Bắc Ninh

Ăn gì khi đến Bắc Ninh?

Nhắc tới Bắc Ninh là nhắc tới cái nôi của văn hóa, nơi sản sinh ra làn điệu dân ca quan họ mang đậm chất dân gian xứ Kinh Bắc. Nhưng không phải ai cũng biết đến Bắc Ninh như một cái nôi của nghệ thuật ẩm thực, với những món ngon nức tiếng gần xa. Ăn gì khi đến Bắc Ninh? Trong bài viết này chúng tôi sẽ giới thiệu đến các bạn những món đặc sản Bắc Ninh nghe thôi đã muốn ăn ngay rồi. Nếu có dịp đến với quê hương quan họ, bạn nhớ chớ bỏ qua cơ hội được thưởng thức những món ngon này nhé.

Bánh phu thê Đình Bảng

Bánh phu thê (hay còn được gọi là bánh xu xê hoặc bánh xu xuê) là một loại bánh ngọt cổ truyền của Việt Nam. Đình Bảng – Bắc Ninh là nơi gắn bó với phát tích của triều Lý và được coi là nơi đầu tiên làm ra loại bánh này.

Bánh phu thê Đình Bảng

Có rất nhiều sự tích khác nhau kể về nguồn gốc của bánh xu xuê Bắc Ninh. Nhưng được tương truyền nhiều nhất là sự tích vua Lý Anh Tông đi đánh trận. Khi đó, người vợ ở nhà thương chồng vất vả đã vào bếp tự tay làm bánh gửi cho chồng. Vua ăn thấy ngon và nghĩ đến tình nghĩa vợ chồng nên đặt tên bánh là bánh phu thê. Sau do cách đọc mỗi vùng khác nhau mà bánh phu thê còn có tên là xu xê hay xu xuê.

Công thức làm bánh khá đơn giản, nhưng ngoài Đình Bảng thì không nơi nào làm ngon được. Để làm bánh, người ta phải chọn loại gạo nếp cái hoa vàng thơm ngon. Gạo đem vo sạch, để ráo nước, dùng cối giã chứ không được xay bằng máy. Sau đó, lọc lấy tinh bột gạo. Một cân gạo nếp cái hoa vàng chỉ lấy được 4 lạng tinh bột. Bột lọc được đó lại đem say cho thật nhuyễn rồi phơi hoặc sấy khô để qua 15 ngày mới đem ra làm bánh, nếu làm ngay thì bánh sẽ nát. Bánh được gói bằng hai thứ lá. Bên trong là lớp lá chuối chống dính, ngoài cùng lá lớp lá dong. Luộc bánh tốt nhất là luộc bằng bếp củi đun vừa lửa.

ăn gì khi đến bắc ninh?

Bánh phu thê Đình Bảng

Khi bóc chiếc bánh ra ta sẽ thấy bánh có màu vàng ươm trong suốt nhìn rõ những sợi đu đủ nạo nhỏ rắc lẫn bên trong trông thật hấp dẫn. Màu vàng ấy được tạo ra từ hoa dành dành bởi để giữ uy tín, người Đình Bảng không cho bất cứ loại hoá chất nào vào bánh. Người ta đem hoa phơi khô, khi nào làm thì ngâm vào nước sôi để hoa tiết ra tinh dầu, lấy tinh dầu này trộn lẫn với bột gạo để tạo màu cho bánh. Nhân bánh là đỗ xanh ngâm kỹ đãi sạch vỏ, đem bắc chín thắng với đường, trộn lẫn vài sợi dừa đã được cạo nhỏ. Khi ăn, bánh thường được cắt làm bốn nên trong nhân bánh 4 hạt sen được đặt ở 4 góc.

Ngày nay, với ý nghĩa sâu sắc và hương vị thơm ngon đặc biệt, bánh Phu Thê trở thành bánh dùng trong mỗi đám cưới hỏi của người Việt. Đồng thời là món ăn hấp dẫn và cũng là một thứ quà ngon để làm quà cho những người đi xa.

