Nghệ An Trà Vinh Vinh

Trà Vinh có gì?

Trà Vinh là tỉnh Duyên Hải Đồng bằng sông Cửu Long nằm giữa sông Tiền và sông Hậu, tiếp giáp với các tỉnh Bến Tre, Vĩnh Long, Sóc Trăng. Nơi đây gồm vùng đất châu thổ lâu đời, bên cạnh vùng đất trẻ mới bồi và mạng lưới sông ngòi chằng chịt mang nặng phù sa, bồi đắp, là nơi mưa thuận gió hòa vì thế bất cứ mùa nào trong năm du khách cũng có thể đến miền Duyên hải này. Trà Vinh có gì? Hãy cùng chúng tôi khám phá những địa điểm di tích, thắng cảnh đẹp tại Trà Vinh trong bài viết sau đây nhé.

Ao Bà Om – Trà Vinh

Nhắc tới Trà Vinh, người ta nghĩ đến mảnh đất của những ngôi chùa Khmer cổ kính cùng những di tích lịch sử mang nhiều truyền thuyết huyền thoại, gắn liền với hành trình khai phá, gầy dựng phương Nam. Di tích ao Bà Om ngàn năm soi bóng cổ tự là một trong những niềm tự hào của người dân nơi đây.

trà vinh có gì?

Ao Bà Om – Trà Vinh

Ao Bà Om, hay Ao Vuông nằm cạnh Quốc lộ 53, thuộc phường 8 thành phố Trà Vinh (trước đây là ấp Tà Cụ, xã Nguyệt Hóa, huyện Châu Thành), cách trung tâm thành phố Trà Vinh khoảng 5 km về phía Tây Nam.

Ấn tượng đầu tiên khi tới thăm ao Bà Om là cảm giác mát mẻ trước cảnh trời nước xanh biếc một màu. Ao có hình chữ nhật, rộng 300m, dài 500m (vì gần với hình vuông nên còn được gọi là Ao Vuông) khách sẽ bất ngờ vì ao lớn quá, phải gọi là hồ thì đúng hơn. Bao bọc xung quanh trên bờ ao là rừng cây cổ thụ, đa số là cây sao, cây dầu hàng trăm năm tuổi, có rễ xù xì trồi lên mặt đất cả mét thành những hình thù lạ mắt bốn mùa rợp bóng thâm u tạo không gian thanh bình, yên tĩnh. Có bộ rễ lớn đến nỗi có thể tạo thành cái hang độc nhất vô nhị, trẻ con có thể chui vào vui chơi. Lại có bộ rễ cây trở thành ghế ngồi nghỉ chân của khách. Người bản xứ lý giải rằng, những bộ rễ đồ sộ, quấn lấy nhau và nằm trên cao cách mặt đất như ngày nay là do khu đất xung quanh ao bị sụt lún xuống thấp, rễ cây lộ thiên và phát triển theo thời gian. Kích cỡ khổng lồ và hình thù kỳ dị của các bộ rễ cây ở ao Bà Om khiến nhiều người liên tưởng đến một cánh rừng cổ tích. Nếu đến đúng mùa thì ao còn được tô điểm bởi những bông sen hồng, bông súng lãng mạn.

Ngoài cảnh đẹp đến mê mẩn lòng người, ao nước rộng lớn này còn lung linh huyền ảo bởi những câu chuyện nửa hư nửa thực từ bao đời nay ăn sâu vào tiềm thức người dân địa phương.

Theo truyền thuyết ngày trước, vùng đất Trà Vinh hằng năm cứ đến mùa hạn thì nước ngọt khan hiếm, ruộng rẫy khô cằn, cây cỏ chết héo, người dân trong vùng vì hạn hán rơi vào cảnh lầm than. Để cứu dân khỏi cảnh khốn cùng, một ông hoàng trấn nhậm trong vùng quy tụ bà con đào ao tìm nguồn nước. Tình cờ, trong vùng lúc đó cũng xảy ra một vụ tranh cãi khó phân xử là đàn ông và đàn bà, ai phải đi cưới ai và ai phải chịu mọi phí tổn trong lễ cưới? Ông hoàng nhân dịp này chia ra hai bên nam nữ tổ chức một cuộc thi đào ao. Ao bên nào đào sâu hơn, lớn hơn và xong trước thì thắng, bên thua sẽ phải đi cưới.

Bên nam thì đào ao tròn ở phía Tây còn bên nữ đào ao vuông ở phía Đông. Bên nữ do bà Om, một phụ nữ Khmer chỉ huy, thấy không thể kình được sức đàn ông nên bên nữ dùng “kế”: Họ vừa đào vừa ca múa để các chàng bỏ việc mà chạy sang xem. Nửa đêm, bà Om cho chặt một cây tre thật dài, treo ngọn đèn lồng rồi đem cắm ở hướng Đông. Theo giao hẹn là khi sao Mai mọc là phải ngừng công việc, khi bên nam thấy ngọn đèn tưởng là sao Mai nên họ rủ nhau về nghỉ. Trong lúc đó bên nữ đào đến sáng và xong việc trước. Bên nam thua cuộc trong sự “tâm phục, khẩu phục”. Để nhớ ơn người phụ nữ mưu trí, người ta lấy tên bà đặt tên ao, từ đó ao phụ nữ đào được gọi là ao Bà Om. Và truyền thống nam đi cưới nữ, con phải lấy họ mẹ trong dân tộc Khmer cũng bắt đầu từ đây. Mãi đến sau này khi người Pháp cai trị nước ta thì con mới lấy theo họ cha.

Cũng giải thích cho tên gọi ao Bà Om còn có một câu chuyện khác: Xưa kia có một vị hoàng tử rất độc ác trấn nhậm vùng đất Trà Vinh, bắt dân chúng phải dâng gái đẹp cho ông ta, ai bất tuân sẽ bị trừng trị nặng. Vị hoàng tử này buộc phụ nữ phải đem lễ vật đi cưới đàn ông. Một hôm, có một cô gái xinh đẹp đến gặp hoàng tử để bày tỏ sự phản đối về tập tục bất hợp lý này. Vì bị lôi cuốn bởi vẻ đẹp của cô gái nên hoàng tử muốn làm vừa lòng người đẹp, vừa muốn xóa bỏ tập tục mình đặt ra bằng cách cho mở một cuộc thi đào ao. Sau đó mọi chuyện diễn ra như chuyện kể trên.

Theo các nhà sử học và nghiên cứu văn hóa dân gian thì có khoảng 10 dị bản để giải thích địa danh ao Bà Om gồm đủ các thể loại của truyện kể dân gian như: truyện cổ tích, truyện dã sử, truyền thuyết, giai thoại… Có thể nói đây là một trường hợp có nhiều giả thuyết nhất về tên gọi địa danh ở Đồng bằng sông Cửu Long. Xét về mặt nội dung hầu hết các chuyện xung quanh 3 chủ đề chính: Giải thích tên gọi Ao Bà Om, lý giải người nam đi cưới người nữ và tại sao người Khmer có tục lệ theo họ mẹ? Các chuyện kể đều là sản phẩm của trí tưởng tượng mang đậm dấu ấn văn hóa của người Khmer ở Nam Bộ.

trà vinh có gì?

Ao Bà Om – Trà Vinh

Khi nắng chiều buông xuống trên những hàng cây cổ thụ cao vút, thâm u, dài xa tít tắp thì Ao Bà Om chính là nơi dạo chơi lý tưởng nhất ở thành phố Trà Vinh.

Hai bên con đường chính dẫn vào Ao Bà Om là một khu “chợ trời” ẩm thực rất nhộn nhịp, đông vui. Du khách có thể tản bộ ngắm cảnh và khi nào cảm thấy “xót ruột” thì ghé vào một gánh hàng rong, hoặc một quán ăn nhỏ gọn để thưởng thức những món ẩm thực nổi tiếng của Trà Vinh như đá bào sữa, bún mắm, bánh canh, bún cà ri, bánh thốt nốt… món ăn nào giá cả cũng rất mềm.

Bên cạnh ao là ngôi chùa Âng, một trong những ngôi chùa Khmer cổ nhất Trà Vinh được xây dựng từ năm 990, và Bảo tàng văn hoá Khmer cũng được đặt ở đây. Vào những ngày lễ, tết hàng năm của người Khmer, ao Bà Om trở thành nơi sinh hoạt cộng đồng náo nhiệt của cả vùng, nhất là vào Lễ hội Ok Om Bok được tổ chức vào rằm tháng 10 Âm lịch, thu hút hàng ngàn người dân khắp nơi về đây tham dự. Họ cùng nhau nhảy múa, xem hát Dù kê, …thắt chặt thêm tình đoàn kết, hòa hợp các dân tộc anh em ở vùng sông nước Cửu Long. Và khi màn đêm buông xuống, khu vực Ao Bà Om lung linh, huyền ảo, náo nhiệt với Hội thả đèn gió, có rất nhiều loại đèn đủ kích cỡ được thả bay lên trời mang theo lời khấn nguyện, ước mong trời đất giao hòa, mùa màng tốt tươi, con người và vạn vật bình yên, dồi dào sức khỏe.

Ao Bà Om được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia vào năm 1994. Cùng với bảo tàng văn hóa và chùa Âng, bộ 3 quần thể danh thắng này là một trong những điểm không thể bỏ lỡ khi tới thăm Trà Vinh. Nếu đang phân vân tìm một điểm đến cho kì nghỉ sắp tới, thì Trà Vinh với Ao Bà Om chính là một điểm đến lý tưởng cho du khách.

Biển Ba Động – Trà Vinh

Biển Ba Động là danh thắng và là khu du lịch nổi tiếng thuộc xã Trường Long Hòa (thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh), cách trung tâm thành phố Trà Vinh 50 km về hướng đông nam và cách thị xã Duyên Hải 10 km về hướng đông. Khu du lịch này có vị trí nằm giữa hai cửa biển Cung Hầu (sông Tiền), Định An (sông Hậu), nhìn chính diện ra biển Đông.

trà vinh có gì?

Biển Ba Động – Trà Vinh

Vùng biển Đông ven bờ các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long là vùng biển phù sa do nhiều cửa sông lớn nhỏ đổ ra nên phần lớn là bãi bùn, nước không trong. Trong đó, biển Ba Động là khu vực hiếm hoi ở miền Tây Nam bộ được thiên nhiên hào phóng ban tặng cho một bãi cát dài hơn 10 km từ ấp Nhà Mát tới ấp Cồn Trứng. Do độ dốc thoai thoải, khi nước thủy triều xuống, bãi cát phơi ra hàng trăm mét, từ bờ xuống tới mép nước.

Cũng do nằm trong khu vực biển phù sa nên bãi cát Ba Động không trắng muốt hay vàng óng ả, nước biển Ba Động cũng không thể trong xanh như với các bãi biển Nha Trang hay Vũng Tàu. Tuy nhiên, dọc bờ biển Đông, từ Gò Công tới Cà Mau, Ba Động có bãi cát đẹp, nước biển khá trong, nhất là vào những tháng sau Tết Nguyên đán, sóng yên biển lặng, hình thành khu du lịch biển được nhiều người ưa chuộng.

