Lễ Hội Sóc Trăng

Sóc Trăng có lễ hội gì?

Với ba dân tộc Kinh – Khmer – Hoa cùng cộng cư từ rất lâu đời, Sóc Trăng là vùng đất có sự đa dạng về truyền thống văn hóa và là nơi hội tụ nhiều lễ hội độc đáo, diễn ra quanh năm. Các lễ hội ở Sóc Trăng rất đa dạng, phong phú, thể hiện nét văn hóa tâm linh tín ngưỡng tốt đẹp của người dân sinh sống trong vùng, nhằm tạ ơn trời đất, cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, gia đạo bình yên… Sóc Trăng có lễ hội gì? Dưới đây là một số lễ hội truyền thống tại Sóc Trăng mời bạn cùng tìm hiểu nhé.

Lễ hội Ok Om Bok – đua ghe Ngo – Sóc Trăng

Ok Om Bok (còn có tên là lễ Cúng Trăng hay lễ Đút cốm dẹp) là lễ hội lớn của người Khmer, được tổ chức vào khoảng rằm tháng 10 Âm lịch. Đây là lúc kết thúc vụ mùa, người Khmer tổ chức lễ Đút cốm dẹp ước nguyện những điều tốt đẹp trước khi nuốt với sự chứng kiến của người lớn tuổi và thần Mặt Trăng. Vật cúng trăng ngoài cốm dẹp còn có những sản vật của ruộng vườn như khoai, dừa, chuối… để tỏ lòng biết ơn đến thần Mặt Trăng – vị thần theo quan niệm của người Khmer là mang đến cho họ vụ mùa tốt tươi và những điều ước tốt đẹp.

sóc trăng có lễ hội gì?

Lễ hội Ok Om Bok – Sóc Trăng

Lễ Cúng Trăng được thực hiện tại sân chùa hoặc sân nhà vào đêm 15/10 Âm lịch, lúc trăng đã lên cao. Lễ vật được bày trên bàn, đặt giữa sân, các thành viên trong gia đình đứng xung quanh cầu nguyện, tạ ơn thần linh. Sau đó, vị chủ tế thực hiện nghi thức vốc thức ăn, cốm dẹp đút vào miệng những trẻ nhỏ trong gia đình với mong muốn các thành viên này sẽ được chở che, chăm sóc và đạt được ước nguyện trong cuộc sống. Khi các nghi thức được thực hiện xong thì các thành viên trong gia đình cùng quây quần thưởng thức lễ vật, hưởng “lộc” của thần Mặt Trăng. Ngoài nghi thức tế lễ, lễ hội Ok Om Bok của người Khmer ở Sóc Trăng còn gây ấn tượng với phần hội sôi động, đặc biệt là hoạt động đua ghe Ngo.

sóc trăng có lễ hội gì?

Đua ghe Ngo – Sóc Trăng

Ghe Ngo là một loại thuyền độc mộc, có chiều dài khoảng 22 đến 24m, có từ 50 đến 60 vận động viên bơi bằng dầm gỗ; có mũi và lái đều cong, thân được trang trí hoa văn sặc sỡ, đầu ghe có hình con thú biểu trưng cho từng ghe. Ghe Ngo là vật đại diện cho mỗi chùa ở Sóc Trăng và được xem là tài sản quý giá, thiêng liêng của phum sóc, được bảo quản cẩn thận tại chùa. Ghe chỉ được hạ thủy (xuống nước) một lần trong năm vào dịp lễ hội Ok Om Bok.

Tại tỉnh Sóc Trăng, lễ hội Ok Om Bok – đua ghe Ngo được tổ chức và duy trì hằng năm, nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer Sóc Trăng nói riêng và của đồng bào Khmer Nam bộ nói chung.