Thịt chuột Đình Bảng

Đến Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh ngoài tham quan các di tích lịch sử như Đền Đô, chùa Cổ Pháp, Đền Rồng, du khách thường không quên thưởng thức món thịt chuột đồng nổi tiếng.

ăn gì khi đến bắc ninh?

Thịt chuột Đình Bảng

Nói đến thịt chuột, nhiều người sẽ có cảm giác ghê sợ, nhưng ở Đình Bảng đây lại được coi là đặc sản. Tuy không phổ biến như thịt chó, gà hay bò nhưng người dân Bắc Ninh vẫn sử dụng thịt chuột như một loại thức ăn thường ngày. Thậm chí không ít nhà còn bày trong mâm cỗ cưới món đặc sản này.

Theo người trong làng, Đình Bảng săn chuột không phải để kiếm sống như nhiều nơi khác và thịt chuột cũng không phải là món ăn chỉ dành cho người nghèo. Nó xuất phát từ việc giúp mùa màng bội thu.

Ở Đình Bảng, người dân bắt chuột đồng để ăn quanh năm nhưng nếu muốn theo chân người làng đi săn chuột thì du khách nên tới đây sau vụ gặt bởi chuột nhiều và béo. Nếu đang hình dung về những chú mèo lang thang ngõ xóm thì khi bước chân vào làng, khách du lịch sẽ không khỏi ngạc nhiên khi thay vì mèo, ở đây nhà nào cũng nuôi chó để bắt chuột.

Chuột bắt về được làm sạch (bỏ ra, cắt tư chi, bỏ hạch, ruột). Thịt chuột đồng có màu trắng, khá thơm như thịt gà. Đặc biệt là có thể chế biến thành nhiều món ăn, từ đơn giản đến phức tạp. Từ đó, mang đến sự thưởng thức riêng cho mỗi người.

Thịt chuột Đình Bảng

Trong đó, thịt luộc ép lá chanh là phổ biến nhiều nhất. Thịt luộc chín, vớt ra ngoài cho nguội. Sau đó chặt nhỏ, rắc thêm ít lá chanh, ít muối tiêu cho thịt thêm đậm và giòn dai hơn.

Tiếp đến, phải kể đến món thịt chuột nướng. Chuột sẽ được làm sạch, sau đó cho lên nướng bằng rơm. Khi thịt chuyển sang màu vàng sẫm, mùi thơm dậy lên là chín. Thịt được chặt ra đĩa, những miếng thịt trắng, thơm, thêm chén rượu nữa là tuyệt vời. Kế tiếp là món chuột đồng nấu đậu cũng cực kỳ thông dụng. Nó cũng được chặt thành miếng, rang trên bếp với nước mắm cho dậy mùi thơm. Cho thêm đậu phụ vào om một lúc thì bắc ra cho thêm rau, hành vào ăn cùng bún.

Ngoài ra, chuột đồng còn được chế biến thành các món chuột nấu đông, chuột giả cầy, chuột rán, chuột xào chua ngọt hay sốt cà chua, khiến không ít người phải ứa nước miếng khi các món được bày ra trước mắt. Người dân ở Đình bảng cho biết, ăn thịt chuột đồng rất lành, có tác dụng mạnh khí, giảm đau, liền xương.

Nếu có dịp đến với Đình Bảng và chưa từng một lần thưởng thức đặc sản của quê hương Kinh Bắc, hãy bỏ qua nỗi sợ hãi ban đầu và nếm thử các món ngon từ thịt chuột, chắc chắn sẽ nghiền và muốn ăn lại lần hai.

Nem bùi Ninh Xá

Nem là món ăn không còn xa lạ với nhiều người. Món ăn chơi được khá nhiều người yêu thích. Đặc biệt, theo thời gian nó dần trở thành một phần không thể thiếu trong nét ẩm thực của người Việt. Về Bắc Ninh, du khách có dịp thưởng thức rất nhiều món ăn khác nhau. Trong đó, không thể bỏ qua món nem Bùi. Đây là món ăn ngon nức tiếng vùng Kinh Bắc, vì chỉ cần nhắc đến tên là ai ai cũng biết đến.