Sớm nhận ra giá trị của bãi biển Ba Động, từ đầu thế kỷ XX, nhà cầm quyền thực dân Pháp đã xây dựng ở đây khu nghỉ mát và gần đó là một sân golf mini (lúc đó sân golf gọi là sân cù, đánh golf gọi là đánh cù) dành cho các quan chức, giới thượng lưu trong tỉnh và các tỉnh lận cận về nghỉ dưỡng dịp cuối tuần. Qua giai đoạn chiến tranh ác liệt, khu nghỉ mát và sân golf ấy không còn nhưng đã để lại địa danh ấp Nhà Mát (thuộc xã Trường Long Hòa, thị xã Duyên Hải) và ấp Cồn Cù (thuộc xã Đông Hải, huyện Duyên Hải). Sau khi tỉnh Trà Vinh được tái lập (1992), Nhà nước tập trung nguồn kinh phí đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng như giao thông, điện lưới quốc gia, viễn thông, rừng phòng hộ phi lao, bờ kè chống sạt lở… tạo điều kiện đánh thức tiềm năng du lịch biển Ba Động.

Ngày nay, một số doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh đã và đang đầu tư xây dựng cơ sở vật chất phục vụ du lịch tiện ích như khách sạn, nhà hàng, khu nghỉ dưỡng, bờ kè chống sạt lở, quy hoạch và cắm phao an toàn bãi tắm, quầy vật phẩm lưu niệm… Từ đó, khách du lịch và các đoàn tham quan từ các tỉnh miền Tây Nam bộ, khách nước ngoài đến khu du lịch Biển Ba Động ngày càng đông hơn.

Đến với khu du lịch Biển Ba Động, du khách nên nghỉ lại qua đêm để có điều kiện ngắm ánh bình minh hoặc ánh hoàng hôn trên biển. Sau đó, hòa vào đoàn người đang thỏa thích vẫy vùng trong làn nước biển mát lạnh hay cưỡi mô tô nước lướt trên ngọn sóng một cách an toàn, không lo bị sóng biển cuốn đi như nhiều bãi biển khác. Khi thấm mệt, bạn cùng gia đình có thể lựa chọn góc thuận tiện trong nhà hàng hoặc dãy ghế bố dọc theo bờ kè nhìn ra mặt biển khơi xa tít tắp, nơi có những đoàn thuyền đánh cá như những chấm đen nho nhỏ di động phía chân trời và tận hưởng những làn gió biển thổi vào mát rượi. Có thời gian, du khách thả bộ dọc theo những lối mòn quanh co, khúc khuỷu theo chân các động cát, xuyên qua và hòa vào những hàng phi lao uốn lượn theo chiều gió mà quên đi những mệt mỏi, lo toan của cuộc sống bộn bề thường nhật.

Đến với Biển Ba Động, dù là mùa nam hay mùa chướng, dù tại nhà hàng hay đi dạo quanh các xóm hạ bạc, du khách có thể tự tay lựa chọn nhiều mặt hàng thủy hải sản tươi sống từ những chiếc ghe đánh cá vừa quay mũi vào bờ cho bữa ăn của mình. Cao cấp hơn một chút, du khách có thể đặt sẵn hay nhờ nhân viên nhà hàng hướng dẫn để tự tay chế biến những món đặc sản nổi tiếng của làng ven biển địa phương, mà mỗi món ăn đều gắn một giai thoại, truyền thuyết hấp dẫn. Đó là món cá kèo kho gợt chấm nước mắm rươi, loại nước chấm mà những năm bôn tẩu được người dân địa phương cung tiến, chúa Nguyễn Ánh nếm thử một lần không thể quên được suốt đời nên ban cho mỹ danh là “nước mắm ngự”; Đó là món đuôn chà là béo ngậy hay tôm thẻ, cua biển hấp bia chấm muối tiêu chanh; Đó là còn món chù ụ rang me tuy có phần dân dã nhưng ngon không lẫn vào đâu được, vừa ăn vừa thương cho chàng trai biển hiền lành, tốt bụng mà thật thà nên thua thiệt đành hóa kiếp thành con chù ụ quanh năm bám chặt gốc dừa nước…

trà vinh có gì?

Biển Ba Động – Trà Vinh

Dừng chân tại khu du lịch Biển Ba Động, du khách sẽ có dịp tìm hiểu bề dày lịch sử, chiều sâu văn hóa của vùng đất ven biển Trường Long Hòa, Duyên Hải, Trà Vinh. Gần 3 thế kỷ trước, những ngư dân vùng Bình Thuận vào định cư tại đây đã mở ra nghề đi biển tạo cơm ăn áo mặc và cũng chính họ đã mang theo địa danh Ba Động, tín ngưỡng thờ Bà Cố Hỷ cho vùng đất mới. Những năm tháng quân tướng chúa Nguyễn Ánh trốn chạy sự truy đuổi của nghĩa quân Tây Sơn vào cuối thế kỷ XVIII đã để lại các tên làng có từ tố “Long” như Trường Long Hòa, Long Vĩnh, Long Hữu, Long Toàn… và để lại luôn ngôi mộ Quận chúa như một bí ẩn lịch sử mấy trăm năm. Cuối thế kỷ XIX, khi thực dân Pháp nổ súng xâm chiếm Nam bộ, tuyến rừng ven biển Duyên Hải là căn cứ của nghĩa binh Đề Triệu, Phan Tôn – Phan Liêm, Lê Tấn Kế – Trần Bình…

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ trường kỳ của dân tộc, Trường Long Hòa nói riêng, Duyên Hải nói chung là căn cứ vững chắc của các cơ quan lãnh đạo, lực lượng vũ trang cách mạng tỉnh Trà Vinh, Khu Tây Nam bộ và cả Đặc khu Sài Gòn – Gia Định. Chính địa bàn này là một trong những mắc xích quan trọng của tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển huyền thoại vận chuyển vũ khí từ miền Bắc xã hội chủ nghĩa vào chi viện cho chiến trường Tây Nam bộ, với những kình ngư lẫy lừng tên tuổi là những người con ưu tú của vùng đất này như Lê Thanh Lòng, Hồ Đức Thắng… Truyền thống vẻ vang đó đã tạo nên một “Trường Long Hòa sắt thép”, một “Duyên Hải anh hùng” mãi mãi là niềm tự hào của các thế hệ cư dân địa phương.

Cũng chính từ vùng biển này, du khách có thể đến tham quan, tìm hiểu, thưởng thức các sản phẩm đặc trưng của các làng nghề truyền thống nổi tiếng một thời như Làng Đáy biển Động Cao, Làng Muối Cồn Cù, Làng Dưa hấu Ba Động…

Chùa Hang – Trà Vinh

Chùa Hang thuộc khóm 3, thị trấn Châu Thành, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh. Cách trung tâm thị xã Trà Vinh 5km về hướng nam. Chùa Hang được thành lập năm 1637 và đã trải qua 22 đời sư trụ trì. Trụ trì hiện nay là sư cả Thạch Suông, đời thứ 23. Chùa là một trong những ngôi chùa cổ của người Khơ –Mer. Với diện tích khá rộng khoảng 10ha. Trong đó diện tích rừng tự nhiên chiếm gần một nữa.

trà vinh có gì?

Chùa Hang – Trà Vinh

Khởi nguyên, ngôi chùa này quay mặt về hướng đông, nhìn ra dòng sông Long Bình, nơi có bến ghe xuồng gần bên gốc đa để bà con phum sóc tiện lên chùa nghe kinh, lễ Phật nên có tên Wat Kompong Ch’rây (Chùa Bến Cây Đa). Đến đầu thế kỷ XX, chùa làm thêm một cổng phụ phía tây, quay ra tỉnh lộ 36 (nay là quốc lộ 54). Cổng phụ này có dạng tam quan mái vòm, tường rất dày, dài 8 m, thành hình hai hang nhỏ hai bên, hang lớn ở giữa, nên chùa có thêm tên Chùa Hang.

Cổng chùa dạng hang vòm không chỉ là công trình kiến trúc nghệ thuật tạo sự khác biệt giữa Chùa Hang với các chùa Khmer còn lại trong tỉnh mà còn ẩn chứa giá trị lịch sử tôn giáo sâu sắc. Cổng hang là “vết tích” cho thấy Phật giáo Nam tông Khmer Trà Vinh có sự kế thừa nhất định Bà La Môn giáo, bởi ngày xưa, các tu sĩ Bà La Môn thường lặng lẽ tu luyện trong các hang động thâm u, vắng bóng người qua lại.So với các ngôi chùa Phật giáo Nam tông Khmer trên địa bàn tỉnh Trà Vinh, Chùa Hang là ngôi chùa không lớn. Sức hấp dẫn của ngôi chùa này đối với du khách gần xa chính ở xưởng điêu khắc gỗ hoạt động gần 30 năm, với nhiều sản phẩm tạo được tiếng vang trên thị trường mỹ nghệ Việt Nam và một “sân chim” được bảo vệ nghiêm ngặt tồn tại sát bên cạnh thành phố Trà Vinh.

Người Khmer Nam bộ là một tộc người sống rất thân thiện với môi trường, với thiên nhiên, đặc biệt là với cây xanh. Ở đâu có người Khmer là ở đó có cây xanh. Cả tỉnh Trà Vinh có 143 ngôi chùa Phật giáo Nam tông Khmer là 143 quần thể cây xanh rộng hàng hecta, với rất nhiều cổ thụ hàng trăm năm tuổi luôn được bảo vệ tốt.

Những thập niên trước, khi đốn hạ cây xanh, nhất là cây cổ thụ, người ta chỉ quan tâm phần gỗ thu được từ thân cây, còn gốc cây chỉ để làm củi, thậm chí bỏ luôn tại chỗ, cho thời gian mưa nắng làm mục đi, trả lại diện tích đất cho cây khác vươn lên. Cuối thập niên 1980, trong một lần trùng tu, nhà chùa rước nghệ nhân Thạch Buôl từ Vĩnh Long về thực hiện việc trang trí các khung gỗ chánh điện. Thấy qua bàn tay nghệ nhân, những thân gỗ như nhau bỗng hóa thành nhiều hình tượng, hoa văn sinh động nên sư cả Thạch Suông gợi ý nghệ nhân Thạch Buôl tận dụng giá trị phần gốc cây đang bị bỏ mục khắp nơi. Vậy là lớp học điêu khắc gỗ tại chùa Hang ra đời, với gần 10 học viên là các sư sãi nhà chùa và thanh niên trong phum sóc. Xưởng điêu khắc gỗ nghệ thuật được thành lập ngay trong khuôn viên nhà chùa, vừa hoạt động sản xuất vừa tiếp tục đào tạo nghề cho thanh niên khắp nơi, theo hình thức truyền nghề, cầm tay chỉ việc.

Đến thăm chùa Hang, du khách được trực tiếp chứng kiến các nghệ nhân và công nhân xưởng điêu khắc gỗ bằng nhiều dụng cụ khác nhau, chế tác thủ công tạo hình các tác phẩm đặc sắc từ những gốc cây đủ loại, đủ kích cỡ và hình thù. Khâu khó nhất mà cũng đòi hỏi tư duy nghệ thuật cao nhất là nhận dạng hình tượng, đường nét, bố cục tác phẩm từ những gốc cây với bộ rễ tự nhiên chằng chịt, không gốc nào giống gốc nào. Nghệ nhân Sơn Sốc, người thợ cả của xưởng bảo rằng có khi dựng gốc cây lên, chăm chú nhìn ngày này qua ngày khác cũng chẳng mường tượng được gì, bỗng nhiên một giây phút thăng hoa nào đó, từ những đường nét, hình thù của gốc và rễ cây, như hiện rõ các hình tượng muông thú, hoa lá. Vậy là, với cây bút bi trong tay, nghệ nhân phác họa hình tượng, đường nét một cách chi tiết trực tiếp lên từng phần cụ thể từ gốc ra đến rễ lớn, rễ nhỏ… để nhóm thợ thủ công thực hiện khâu cưa cắt, đục đẻo, chạm trỗ.

