Bổn còn có nhiều cổ vật quý hiếm khác là các tượng gỗ thờ Ông Bổn, ông Phước Đức, Bà Thiên Hậu Thánh Mẫu sơn son, thếp vàng rực rỡ; bộ lư quỳ cổ hình Thái Tuế, 3 bộ lư vuông, cặp hạc rùa ngậm hoa sen bằng kim loại màu… các bộ bàn thờ (quý tự) bằng gỗ quý đều được các nghệ nhân chạm khắc 3 lớp và dát vàng rất tinh xảo. Đặc biệt hơn nữa là nhờ ngôi chùa kiến trúc theo hình chữ “phú” với nghệ thuật chạm trổ tinh xảo, độc đáo trang trí từ bên ngoài đến nội thất bên trong.

Ngoài chánh điện thờ Ông Bổn, hai gian tả hữu thờ vị chính thần Phúc Đức và Bà Thiên Hậu Thánh Mẫu cùng nhiều phối tự thần linh khác; nên ngôi chùa không chỉ thu hút thiện nam tín nữ người Việt gốc Hoa mà chùa Ông Bổn còn được đông đảo người Kinh, người Khmer địa phương thành tâm đến cúng bái trong những dịp rằm, lễ tết, ngày vía A Côn (ông Bổn) và tạ ơn chư thần phù hộ buôn may bán đắt, gia đình bình an.

Trong những năm gần đây, ngoài những lễ hội truyền thống của người Hoa như Tết Nguyên Đán, Tết Trung Thu, Tết Đoan Ngọ… và Tết Nguyên Tiêu, chùa Ông Bổn còn tổ chức lễ đấu giá lồng đèn, với ý nghĩa các câu chúc phúc của người Hoa, như: “Hợp gia bình an”, “Sanh ý hưng long”, “Tài nguyên quản tấn”, “Kim ngọc mãn đường”,vừa làm tăng thêm sinh khí đón mừng năm mới, tạo sự vui tươi, tình đoàn kết trong cộng đồng dân tộc.

Thông qua lễ đấu giá lồng đèn để tập hợp, đoàn kết mọi người cùng nhau đóng góp gây quỹ làm các công tác từ thiện xã hội… như: vận động các phật tử, các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp hỗ trợ kinh phí cho giáo viện dạy bổ túc Hoa văn; xây dựng phòng học, cấp tập viết cho học sinh nghèo hiếu học; ủng hộ đồng bào miền Trung bị thiên tai, lũ lụt; tổ chức thăm viếng, tặng quà các cụ nhân ngày Quốc tế Hội người cao tuổi; cấp phát hàng chục tấn gạo cho người nghèo vào dịp lễ Vu Lan, cho bệnh nhân nghèo ở các bệnh viện tuyến huyện,… góp phần cùng chính quyền địa phương phục vụ tốt công tác phúc lợi xã hội cho các gia đình chính sách và hộ nghèo, như: cất nhà tình nghĩa, nhà tình thương,….

Trong tiến trình lịch sử hình thành và phát triển tỉnh Sóc Trăng, đồng bào người Hoa đã cộng cư gắn bó lâu đời với đồng bào người Kinh, người Khmer, cùng nhau đoàn kết xây dựng quê hương, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Do vậy, đời sống, sinh hoạt tín ngưỡng của đồng bào người Hoa cũng khá phong phú đã góp phần đáng kể vào kho tàng văn hóa đặc sắc của địa phương.

Với lối kiến trúc cổ xưa và sắc xảo, Hòa An Hội quán là một trong những điểm đến thu hút khách tham quan, nhất là khách du lịch đi theo tour có sở thích khám phá kiến trúc, trạm trổ, khắc họa của chùa. Hướng dẫn viên sẽ đưa du khách đến nơi này cùng các địa điểm khác mang nét văn hóa đặc trưng của ba dân tộc Kinh – Hoa – Khmer để làm phong phú thêm sự hiểu biết về vùng đất, con người quê hương Sóc Trăng.