ăn gì khi đến bắc ninh?

Nem bùi Ninh Xá

Nem Bùi xuất xứ ở làng Bùi, xã Ninh Xá, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Bởi thế người ta thường gọi là nem bùi Thuận Thành để phân biệt với các loại nem xứ khác. Trải qua thời gian thăng trầm, vài năm trở lại đây nem Bùi ngày càng được nhiều người biết đến và trở thành món ẩm thực ngon rẻ thường xuất hiện trong các bữa ăn hay lai rai với chút bia thì càng hấp dẫn.

Để làm nem bùi ngon thì thịt làm nem phải là thịt tươi, được giết trong ngày . Phần nạc và mỡ đem tách riêng, thái bản mỏng như tờ giấy rồi thái dọc theo thớ thịt. Sau đó đem hấp cách thủy khoảng 10 đến 15 phút rồi nêm gia vị cho vừa vặn.

Quan trọng nhất chính là phần thính. Thính được làm gạo rang đã xay nhuyễn. Gạo làm nem phải được vo và ngâm kỹ trong nước khoảng 3 giờ đồng hồ sau đó vớt ra rổ chờ cho ráo nước rồi đem đi rang. Gạo đem rang đến khi chuyển sang màu vàng đều nhưng vẫn giữ được độ tơi xốp của từng hạt. Sau đó người ta sẽ đem đi xay, thường là dùng cối để xay, xay đến khi gạo nhuyễn và mịn là dùng được.

Nem bùi Ninh Xá

Khâu quan trọng và khó nhằn nhất chính là nén nem. Trộn tất cả các nguyên liệu lại với nhau rồi nén chặt nem thành quả nhỏ bọc trong một lớp lá sung và lá chuối. Người làm nghề rất vất vả vì để hoàn thiện món này đòi hỏi phải cẩn thận trọng trong từng công đoạn. Đặc biệt phải là lá sung bánh tẻ mới giữ được hương vị chan chát của lá sung, mới át được cái ngầy ngậy hơi quá của thịt mỡ để tạo thành cái đậm đà quyến rũ của nem Bùi.

Tùy theo khẩu vị từng người, nem khi ăn được cuốn bằng lá sung hoặc lá đinh lăng chấm với tương ớt hay nước mắm. Bạn sẽ cảm nhận được vị chát của lá sung, vị ngọt của thịt và mùi thơm lừng của thính. Tuy nhiên những người Bắc Ninh thường thích ăn nem bùi Thuận Thành với tương ớt nhất. Nếu có thêm cốc bia giải nhiệt nữa thì phải nói là không còn gì đã hơn.

Nếu có dịp đến Bắc Ninh, chắc chắn du khách phải ghé vào làng Bùi, Ninh Xá để một lần thưởng nem. Ngoài ra, có thể mua về làm quà, biếu tặng người thân, bạn bè trong gia đình… là tuyệt nhất.

Cháo cá Tích Nghi

Ngoài những làn điệu dân ca quan họ, những chén rượi Cẩm, trầu tem cánh phượng… Khi nhắc đến Bắc Ninh, người ta sẽ nhớ ngay đến món cháo cá. Trong đó, cháo cá Tích Nghi là nổi tiếng nhất. Đây cũng là đặc sản làm nên nét văn hóa ẩm thực của Bắc Ninh cũng như Việt Nam.

ăn gì khi đến bắc ninh?

Cháo cá Tích Nghi

Món cháo cá này bắt nguồn từ gia đình bà Tích Nghi ở phượng Vệ An. Vào những năm 1977, gia đình có thuê một cái quán nhỏ để bán cháo và xây dựng thương hiệu cháo cá nổi tiếng khắp Kinh Bắc. Và đến nay nó vẫn nổi tiếng khắp Bắc Ninh và các tỉnh lân cận.