Qua gần 30 năm hoạt động, xưởng điêu khắc gỗ nghệ thuật Chùa Hang đã cho ra đời rất nhiều ngàn tác phẩm với nhiều kích cỡ khác nhau. Có tác phẩm cầm gọn trong tay dùng trang trí trên bàn làm việc đến những tác phẩm hoành tráng chiếm diện tích đến 60 m2, nặng nhiều tấn chỉ có thể đặt tại sảnh các cung điện, đền đài, khách sạn qui mô lớn. Tất cả các tác phẩm từ xưởng điêu khắc gỗ Chùa Hang, dù lớn dù nhỏ, đều mang đậm dấu ấn nghệ thuật tạo hình truyền thống của người Khmer Nam bộ.

Đến tham quan, du khách có thể chọn mua hoặc đặt hàng cho chuyến tham quan sau những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc gỗ mà mình ưng ý nhất.

Từ xưởng điêu khắc gỗ Chùa Hang, lần lượt các thế hệ nghệ nhân được đào tạo trở về địa phương mở cơ sở điêu khắc tại chùa hay tại gia đình, dần dần hình thành làng nghề truyền thống điêu khắc gỗ nghệ thuật Khmer trên địa bàn cả tỉnh. Những gốc cây tưởng chỉ bỏ đi khắp các phum sóc giờ được các nghệ nhân chắp cánh thành những tác phẩm nghệ thuật có sức lay động lòng người.

Khuôn viên Chùa Hang rộng khoảng 7 ha, thực sự là khu rừng nguyên sinh với nhiều chủng loài thực vật đặc hữu đất giồng cát như sao, dầu, tre, trúc… chen nhau thành nhiều tầng cao thấp khác nhau rất có giá trị về mặt sinh quyển và là nguồn gene tự nhiên cho các thế hệ sau.

Từ đầu thế kỷ XX, khu rừng trong khuôn viên Chùa Hang có rất nhiều dơi quạ trú ngụ. Ban đêm chúng tỏa đi tìm thức ăn, ban ngày thì treo lủng lẳng trên khắp các cành cây. Tuy nhiên, trong chiến sự Xuân Mậu Thân, chính quyền Sài Gòn cho máy bay ném bom, bắn pháo vào khuôn viên ngôi chùa, hủy hoại nhiều kiến trúc, gãy đổ nhiều cây xanh và gây thương vong cho một số sư sãi, bà con Khmer trong phum sóc đang lánh nạn trong chùa. Từ đó, những bầy dơi lần lượt bỏ đi.

Sau ngày chiến tranh kết thúc, nhất là từ thập niên 1990 trở lại đây, khuôn viên Chùa Hang lại trở thành nơi quần tụ của nhiều loại chim. Ngay khi có hiện tượng chim quần tụ trở về, sư sãi và bà con trong phum sóc rất vui mừng. Nhà chùa đặt ra những quy định bảo vệ chim và bảo vệ cây rừng rất nghiêm ngặt, tạo ra môi trường tự nhiên an bình cho những đàn chim trở về trú ngụ ngày càng đông hơn.

Ngày nay, trên khuôn viên hơn 7 ha Chùa Hang có đến gần hàng chục ngàn cá thể chim các loại, nhiều nhất là cò trắng, cò ngà, cò cổ đỏ và diệc. Được con người yêu thương bảo vệ, chim ngày càng dạn dĩ hơn. Chúng làm tổ cả trên khu vực cây cảnh mới trồng trước sân chánh điện, nhà tăng xá…

Khuôn viên Chùa Hang thực sự là một “sân chim” ngay sát trung tâm thành phố Trà Vinh.

trà vinh có gì?

Chùa Hang – Trà Vinh

Đến Chùa Hang, sau khi chiêm bái Đức Phật tọa trên chánh điện, tham quan xưởng điêu khắc gỗ nghệ thuật, du khách có thể dành chút thời gian ngồi trên các băng đá bày rải rác quanh ngôi chánh điện. Trong tầm mắt chúng ta, những cánh chim trời buổi sáng vút lên cao, tỏa đi tìm thức ăn trên những cánh đồng, dòng sông gần đó; Buổi chiều, chúng lần lượt tìm về, mang theo thức ăn cho những cánh chim non đang mong ngóng, tạo ra không khí huyên náo cho cả khu rừng chốn thiền môn yên tĩnh.

Cách trung tâm thành phố Trà Vinh chỉ khoảng 5 km, cách khu văn hóa – du lịch Chùa Âng – Ao Bà Om – Bảo tảng Văn hóa dân tộc Khmer cũng khoảng đường chừng ấy, Chùa Hang đang là điểm đến khá lý tưởng mà du khách không thể bỏ qua khi đặt chân đến vùng đất Trà Vinh.

Chùa Angorràjapurì (Chùa Âng) – Trà Vinh

Trà Vinh là địa bàn có đông đồng bào dân tộc Khmer, chiếm xấp xỉ 30% so với dân số chung. Tuyệt đại đa số đồng bào Khmer Trà Vinh theo đạo Phật, phái Nam tông. Trong đời sống tinh thần của người Khmer, ngôi chùa không chỉ là nơi tu hành, thực hiện các lễ thức Phật giáo mà còn là nơi bảo tồn, truyền thừa các giá trị văn hóa truyền thống từ thế hệ này sang thế hệ khác. Toàn tỉnh Trà Vinh có 143 ngôi chùa Khmer, trong đó chùa Âng được xem là một trong những ngôi chùa lớn, tiêu biểu nhất cho các ngôi chùa Khmer trong tỉnh.

trà vinh có gì?

Chùa Angorràjapurì (Chùa Âng) – Trà Vinh

Chùa Âng, gọi theo ngôn ngữ Paly là Wat Angkor Raig Borei, tọa lạc tại Phường 8, thành phố Trà Vinh, cách trung tâm tỉnh lỵ hơn 5 km về hướng tây nam và cách quốc lộ 53 hơn 500 m về hướng đông, liên hoàn với danh thắng Ao Bà Om và Bảo tàng Văn hóa dân tộc Khmer Trà Vinh. Khuôn viên chùa rộng hơn 3,5 ha với nhiều chủng loài thực vật đặc hữu trên đất giồng cát như sao, dầu, tre, trúc… trong đó có hàng trăm gốc sao, dầu cổ thụ quanh năm che mát ngôi chùa cổ kính. Như bao ngôi chùa Khmer khác trên địa bàn Trà Vinh, chùa Âng là một quần thể các công trình kiến trúc bao gồm tăng xá, giảng đường dạy chữ Paly và chữ Khmer… bao quanh ngôi chánh điện uy nghi. Ngôi chùa quay mặt về hướng đông, thể hiện tư tưởng Phật giáo là Phật Thích ca ở tây phương nhìn về hướng đông để độ trì chúng sinh.

Từ cổng chính vào là một lối đi rộng giữa hai hàng sao cổ thụ thân to, cao vút vừa che mát không gian vừa tạo ra thế uy nghiêm cho ngôi chùa. Lối đi ngang qua hào nước rộng chừng 4 m, dài hơn 400 m, bao quanh ngôi chánh điện và các công trình kiến trúc khác, mà không ngôi chùa Khmer nào khác ở Trà Vinh có được.

Theo truyền thuyết, chùa Âng được hình thành từ nhiều thế kỷ trước nhưng được xây dựng qui mô như hiện nay vào năm Thiệu Trị thứ 3, tức năm 1842 theo dương lịch. Từ đó đến nay, ngôi chùa được trùng tu, sửa chữa nhiều lần, trong đó xây dựng mới các công trình phụ như nhà tăng xá, trai đường… nhưng ngôi chánh điện cơ bản vẫn giữ được nguyên trạng như buổi đầu mới hình thành.

Trung tâm của ngôi chùa Khmer là ngôi chánh điện (Preah Vihea) thờ Phật, nơi hội tụ và phản ánh trình độ của các nghệ nhân đương thời về nghệ thuật kiến trúc, hội họa, điêu khắc… Nền chánh điện chùa Âng rộng 24 x 36 m, cao 1,4 m được xây bằng đá xanh, mặt lót gạch tàu cổ và được bao bọc bởi một hàng rào cao 1,23 m, chừa hai cửa ra vào ở hai hướng đông và tây. Ngôi chánh điện có diện tích 12 x 24 m được xây dựng trên nền thứ hai, cao hơn nền thứ nhất là 0,6 m và được bao bọc bởi vòng rào thứ hai, cao 0,7 m.

Ngôi chánh điện chùa Âng được xây dựng bằng khung gỗ, mái lợp ngói. Toàn bộ chánh điện được trụ đỡ bởi hệ thống 18 chiếc cột bằng gỗ quý, đường kính 0,6 m, cao 6 m. Bên ngoài hành lang phía trước là 6 cột, trong đó 4 cột giữa có đúc hình tiên nữ (Keyno) và hai cột hai bên đúc hình chim thần (Krud) để đỡ khung sườn mái. Bên trong chánh điện là một không gian rộng với 12 trụ cột được trang trí hình rồng, sơn son thếp vàng. Mái chánh điện chùa Âng được cấu tạo độc đáo, bao gồm ba cấp mái có màu sắc đẹp và hài hòa, trong đó hai mái trên cùng rất cao và dốc, tạo ra cảm giác linh thiêng mà người phật tử phải hết sức khiêm cung khi ngước nhìn. Hai đầu hồi được đóng kín bằng hai tấm gỗ hình tam giác chạm khắc rất công phu. Các diềm mái được trang trí hình rồng thân nằm xoãi dài, vảy rồng uốn cong ngược lên, tạo cảm giác mái ngói vẫn nhẹ nhàng, thanh thoát.

Bốn bức tường chánh điện là những bức bích họa đặc sắc thể hiện tư tưởng Phật giáo, thông qua con đường tu hành của Phật Thích Ca. Trên trần là bốn bức bích họa hoành tráng thể hiện bốn giai đoạn trong cuộc đời Phật Thích Ca là Phật đản sanh, Phật xuất gia, Phật thành đạo và Phật nhập niết bàn.

Bệ thờ Phật trong chánh điện chùa Âng cũng được các nghệ nhân thời ấy tập trung công sức thể hiện. Toàn bộ bệ là là một tòa sen với nhiều cánh đặt sau một lớp võng bằng gỗ chạm khắc rất tinh xảo với nhiều hình hoa lá, muông thú được sơn son thếp vàng. Trên bệ, ngoài tượng chính cao 2,1 m còn có 55 tượng Phật lớn nhỏ khác nhau, bằng chất liệu xi măng và gỗ quý, đều được thếp vàng. Cũng như các ngôi chùa Nam tông Khmer khác, chánh điện chùa Âng chỉ thờ duy nhất Đức Phật Thích Ca ở tư thế ngồi thiền định.