Lễ hội Thác Côn – Sóc Trăng

Lễ hội Thác Côn (hay có tên khác là lễ hội đạp cồng) được tổ chức thường niên vào các ngày 15, 16 và 17/2 Âm lịch tại ấp An Trạch, xã An Hiệp, huyện Châu Thành. Lễ vật dùng để cúng trong lễ hội Thác Côn là trái dừa tươi được trang trí thêm hoa, lá, nhang đèn, nhìn như những chiếc bình bông, rất độc đáo, nên còn gọi là lễ hội Cúng Dừa. Những chiếc bình bông sặc sỡ được trang trí bằng hoa tươi và nhang đèn cắm trên trái dừa ấy được người Khmer gọi là Slathođôn.

sóc trăng có lễ hội gì?

Lễ hội Thác Côn – Sóc Trăng

Đây là lễ hội đã tồn tại hàng trăm năm, xuất phát từ truyền thuyết về chiếc cồng vàng nổi lên ở vùng đất An Trạch xưa kia. Theo đó, ngày xưa ở ấp An Trạch bỗng dưng nổi lên một gò đất, dẫm chân lên thì phát ra âm vang như tiếng cồng. Sau đó, tiếng cồng trong gò đất nhỏ dần rồi mất hẳn. Từ đó, người dân đã lập một ngôi miếu thờ. Hàng năm, dân làng An Trạch cùng nhau tổ chức lễ hội cầu an ở miếu này và gọi đó là lễ hội Thác Côn. Trong tiếng Khmer, Thác Côn có nghĩa đạp cồng, gợi lại sự tích về tiếng cồng chiêng vang lên từ đất.

Các nghi thức trong thời gian diễn ra lễ hội Thác Côn gồm sáng dâng cơm cho sư, tối đến thì mời sư đọc kinh cầu siêu, làm phước để cầu an cho dân trong phum, sóc và sau cùng là thuyết pháp để dạy các Phật tử giáo lý nhà Phật. Ngoài ra, phần hội còn có nghệ thuật sân khấu Rô băm và Dù kê phục vụ trong những ngày diễn ra lễ hội.

Lễ Đấu đèn – Sóc Trăng

Vào dịp tết Nguyên Tiêu (rằm tháng Giêng) sẽ diễn ra lễ Đấu đèn (đấu giá đèn lồng của người Hoa) tại Chùa ông Bổn ở Sóc Trăng. Chiếc đèn lồng ở đây cũng chỉ bình thường như những đèn lồng nơi khác. Tuy nhiên, về mặt tinh thần, chúng mang ý nghĩa tốt đẹp cho người làm ăn kinh doanh, công việc được “thuận buồm xuôi gió”, ngày càng phát đạt, gia đình mạnh khỏe. Chính vì vậy, giá trị của mỗi chiếc đèn lồng có thể lên đến vài chục, vài trăm triệu đồng. Mỗi cây đèn đều mang một câu chúc như: “Hợp gia bình an”, “Sanh ý hưng long”, “Tài nguyên quản tấn”, “Kim ngọc mãn đường”. Đối với giới kinh doanh người Hoa, họ rất thích, những câu chúc như thế rất có giá trị cho họ trong một năm làm ăn sắp tới.

sóc trăng có lễ hội gì?

Lễ Đấu đèn – Sóc Trăng

Thực chất, Ban quản trị ở chùa tổ chức lễ Đấu đèn để nhằm tạo bầu không khí sinh động đón mừng năm mới, tạo tình cảm vui tươi cho mọi người. Còn với người tham gia, họ muốn đóng góp tiền bạc cho chùa để làm những việc công ích xã hội.

Đến với Lễ hội, đừng quên chiêm ngưỡng kiến trúc của Chùa ông Bổn. Là một di tích kiến trúc nghệ thuật mang đậm nét đặc trưng của người Hoa, Chùa xây dựng hoàn toàn bằng đá và gỗ quý và được điêu khắc hết sức tinh xảo. Các công trình chạm trổ, khắc họa trên mái, trên cột, trên cửa, trên các bức hoành phi vẫn còn giữ nguyên nét công phu của các nghệ nhân xưa, rất đáng để chiêm ngưỡng. Chùa tọa lạc tại số 09, đường Nguyễn Văn Trỗi, khóm 1, phường 1, thành phố Sóc Trăng.

