Lễ Hội Nghệ An Trà Vinh

Trà Vinh có lễ hội gì?

Trà Vinh là một tỉnh Duyên hải Đồng bằng sông Cửu Long. Vùng đất này được đánh giá cao về tiềm năng du lịch. Nơi đây có nhiều điểm đến du lịch văn hóa, lịch sử, du lịch biển, sông nước miệt vườn, các vườn cây ăn trái đặc sản. Bên cạnh đó là nét văn hóa giao thoa độc đáo giữa ba dân tộc Kinh, Khmer, Hoa với nhiều công trình kiến trúc, lễ hội độc đáo diễn ra quanh năm. Tất cả đã tạo nên một sức hút khó cưỡng của Trà Vinh đối với du khách. Trà Vinh có lễ hội gì? Dưới đây là một số lễ hội truyền thống tại Trà Vinh mời bạn cùng tìm hiểu nhé.

Lễ hội Kỳ yên đình Hiệp Mỹ – Trà Vinh

Ngôi đình là cơ sở sinh hoạt tín ngưỡng của cư dân xóm ấp. Đối với cư dân người Việt nhiều thế hệ ở Trà Vinh, ngôi đình là biểu trưng của lòng tự hào về tình yêu quê hương, đất nước; là một phần tâm hồn, máu thịt của họ suốt đời gắn bó. Ở Trà Vinh hiện nay có 75 ngôi đình. Trong năm các đình diễn ra các lễ như Thượng điền, Hạ điền, đặc biệt là lễ hội Kỳ yên. Kỳ yên tức Cầu an.

trà vinh có lễ hội gì?

Lễ hội Kỳ yên đình Hiệp Mỹ – Trà Vinh

Đình Hiệp Mỹ tọa lạc tại ấp Chợ, xã Hiệp Mỹ Tây, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh. Theo các vị cao niên ở đây kể lại thì đình Hiệp Mỹ được tạo dựng vào thập niên 20, 30 thế kỷ XIX sau một thời gian khai hoang, cư dân an cư lạc nghiệp và lập làng Thành Đức. Hiện nay, Ban quý tế đình còn lưu giữ một sắc phong có niên đại Tự Đức ngũ niên (năm 1852).

Lễ hội Kỳ yên có nguồn gốc trong thờ lễ thần từ lâu đã có chung ở người Việt. Kỳ yên tức cầu an, cầu cho quốc thái dân an, cầu cho phong điều vũ thuận, mùa màng tốt tươi sinh sôi nảy nở. Ở miền Bắc xưa kia, xuân qua hè đến nóng bức dịch bệnh thường xãy ra làm bất an làng xóm. Do đó ở các đình miếu, ở các điểm trong làng người ta tiến hành làm lễ cầu an còn gọi là lễ Tống ôn, lễ Cầu mát. Dân làng bày cúng cháo lá đa, rải gạo muối thí thực để tống tiễn các ôn dịch. Ý nghĩa lễ Cầu an theo lệ xưa chỉ có vậy. Đến khi người Việt di dân vào Nam khẩn hoang lập ấp phải đương đầu với thiên nhiên nhiều bất trắc “dưới sông sấu lội trên rừng cọp um” dễ dàng cướp đi sinh mạng. Vì vậy, khi có ngôi đình để cúng kiếng họ khát khao cầu an và đặt tất cả niềm tin của mình vào vị thần của đình làng. Từ đó ở Nam Bộ lễ Kỳ yên trở thành đại lễ. Lễ hội Kỳ yên ở các đình Nam Bộ nói chung và Trà Vinh nói riêng không thống nhất ngày tháng, thường diễn ra trong khoản thời gian từ tháng giêng đến tháng ba âm lịch nhưng tập trung nhiều vào tháng ba.

Trong năm đình Hiệp Mỹ tổ chức các lễ hội như: Lễ Hạ điền ngày 5/5 âm lịch còn gọi là lễ cúng Thần Nông, lễ Thượng điền ngày 15,16/10 âm lịch, lễ Khai sơn 7/1 âm lịch và lễ Kỳ yên 15,16/2 âm lịch.

Lễ hội Kỳ yên ở đình Hiệp Mỹ có trên 100 năm nay là lễ hội dân gian đặc sắc còn bảo lưu khá nhiều các nghi tiết của lễ hội Kỳ yên đình làng Nam Bộ trước đây. Sở dĩ có tính chất bền vững, được bảo lưu chính vì đứng về mặt xã hội học mà xét thì mọi hoạt động và hành vi diễn ra trong xã hội nói chung theo một sự đồng cảm về tổ chức, thiết chế giữa con người và con người, giữa cá thể và cộng đồng đều mang tính chất xã hội hóa. Lễ hội đã quy tụ đông đảo bà con tham gia một cách tự nguyện. Có được nét đẹp này bởi những cư dân di cư đến đây đã tìm cách thích nghi với điều kiện xã hội mới, làm sao vừa có thể phát huy được thế mạnh của những yếu tố văn hóa truyền thống mang theo, đồng thời thích ứng môi trường, cảnh quan mới nhằm tạo cho mình một thế bình ổn trong tồn tại và phát triển. Biểu hiện cụ thể tại đình Hiệp Mỹ là phối tự nhân thần Lê Tấn Sĩ một nhân vật lịch sử đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Pháp.

Về mặt văn hóa nếp sống, lối sống, đạo đức xã hội, các sinh hoạt văn hóa của cộng đồng đều là những hiện tượng đã được xã hội hóa thông qua sự chuyển giao và chia sẻ từ thế hệ này sang thế hệ khác, thông qua một sự tán đồng, tiếp thu tập thể. Điều này ta thấy rất rõ trong lễ hội Kỳ yên đình Hiệp Mỹ: nguồn kinh phí tổ chức, lễ vật dâng cúng, thành phần phục vụ, thành phần tham gia tất cả đều tham dự tự nguyện tạo nên lễ hội và trở thành phong tục của địa phương, của lễ hội.

Lễ Vu lan thắng hội – Trà Vinh

Vu lan thắng hội, hay còn gọi là lễ hội Cúng Ông Bổn Cầu Kè, diễn ra vào những ngày 25 – 28 tháng Bảy âm lịch, tại thị trấn Cầu Kè mà địa điểm chính là Vạn Niên Phong Cung hay còn gọi là Chùa Chợ (vì gần chợ Cầu Kè) tọa lạc tại khóm 1. Đây là một trong những lễ hội dân gian truyền thống gắn với tín ngưỡng thờ Ông Bổn của cộng đồng người Hoa Trà Vinh cũng như các tỉnh Nam bộ.

trà vinh có lễ hội gì?

Lễ Vu lan thắng hội – Trà Vinh

Ông Bổn, hay còn gọi là Bổn Đầu công tên thật là Trịnh Tu Hòa, vốn là quan thái giám được hoàng đế nhà Minh cử đi sứ nhằm thương thuyết với triều đình các nước Đông Nam Á tạo điều kiện dễ dàng cho người Hoa di cư làm ăn sinh sống. Sau khi ông mất, vua nhà Minh ban sắc phong thần và Hoa kiều các nước Đông Nam Á xem ông là vị phúc thần cai quản về an cư lạc nghiệp.