Phía trước ngôi chánh điện là ngôi tháp chứa di cốt các vị sư cả trụ trì chùa qua các thời kỳ. Điều đặc biệt, đây là ngôi tháp năm ngọn duy nhất trong các ngôi chùa Khmer Trà Vinh. Tháp năm ngọn là sự ảnh hưởng tư tưởng Ấn Độ giáo về vũ trụ, thiên nhiên và con người.

trà vinh có gì?

Chùa Angorràjapurì (Chùa Âng) – Trà Vinh

Việc xây dựng ngôi chùa bề thế, uy nghi vào giữa thế kỷ XIX đã chứng tỏ rằng, khu vực trên con giồng cát phía tây nam thành phố Trà Vinh ngày nay, vào thời điểm ấy đã tồn tại những phum sóc Khmer có mật độ dân cư khá đông đúc, đời sống kinh tế tương đối sung túc và trình độ nghệ thuật kiến trúc, hội họa, điêu khắc… cao khiến các thế hệ cư dân hiện nay và du khách gần xa phải nghiêng mình thán phục.

Qua thời gian, một số cột gỗ và chi tiết bằng gỗ trong kiến trúc chánh điện chùa Âng đã bị hư hại. Do hạn chế về kinh phí và nhân lực, nhà chùa buộc phải tu sửa, dặm vá bằng xi măng và các chất liệu khác.

Trải qua gần hai thế kỷ vững vàng, uy nghi tồn tại trước tác động của thời tiết, mưa gió và thời gian, ngôi chánh điện chùa Âng là niềm tự hào của đồng bào Khmer nói riêng, của cộng đồng các dân tộc Trà Vinh nói chung bởi các giá trị độc đáo mang tính đỉnh cao về nghệ thuật kiến trúc, hội họa, điêu khắc đậm đà bản sắc văn hóa Khmer, có sự giao lưu nhất định với văn hóa Việt, Hoa, Ấn Độ, Thái Lan…

Với những giá trị vật chất, tinh thần lớn lao đó, Chùa Âng được Bộ Văn hóa Thông tin, nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia, loại hình kiến trúc nghệ thuật, vào năm 1994.

Ngày nay, chùa Âng là một trong những ngôi chùa Phật giáo Khmer tiêu biểu trên địa bàn tỉnh Trà Vinh cũng là nơi diễn ra nhiều sinh hoạt văn hóa, lễ hội, trong đó có lễ hội Ok om bok – một di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, vào dịp Rằm tháng Mười âm lịch hàng năm.

Chùa Cò – Trà Vinh

Chùa Cò có tên thật là chùa Nodol, ngoài ra nơi đây cũng được gọi với cái tên khác là chùa Giồng Lớn. Cái tên đặc biệt “Chùa Cò” bắt nguồn từ việc khuôn viên chùa là nơi cư ngụ của hàng trăm chủng loại cò như cò trắng, cò đầu vàng, cò mỏ đen… Cũng không ngoa khi người dân và du khách thập phương gọi đây là “sân chim lớn nhất tại Trà Vinh”. Đã hàng trăm năm kể từ ngày thành lập ngôi chùa cho đến tận bây giờ, mỗi năm các loại chim (nhiều nhất là cò) đều tìm đến đây làm tổ sinh sống. Nhà chùa thấy điều lạ nên cứ tiếp tục mở rộng diện tích vườn cây quanh chùa. Có lẽ chùa Cò chính là ví dụ tiêu biểu nhất cho câu thành ngữ “Đất lành chim đậu” mà các cụ ta vẫn truyền miệng bao đời nay.

trà vinh có gì?

Chùa Cò – Trà Vinh

Địa chỉ của chùa Cò nằm tại ấp Cây Da, xã Đại An, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh, cách thị xã Trà Vinh khoảng 40km về phía nam và cách trung tâm huyện Trà Cú 4km. Đến chùa Cò từ trung tâm thành phố Trà Vinh rất dễ dàng. Du khách có thể đi theo con đường QL54 đến huyện Trà Cú, sau đó hướng về phía cảng Định An. Đến cổng chào xã Đại An rẽ trái sẽ thấy tam quan sặc sỡ của chùa Cò.

Lịch sử chùa Cò ghi lại, chùa được xây dựng từ năm 1677. Trải qua gần 300 năm tồn tại và phát triển, chùa Cò đã được trùng tu vô số lần lớn nhỏ. Cổng chùa được trùng tu vào năm 1968 và chánh điện được trùng tu năm 1944. Sau lần trùng tu gần nhất năm 2009 và 2012, chùa được hoàn thiện đưa vào sử dụng cho tới ngày nay. Ngôi chùa được hoàn thành nhờ vào một tấm lòng hảo tâm tại ngay huyện Trà Cú với số tiền quyên góp hàng chục tỉ đồng. Cho đến tận bây giờ, chùa Cò vẫn là một trong những ngôi chùa đồ sộ và hoành tráng nhất tại tỉnh Trà Vinh.

trà vinh có gì?

Chùa Cò – Trà Vinh

Chùa nằm trên mảnh đất rộng 4 ha được bao bọc bởi những lũy tre, hàng cây sao, dầu quanh năm tỏa bóng làm dịu mát không gian và bảo vệ cho ngôi chùa trải qua gần 300 năm lịch sử. Bước từ ngoài vào, du khách ngay lập tức bị thu hút bởi cổng tam quan đầy ấn tượng của chùa. Cổng được chạm trổ những hình thù cầu kì, trong đó phải kể đến là 4 bức tượng tiên đang giơ hai tay chống đỡ lấy mái được tạo tác rất tỉ mỉ. Ngoài ra, trên cổng còn được trang trí bằng những bức họa nổi hình hoa sen ở hai cột hai bên, trong cổng là những bức bích họa hình các vị thần.

Đi theo con đường đất rợp bóng cây tre, bạch đàn, me tây, du khách sẽ tới được khu vực khuôn viên chùa Cò. Khu vực chính điện mang một vẻ đẹp lộng lẫy, những bức họa và tượng phật được chế tác đặc biệt tỉ mỉ và tinh xảo. Mái chính điện thiết kế với những đường nét cong uốn lượn mềm mại, đẹp mắt theo hình đuôi rồng. Ngoài ra trên mái còn được chạm khắc nhiều những họa tiết quen thuộc truyền thống như hình ngọn núi Xôme, tượng đầu bốn mặt Mohabrom, tượng thần Reahu, chim thần Kâyno… Khu vực điện Phật được bài trí một pho tượng Đức Phật Thích Ca rất lớn ở chính giữa cùng với 6 bức tượng nhỏ ở bên cạnh trong tư thế Phật thành đạo, hai bức tượng khác được tạo tác theo tư thế trì bình khất thực.

Hơn thế nữa, khi đến với chùa Cò, du khách còn được thưởng thức và đắm mình vào những tiếng nhạc ngũ âm rộn ràng. Âm thanh du dương mang người ta về lại thời khắc khai hoang mở cõi, gặp những bậc chân tu từ xa xưa đã phải trải qua nhiều những khó khăn, hiểm nguy trùng trùng, sống thiếu thốn nhưng vẫn luôn cố gắng tu tập để duy trì, phát triển đạo pháp cho đến ngày hôm nay.

Phước Minh Cung – Trà Vinh

Phước Minh cung còn có các tên gọi khác là Chùa Quan Thánh Đế hay Chùa Ông là cơ sở tín ngưỡng tiêu biểu của cộng đồng người Hoa trên địa bàn tỉnh Trà Vinh.

trà vinh có gì?

Phước Minh Cung – Trà Vinh

Như tên gọi chùa Quan Thánh Đế, vị thần chính được thờ tại Phước Minh Cung là Quan Công, tức Quan Vũ hay Quan Vân Trường – viên tướng văn võ song toàn, nổi tiếng trung hiếu tiết nghĩa của lịch sử Trung Hoa thời Tam quốc. Sau khi ông mất tương truyền hiển thánh và việc thờ cúng Quan Thánh đế trở thành tín ngưỡng phổ biến như một giá trị văn hóa truyền thống khắp đất nước Trung Hoa. Trước những biến động của đất nước, nhiều thế hệ người Hoa di cư ra nước ngoài tìm kế sinh nhai, trong đó có bộ phận đến Trà Vinh, đã mang theo tín ngưỡng thờ Quan Thánh đế vừa cầu mong sự phò trợ của ngài, vừa để giữ gìn bản sắc văn hóa cội nguồn cho các thế hệ cháu con sinh ra, lớn lên nơi đất khách quê người.

Cùng được phối tự với Quan Thánh đế tại Phước Minh Cung còn có Phước đức chính thần, Chúa sanh nương nương và hai vị tùy tướng của Quan Thánh đế là Quan Bình và Châu Xương.

Phước đức chính thần trong quan niệm của người Hoa Trà Vinh là sự đồng nhất giữa Thổ công, Thần tài và Bổn đầu công. Riêng Bổn đầu công, hay còn gọi là ông Bổn là viên quan có tên Trịnh Tu Hòa – người được hoàng đế nhà Minh cử đi thương thuyết với triều đình các nước Đông Nam Á tạo điều kiện cho Hoa kiều làm ăn, sinh sống.

Phước sanh nương nương hay còn gọi là Mẹ Thai sanh, trong quan niệm của người Hoa, là vị nữ thần cai quản việc sinh đẻ, nuôi dưỡng trẻ con.

Phước Minh cung tọa lạc tại số 44 đường Điện Biên Phủ, Phường 3, thành phố Trà Vinh. Phường 3 là phường trung tâm thương mại sầm uất, có đông đồng bào Hoa cư trú, rất thuận tiện các hoạt động văn hóa tâm linh không chỉ tại địa phương mà cả cộng đồng Hoa kiều cư trú khắp các tỉnh Nam bộ.

Khuôn viên ngôi chùa rộng hơn 800 m2, cửa trước quay về hướng đông ra mặt tiền đường Điện Biên Phủ, cửa sau quay về hướng tây ra đường Lê Lợi. Cũng như nhiều ngôi chùa người Hoa khác, Phước Minh cung có kiến trúc theo kiểu “nội công ngoại quốc” (bên trong là chữ “Công”, vòng ngoài là chữ “Quốc”). Mặt bằng tổng thể gồm ba tòa nhà tiền điện, trung điện và chính điện song song nhau; dọc hai bên có hai dãy nhà Tả điện và Hữu điện đối diện nhau, tạo thành hình chữ “Khẩu”. Giữa các tòa nhà có sân thiên tĩnh và hành lang thông thương nhau. Toàn bộ các tòa nhà đều thiết kế theo tầng bậc và lợp ngói lưu ly. Mặt dựng đầu hồi trang trí bằng các đồ án truyền thống Trung Quốc như lưỡng long tranh châu, bát tiên, hoa lá, muông thú…

Từ cửa chính bước vào qua khoảng sân hẹp là ngôi Tiền điện. Tiền điện có 16 trụ cột bằng gỗ lim sơn màu son, trong đó có 4 cột vuông trên táng đá tròn và 12 cột tròn trên táng đá vuông, biểu trưng của âm dương hòa hợp. Sảnh Tiền điện cũng là mặt tiền của ngôi chùa nên được trang trí rất công phu. Cửa chùa bằng gỗ quý với bốn cánh là bốn bức bích họa thể hiện hình tượng bốn vị danh tướng Trung Hoa là Tần Thúc Bảo, Uất Trì Cung, Từ Mậu Công và Ngụy Trưng. Phía trên là bức đại tự “PHƯỚC MINH CUNG” bằng chữ Hán cùng các phù điêu thể hiện đề tài truyền thống như Song tiền, Đào viên kết nghĩa, tứ dân… Bao lam được chạm trổ hình lưỡng phụng tranh châu, tượng trưng nguyện vọng âm dương hòa hợp, con người và vạn vật sinh sôi phát triển. Tiền điện là nơi thờ Ngọc hoàng thượng đế ở án giữa cùng phối tự Tiên hiền – Hậu hiền hai bên tả hữu.