Tết Chôl-Chnăm-Thmây – Sóc Trăng

Là một trong ba lễ hội lớn và quan trọng nhất của người Khmer Nam Bộ. Tết Chôl-Chnăm-Thmây là lễ hội mừng năm mới và cũng là dịp tưởng nhớ ông bà tổ tiên và đức Phật đã che chở trong suốt một năm qua.

sóc trăng có lễ hội gì?

Tết Chôl-Chnăm-Thmây – Sóc Trăng

Tết Chôl-Chnăm-Thmây diễn ra vào ngày 13, 14, 15 tháng 4 dương lịch. Vào ngày thứ nhất, người ta làm lễ rước Đại lịch. Mọi người tắm gội, mặc quần áo đẹp, mang theo lễ vật nhang đèn, hoa quả đến chùa làm lễ rước Đại lịch. Lễ mang ý nghĩa chào mừng năm mới và xem điềm báo năm mới tốt hay xấu. Ngày thứ hai, làm lễ dâng cơm và đắp núi cát. Mỗi gia đình sẽ làm cơm dâng cho các vị sư sãi ở chùa vào buổi sớm và trưa. Buổi chiều, họ tổ chức lễ đắp núi cát để tìm phúc duyên. Tục này nhằm biểu lộ ước vọng cầu mưa, cầu phúc của con người.

Ngày thứ ba làm lễ tắm tượng Phật và tắm sư. Lễ mang ý nghĩa biết ơn đức Phật, đồng thời, gột rửa mọi điều không may của năm cũ để bước sang năm mới. Sau khi thực hiện các nghi lễ, thời gian còn lại trong các ngày này mọi người đi thăm hỏi lẫn nhau, chúc nhau những điều tốt đẹp và cùng nhau vui chơi. Mặc dù theo lịch, Lễ sẽ diễn ra trong ba ngày, tuy nhiên, thời gian vui chơi Lễ của người dân có khi kéo dài cả tuần hoặc hơn sau đó họ mới trở lại cuộc sống như ngày thường.

Lễ hội Nghinh Ông – Sóc Trăng

Diễn ra vào ngày 21 tháng 3 âm lịch hàng năm ở vùng biển Kinh Ba thuộc huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng. Tương truyền, cá Ông là một vị thần luôn giúp ngư dân vượt qua những tai nạn trên biển khơi, khi con người đang bị nạn ngoài biển có lời khẩn cầu thì cá Ông sẽ đến cứu nạn và đưa vào bờ an toàn. Vì vậy, khi cá Ông “lụy” (chết) xác trôi giạt vào bờ thì được ngư dân vớt lên chôn cất cẩn thận và tổ chức lễ cúng. Sau ba năm cải táng, đem xương (Ngọc cốt) vào đền thờ phụng. Hiện nay Lăng Ông Kinh Ba đang lưu giữ hai bộ cốt của hai Cá Ông lớn, nhỏ. Lễ hội thể hiện ý nguyện và lòng thành kính của người đi biển đối với cá Ông, cầu mong cho người đi biển được bình an, mang lại mùa hải sản bội thu.

sóc trăng có lễ hội gì?

Lễ hội Nghinh Ông – Sóc Trăng

Sau khi tiến hành những nghi lễ truyền thống, người ta sẽ diễu hành, múa lân rồi lên tàu ra biển cúng Ông. Trên tàu, người ta sẽ tiến hành các nghi thức cúng vái và xin keo. Khi xin keo thành công nghĩa là cá Ông đã chứng cho lòng thành của ngư dân, lúc đó, các tàu sẽ quay vào bờ để làm lễ hầu Ông về Lăng.