Để nấu cháo cá, người dân xứ Kinh Bắc chọn cá trắm và cá chép, được nuôi ở các ao hồ ở Bắc Ninh. Cháo cá được nấu khác với các vùng khác, cá chỉ được thả vào nồi khi cháo vừa tới chín. Người chế biến cũng phải canh chừng để làm sao cá róc hết xương nhưng thịt cá không bị vỡ miếng. Điều đặc biệt để vị cháo cá ngọt đậm đà đó là xương cá được giã ra để lấy nước dùng nấu cháo.

Ăn cháo cá nhưng thực khách không hề cảm nhận thấy vị tanh. Đưa một thìa cháo lên miệng, bạn sẽ cảm nhận được vị cháo tan trong miệng với vị thơm dẻo của gạo được ninh nhừ, từng thớ cá tươi, thịt chắc, ngọt quyện cùng với thứ rau gia vị thơm thơm như hành, mùi, thì là, tía tô và cả rau cải cúc. May mắn thì bạn còn thấy có cả trứng cá vàng ươm, bùi, ngậy. Người dân xứ Kinh Bắc cũng có cách ăn cháo cá riêng, đó là thêm giấm tỏi và ớt khô.

Cháo cá Tích Nghi

Khách đến quán có thể gọi một đĩa lòng cá riêng để nhâm nhi, hoặc ăn cùng với cháo rất đậm đà và lạ miệng. Ngoài ra, bạn cũng có thể gọi thêm một quả trứng gà hoặc trứng cút để ăn cùng cháo cá.

Ngoài quán Tích Nghi là lớn nhất ở Hồ Ngọc Lân (tên khác là Y Na). Thì phố Thiên Đức (P. Vệ An) cũng có các quán như Chín Mười, Ngọc Hà, 158. Đây đều là quán của con cháu hay hàng xóm của bà Tích Nghi. Tuy nhiên, quán Tích Nghi bao giờ cũng là điểm ăn đông nhất. Dù đợi lâu nhưng người ăn vẫn cứ nườm nượp kéo tới không thôi.

Bánh khúc làng Diềm

Chẳng biết từ khi nào bánh khúc làng Diềm (Yên Phong – Bắc Ninh) lại nổi tiếng và thu hút du khách gần xa như thế, chỉ biết rằng từng chiếc bánh tròn nhỏ như nắm xôi ấy đã tạo nên một nét văn hóa ẩm thực riêng cho mảnh đất Kinh Bắc này.

ăn gì khi đến bắc ninh?

Bánh khúc làng Diềm

Sở dĩ có tên là bánh khúc là bởi vì khi làm bánh, người ta sẽ dùng rau khúc, thái rối, nấu lên, nhồi cả cái và nước với bột nếp thành khối dẻo rồi cho nhân đậu xanh vào. Rau khúc có hình dáng bên ngoài như cỏ dại với màu lá xanh bàng bạc, phủ lớp phấn trắng bên trên. Rau khúc có hai loại: khúc tẻ và khúc nếp. Lá khúc tẻ to hơn khúc nếp, nhưng khi làm bánh, người ta thường chọn lá khúc nếp, bởi lá khúc nếp thơm ngon hơn nhiều. Người làng Diềm không trồng mà thu hái rau khúc tự mọc ven các bãi đất trống, đất bồi ven sông, ven ruộng, bởi muốn trồng thì rau cũng tự lụi, không thu hoạch được. Những cây rau khúc được chọn để làm bánh khúc là những nhỏ bản, dày bụ và đã ra hoa, có như vậy mới làm nên hương vị bánh khúc đặc trưng. Mùa đông, rau khúc hiếm, nên mỗi độ tháng Giêng, là mùa của khúc, lá khúc sẽ được phơi khô, nghiền bột và được để dành để làm bánh trong cả năm.

