Trung Quốc

Tấn Vũ Đế - vị vua hoang dâm nhất lịch sử Trung Quốc

Tấn Vũ Đế (236-290), tên thật là Tư Mã Viêm, biểu tự An Thế, là vị Hoàng đế đầu tiên của nhà Tấn trong lịch sử Trung Quốc. Thời kì trị vì của ông kéo dài từ năm 266 đến năm 290, tổng 24 năm.

Ông là một trong những vị Hoàng đế nổi tiếng nhất lịch sử Trung Quốc, người có công thống nhất Trung Hoa sau một thời gian dài hơn 100 năm nội chiến sau thời kỳ Tam Quốc. Thành tựu đáng kể là vậy, cùng với tư chất thông minh và tài năng trị quốc đáng nể, song ông cũng nổi tiếng là một Hoàng đế hoang phí và dâm dục, có hậu cung hơn mười nghìn người.

Tấn Vũ đế thường được xem như là một người hào phóng và tốt bụng, nhưng cũng là một lãnh đạo xa hoa lãng phí. Sự rộng lượng và lòng tốt của ông làm yếu quy tắc của ông, khi ông trở nên quá khoan dung đối với tham nhũng và lãng phí của gia đình hoàng tộc, làm tiêu hao tài nguyên của người dân. Hơn nữa, khi Tấn Vũ đế thành lập nhà Tấn, ông lo ngại về sự ổn định của chế độ, và tin rằng nhà nước trước đó – Tào Ngụy – đã bị thất bại do không trao quyền cho các hoàng thân của hoàng đế, nên ông đã tăng sức mạnh cho các chú, anh em họ của ông, và các con trai của ông có nhiều thẩm quyền quản lý quân sự. Điều này trớ trêu thay đã dẫn đến sự bất ổn của triều đại nhà Tấn, khi các hoàng tử tham gia vào một cuộc đấu tranh nội bộ được gọi là Loạn bát vương ngay sau khi ông qua đời, và sau đó là cuộc nổi dậy Ngũ Hồ loạn Hoa đã gần như phá hủy nhà Tấn và buộc triều đại phải di chuyển đến vùng phía nam sông Hoài.

Thời trẻ

Tư Mã Viêm người huyện Ôn, quận Hà Nội (nay là huyện Ôn, tỉnh Hà Nam), là cháu nội Tư Mã Ý, con trai trưởng của Tư Mã Chiêu. Mẹ ông là Vương Nguyên Cơ, con gái của Vương Túc. Khi Tư Mã Viêm lớn lên, dòng họ Tư Mã đã nắm quyền thao túng Triều đình nhà Tào Ngụy thời Tam Quốc.

Năm 251, Tư Mã Ý qua đời, bác Tư Mã Viêm là Tư Mã Sư lên thay, nắm quyền trong triều. Tư Mã Sư không có con nên Tư Mã Chiêu cho người con thứ Tư Mã Du (em Viêm) làm con anh mình. Tư Mã Sư thấy Phế đế Tào Phương có ý chống đối, bèn truất ngôi và lập Tào Mao lên thay. Năm 254, Tư Mã Sư ốm chết, Tư Mã Chiêu lên thay. Tào Mao cũng định chống đối Chiêu, bị Chiêu giết chết và lập Tào Hoán kế vị, tức Ngụy Nguyên Đế.

Năm 263, Tư Mã Chiêu điều binh diệt nước Thục Hán, được vua Ngụy phong tước Tấn Vương. Năm 265, Chiêu ốm nặng, có người khuyên nên lập Tư Mã Du là người hương hỏa của Tư Mã Sư, nhưng Chiêu không nghe theo mà lập con cả Tư Mã Viêm.

Tư Mã Viêm lên ngôi Tấn Vương, không lâu sau đó đã bắt Hoàng đế Tào Hoán của Tào Ngụy thoái vị và giao lại triều đình cho mình vào ngày Nhâm Tuất tháng 12 năm Ất Dậu (tức 4 tháng 2 năm 266). Vào ngày Bính Dần cùng tháng (tức 8 tháng 2), Tư Mã Viêm chính thức làm đại điển đăng cơ, trở thành Tấn Vũ Đế trong lịch sử, vương triều Tây Tấn được thành lập.

