Gia Đình Tâm Sự

Ngôn ngữ điện ảnh trong Peaky Blinders

Một vài phân tích tiêu biểu để hiểu rõ ngôn ngữ điện ảnh được vận dụng thế nào trong loạt phim Peaky Blinders.

Vào năm 2014, giải thưởng BAFTA TV Craft đã trao giải Đạo Diễn Xuất Sắc nhất cho Otto Bathurst – người đứng sau 3 tập phim đầu tiên của mùa 1 loạt phim Peaky Blinders. Điều gì khiến Otto Bathurst và loạt phim Peaky Blinders đạt được giải thưởng danh giá này?

Nói nôm na, Otto Bathurst đã vận dụng ngôn ngữ điện ảnh cực kỳ hiệu quả để kể chuyện cho một loạt phim truyền hình. Chính việc này đã góp phần làm tăng giá trị nghệ thuật của bộ phim lên rất nhiều. Vậy ngôn ngữ điện ảnh là gì? Vì sao nó lại quan trọng đến thế?

điện ảnh, peaky blinders, slider, ngôn ngữ điện ảnh trong peaky blinders

Đạo diễn Otto Bathurst đã vận dụng ngôn ngữ điện ảnh cho Peaky Blinders rất hiệu quả. Ảnh: Yahoo.

Năm 1985, thước phim đầu tiên trên thế giới, tạo ra bởi anh em nhà Lumiere được chiếu tại Paris, Pháp. Thời điểm đó, điện ảnh chưa được coi là một bộ môn nghệ thuật. Sau này để được công nhận, điện ảnh cần phải có ngôn ngữ riêng của mình.

Theo dòng lịch sử phát triển, với sự sáng tạo Cut In của D.W.Griffith, tư duy Montage của nhóm các nhà nghiên cứu về điện ảnh của Liên bang Xô Viết (Kuleshov, Dovzhenko, Pudovkin, Eisenstein), và nhiều đạo diễn đã đóng góp vào trong sự phát triển của ngôn ngữ điện ảnh thì lúc này điện ảnh đã trở thành một môn nghệ thuật.

Hãy cùng xem một vài phân tích tiêu biểu dưới đây trong tập 1 mùa 1 để hiểu ngôn ngữ điện ảnh được vận dụng thế nào trong Peaky Blinders nhé.

Ngôn ngữ điện ảnh trong Peaky Blinders

Ngôn ngữ điện ảnh gồm một kết cấu chặt chẽ 2 thành phần quan trọng: ngôn ngữ hình và âm thanh.

Đạo diễn (tiếng Pháp là réalisateur, có thể hiểu là người tái tạo hiện thực) là người quyết định về ngôn ngữ đặc thù của môn nghệ thuật thứ bảy này – ngôn ngữ điện ảnh. Tất cả những gì là vật chất hóa của ngôn ngữ điện ảnh: góc máy, cỡ cảnh, trục-hướng, âm thanh, sự sắp đặt các cảnh,… đều do người đạo diễn quyết định.

điện ảnh, peaky blinders, slider, ngôn ngữ điện ảnh trong peaky blinders

Cũng như nhà văn dùng ngôn từ văn chương làm chủ thế giới (có thể hiểu như hiện thực) trong quyển tiểu thuyết của mình, đạo diễn cũng dùng ngôn ngữ điện ảnh để khiến khán giả tin vào một câu chuyện của nhân vật trong một thế giới đã được tái tạo. Tức là, đạo diễn không giải thích câu chuyện của mình bằng ngôn từ, đạo diễn chỉ có thể dùng ngôn ngữ điện ảnh để kể cho khán giả về câu chuyện của nhân vật.

Một tác phẩm điện ảnh khi được phân tích, phải phân tích dưới góc độ hình tượng nghệ thuật. Theo Mikhail Fedotovich Ovsyannikov – tác giả của Mỹ học Cơ bản và Nâng cao, phân tích tác phẩm nghệ thuật dưới 3 góc độ: tư tưởng, tâm lý và chất liệu ngôn ngữ đặc thù của loại hình nghệ thuật đó (với điện ảnh là ngôn ngữ điện ảnh với các góc máy, cỡ cảnh, âm thanh,…).