Trung điện là tòa nhà nhỏ hình vuông, có bốn cột đều vuông trên táng đá tròn. Đây là nơi thiện nam tín nữ thập phương tề tựu chuẩn bị lễ vật cúng tế trước khi bước vào ngôi Chính điện.

Chính điện là tòa nhà cân đối với Tiền điện với 16 cột tròn trên táng đá vuông. Ngôi chính điện được chia thành ba gian:

  • Gian trung tâm đặt án thờ Quan Thánh đế quân dưới bức đại hoành phi bằng chữ Hán “Càn khôn chính khí”. Ba pho tượng Quan Vân Trường ở giữa cùng Quan Bình, Châu Xương hầu hai bên với ngựa Xích thố bằng mây.
  • Gian trái đặt án thờ Chúa sanh nương nương dưới bức hoành phi “Tải sinh tải dục” bằng chữ Hán.
  • Gian phải đặt án thờ Phúc đức chính thần dưới bức hoành phi “Uy linh uy đức” bằng chữ Hán.

Trước các án thờ từ Tiền điện vào Chính điện được bố trí nhiều vật linh thờ cúng như trống, chuông, thư quyển, bát bửu, lỗ bộ, lư trầm, lư hương, chân đèn…, trong đó có một số cổ vật trên trăm năm tuổi. Các án thờ bằng chất liệu gỗ quý được chạm khắc, sơn phết tỉ mỉ, tinh xảo.

Toàn bộ tường vách, trụ cột ngôi chùa được sơn chủ đạo là màu son. Trên vách được trang trí bằng các bức bích họa, phù điêu và chạm trỗ gỗ với các chủ đề mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống của người Hoa như bát tiên, long vân, lưỡng long tranh châu, Đào viên kết nghĩa… cùng hệ thống các bức hoành phi, liễn đối bằng chữ Hán thể hiện lòng ngưỡng vọng đối với trời đất, công ơn dưỡng dục sinh thành, đề cao khí phách trung liệt, tiết nghĩa, thuận hòa… Tất cả các tác phẩm mỹ thuật được bố trí một cách hài hòa, chặt chẽ từ chủ đề tư tưởng, màu sắc, bố cục… thể hiện ước mơ của các thế hệ người Hoa trên vùng đất Trà Vinh về một thiên nhiên phong điều vũ thuận, con người và vạn vật không ngừng sinh sôi phát triển.

trà vinh có gì?

Phước Minh Cung – Trà Vinh

Phước Minh cung thực sự là một “Bảo tàng mỹ thuật truyền thống” của cộng đồng người Hoa trên địa bàn Trà Vinh cũng như cả Nam bộ.

Cơ sở tín ngưỡng Phước Minh cung gắn liền với lễ hội văn hóa dân gian Nguyên tiêu thắng hội, diễn ra vào đêm Mười bốn và suốt ngày Rằm tháng Giêng âm lịch hàng năm. Ban đầu, đây là lệ cúng Vía Đức Quan Thánh đế hiển thánh vào ngày mồng Bốn tháng Giêng âm lịch. Dần dần, để thuận lợi hơn cho người dân địa phương cũng như thiện nam tín nữ gần xa, lễ hội được tổ chức vào dịp Nguyên tiêu.

Từ chiều Mười bốn âm lịch, Ban Quản trị Phước Minh cung đã trang hoàng cờ phướn, cờ nheo, lồng đèn đỏ… từ bên trong ra bên ngoài ngôi chùa và dọc tuyến phố Điện Biên Phủ cùng với tiếng trống, tiếng chuông, tiếng nhạc dàn “lầu cấu”… tạo ra một không khí lễ hội nào nức lòng người. Hàng chục ngàn người dân tại thành phố Trà Vinh, các huyện, thị xã trong tỉnh và đông đảo người Hoa từ khắp các tỉnh thành Nam bộ cùng về tham dự. Họ đến với tất cả lòng thành kính cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, mua bán hanh thông, gia đình hạnh phúc, xã hội no ấm an vui. Nhiều trò chơi dân gian như múa lân, múa rồng, múa sư tử cùng dàn nhạc các bang hội người Hoa, dàn nhạc truyền thống người Kinh, người Khmer thay nhau trỗi lên trong suốt đêm Mười bốn và trọn ngày Rằm tháng Giêng âm lịch.

Với các giá trị văn hóa về nghệ thuật kiến trúc, hội họa, điêu khắc, âm nhạc truyền thống cũng như vai trò của ngôi chùa trong đời sống văn hóa tâm linh của cộng đồng người Hoa, vai trò củng cố tình đoàn kết các dân tộc cùng cộng cư trên vùng đất Trà Vinh, Phước Minh cung đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia vào năm 2005.

Ngày nay, Phước Minh cung là địa chỉ du lịch văn hóa tâm linh sắc thái dân tộc Hoa và là một địa chỉ quan trọng trong hệ thống chuỗi địa chỉ du lịch trên địa bàn thành phố Trà Vinh.

Chùa Ông Mẹt – Trà Vinh

Chùa Ông Mẹt là tên gọi thông dụng của ngôi chùa Phật giáo Nam tông Khmer tọa lạc tại Phường 1, thành phố Trà Vinh. Tên gọi theo Phạn ngữ của ngôi chùa này là Bodhisàlaraja, người Khmer vẫn quen gọi là Wat Kompong, dịch nghĩa là Chùa Bến.

trà vinh có gì?

Chùa Ông Mẹt – Trà Vinh

Là ngôi chùa lớn tọa lạc tại trung tâm tỉnh lỵ, thuận tiện giao thông cả đường bộ lẫn đường thủy với hệ thống các ngôi chùa Khmer khắp các huyện trong tỉnh cũng như các tỉnh miền Tây Nam bộ, nên chùa Ông Mẹt trở thành trung tâm Phật giáo Khmer tỉnh và được chọn đặt Văn phòng Trị sự Phật giáo Khmer hệ phái Mahanikay.

Là ngôi chùa trung tâm nên chùa Ông Mẹt được sư sãi và đồng bào Khmer cả tỉnh cúng dường tiền của, công sức lao động tạo ra một công trình kiến trúc có giá trị nghệ thuật cao. Đây cũng chính là trung tâm đào tạo nhiều thế hệ tăng tài, có nhiều đóng góp cho sự phát triển Phật giáo nói riêng, văn hóa dân tộc Khmer nói chung và lịch sử đấu tranh cách mạng của cộng động các dân tộc Trà Vinh, dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Từ những giá trị đó, chủa Ông Mẹt đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia, loại hình kiến trúc nghệ thuật, vào năm 2009.

Chưa có dữ liệu khoa học để kết luận chính xác nhưng theo truyền thuyết thì đây là ngôi chùa Khmer cổ đã tồn tại nhiều thế kỷ. Đến đầu thế kỷ XX, khi làng Minh Đức chính thức trở thành tỉnh lỵ Trà Vinh, Thánh đường Công giáo được nhà cầm quyền thực dân đầu tư xây dựng thì cộng đồng phum sóc Khmer cũng chung sức xây dựng ngôi chùa Ông Mẹt trang nghiêm, bề thế như một hình thức tôn vinh các giá trị văn hóa dân tộc.

Ngôi chùa gồm nhiều kiến trúc hài hòa nhau bao quanh ngôi chánh điện, trong khuôn viên rộng gần 1,3 ha có vòng tường kín bao bọc chung quanh, mặt tiền nhìn ra đường Lê Lợi ở hướng đông, đúng với tư tưởng truyền thống Phật giáo là Đức Phật ở Tây phương nhưng luôn dõi mắt về hướng đông để cứu độ chúng sinh. Tường phía sau có cổng nhỏ ở hướng tây, nhìn ra đường Tô Thị Huỳnh. Hai bên là đường Nguyễn Trãi ở hướng nam và Lý Tự Trọng ở hướng bắc.

Cổng chùa Ông Mẹt là một kiến trúc đẹp với 8 trụ cột nâng đỡ mái cổng và chia cổng thành lối đi chính ở giữa rộng và hai lối đi nhỏ hơn ở hai bên. Trên đầu mỗi cột đều trang trí Chim thần Keyno hai mặt luôn tươi cười đón khách. Hai bên cổng là hai bờ tường vừa thấp dần vửa mở rộng, trang trí bởi cặp rắn bảy đầu theo phong cách nghệ thuật Khmer truyền thống.

Chánh điện chùa Ông Mẹt quay mặt về hướng đông và được xây dựng trên nền tam cấp. Nền cấp một bằng đá xanh cao 1,35 m được bao bọc bởi hàng rào sắt cao gần 2 m và trên mỗi đầu cột rào đều có hình Bhrama bốn mặt. Ờ bốn góc nền cấp một là bốn ngôi tháp chứa tro cốt người đã khuất. Nền cấp hai bằng gạch đại cao 1,13 m có tường bao bọc chung quanh nhưng được chừa những khoảng trống để lên xuống. Nền cấp ba là nền trên cùng của ngôi chánh điện xây bằng gạch đại cao 0,7 m, dài hơn 20 m và rộng gần 10 m. Ngôi chánh điện gồm 32 trụ cột bằng gỗ quý, chia thành 4 hàng. Ở mỗi đầu cột và xiên ngang đều được chạm trỗ hoa văn sơn son thếp vàng. Mái ngói ngôi chánh điện được thiết kế thành mái đứng một cấp và mái nằm hai hoặc ba cấp. Giữa các cấp mái đều có khoảng cách để gió có thể lưu thông làm mát không khí bên trong. Đường gờ giữa các mái ngói được trang trí thành vây lưng rồng vắt đuôi lên cao, xà đầu xuống thấp, trong khi toàn bộ những viên ngói xếp nhau trên mái tạo hình vảy rồng. Nếu từ trên cao nhìn xuống, sẽ thấy mái ngôi chánh điện chùa Ông Mẹt như một đàn rồng từ trên trời nhìn xuống bốn hướng nhân gian. Hai đầu hồi trước và sau ngôi chánh điện là hai tấm gỗ quý được chạm khắc rất công phu với nhiều hình tượng thể hiện đời sống văn hóa tâm linh của người Khmer Nam bộ.

Trên bệ thờ bên trong ngôi chánh điện là cốt tượng Đức Phật Thích Ca uy nghi trên tòa sen cao 4,4 m; dài 5 m và rộng 4,3 m. Đây là một trong những tượng Phật to nhất trong những ngôi chùa Khmer trên địa bàn Trà Vinh. Chung quanh tượng lớn này còn có nhiều tượng Phật nhỏ hơn bằng nhiều chất liệu như đá, xi măng, đồng, gỗ… với nhiều kích thước và tư thế khác nhau như Phật xuất gia, Phật khất thực, Phật thành đạo, Phật thuyết pháp…

Phía sau chánh điện là Thư viện với lối kiến trúc độc đáo nhà sàn gỗ truyền thống của đồng bào Khmer Nam bộ xưa. Toàn bộ 24 đầu cột, xiên tâm, xiên dọc… đều được chạm khắc công phu, sơn son thếp vàng. Thư viện có ba gian, giam giữa là nơi chứa sách, trong đó có nhiều thư tịch cổ; hai gian hai bên là nơi đọc sách, học tập của các vị sư sãi và bà con trong phum sóc.