Truyền thuyết là vậy nhưng Ông Bổn mà đồng bào người Hoa Cầu Kè tôn thờ lại là bốn anh em kết nghĩa, tương truyền có công đưa thế hệ Triều Châu đầu tiên di cư đến vùng đất ven sông Hậu này và khi mất đều hiển thánh. Trong đó, Minh Ðức Cung (Chùa Giồng Lớn, xã Hòa Ân) thờ ông Nhứt; Vạn Ứng Phong Cung (Chùa Giữa, xã Hòa Ân) thờ ông Nhì; Vạn Niên Phong Cung (Chùa Chợ, thị trấn Cầu Kè) thờ ông Ba và Niên Phong Cung (Chùa Cây Sanh, xã Tam Ngãi) thờ ông Tư. Ngoài ra, trên địa bàn Cầu Kè còn có hai ngôi chùa thờ Ông Bổn nữa là Vạn Đức Phong Cung (Tam Ngãi) và Thiên Đức Cung (Hòa Ân) cùng một số ngôi chùa cùng loại rải rác các huyện trong tỉnh.

Lễ hội Cúng Ông Bổn đều được tiến hành vào mùa Vu lan và do có đến 6 ngôi chùa nên lễ hội Cúng Ông Bổn gần như diễn ra trong cả tháng Bảy âm lịch. Trong đó, Vạn Niên Phong Cung với lợi thế nằm ở trung tâm thị trấn, giao thông thủy bộ thuận tiện, đời sống người dân sung túc nên được chọn là lễ hội chính.

Lễ hội Cúng Ông Bổn Cầu Kè diễn ra từ 25 đến 28 tháng Bảy âm lịch, mà người dân Cầu Kè hay nhắc nhau qua câu thiệu: “Hai lăm vào đám, Hai tám ra giàn”. Trong 4 ngày lễ hội có đến 20 lễ thức liên hoàn nhau trong một lịch bản rất chặt chẽ.

Ngày 25 tháng Bảy, diễn ra 8 lễ thức, bao gồm lễ Thỉnh chư Phật, chư Thần Thánh; Lễ Thỉnh kinh – đánh động; Lễ Hương tác; Lễ Trình tổ khai chung; Lễ Khai quang; Lễ Khai kinh; Lễ Xá hạc và Lễ Cầu quốc thái dân an. Trong đó, quan trọng và đông vui nhất là hai lễ Thỉnh chư Phật – chư Thần Thánh và Lễ Thỉnh kinh – đánh động.

Lễ Thỉnh chư Phật – chư Thần Thánh được tiến hành vào sáng sớm ngày 25/7 âm lịch. Vị chủ lễ, ban quản trị chùa cùng đông đảo bà con bổn hội, đồng bào phật tử trong vùng tề tựu tại khuôn viên Vạn Niên Phong Cung, hình thành đám rước diễu hành qua các con phố chính, qua xã Hòa Ân, Tam Ngãi cung thỉnh chư Phật, chư Thần Thánh về Vạn Niên Phong Cung cùng Bổn Đầu công chứng giám và phối hưởng phẩm vật dâng làng dâng cúng. Bên cạnh các Thần Thánh theo tín ngưỡng người Hoa như Quan Thánh đế, bà Thiên Hậu… còn có các vị Thần theo tín ngưỡng người Kinh (Thần Thành hoàng bổn cảnh), tín ngưỡng người Khmer (Neakta). Nghi thức này thể hiện tinh thần đoàn kết, chia ngọt sẻ bùi giữa các dân tộc, các tôn giáo – tín ngưỡng mà cộng đồng dân cư Cầu Kè chăm chút gìn giữ, lưu truyền từ đời này sang đời khác.

Lễ Thỉnh kinh – đánh động được tiến hành vào chiều ngày 25/7 âm lịch. Đám rước được hóa trang thành thầy trò Tam Tạng, diễn lại tích đi Tây phương thỉnh kinh. Nhờ những người vào vai Tề Thiên, Bát Giới, Sa Tăng và cả các yêu quái đều là những người giỏi võ đạo kinh kịch Trung Quốc cũng như hát bội Việt Nam nên nghi thức này là màn biểu diễn nghệ thuật, vũ thuật ngay trên tuyến phố chính, rất được người dân sở tại và khách thập phương về dự hội ưa chuộng.

Ngày 26/7 âm lịch có 5 lễ thức chính là Lễ Thuyết khoa nghinh cô hồn; Lễ Thỉnh thùng bổn mạng; Lễ Tế Tiên hiền – Hậu hiền; Lễ Cầu siêu; Lễ Giương phan. Trong đó, Lễ Thuyết khoa nghinh cô hồn được tiến hành vào lúc rạng sáng là lễ thức chính của mùa Vu lan báo hiếu. Lễ Giương phan được tiến hành vào buổi chiều, với hai cây phan được giương cao giữa khuôn viên Vạn Niên Phong cung, hàm ý các cô hồn chưa siêu thoát tề tựu sẽ được che chở của chư Phật và chư Thần Thánh.

Ngày 27/7 âm lịch có 2 lễ thức chính là Lễ Cúng ngọ và Lễ Cầu siêu xà mã. Trong hai lễ thức này, chư tăng ni, hòa thượng lập trai đàn, tiếp tục đọc kinh cầu siêu để các cô hồn đói khát vất vưỡng quanh năm được một ngày no đủ, yên tâm nghe kinh mà sớm siêu thăng về miền tịnh độ.

Ngày 28/7 âm lịch diễn ra 4 lễ thức chính là Lễ Bái xám – Hoàn kinh – Xá hạc; Lễ Thỉnh tượng ngoại đàn; Lễ Phóng đăng – Phóng sinh và Lễ Chiêu u cô hồn – Đăng đàn thí thực.

Lễ Bái xám – Hoàn kinh – Xá hạc và Lễ Thỉnh tượng ngoại đàn là nghi thức kết thúc phần trai đàn dâng cúng chư Phật, chuyển qua các lễ vật thông thường dâng cúng chư Thần Thánh. Lễ Phóng đăng – Phóng sinh được tiến hành bên bờ sông Cầu Kè, hàm ý tế Hà Bá cùng các Thủy thần…

Lễ Chiêu u cô hồn – Đăng đàn thí thực là lễ thức chính, thu hút đông đảo người dân địa phương và khách thập phương về dự hội tham gia. Từ buổi trưa ngày 28/7 âm lịch, mọi ngã đường hướng về Vạn Niên Phong cung đều “ngựa xe như nước, áo quần như nêm”. Vào lễ, vị chủ lễ, các vị bô lão bày toàn bộ lễ vật mà dân làng và thiện nam tín nữ gần xa mang đến, nhất thiết phải có heo trắng toàn sinh toàn sắc (heo làm sạch để nguyên con), heo quay, trà rượu, hoa quả, hương đăng… ra những chiếc bàn dâng cúng Bổn Đầu công, sau nữa là “chiêu u cô hồn” được tiếp một bữa no đủ.

