Tâm Sự

Những người chỉ thích một mình ở nhà, ghét chốn đông người

Chúng tôi không phải người hướng nội, hoặc không tin vào khái niệm hướng nội. Nhưng quả thật dù có nhiều điểm khác biệt ở nhiều khía cạnh, các thành viên của MB có một điểm chung chia sẻ với nhau là thích ở nhà.

Như anh L đã ở nhà suốt nhiều năm nay, kể cả lễ Tết. Phần lớn thời gian anh chỉ ở hai nơi: nhà và văn phòng MB. Những dịp hiếm hoi anh ra ngoài cũng xoay quanh nhà và MB: gặp gỡ đối tác (của MB), đi company trip (của MB), đá bóng (cùng MB), đi ăn (cùng MB) và đón con đi học, dẫn vợ con đi chơi.

Nhưng việc ít đi đây đó không khiến anh L trông như một người thiếu hụt niềm vui hay kiến thức. Anh L là kiểu trên thông thiên văn, dưới tường địa lý (nhờ có thời gian ở nhà đọc sách), giỏi quan hệ người-người và biết lý lẽ. Tôi cũng để ý thấy rằng anh duy trì được sức sống và nguồn năng lượng cũng như sự sáng tạo của bản thân nhờ vào việc có thể ở yên ở những “khu an toàn” của riêng mình trong phần lớn thời gian.

lối sống, nhận định, tâm lý học, những người chỉ thích một mình ở nhà, ghét chốn đông người

Có những người thích ở một mình, không thích chốn đông đúc ồn ào.

Có lẽ sự phổ biến của chủ nghĩa xê dịch (phong trào kêu gọi mọi người đi đây đó để tăng trải nghiệm và kiến thức) đã khiến mọi người đánh giá quá cao việc phải có mặt ở nhiều nơi, cùng lúc đánh giá quá thấp giá trị của việc ở một mình.

Cá nhân tôi, từ bé đến lớn, cũng ám ảnh trong việc phải đi nhiều nơi, gặp nhiều người, nghe nhiều câu chuyện… hòng sống một cuộc đời trọn vẹn và “đa chiều” nhất có thể. Nhưng rồi mọi thứ bắt đầu thay đổi khi tôi nhận ra rằng cốt tủy của sự phát triển không nằm ở việc đi đây đó hay gặp gỡ nhiều người, thậm chí, nó có phần liên quan đến việc bạn có thể ở một mình tốt đến mức nào. Rồi bẵng một thời gian, chẳng hiểu từ khi nào và như thế nào, tôi quen với việc ở yên một chỗ và dường như yêu thích sự ổn định hơn bất kỳ điều gì khác.

Và tôi không nghĩ quá trình này là đặc thù, ngoại lệ hay quá hiếm hoi.

Như anh M thời trẻ đã đi gần hết Việt Nam, lên rừng xuống biển đủ cả. Tôi nhớ có lần anh kể đã đi đến đâu đó mà sáng sớm thức dậy thấy mây bay ngang ngực. Những nơi lạ lạ, độc đáo nghe là muốn đến, kiểu thế. Anh cũng gặp khá nhiều người, đủ kiểu người, và cũng đã chơi đủ thứ trò. Nhưng rồi vài năm gần đây anh cũng chả đi đâu cả, không phải kiểu miễn cưỡng “gặm một mối căm hờn trong cũi sắt” như thể vì bận rộn nên chẳng đi được nữa, mà tôi không còn thấy trong anh cái khát khao phải “xê dịch” như trước kia nữa.

Rồi anh M cũng chú trọng hơn vào việc chăm chút căn phòng của mình. Để có thể đi đến mọi nơi chỉ bằng việc ở nhà.

Tôi được biết rằng những thành viên khác trong công ty cũng vậy, cũng chăm chút căn phòng của mình. Họ cũng thích ở nhà, và chủ yếu những cuộc đi chơi chỉ xoay quanh người thân và… người trong MB. MB mọi lúc, như thể họ chả bao giờ biết chán vậy.