Trong khuôn viên chùa Ông Mẹt còn có một số kiến trúc như tăng xá, Văn phòng Trị sự Phật giáo hệ phái Mahanikay, giảng đường, sala thờ Neakta, tháp tưởng niệm… Dù được xây dựng ở những giai đoạn khác nhau bằng những chất liệu khác nhau và được sử dụng vào những mục đích khác nhau nhưng những kiến trúc độc lập này tồn tại hài hòa trong một tổng thể kiến trúc chung đậm đà bản sắc văn hóa của đồng bào Khmer Nam bộ.

Về tên gọi theo Phạn ngữ chùa Bodhisàlaraja. Theo chiết tự Bodhi là Bụt hay Phật; Sàla là cây sala hay cây Long thọ – một loại cây thiêng của đồng bào Khmer; Raja là Vua. Từ đó, Bodhisàlaraja được hiểu là “Tượng Phật làm bằng thân gỗ quý nhất Long thọ”. Tên này của ngôi chùa gắn liền với truyền thuyết ngày xa xưa toàn bộ khu vực Phường 3, Phường 4 thành phố Trà Vinh bây giờ là vùng đất ẩm thấp, bưng trấp như cái ao lớn, trong khi khu vực Phường 1 và Phường 2 là con giồng đất cát khô ráo đã hình thành xóm làng, phum sóc. Con sông Long Bình ngày đó có dòng chảy ngoằn ngoèo vào đến sát chân con giồng. Vào một đêm, khi đang ngồi thiền, vị sư cả ngôi chùa gần đó thấy một vị thánh tăng đến mách bảo có tượng Phật nổi lên giữa ao lớn và muốn thỉnh tượng lên chỉ có cách duy nhất là dùng bảy sợi chỉ màu. Sáng hôm sau, sư cả đến bến nước thì quả nhiên thấy tượng Phật bằng gỗ Long thọ rất to lớn. Vị sư cùng bà con phum sóc tổ chức lễ cầu nguyện rồi dùng bảy sợi chỉ như lời thánh tăng chỉ bảo. Tuy nhiên, rời khỏi ao không bao xa, khi đến chân cội bồ đề bên bến nước thì bảy sợi chỉ đồng loạt đứt, tượng Phật dừng lại, không cách nào đưa đi tiếp. Biết là ý trời, vị sư cả quyết định xây dựng ngôi chùa nơi tượng Phật gỗ an vị và gọi tên là chùa Bodhisàlaraja. Tượng gỗ Long thọ đó, sau được bồi thêm một lớp xi măng, chính là tượng Phật to lớn được thờ trong ngôi chánh điện hiện nay.

Dưới cội bồ đề vốn là bến nước lớn mà mỗi ngày cư dân trên giồng cát xuống lấy nước của dòng sông Long Bình thuở ấy. Nơi đây cũng là bến ghe xuồng có thể tỏa đi khắp nơi trên địa bàn Trà Vinh, sang các tỉnh lân cận. Người Khmer gọi “Bến lớn” hay “Bến chính” là Kompong Thom. Ngôi chùa dựng lên bên Bến lớn là Wat Kompong Thom, sau gọi tắt thành Wat Kompong. Người Kinh, người Hoa trong vùng cũng gọi theo một cách sát nghĩa là “Chùa Bến”.

trà vinh có gì?

Chùa Ông Mẹt – Trà Vinh

Tên Chùa Ông Mẹt có hai cách giải thích. Cách thứ nhất là vị sư cả trụ trì ngôi chùa này trong một thời gian dài có tên là Sư Meas nên bà con phum sóc quen gọi là Wat Lụckru Meas. Người Kinh, người Hoa cứ vậy gọi theo là Chùa Ông Mẹt. Cách thứ hai là cốt tượng Phật trong chùa quá lớn, khiến cho nhiều người Khmer nhìn thấy ngạc nhiên đến thảng thốt mà buột miệng: “Mèn đéc ơi!” (Trời đất ơi!). Từ đó biến âm dần thành Chùa Ông Mẹt.

Là nơi đặt Văn phòng Trị sự của Phật giáo Khmer hệ phái Mahanikay, chùa Ông Mẹt có nhiều đóng góp cho việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống Khmer Nam bộ. Xuất phát từ chùa Ông Mẹt, phong trào đấu tranh đòi dạy và học chữ Phạn, chữ Khmer lan rộng khắp các nhà chùa, các phum sóc trong tỉnh, chống lại chính sách “ngu dân” của thực dân Pháp. Sau đó, không chỉ dạy và học chữ Khmer mà chữ quốc ngữ cũng được đưa vào giảng dạy, tạo điều kiện cho con em đồng bào dân tộc thuận lợi hơn trong việc học tập, thực hiện ngày càng tốt hơn quyền bình đẳng giữa các dân tộc. Cũng từ chùa Ông Mẹt, Phật giáo Nam tông Khmer ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn trong đời sống vật chất, tinh thần của bà con phum sóc. Ngôi chùa không chỉ là nơi thực hành các nghi lễ tôn giáo mà còn là trung tâm sinh hoạt văn hóa cộng đồng, tiếp thu các giá trị mới về khoa học kỹ thuật, văn hóa nghệ thuật, ứng dụng vào sản xuất và sinh hoạt làm cho đời sống vật chất, tinh thần của bà con ngày càng ổn định và nâng cao.

Chùa Ông Mẹt là nơi học tập, đào tạo nhiều thế hệ sư sãi cho các ngôi chùa Khmer Trà Vinh, trong đó có nhiều vị danh tăng đạo cao đức trọng có nhiều đóng góp cho đạo và đời như Sư cả Sơn Vọng – cố Phó Chủ tịch Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam; Maha Sơn Thông – cố Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Đại lão hòa thượng Maha Thạch Sa rây – cố Phó Chủ tịch Hội đồng Chứng minh Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam…

Vừa học chữ, học kiến thức, các thế hệ sư sãi Khmer tại chùa Ông Mẹt còn được chú trọng nâng cao lòng yêu nước, ý chí căm thù kẻ xâm lược. Do đó, ngôi chùa này là nơi xuất phát phong trào đấu tranh chính trị của sư sãi, đồng bào Khmer trong tỉnh và là nơi che chở cho rất nhiều thanh niên các dân tộc trong tỉnh không phải đi lính cho địch trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ. Chính vì vậy, khi trận tiến công Xuân Mậu Thân đang diễn ra, kẻ thù cho máy bay ném bom gây hư hại nặng dù vị trí ngôi chùa cách dinh Tỉnh trưởng không quá 150 m.

Cùng với nhiều cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng khác, chùa Ông Mẹt đã góp phần hình thành diện mạo văn hóa tâm linh của cộng đồng các dân tộc Trà Vinh trong tiến trình lịch sử chung.

Với các giá trị lịch sử, văn hóa nghệ thuật độc đáo, chùa Ông Mẹt trở thành địa chỉ du lịch hấp dẫn và thuận tiện ngay trong nội ô thành phố Trà Vinh.

Chùa Vàm Ray – Trà Vinh

Chùa Vàm Ray (Trà Vinh) không chỉ nổi tiếng với vẻ cổ kính, nguy nga như một cung điện vàng mà còn bởi nơi đây có tượng Phật nằm ngoài trời lớn nhất Việt Nam. Tọa lạc tại ấp Vàm Ray, xã Hàm Tân, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh, chùa Vàm Ray được chính thức khánh thành ngày 22/05/2010. Đây chính là ngôi chùa Khmer lớn nhất Việt Nam, một nơi để các đồng bào Phật tử Khmer gặp gỡ và cùng nhau tu tâm, tích đức.

trà vinh có gì?

Chùa Vàm Ray – Trà Vinh

Là ngôi chùa được du khách nhận xét là lộng lẫy, cổ kính, nguy nga nhất miền Tây, chùa Vàm Ray không chỉ là ngôi chùa Khmer đẹp nhất mà còn là niềm tự hào to lớn của người dân địa phương.

Ngôi chùa mang phong cách kiến trúc Angkor, một kiến trúc đặc trưng của người Campuchia. Ngôi chánh điện chùa Vàm Ray có 4 cổng, cổng chính quay mặt về hướng đông theo như các chùa Khmer nam Bộ. Nhìn từ bên ngoài, chùa có hình dáng của một cung điện vàng với những hoa văn, họa tiết được khắc chạm tỉ mỉ.

Ngôi chùa có lối vào rộng rãi với hàng tượng nữ thần chắp tay chào hai bên. Trung tâm của chùa là tòa chính điện mang kiến trúc tinh xảo, được bao quanh bởi hai cấp sân rộng.

Theo truyền thống của chùa Khmer, chính điện quay về hướng Đông, tượng trưng cho con đường tu hành của Phật đi từ Tây sang Đông. Bên trong chính điện được trang hoàng lộng lẫy với những bức tranh tường nhiều màu sắc, đậm chất văn hóa Khmer. Chủ để xuyên suốt của các tác phẩm là cuộc đời Đức Phật và giáo lý của nhà Phật.

Giữa sân chùa có một cột hình trụ cao vút được nâng đỡ bởi những cái cột cách điệu hình rắn thần Naga có 5 đầu, dùng để thắp nến vào những ngày lễ hội, tượng trưng cho việc Phật pháp sẽ soi sáng cho nhân loại, giúp mọi người sống hướng thiện như chính loài rắn đã được đức Phật thuần hóa theo quan niệm của người Khmer. Cửa vào chính điện được chạm trổ rất công phu, tinh xảo, kết hợp giữa phong cách nghệ thuật chùa và nghệ thuật chạm khắc dân gian, tạo nên nét độc đáo cổ kính.

Những hàng cột phía ngoài chánh điện được xây dựng theo lối kiến trúc cổ Cô Ranh, phía trên tiếp giáp giữa đầu cột với mái chùa có tượng thần Krud mình người đầu chim, mỏ ngậm viên ngọc với hai tay đỡ mái chùa.

trà vinh có gì?

Chùa Vàm Ray – Trà Vinh

Đỉnh cao nghệ thuật của chùa Vàm Ray thể hiện ở những họa tiết độc đáo nơi mái vòm, tường, các hàng cột và cầu thang, như tượng đầu vị thánh bốn mặt Maraprum, nữ thần Kayno nửa người nửa chim, chim thần Marakrit…

Đặc biệt, chếch về hướng Đông Nam của chính điện là tượng đức Phật Thích Ca nhập Niết Bàn có chiều dài 54m được đặt trên bệ tương đương một ngôi nhà 2 tầng. Toàn bộ tượng và bệ cũng được sơn phủ sơn son thiếp vàng. Đây cũng chính là tượng Phật nằm ngoài trời lớn nhất Việt Nam.