Lễ Vu lan thắng hội – Trà Vinh

Khi những hồi kinh Phật vừa chấm dứt là lúc những dàn lầu cấu (nhạc lễ người Hoa) vang lên sôi động cùng tiếng vỗ tay, reo hò của hàng ngàn người vây quanh. Trong nên bầu không khí vừa linh thiêng vừa ma quái rất đặc trưng của lễ hội, bất thình lình Bổn Đầu công “đạp đồng” về “nhập xác”. Đức ông sẽ “mượn xác” một người Hoa trung niên tại địa phương thể hiện oai linh của mình bằng cách múa may quay cuồng, nói thứ ngôn ngữ Triều Châu cổ, chân không đi trên những hòn than cháy đỏ, tự xuyên những thanh kim loại dài qua mặt mình, dùng dao bén tự rạch lưỡi lấy máu vẽ bùa ban phát cho người dự hội. Xác Đức ông vừa đi “củ soát” (tức kiểm tra) các vật phẩm dâng cúng vừa cất lời tiên tri về thời tiết, mùa màng, chuyện làm ăn mua bán… của người bổn phố trong năm sắp tới.

Tín ngưỡng thờ Ông Bổn của người Hoa Cầu Kè, Trà Vinh khá tương đồng với tín ngưỡng thờ Thần Thành hoàng bổn cảnh của người Việt. Trong bối cảnh tình đoàn kết, yêu thương, giúp đỡ nhau vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống của cộng đồng các dân tộc Kinh – Khmer – Hoa Cầu Kè luôn được đặt lên hàng đầu thì tín ngưỡng thờ Ông Bổn và lễ hội Cúng Ông Bổn đã có sự giao lưu, tiếp biến một cách hài hòa nhiều sắc thái tín ngưỡng – tôn giáo khác như Phật giáo, tín ngưỡng thờ Mẫu, thờ Neakta… Qua lễ hội này, khối đại đoàn kết toàn dân tộc Cầu Kè càng được củng cố, tăng cường.

Tín ngưỡng thờ Ông Bổn và Vu lan thắng hội tại Vạn Niên Phong cung là một địa chỉ du lịch văn hóa tâm linh nổi tiếng của vùng đất Cầu Kè trong hơn 100 năm qua. Song song với lễ hội này, trên địa bàn Cầu Kè còn nhiều địa chỉ có tiềm năng để hình thành một chuỗi du lịch sinh thái – văn hóa – tâm linh liên hoàn bao gồm Khu Tưởng niệm Anh hùng Nguyễn Thị Út (Út Tịch), cù lao Tân Qui, nhà cổ và khu mộ cổ Huyện hàm Huỳnh Kỳ… cùng nhiều loại trái cây đặc sản như dừa sáp, măng cụt, chôm chôm, chuối táo quạ… đang chờ du khách khám phá, thưởng thức.

Lễ Nguyên tiêu thắng hội ở Phước Thắng Cung – Trà Vinh

Trà Vinh là địa bàn có nhiều dân tộc cùng sinh sống, trong đó đông nhất là ba dân tộc Kinh, Khmer, Hoa. Cộng đồng người Hoa Trà Vinh lưu giữ những tín ngưỡng và lễ hội dân gian truyền thống khá độc đáo, tiêu biểu là tín ngưỡng thờ Quan Thánh đế, tín ngưỡng thờ Bổn đầu công và tín ngưỡng Bảo sanh đại đế. Trong đó, Phước Thắng cung tọa lạc tại ấp Mé Rạch B, xã Đại An, huyện Trà Cú là cơ sở tín ngưỡng thờ Bảo sanh đại đế với Nguyên tiêu thắng hội nổi tiếng, thu hút cộng đồng cư dân địa phương và đông đảo người Hoa khắp các tỉnh thành Nam bộ cùng về tham dự.

trà vinh có lễ hội gì?

Lễ Nguyên tiêu thắng hội ở Phước Thắng Cung – Trà Vinh

Ngày nay, Nguyên tiêu thắng hội, hay còn gọi là lễ hội Cúng Ông Bảo, tại Đại An (Trà Cú) là một trong những lễ hội dân gian tiêu biểu của cộng đồng các dân tộc Trà Vinh, được ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy hoạch là địa chỉ văn hóa tâm linh trong chuỗi các địa điểm du lịch trên địa bàn ven sông Hậu thuộc huyện Trà Cú.

Ông Bảo hay Bảo sanh đại đế tên thật là Ngô Bản, thường được gọi là Ngô Chân nhân, người đời Tống bên Trung Hoa. Ông là một vị đại danh y tài đức vẹn toàn, trọn đời hết lòng vì sức khỏe người dân, không mưu cầu danh lợi, tiền tài hay quyền lực. Vì vậy, sau khi từ trần, Ngô Chân nhân được người dân Trung Hoa tôn bái làm Bảo sanh đại đế và được các triều đại sau này phong là Đại đạo Chân nhân.

Nếu Quan Thánh đế là vị thánh tiêu biểu về khí phách quân tử, Bổn đầu công là vị thần bảo đảm cho nơi cư trú, việc làm ăn sung túc, thì Bảo sanh đại đế là vị thần cai quản về sức khỏe. Tín ngưỡng dân gian này được các thế hệ Hoa kiều Nam bộ nói chung, tại Trà Vinh nói riêng hết lòng tôn thờ, chiêm bái.

Phước Thắng cung là cơ sở tín ngưỡng thờ Bảo sanh đại đế duy nhất tại Trà Vinh, nên còn được gọi là chùa Ông Bảo. Ngôi chùa này được kiến trúc theo kiểu “nội công ngoại quốc” truyền thống của người Hoa. Mặt bằng tổng thể gồm hai tòa Tiền điện và Chánh điện nằm song song nhau quay mặt về hướng nam, nơi có con sông nhỏ ăn thông ra sông Hậu. Hai bên là hai dãy Đông lang và Tây lang hướng vào hai tòa nhà chính, hình thành một công trình khép kín. Nhìn chung, tòa Tiền điện và Chánh điện là những kiến trúc nghệ thuật mang đậm phong cách truyền thống Trung Hoa. Bộ khung ngôi nhà làm bằng gỗ quý, chạm trỗ rất tinh xảo và được sơn son thếp vàng, tạo ra không khí uy nghiêm của nơi thờ tự. Mái ngói lưu ly và ngói âm dương cùng những đầu đao cong vút trang trí hình lưỡng long chầu nguyệt, long vân phó hội… Các vách tường tòa Tiền điện và Chánh điện trang trí bởi nhiều bức bích họa, phù điêu thể hiện các điển tích Trung Hoa cổ như Đào viên kết nghĩa, Bát tiên quá hải, Quan thánh phò nhị tẩu, Gia quan tấn lộc, Bao công xử án… Nội thất ngôi chùa còn có những bức hoành phí, liễn đối bằng chữ Hán, thể hiện công đức các vị thần thánh, biểu dương lòng nhân ái bao dung, tiết tháo chính nhân quân tử…