ẩm thực, trung quốc, tấn vũ đế - vị vua hoang dâm nhất lịch sử trung quốc

Hoàng đế Đại Tấn

Thống nhất Trung Hoa

Các lực lượng chống đối trung thành với nhà Ngụy đều không còn, các đại thần khuyên ông nên đánh nốt nước Ngô vì Ngô Đế là Tôn Hạo là kẻ tàn bạo đang mất lòng dân.

Sau mấy lần do dự, cuối cùng vào năm Hàm Ninh thứ 5 (279), Tư Mã Viêm sai Đỗ Dự, Vương Tuấn cùng Tư Mã Du mang quân Nam tiến đánh Ngô. Quân Tấn nhanh chóng đánh bại quân Ngô và tiêu diệt nước Ngô, bắt sống Tôn Hạo (đầu năm 280).

Đến đây thì chấm dứt thời kì chiến loạn đẫm máu kéo dài từ thời Hán mạt gần 100 năm, Trung Hoa lại được quy về một mối.

Thái Khang chi trị

Trước sự hùng mạnh của Tây Tấn, những sự cướp phá chống Trung Quốc của Hung Nô và những bộ tộc khác tạm dừng trong một thời gian. Và chính sách định cư các bộ tộc bên trong Trung Quốc đã có kết quả. Triển vọng về một nền hòa bình, thống nhất và thịnh vượng bắt đầu.

Năm Hàm Ninh thứ 6 (280), Tấn Vũ Đế bắt đầu thi hành chính sách mới. Quân đội được nghỉ ngơi, các vũ khí kim loại bị đúc thành tiền. Nhưng cố gắng của Tấn Vũ Đế nhằm giải ngũ quân đội không có nhiều kết quả. Một số binh sĩ giải ngũ nhưng vẫn giữ vũ khí, các binh sĩ buôn bán vũ khí của họ với Hung Nô để đổi lấy đất, còn các hoàng thân ở vùng xa không chịu giải giáp hay giản tán quân đội của mình.

Đối với Hoàng đế cũ của ba nước là Tào Hoán, Tôn Hạo và Lưu Thiện, Tư Mã Viêm đối xử rất hậu, cho hưởng đủ phú quý sung túc, ngay cả Tào Hoán khi dâng biểu cũng không cần xưng “thần”. Những việc làm này khiến cho quý tộc ba nước dần quy thuận, không nghĩ kế làm phản nữa.

Đối với dân chúng, Vũ Đế thi hành chính sách ”Chiếm điền chế”, quy định đàn ông có thể sở hữu 70 mẫu ruộng, đàn bà có thể sở hữu 30 mẫu. Chính sách này đã thúc đẩy dân chúng tích cực sản xuất, bình ổn vùng nông thôn. Có nông nghiệp làm cơ sở, thương nghiệp và thủ công nghiệp nhanh chóng phát triển, kinh tế cả nước phát triển phồn thịnh. Vũ Đế cho bãi bỏ chế độ đồn điền do Tào Tháo lập nên, cho những hộ dân đồn điền được biên lại thành hộ trong châu quận. Nhà vua cho chiêu mộ những người lưu dân từ Thục và Ngô đến phương bắc nhằm gia tăng dân số. Vũ Đế còn cấm những nhà giàu tự chiêu mộ tá điền.

Ngoài ra, Vũ Đế thi hành chính sách cai trị “vô vi”, ban ra 5 chiếu thư:

  • Thứ nhất là chính thân, yêu cầu quan lại phải liêm khiết, yêu thương dân chúng.
  • Thứ hai là tích cực chăm lo việc của dân.
  • Thứ ba là giúp đỡ người cô quả, cẩn phải kịp thời cứu giúp những người hoạn nạn.
  • Thứ tư là coi trọng nông nghiệp, hạn chế các ngành nghề khác phát triển (như thương nghiệp).
  • Thứ năm là về nhân sự, loại bỏ những chức vụ không cần thiết.