Trải qua tiến trình lịch sử, ngôi chùa có một vị thế rất vững chắc trong đời sống xã hội và tâm thức của người Khmer Nam Bộ. Chùa chính là nơi diễn ra các lễ hội lớn trong năm như: Tết cổ truyền Chôl – chnăm – thmây, lễ Đôn ta, lễ hội Ook – Oom – Bok, cũng là nơi tập trung bà con Khơ me đến học chữ Paly, học giáo lý, học nghề… Người Khmer theo đạo Phật (Phái tiểu thừa) nên mọi nghi thức lễ hội, đón mừng năm mới đều diễn ra ở các ngôi chùa cổ kính.

Cù lao Tân Qui – Trà Vinh

Cù lao Tân Quy ở Trà Vinh được du khách biết đến là một cù lao xanh với trái cây nặng trĩu trên cành. Nơi đây là điểm đi du lịch có một nét đẹp rất đặc trưng của miệt vườn sông nước Miền Tây. Cù lao có rất nhiều loại trái cây đặc sản nổi tiếng khắp Việt Nam như: nhãn xuồng cơm vàng, sầu riêng, chôm chôm, măng cụt… Trong những loại trái cây đó, nổi bật nhất vẫn là măng cụt. Một sản phẩm với chất lượng cao và sản lượng cực kỳ ổn định. Măng cụt Tân Quy là điểm nhấn cho nông sản ở nơi này.

trà vinh có gì?

Cù lao Tân Qui – Trà Vinh

Cù lao Tân Quy bản chất chỉ là một cồn đất nhỏ, do lượng phù sa được bồi đắp hàng năm mà hình thành. Vào đầu thế kỷ 19 bắt đầu có dân cư vượt sông tìm đến đây để dựng làng, lập ấp. Và sau đó, họ đã đặt tên cho nơi này là làng Tân Vinh. Cái tên Cù Lao Tân Quy mới được gọi từ khoảng sau năm 1920. Hiện cù lao đang có hai ấp là Tân Quy 1 và Tân Quy 2

Cù lao Tân Quy nằm trong vùng đầu nguồn nên quanh năm có nước ngọt, màu mỡ phù sa… trở thành một vùng chuyên canh cây ăn trái với đủ loại trái cây đặc trưng của Nam Bộ như: măng cụt, sầu riêng, chôm chôm, dâu, nhãn tiêu da bò… Đặc biệt măng cụt Tân Quy đang được ưa chuộng trên thị trường trong và ngoài nước bởi chất lượng cao và sản lượng ổn định. Măng cụt Tân Quy chứa đầy đủ vị chua, ngọt thanh, như cân bằng được tất cả các vị giác trên lưỡi người thưởng thức. Bất cứ ai ăn trái măng cụt này rồi sẽ hiểu vì sao nó được mệnh danh là “nữ hoàng trái cây”.

Mùa trái cây chín từ tháng 4 – 6 âm lịch, cả dải đất cù lao trở thành khu trưng bày các loại trái cây đặc sản khổng lồ, du khách dễ dàng tìm gặp bên đường hay vào tận vườn tham quan những loại trái cây đặc sản xứ này. Người dân cù lao nổi tiếng hiếu khách. Đến nhà nào, khách cũng được mời những đặc sản có trong vườn nhà.

Đi dạo dưới những tán lá vườn cây trĩu quả thơm lừng trái chín, du khách sẽ vô cùng thích thú khi thấy những trái sầu riêng đang đong đưa trên cành, những hàng chôm chôm, nhãn thẳng tắp với tán xòe rộng đang trĩu quả, cùng những hàng măng cụt nghiêng mình soi bóng. Đến đây sự mệt mỏi dường như tan biến bởi không khí mát mẻ, gió sông nhè nhẹ, bóng cây râm mát tạo cảm giác thư thái dễ chịu.

Không chỉ biết tạo thu nhập từ vườn cây ăn trái, những năm gần đây, khi nhận thấy khách du lịch Trà Vinh đến tham quan, tìm hiểu về xứ Cù lao ngày càng đông, một số hộ dân đã cải tạo lại khu vườn để mở thêm dịch vụ du lịch miệt vườn, trở thành điểm đến ghé thăm, vui chơi của nhiều du khách gần xa.

trà vinh có gì?

Cù lao Tân Qui – Trà Vinh

Các khu du lịch sinh thái cù lao Tân Quy đã dựng sẵn những căn chòi lá hay những chiếc võng được thiết kế độc đáo tại một góc vườn để du khách ngồi nghỉ ngơi sau khi đi dạo và thưởng thức trái chín. Sau đó, du khách còn được biết đến nhiều món ăn đặc sản nổi tiếng ở Cù lao như: lẩu cá bông súng, lẩu gà nấu lá giang, mực xào cải, tôm sú nướng…

Ngoài được tận hưởng một không khí trong lành, thơ mộng, thưởng thức hương vị thơm ngon của trái cây miệt vườn. Du lịch Trà Vinh, đến đây bạn còn sẽ thích thú hơn khi được tận hưởng với cảm giác đi xe đạp, tắm sông, chèo thuyền ngắm sông nước, vườn cây trái nối tiếp nhau xanh ngút ngàn hay xuống thuyền phiêu lưu một chuyến “săn cá Bông lau” cùng với người dân xứ vườn nhiệt tình, hiếu khách.

Trước khi tạm biệt xứ Cù lao, khách đến thăm đừng quên mang về những giỏ trái cây chín mọng làm quà cho những người thân và bạn bè.

Cùa lao Long Trị – Trà Vinh

Về Trà Vinh, nếu du khách chỉ tham quan thắng cảnh Ao Bà Om, biển Ba Động, những ngôi chùa Khmer nằm nép mình dưới những “rừng” cây sao, dầu cổ thụ mà không ghé thăm vùng đất cù lao Long Trị thì thật đáng tiếc. Long Trị bây giờ đã được nhiều du khách ưa thích sống chan hòa với thiên nhiên đặt cho cái tên mới là “Cù lao xanh” giữa mênh mông sông nước.

trà vinh có gì?

Cùa lao Long Trị – Trà Vinh

Cù lao Long Trị thuộc xã Long Đức, thành phố Trà Vinh, với diện tích tự nhiên gần 200ha, nằm trải dài hơn 7km giữa dòng sông Cổ Chiên. Cù lao Long Trị nằm trong chuỗi cù lao nằm giữa dòng Cổ Chiên được tạo hóa ban tặng mà ngành du lịch địa phương đang triển khai kế hoạch hình thành một tuyến du lịch sinh thái, sông nước, một loại hình du lịch đang thịnh hành. Nếu thành phố Trà Vinh tự hào đã có trên 300 năm hình thành và phát triển thì vùng đất cù lao Long Trị cũng trải qua ngần ấy thời gian lịch sử của quê hương.

Từ trung tâm thành phố Trà Vinh, du khách chỉ mất chưa quá 15 phút đi xe máy là đến bến phà tại ấp Vĩnh Yên để sang sông đến với cù lao xanh Long Trị. Cứ mỗi giờ đồng hồ là có một chuyến phà về cù lao nhưng lúc nào cũng có trên 50 khách bộ hành.

Gần 20 phút rời đất liền, phà cập bến Long Trị. Trục lộ giao thông chính của Long Trị được bêtông hóa có chiều ngang 2,5m, chạy suốt cù lao do Nhà nước và nhân dân cùng làm, cùng với hệ thống lưới điện quốc gia vượt sông, vươn dài phủ khắp, tạo nên một diện mạo nông thôn mới trên vùng đất mênh mông nước, xóa đi cái mặc cảm tự ti về xứ sở cù lao cách trở, xa xôi trong lòng người dân Long Trị. Hai bên trục lộ giao thông, nhà ngói thi nhau mọc lên chẳng khác những phố phường nơi nội ô thành phố của tỉnh lỵ.

Cù lao Long Trị có 200 hộ dân sinh sống. Nơi đây được xem là tiêu biểu cho hệ sinh thái vùng nước lợ, bởi nửa năm nước ngọt, nửa năm bị xâm nhập mặn. Những người cao niên sống ở cù lao cho biết ngày xưa trên cù lao có rất nhiều cây bàng nên người ta gọi là cồn Bàng. Ngoài ra còn xen lẫn với những chủng loài thực vật đặc hữu vùng bị xâm nhập mặn như bần, dừa nước cùng nhiều loài chim muông. Sau năm 1975, cồn Bàng có tên mới là Long Trị. Ngày nay, trên vùng đất cù lao này ngoài ruộng lúa và cây dừa truyền thống, người dân còn trồng trên 30ha cây ăn trái.

Những năm gần đây, ngành du lịch tỉnh Trà Vinh đã đầu tư hơn 5 tỷ đồng để xây dựng một số công trình cơ sở hạ tầng, vườn cây ăn trái với các loại cây đặc sản như nhãn, xoài, cam sành, bưởi… Khu cồn nổi mới hình thành do phù sa bồi lắng với 40ha mặt nước và khu rừng bần 30ha cũng đang được triển khai để khai thác cù lao Long Trị như một khu du lịch sinh thái với các tour từ Khu du lịch văn hoá Ao Bà Om đến Khu di tích lịch sử đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đến cù lao Long Trị, ngoài ngắm cảnh sông nước, vườn cây ăn trái, hít thở không khí trong lành, nơi đây còn nổi tiếng bởi đặc sản cá bông lau nấu lẩu chua trái bần, cá bông lau kho tộ…

Đêm cù lao Long Trị vẫn có những quán càphê nhạc, những điểm karaoke, hát với nhau. Đêm về, cù lao không thiếu tiếng sóng vỗ bờ, với những bầy đom đóm lập lòe trong rừng bần, phong cảnh sông nước hữu tình, sống động.

Nhà cổ Cầu Kè – Trà Vinh

Nhà cổ Cầu Kè hay còn gọi là nhà cổ Huỳnh Kỳ tọa lạc tại khóm 2, thị trấn Cầu Kè, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh nằm trong danh sách những ngôi dinh thự đẹp nhất Miền Tây Nam Bộ. Du lịch Trà Vinh, đến thăm nhà cổ Cầu Kè, bạn không chỉ nhìn ngắm những công trình điêu khắc, hội họa tuyệt mỹ mà còn được hiểu thêm về lịch sử của tỉnh Trà Vinh nói riêng và Nam Bộ nói chung vào thế kỉ 20.

trà vinh có gì?

Nhà cổ Cầu Kè – Trà Vinh

Di tích Nhà Huỳnh Kỳ của đốc phủ sứ Huỳnh Kỳ (1866 – 1946) được khởi công xây dựng vào năm 1920 hoàn thành vào năm 1924 theo bản thiết kế của kiến trúc sư người Pháp được nhóm thợ ở Sài Gòn, Huế và tại địa phương xây dựng. Cũng như nhiều ngôi nhà dân dụng khác, nhà Huỳnh Kỳ gồm ngôi nhà chính và một số công trình khác như: rào cổng, nhà sau, nhà kho…

Ngôi nhà chính hình chữ nhật theo hướng bắc nam, chiều dài 20m, chiều rộng 18m, bó vỉa nền bằng đá xanh ken nhau dạng nền “kim quy”. Nền nhà lót gạch bông với nhiều loại hoa văn khác nhau, mái nhà lợp ngói vẩy cá với hai cấp mái theo kiểu bắt vần. Trên nóc mái bao quanh ngôi nhà và con lươn xây gạch trang trí với nhiều loại phù điêu khác nhau.