Có vài hôm chúng tôi “phải” ra ngoài cùng nhau, như công ty đi ăn tiệc cuối năm, hoặc được đối tác mời đến một buổi tiệc nào đó của họ. Mười mấy thằng cứ kiểu “à ừ ở đây cũng vui đấy, sang trọng đấy, đồ ăn ngon đấy, nhưng mà bao giờ mới được về…”. Tất nhiên chúng tôi sẽ hòa nhập vào không gian sớm thôi, nhưng không phải lúc nào ta có thể làm gì đó, và thực sự đã làm nó, cũng có nghĩa là ta đang thích việc làm ấy.

Chúng tôi thích cảm giác cùng ngồi chơi game trên văn phòng, cùng đi đá bóng, cùng tụ lại chơi ma sói hoặc những buổi vui chơi nội bộ chỉ gồm những thành viên MB. Vì chỉ ở đấy, những câu chuyện đứng giữa lằn ranh giữa nhạt nhẽo và sâu sắc, những ý tưởng điên điên khùng khùng mới có thể được bộc phát ra một cách tự nhiên và không chút ngại ngần.

Hoặc đôi khi là cả những buổi ngồi cùng nhau nhưng mỗi người làm một việc hoặc, thậm chí chẳng cần biết đến sự tồn tại của người kia nhưng vẫn vui. Đôi lúc người chúng ta tìm kiếm để ở cạnh bên không phải là người để ta có thể nói bất kỳ điều gì, còn phải là người ta không phải nói bất kỳ điều gì.

Ngoài việc thích bên cạnh những người chỉ-cần-sự-hiện-diện-của-họ-đã-đem-lại-sự-thoải-mái, phần lớn thời gian tôi đánh giá cao việc ở một mình. Vì ở nhà là lúc ta có thể yên lặng suy nghĩ, và sự lặng yên ấy không gây phiền hà đến ai. Đôi lúc tôi cũng ngẩn người ra trong những cuộc vui thiếu vắng sự thoải mái, và sự ngẩn người ra ấy phần nào cũng kiến tạo nên sự thiếu thoải mái cho tất cả mọi người ở đó. Và như vậy chẳng nên chút nào.

Vì thế, tử tế nhất cho chính mình, và cho người khác, vẫn là ưu tiên đưa ra những lựa chọn thoải mái cho tất cả mọi người. Chính là ở một mình.

Nhưng tất nhiên mọi thứ không phải lúc nào cũng trơn tru thế. Cuộc sống của chúng ta đang sống có cách vận động không những phức tạp, trong phần lớn thời gian còn không theo ý mình. Mọi thứ cứ đan cài lẫn nhau và dù không hề muốn cũng như không bao giờ yêu cầu, mọi người luôn liên quan đến nhau ở mức độ nào đó. Đó là lý do không phải bạn cứ rào trước “tôi không có ý muốn ảnh hưởng đến mọi người, nhưng…” là xong, vì khoảnh khắc bạn mở miệng ra nói câu ấy đã ảnh hưởng đến mọi người; cũng như trong thời điểm hiện tại, việc ta ra đời đã gián tiếp đặt lên ta những trách nhiệm và liên kết xã hội không thể vứt bỏ hay khước từ. Vì thế, không phải cứ ở một mình là hay, là được.

lối sống, nhận định, tâm lý học, những người chỉ thích một mình ở nhà, ghét chốn đông người

Ở nhà là lúc ta có thể yên lặng suy nghĩ, và sự lặng yên ấy không gây phiền hà đến ai.

Chúng ta có những cuộc gặp không thể từ chối, những cuộc gặp có ích chứ không phải kiểu gây phiền hà nhé, chỉ là chúng lấy đi hơi nhiều năng lượng. Tôi, cũng như những thành viên khác của MB, tất nhiên dù rất muốn ở nhà hoặc ở cùng những người mình cảm thấy thoải mái, nhưng vẫn đáp ứng việc có những buổi gặp quan trọng để giúp bản thân (và người khác, và cuộc sống này) trở nên tốt đẹp hơn.