điện ảnh, peaky blinders, slider, ngôn ngữ điện ảnh trong peaky blinders

Hành vi kể chuyện thay cho tâm lý nhân vật

Trong khi em trai của mình được giới thiệu là một người kiểm soát quyền lực, tuy lớn tuổi hơn nhưng Arthur lại nằm dưới quyền em trai mình. Arthur muốn kiểm soát mọi chuyện nhưng khi đối mặt với Tommy, anh ta cảm thấy sợ quyền lực của em trai. Điều này khiến Arthur tức giận em trai và thất vọng về chính bản thân mình. Vậy làm thế nào để khán giả có thể cảm nhận điều đó từ nhân vật?

Khác với ngôn ngữ sân khấu, diễn viên sẽ biểu hiện trực tiếp cơn giận của mình thông qua thoại diễn. Trong trường hợp này, Arthur cộc cằn, thô lỗ vì anh ta không có chút quyền lực nào trước em trai. Để bộc phát ra được tâm lý đó, hành vi của anh ta là: tay nắm chặt ly, đặt mạnh xuống bàn vì muốn thể hiện quyền lực áp đảo trước em trai trong khi anh ta không thực sự có.

Ngôn ngữ hình thể có dự báo

Đối mặt với dì Polly trong nhà thờ, Tommy với đức tin của mình buộc phải nói thật cho về vấn đề của mình. Dì Polly có thể nhìn thấu vào tâm can của Tommy:

Cậu có sự sáng suốt của mẹ, nhưng cũng có sự xấu xa của cha. Dì thấy hai bên đang giằng co đấy. Để mẹ cậu thắng đi.

Làm sao để cho khán giả thấy điều mà dì Polly thấy ở Tommy?

Ngay khi dì Polly bước ra khỏi nhà thờ, khán giả được thấy cảnh Tommy ngồi giữa hai cây nến đang cháy ở tiền cảnh. Hai cây nến này chính là ẩn dụ cho sự giằng xé hai đức tính sáng suốt và xấu xa trong tâm lý của Tommy.

điện ảnh, peaky blinders, slider, ngôn ngữ điện ảnh trong peaky blinders

Nhưng có một cây nến cao hơn cây nến còn lại, nghĩa là có một đức tính đang thắng thế trong Tommy. Khán giả cũng đã biết đức tính nào lúc đó đã thắng để chúng ta có tận 6 mùa của Peaky Blinders.

Ngoài thể hiện cho tâm lý của nhân vật, thông qua ngôn ngữ hình, khán giả cũng có thể biết được chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo. Ngôn ngữ hình có tính dự báo.

Hướng nhìn nói lên tâm lý nhân vật

Luật 180 độ là luật “bất thành văn” trong điện ảnh. Khi hai diễn viên đối thoại với nhau, người này nhìn hướng trái-phải thì người kia nhất quyết phải nhìn phải-trái. Nếu cả hai diễn viên cùng nhìn một hướng thì sẽ tạo cảm giác hai người không nhìn nhau khi đối thoại và có thể tạo cảm giác khó chịu cho người xem.

Các đạo diễn giỏi khi nắm vững luật này và hiểu được bản chất của nó thường sáng tạo sao cho phù hợp với câu chuyện của mình.

Quay lại với Peaky Blinders, Freddie chờ Ada khá lâu dưới gầm cầu, khán giả thấy tuy hai người đang đến nhìn nhau nhưng với chuỗi hình lúc đầu thì Ada và Freddie cùng nhìn hướng phải-trái, trông như hai người đang không nhìn nhau.

Otto Bathurst rất tinh tế và sáng tạo trong đoạn này, ông xử lý như thế vì Freddie đang dỗi Ada do cô đến trễ, còn Ada thì muốn tìm một cách giải quyết khác thay cho lời xin lỗi.

điện ảnh, peaky blinders, slider, ngôn ngữ điện ảnh trong peaky blinders

Nhân cách của Ada không cho phép Ada nói lời xin lỗi, cô vờ rủ Freddie đi xem phim. Freddie không chấp nhận việc đó như một cách giải quyết, việc nhìn cùng hướng cho khán giả cảm nhận điều này.