Tòa Chánh điện Phước Thắng cung thờ Bảo sanh đại đế ở án thờ gian giữa cùng một số thần linh ở án thờ tả, hữu như Quảng trạch tôn vương, Phước đức chính thần, Ngũ vị chi thần, Tam bình tổ sư. Ngoài ra, trong khuôn viên ngôi chùa, ban quản trị còn đưa vào phối tự nhiều vị tiên phật thánh thần như Phật Thích ca, Đạt ma tổ sư, Cửu huyền thất tổ, Tiên hiền – hậu hiền, Bà Chúa xứ, Neakta… Đây là hiện tượng hỗn dung tín ngưỡng độc đáo, thể hiện sự giao lưu văn hóa, tình đoàn kết giữa các dân tộc cùng cộng cư tại địa phương.

Chung quanh Phước Thắng cung trên địa bàn xã Đại An (nay được chia tách thành xã Đại An, xã Đinh An và thị trấn Định An) còn có nhiều ngôi chùa, đình, miếu tạo thành một quần thể các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng liên hoàn nhau.

Trong một năm, tại Phước Thắng cung có nhiều lễ cúng tế nhưng quan trọng nhất là Nguyên tiêu Thắng hội, hay còn gọi là lễ hội Cúng Ông Bảo, diễn ra trong hai ngày Rằm và Mười sáu tháng Giêng âm lịch, với đường dây kịch bản khá chặt chẽ.

Sáng sớm ngày Rằm tháng Giêng, với tất cả lòng thành, người dân Đại An mang lễ vật và cùng nhau dọn dẹp trang hoàng trong ngoài ngôi chùa, chuẩn bị lễ Khai tràng nhập hội. Đến trưa, nghi thức đầu tiên này được tiến hành. Vị cố vấn đóng vai trò chủ tế cùng các thành viên ban quản trị và các bô lão tề tựu trước án thờ dâng hương đăng, lễ vật khấn nguyện, kính báo đức ông Bảo sanh đại đế cùng chư vị thần thánh ngày Nguyên tiêu đã đến, cung thỉnh chư vị thánh thần cùng về ngự, chứng giám lòng thành của người dân. Sau lễ Khai tràng nhập hội, lễ hội Nguyên tiêu chính thức bắt đầu.

Ngay sau đó, ở các gian phối tự, dân làng tiến hành lễ Cầu an, lễ tế Tiền chức (Tiên hiền – hậu hiền), tế bà Chúa Xứ và tế Neakta. Các nghi lễ này thể hiện sự tôn trọng, giao lưu văn hóa – tín ngưỡng giữa các dân tộc cùng sinh sống bên nhau vừa thu hút đông đảo hơn sự có người dân về dự hội, không phân biệt người Hoa, người Kinh hay người Khmer; người theo tín ngưỡng thờ ông Bảo hay đồng bào phật tử.

Lễ Nguyên tiêu thắng hội ở Phước Thắng Cung – Trà Vinh

Buổi chiều, không khí bên trong khuôn viên Phước Thắng cung nhộn nhịp hẳn lên, chuẩn bị tiến hành lễ Nghinh thần, hay còn gọi là lễ Rước cộ. Đây vừa là lễ thức vừa là hình thức diễn xướng dân gian để mọi người cùng tham gia. Đúng 18 giờ, vị chủ tế cùng các bô lão tề tựu trước án thờ đức ông khấn vái, cung thỉnh kim tượng đức ông Bảo sanh đại đế, Quảng trạch tôn vương và Phước đức chính thần cùng lên kiệu vàng. Ngay sau đó, ba hồi tù và vang lên, báo hiệu đám rước bắt đầu. Mở đường là đoàn âm binh thần tướng, gồm hàng chục thanh thiếu niên lưng trần hóa trang bằng lọ nghẹ, phẩm màu, tay cầm đuốc hoặc cành cây, vừa đi vừa chạy, múa chân múa tay. Kế đến là đội lân sư rồng vừa đi vừa múa theo nhịp trống rộn rã. Trên đường đi, đoàn lân có thể tạt vào những ngôi nhà hai bên đường, tiếp nhận lễ vật dâng cúng và ban phước lành cho gia chủ. Theo sau đội lân là hai trung niên vận lễ phục trang nghiêm, đi song song nhau, một người cầm lồng đèn to có chữ Phước Thắng cung, một người cầm biểu tượng con vật cầm tinh trong năm mới âm lịch. Phía sau tiếp tục là đội phèn la, đội cờ hiệu, đội lồng đèn và đuốc, đội cờ Ông nhiều màu sắc.

Cách khoảng vài mươi mét là kiệu âm binh, với các chiếc bình đựng gạo và muối hột trộn lẫn vào nhau. Vừa đi, người trên kiệu sẽ vãi gạo muối ra bên ngoài, hàm ý trừ tà ma, dịch bệnh cho dân làng.

Trung tâm của đám rước là chiếc kiệu Ông được trang hoàng lộng lẫy đi giữa hai hàng quân, mỗi hàng tám người, tay cầm binh khí lấy từ lỗ bộ trước án thờ Bảo sanh đại đế, được hộ tống bằng dàn nhạc lầu cấu vang lừng âm thanh. Kết thúc là dân làng bổn hội và khách thập phương về dự hội.

Khởi đi từ Phước Thắng cung, đám rước hướng về ngôi Bảo an miếu thờ bà Thiên Hậu gần chợ Đại An. Vị chủ tế cùng các vị bô lão vào miếu thực hiện nghi thức khấn vái, rồi cung thỉnh Thánh mẫu, tượng trưng bằng chiếc lư hương trước án thờ bà Thiên Hậu lên cùng ngự trên kiệu Ông. Việc đức Ông và Thánh mẫu cùng ngự trên chiếc kiệu giữa đám rước, thể hiện ước vọng âm dương hòa hợp, vạn vật sinh sôi nẩy nở, dân làng no đủ lâu bền. Đám rước tiếp tục di chuyển về Thánh thất Cao Đài vào chánh điện tế lễ, rồi tiếp tục di chuyển sang ngôi chùa Khmer Phnô Đôn (Chùa Cò) chiêm bái đức Phật. Nghi thức Nghinh ông hàm ý đưa đức ông Bảo sanh đại đế (tín ngưỡng người Hoa) đến ra mắt, chào hỏi chư thánh Cao Đài (tôn giáo người Kinh) và đức Phật (tôn giáo người Khmer), thể hiện tình hòa hảo, hiếu thuận, kết đoàn giữa ba dân tộc anh em trên địa bàn Đại An có phúc cùng hưởng, có họa cùng chia.