Chùa Dơi – Sóc Trăng

Chùa Dơi còn được gọi dưới một tên gọi khác là chùa Mã Tộc. Đây là một trong những ngôi chùa lâu năm nhất tại tỉnh Sóc Trăng, thuộc khóm 9, phường 3, thành phố Sóc Trăng, cách trung tâm thành phố khoảng 3km về hướng Đông Nam.

sóc trăng có gì?

Chùa Dơi – Sóc Trăng

Nơi đây là địa điểm trú ngụ của rất nhiều loài dơi to lớn, số lượng ước tính lên đến hàng triệu con. Điểm đặc biệt này cũng chính là lý giải cho nguồn gốc tên gọi của chùa đồng thời tạo nên nét độc đáo, chuyên biệt hấp dẫn mọi du khách đến tham quan.

Là một trong những ngôi chùa của đồng bào Khmer, chùa Dơi mang kiến trúc vô cùng độc đáo và đặc sắc. Theo lời kể của các già làng, Chùa đã trải qua 19 đời Đại Đức, được xây dựng cách đây 400 năm tại tỉnh Sóc Trăng. Chùa đã trải qua nhiều lần trùng tu. Kiến trúc chùa Dơi cũng giống như bao kiến trúc Chùa Khmer khác ở Đồng bằng sông Cửu Long. Chùa gồm ba công trình kiến trúc chính là chánh điện, sala và nhà thờ cố lục cả Thạch Chia – người có công trong việc trùng tu lại ngôi chùa.

Đi dạo trong khuôn viên chùa, du khách sẽ được chiêm ngưỡng những tán cây cổ thụ xanh mướt với những tán lá trải dài, rợp bóng mát. Đây chính là nơi sinh sống của những con dơi to lớn với đủ chủng loại đặc biệt. Lạ kỳ thay, dơi ở đây không bao giờ ăn và phá hại trái cây trong khu vực chùa. Hằng ngày, chúng treo mình lủng lẳng trên các nhánh cây trong khuôn viên chùa như những chùm quả nặng trĩu níu giữ ánh nhìn của mọi du khách. Không gian gần gũi, thanh tịnh chỉ có tiếng cây lá xào xạc và thỉnh thoảng xen vào những âm thanh của gió, tiếng kêu của những chú dơi con… Tất cả tạo thành một bức tranh thiên nhiên phong phú và sống động.

Ngay từ cổng vào, du khách không khỏi choáng ngợp trước màu vàng rực, óng bao phủ gần như toàn bộ ngôi chùa. Cổng chùa được trang trí một cách cầu kỳ và tính tế với các hoạ tiết, hoa văn hình cánh sen và hoa cà ri cách điệu. Đi sâu trong đó là ngôi chính điện – công trình kiến trúc tiêu biểu trong quần thể kiến trúc “Chùa Dơi”. Ngôi chính điện được xây dựng từ năm 1569 bằng gỗ, trên mái được lợp lá dừa nước.

Đặc biệt, vào đợt trùng tu năm 1960, ngôi chính điện đã được thay đổi toàn bộ chất liệu, bê tông đã thay thế gỗ, mái ngói thay lá dừa nước. Mặt bằng chính điện hình chữ nhật trải dài theo hướng Đông Tây. Cửa chính quay ra hướng đông. Phần mái chính điện là một kết cấu đặc biệt, gồm 4 hệ thống mái chồng lên nhau được trang trí hình tượng con rồng ở các góc. Hình tượng rồng của người Khmer khác với người Việt, đầu rồng có sừng uốn lượn, mảnh mai, thân rồng theo mô típ của loài cá Poon – Co, nên rồng không có chân, trên lưng giương những đao mác nhọn, cong về phía đuôi, hình tượng rồng được bố trí theo chiều dài đòn dong.