Đến với Lễ hội Nghinh Ông, du khách được hòa mình vào trong không gian văn hóa đặc sắc nhưng hết sức bình dị, mộc mạc của cư dân địa phương. Đồng thời, du khách cũng có thể tham quan một số địa điểm gần đó như Cảng cá Trần Đề, bãi biến Mỏ Ó, Rừng ngập mặn, Cầu Mỹ Thanh 2, Hồ Bể…

Lễ Hội Sông Nước Miệt Vườn – Sóc Trăng

Lễ hội sông nước miệt vườn được tổ chức vào ngày mùng 4, 5 tháng 5 âm lịch hàng năm tại cồn Mỹ Phước, huyện Kế Sách. Lễ hội nhằm tôn vinh những loại trái cây đặc sản của vùng Kế Sách, là vùng chuyên canh cây ăn trái lớn nhất của tỉnh Sóc Trăng, và tôn vinh người nông dân đã lao động để làm ra các loại trái cây đó.

sóc trăng có lễ hội gì?

Lễ Hội Sông Nước Miệt Vườn – Sóc Trăng

Tại Lễ hội, người dân sẽ trưng bày các trái cây đặc sản ngon nổi tiếng gắn liền với các địa danh nơi đây như: Cam sành Ba Trinh, mít nghệ An Mỹ, bưởi da xanh Kế An, bưởi năm roi Kế Thành, chôm chôm Phong Nẫm, măng cụt An Lạc Tây… Bên cạnh đó, Lễ hội còn có còn có nhiều hoạt động để chào đón các nhà khoa học, thương nhân và du khách tham quan đến để giao lưu, học hỏi, tìm cơ hội hợp tác, kinh doanh hoặc chỉ đơn thuần là có những phút giây vui chơi, giải trí như: Hội thi ẩm thực sông nước miệt vườn, đua thuyền rồng, liên hoan đờn ca tài tử, triển lãm thành tựu kinh tế – văn hoá – xã hội và các trò chơi dân gian: Bịt mắt đập nồi, đi cầu vọt…

Đến với Lễ hội sông nước miệt vườn , du khách có dịp thưởng thức nhiều đặc sản, chiêm ngưỡng vườn cây trái sum xuê, tận hưởng không khí trong lành của địa điểm du lịch sinh thái này và gặp gỡ những người cố cựu nơi đây, chân chất, thiệt tình kể về những ngày đầu đến khai phá đất cồn.

Lễ Dâng Bông – Sóc Trăng

Lễ dâng bông hay còn gọi là Lễ Kathina, Lễ Dâng y cà sa, được tổ chức trong thời gian từ ngày 15 tháng 9 đến ngày 15 tháng 10 âm lịch. Là nghi lễ mang đậm nét văn hóa truyền thống của người dân Khmer Nam Bộ nhằm cầu cho phun sóc yên ấm, gia đình bình an, mưa thuận gió hòa và thành kính dâng y cà sa cho chư tăng, thể hiện tín ngưỡng với Đức Phật và làm theo lời Phật dạy.

sóc trăng có lễ hội gì?

Lễ Dâng Bông – Sóc Trăng

Thông thường, vào ngày thứ nhất, người dân đem nhang đèn, tiền bạc, trái cây, bông hoa, áo cà sa đến chùa cầu nguyện dâng lên cúng phật. Sau đó, họ dâng áo cà sa cùng đồ lễ này cho các vị sư sãi ở chùa và nghe các sư thuyết pháp, hồi hướng công đức cho mình cùng gia đình. Vào tối hôm đó, họ sẽ tổ chức vui chơi, văn nghệ, múa lâm thol, ròm vong… Ngày thứ hai, người dân tập trung lại để tiến hành lễ dâng bông, dâng y cà sa trên đường hoặc xung quanh chùa, sau đó, họ quay lại chùa để nghe các sư trì tụng kinh và chứng minh công đức tấm lòng của họ.