Sảnh đón nằm ngay giữa ngôi nhà được xây dựng nhô ra phía trước. Trên các đầu cột đều gắn phù điêu; trần, vách trang trí các tranh vẽ trên tường đề tài đề tài ngư, tiều, độc, mục, cảnh núi sông, nhà cửa, ghe thuyền… Lan can phần sảnh dán gạch men trang trí các trụ lục bình (con tiện). Hai bên sảnh đón là hai lối vào nhà thiết kế hình vòng cung với 7 bậc. Cửa chính vào nhà với hai lớp cửa theo kiểu Pháp đầu thế kỷ XX. Ngoài cửa chính còn có hai cửa hông. Đặc biệt, vào theo hai cửa hông còn phải qua hai cửa giả là hai bức bình phong làm bằng gỗ.

Nội thất ngôi nhà gồm 05 gian chia làm hai phần trước và sau kiểu “ngoại khách nội hưu” bên ngoài là phòng khách bên trong là phòng nghỉ. Phần trước ngôi nhà không xây vách chia thành gian mà chỉ xây lan can cột giả để ngăn cách thành 05 gian. Trên các đầu cột, cửa, giáp mí giữa vách với trần đều đắp các phù điêu hoa lá dây. Trên vách, trên trần thì vẽ, đấp nổi các bức tranh đề tài hoa lá cảnh vật do nghệ nhân Ba Phú vẽ vào năm Mậu Dần 1938. Đặc biệt, trần của ngôi nhà không làm bằng bê tông cốt thép mà sử dụng gỗ làm khung sườn rồi dùng lưới kẽm mắc vào khung gỗ và đấp vào một hỗn hợp vôi vữa. Từ trần đến mái nhà là một khoảng không cách nhiệt có các lỗ thông gió, vì vậy luôn tạo cho ngôi nhà mát mẻ.

Phần nội thất phía trước ở giữa là phòng khách, sát vách là bàn thờ Cửu huyền thất tổ. Bên trái là bộ bàn ăn dùng để tiếp khách quý, bên phải là bộ bàn ghế dùng trà. Phía trước sát bên trái là gian dành cho các gia sư nghỉ ngơi, giảng dạy khi được mời đến dạy học. Phần nội thất phía sau là các phòng nghỉ của ông bà Huỳnh Kỳ – Lâm Thị Bền (Lục Thị Nguyệt), Huỳnh Kỳ – Dương Thị Hườn (Dượng Thị Long) và tiểu thư Huỳnh Yến.

Ngoài ngôi nhà chính trước đây còn có nhà sau nằm song song với ngôi nhà chính và thông với nhà chính bằng đường dẫn có trần che. Trên các đầu cột đường dẫn đều được trang trí phù điêu. Bên trái là dãy nhà kho quay mặt vào ngôi nhà chính. Cuối dãy nhà kho bên trái nhà sau có Tây lầu để vọng cảnh.

trà vinh có gì?

Nhà cổ Cầu Kè – Trà Vinh

Nhà Huỳnh Kỳ là ngôi nhà có đường nét cổ kính, vật liệu, phong cách trang trí tiêu biểu cho kiến trúc Pháp đầu thế kỷ XX. Tuy nhiên, phần lớn tiện nghi trong nhà cũng như cách bố trí và đề tài một số tranh vẽ như ngư tiều độc mục, làng quê… thì mang phong cách Á Đông – thuần Việt.

Ngôi nhà cũng là một chứng tích cho một giai đoạn lịch sử của vùng đất Trà Vinh nói riêng và Nam Bộ nói chung trong những thập niên đầu thế kỷ XX.

Ngày 12/9/2011, Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh ban hành Quyết định số 1454 xếp hạng Nhà Huỳnh Kỳ (Nhà cổ Cầu Kè) là di tích cấp tỉnh thuộc loại hình di tích kiến trúc nghệ thuật.

Di tích kiến trúc Lưu Cừ II – Trà Vinh

Phế tích kiến trúc Lưu Cừ II tọa lạc tại ấp Lưu Cừ II, xã Lưu Nghiệp Anh, huyện Trà Cú, cách trung tâm thành phố Trà Vinh hơn 40 km về hướng tây nam và cách thị trấn Trà Cú 7 km về hướng tây.

trà vinh có gì?

Di tích kiến trúc Lưu Cừ II – Trà Vinh

Di chỉ này là một phế tích kiến trúc tôn giáo Bà La Môn, thuộc Văn hóa Óc Eo, được xây dựng vào những thế kỷ đầu sau Công nguyên và tồn tại trong một thời gian dài của Vương quốc Phù Nam. Di chỉ được phát hiện vào cuối năm 1985 và tiến hành điều tra, thám sát vào đầu năm 1986. Việc khai quật khảo cổ được tiến hành từ tháng 12/1986 đến tháng 02/1987. Năm 1990, Phế tích kiến trúc Lưu Cừ II được Bộ Văn hóa Thông tin, nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia, loại hình di tích khảo cổ học.

Qua hơn 3 tháng khai quật được tiến hành một cách khoa học, nghiêm cẩn và tỉ mỉ đã làm phát lộ một công trình kiến trúc cổ được xây dựng theo bố cục hình chữ nhật đồ sộ, diện tích lên đến hơn 530 m2, chiều dài 31,2 m theo hướng đông tây, chiều rộng 17,2 m theo hướng bắc nam. Mặt tiền ở hướng đông có xây nền bậc tam cấp lên xuống; các mặt nam, bắc, tây có vách tường xây cao và đường hành lang lát gạch bao quanh phía trong. Khu trung tâm của kiến trúc được xây thành 16 ô hình gần vuông nằm song song cách đều nhau, bao quanh ô trung tâm hình chữ nhật có kích thước tương đối nhỏ. Trong ô hình chữ nhật này có một hình trụ tròn đường kính 1,65 m, được xây bằng gạch nằm ở vị trí chính tâm của toàn bộ kiến trúc. Với một số di vật thu được qua quá trình khai quật như Linga, Yoni, bông cài mũ bằng vàng… đã khẳng định phế tích này vốn là ngôi đền Bà la môn đồ sộ – nơi sinh hoạt văn hóa tôn giáo của một lượng cư dân tương đối đông đúc trên các con giồng rộng lớn thuộc địa bàn huyện Trà Cú ngày nay.

Quanh tòa kiến trúc là bức tường gạch được xây dựng một cách cân đối, hài hòa. Ở hai mặt nam và bắc được bố trí những trụ tròn giống nhau và cách đều nhau. Mặt tiền ở phía đông có vách tường được xây gấp khúc 6 lần; ở khoảng giữa là bậc tam cấp lên xuống đều đặn rộng 3,6 m, chính là lối lên để tín đồ đi vào khu vực trung tâm để tiến hành các nghi thức tôn giáo trên một nền gạch cao có diện tích 3 x 3 m và các hành lang chung quanh. Các vách tường phía bắc, tây và nam được xây thẳng dài, xen lẫn những chỗ gấp khúc nhỏ tạo nên 12 góc vuông tại vị trí các trụ tròn với 13 rìa cạnh lồi lõm, ngay ngắn theo hàng gạch từ trên xuống. Các trụ gạch hình tròn này mang các hoa văn hình kỹ hà, hổ phù và những bông hoa bốn cánh, được thiết kế để bố trí các pho tượng thờ hoặc vật thờ to lớn theo tín ngưỡng Bà la môn.

Nhìn chung, ngôi Đền được xây dựng với trình độ kỹ thuật khá cao. Đặc biệt, mặt ngoài của tường kiến trúc được được gia công cẩn thận, tạo hình phẳng, góc cạnh đều đặn, đẹp và uy nghi. Nguyên liệu chính để xây là gạch màu đỏ hoặc đỏ nhạt, kích thước 25×16 cm được liên kết nhau bằng một chất kết dính mà ngày nay vẫn chưa tìm ra công thức, có tác dụng như keo dán. Ngoài ra, còn có một số viên gạch khuyết có dạng một vai hoặc hai vai có trang trí hoa văn để xây các góc cạnh tường và gờ cột. Toàn bộ kiến trúc không có mái ngói cũng không tìm thấy các di vật biểu hiện có cột kèo, mái che… Đây là dạng đặc biệt khá phổ biến trong các kiến trúc đền đài tôn giáo Bà la môn thuộc văn hóa Óc Eo đã được khám phá.

Từ chất liệu kiến trúc, phong cách nghệ thuật, di vật thu được hiện đang bào quản tại Bảo tàng tổng hợp Trà Vinh và qua phương pháp đồng vị phóng xạ C.14 đã xác định được ngôi Đền này trải qua hai giai đoạn kiến tạo và tồn tại sớm muộn khác nhau. Giai đoạn đầu là phần trung tâm của ngôi Đền được xây dựng khoảng thế kỷ thứ I sau Công nguyên. Giai đoạn sau là sự kế thừa ngôi Đền đã có và phần mở rộng được xây dựng khoảng thế kỷ thứ V sau Công nguyên. Tương ứng thời gian này trên vùng hạ lưu sông Cửu Long là thời kỳ hình thành và phát triển nền văn hóa cổ nổi tiếng – Văn hóa Óc Eo.

trà vinh có gì?

Di tích kiến trúc Lưu Cừ II – Trà Vinh

Di tích phế tích kiến trúc Lưu Cừ II là một chứng tích lịch sử về sự tồn tại của một quần cư khá đông đúc trên những con giồng rộng lớn thuộc địa bàn huyện Trà Cú ngày nay. Từ những thế kỷ đầu Công nguyên, cộng đồng cư dân này đã sở hữu cuộc sống khá sung túc và trình độ kiến trúc, mỹ thuật độc đáo đủ sức xây dựng, duy trì hoạt động ngôi Đền đồ sộ, uy nghị này trong một thời gian dài.

Ngày nay, di tích phế tích kiến trúc Lưu Cừ II được ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng chính quyền, nhân dân xã Lưu Nghiệp Anh, huyện Trà Cú bảo quản, hạn chế tối đa sự xuống cấp theo thời gian. Đây là một địa chỉ hấp dẫn cho các nhà nghiên cứu, học sinh, sinh viên các chuyên ngành lịch sử, khảo cổ, văn hóa cổ và nhiều chuyên ngành khoa học xã hội nhân văn khác đến nghiên cứu, tìm hiểu; đồng thời, di tích này cũng là địa chỉ du lịch văn hóa nổi tiếng thu hút đông đảo du khách gần xa.

Trà Vinh có gì? Bạn đang muốn tìm một nơi để giải tỏa tâm hồn nhưng chưa biết đi đầu thì hãy đến với Trà Vinh – chuyến hành trình tại đây hứa hẹn sẽ mang đến cho bạn nhiều trải nghiệm thú vị. Tạm quên những điểm du lịch nổi tiếng trước đó và thử đặt chân đến đây xem sao nhé.

Đăng bởi: Hoàng Kiều Phương

YOLO! Khám phá các huyện ở Trà Vinh

ALONGWALKER Singapore: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Philippines: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Indonesia: Saluran untuk mengeksplorasi pengalaman para pemuda global ALONGWALKER Malaysia: Saluran untuk menjelajahi pengalaman global belia ALONGWALKER Japan: 発見・体験、日本旅行に関する記事 ALONGWALKER Thailand: ช่องทางในการสำรวจประสบการณ์ของเยาวชนระดับโลก