Để làm được một chiếc bánh khúc ngon không khó, nhưng quy trình đòi hỏi sự tỷ mỷ và mất khá nhiều thời gian. Chỉ riêng khâu chọn nguyên liệu cũng phải thật có kinh nghiệm. Bột làm bánh khúc không phải 100% là gạo nếp, mà với tỉ lệ 8 phần nếp, 2 phần gạo tẻ. Gạo tẻ là loại gạo được lựa chọn kỹ càng, ngon, trắng đều, trong, dài hạt. Gạo nếp dẻo, thơm. Gạo tẻ sau khi ngâm vài tiếng đồng hồ được vo, đãi thật sạch đem giã nhuyễn cùng với lá khúc. Tỷ lệ gạo và lá để làm bánh khúc cũng là một bí quyết để có được món bánh như ý, bởi nhiều gạo quá, bánh khúc sẽ không có vị đặc trưng của loại lá này, còn nếu lượng gạo không đủ, bánh sẽ thiếu độ kết dính.

Bánh khúc làng Diềm

Có thể thưởng thức bánh khúc làng Diềm với hai loại nhân: nhân hành và nhân đỗ. Bánh khúc nhân đỗ có vị bùi của đỗ, vị béo của thịt mỡ và vị thơm của hạt tiêu. Đậu xanh bỏ vỏ, ngâm nước cho bở, đồ chín tới, giã thật mịn, xào với ít hành băm nhỏ và thịt nạc dăm xay nhuyễn, trộn vào nhau để làm nhân. Tuy nhiên, ngon nhất vẫn là thịt ba chỉ thái nhỏ, để khi ăn, cảm nhận được vị béo của mỡ, thêm chút tiêu cho dậy mùi và cay cay.

Bánh khúc nhân hành có khác hơn đôi chút. Hành được dùng làm nhân bánh khúc nhất thiết phải là hành khô, cộng thêm mộc nhĩ, hạt tiêu, răm, thịt ba chỉ băm nhỏ trộn lẫn với nhau. Bánh khúc thường được người dân làng Diềm nặn với 2 hình thức: tròn như bánh rán hoặc hình tai voi, nhưng dù với hình thức nào, vỏ bánh cũng phải dát mỏng mà không để lộ nhân.

Sau khi dàn mỏng lớp vỏ bao kín nhân bánh, xếp từng lượt bánh vào nồi hấp như đồ xôi, mỗi lớp bánh lại rắc một lượt gạo nếp ngon đã ngâm kỹ làm áo. Thưởng thức bánh khi còn nóng hổi là thơm ngon nhất. Những hạt nếp trong, căng tròn, bóng mọng quyện với mùi thơm, bùi, đặc trưng của lá khúc, vị ngậy béo của nhân đỗ thịt, tất cả hoà quyện tạo nên hương vị thơm ngon, hấp dẫn riêng. Chiếc bánh khúc dường như là sự kết hợp hoàn hảo các sản vật đặc trưng của làng Diềm, mang đến hương vị độc đáo, hấp dẫn không dễ gì trộn lẫn.

Nếu có dịp đến vùng đất Kinh Bắc, ngoài thưởng thức những câu hát ngọt ngào, bánh phu thê Đình Bảng thì hãy đừng quên nếm thử món bánh khúc làng Diềm để chuyến hành trình du lịch thêm ý nghĩa nhé.

Bánh tro Đình Tổ

Khi nhắc đến các món ăn dân giã miền quê Bắc Bộ thì không thể không nhắc đến bánh tro. Bánh tro có ở nhiều nơi, mỗi nơi lại có cách làm và bí quyết riêng. Và bánh tro Đình Tổ là một trong những loại bánh được nhiều thực khách xa gần biết đến khi về thăm quê hương quan họ Bắc Ninh.

ăn gì khi đến bắc ninh?

Bánh tro Đình Tổ

Không giống với bánh tro ở các nơi khác, bánh tro Đình Tổ có màu sắc trong suốt như hổ phách, độc đáo và cầu kỳ từ cung cách chế biển đến thưởng ngoạn.