Mái tiếp giáp với cột trang trí hình tượng chim Cay – No, thể hiện sức mạnh như chống đỡ cả bầu trời và che chở cho con người ở trần gian. Bên trong chánh điện có tượng Phật sơn son thiếp vàng, cao khoảng 2m, trên bệ thờ cao khoảng 1,5m được đắp nổi nhiều hoa văn hình cánh sen. Ngoài tượng Phật lớn còn có nhiều tượng Phật nhỏ khác.

Trên bệ thờ được làm bằng gỗ sơn son thiếp vàng, trang trí hoa văn hình chim muông, hoa lá giống như hoa văn tại các đình, chùa truyền thống khác của người Việt. Đặc biệt phía dưới bệ thờ ở hai bên tượng Phật có hai họa tiết hình con dơi đối xứng nhau. Trần chính điện được trang trí bằng những mảng tranh sơn dầu hình tiên nữ đang múa trên bầu trời, làm tăng thêm phần sinh động và trang nghiêm cho nội thất.

Đối diện với ngôi chính điện về hướng Tây là dãy nhà Sa La, phòng của sư trụ trì, phòng khách và rải rác xung quanh ngôi chính điện là những tháp đựng cốt tro người chết, mỗi tháp mang dáng kiểu khác nhau. Qua đó, toàn bộ quần thể kiến trúc chùa Dơi hiện lên một cách hài hoà, làm chúng ta liên tưởng đó là cả một rừng hoa văn với những bố cục đối xứng, gọn gàng, những đường nét uyển chuyển đầy ấn tượng… Với những công trình kiến trúc độc đáo và khác biệt, Chùa Dơi đã được công nhận là di tích nghệ thuật cấp quốc gia vào năm 1999. Chùa chính là tác phẩm của sự kết hợp hài hoà giữa thiên nhiên, văn hoá và cuộc sống đời thường, là một trong những công trình kiến trúc nghệ thuật tuyệt vời nhất được tạo ra từ tinh thần lao động cần cù và sáng tạo qua đôi bàn tay khéo léo của người Khmer. Đây sẽ là một điểm đến hấp dẫn đối với nhưng ai yêu thích du lịch tâm linh và thích khám phá.

Chùa Tầm Vu – Sóc Trăng

Chùa Tầm Vu, có tên gọi theo tiếng Khmer là Prêk Om Pu, tọa lạc ấp Hưng Thới, xã Thạnh Thới An, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng. Đây là một trong những ngôi chùa Khmer cổ ở tỉnh Sóc Trăng.

sóc trăng có gì?

Chùa Tầm Vu – Sóc Trăng

Theo tư liệu của chùa ghi lại, Chùa Tầm Vu được xây dựng từ năm 1664 bằng vật liệu tre, lá đơn sơ. Năm 1811 chùa dời đến địa điểm mới cách địa điểm cũ 500m. Đến năm 1954 được sự quan tâm của các cấp chính quyền cùng với sự đóng góp tiền của và công sức của bà con phum sóc nơi đây, Hòa thượng Châu Mum đã cho xây dựng lại ngôi chùa, nhưng do chiến tranh và kinh phí hạn hẹp nên mãi đến năm 1977 chùa mới khánh thành.

Chùa Tầm Vu có diện tích 33.961,9 m2. Tổng thể kiến trúc của ngôi chùa bao gồm: cổng chùa, đường nội bộ, sân, chánh điện, sala, nhà ở cho các vị sư, thư viện, trại để ghe ngo, lò thiêu, tháp để tro cốt, hàng cây cổ thụ xung quanh chùa,…Gần 350 năm hình thành và phát triển, Chùa Tầm Vu đã trải qua 15 đời trụ trì.