Trên những nẻo đường đám rước đi qua, nhà nhà không phân biệt dân tộc, tôn giáo đều lập bàn hương án trước ngõ cung nghinh đức Ông. Khi kiệu Ông đến, già trẻ lớn bé trong nhà tề tựu trước hương án, thắp hương khấn vài và nhận một ít gạo muối, xem như “lộc thánh” mà đức Ông Bảo sanh đại đế ban phát cho dân làng.

Tuy quảng đường chỉ hơn 5 km cả đi và về nhưng do thực hiện nhiều hình thức diễn xướng dân gian, đoàn đi rất chậm, đến quá nửa đêm mới trở về đến Phước Thắng cung.

Sau khi về đến Phước Thắng cung, nghi thức An vị được tiến hành. Vị chủ tế và các bậc bô lão cung thỉnh đức ông Bảo sanh đại đế cùng chư vị thánh thần trên kiệu trở về an vị trên án thờ.

Sáng ngày Mười sáu tháng Giêng, nghi thức cuối cùng của Nguyên tiêu thắng hội là lễ Tạ ơn được tiến hành. Khi đông đủ dân làng bổn hội và khách thập phương dự hội tập trung trước án thờ Bảo sanh đại đế trong ngôi chánh điện, vị chủ tế thắp hương đăng, dâng các lễ vật cúng tế bày tỏ lòng thành kính biết ơn của bá tánh trong một năm qua được đức ông Bảo sanh đại đế, chư vị thánh thần gia ơn độ trì cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, con người ấm no, hạnh phúc.

Nguyên tiêu thắng hội tại Phước Thắng cung (Đại An, Trà Cú) là một lễ hội xuất phát từ tín ngưỡng dân gian tiêu biểu của đồng bào người Hoa Nam bộ. Theo thời gian, lễ hội này đã trở thành tài sản văn hóa chung, có giá trị tăng cường tình đoàn kết của cộng đồng các dân tộc Kinh, Khmer, Hoa Trà Vinh vừa thể hiện ước vọng ấm no, hạnh phúc lâu dài của con người.

Lễ hội Ok- om- bok – Trà Vinh

Đến hẹn lại lên, hàng năm vào ngày rằm tháng 10 Âm lịch, hàng vạn người dân ở khắp nơi trong và ngoài tỉnh Trà Vinh đổ về khu di tích văn hoá Ao Bà Om nơi diễn ra lễ hội Ok- om- bok để trẩy hội. Nếu về Trà Vinh đúng vào ngày này, du khách không khỏi ngỡ ngàng khi hòa mình trong sinh khí tràn ngập cờ hoa; tiếng nhạc ngũ âm cùng tiếng hò reo, cổ vũ các trò chơi dân gian như: kéo co, đập nồi, đẩy gậy… cộng thêm tiếng loa phóng thanh bằng hai thứ tiếng Việt- Khmer tạo không khí tưng bừng, náo nhiệt đậm chất lễ hội của đồng bào dân tộc Khmer.

trà vinh có lễ hội gì?

Lễ hội Ok- om- bok – Trà Vinh

Lễ hội Ok- om- bok hay còn gọi là lễ cúng trăng, được tổ chức định kỳ đúng vào ngày rằm tháng 10 Âm lịch hàng năm. Đây là một trong ba lễ chính hàng năm của tộc người Khmer Nam bộ, gồm: Tết cổ truyền Chôl- Chhnam- Thmây, Sêne Đolta và Ok- om- bok. Theo truyền thuyết, nhằm ghi nhớ và tạ ơn mặt trăng vốn được người Khmer coi như một vị thần điều động mùa màng, mưa nắng trong năm giúp họ ấm no, hạnh phúc, lễ cúng trăng được tiến hành như sau: đúng vào đêm rằm tháng 10 Âm lịch, trước khi trăng lên đỉnh đầu mọi người trong phum sóc tập trung tại khuôn viên chùa hay khuôn viên nhà – nơi không có bóng cây che khuất mặt trăng. Tại đây, họ xây dựng một cái cổng (hai trụ thường làm bằng trúc) có trang trí hoa lá, dưới cổng đặt 1 cái bàn đặt các sản vật như: chuối, dừa, khoai, cốm dẹp (sản vật cúng trăng tùy theo khả năng của mỗi gia đình nhưng không thể thiếu cốm dẹp). Khi trăng lên cao tỏa sáng, người chủ lễ (cụ già) bắt đầu thắp nhang, nến, rót trà khấn vái nói lên lòng biết ơn của họ đối với vị thần mặt trăng, cầu cho mưa thuận gió hòa, phum sóc bình yên, mọi người khỏe mạnh…Cúng xong người chủ lễ ngồi chắp tay hướng về mặt trăng, lấy cốm dẹp và các vật cúng khác mỗi thứ một ít đút cho con cháu, tay còn lại đấm nhẹ vào lưng con cháu và hỏi những ước nguyện của con cháu họ…

Trà Vinh là một tỉnh có đông đồng bào dân tộc Khmer nên Ok- om- bok được công nhận là một trong lễ hội cấp tỉnh, tổ chức hàng năm với qui mô lớn, gồm nhiều hoạt động vui chơi, giải trí vừa mang tính dân gian vừa mang tính hiện đại. Từ đó, ngày càng thu hút nhiều du khách đến từ các tỉnh, thành trong khu vực, trong đó có một bộ phận Việt kiều hàng năm về thăm quê vào dịp lễ hội. Nhằm khuếch trương, quảng bá, giới thiệu hình ảnh về đất nước, con người Trà Vinh với bạn bè gần xa, hàng năm vào dịp lễ hội Ok- om- bok Trà Vinh có nhiều hoạt động vui chơi, giải trí như: Tổ chức Hội chợ triển lãm Thương mại- Du lịch, Hội thảo xúc tiến việc làm, xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại và quảng bá du lịch; tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ giữa ba dân tộc Kinh – Khmer – Hoa…; đặc biệt, tổ chức đua ghe Ngo trên sông Long Bình- con sông đẹp nhất của TP. Trà Vinh.

Đêm lễ hội chính thức bắt đầu đúng vào lúc mặt trời chuyển hẳn về hướng Tây, khuất dần dưới rặng cây cổ thụ cả trăm năm tuổi tại ao Bà Om nhường chỗ cho thần Mặt trăng soi sáng. Lễ hội có sự tham gia của đại diện lãnh đạo Tỉnh uỷ, HĐND, UBND, UBMTTQ, các sở, ban, ngành, các vị sư sãi của 141 chùa Khơ me trong tỉnh cùng hàng vạn người đến từ khắp nơi trong và ngoài tỉnh, đa phần là đồng bào dân tộc Khmer. Thông thường, sau phần lễ, Ban tổ chức tặng quà cho trẻ em Khmer nghèo hiếu học; tổ chức sân khấu hoá lễ hội Ok- om- bok, biểu diễn văn nghệ, diễu hành, thi trang phục dân tộc, thi thả đèn gió…Dưới ánh trăng huyền ảo của đêm rằm, những ngọn đèn gió được thả bay bổng lên bầu trời cao lồng lộng, mang cả niềm tin của hơn 300.000 người Khơ me sinh sống ở Trà Vinh vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước trong việc chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho họ.