Theo người dân nơi đây, bánh tro Đình Tổ được làm từ gạo nếp, nước tro, một ít vôi, bánh được gói bằng lá chuối hoặc lá dong và mật mía. Để có được nước tro trong, có mùi thơm nhẹ người ta dùng rơm nếp đốt lấy tro, rồi đổ tro vào chậu, hòa với nước vôi, sau đó chắt lấy nước trong, bỏ cặn. Và những người làm nghề lâu năm luôn biết điều tiết tỷ lệ này để cho ra bánh có màu hổ phách, phảng phất hương vôi, ngọt ngào thơm mát mà vẫn nuột nà tình quê.

Gạo là nguyên liệu chính làm nên bánh tro, người dân nơi đây chọn thứ gạo nếp cái hoa vàng đều hạt cho vào tro để ngâm gạo trong chừng một đêm khi nào vớt ra thấy hạt gạo miết ở hai đầu ngón tay nát mịn là được. Gạo ngâm xong được vớt ra xối sạch bằng nước mưa hoặc nước giếng khơi để cho ráo mới đem gói.

Bánh tro Đình Tổ

Lá gói bánh thường là lá dong hoặc lá chuối hột, bánh tro Đình Tổ thường được gói theo hình ú, vồm cao như bàn tay khi nắm lại. Bánh gói xong đem luộc chín, phía dưới cùng của nồi luộc thường được lót một lớp lá dong già cho khỏi bén và thêm đậm hương. Bánh chín khi bóc ra lộ nguyên hình trong suốt một màu có thể nhìn xuyên thấu, đụng tay vào núng nính mềm mại như khối thạch.

Người dân Đình Tổ làm bánh họ biết điều tiết nước ngâm để bánh đỏ như mặt trời trông rất đẹp, hấp dẫn. Bánh tro cắt ra từng miếng nhỏ nhẹ nhàng chấm vào bát mật mía vàng óng, thơm phức, thảng thốt nao lòng trước hương vị ngọt mát, thanh dịu của bánh tro Đình Tổ.

Đến với Đình Tổ và thưởng thức bánh tro, du khách luôn tự hỏi rằng, phải chăng, chính bởi vị thanh mát, ngọt ngào và cả dáng hình nhỏ xinh, mềm mại của chiếc bánh Tro cổ truyền như luôn khiến người thưởng thức nhớ về vùng làng quê nơi thôn dã đầm ấm, thân thương này

Bánh tẻ làng Chờ

Nhắc đến Bắc Ninh, người ta không chỉ chìm đắm trong những làn điệu dân ca quan họ chân tình, đằm thắm mà còn ấn tượng với bao món ăn ngon tạo nên nền văn hóa ẩm thực đa dạng nơi đây như: nem chạo Bùi, bánh phu thê Đình Bảng, bánh khúc làng Diềm và đặc biệt là món bánh tẻ làng Chờ.

ăn gì khi đến bắc ninh?

Bánh tẻ làng Chờ

Mặc dù bánh tẻ là món ăn phổ biến ở nhiều vùng quê trên khắp cả nước nhưng không phải nơi nào cũng làm ra được những chiếc bánh có hương vị đặc biệt thơm ngon như ở mảnh đất Kinh Bắc này. Thứ bánh tẻ “quê mùa” vừa dẻo dai, vừa thơm giòn, vừa thanh mát làm cho người ăn một lần là không thể quên được cái hương vị đặc sắc ấy.

Bánh tẻ ngon nhất là của các làng Chờ: Phú Mẫn, Nghiêm Xá, Trung Bạn, Ngân Cầu, Ngô Nội, Tiên Trà, Phù Lưu. Có lẽ đây là những làng nhiều đồng chiêm cấy được những giống lúa cho gạo thơm ngon, làm ra được loại bánh tẻ chất lượng, hương vị độc đáo nhất.