Chúng tôi vẫn gặp khách hàng, gặp đối tác, đi hội thảo, dự những buổi họp quan trọng, tham gia các buổi gặp cộng đồng… khi cần thiết. Và ngay cả khi việc ra khỏi nhà gặp gỡ người khác không phải điều chúng tôi khao khát, nhưng luôn xuất hiện ở những buổi gặp ấy với sự chú tâm và ‘performance’ tốt nhất có thể.

Tôi không thích việc phải xuất hiện theo hướng miễn cưỡng, cũng không thích những người như thế – những người luôn làm gì đó, nói gì đó, rồi lại tỏ ra như thể rất khó chịu và không thoải mái vì họ phải làm, nói điều ấy. Chi bằng đừng làm thế ngay từ đầu.

Chỉ là những buổi gặp này khá tốn năng lượng. Nó khiến ta cảm thấy lặng người, trống rỗng và mệt mỏi mất một lúc khi đã bước ra cổng để trở về nhà. Nhưng quả ngọt và những hiệu ứng tích cực từ các buổi gặp sau đó có thể giúp chúng ta vui trở lại. Việc gặp gỡ, cũng như bất kỳ hoạt động sống quan trọng tạo cảm giác không thoải mái nào khác, rốt cục, bí quyết vẫn nằm ở việc ta phải cố gắng bỏ thêm chút sức lực để làm cho tốt, rồi sau đó tận hưởng thành quả đạt được từ sự cố gắng ấy.

Nhưng việc ra ngoài gặp gỡ dù mất năng lượng, không phải hoàn toàn tiêu cực đến thế. Thậm chí đó còn là việc cần thiết cho những người vốn quen và thích ở nhà.

Chẳng hạn tôi vốn thích nằm nhà chơi game, đọc sách linh tinh, xem những chương trình pop-science như Cosmos: A Spacetime Odyssey, BBC Earth… cho đến đọc những article mà lúc đọc chẳng hiểu gì (và cũng phải chấp nhận việc bản thân không hiểu chứ chẳng thể làm gì khác hơn được). Nhưng tôi cũng biết rằng việc gặp người khác rất quan trọng, và hiệu quả. Họ có thể nói gì đó mới mẻ, gì đó khiến mình phải suy tư và điều gì đó một vài quan niệm lỗi thời trước nay của mình sụp đổ.

Như hôm trước, vô tình có buổi webinar trên Spiderum cùng Scarlet – một bạn nữ sinh năm 2001 người Canada gốc Việt rất tài năng, cựu thực tập sinh ở Google và top writer của Spiderum – tôi được nghe Scarlet kể rằng ở Google có một bác senior trước nay chỉ dùng ứng dụng nội bộ của Google và không-hề-biết đến sự tồn tại của những ứng dụng tương đương đang nổi tiếng ngoài kia. Vì mọi người ở Google đều phải dùng ứng dụng nội bộ và chỉ một vài bộ phận đặc biệt mới cần biết đến sự tồn tại của những ứng dụng đối thủ.

Đấy, chỉ riêng việc gặp Scarlet, tôi đã cùng lúc được nghe một câu chuyện mới mẻ thú vị, vừa tìm được tư liệu nêu ví dụ cho các bạn về chuyện cứ ở khư khư trong vùng an toàn có thể khiến bản thân bỏ lỡ thế giới ở mức nghiêm trọng như thế nào.

lối sống, nhận định, tâm lý học, những người chỉ thích một mình ở nhà, ghét chốn đông người

Cứ ở khư khư trong vùng an toàn có thể khiến bản thân bỏ lỡ thế giới.