Nhờ những chính sách trên, dân số dần được gia tăng. Năm Thái Khang thứ 3 (282), cả nước có 377 vạn hộ. Vào những năm Thái Khang, thiên hạ vô sự, nhờ thế mà xuất hiện lại cảnh tượng phồn vinh kể từ thời nhà Hán, sử sách gọi là Thái Khang chi trị.

Vũ Đế tìm cách quay lại thời kỳ vĩ đại của triều Hán, khi hòa bình và thịnh vượng có ở khắp đất nước và nhà Hán có được quyền lực trung ương mạnh. Tấn Vũ Đế đặt ra các cải cách nhằm mục đích kiềm chế quyền lực địa phương – quyền lực của các gia đình lớn. Nhưng những cải cách đó không thành công.

Đại phong tông thất

Ngụy Văn Đế Tào Phi phế Hán Hiến Đế, lên ngôi lập ra nhà Ngụy, sau đó chèn ép các em trai, bãi bỏ binh quyền của tông thất họ Tào, tự làm cô lập hoàng đế nên khi Tư Mã Ý tạo phản trong tông thất không ai ra giúp được hoàng đế. Tấn Vũ Đế lên ngôi, nhận được bài học của Tào Ngụy nên đại phong tông thất làm các phiên vương, thành lập các quận quốc nhỏ trên khắp lãnh thổ nhà Tấn. Các phiên vương được tự coi việc hành chính và mộ tư binh trên lãnh thổ của mình. Chính sách này có mục đích trấn áp những hào tộc có dã tâm nhưng đã phản tác dụng, vì lịch sử đã chứng minh, vào Loạn bát vương thì chính các phiên vương mới là những kẻ có dã tâm muốn tranh ngôi báu.

Tấn Vũ Đế trọng dụng tông thất vốn là để đối phó với giai cấp sĩ tộc (những gia tộc đời đời làm quan). Vì từ khi Tào Phi thực hiện chính sách Cửu phẩm trung chính chế (chia những hào môn vọng tộc trên cả nước thành 9 bậc; cứ thế theo sự lớn nhỏ của gia tộc mà nhận chức quan, từ đó lũng đoạn con đường làm quan, nhất là những đại sĩ tộc) do Trần Quần khởi xướng, trên cơ bản tầng lớp sĩ tộc đã nắm giữ toàn bộ đất nước bao gồm: trên từ thượng tầng kiến trúc (chính quyền), dưới đến hạ tầng cơ sở (kinh tế), thậm chí quyền phát ngôn của người dân cũng bị sĩ tộc nắm trong tay (ngôn luận). Gia tộc Tư Mã nhờ sự ủng hộ của đại đa số sĩ tộc mới lên ngôi nên trong mắt sĩ tộc khác, họ Tư Mã cũng chỉ là một sĩ tộc, hoàng đế là gia chủ đại biểu của sĩ tộc đó. Vì thế Tấn Vũ Đế mới phân phong cho tôn thất nắm đại quyền về kinh tế và quân sự tại địa phương để duy trì sự ưu việt của hoàng tộc.

Bãi bỏ quận binh

Từ cuối thời Hán, sau Khởi nghĩa Khăn Vàng, Hán Linh Đế hạ chiếu cho các trấn tự mộ quân lính phòng giữ chống giặc. Việc này tạo thành tình thế phiên trấn cát cứ, dẫn đến chiến loạn liên miên giữa các chư hầu kéo theo sự diệt vong của triều Đông Hán và tình trạng này kéo dài đến hết thời Tam Quốc. Sau khi thống nhất toàn quốc, Vũ Đế hạ chiếu: ”Bãi bỏ binh lính ở các châu quận. Quận lớn thì giữ lại 100 quân lính, quận nhỏ giữ lại 50 lính để giữ trị an”, quy định:

  • Các châu, quận không có chiến sự thì phải bãi binh hết.
  • Đứng đầu các châu là quan Thứ sử giờ chỉ có nhiệm vụ giám sát, bãi bỏ danh hiệu tướng quân, không cho cầm quân nữa, cũng không được kiêm nhiệm chức quan giáo úy lĩnh binh.
  • Thực hiện quân – dân phân trị, đô đốc giáo úy trị quân, thứ sử trị dân.