Chùa nằm dọc theo sông Hưng Thới, cổng chùa quay mặt ra hướng Bắc. Cổng có hai cột vuông đỡ lấy bảng tên chùa được làm bằng xi măng ở phía trên. Chính giữa cổng chùa đắp hình tượng hai vị sư đang đỡ một vòng tròn đặt trên một cái lư, vòng tròn này được mô phỏng theo bánh xe luân hồi của đạo Phật, có 8 cánh đại diện cho 8 hướng với ý muốn: Phật pháp lan toả và thấm nhuần khắp 8 phương. Bên dưới vòng tròn là dòng chữ đắp nổi ghi tên chùa bằng chữ Khmer Prêk Om Pu (Tầm Vu). Ngoài cửa chính của chùa còn có 2 cửa phụ. Cổng và hàng rào được trang trí bởi họa tiết hoa văn Khmer. Phía trên cổng chùa được điêu khắc trang trí hình tượng rồng quen thuộc như các chùa Khmer khác.

Bước qua cổng chùa, ta nhìn thấy mỗi bên là hai tháp để tro cốt, trong đó có tháp đựng tro cốt của Hoà thượng Châu Mum nằm phía bên phải tính từ cổng chùa vào, ông là một vị sư đã có công rất lớn trong hai cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ. Đi khoảng 20 mét là cột cờ nằm ở giữa khuôn viên chùa, phía bên trái cột cờ là ngôi chánh điện.

Chánh điện quay mặt về hướng Đông, theo quan niệm của người Khmer Phật ở phương Tây quay mặt sang hướng Đông để ban phước cho dân nên chùa phải xoay theo hướng Đông để hợp với hướng tượng thờ trong chánh điện. Ngôi chánh điện được xây dựng trên hai cấp, nền cao hơn hẳn các công trình kiến trúc khác trong khuôn viên chùa. Quanh cấp nền thấp của ngôi chánh điện đều có hàng rào bao bọc và có hai lối cầu thang đi lên nơi thờ Phật.

Chùa Tầm Vu là một công trình nghệ thuật kiến trúc có giá trị thẩm mỹ với quần thể nghệ thuật kiến trúc truyền thống Khmer Nam bộ nhưng có một số nét khác biệt với những ngôi chùa Khmer thông thường ở Đồng bằng Sông Cửu Long. Đó là ngôi chánh điện được xây theo kết cấu 2 tầng (một trệt, một lầu). Kết cấu mái ngôi chánh điện là một kết cấu đặc biệt gồm 03 ngọn tháp bằng nhau nằm dọc theo chiều dài chánh điện, chiều cao của mỗi tháp khoảng 5m, đáy rộng 3m.

Trước cổng đi vào tầng trệt có 5 cây cột. Trong tầng trệt không có trang trí hoa văn. Được xây dựng đơn sơ, chủ yếu là trụ cột để chống đỡ cho tầng trên của ngôi chánh điện. Bên trong tầng trệt có 6 hàng cột tròn (2 hàng cột nằm chính giữa mỗi hàng có 10 cột nằm theo hàng dọc, tương tự 4 hàng còn lại ở hai bên mỗi hàng có 8 cột). Bên trong đặt chiếc ghe Ngo độc mộc có từ năm 1962. Tầng trệt trước đây là nơi nuôi chứa cán bộ cách mạng và bà con phật tử mỗi khi giặc đàn áp, truy bắt những người tham gia cách mạng.

Ở tầng lầu mỗi bên chánh điện có 05 cửa sổ bằng gỗ rộng 1.2m x 1.6m và hai cửa ra vào rộng 1.2m x 2.4m. Trên mỗi cửa sổ và cửa ra vào đều có trang trí hoa văn khmer đắp nổi bằng xi măng. Bên trong chánh điện, nền được lát gạch bông, dọc theo chiều dài là hai hàng cột tròn, mỗi hàng gồm 5 cột. Hai gian trong cùng đặt bệ thờ cao 1.3m, rộng 2.2m x 03m thờ Phật Thích Ca. Ở trung tâm bệ là một pho tượng Phật Thích Ca bằng đá cao khoảng 1,5m được đặt trên bệ cao khoảng 1m. Trên bệ thờ Phật có hai cây cột tròn vẽ hình rồng. Xung quanh tường ngôi chánh điện được vẽ tranh sơn dầu ở hai mặt nói về truyền thuyết Phật Thích Ca từ lúc sinh ra cho đến khi nhập cõi niết bàn. Trần ngôi chánh điện trang trí hoa văn Khmer có độ cao 4m.