Lễ hội thả Đèn Nước – Sóc Trăng

Lễ hội thả Đèn Nước hay còn gọi là Lôi-Protip được tổ chức vào dịp Lễ Ooc-om-boc (ngày 15 tháng 10 âm lịch hàng năm). Lôi Protip nhằm cúng chiếc răng nanh Phật Thích Ca được rắn thần Naga cất giữ nơi long cung. Protip cũng tượng trưng cho hàm răng dưới của Đức Phật ở lại hạ giới độ trì chúng sinh. Lễ còn mang ý nghĩa là để tạ ơn Thần Mặt đất (Prés thôrni) và Thần Nước (Prés kôong kea) vì qua một năm lao động và sinh hoạt, con người đã làm ô uế đến thiên nhiên nên làm lễ cúng để tạ lỗi. Mặc khác, Lễ cũng nhằm tưởng nhớ công ơn của đấng thiên nhiên đã phù hộ con người làm ăn sinh sống bình yên và mong muốn điều tốt lành hơn cho năm sau.

sóc trăng có lễ hội gì?

Lễ hội thả Đèn Nước – Sóc Trăng

Trong đêm diễn ra Lễ hội, hàng ngàn bà con và du khách sẽ đổ xô về sông Maspero ở thành phố Sóc Trăng để cùng chiêm ngưỡng vẻ đẹp của những chiếc đèn nước. Đèn nước làm bằng thân và bẹ chuối được ráp thành hình một ngôi đền, trang trí cờ phướn, hoa lá, cắm đèn và nhang, bên trong bày vật cúng. Trước khi thả đèn, sư sãi và bà con trong phum sóc thắp nhang xung quanh đèn rồi nghe sư tụng kinh cầu tam bảo, cúng trăng để cầu nguyện cho sự an vui, thịnh vượng và ước mong của mọi nhà. Sau đó người ta rước đèn ra sông để thả đèn.

Trong ngày diễn ra Lễ hội, cùng với Lễ thả Đèn nước còn có nhiều hoạt động văn hoá truyền thống đặc sắc của bà con dân tộc Khmer như: múa trống sadăm, hát dù kê, múa lâm thol, biểu diễn dàn nhạc ngũ âm, hội thi trang phục dân tộc…

Lễ hội Cúng Phước Biển – Sóc Trăng

Lễ hội Cúng Phước Biển, một lễ hội truyền thống của đồng bào người Khmer vùng biển Vĩnh Châu, Sóc Trăng. Người Khmer gọi là Chrôirum check, được tổ chức vào ngày 14, 15 tháng 2 (âm lịch) hàng năm, thu hút rất nhiều du khách. Đây là dịp để bà con ngư dân người Khmer vùng biển Vĩnh Châu, tạ ơn biển cả đã cho con người nguồn hải sản quý giá và cầu nguyện cho người đi biển được bình yên, đánh bắt được nhiều tôm cá.

sóc trăng có lễ hội gì?

Lễ hội Cúng Phước Biển – Sóc Trăng

Lễ hội Cúng Phước Biển được tổ chức tại chùa Cà Săng (Srei Krosang) ở làng biển xã Vĩnh Châu, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng: bắt đầu bằng lễ cầu siêu, tưởng nhớ công ơn tổ tiên, tạ ơn biển cả và cầu mong những điều tốt lành nhất sẽ đến với dân làng. Sau đó, người ta rước tượng Phật từ chùa Cà Săng đến khu vực hành lễ, nơi dựng sẵn một cái rạp với chiều dài 8m, ngang 18m. Đây là nơi diễn ra các nghi lễ cầu nguyện tam bảo, cầu quốc thái dân an và chư tăng thuyết pháp. Sau các nghi lễ truyền thống là những hoạt động hội hè, giải trí. Nhiều trò chơi dân gian giàu tính truyền thống của dân tộc Khmer được tổ chức như đua bò kéo xe, đua ghe ngo trên cạn, thi đua tưới rẫy, thi nhặt củ hành,… Ngày hội cũng có những chương trình biểu diễn văn nghệ với những điệu múa uyển chuyển, điêu luyện của các cô gái Khmer hòa cùng dàn nhạc ngũ âm và cả vũ điệu cổ truyền như múa gà, múa trống sadam, múa khỉ của các nghệ nhân Khmer.