Bãi bỏ châu quận binh, một mặt có thể khiến các quan địa phương tập trung vào việc dân sinh, một mặt giảm nhẹ gánh nặng binh dịch cho dân. Gánh nặng binh dịch là gánh nặng lớn nhất của nông dân từ năm Quang Hòa thứ 7 (184) thời Hán Linh Đế. Việc bãi bỏ binh dịch đối với khôi phục sản xuất có ý nghĩa trọng đại, nhưng vì không có quận binh nên ngay cả trị an trong quận cũng không thể duy trì. Đến năm 301, khi thiên hạ đại loạn, nhà Tấn không thể khống chế được cục diện nữa.

Đời sống xã hội

Ngoài một số cố gắng thay đổi chính sách không thành công, Tấn Vũ Đế được xem là người hoang dâm. Ông là vị vua sở hữu số lượng phi tần, thê thiếp trong cung nhiều nhất Trung Quốc. Cũng từ đây Tấn Vũ Đế nổi tiếng với hai câu chuyện tuyển phi: Cấm dân chúng dựng vợ gả chồng và chọn mỹ nhân qua đêm bằng dê.

* Cấm dân chúng dựng vợ gả chồng

Theo cuốn “Võ Nguyên Dương Hoàng hậu truyền” mô tả lại: Tấn Vũ Đế muốn tuyển chọn con gái nhà lành trong khắp cả nước vào hậu cung làm phi tần, do vậy ông ra lệnh “cấm dân chúng tiến hành hôn lễ, dựng vợ gả chồng. Nhà ai có ý định giấu con gái hoặc kháng lệnh sẽ bị trừng phạt”. Sứ giả của nhà vua cưỡi xe phi tới các châu, quận để truyền lệnh vua ban. Nhiều gia đình giàu có đã phải cho con cái ăn mặc rách rưới hoặc giả bệnh để tránh việc bị tuyển vào cung.

Thực ra, mãi sau này Tư Mã Viên mới ban hành lệnh cấm trên. Ban đầu khi mới lên ngôi, Tấn Vũ Đế nổi tiếng là một người rất sợ vợ. Vì sao ư? Vì vợ của ông cũng là một trong những đại mỹ nhân nổi tiếng trong lịch sử Trung Hoa – Hoàng hậu Dương Diễm.

Theo sử sách ghi lại, hoàng hậu Dương Diễm lòng dạ hẹp hòi, vì vậy tính háo sắc của Tấn Vũ Đế cũng bị kiềm chế tới mức tối đa.

Cho tới năm Thái Thủy thứ 9, Hoàng hậu Dương Diễm lâm bệnh nặng, Tư Mã Viêm mới được tự do “sổ lồng”. Sau khi được “sổ lồng”, Tư Mã Viêm bèn hạ lệnh “Cấm dân chúng kết hôn”, tiến hành việc tuyển chọn với quy mô rộng khắp cả nước. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử xảy ra sự việc này. Hoàng đế thì đâu thiếu gì người đẹp, nhưng việc cấm toàn thể dân chúng không được phép kết hôn lại là việc trước nay chưa từng có. Hơn thế nữa, phạm vi tuyển chọn lại còn mang tính toàn quốc. Vì không gì cao hơn lệnh vua ban, nên kẻ nào dám trái lệnh sẽ bị xử trảm.

Năm Thái Thủy thứ 9 toàn bộ hôn lễ đều bị hủy bỏ, tất cả mỹ nữ trong nước kể cả người đã là vợ chưa cưới của người khác cũng bị liệt vào danh sách mỹ nữ tiến cung cho vua Tấn Vũ Đế. Tư Mã Viêm còn đặc biệt yêu cầu con gái của các vị đại quan trong triều cũng phải vào cung ứng tuyển, nếu kháng lệnh sẽ bị xử tội. Những gia đình quý tộc không dám trái lệch vua, đành phải chuẩn bị cho con gái mình thật xinh đẹp để tiến cung.