Loại bánh đặc sản này nhìn có vẻ đơn giản nhưng để làm ra nó thì bà con làng Chờ phải rất kĩ càng từ khâu lựa chọn nguyên liệu đến khâu chế biến. Gạo làm bánh tẻ chắc chắn phải là loại gạo ngon, có mùi thơm và độ dẻo vừa phải. Hạt gạo cũng đảm bảo khắt khe về độ sạch, an toàn.

Bên cạnh gạo, phần nhân bánh cũng được lựa chọn nguyên liệu kỹ càng. Thịt lợn ngon, cả nạc lẫn mỡ và bì luộc chín, thái hạt lựu. Mộc nhĩ ngâm cho nở rồi băm nhỏ, hành củ xắt mỏng và một chút gia vị như nước mắm, tiêu… rồi xào thơm lên là được.

Phần bột gạo và nhân bánh được bao bởi những chiếc lá dong tươi xanh. Việc chuẩn bị lá gói cũng cần có sự chăm chút cầu kỳ khi phải rửa vài lần bằng nước sạch, sau đó để ráo rồi lau khô.

Tiếp theo, là dùng lá đã chuẩn bị khéo léo gói bánh cho thật đẹp. Trong tất cả các công đoạn thì bước này là mất nhiều thời gian nhất, bởi bánh tẻ làng Chờ nhỏ hơn rất nhiều so với bánh tẻ ở các vùng khác. Mỗi một chiếc bánh chỉ to cỡ 2 ngón tay, dài tầm 1 gang tay người lớn, nên cần phải làm thật nhanh. Sau đó, bánh được hấp chín bằng cách dùng hơi trong chõ nên không bị thấm nước và giữ được độ ngon cũng như mùi vị đặc trưng.

Bánh tẻ làng Chờ

Để thưởng thức được vị ngon nhất của bánh tẻ làng Chờ thì bạn nên ăn lúc bánh còn nóng hổi, vừa mới ra lò. Dùng tay từ từ bóc lớp lá dong bao bên ngoài để thưởng thức mùi hương thơm mát của bánh được hòa quyện với lá dong tươi.

Miếng bánh màu ngà vừa mềm dẻo lại vừa dai giòn một cách tự nhiên, vị đậm đà, béo ngậy của nhân hòa quyện với mùi nồng nàn của lá, tạo thành một thứ hương vị không thể nào lẫn được. Chính vì vậy, mặc dù là một thức quà quê dân dã nhưng bánh tẻ lại khiến người ta thật khó quên.

Ngày nay, bánh tẻ làng Chờ đã thực sự trở thành “thương hiệu” của mảnh đất quan họ Kinh Bắc và có mặt trên nhiều vùng miền khác của đất nước. Nếu có dịp ghé thăm Bắc Ninh, bạn hãy thưởng thức ăn món bánh đặc sản này nhé!

Bắc Ninh với những món ăn đặc sản không nơi đâu có được đã làm siêu lòng du khách thập phương. Ăn gì khi đến Bắc Ninh? Nếu có cơ hội đến với nơi đây thì đừng quên thưởng thức những món ngon “tuyệt đỉnh” của vùng đất này, kẻo lại phải hối tiếc! Với  những món ăn ngon ở Bắc Ninh được đề cử trong bài viết, mong là sẽ giúp được một phần nào đó cho các bạn mỗi khi đến Bắc Ninh du lịch. Chúc các bạn có chuyến du lịch vui vẻ và thoải mái!

Đăng bởi: Diệu Hiền

YOLO! Khám phá các huyện ở Bắc Ninh

ALONGWALKER Singapore: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Philippines: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Indonesia: Saluran untuk mengeksplorasi pengalaman para pemuda global ALONGWALKER Malaysia: Saluran untuk menjelajahi pengalaman global belia ALONGWALKER Japan: 発見・体験、日本旅行に関する記事 ALONGWALKER Thailand: ช่องทางในการสำรวจประสบการณ์ของเยาวชนระดับโลก