Cứ thế, đêm hội kéo dài gần như bất tận, đến khi thần Mặt trăng chuyển hẳn về hướng Tây, mọi người mới lưu luyến chia tay nhau, trở về với cuộc sống thường nhật và hẹn gặp lại nhau ở mùa lễ hội Ok- om- bok năm sau đông vui hơn.

Lễ Chôl Chnam Thmây – Trà Vinh

Chôl Chnam Thmây còn được biết là lễ hội mừng năm mới của đồng bào dân tộc Khmer Nam Bộ nói chung và tại Trà Vinh nói riêng. Thời gian diễn ra lễ hội kéo dài khoảng 3 ngày, từ ngày 14 đến ngày 16 tháng 4 Dương lịch hằng năm. Đây là một lễ hội truyền thống độc đáo và lớn của mảnh đất Trà Vinh và không khí tại các chùa và phum sóc Khmer gần như náo nhiệt suốt ngày đêm, mọi người vui vẻ ca hát và nhảy múa theo nhạc.

trà vinh có lễ hội gì?

Lễ Chôl Chnam Thmây – Trà Vinh

Ba ngày lễ tương ứng với ba tên gọi khác nhau và ý nghĩa của mỗi ngày cũng khác nhau tạo nên nét độc của truyền thống văn hóa từ đời này truyền sang đời khác. Ngày thứ nhất có tên gọi là Chôl sangkran thmây, ngày đầu năm mới. Ngày thứ hai có tên gọi là Wonbơf, ngày mà mọi người đều lên chùa dâng hương để tỏ lòng tín ngưỡng, nếu năm nhuận thì Wonbơf sẽ diễn ra trong vòng hai ngày. Ngày cuối cùng được gọi là Lơm săk, lễ tắm phật. Lễ tắm phật của cộng đồng người Khmer là một lễ vô cùng trang trọng và độc đáo. Các nhà sư trong chùa sẽ dùng những cành hoa để “vẫy” nước đã được ướp hương hoa thơm ngát lên tượng phật. Trong làn hương nghi ngút từ hương và hương hoa trong chùa, mọi người cầu bình an, sức khỏe và được mùa.

Nếu như du khách đến Trà Vinh vào dịp lễ Chôl Chnăm Thmây sẽ một phần nào cảm nhận được sự náo nhiệt và sinh động của một lễ hội văn hóa truyền thống, những điệu múa dân tộc đặc sắc mà bạn sẽ không có bất cứ dịp nào thưởng thức trọn vẹn và cả hình ảnh những chiếc lồng đèn được thả lên cao mang theo ước nguyện về một cuộc sống ấm no và hạnh phúc.

Lễ hội Néak Tà – Trà Vinh

Đây là lễ hội truyền thống trong tín ngưỡng dân gian của người Khmer được tổ chức hàng năm tại các miếu Néak Tà. Hằng năm, người Khmer thường cúng Neak Tà một lần khoảng tháng 4, tháng 5 (dương lịch) tức vào đầu mùa mưa, trước hoặc sau tết Chol Chnam Thmây khoảng một tháng. Theo nghi thức truyền thống, lễ cúng Neak Tà được kéo dài 3 ngày đêm nhưng ngày nay do điều kiện kinh tế, lao động sản xuất nên nghi thức cúng có phần đơn giản hơn, có nơi chỉ tổ chức cúng trong ngày. Trước khi tổ chức lễ cúng khoảng 10 ngày thì Acha và người đứng tuổi và có uy tính trong cộng đồng trong Phum Sóc đại diện đến từng nhà thông báo ngày giờ tổ chức cúng Neak Tà và vận động vật chất, gạo, muối, tiền để tổ chức lễ cúng.

trà vinh có lễ hội gì?

Lễ hội Néak Tà – Trà Vinh

Chương trình chính của lễ hội là cúng Neak Tà và cầu an. Thời gian cũng chia làm hai. Ngày thứ nhất, tất cả mọi người trong Sóc đến miếu Neak Tà để dọn dẹp, vệ sinh miếu, vị Acha lấy một tấm vải đỏ vắt lên hòn đá, điều này thể hiện chuẩn bị lên ông Tà. Sau đó, mọi người cùng góp sức dựng rạp ở trước miếu Neak Tà để hành lễ. Kế tiếp, chuẩn bị và chế biến vật phẩm cúng Neak Tà. Vật cúng thường là: 01 đầu heo luộc, 01 con gà, 01 chai rượu, 01 nải chuối xiêm, 01 trái dừa, cơm, muối, dầu dừa, chỉ đỏ, hoa quả, bánh trái, có nơi có cả heo quay và heo trắng (tùy vụ mùa sản xuất hằng năm). Trước khi cúng Neak Tà thì vị Acha khấn vái lặp đi lặp lại ba lần, mỗi lần mời mỗi lần rót rượu cho đến khi cây nhang tàn. Acha là người đại diện con dân trong Phum Sóc báo cáo với Neak Tà tình hình sản xuất vụ mùa của dân làng trong năm vừa qua, dâng vật phẩm cúng trả lễ Neak Tà và cầu xin ông tiếp tục che chở, bảo vệ dân làng khỏe mạnh, phù hộ cho họ sản xuất vụ mùa sau đạt hiệu quả cao. Sau đó, xin Neak Tà những điều chúc tốt lành, an khang, thịnh vượng cho tất cả người dân trong Sróc, sau đó Acha đem vật phẩm chia nhau cho mọi người dùng để hưởng lộc. Bữa cơm này người Khmer gọi là bữa cơm đoàn kết (Samaki).

Vào buổi tối, tất cả người dân trong Sóc tập trung tại miếu Neak Tà để làm lễ cầu an (còn gọi là lễ đoàn kết). Lễ này mời bốn hoặc tám vị sư đến dự và tụng kinh chúc phúc. Lễ này gồm các bước như: niệm Phật, ôn lại nguồn gốc của lễ hội, diễn văn (cáo lỗi và cảm ơn), báo cáo số tiền vận động và lễ phẩm của người đem dâng cúng, đọc lời khấn cầu nguyện, làm lễ bái Tam Bảo (Phật, Pháp, Tăng), tưởng nhớ công đức của Neak Tà và công đức cha mẹ, ông bà và cầu nguyện đến những người đã khuất phù hộ cho mưa thuận gió hòa, mùa vụ bội thu, không đau ốm bệnh tật, vạn sự như ý, nhà nhà có cuộc sống vui khỏe, thanh bình và ấm no. Kế đến, là mời các vị sư sãi tụng kinh thuyết pháp.

Sau đó, mọi người tập trung múa hát với những dàn nhạc cụ đặc trưng của dân tộc như: dàn nhạc Ngũ âm, Sadam đan xen với những điệu múa truyền thống của dân tộc như: múa Rom Vong, Sa Ra Van, Lăm Leo, Cram bass… Ở những vùng cộng cư, trong lễ hội Neák Tà còn có sự tham gia của người Việt, người Hoa.