ẩm thực, trung quốc, tấn vũ đế - vị vua hoang dâm nhất lịch sử trung quốc

Qua một lượt tuyển chọn, Tấn Vũ Đế là sở hữu trong tay rất nhiều người đẹp thời đó, bất luận là người đã có hôn ước hay là người chuẩn bị làm cô dâu tương lai thì cũng đều phải tiến cung. Bỗng chốc số lượng mỹ nhân trong hậu cung tăng lên tới năm ngàn người.

Vài năm sau, quân Tây Tấn đánh thắng quân Ngô. Tấn Vũ Đế nghe nói người đẹp Giang Nam không giống với mỹ nhân Bắc Kinh, nhất là người đẹp ở Ngô Việt thùy mị, kiều diễm, khiến người khác vô cùng mê mẩn. Bởi vậy Tư Mã Viêm lại hạ lệnh tuyển mỹ nữ Giang Nam tiến cung. Được biết, ngay sau khi vua Ngô qua đời, Tấn vương bèn ban lệnh đưa tất cả mỹ nữ trong cung của vua Ngô đem vào hậu cung của mình.

Vua Ngô Tôn Hạo cũng thích sưu tầm người đẹp không khác gì Tư Mã Viên. Mỹ nữ trong cung vua Ngô nhiều vô kể, ước khoảng hơn năm ngàn người. Sau khi nước Ngô quy hàng Tấn Vũ Đế, tất cả hơn năm ngàn người đẹp của vua Ngô đều phải vào cung Lạc Dương của Tấn vương.

Cứ như vậy, mỹ nữ trong cung của Tấn Vũ Đế lên tới hơn một vạn người. Lúc đó cung điện thì quá nhỏ, không chứa đủ nhiều mỹ nữ như vậy, do đó Tấn Vũ Đế bèn sai người ngày đêm xây thêm cung điện. Cuối cùng cũng bố trí ổn thỏa cho tất cả người đẹp của ông. Từ đó Tấn Vũ Đế cũng bắt đầu cuộc đời ăn chơi trụy lạc của mình.

* Dùng dê chọn mỹ nhân qua đêm

Nhắc tới độ hoang dâm xa xỉ của Tấn Vũ Đế thì không thể không kể tới câu chuyện “xe dê”.

Mỹ nhân trong cung Tấn Vũ Đế vốn đã nhiều, nhưng sau khi thu phục được nước Ngô, số lượng mỹ nữ còn lên tới hàng nghìn người. Một năm 365 ngày, nếu mỗi đêm Tấn Vũ Đế chỉ “sủng ái” một mỹ nhân, vậy phải mất bao nhiêu năm ông mới “sủng ái” được một vạn mỹ nhân của mình. Trong hàng ngàn mỹ nhân ấy, việc qua đêm với cô nào trước, cô nào sau cũng khiến Tư Mã Viêm vô cùng đau đầu.

ẩm thực, trung quốc, tấn vũ đế - vị vua hoang dâm nhất lịch sử trung quốc

Cuối cùng Tư Mã Viêm cũng nghĩ ra một cách đó là ông thường ngồi xe dê đi trong cung để chọn mỹ nhân qua đêm, cứ ngồi trên xe cho dê dẫn đi, dê dừng ở đâu thì ông sẽ ngủ lại ở đó. Những mỹ nữ được qua đêm cùng với nhà vua tất sẽ được bạn thưởng sự sủng ái. Đối với những người đẹp bao năm không biết thế nào là mùi của đàn ông, ắt sẽ muốn tranh đoạt sự sủng ái ấy. Có mỹ nhân nghĩ ra cách vảy nước muối vào lá trúc cài trước cửa để thu hút dê tới cửa phòng mình nhằm đạt được sự sủng ái từ Tư Mã Viêm. Tuy nhiên, phương pháp hay sau cùng cũng bị lộ. Các mỹ nhân thi nhau dùng muối dụ dỗ con dê, khiến muối trong hậu cung hiếm rất là. Con dê ăn nhiều muối quá, sinh bệnh, lăn ra chết. Rồi đến hàng chục con dê sau đó cũng như vậy!