Nhưng cả Ada và Freddie đều đã hiểu mục đích của nhau khi hẹn ở gầm cầu này. Ngay sau khi tỏ thái độ không hứng thú với việc xem phim, Freddie đã bị Ada “bắt bài” bằng câu đùa: “Thôi nào em không làm ở đây nữa đâu”. Câu đùa của Ada đã hòa giải cho sự hờn dỗi của Freddie và hướng nhìn của hai người ngay sau đó lại tuân theo luật 180 độ.

Bối cảnh là hoàn cảnh của nhân vật

Bối cảnh và đạo cụ là tất cả mọi thứ xuất hiện trong khung hình cùng với nhân vật. Tất cả những chi tiết xuất hiện trong khung hình đều có liên quan đến nhân vật và nói lên hoàn cảnh của nhân vật. Nhân vật có tâm lý như thế nào có thể được hiểu thông qua sự tương tác với bối cảnh và đạo cụ, tức hoàn cảnh của nhân vật.

Trong phân đoạn thanh tra Campbell đối thoại với cấp cao Winston Churchill, khán giả đang chứng kiến hai con người cố chiếm vị thế thượng phong trong cuộc đối thoại đầy tính căng thẳng và giễu cợt.

Bối cảnh của phân đoạn này được đặt trên một toa tàu với đầy gương. Và gương bắt đầu phát huy tác dụng của nó để thể hiện cho tâm lý mơ hồ của thanh tra Campbell như sau:

Mới đầu, thanh tra Campbell biết rằng mục đích của cuộc gặp gỡ này là để Churchill nắm tình hình điều tra của mình, Campbell còn tự tin với những thông tin mà ông nắm. Vì thế, những cảnh quay trực tiếp vào Campbell không thông qua gương. Nhưng với Churchill là quay thông qua gương, điều đó ẩn dụ cho tâm lý khó đoán của Churchill, mặc cho bề ngoài ông nói chuyện mang tính giễu cợt, ví dụ như lời thoại: “cái mũ đẹp đấy”.

Khi bắt đầu bị Churchill hỏi đến thủ phạm thực sự là ai, Campbell không biết phải trả lời như thế nào, ông chọn trả lời một cách chung chung: ”Với tôi thì chúng đều như nhau cả thôi”.

Sau đó, tâm lý của hai nhân vật bắt đầu thay đổi, và bối cảnh cũng thay đổi. Những cảnh quay trực tiếp không thông qua gương lại nhắm vào Churchill, còn với Campbell thì qua gương. Churchill giờ đây đã bước ra khỏi vùng khó đoán, ông trở nên đáng sợ đối với thanh tra Campbell, vì Churchill đã biết rõ về quá khứ mà Campbell muốn che giấu. Campbell từ giờ trở nên mơ hồ, không nắm rõ được tâm lý của Churchill và đang bị Churchill thao túng.

Sự thay đổi này được giữ cho đến cuối phân đoạn, nhấn mạnh vào sự mơ hồ của thanh tra Campbell và tâm lý ông ta hoảng sợ trước những lời hàm ý đe dọa của Churchill.

Tuy đoạn đối thoại có vẻ đơn giản, nhưng thông qua ngôn ngữ hình của Otto Bathurst, khán giả cảm nhận được sự căng thẳng của hai nhân vật và nhìn thấy được sự đe dọa của Churchill đối với ông Campbell. Vì thế, trong điện ảnh, tâm lý của nhân vật và diễn xuất của diễn viên phần lớn được quyết định bởi ngôn ngữ điện ảnh.

Đăng bởi: Phước Võ

ALONGWALKER Singapore: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Philippines: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Indonesia: Saluran untuk mengeksplorasi pengalaman para pemuda global ALONGWALKER Malaysia: Saluran untuk menjelajahi pengalaman global belia ALONGWALKER Japan: 発見・体験、日本旅行に関する記事 ALONGWALKER Thailand: ช่องทางในการสำรวจประสบการณ์ของเยาวชนระดับโลก