Sáng ngày hôm sau, tất cả người dân trong Sóc dâng bánh trái đến các vị sư để cầu siêu, hồi hướng đến vong linh của ông bà cha mẹ đã khuất để họ nhận được những phần phước ấy, và xin lời chúc phù họ cho nhà nhà được hạnh phúc và vạn sự như ý.

Lễ hội Sen Đôlta – Trà Vinh

Hàng năm cứ vào ngày 29/8 đến mùng 1/9 âm lịch, đồng bào dân tộc Khmer tại Trà Vinh lại tưng bừng tổ chức lễ Sen Dolta nhằm tưởng nhớ đến công ơn bậc sinh thành, những người trong thân tộc quá cố và tri ân tổ tiên đã khai phá đất đai, phù hộ cho phum, sóc được bình an, thịnh vượng. Lễ Sen Dolta từ lâu được xem là một trong những lễ hội truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa của người Khmer Nam Bộ được lưu giữ qua nhiều thế hệ.

trà vinh có lễ hội gì?

Lễ hội Sen Đôlta – Trà Vinh

Theo tiếng Khmer, từ “Sen” có nghĩa là cúng, còn “Dol” có nghĩa là bà, “Ta” nghĩa là ông. Lễ Sen Dolta của đồng bào dân tộc Khmer có ý nghĩa như lễ vu lan báo hiếu thể hiện tấm lòng thành kính với ông bà tổ tiên đã khuất. Dịp lễ này, luôn được bà con đồng bào dân tộc Khmer chuẩn bị hết sức chu đáo. Thông thường, mỗi gia đình sẽ cử 1 hoặc 2 thành viên đến hỗ trợ nhà chùa làm những công việc chuẩn bị cho ngày lễ như: treo cờ phướn, dọn cỏ, quét dọn khuôn viên tháp đựng cốt, sơn phết tháp… Các gia đình cũng tranh thủ dọn dẹp nhà cửa, bàn thờ và chuẩn bị nhiều món ăn truyền thống để dâng cúng ông bà, tổ tiên. Tùy theo điều kiện kinh tế từng nhà, mỗi người sẽ có cách chuẩn bị khác nhau nhưng lễ vật thường có điểm chung đều là những món ăn bình dị, gần gũi mang đặc trưng của người Khmer Nam bộ.

Nơi diễn ra lễ hội: tại gia đình người Khmer. Trung tâm lễ hội tại các chùa Khmer và các Phum sóc Khmer. Ngày thứ nhất: là dọn dẹp nhà cửa, bàn thờ. Cúng cơm người đã khuất; Ngày thứ hai: mời linh hồn ông bà vào chùa nghe tụng kinh; Ngày thứ ba: cúng cơm đưa tiễn ông bà. Người Khmer dâng ẩm thực lên các Sư sãi những món đồ thường dùng hàng ngày để cúng ông bà. Cùng với lễ là các trò chơi dân gian, hát xướng dân gian, văn nghệ, ca múa nhạc dân tộc Khmer cũng được trình diễn.

Lễ hội Nghinh Ông – Trà Vinh

Lễ hội Cúng biển Mỹ Long, còn có tên gọi khác là lễ hội Nghinh ông hay lễ Tế Cửa Nam Hải, là một lễ hội dân gian truyền thống tiêu biểu của cộng đồng cư dân người Kinh sinh sống bằng nghề hạ bạc trên vùng đất ven biển Trà Vinh.

trà vinh có lễ hội gì?

Lễ hội Nghinh Ông – Trà Vinh

Lễ hội Cúng biển diễn ra vào hai ngày 11 và 12 tháng Năm âm lịch hàng năm tại ngôi miếu thờ Bà Chúa Xứ, mở rộng ra khắp địa bàn thị trấn Mỹ Long, huyện Cầu Ngang, cách thành phố Trà Vinh 30 km, về hướng đông. Cúng biển từ lâu đã trở thành ngày hội lớn không chỉ của ngư dân Mỹ Long, người dân trong tỉnh Trà Vinh mà còn thu hút đông đảo khách thập phương từ các tỉnh lân cận như Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Sóc Trăng… về tham dự.

Thị trấn Mỹ Long, còn có tên gọi dân gian là Bến Đáy, vốn là ngôi làng nhỏ ven cửa biển Cung Hầu, được lập khoảng thế kỷ XVI – XVII bởi các thế hệ ngư dân gốc gác từ các tỉnh ven biển Nam Trung bộ di cư vào. Cũng như nhiều làng chài khắp Nam bộ, khi ngư dân miền Trung di cư vào luôn mang theo hành trang văn hóa bản địa, trong đó có tín ngưỡng thờ Cá voi. Đối với người đi biển, Cá voi là vị phúc thần hóa thân từ chiếc áo cà sa của đức Phật, được đức Phật giao sứ mạng tuần tra và sẵn sàng ra tay cứu giúp khi có tàu thuyền không may lâm nạn giữa gió to sóng dữ. Tương truyền, khi chúa Nguyễn Ánh bị nghĩa quân Tây Sơn truy đuổi đến bờ nam cửa biển Cung Hầu thì Cá voi nổi lên, đưa ngài cùng đám tàn quân vượt sóng sang bờ cù lao Cổ Chiên an toàn. Sau khi lên ngôi, vua Gia Long đã ban sắc phong cho Cá voi là Quốc gia Nam Hải Cự tộc Ngọc lân chi thần hay còn gọi là Nam Hải Đại tướng quân, được ngư dân các làng ven biển tôn thờ. Khi đức Ông lỵ (tức Cá voi chết) và dạt vào bờ, ngư dân sở tại có nhiệm vụ phải tổ chức tang lễ, sau đó dựng lăng đưa di cốt vào thờ. Ngày giỗ đức Ông trở thành ngày hội của làng.

Tuy nhiên, do cửa biển Cung Hầu tại thị trấn Mỹ Long là bãi bồi phù sa nên trong lịch sử, chưa từng được đức Ông lỵ nên không có lăng Ông và cũng chẳng có ngày giỗ Ông để làng chài mở hội. Với niềm tin sẵn có, mỗi năm cứ đến lệ tháng Năm âm lịch là cả làng nghề đáy biển Mỹ Long giong thuyền sang cù lao Cổ Chiên, bên kia cửa biển Cung Hầu, bày tỏ lòng thành tế tự cùng người dân địa phương. Cửa biển rộng nhiều gió to sóng dữ, cộng thêm chiến tranh loạn lạc, việc đi lại khó khăn nguy hiểm nên dần dần ngư dân Mỹ Long cung thỉnh linh vị đức Ông về phối tự tại ngôi miễu Bà Chúa Xứ vừa xây dựng giữa làng chày Bến Đáy. Từ cuối thập niên 1920, lễ hội Cúng biển hay lễ hội Nghinh ông Mỹ Long chính thức được tiến hành long trọng và duy trì cho đến ngày nay.