Bên cạnh việc hoang dâm vô độ, Vũ Đế còn là một vị Hoàng đế sống xa hoa, thích xây cất nhiều cung điện, việc ăn mặc cũng rất xa xỉ. Lối sống xa hoa của ông ảnh hưởng khắp cả nước. Các quan lại và bọn nhà giàu đua nhau bắt chước theo, khoe khoang sự giàu có, thi xem ai giàu hơn. Điển hình là việc đua của báu của Thạch Sùng và Vương Khải. Vũ Đế thậm chí còn tặng Vương Khải một cây san hô để thi với Thạch Sùng.

Các tông thất và quý tộc nhà Tấn nhờ có đặc quyền kinh tế nên tích trữ được lượng lớn tài phú, nhờ đó mà thoải mái sống trong xa hoa, ăn mỗi bữa cơm phải tiêu hơn một vạn tiền. Vì để duy trì lối sống xa hoa này nên triều đình phải tăng thuế, quan viên hủ bại tham ô đã thành thói thường, trong khi đó dân chúng sống trong nghèo đói, ăn không no mặc không ấm.

Cuối đời

Việc triều chính, Tấn Vũ Đế dựa vào hai đại thần Giả Sung và Vệ Quán là hai người từng theo giúp Tư Mã Chiêu cuối thời Ngụy trước kia. Sau khi Dương thị được lập làm Hoàng hậu, Vũ Đế cất nhắc cha Dương hậu là Dương Tuấn làm đại thần.

Tấn Vũ Đế có con cả Tư Mã Trung vốn là người đần độn. Vũ Đế muốn chọn con gái Vệ Quán cho Trung nhưng lại nghe Dương hậu khuyên nên lấy con gái Giả Sung là Giả Nam Phong. Trước khi lấy Giả thị, Trung đã sinh được con trai là Tư Mã Duật, con cung nhân Tạ thị. Vũ Đế sắp mất, lo lắng vì thái tử Trung đần độn. Vệ Quán từng khuyên thay Thái tử nhưng Vũ Đế không nghe vì thấy cháu là Duật có tư chất thông minh, hy vọng cháu có thể giúp được con.

Năm Thái Hi nguyên niên (290), ngày 20 tháng 4 (tức ngày 16 tháng 5 dương lịch), Tấn Vũ Đế Tư Mã Viêm băng hà tại Hàm Chương điện, hưởng thọ 54 tuổi. Ông được truy tôn miếu hiệu là Thế Tổ, thụy hiệu là Vũ hoàng đế. Ông được an táng ở Tuấn Dương lăng.

Thái tử Tư Mã Trung lên thay, tức Tấn Huệ Đế, Thái tử phi Giả thị được phong làm Hoàng hậu. Ngay sau cái chết của ông, nhà Tấn bắt đầu suy yếu vì Huệ Đế không điều hành nổi triều đình, Giả thị giết đại thần, nắm đại quyền lại làm các việc dâm loạn, khiến các hoàng thân đồng loạt nổi lên làm loạn, gây ra Loạn bát vương và loạn Ngũ Hồ dẫn tới sự diệt vong của nhà Tây Tấn, tất cả chỉ khoảng 26 năm sau khi Vũ Đế mất.

Đăng bởi: Hiền Lê

ALONGWALKER Singapore: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Philippines: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Indonesia: Saluran untuk mengeksplorasi pengalaman para pemuda global ALONGWALKER Malaysia: Saluran untuk menjelajahi pengalaman global belia ALONGWALKER Japan: 発見・体験、日本旅行に関する記事 ALONGWALKER Thailand: ช่องทางในการสำรวจประสบการณ์ของเยาวชนระดับโลก