Chùa Tầm Vu là một trong những công trình kiến trúc tôn giáo thể hiện đặc trưng vốn văn hoá truyền thống của người Khmer Nam bộ nói chung và Sóc Trăng nói riêng. Ngoài chức năng thỏa mãn nhu cầu đời sống tâm linh, chùa còn đáp ứng được nhu cầu thẩm mỹ của người dân Khmer trong vùng. Ngôi chùa là sự tập hợp toàn vẹn các yếu tố tạo hình kết hợp chặt chẽ và hỗ trợ lẫn nhau trong một thể thống nhất. Chùa vừa là trung tâm giáo dục văn hóa của đồng bào Khmer, vừa là điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng của cư dân địa phương.

Trong cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, đặc biệt là cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, chùa Tầm Vu vừa là một cơ sở nuôi chứa cách mạng, vừa là một trong những mũi nhọn cho các phong trào đấu tranh của đồng bào Khmer chống lại sự đàn áp của chính quyền tay sai. Chùa cũng là cái nôi nuôi dưỡng và sản sinh ra những chiến sĩ cách mạng kiên trung, suốt đời đấu tranh không mệt mỏi để giải phóng quê hương đất nước như: đồng chí Huỳnh Cương, Trịnh Thới Cang, Lưu Văn Đê, Trương Văn Mạnh (Bảy Hòa), Sáu Châu, Tám Khem, Ba Nhất,…

Trong cuộc đấu tranh gian khổ ác liệt ấy, sư sãi nhà chùa cùng bà con phật tử nơi đây đã đoàn kết một lòng theo Đảng, đùm bọc, che chở, nuôi chứa những cán bộ hoạt động cách mạng và tham gia phong trào kháng chiến với ý chí dũng cảm kiên cường làm cho kẻ thù phải khiếp sợ. Mặc dù kẻ thù luôn có âm mưu đàn áp phong trào cách mạng và tìm mọi cách bắt giữ những chiến sĩ cách mạng, nhưng sư sãi và bà con phật tử vẫn kiên trì đấu tranh, biểu tình chống bắt lính; đồng thời để bảo vệ phum sóc và ngôi chùa, quyết tâm tìm đủ mọi cách để giúp đỡ cách mạng, góp phần làm nên thắng lợi của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Có thể nói, chùa Tầm Vu là một trong những ngôi chùa có ý nghĩa quan trọng trong việc góp phần tạo nên chiến thắng trong công cuộc đấu tranh giành độc lập của quê hương Sóc Trăng. Đồng thời, giáo dục truyền thống cách mạng hào hùng đối với thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.

Với những giá trị về văn hoá, lịch sử và đặc biệt là công lao đóng góp của Hoà thượng Châu Mum cùng sư sãi và bà con phật tử cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Ngày 29/8/2012 chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng đã có Quyết định số 372/QĐTC-CTUBND công nhận chùa Tầm Vu là di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh.

Sóc Trăng có gì? Bạn đang muốn tìm một nơi để giải tỏa tâm hồn nhưng chưa biết đi đầu thì hãy đến với Sóc Trăng – chuyến hành trình tại đây hứa hẹn sẽ mang đến cho bạn nhiều trải nghiệm thú vị. Tạm quên những điểm du lịch nổi tiếng trước đó và thử đặt chân đến đây xem sao nhé.

Đăng bởi: Huyền Trân

YOLO! Khám phá các huyện ở Sóc Trăng

ALONGWALKER Singapore: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Philippines: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Indonesia: Saluran untuk mengeksplorasi pengalaman para pemuda global ALONGWALKER Malaysia: Saluran untuk menjelajahi pengalaman global belia ALONGWALKER Japan: 発見・体験、日本旅行に関する記事 ALONGWALKER Thailand: ช่องทางในการสำรวจประสบการณ์ของเยาวชนระดับโลก