Lễ hội Nghinh Ông – Trà Vinh

Do được phối tự tại ngôi miếu Bà Chúa Xứ nên lễ hội Cúng biển Mỹ Long bao gồm một chuỗi các nghi thức vừa là lễ hội Nghinh ông vừa là lễ hội Vía bà. Đây chính là nét đặc thù của lễ hội Cúng biển Mỹ Long so với các lễ hội cùng dạng thức tại các tỉnh ven biển từ Trung bộ vào Nam.

Đầu tiên là lễ Tế Tiên hiền – Hậu hiền được tiến hành vào sáng sớm ngày 11 tháng Năm âm lịch. Tiên hiền – Hậu hiền là những bậc trên trước có công khai hoang lập làng, khai sáng nghề đóng đáy biển để con cháu có được làng nghề trù phú hôm nay, theo đúng đạo lý uống nước nhớ nguồn truyền thống của dân tộc.

Nghi thức Tế Tiên hiền – Hậu hiền vừa xong cũng là lúc thủy triều bắt đầu lên, khoảng 9 giờ sáng ngày 11 tháng Năm âm lịch, là lễ Nghinh ông – nghi thức chính của lễ hội Cúng biển. Trước khi Nghinh ông, đoàn rước gồm các vị chức việc, các bô lão hóa trang thành Quan Công, Châu Xương, Quan Bình cùng vị pháp sư và một số ngư dân có tuổi lên chiếc thuyền đánh cá có năng suất tốt nhất trong mùa đi biển vừa qua để ra khơi nghinh đức Ông về chứng giám. Chiếc thuyền cứ thế ra khơi, đến khi gặp đức Ông vọi ba vòi nước lên trời thì xem như đức Ông thuận. Ngày nay, nguồn lợi biển suy giảm, cá voi trở nên rất hiếm chẳng thể gặp trên biển nên người ta buộc phải gieo quẻ xin keo, khi keo thuận thì xem như đức Ông thuận. Đám rước làm lễ Tạ ơn rồi quay thuyền trở về, đưa linh vị đức Ông ngự trên án thờ bên cạnh án thờ Bà Chúa Xứ trong chánh điện ngôi miếu.

Buổi chiếu ngày 11 tháng Năm âm lịch, sau khi cung thỉnh đức Ông về, ban tổ chức tiến hành nghi thức Tế Thần nông. Tuy là làng chài, đại đa số bằng nghề đi biển nhưng truyền thống văn minh lúa nước cội nguồn vẫn chi phối đời sống tâm linh người dân thị trấn Mỹ Long. Tế Thần nông – vị thần cai quản mùa màng được tiến hành trọng thể, với các lễ thức như những ngôi làng thuần nông khác.

Buổi tối ngày 11 tháng Năm âm lịch là nghi thức Chánh tế Bà Chúa Xứ kèm theo các hoạt động bóng rỗi – địa nàng đặc trưng của lễ hội Vía bà diễn ra đến tận khuya.

Lễ hội Nghinh Ông – Trà Vinh

Nghi thức Nghinh ngũ phương được tiến hành vào buổi sáng ngày 12 tháng Năm âm lịch. Từ trung tâm ngôi miều Bà Chúa Xứ, đoàn người hóa trang giống như khi Nghinh ông chiều hôm trước cùng đoàn lân, dàn nhạc và nhiều dân làng bổn hội hình thành đám rước qua các xóm dân cư vòng quanh thị trấn. Trên đường đi, đám rước sẽ nhận gạo muối, giấy tiền vàng bạc của người dân từ các bàn hương án cho vào bàn nghinh, hàm ý gom hết bao điều xui rủi, tai ương, dịch bệnh để làng xóm được bình an, sức khỏe dồi dào cho mùa đi biển mới.

Cuối cùng là nghi thức Tống quái diễn ra vào khoảng 9 giờ ngày 12 tháng Năm âm lịch. Nhiều lễ vật, trong đó phải có con heo trắng “toàn sinh toàn sắc” (kèm đủ lông, huyết, lòng) cùng hương đăng, trà rượu, hoa quả, gạo muối, vàng mã… có những hình nhân tài công, ngư phủ được đặt lên một chiếc thuyền nhỏ, trang trí rực rỡ. Đoàn người hóa trang giống như khi nghinh ông vây quanh chiếc thuyền nhỏ đặt trên chiếc xe kéo quanh thị trấn hình thành đám rước rất đông vui. Sau đó, chiếc thuyền nhỏ được chiếc tàu thực hiện nghi thức Nghinh ông hôm qua kéo ngược ra khơi, theo sau là hàng chục chiếc tàu thuyền và hàng trăm ngư dân hình thành đám rước nhộn nhịp trên biển. Ra đến vị trí đã nghinh ông hôm qua, chiếc thuyền chở lễ vật được cắt dây thả trôi trên biển. Nghi thức Tống quái thể hiện lòng biết ơn của ngư dân đối với đức Ông, đối với biển cả về một mùa đi biển đã qua và xua đuổi mọi xui rủi, tai ương và cầu cho mùa biển sắp tới mưa thuận gió hòa, sóng yên biển lặng, công việc đánh bắt hải sản gặp nhiều hanh thông, thuận lợi.

Cúng biển Mỹ Long là một hoạt động văn hóa truyền thống gắn với tín ngưỡng thờ Cá voi được người dân thị trấn Mỹ Long bảo tồn và thực hiện liên tục trong gần một thế kỷ đã qua. Qua từng năm, lễ hội này được tiến hành một cách trọng thể, quy củ hơn, thu hút đông đảo hơn người dân trong, ngoài tỉnh và là dịp để những người con của quê hương đang định cư, làm ăn, sinh sống ở nước ngoài tìm về cội nguồn, thăm lại quê cha đất tổ.

Năm 2013 Lễ hội Cúng biển Mỹ Long đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định số 3820/QĐ/BVHTTDL, đưa vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Hy vọng với những lễ hội truyền thống đặc sắc, hấp dẫn ở Trà Vinh mà chúng tôi chia sẻ trên đây sẽ giúp bạn giải đáp được thắc mắc ở Trà Vinh có lễ hội gì rồi nhé. Hãy một lần ghé thăm nơi đây và cảm nhận không khí của những lễ hội tuyệt vời này. Chúc bạn có chuyến du lịch Trà Vinh vui vẻ và trọn vẹn niềm vui.

Đăng bởi: Quyết Nguyễn

YOLO! Khám phá các huyện ở Trà Vinh

ALONGWALKER Singapore: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Philippines: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Indonesia: Saluran untuk mengeksplorasi pengalaman para pemuda global ALONGWALKER Malaysia: Saluran untuk menjelajahi pengalaman global belia ALONGWALKER Japan: 発見・体験、日本旅行に関する記事 ALONGWALKER Thailand: ช่องทางในการสำรวจประสบการณ์ของเยาวชนระดับโลก