Nhưng thực ra mà nói í, việc bỏ lỡ thế giới đôi khi không ảnh hưởng đến người bình thường lắm đâu, nhưng tôi thì có. Vì chúng ta không khó để gặp một vài người còn chả biết Brazil nằm ở đâu, nhưng họ vẫn giàu, vẫn giỏi ở lĩnh vực nào đấy và vẫn là người tử tế. Nhưng với những người ở MB, những người thường xuyên viết cho các bạn, nỗi sợ lớn nhất vẫn là việc để bản thân rơi vào trạng thái xem trời bằng vung, ếch ngồi đáy giếng và khước từ tri thức phức tạp còn ẩn sâu ở đâu đó.

Những người còn lại ở MB cũng thế, ngay cả những người không làm nội dung như artist hay animation cũng cần gặp gỡ người lạ để biết về những xu hướng mới, hoặc để tìm hiểu văn hóa công ty mọi người xem liệu MB mình đang làm việc có đặc biệt hay không, hay chỉ tuyên truyền thế thôi chứ thực ra công ty nào cũng thế (cũng làm việc 6h30/ngày và không bị công việc ảnh hưởng đến cuộc sống riêng)?

Vì thế, tôi và mọi người ở MB ngoài chuyện thích ở nhà, còn có một quan điểm rõ ràng từ đầu về việc phải có những thời điểm nào đó, gặp ai đó để bản thân bớt ngu ngốc và bảo thủ đi (xu hướng ngu ngốc và bảo thủ dần đều theo thời gian hiển nhiên lắm nên bạn đừng nghĩ nó sẽ chừa mình ra).

Nhưng những buổi gặp gỡ, trò chuyện và lắng nghe ấy, trước thì vẫn cần tự có kiến thức nền tảng (vốn phải tự tìm hiểu một mình), sau thì chỉ hữu ích khi có sự suy nghiệm (cũng là quá trình cần sự một mình). Thế nên việc gặp gỡ, một lần nữa, chỉ hiệu quả khi ta vốn đã giỏi chuyện ở một mình.

Một điều cần thiết để gặp gỡ mọi người khác nữa, thay vì chỉ gặp mọi người ở MB, vì đôi lúc sự thân thiết và cảm giác thoải mái có thể dẫn đến chuyện hiếm phản đối lẫn nhau, hoặc khó phản đối lẫn nhau. Ngay cả khi văn hóa ở đây thoải mái chuyện góp ý và phản đối lẫn nhau. Ngay cả khi thế. Đơn giản vì cuộc sống trước nay vốn không vận động đơn giản như cách chúng ta vẫn lý tưởng hóa. Không phải cứ mình cởi mở, thì người khác cũng cởi mở với mình.

Vì thế, dù chuyện tin tưởng và đề cao giá trị nội bộ vẫn luôn tồn tại song song, không thể phủ nhận rằng đôi lúc người lạ mới là người nói cho chúng tôi biết chính xác nhất những điểm MB còn thiếu sót hay thứ đang cần. Đôi lúc, chỉ một vài khoảnh khắc như thế, lại có thể giúp ích rất nhiều.

Chẳng hạn như hôm nay, ở phía dưới bài đăng này, sau một khoảng thời gian rất dài và trước thềm có những dự án mới mẻ hướng đến cộng đồng, hi vọng các bạn có thể để lại một vài gợi ý, đóng góp để MB ngày càng hoàn thiện hơn. Biết đâu đó chính là thứ có thể giúp ích rất nhiều cho tất cả chúng ta.

Link nguồn: facebook.com/teammonsterbox/posts/2762827430664672

Đăng bởi: Nguyễn Huyền

ALONGWALKER Singapore: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Philippines: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Indonesia: Saluran untuk mengeksplorasi pengalaman para pemuda global ALONGWALKER Malaysia: Saluran untuk menjelajahi pengalaman global belia ALONGWALKER Japan: 発見・体験、日本旅行に関する記事 ALONGWALKER Thailand: ช่องทางในการสำรวจประสบการณ์ของเยาวชนระดับโลก