Lễ Nhập Hạ – Sóc Trăng

Hàng năm, cứ đến ngày 15/6 âm lịch (tháng Asat của đồng bào Khmer), đồng bào Khmer Nam Bộ nói chung và người dân Sóc Trăng nói riêng lại tổ chức lễ Nhập hạ, còn gọi là Bun Chôl Vô Sa, cầu cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, gia đình yên vui hạnh phúc; đồng thời dâng các vật dụng sinh hoạt cho các chư tăng tại chùa trong 3 tháng Nhập hạ.

sóc trăng có lễ hội gì?

Lễ Nhập Hạ – Sóc Trăng

Năm nhuần của lịch Khmer, lễ Nhập hạ của đồng bào Khmer rơi vào tháng nhuần thứ hai của tháng Asat. Lễ Nhập hạ của đồng bào Khmer có thể chia làm 2 ngày chính. Ngày thứ nhất diễn ra vào buổi chiều, đồng bào sẽ đem lễ vật đến chùa để làm lễ cầu nguyện. Trong ngày này, lễ vật không thể thiếu là những cây đèn cầy to lớn được các phật tử dâng đến chùa để thắp liên tục (không để tắt) trong ba tháng Nhập hạ. Ngày thứ hai, đồng bào phật tử đem cơm, nước, gạo… đến chùa dâng lên sư sãi nhằm cầu siêu cho người quá cố và cầu bình an, hạnh phúc cho phum sóc.

Trong ba tháng Nhập hạ (từ ngày 15/6-15/9 âm lịch), ngoài việc thắp đèn cầy, các chùa Khmer còn đánh trống vào hai buổi sáng (bắt đầu từ 4 giờ -5 giờ) và chiều (từ 16-17 giờ) để giúp cho đồng bào của phum sóc chủ động được thời gian trong hoạt động sản xuất, sinh hoạt.

Lễ Nhập hạ được tổ chức vào mùa mưa, khi bắt đầu vào mùa gieo trồng và cày cấy theo lịch của đồng bào Khmer. Lễ Nhập hạ có ý nghĩa quan trọng đối với sư sãi và đồng bào Khmer, vừa tạo thời gian để sư sãi chuyên tâm học đạo, trau dồi giáo lý và tự vấn bản thân trong quá trình tu hành, vừa tạo điều kiện cho người dân chuyên tâm lao động sản xuất, đạt năng suất cao trong mùa vụ.

Hy vọng với những lễ hội truyền thống đặc sắc, hấp dẫn ở Sóc Trăng mà chúng tôi chia sẻ trên đây sẽ giúp bạn giải đáp được thắc mắc ở Sóc Trăng có lễ hội gì rồi nhé. Hãy một lần ghé thăm nơi đây và cảm nhận không khí của những lễ hội tuyệt vời này. Chúc bạn có chuyến du lịch Sóc Trăng vui vẻ và trọn vẹn niềm vui.

Đăng bởi: Trần Phước Điền

YOLO! Khám phá các huyện ở Sóc Trăng

ALONGWALKER Singapore: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Philippines: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Indonesia: Saluran untuk mengeksplorasi pengalaman para pemuda global ALONGWALKER Malaysia: Saluran untuk menjelajahi pengalaman global belia ALONGWALKER Japan: 発見・体験、日本旅行に関する記事 ALONGWALKER Thailand: ช่องทางในการสำรวจประสบการณ์ของเยาวชนระดับโลก